THỨ TƯ LỄ TRO
Lời Chúa: Ge 2, 12-18; 2Cr 5, 20 – 6,2; Mt 6,1-6.16-18
1. Chay tịnh (Lm. Thái Nguyên)
2. Giải giới để trở về con người thật (Jorathe Nắng Tím)
3. Sống mùa yêu thương qua cầu nguyện, ăn chay, bố thí (Lm. Ngọc Dũng, SDB)
4. Ăn chay như Chúa muốn (Lm. Xuân Hy Vọng)
Lm. Thái Nguyên
Suy niệm
Mỗi khi Mùa Chay về, chúng ta nghe văng vẳng bên tai lời Chúa mời gọi: “Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van” (Joel 2,12). Để thể hiện sự trở về một cách cụ thể, Chúa Giêsu nói đến ba việc đạo đức quan trọng của người Do Thái, đó là cầu nguyện, bố thí, ăn chay. Đây cũng là ba việc quan trọng thường xuyên của người Kitô hữu, chứ không phải đợi đến Mùa Chay mới làm. Nhưng Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta quan tâm cách đặc biệt với tinh thần sám hối. Cầu nguyện là làm mới lại tương quan với Thiên Chúa; Bố thí là làm mới lại tương quan với tha nhân; Ăn chay là làm mới lại tương quan với chính mình. Đây là ba chiều kích làm nên một đời sống thánh thiện của đời Kitô hữu.
– Điều quan trọng nhất là cầu nguyện. Cầu nguyện là những giây phút kết hiệp mật thiết với Chúa. Đỉnh cao của việc cầu nguyện là thánh lễ, sau đó là những giờ cầu nguyện riêng của ta trong ngày như sáng, tối, trưa, chiều, và được nối dài trong mọi giây phút của đời sống. Như thánh Phaolô nói: dù khi ăn, dù khi uống, dù khi làm việc gì, chúng ta cũng làm trong sự kết hợp với Chúa. “Cầu nguyện để học biết cách khước từ sự sùng bái thần tượng cũng như tự mãn về cái tôi của mình, đồng thời thú nhận rằng, chúng ta cần tới Thiên Chúa và Lòng thương xót của Ngài”. (Sứ điệp Mùa Chay 2019).
– Bố thí là chia sẻ tiền bạc, thời giờ, sức khỏe, tâm trí cho mọi người cần đến, nhất là những người nghèo khổ, một sự chia sẻ đầy yêu thương kính trọng, vì biết rằng đó là bổn phận của chúng ta là những anh chị em con cùng một Cha trên trời. “Chia sẻ bác ái để tự giải thoát khỏi tính ngông cuồng, khiến chúng ta chỉ sống cho mình, với ảo tưởng rằng mình sẽ có được một tương lai bảo đảm, trong khi tương lai đó không thuộc về chúng ta” (Sứ điệp Mùa Chay 2019). Chia sẻ bác ái đem lại cho chúng ta niềm an vui hy vọng, vì ngày phán xét, Chúa cũng dựa vào đó để quyết định về số phận mỗi người.
– Ăn chay là hãm dẹp và tiết chế những thỏa mãn đang bào mòn đời sống tâm hồn chúng ta. Theo thời gian, ta khó lòng mà tránh được tình trạng suy thoái, xuống cấp, và nhiều thứ hư hao khác trong đời sống tinh thần, ngoài ra còn chất thêm những bất đồng, mâu thuẫn với chính mình, dường như không còn là mình vì những lôi kéo chạy theo thế tục.“Ăn chay có nghĩa là học để thay đổi thái độ của chúng ta đối với người khác cũng như đối với mọi loài thụ tạo: từ cơn cám dỗ muốn “ngấu nghiến” mọi thứ để thỏa mãn sự thèm muốn của mình, đến chỗ có khả năng hy sinh vì tình yêu, và khả năng lấp đầy sự trống rỗng của con tim chúng ta” (Sứ điệp Mùa Chay 2019). Nhờ vậy ta biết dâng hiến chính mình cho Chúa và tha nhân sâu xa hơn.
Cả ba việc cầu nguyện, bố thí, ăn chay đều có tương quan chặt chẽ với nhau, là ba trong một và cũng là một trong ba. Nghĩa là khi ta tha thiết yêu chuộng sự cầu nguyện thì tự nhiên trái tim ta cũng mở rộng ra với tha nhân, và càng quyết tâm chay tịnh để đổi mới đời sống mình. Khi làm tốt một việc, ta sẽ dễ làm hai việc còn lại hơn. Để ba tương quan này gắn kết với nhau, điều kiện đã được Chúa Giêsu nói rõ đó là: nội tâm. Canh tân nội tâm vẫn là trọng tâm của Mùa Chay. Những việc chúng ta làm trong Mùa Chay xuất phát từ sâu thẳm của tâm hồn hướng lên Thiên Chúa và hướng đến anh em, chứ không phải là những hình thức bên ngoài.
Chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình 40 ngày Mùa Chay, không chỉ ăn chay hay giữ chay, mà là sống chay, nói lên một tinh thần chay tịnh, nghĩa là luôn biết hãm mình, nhẫn nhục, hy sinh, từ bỏ, không chỉ để gột rửa bản thân khỏi những hư hèn mà còn để biểu hiện một tình yêu cao độ, trong sự dâng hiến cho Thiên Chúa, như chính Đức Giêsu ngày xưa trong sa mạc 40 đêm ngày. Chính tình yêu đó đã khiến Đức Giêsu dấn thân hoàn toàn cho công việc cứu chuộc theo kế hoạch của Chúa Cha, thì cũng chính tình yêu đó khiến chúng ta dám sống thánh ý Chúa trong cuộc đời, và dấn thân cho sứ mạng Kitô hữu, để niềm vui ơn cứu độ lan tỏa đến mọi người xung quanh.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Tôn giáo nào cũng nhắm đến ăn chay,
là điều cần để tu luyện bản thân,
vì môi trường và ích lợi tha nhân,
để nâng cao một đời sống tinh thần.
Chúa cũng đã ăn chay trong sa mạc,
để tâm hồn được thanh khiết an nhiên,
để cho mình được sáng suốt khôn ngoan,
theo ý Cha với tình mến vô vàn.
Đã có lần môn đệ gặp quỉ dữ,
nhưng các ông không đủ sức để trừ,
cuối cùng cũng không biết phải làm sao,
Chúa cho thấy phải ăn chay cầu nguyện.
Chúng con cũng ăn chay để nói lên,
một tấm lòng ăn năn và sám hối,
để tiết chế và diệt trừ tội lỗi,
nhưng ăn chay không chỉ có thế thôi,
vì Chúa đã mở ra một đường lối,
cho con thấy được ý nghĩa thâm sâu.
Cũng chính là mục đích rất nhiệm mầu,
là chính Chúa trung tâm cuộc sống mới,
là cuộc sống tin yêu rất cao vời,
nên con ăn chay là vì lòng mến Chúa,
để mong chờ ngày tái lâm giáng thế,
hưởng phúc quê trời thoát khỏi bến mê.
Có biết bao lôi cuốn và cám dỗ,
khiến đời con bị gió đẩy sóng xô,
thuyền đời cứ loay hoay không bến đỗ,
nếu con không chay tịnh dễ sa chìm.
Xin cho con một đời tìm kiếm Chúa,
đợi trông Ngài trong hy vọng bình an,
dù gian nan hay giăng mắc lầm than,
trong tin yêu con vẫn sống vững vàng. Amen.
GIẢI GIỚI ĐỂ TRỞ VỀ CON NGƯỜI THẬT
Jorathe Nắng Tím
Con người được Thiên Chúa kêu gọi trở về, vì con người đã xử dụng sai tự do của mình mà bỏ Thiên Chúa, và từ chối đi trên đường Chân Thiện Mỹ của Ngài, khi nghe lời dụ dỗ của Thần Dữ và đi qúa xa trên tử lộ.
Sở dĩ Thần Dữ dụ được con người đi theo chúng, vì chúng biết đã là người thì ai cũng ích kỷ, cũng muốn thống trị thiên hạ, cũng mong được mọi ngưòi tung hô, thần tượng, phục vụ, như Evà đã sập bẫy Xatan vì nghe hắn tỉ tê, mồi chài: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3,5).
Lời cám dỗ đường mật thật tinh vi: tinh vi vì cả một viễn tượng “lên đời” được mở ra khi Evà thấy mình và chồng sẽ không còn “phải” là người nữa, nhưng sẽ được trở thành “những vị thần biết hết mọi sự”. Theo ngôn ngữ Kinh Thánh: “biết điều thiện điều ác” nghĩa là biết hết mọi sự, và “biết” còn hàm ý “làm được”, nên không còn gì phải nói, nếu đang từ vị thế “làm người” không biết nhiều sự, nhiều điều bỗng chốc nhảy vọt lên địa vi “thần thánh” biết và làm được mọi sự.
Sa lưới Thần Dữ, Evà đã lôi kéo chồng và cùng chồng bước vào đời sống ảo, khi từ chối làm người như được Thiên Chúa dựng nên, và tìm cách trở nên “thần thánh” như ma qủy đề nghị, mở đường. Đó chính là lý do con người luôn tìm mọi phương tiện, và cách thế để trang bị cho mình “khả năng làm thần thánh”, vũ khí đe dọa, trù dập, thống trị người khác, và ý muốn sôi sục xây dựng “cái tôi” thành “thần tượng bất khả thay thể” và củng cố vinh quang, quyền lực của bản thân thành “pháo đài bất di bất dịch”.
Đức Giêsu đến trước hết để giải thoát chúng ta khỏi “ảo tưởng, ảo ảnh, ảo vong” được thế lực của Hoả Ngục vẽ ra, bằng đưa chúng ta trở về con người thật, trở về đời làm người, trở về vị thế tốt nhất là “vị thế người” mà Thiên Chúa đã chọn cho chúng ta khi sinh ra chúng ta.
Sở dĩ ma quỷ đã làm chúng ta sợ làm người, ngao ngán đời người, khinh bỉ, xa tránh người đời, và tìm mọi cách đẩy chúng ta vào tình trạng tự kết liễu cuộc đời bằng gây ra trong chúng ta tâm trạng “đời đáng nôn mửa, đời vô nghiã, vô vị, đời đau khổ, bế tắc”, vì chúng biết Thiên Chúa yêu con người, yêu cuộc đời, trân qúy đời làm người, bằng chứng là “Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người và ở giữa chúng ta” (Mt ). Vì thế triệt hạ giá trị của con người và đời người, cũng như phá hủy ý nghĩa cao đẹp và thánh thiện của “làm người” bằng thủ đoạn, thủ thuật “gây mê”, tạo nên những mơ ước hão huyền “đời thần thánh” để thoả mãn bản năng ích kỷ và thống trị ở con người, Thần Dữ Xatan đã đi một quãng đường mê hoặc tài tình và rất dài bên con người và nhiều người trong chúng ta đã dại dột “vui vẻ đồng hành” với chúng.
Bước vào Mùa Chay là mùa trở về, Đức Giêsu đề nghị chúng ta trở về với con người thật của mình là điều kiện để trở về với anh em và với Thiên Chúa, vì không nhận diện chân thực và đối diện chân thành với mình, chúng ta không thể nhận ra Thiên Chúa là Cha nhân hậu và mọi người là anh em cùng một Cha trên trời của chúng ta.
Và lời đề nghị của Đúc Giêsu chính là đề nghị chúng ta sử dụng tự do của mình để giải giới những vũ khí Thần Dữ đã trang bị cho chúng ta:
1/ Giải giới vũ khí phô trương, khoe khoang cốt làm nổi “cái tôi vĩ đại”:
Vì đó là cách ma quỷ đẩy chúng ta xuống hố kiêu căng, tự mãn, để lấy đi giá trị thật của chúng ta là “con người và con Chúa”. Thay vào vũ khí “ảo” của ma quỷ là vũ khí “khiêm nhường, kín đáo” của Thiên Chúa: khiêm nhường, kín đáo đến độ “khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6, 3).
2/ Giải giới vũ khí giả hình trước mặt Thiên Chúa:
Ma quỷ luôn gieo vào lòng chúng ta “ảo tưởng thánh thiện”, khi chúng ta cầu nguyện cốt để chúng ta lọt vào cạm bẫy kiêu căng, tự coi mình là thánh, xứng đáng hơn mọi người, như người Pharisêu đã lên mặt khinh bỉ người thu thuế ngay trong lời cầu nguyện của mình, khi cả hai cùng cầu nguyện trong Đền Thờ (x. Lc 18,9-14). Thay vào vũ khí “ảo thánh thiện”, “anh em hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo … và thấu suốt những gì kín đáo” (Mt 6, 6).
3/ Giải giới vũ khí “khẩu trang, mặt nạ” trước anh em:
Đóng kịch là “khả năng nổi trội” của chúng ta trong tương quan với người khác: cần nhờ vả thì mang bộ mặt ngoan ngùy, tội nghiệp của kẻ ăn xin, đầy tớ, nô lệ; cần trấn áp thì mặc “đồng phục” chấp pháp, quan toà, cai ngục; cần khai thác, lừa đảo, mua chuộc thì mang mặt nạ nhân ái, chân chất, thật thà; cần vu khống, nói hành nói xấu, tung tin thất thiệt thì sẵn khẩu trang che kín miệng lưỡi ác độc, chua ngoa. Thế nên chẳng mấy khi ta để lộ mặt thật trước người khác, và hầu như suốt đời phải liên tục “diễn sâu, diễn khéo, diễn toàn tập” mà không biết mệt mỏi.
Chính vì diễn quen, quen diễn đến độ không còn phân biệt thật giả, nên chúng ta đánh mất cả tính lương thiện trong khi làm việc đạo đức như ăn chay, là việc làm hoàn toàn tự do, tự nguyện, tự phát, và riêng tư, cá nhân. Bằng chứng là có nhiều người “làm bộ rầu rĩ .. tỏ ra vẻ thiểu não để thiên hạ thấy họ ăn chay” (Mt 6, 16).
Đề nghị trở về con người thật, với bộ mặt thật của mình, Đức Giêsu kêu gọi chúng ta “khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch”, tức tháo gỡ khẩu trang, mặt nạ, và giũ bỏ son phấn, đồng thời “chải đầu cho tươm tất, thơm tho” để xứng là một con người có giá trị, mà cái giá cao nhất ở con người là sự chân thực, chân thành trong tương quan.
Chịu tro trên trán hay trên đầu trong ngày lễ thứ Tư Lễ Tro, khởi đầu Mùa Trở Về, chúng ta xin Chúa dẫn chúng ta trở về với con người thật được tác tạo từ bụi tro, nhưng thân xác bụi tro ấy, vì nhận “hơi thở của Thánh Thần” nên được mời gọi trở nên con Thiên Chúa, Đền Thờ của Thiên Chúa, môn đệ của Thiên Chúa làm người để đi với Ngài trên đường Yêu Thương – Phục Vụ là con đường Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa kêu gọi tất cả chúng ta “lên đường” bằng liên lỷ giải giới vũ khí ích kỷ, thống trị để trở về với Ngài.
CẦU NGUYỆN, ĂN CHAY, BỐ THÍ
Lm. Ngọc Dũng
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội bắt đầu mùa chay thánh. Thánh Phaolô trong bài đọc 2 xem mùa chay là mùa hồng ân, mùa cứu độ: “Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu. Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cor 6:1-2). Mùa chay bắt đầu với Thứ Tư Lễ Tro. Trong phụng vụ hôm nay, chúng ta sẽ thực hiện hai hành vi quan trọng sau: “xức tro” và “giữ chay kiêng thịt.” Chúng ta cùng nhau tìm hiểu cách ngắn gọn ý nghĩa của hai hành vi quan trọng trên dựa vào lời Chúa của ngày hôm nay.
Theo truyền thống của người Do Thái, họ xức tro trên đầu [và mặc phải thô] để khóc than cho người chết và khóc than cho tội lỗi của họ. Nói cách khác, việc xức tro lên đầu là dấu hiệu của việc ăn chay và sám hối. Trong phụng vụ hôm nay, hình ảnh tro được sử dụng để nhắc nhở chúng ta về thân phận bụi đất yếu đuối, về những tội lỗi chúng ta đã xúc phạm đến Chúa. Khi thừa tác viên xức tro trên đầu chúng ta, họ đọc một trong hai công thức sau: (1) “Hãy nhớ bạn là bụi tro, một mai bạn sẽ trở về tro bụi”; (2) “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Tuy nhiên, ý nghĩa chính của toàn bộ mùa chay và của thứ tư lễ tro hôm nay được diễn tả rõ ràng trong bài đọc 1 của ngôn sứ Giôen: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van” (Ge 2:12). Việc xức tro, khóc lóc, ăn chay, cầu nguyện hoặc bố thí là diễn tả bên ngoài của hành vi “hết lòng trở về với Chúa” qua việc “xé lòng chứ đừng xé áo” (Ge 2:13). Như vậy, mùa chay nói đến hành trình nội tâm [trở về với Chúa] hơn là hành trình bên ngoài [ăn chay, kiêng thịt]. Đây là hành trình trở về [metanoia] để cảm nghiệm Thiên Chúa là Đấng “từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ” (Ge 2:13). Thánh Phaolô trong bài đọc 2 diễn tả hành trình này như sau: “Nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cor 5:20-21). Tóm lại, hành vi xức tro nhắc nhở chúng ta hai điều: Thứ nhất là thân phận yếu đuối tội lỗi của chúng ta, và thứ hai là tình thương vô biên và lòng thương xót đầy khoan dung của Thiên Chúa.
Việc quan trọng thứ hai chúng ta phải thực hiện hôm nay là giữ chay thánh. Bài đọc 1 viết: “Hãy rúc tù và tại Xion, ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng” (Ge 2:15). Người Do Thái giữ chay để cầu xin Đức Chúa nhớ đến họ như là dân riêng của Ngài, nhớ đến những công trình kỳ diệu mà Ngài đã làm cho họ để một lần nữa tỏ lòng khoan dung tha thứ cho lỗi lầm họ đã phạm đến Ngài (x. Ge 2:16-18). Như vậy, việc ăn chay không mang tính cách “quy thân” [tập trung vào mình], nhưng là “quy Thiên” [hướng về Thiên Chúa]. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dạy rằng: “Việc ‘ăn chay’ được thực hiện với những lý do khác nhau như là chữa bệnh, giảm cân và những lý do khác. Nhưng ăn chay với những mục đích như thế không giải thoát chúng ta khỏi cái tôi ích kỷ của mình. Ăn chay là để giải phóng chính mình khỏi khỏi cái tôi để hoàn toàn tự do cho Thiên Chúa và cho người khác nữa. Như vậy, việc ăn chay của người Kitô hữu phải là một cuộc xuất hành mang tính giải phóng khỏi chính cái tôi. Điều này có nghĩa là mùa chay cũng phải là mùa sinh hoa trái qua những công việc tốt chúng ta thực hiện cho người khác, nhất là việc bố thí. Chúng ta hãy nhớ rằng: Thiên Chúa sẽ không dủ lòng thương xót đối với chúng ta khi chúng ta no đầy, sung túc còn những người chung quanh lại đang đói khát và thiếu thốn.”
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta ba công việc đạo đức chính của mùa chay, đó là bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Ba công việc đạo đức này diễn tả tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và tạo nên sự biến đổi tận căn trong đời sống nội tâm của chúng ta. Cả ba lời dạy của Chúa Giêsu về bố thí, cầu nguyện và ăn chay có cùng cấu trúc: Không làm vì động lực bên ngoài [tìm sự khen ngợi của con người] – tránh thái độ đạo đức giả – làm mọi sự với trọn cõi lòng [cách kín đáo và thành thật để chỉ tìm phần thưởng từ Thiên Chúa]. Cấu trúc này được trình bày trong câu đầu tiên của Tin Mừng hôm nay: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng” (Mt 6:1). Chúng ta chỉ hiểu điều này khi đặt đoạn Tin Mừng này vào bối cảnh Chúa Giêsu thiết lập nền luân lý mới cho các môn đệ của Ngài, đó là, Bài Giảng Trên Núi (x. Mt 4:23-7:29).
Việc lành phúc đức thứ nhất là bố thí. Theo truyền thống Do Thái, bố thí thường được tổ chức cách có hệ thống vì nó là một trong ba cột trụ của thế giới. Vì được tổ chức cách có hệ thống, nên thường xảy ra tình trạng “khua chiêng đánh trống…trong hội đường và ngoài phố xá” (Mt 6:2). Chúa Giêsu không muốn điều này xảy ra với các môn đệ của Ngài. Ngài muốn họ vượt ra khỏi khuôn khổ, hệ thống khi làm điều tốt. Nói cách khác, Ngài muốn các môn đệ của Ngài làm điều tốt mọi nơi và cho mọi người cách âm thầm. Tuy nhiên, một chi tiết chúng ta cần lưu ý về việc bố thí là: Đừng bố thí cho người khác những thứ dư thừa hoặc những thứ chúng ta không dùng đến. Hãy bố thí cho người khác những thứ có giá trị đối với chúng ta. Như vậy, chúng ta mới có ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa.
Việc phúc đức thứ hai là cầu nguyện. Cầu nguyện phải là sự hiệp nhất cá vị cách thành thật với Thiên Chúa. Cầu nguyện không mang lại gì cho Chúa, nhưng sinh ơn cứu độ cho chúng ta. Vì vậy, cầu nguyện là lương thực của đức tin. Lời dạy của Chúa Giêsu về việc cầu nguyện “cách kín đáo trong phòng” không có ý coi thường việc tôn thờ chung bởi vì chính Chúa Giêsu tham dự việc tôn thờ trong đền thánh và hội đường. Theo các học giả Kinh Thánh, “vào phòng, đóng cửa lại” khi cầu nguyện có nghĩa là “vào trong con tim” của mình để gặp Thiên Chúa ở đó và dùng ngôn ngữ tình yêu để đối thoại với Ngài vì Thiên Chúa là tình yêu (x. 1 Ga 4:8).
Việc phúc đức thứ ba là ăn chay. [Chúng ta đã trình bày điểm này ở trên, nên chúng ta chỉ trình bày thêm một chi tiết nhỏ dựa trên Tin Mừng]. Theo truyền thống Do Thái, ăn chay là việc đạo đức phổ biến. Nó có thể được thực hiện cách chung cả cộng đoàn hoặc riêng từng cá nhân. Người Do Thái không có mùa chay như chúng ta, nhưng họ có vài ngày ăn chay chung, nhất là lễ Yom Kippur (“Ngày Đền Tội”), và họ giữ chay riêng vào thứ hai và thứ năm. Tuy nhiên, Thánh Mátthêu trình bày cho chúng ta nét đặc trưng của việc ăn chay của chúng ta là niềm vui. Chúng ta vui vì, qua việc ăn chay, chúng ta chết đi cho cái tôi của mình và sống cuộc sống mới trong Đức Giêsu Kitô. Nếu việc ăn chay không làm cho chúng ta gần Chúa và trở nên giống Ngài hơn, thì chúng ta vẫn chưa ăn chay thật [chưa chết đi cho tội lỗi của mình].
Điểm cuối cùng chúng ta có thể rút ra để suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay là tránh lối sống giả tạo [bề ngoài] để sống thật. Khi đi mua đồ không ai trong chúng ta muốn mua đồ giả, và trong cuộc sống, không ai trong chúng ta muốn làm bạn với những người giả tạo. Chúng ta đến với Chúa cũng vậy, không được giả tạo. Đây là ý nghĩa của mùa chay: là mùa mời gọi chúng ta sống “thật” với ơn gọi làm Kitô hữu của mình [sống “thật” với ơn gọi thánh hiến của mình]. Cụ thể hơn, thái độ sống thật này được Chúa Giêsu mời gọi trong cả ba công việc chính yếu của mùa chay: Làm việc lành phúc đức [bố thí], cầu nguyện và ăn chay. Hãy tránh thái độ “đạo đức giả” (x. Mt 6: 2, 5, 16)!
Lm. Xuân Hy Vọng
Giữa xã hội biến chuyển nhanh chóng, những suy nghĩ cộng gộp và gán ghép cũng nảy sinh. Không ít người Ki-tô hữu cho rằng: việc ăn chay Công giáo cũng giống như lối ăn chay bên Phật giáo, tương tự với cách ăn chay để giữ gìn sức khoẻ, tiết dục, rèn luyện tính khí, và tệ hơn, ăn chay tựa như ăn kiêng, ăn khem, ăn ít lại về số lượng cũng như giảm bớt thịt thà, v.v…
Nếu đặt lối ăn chay giảm bớt về số lượng và kiêng thịt vào trong xã hội của Nhật Bản, thì chắc hẳn ăn chay kiểu này chẳng cần phải từ bỏ, hy sinh gì cả; bởi lẽ người Nhật chuộng cá hơn thịt động vật, cho nên văn hoá ẩm thực của họ hầu hết các món ăn sống như sashimi (cá sống với washabi), sushi (cơm cuộn với cá sống, washabi)…Còn về số lượng thức ăn, thì họ lại ăn rất ít, có khi chỉ cần một nắm cơm với rong biển khô (onigiri). Hơn nữa, dân số Nhật Bản già nhiều hơn trẻ, cho nên ăn uống ít thịt thà, ít về số lượng là lẽ thường tình!
Nói như vậy để chúng ta là những người Công Giáo biết ăn chay thế nào cho đúng cách, và đẹp lòng Chúa. Tiên tri I-sai-ah đã nói rất rõ ràng về cách ăn chay chân chính, và phân biệt lối ăn chay mà Chúa không hề mong muốn: “Chúng nói: “Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy, chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay?” Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chẳng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa?” (Is 58, 3-5). Miệng ăn chay, nhưng lòng không hoán cải. Ăn chay lòng, nhưng vẫn hành động bạo tàn, ngược đãi, đôi co cãi vã, xung đột, bạo lực, kiếm lợi lộc cá nhân bất chấp điều công minh chính trực. Ăn chay chỉ bên ngoài (khổ chế, cúi rạp đầu, nằm trên vải thô và tro bụi), còn tâm hồn thì xa rời giáo huấn của Thiên Chúa. Phải chăng như thế mà gọi là ăn chay đẹp lòng Chúa sao? (x. Is 58, 5). Đối ứng với điều này, chúng ta thật chú tâm lắng nghe Lời Chúa nói qua ngôn sứ Giô-en: “Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta…Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Ngài từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương” (Ge 2, 12-13). Ăn chay đúng nghĩa trước hết là thật lòng quay về với Chúa, bỏ đường tội lỗi bất chính, cải hối tự tâm, đứng dậy trở về với Ngài.
Hơn nữa, cách ăn chay mà Chúa mong muốn không khác hơn là lời Chúa vang vọng qua ngôn sứ I-sai-ah: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58, 6-7). Tắt một lời, ăn chay đúng nghĩa là làm việc bác ái, hướng tới tha nhân (mà Tin Mừng gọi là bố thí), tha thứ bao dung với anh chị em, rộng lượng giúp đỡ người khác cách cụ thể. Khi ăn chay, thay vì ngó lơ, thì chú tâm, quan tâm đến tha nhân. Khi ăn chay, thay vì khước từ nhu cầu của anh chị em (mặc dù có khả năng chia sẻ), thì đón nhận và chia san với họ. Khi ăn chay, thay vì làm ngơ người khác, thì ân cần hướng đến họ, v.v…Nếu chúng ta chỉ chú trọng đến việc giảm số lượng hoặc kiêng khem thịt thà mà quên đi cốt lõi của việc ăn chay là làm việc bác ái, thực thi yêu thương, tha thứ tha nhân, thì hành động mà ta gọi “ăn chay” đó trở nên vô ích, chẳng đẹp lòng Thiên Chúa. Nếu chúng ta đơn thuần chỉ tập chú vào dâng cúng của lễ, đóng góp rộng lượng đi chăng nữa, mà quên lãng việc thực thi ý Chúa qua đức ái, vị tha…thì quả thật đây là điều Chúa không ưa thích như Ngài nói qua lời ngôn sứ Hô-sê: “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (Hs 6, 6) và “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9, 13; 12, 7).
Ngoài ra, ăn chay đúng nghĩa không khác hơn là “làm hoà với Thiên Chúa” (x. 2Cr 5, 20), “đừng để ân huệ được lãnh nhận từ Thiên Chúa trở nên vô hiệu” (x. 2Cr 6, 1) và “tẩy rửa hồn xác cho sạch mọi vết nhơ, đem lòng kính sợ Thiên Chúa mà lo đạt tới mức thánh thiện hoàn toàn” (2Cr 7, 1). Nói cách khác, chúng ta đừng bao giờ quên sống liên lỉ, bền bỉ trong mối thân tình với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện thâm sâu, qua việc tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt Bí tích Thánh Thể và Giao Hoà (Xưng tội). Vì vậy, ăn chay chân chính, ăn chay theo lòng Chúa mong muốn, thì luôn gắn liền với đời sống cầu nguyện và làm việc bác ái (bố thí). Điều này Chúa Giê-su đã dạy các Tông đồ và chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Mt 6, 1-6, 16-18) như thể bộ ba trong một, tựa chiếc kiềng ba chân chẳng bao giờ ngã đổ. Chúng không thể tách rời, hoặc tách biệt khi thực hành trong đời sống đạo, đặc biệt trong đời sống tu đức. Và dĩ nhiên, kết quả của việc ăn chay đích thật này sẽ rất ư rõ rệt, mà Chúa đã phán hứa qua lời ngôn sứ I-sai-ah: “Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Ngài liền đáp lại: “Có Ta đây!” Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” (Is 58, 8-10).
Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta nhận tro trên đầu, dấu chỉ ăn năn sám hối, trở về với Chúa, và hân hoan bước vào Mùa Chay Thánh, mùa ân sủng, mùa thuận tiện thi ân thánh đức. Vì vậy, chúng ta thành tâm cùng nguyện cầu:
Chúa mời con bước vào ân tình
Dẫu bao phen đắm mình bụi nhơ
Chúa gọi con quay gót trở về
Nhà xót thương tràn trề ấm êm.
Chúa mời con hưởng niềm vui sướng
Mặc lấy tâm quy hướng về Ngài
Dù trước mắt tương lai bất định
Mãi một lòng trung trinh khôn ngơi.
Chúa mời con nghe Lời phán dạy:
Hoan lạc sống Mùa Chay thánh ân
Ăn chay lòng, canh tân đời sống
Cầu nguyện luôn, bước trong yêu thương. Amen!