10/03/2015
5689

  1. “Phải có ít là một khăn trải màu trắng trên bàn thờ. Trong mọi cử hành, trên bàn thờ hoặc gần bàn thờ, phải đặt hai, hoặc bốn, hoặc sáu chân nến, có nến thắp; nếu Giám mục Giáo phận cử hành Thánh lễ, thì đặt bảy chân nến… (RM, 117; x.  RM, 307).

2. “Khi đến bàn thờ, đặt Nến Phục Sinh trên giá đèn đã dọn sẵn giữa cung thánh hoặc gần giảng đài; linh mục về ghế, bỏ hương...” (Quy định Đêm Canh thức Phục Sinh).

3. “Chấm dứt Mùa Phục Sinh, nên mang Nến Phục Sinh đặt tại giếng rửa tội, để khi rửa tội thì đốt lên và châm nến cho người lãnh bí tích” (Quy định Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống).

 Từ những quy định trên, chúng ta có thể kết luận như sau:

1. Nến Phục Sinh chỉ đặt tại cung thánh từ Đêm Canh thức Vọng Phục Sinh đến hết Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Sau đó được đặt tại Giếng Rửa tội hay phòng áo, được đưa ra và thắp sáng trong Nghi thức Rửa tội hay đặt cạnh quan tài, phía đầu người quá cố trong thánh lễ an táng.

2. Nến Phục Sinh mang ý nghĩa biểu tượng khác với Nến thắp sáng bàn thờ trong cử hành thánh lễ. Vì vậy, không nên dùng Nến Phục Sinh thay thế Nến thắp sáng, để không làm giảm nhẹ biểu tượng của Nến Phục Sinh.

3. Vì vậy, để theo đúng Luật Phụng vụ, chúng con xin đề nghị như sau:

-    Trong Mùa Phục Sinh, dù đã có Nến Phục Sinh trong gian thánh, xin quý cha vẫn thắp sáng bàn thờ ít nhất là với hai cây nến.

-    Hiện nay, có lẽ muốn đơn giản và tránh nhiều khói làm ố gian thánh, một số nhà thờ chỉ dùng một cây nến, hình dáng giống Nến Phục Sinh, để thắp quanh năm cho bàn thờ trong mỗi cử hành phụng vụ. Điều này không nên, vì vừa làm lu mờ biểu tượng của Nến Phục Sinh, vừa không đúng với quy định của Sách lễ Roma: “…phải đặt hai, hoặc bốn, hoặc sáu chân nến, có nến thắp…”(RM, 117). Truyền thống Nghi lễ Roma thường dùng số nến chẵn, chỉ trừ trong thánh lễ do Đức Giám mục chủ sự thì thắp bảy cây nến[1].

 

Câu Hỏi 2: Các Thánh lễ trong Mùa Phục Sinh mà được phép chọn các bài đọc, Bài đọc I có được chọn trong Cựu Ước không? Trong Sách Bài Đọc cho các Thánh lễ ngoại lịch, lễ theo nhu cầu ... có ghi Bài đọc I trong Mùa Phục Sinh, trong đó, các bài được chọn từ Sách Công vụ Tông Đồ hoặc Sách Khải huyền. Vậy Luật Phụng vụ chỉ dẫn về vấn đề này như thế nào ?

 Mùa Phục Sinh diễn tả đặc tính đời sống mới trong Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng đã đến để hoàn tất lời loan báo của Cựu Ước và thiết lập Dân Mới là Hội Thánh.

Vì vậy, “Theo truyền thống Phụng vụ, thì trong Mùa Phục Sinh không đọc bài Cựu Ước, còn Phúc âm thì ưu tiên nên chọn bản văn Gioan”[2]

Các bài đọc trong thánh lễ và trong các Giờ Kinh Phụng Vụ đều trích từ Tân Ước, đặc biệt từ Sách Công vụ Tông Đồ, để trình bày về đời sống của Hội Thánh sơ khai trong sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.

Sách Bài Đọc Ngoại Lịch cũng trích Sách Công vụ Tông Đồ hay Sách Khải Huyền để làm Bài đọc I trong các thánh lễ chung về Đức Mẹ và Các Thánh, và trong các Thánh lễ có Nghi thức riêng...

Vì vậy, xin quý cha dựa vào Sách Bài Đọc Ngoại Lịch để chọn Bài Đọc I từ Sách Công vụ Tông Đồ hay Sách Khải Huyền cho những thánh lễ mà quý cha được tùy ý chọn lựa các bản văn Kinh Thánh như Thánh lễ Tạ ơn, Thêm Sức, An Táng và Hôn Phối...

 

3. Việc đọc Lời Tổng Nguyện trong thánh lễ thế nào?

 Quy chế tổng quát (QCTQ) Sách lễ Rôma, số 54 viết: “Vị tư tế mời giáo dân cầu nguyện; và mọi người cùng vị tư tế thinh lặng trong giây lát, để ý thức mình đang ở trước thánh nhan Chúa và có thể gợi lên trong tâm hồn các ước nguyện của mình. Rồi vị tư tế đọc lời nguyện, thường được gọi là Lời ‘Tổng Nguyện’ diễn tả đặc tính của buổi lễ...”

“Trong thánh lễ, luôn luôn chỉ đọc một lời nguyện nhập lễ (Lời Tổng Nguyện)”.

QCTQ Sách lễ Roma, số 363 viết: “Trong bất cứ thánh lễ nào, nếu không ghi chú cách khác, chỉ được đọc các lời nguyện của lễ đó...”

Như vậy, trong mọi thánh lễ, chỉ được đọc một Lời nguyện Nhập Lễ; không được phép ghép hai Lời nguyện Nhập Lễ lại để đọc và càng không được tùy tiện thêm bớt vào Lời Nguyện. Nếu hai lễ trùng nhau, thì chọn bậc lễ nào ưu tiên để cử hành.

 

Lm. Giuse Đinh Văn Huấn


[1] Peter J. Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, Ignatius Press, San Francisco 2005, 66.

[2] Nghi Thức Phong chức Giám mục, Linh mục và Phó tế  , tr. 210.

 


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...