02/04/2021
1943
Rao Truyền Ơn Phục Sinh
 
Sau ngày Chúa chịu chết, các môn đệ rơi vào một tình trạng thê thảm: buồn rầu, sợ hãi, chán nản, thất vọng.
Còn đâu niềm vui khi được ở bên người Thầy yêu dấu. Còn đâu an ủi khi thấy những người đói khát được ăn no, người bệnh tật được chữa lành, kẻ tội lỗi được tha thứ, người chết được sống lại. Còn đâu niềm hy vọng tràn trề khi chứng kiến ma quỷ bị xua đuổi.
 
Tất cả đã chìm vào quá khứ. Giờ đây sự ác đã chiến thắng, sự dữ đã thống trị. Cả một bầu trời tang tóc phủ trùm trên những người tin Chúa. Tâm hồn các ngài như đã chết. Niềm tin yêu hy vọng của các ngài như cùng bị chôn táng trong mộ với người Thầy yêu quý.
 
Giữa lúc ấy, Chúa sống lại khải hoàn. Chúa Giêsu Phục Sinh đã khiến cuộc đời các ngài thay đổi tận gốc rễ.
Khi tảng đá lấp cửa mộ tung ra cũng là lúc tâm hồn các ngài thoát khỏi màn đêm vây phủ. Khi gặp được Chúa Phục Sinh, tâm hồn các ngài bừng lên sức sống mới. Máu chảy rần rần. Tim đập rộn ràng. Mắt sáng. Miệng tươi.
 
Các ngài như người đã chết nay sống lại. Chúa Giêsu đã Phục Sinh tâm hồn các ngài. Sự sống mới của Chúa đã tràn vào các ngài. Ơn Phục Sinh đã được ban cho các ngài. Sự sợ hãi đã trở thành mạnh dạn. Sự yếu đuối đã trở nên mạnh mẽ. Sự thất vọng đã biến thành hy vọng. Nỗi sầu khổ đã biến thành niềm vui.
 
Cảm nghiệm ơn Phục Sinh rồi, các môn đệ không còn có thể ngồi yên trong căn phòng đóng kín cửa nữa. Các ngài mở tung cửa, hăng hái ra đi đem Tin Mừng Phục Sinh chia sẻ cho mọi người. Các ngài muốn vực dậy những mảnh đời đang chết dần mòn. Các ngài muốn phục hồi những tâm hồn đang héo úa. Các ngài muốn thế giới biến đổi trong một đời sống mới, tươi vui, hạnh phúc, dồi dào hơn.
 
Hôm nay Chúa muốn cho tất cả mọi người chúng ta, noi gương các Thánh Tông đồ, tiếp nối công việc của Chúa, đem ơn Phục Sinh đến với mọi người.
 
Có những người đang chết dần mòn vì không đủ cơm ăn áo mặc. Có những cuộc đời tàn lụi đi vì bệnh hoạn tật nguyền. Có những tấm thân gầy mòn vì lao lực vất vả. Có những cuộc đời trẻ thơ bị giam kín trong tăm tối thất học, nghèo nàn. Tất cả đang đợi chờ được Phục Sinh.
 
Có những tâm hồn đang ủ rũ vì buồn phiền. Có những mạch máu như ngừng chảy vì đau khổ. Có những trái tim đang tan nát vì bị phản bội. Có những cuộc đời cay đắng vì thất bại. Có những tương lai bị chôn kín trong những nấm mồ đen tối không lối thoát. Tất cả đang đợi chờ ơn Phục Sinh.
 
Nhất là có những tâm hồn đang lún sâu trong vũng lầy tội lỗi. Có những linh hồn đang tự huỷ hoại trong đam mê tiền bạc, quyền lợi, danh vọng. Có những niềm tin héo úa vì lạc hướng. Có những đời sống đang rỉ máu vì chia rẽ bất hoà. Có những cuộc đời đang chao đảo vì gặp khó khăn thử thách. Tất cả đang đợi chờ ơn Phục Sinh.
 
Đem Tin Mừng Phục Sinh đó là giúp cuộc đời anh em thoát khỏi những bế tắc, giúp cho linh hồn anh em được sống cao thượng và khôi phục niềm tin yêu của anh em vào Thiên Chúa, vào con người và vào cuộc đời.
 
Tuy nhiên, để có thể đem Tin Mừng Phục Sinh đến với mọi người, bản thân ta cần được Phục Sinh trước. Trong chính bản thân ta cũng đang chất chứa những mầm mống chết chóc đó là những tội lỗi, đam mê, dục vọng. Trong chính bản thân ta cũng đang ấp ủ những lực lượng tàn phá đó là thói kiêu căng, ích kỷ, chia rẽ, bất hoà, tham lam, bất công. Trong chính bản thân ta đức tin đang héo úa, lòng mến đang nguội lạnh, niềm hy vọng đang lụi tàn.
 
Để đón nhận được ơn Phục Sinh và để ơn Phục Sinh có thể thấm vào mọi ngõ ngách trong tâm hồn, ta phải cộng tác với Chúa, tẩy trừ mọi lực lượng sự chết ra khỏi tâm hồn ta. Cuộc chiến đấu sẽ khốc liệt vì ta phải chiến đấu với chính bản thân mình. Nhưng với ơn Chúa Phục Sinh trợ giúp, chắc chắn ta sẽ toàn thắng.
 
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
  1. Bạn có nhận thấy những lực lượng sự chết đang ở trong lòng người bạn không? Bạn có muốn loại trừ chúng không?
  2. Bạn có thấy ơn Phục Sinh là cần thiết không?
  3. Bạn có sẵn sàng đem ơn Phục Sinh cho mọi người không?
  4. Tuần này, bạn sẽ sống mầu nhiệm Chúa Phục Sinh thế nào?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 
Thứ  Năm Tuần Thánh
 
Yêu Thương Đến Cùng
 
Tông đồ Gioan khẳng định: giờ Đức Giêsu ra đi chịu chết chính là đỉnh điểm (kairos) đời sống của Con Người (xem Ga 12:27-34). Đó là thời điểm và cách thức mà Giêsu - Cứu Chúa có thể diễn đạt tình yêu của Thiên Chúa cách trọn vẹn nhất: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng”. Tình yêu đó sẽ ôm ấp mọi con người, không loại trừ bất luận người nào, trong trường hợp cụ thể này, nó ôm lấy luôn cả Giuđa lẫn Phêrô, những kẻ đang rắp tâm phản bội hoặc đã yếu đuối bội phản Thầy. Tình yêu Thiên Chúa bao dung và rộng mở vượt qua mọi biên giới; nhưng vấn đề chính ở đây là: liệu người ta có sẵn lòng đón nhận tình yêu đó hay không. Vấn đề này về mặt lý thuyết xem ra rất đơn giản, nhưng trên thực tế lại không dễ dàng được chấp nhận đâu. Câu chuyện Gioan tường thuật trong bài Tin Mừng hôm nay là một minh họa rất sắc nét: trước khi lên đường đi chịu chết Đức Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Điều xảy ra vào buổi chiều hôm đó, tuy nhiên nó cũng có thể tiếp tục xảy ra cho bất cứ ai, ở bất cứ đâu và vào bất luận thời đại nào!
 
Trong tấn kịch này, vai diễn Phêrô có phần nổi trội! Phản ứng của ông có thể là hoàn toàn riêng tư; nhưng chắc chắn nó cũng biểu lộ thái độ chung mà nhiều môn đệ khác (và cả chúng ta ngày nay) cùng chia sẻ: “Thầy mà lại rửa chân cho con sao? Không đời nào con chịu đâu!” Phản ứng này hoàn toàn hợp lý: vì làm sao người môn đệ có thể để cho ông thầy cúi xuống rửa chân cho mình? Nếu Đức Giêsu không hầu như ép buộc, “nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được vào chung phần với Thầy” thì có lẽ Phêrô sẽ chẳng bao giờ chịu chấp nhận, và các môn đệ khác cũng thế thôi.
 
Thế đấy, tin và chấp nhận một Thiên Chúa khiêm hạ tới độ hủy mình ra không không chỉ vì yêu thương tôi - một con người tội lỗi thấp hèn, là điều không dễ chút nào! Tôi dễ dàng chấp nhận một Thiên Chúa uy nghi cao cả đòi buộc tôi phải giữ, phải tránh điều này điều nọ; một Thiên Chúa phán truyền mệnh lệnh; một Thiên Chúa thưởng phạt công minh…, nói chung một Thiên Chúa bề trên, kẻ cả, nhưng tôi lại không thể chấp nhận nổi một Thiên Chúa đặt mình dưới cả tôi, trở nên thấp hèn hơn tôi, và sẵn sàng bị tước đoạt tất cả… một Thiên Chúa ngồi chiếu dưới chỉ để yêu thương tôi mà thôi! Tôi đã chẳng luôn sẵn có khuynh hướng tôn thờ kính sợ Thiên Chúa, nhưng lại rất ái ngại đi sâu hơn nữa vào ‘lòng thương xót đến cùng’ của Người hay sao? Xét cho cùng thì tôi vẫn thấy ‘thái độ kính sợ Đức Chúa’ của mọi tôn giáo nói chung và Cựu Ước nói riêng vẫn dễ chấp nhận, hơn là tinh thần tự hủy của Tân Ước, như Đức Kitô Giêsu đã từng thể hiện trên Thập Giá. Thiết tưởng, đây mới chính là ‘cớ vấp phạm’ lớn nhất của Thập Giá mà Phaolô đã đề cập tới, ngay cả đối với những người xưng mình là Kitô hữu (tức người có đạo) chứ không chỉ cho dân ngoại. 
 
Thế nhưng, đối với Đức Kitô, thì ‘cớ vấp phạm” ấy lại là điều kiện tiên quyết của Tin Mừng (conditio sine qua non), “nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được vào chung phần với Thầy”. Câu này là một khảng định chứ không phải một lời khuyên, lời mời chung chung! Và ‘chung phần với Thầy’ chính là tham gia vào cái thứ tình yêu độc nhất vô nhị mà chỉ một mình Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu Thập Giá mới có: yêu thương đến cùng, yêu tới độ hủy bỏ mình ra như không, đặt mình vào chỗ rốt hết trong thiên hạ hầu có thể trao ban và phục vụ. 
 
Thiết nghĩ: ít ai trong chúng ta (kể cả các linh mục, tu sĩ) đã không vấp phạm về điều này ít là một lần trong đời. Lấy một thí dụ nhỏ: có ai trong chúng ta đã từng nghĩ rằng: các việc bác ái mình làm nhiều khi thật nông cạn và chẳng Tin Mừng tí nào! Bao lâu ta còn chưa chịu để cho Chúa ‘rửa chân’ cho, bấy lâu ta còn thi hành một thứ bác ái trịch thượng của bậc kẻ cả, phục vụ đấy nhưng ta phải giữ thế thượng phong của kẻ ban phát. Riêng với các linh mục, cảm nghiệm này còn cụ thể hơn: chẳng hạn có bao giờ linh mục ngồi vào tòa giải tội mà mang lấy tư thế mình còn thấp hèn hơn cả các hối nhân tới xưng tội, hoặc tiến ra cử hành Thánh Lễ với cảm nghiệm Chúa lại cúi xuống rửa chân cho mình…, hoặc khi rước mình và máu thánh Chúa mà nghiệm thấy quá khủng khiếp vì được Chúa biến thành miếng ăn nuôi sống một con người tội lỗi và bất toàn như mình? Nhiều lần khi cho rước lễ tôi đã tận mắt chứng kiến việc Chúa đi vào các môi miệng, được trao vào các bàn tay mà đôi khi chính bản thân tôi còn thấy rờn rợn? Thế đấy, chính vì ‘để Thày rửa chân cho’ thường xuyên bị lãng quên mà bác ái rất ít khi thực sự là quên mình phục vụ, Thánh Lễ nặng về thờ phượng kính tôn hơn là “Người yêu thương họ đến cùng”, ‘Alter Christus’ mang nặng nội dung chức thánh địa vị hơn là ‘mục tử tự hiến’, “vào chung phần với Thầy” được cắt nghĩa là vào hưởng vinh quang thiên quốc hơn là tham dự vào tình yêu Thập Giá tự hủy của Đức Kitô; và còn nhiều điều khác nữa...
 
Bài học ‘rửa chân’ quả thật nghiêm trọng biết bao! thế nhưng thật đáng tiếc: nó thường bị coi là một biểu tượng cá biệt hơn là diễn tả hoàn hảo một mạc khải về tình yêu trao hiến phục vụ đích thực. Tệ hơn nữa nó còn bị chính cộng đoàn tín hữu thu hẹp vào nghi thức phụng vụ được cử hành trong Thánh Lễ ngày Thứ Năm Tuần Thánh… và rồi sau đó là kết thúc luôn, không còn được thực thi cách cụ thể trong cuộc sống đức tin của đời sống thường ngày!
 
Lạy Chúa Giêsu khiêm hạ vì yêu thương, xin cho con biết để cho chính con được Chúa rửa chân cho mỗi khi tiến ra cử hành Thánh Lễ, để con cũng được ‘chung phần’ với tình yêu đến cùng của Thập Giá. Vinh quang Thập Giá chính là vinh quang của tự hủy, và phải được tỏ rạng nơi mọi linh mục của Chúa, bây giờ và luôn mãi. Xin cho con, trước khi dám ‘cùng chết với Chúa’, biết khiêm tốn chấp nhận để Chúa chết và tự hủy ra như không vì con và cho con, chỉ vì ý thức được rằng: chính vì thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, mà Chúa đã làm điều đó. Amen
 
Thứ  Sáu Tuần Thánh
 
 
Chảy Đến Giọt Máu Cùng Nước Cuối Cùng
 
Phụng vụ luôn dành trình thuật thương khó của Gioan cho ngày Thứ Sáu Tuần Thánh vì bài này thâm thúy hơn và có một số chi tiết khác với các Phúc âm Nhất lãm; tuy nhiên sự khác biệt lớn hơn hết mà phụng vụ thánh muốn chúng ta lưu tâm và chia sẻ có lẽ chính là giọng văn và tình cảm của một nhân chứng đã tận mắt chứng kiến biến cố trọng đại ấy. Chính tác giả Gioan đã công khai tuyên bố: “Người đã xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin”.
 
Tất cả các chi tiết Gioan mô tả trong bài thương khó của ông đều rất cụ thể và sống động, chẳng hạn như chi tiết “Tôi khát!” Được chính mình trải nghiệm trong giờ hấp hối lâm sàng, tôi thấy điều này thật cụ thể: cơn khát của một người sắp chết thật khủng khiếp! Nói gì thì nói, trong cơn khát cháy họng, hầu như cả mạng sống của một người lệ thuộc vào chỉ một vài giọt nước mát… Chi tiết cụ thể và xác thực biết bao!
 
Nhưng trong số các chi tiết ông ghi nhận về cuộc thương khó, Gioan đặc biệt quan tâm tới hành vi: “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người, tức thì máu cùng nước chảy ra”. Về sự kiện này, Gioan khẳng định chính mắt ông đã chứng kiến cảnh tượng đó, vì nó hầu như đã làm thay đổi sâu xa lối suy nghĩ, và có lẽ chính cuộc sống của ông; đồng thời đó cũng là cốt lõi sứ điệp mà ông đã dành trọn phần còn lại của đời mình để loan truyền cho mọi người: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến… chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa” (1 Ga 1:1.3) …“Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian.” (1 Ga 4:14)
 
Để trả lời cho vấn nạn ‘sự cứu độ đó là như thế nào?’ Gioan khẳng định: “- Thưa, đó là một tình yêu dâng hiến trọn vẹn, yêu tới giọt máu cuối cùng, yêu bằng cả mạng sống mình”; còn đối tượng của tình yêu đó là ai? là con người đáng yêu, tốt lành và cao thượng chăng? - Thưa, không! Gioan tiếp tục: “Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một của Người đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.” (1 Ga 4:8-10) Nếu Gioan được mệnh danh là Tông Đồ tình yêu, thì tại là vì ông đã được tận mắt chứng kiến cảnh tình yêu đó được biểu lộ cách huy hoàng và triệt để nhất trên Thập Giá, trên đó Giêsu đã đổ tới giọt máu cùng nước cuối cùng vì yêu thương.
 
Còn Phaolô: tuy không có dịp được chiêm ngắm Thập Giá trực tiếp như Gioan, nhưng tất cả những gì ông biết được về Đức Kitô Giêsu lại chính là ‘Đức Kitô Thập Giá’; ông luôn miệng khảng định: ‘tôi không biết một Đức Kitô nào khác’. Nhìn lên Thập Giá, Phaolô đã nhận ra: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2:6-8) Riêng với bản thân, Phaolô đã cảm nghiệm cách thâm sâu: “tôi đặt niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng yêu thương tôi và phó nộp mình cho tôi, ngay cả khi tôi phản nghịch cùng Người”.
 
Nếu thế thì: chính tôi trong tư cách linh mục, tôi đã nhận ra điều gì nơi Thập Giá? Hơn cả Gioan chỉ đứng nhìn, hàng ngày tôi còn được diễm phúc cử hành Thánh Lễ, tức là cử hành sự tự hiến Thập Giá. Mỗi khi uống cạn chén Máu Thánh, được trực tiếp chạm vào máu và nước từ cạnh sườn Đức Giêsu chảy ra, tôi có nhận ra tình yêu tột cùng của Thiên Chúa dành cho một tội nhân như tôi không? Tôi phải tự hỏi: đối với tôi Thập Giá mang ý nghĩa sống còn, hay chỉ là một biểu tượng chung chung? Tôi có còn mơ ước hay khâm phục một Giê-su nào khác,như  một Giêsu quyền phép hay làm phép lạ chẳng hạn, một Giêsu rộng lượng thi thố tài năng và ban phát ân huệ, một Giêsu thông thái nghiêm nghị ngồi trên bục giảng, một Giêsu uy nghi đến trong vinh quang để xét xử… hơn là một Giêsu chịu đóng đinh vì yêu thương tôi không? Tôi sẽ chưa phải là linh mục của Đức Kitô (alter Christus), bao lâu tôi còn chưa chịu đóng đinh, chịu hiến mình… tới giọt máu cuối cùng như Người; được gọi là Linh Mục của Đức Kitô, và hàng ngày được cử hành Thánh Lễ, thực tế tôi đang là gì và làm gì trong cuộc sống mình?
 
Lạy Đấng chịu đóng đinh và phó nộp cả mạng sống mình vì con, xin làm cho con được như Gioan, tựa đầu vào lồng ngực đầy yêu thương, để rồi nhận ra trong đó đang thoi thóp một quả tim đã cạn kiệt tới giọt máu cuối cùng vì yêu thương con. Con cảm tạ Chúa vì hồng ân linh mục con đã được trao ban, trước hết là vì lợi ích của chính con: nhất là diễm phúc được cử hành hiến tế Thập Giá mỗi ngày. Xin cho con có cắp mắt và cõi lòng của Gioan; xin soi sáng và củng cố con để có được niềm xác tín và nhận thức của Phaolô, nhờ thế Thập Giá, phải, chính Thập Giá chứ không phải bất cứ gì khác, sẽ trở nên gia nghiệp và vinh quang lớn nhất của đời con. Amen
 
Canh Thức Vượt Qua
 
Ngôi Mộ Trống vs Cuộc Sống Mới
 
Ấn tượng mạnh nhất mà tôi có khi đọc bài tường thuật biến cố Phục Sinh của Marcô là nỗi kinh hãi của các chứng nhân đầu tiên, tức nhóm phụ nữ ra thăm mồ từ sáng sớm. Không hề che đậy, tác giả Marcô đã hầu như cố tình lặp đi lặp lại mối hoảng sợ đó: ‘Các bà hoảng sợ… Người thanh niên liền nói: “Đừng hoảng sợ!”... Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi...” Tại sao họ lại hoảng sợ, tôi tự hỏi: vì họ là phụ nữ chăng? - Không hẳn thế (Mt. 28:4), vì chàng thanh niên mặc áo trắng chăng? - Lời trấn an cho thấy chàng không phải là nguyên nhân; mối hoảng sợ tới chính từ ngôi mộ trống, từ ‘Người không còn đây nữa’. Nếu tảng đá cửa mộ chưa được lăn ra, và rồi các bà tự tìm được cách vào bên trong mộ để thấy xác Người vẫn còn đó, chắc hẳn họ sẽ mừng rỡ chứ không khiếp sợ đến thế. ‘Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ dùm ta đây?”’  Các bà hết hồn hết vía vì được loan báo: “Giêsu Nazareth bị đóng đinh… đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đặt Người đây này!” 
 
Câu chuyện Đức Giêsu sống lại của Marcô kết thúc đột ngột với tường thuật việc các phụ nữ khám phá ra ngôi mộ trống, và tiếp đó là một bài ngắn gọn ghi nhận số lần, trong sức sống hoàn toàn mới, Người hiện ra với một số nhân chứng. Đối với tác giả, đây không còn là con người Giêsu mà người ta từng biết trước kia nữa, nhưng là một Giêsu được sinh lại trong Thần Khí để không bao giời chết nữa; “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Tv 2). Con người Giêsu Nazareth cũ đã kết thúc với “Người lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở” (Mc 15:37); sau đó là một khoảng trống vắng lạnh lùng: ngôi mộ nơi đã đặt xác Người hoàn toàn trống rỗng…; thế rồi một sức sống mới kỳ lạ xuất hiện và bắt đầu lan tỏa. Như vậy Phục sinh gồm cả hai phần: ‘ngôi mộ trống’ và ‘cuộc sống mới’ bởi Chúa Cha.
 
Ngôi mộ trống: Thoạt đầu tôi vẫn nghĩ ngôi mộ trống chỉ là một chi tiết nhỏ không có gì đáng lưu tâm cho lắm; tuy nhiên khi thấy cả bốn Phúc âm đều đề cập tới quang cảnh này cách rành rẽ tới từng chi tiết - đặc biệt Phúc âm Gioan - tôi nhận ra nó phải có một ý nghĩa nào khác sâu sắc hơn hẳn một sự kiện vật thể đơn thuần. Đúng vậy: Ngôi mộ trống tượng trưng cho cả một khoảng cách biệt lớn lao và sắc nét giữa một Giêsu đã chết và một Giêsu Kitô phục sinh với sức sống mới trong Thánh Thần. Ngôi mộ trống là biểu hiện sự khác biệt giữa một nhân loại chết trong tội và một nhân loại bừng sống trong tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa. Sự Vượt Qua của Đức Kitô không chỉ xóa tội, vượt qua tội lỗi (trong cách nói bình dân), mà là ban cho một sự sống hoàn toàn mới mẻ kỳ lạ; Kitô hữu chúng ta quen gọi sự sống mới này là: ‘sự sống của con cái Chúa’. Nếu hiểu đúng nội dung “được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” (Ga 3:3), mà Đức Giêsu đề cập tới trong cuộc đối thoại với Nicôđêmô đêm nào, thì ta có thể coi ‘ngôi mộ trống’ như thời kỳ thai nghén chờ ngày cho chào đời một tạo vật hoàn toàn mới, như nhiều lần Phaolô đã ví von.
 
Cuộc sống mới: Phục sinh thường được hiểu là sống lại, là trở lại từ cõi chết. Không hẳn chỉ có thế, hay nói cách khác: còn hơn thế nữa! Phục sinh đúng hơn là sinh lại, là đón lấy sự sống mới trong tình yêu xót thương cứu độ của Thiên Chúa! Trong nội dung này, Giêsu Phục Sinh quả là một Ađam mới, là người đầu tiên ‘được sinh ra một lần nữa trong Thần Khí’ (Ga 3:3-8). Chắc chắn Phaolô đã luôn hiểu Phục sinh trong nội dung này: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6:4). Ngắn gọn hơn Phaolô khảng định: “Nếu đã cùng chết với đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Người” (Rm 6:8). Như thế, sống lại từ cõi chết chỉ là phụ, là nói theo tuần tự thời gian; điều chính yếu và quan trọng hơn là: cuộc sống mới trong Thần Khí. Phục Sinh không đơn thuần là chỗi dậy, là ra khỏi mồ vào ngày thế tận; mà Phục Sinh phải xảy ra trong đời Ki-tô hữu thường ngày, phải là tiến trình để mình chết đi (ngôi mộ trống rỗng) hầu được đổ đầy với sức sống thần linh mới. Sống Kitô hữu là sống Kitô Phục sinh, sau khi đã chết cùng Kitô thập giá: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1:21).
 
Trong tư cách linh mục – tu sĩ, tôi thấy sống Phục Sinh đối với riêng mình là cả một chương trình và đòi hỏi! Trong hai điều kiện để có thể sống Phục Sinh, điều kiện mà tôi phải chủ động làm chính là: làm rỗng con người mình; còn điều kia là công việc dành cho Thánh Linh. Công tác ‘làm rỗng mình’ là cả một thách đố, nhất là khi tôi đã có thói quen vun đắp cho mình bằng đủ mọi thứ: vật chất, tinh thần, kể cả thiêng liêng nhân đức nữa. Mục tiêu đời sống đạo của tôi và của các tín hữu tôi coi sóc không phải là sống phong phú, sống tốt, sống thánh thiện hơn, nhưng là sống mới hơn trong Thánh Thần; như Phaolô đã từng xác quyết: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Người…” (Rm 6:3-11)
 
Lạy Chúa Phục Sinh, Chúa đã chết trên Thập Giá, đã tự hủy ra như không nơi ngôi mộ trống, nhưng đã được Chúa Cha sinh lại trong Thần Khí cho cuộc sống nghĩa tử. Một khi trở thành Kitô hữu, chính con cũng đang không ngừng thực hiện các bước đó cho riêng mình. Xin cho con thực thi được trọn vẹn hơn khẩu hiệu con chọn ngày nhận tác vụ linh mục: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô”. Xin cho con không thấy sợ tình trạng ‘ngôi mộ trống’ của tội lỗ và yếu hèn, vì qua giai đoạn đó con mới có được sức sống Phục Sinh hoàn toàn mới trong Chúa Thánh Thần. Amen
 
Chúa Nhật Phục Sinh
 
Các Nhân Chứng Phục Sinh
 
Có ba nhân chứng về Tin Mừng Phục Sinh được nhắc tới trong bài trình thật phục sinh của cuốn Phúc Âm thứ tư, đó là Maria Mađalena, Phêrô và Gioan. Họ được coi như các nhân chứng diện F1 duy nhất của cái biến cố quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại: một tử tội đã chết treo trên cây thập tự, đã được mai tang trong mồ, thì nay đã sống lại. Thế nhưng chứng cứ lịch sử khách quan, hay tất cả những gì họ có thể chưng ra làm bằng chứng cho cái biến cố trọng đại ấy thì lại quá giản dị: ‘lúc trời còn tối, bà Maria Mađalena đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ’, Gioan ‘tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó’, Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi, ‘ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi’… Chi tiết thật đấy, nhưng chỉ có thế; hầu như những chứng cứ họ đưa ra chẳng thuyết phục nổi ai! dầu vậy thì Gioan, một người trong số họ, vẫn đưa ra lời xác quyết hùng hồn; “Ông đã thấy và đã tin”. Chỉ với các tang chứng mơ hồ trên đã đủ để ông minh định, không phải chỉ một sự kiện mà còn cả một niềm tin có khả năng thay đổi cuộc sống của chính ông và của toàn thể nhân loại. Sau này ông còn dành trọn cuộc đời còn lại để loan truyền biến cố này, và sẵn sàng chết để minh chứng nó.
 
Tại sao lại như vậy?; chúng ta hãy cùng nhau đi vào tâm tình của các nhân chứng này, mong hiểu ra rằng: niềm tin Phục Sinh luôn gắn liền với các cảm nghiệm riêng tư sâu lắng nhất.
 
Phêrô: Khi chạy ra ngôi mộ, ông đang trải nghiệm một điều có thể coi là đáng xấu hổ nhất trong đời: phản bội Thầy mình. Qua kinh nghiệm sống, ông đã từng trải sự mỏng dòn của con người với bao tội lỗi và khiếm khuyết; vì thế mà ông rất chân thành khẩn khoản: “Lạy Thầy, xin xa con ra, vì con là người tội lỗi!” (Lc 5:8) Thế nhưng ông chưa bao giờ hình dung nổi sự yếu hèn của mình lại có thể rơi xuống tới mức hạ đẳng đến thế. Được chọn làm môn đệ tiêu biểu, ông đã từng quả quyết cách chắc nịch: “Cho dầu mọi người có bỏ Thầy, con quyết không bao giờ!” (Mt 26:33) giờ thì… ông đâu có ngờ mình lại như thế! Chính với cái trải nghiệm đáng xấu hổ này mà ông tiến vào ngôi mộ trống, quan sát đống vải liệm… để rồi tin. Niềm tin cho phép ông thoáng nhận biết, với các tang chứng vật chứng này, có một điều gì còn mạnh hơn cả cái chết, mạnh hơn cả sự đốn hèn của con người, mạnh hơn cả ‘chối bỏ Thầy’ mà ông đã phạm. Ngôi mộ trống đối với ông là cả một khám phá mới, một sức mạnh mới, một hy vọng mới: lòng nhân ái của Thiên Chúa (tỏ hiện nơi Đức Ki-tô) vượt trên tất cả, vượt xa hơn tất cả.
 
Gioan: là môn đệ được Đức Giêsu thương mến, ông đã cảm nhận được tình yêu đó trong bữa tiệc ly khi tựa đầu vào ngực Người, đã chứng kiến tình yêu đó khi nhìn thấy giọt máu hòa với nước cuối cùng vọt ra từ con tim bị đâm thủng của Người. Tuy nhiên, yêu bao nhiêu thì lại đau buồn thất vọng bấy nhiêu, nhất là khi ông phải chứng kiến: tình yêu nồng ấm đó đi tới hồi kết thúc, nó bị chôn vùi trong nấm mồ hoang lạnh. Khi tiến vào ngôi mộ mở toang, với các băng vải còn ở đó, Gioan lần đầu tiên nghiệm ra: tình yêu đó, không chỉ mãnh liệt, trọn vẹn, mà còn vĩnh cửu trường tồn. Tình yêu đó không những mạnh hơn cái chết hiểu theo nghĩa thông thường (đám chết vì yêu), mà còn chứa đựng một nội dung cho tới nay chưa từng được minh chứng: tình yêu đó vĩnh viễn toàn thắng sự chết, cả về thể lý cũng như trong diện tinh thần thiêng liêng, tới độ không gì ngăn cản nổi nó; bất cứ ai tin và chấp nhận tình yêu này sẽ không bao giờ phải thất vọng. Quả thật, ông được thuyết phục: Thầy Giêsu đích thực là sự sống lại, như chính Người đã từng tuyên bố, Người là sự sống vĩnh cửu trong tình yêu.
 
Maria Mađalena: nhân chứng số một của biến cố Phục Sinh trọng đại. Được đặc ân này có lẽ vì bà đã gộp được cả hai trải nghiệm của Phêrô lẫn của Gioan lại thành một. Trải nghiệm tội lỗi, đối với bà, là trải nghiệm của thân phận cả một kiếp người bị đầy đọa tới đáy vực thẳm, còn trải nghiệm yêu thương, là trải nghiệm gắn liền với việc gặp được lòng nhân lành thứ tha, đã nâng bà lên tới trởi. Cái cảm nghiệm được giải phóng đó do Thầy Giêsu mang lại đang thăng hoa thì đột nhiên rơi vào bế tắc cùng với cái chết Thập Giá của Người, đã bị chặn đứng sau hòn đá che lấp phần mộ. Chính vì thế mà bà khắc khoải muốn tìm lại Thầy cho bằng được: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về”, đồng thời cũng nhận ra ngay cái chi tiết nhỏ, nhưng rất quan trọng đối với bà: ‘hòn đá đã lăn khỏi mồ’. Thầy Giêsu đã sống lại và ra mồ…, hòn đá đã được lăn ra, có nghĩa là giải phóng sẽ là vĩnh viễn, và thăng hoa sẽ là bất tận!
 
Là Kitô hữu, tôi không chỉ mừng lễ Chúa Phục Sinh, mà còn phải làm chứng nhân việc Chúa đã sống lại, hay đúng hơn làm chứng về một tình yêu tha thứ trở nên bền vững. Vậy thì hãy để tâm lắng nghe cảm nghiệm sâu lắng nhất trong ta vào lúc này:  phải chăng đó có thể là cảm nghiệm của Phêrô, hay của Gioan, hay của Maria Mađalena, hay của cả ba gộp lại?
 
Lạy Chúa Phục Sinh, con vui mừng vì Chúa đã sống lại! Đời con đã không thiếu những trải nghiệm đớn hèn của Phêrô hay Mađalena; con cũng không phải là không có chút ít trải nghiệm của Gioan, nhất là trong ơn gọi Kitô hữu, tu sĩ Salêdiêng và linh mục của mình. Xin cho con hưởng trọn niềm vui Phục Sinh vĩ đại xuất phát từ chính những kinh nghiệm bản thân, để con có thể chân thành ca ngợi việc Chúa Sống Lại và loan truyền Tin Mừng Phục Sinh vẻ vang cho mọi người cách thâm tín và phấn khởi nhất. Amen
 
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Thứ Năm Tuần Thánh
 
Chúa Nâng Niu Bàn Chân Con
 
Tình yêu luôn đòi sự hiến dâng cho nhau. Hiến dâng là trao ban. Trao ban thể xác. Trao ban con tim. Tình yêu trao ban đến hy sinh mọi sự từ của cải, thời gian cho người mình yêu. Trao ban đến quên bản thân để dành trọn cuộc đời cho người mình yêu.
 
Tình yêu hiến dâng ấy ta vẫn thấy bàng bạc quanh ta. Cha mẹ yêu con nên hy sinh vất vả, làm lụng, kiếm tiền lo cho con cái ăn học. Vợ chồng yêu nhau nên hy sinh chăm sóc hầu mang lại hạnh phúc cho nhau. Con cái yêu thương cha mẹ thì phải biết phụng dưỡng cha mẹ. Những vĩ nhân trên thế giới được mọi người nhìn nhận vì họ đã hy sinh dấn thân không mệt mỏi để thăng tiến xã hội, để góp phần xây dựng công lý và hòa bình cho nhân loại. Sự hy sinh càng nhiều càng làm cho tình yêu càng thêm cao cả. Có những hy sinh âm thầm và cũng có những hy sinh công khai. Có những việc làm lặng lẽ nhưng cũng có những công việc ồn ào. Điều quan trọng là ta biết đặt tình yêu vào trong mỗi công việc với trọng lượng là bao nhiêu?
 
Tình yêu không chỉ nói bằng lời. Tình yêu chân tình cần thể hiện qua hành động. Nói về sự hy sinh cao đẹp cho tình yêu xem ra rất dễ, và cũng rất nhiều người có thể nói, nhưng khi phải đối diện với hy sinh, với trao ban xem ra chẳng mấy ai dám vượt qua! Rất nhiều người đã sợ trách nhiệm nên bỏ trốn. Nói xây dựng giáo xứ thì dễ, nhưng khi phải đóng góp thì rút lui. Giới trẻ hôm nay yêu nhau thì dễ, dẫn nhau vào nhà nghỉ càng dễ, nhưng khi phải nhận trách nhiệm về thai nhi thì trốn, và dẫn nhau đi phá thai. Con người hôm nay chọn sống thực dụng hơn là hy sinh. Họ luôn đặt lợi ích, nhu cầu bản thân hơn người mình yêu đến nỗi có thể làm như người xưa từng nói: “giầu đổi bạn, sang đổi vợ”.
 
Hôm nay Thứ Năm Tuần Thánh Giáo hội mời gọi chúng ta hãy học cùng Thầy Giêsu bài học “Yêu thương và phục vụ” mà Ngài đã thực hành trong bữa tiệc ly giã từ các môn sinh.
 
Khởi đầu là hành vi cúi xuống rửa chân cho các môn sinh. Chúa Giêsu cúi xuống rửa chân như hình ảnh người cha ,người mẹ rửa chân cho con cái mỗi ngày. Việc rửa chân ấy muốn nói lên trách nhiệm của người lớn phải gìn giữ bảo vệ bề dưới khỏi mọi vết nhơ của bụi trần, phải dám lau đi những cái xấu đang bám vào thân thể và có khi làm hoen ố tâm hồn những người mình coi sóc. Việc làm cao cả đầy trách nhiệm ấy khiến Phêrô không hiểu nên mới nói: “không đời nào Thầy lại rửa chân cho con”, nhưng Chúa Giêsu đã nói với Phêrô: “việc của Thầy làm giờ này các con không hiểu nhưng sau này sẽ hiểu”. Bởi theo lẽ thường thì người có quyền, có tiền luôn đòi người khác phục vụ, và có khi chính lối sống tội lỗi của họ lại gây gương mù, gương xấu và làm hoen ô tâm hồn người dưới.  Vì thế, khi Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, Ngài cũng muốn nói với các người có chức quyền còn phải có bổn phận trông nom, bảo vệ, thậm chí cúi mình khiêm hạ để rửa chân cho người thuộc hạ nhằm bảo vệ họ khỏi mọi vết nhơ của sự dữ, phải cúi xuống lau đi những bợn nhơ đang làm hoen ố hình ảnh Chúa nơi những người mình có bổn phận trông nom.
 
Tiếp đến là trao ban bánh và rượu, qua đây Chúa Giêsu đã nói đến việc chính Thân Thể Ngài trở nên hiến tế cứu độ cho nhân loại. Thế nên, khi trao ban bánh và rượu là chính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, là Ngài cũng mời gọi các môn sinh cùng chia sẻ chén đắng cuộc tử nạn với Ngài.
 
Chúng ta biết rằng, trên bàn thờ tế lễ Giáo hội buộc phải có tượng Chúa chịu nạn, chính là để nhắc nhở chúng ta phải hy sinh, phải dâng hiến mình như Chúa Giêsu đã hiến dâng. Phải đóng góp phần chúng ta như Mẹ Maria đã đóng góp chính nỗi đau khổ xé nát lòng mình, hiệp thông với đau khổ của Chúa Giêsu để dâng lên Chúa Cha. Phải đóng góp phần chúng ta như Gioan đứng sát cây thập giá để nói lên tình yêu thuỷ chung sắt son với Thầy, cho dù phải cùng Thầy trải qua những cam go của đỉnh đồi Calvê.
 
Bài học của ngày Thứ Năm Tuần Thánh là bài học của tinh thần trách nhiệm và lòng hy sinh quên mình. Trách nhiệm của bề trên phải bảo vệ bề dưới khỏi sự dữ. Trách nhiệm của từng người là phải góp công, góp sức mình để kiến tạo thế giới ngày một tốt đẹp hơn.
 
Lạy Chúa, xin nhận lấy hạt lúa chấp nhận phân huỷ, mục nát là cuộc đời chúng con. Dưới cối xay của bổn phận trong bậc sống của mình, của những thập giá đắng cay trong những thất bại, bị bỏ rơi, bị hiểu lầm, . . . Xin cho con được nghiền nát cho Chúa, cho dẫu tâm hồn và thân xác của con có tan nát nhưng xin cho ngọn lửa tình yêu mến làm con trở nên một tấm bánh tinh tuyền hiến dâng cho Thiên Chúa. Amen
 
Thứ Sáu Tuần Thánh
 
Dừng Bước Chiêm Ngắm Thập Giá Chúa
 
Khi hình dung quang cảnh ngày Thứ Sáu Tử Nạn của Chúa Giêsu cách đây hơn 2000 năm, cha nhạc sĩ Kim Long đã mô tả một quang cảnh thật ảm đảm, hãi hùng. Cả một bầu trời tang tóc, sợ hãi, lo âu bao trùm khiến các môn đệ và nhiều người thân đã bỏ trốn, chỉ còn lác đác ven đường vài người hiếu kỳ đứng xem cảnh tượng thê lương ấy.
 
Lời ca như mời gọi người xưa và cả người ngày nay đang đi qua con đường đau khổ ấy hãy dừng lại để chiêm ngắm cái chết của Con Chúa Trời. Đây là cái chết vì yêu nhân loại, nhưng đi qua cái chết vì yêu, Con Chúa Trời mở ra cho nhân loại một chân trời mới,  một quê trời vinh phúc dành cho những ai đã cùng đi qua với Chúa con đường khổ giá sẽ đạt tới bến bờ hạnh phúc. Nơi đó không còn nước mắt khổ đau. Nơi đó, là bình minh mang lại ánh sáng sau đêm dài tối tăm.
Hỡi ai qua đường ngừng bước đây mà chiêm ngắm
Chúa Chí Tôn cam chịu muôn nỗi khổ đau.
Vì thương toàn nhân loại muôn chốn muôn đời
Ngày đêm khóc than mong chờ vinh phúc quê Trời.
 
Thực vậy, Chúa Giêsu khi bước lên Thập giá dường như Ngài đã nghĩ tới nhân loại, vì yêu nhân loại mà Ngài chấp nhận cái chết đền tội cho nhân loại. Ngài biết sự dữ rất mạnh nhưng chỉ có cách đối đầu và chiến thắng sự dữ mới mang lại bình an cho nhân loại
 
Có lẽ, chỉ mình Chúa mới nhìn thấy hết nỗi thống khổ của nhân loại khi sự dữ thống trị con người. Ngài rất đau buồn khi nhìn thấy những khổ đau của nhân loại. Và Ngài vẫn đang chờ mong con cái Ngài hãy đừng quên trên thập giá Chúa đang nghĩ đến chúng ta. Chúng ta không cô đơn. Hãy tin tưởng và tín thác vào tình thương của Thiên Chúa.
 
Và chính trong tâm tình đó, Chúa cũng đang mời gọi “hỡi tất cả những ai đang mang gánh nặng nề, hãy đến với Ta”. Chúa đang nhìn thấy biết bao nỗi khổ của nhân loại đang trải qua bởi dịch bệnh, bởi đói nghèo. Chúa cũng đang nhìn thấy biết bao người đang mang gánh nặng nề bởi cuộc sống mưu sinh khó khăn, vất vả, có khi còn bệnh tật đeo bám thân thể. Chúa mời gọi hỡi những ai đang đi qua con đường thập giá với Chúa hãy tin tưởng vào quyền năng của Chúa. Ngài đã chiến thắng sự dữ. Ngài sẽ thêm sức mạnh để chúng ta đủ sức đón nhận mọi thập giá. Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy biết đón nhận mọi sự trong thánh ý Chúa để ngày sau cùng được hưởng vinh phúc quê trời.
 
Hôm nay Thứ Sáu Tuần Thánh Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy dừng lại chiêm ngắm cái chết vì yêu của Chúa trên thập giá. Hãy dâng lên Chúa chính khổ giá của chúng ta để kết hợp với hiến tế tình yêu của Chúa dâng lên Chúa Cha để cứu độ trần gian.
 
Ước gì chúng ta luôn biết sống trong tâm tình tri ân tình yêu cao vời của Chúa. Ước gì chúng ta luôn biết trân trọng quà tặng tình yêu của Chúa bằng việc trung thành với giao ước của Chúa, và biết noi gương Chúa mà tận hiến hy sinh cho tha nhân.
 
Lạy Chúa, Chúa đã chết để cho chúng con được sống. Xin giúp chúng con luôn sống trong ân nghĩa của Chúa. Amen
 
Thứ Bảy Vọng Chúa Phục Sinh
 
Thinh Lặng Chờ Đợi
 
“Phong tỏa”! nghe đến 2 từ phong tỏa tự nhiên ta thấy một bầu khí hãi hùng đang bao trùm nơi bị phong tỏa. Khi Thành phố bị phong tỏa sẽ dẫn đến một không gian tĩnh mịch lan tỏa khắp mọi ngóc ngách phố phường. Khởi đầu từ thành phố Vũ Hán, qua truyền thông ta thấy một thành phố tiêu điều, im lìm đầy sợ hãi với khói đen ngút trời của sự chết đang thống lĩnh. Và rồi, cảnh vắng vẻ ấy, đã lan tỏa đến khắp nơi trên thế giới. Có lúc sân bay vắng lặng, sân ga không bóng người. Có những con phố im lìm, xa xa thấp thoáng vài bóng người lẻ loi, cô độc ….
 
Cũng tại Cô Vy của Vũ Hán mà có ai đó viết rằng:
Phố xá bỗng lặng thinh trong tiếng thở dài não nề
Phố phường vắng lặng,
Đâu rồi cảnh ồn ào, nhộn nhịp
Đâu rồi không khí tấp nập, hấp dẫn lúc tan ca
Đâu rồi không gian chật chội, vội vàng khi đi làm
Hàng tá lời than vãn, tiếng kêu ca của ta, của người…”
 
Có lẽ, không một ai nghĩ thế giới ồn ào này lại có khoảng thời gian tĩnh lặng và lòng người tê tái, thất vọng đầy sợ hãi vì sự dữ bao trùm khắp mọi nơi trong đại dịch Covid này.
 
Và cho tới hôm nay khi thế giới đã có Vắc xin ngừa dịch Cúm Tàu con người mới thấy thở phào nhẹ nhõm. Và con tim đã vui trở lại. Niềm vui của phố xá lại nhộn nhịp. Người người lại có thể tay bắt mặt mừng khi gặp nhau nơi làm việc hay nơi tiệc tùng vui chơi.
 
Hôm nay Thứ Bảy Tuần Thánh. Phụng vụ gợi lại cho chúng ta một bầu khí, một khung cảnh cũng lặng lẽ, tiêu điều, đầy khiếp sợ nơi các tông đồ của Thầy Giêsu. Thầy đã chết. Thầy được an táng trong mồ. Trò hoảng loạn. Kẻ xuôi Nam người ngược Bắc. Có những bước chân cô đơn và lòng tê tái như hai môn đệ trở về Emmau. Có những lối đi độc hành như Tôma rời xa đồng bạn. Có cả cái chết tuyệt vọng của Giuda. Số còn lại bám trụ trong nhà tiệc ly cửa đóng then cài. Một khung cảnh nghẹt thở chờ đợi phép nhiệm màu. Một tia hy vọng duy nhất là Thầy Giêsu sẽ đánh tan xiềng xích sự chết để trỗi dậy theo như lời đã hứa: “Sau ba ngày Ta sẽ sống lại”.
 
Tin Mừng kể lại rằng Maria Madalena đã ra thăm mồ từ tảng sáng. Cô đã sửng sốt, bàng hoàng khi tảng đá cửa mồ đã được lăn ra. Cô bước vào mồ nhưng không thấy Thầy. Sự sợ hãi đã che mắt Maria Madalena khiến cô không nhận ra Thầy đã sống lại mà tưởng rằng một người làm vườn đang ở trước mộ Thầy Giêsu. Nhưng chính trong tận cùng của sự tuyệt vọng ấy, chính trong thử thách mịt mù ấy, cô đã được tặng ban một món quà không phải trên đôi tay, nhưng món quà ấy được trao tặng vào chính con tim. Thầy Giêsu đã Phục Sinh và Ngài đã gọi tên cô một cách thân mật, ngọt ngào. Maria. Cô reo lên: Rabboni nghĩa là “Oh Thầy”! Rabboni từ nay đã trở thành tiếng gọi của niềm vui của hạnh phúc. Người hành khất mù lòa đã từng gọi Rabboni để nhờ đó mà anh gặp Chúa và được sáng mắt. Maria đã thốt lên Rabboni trong vui mừng để từ nay niềm vui đã trở lại, và nỗi ưu sầu đã tan biến.
 
Quả thực, sau đêm dài là ánh bình minh. Thiên Chúa không bao giờ để cho kẻ tin vào Ngài phải thất vọng. Khi Đức Kitô trỗi dậy Ngài sẽ công bố cho toàn thế giới về sự dữ đã bị đánh bại, thần chết đã bị đẩy lui.
 
Và hôm nay, Chúa đã sống lại nào chúng ta hãy vui lên. Hôm nay chúng ta có thể gọi Chúa phục sinh bằng lối gọi thân thương rằng “Rabboni”. Khi cuộc đời chúng ta đầy nước mắt khổ đau, đầy những thao thức như Maria thì hãy tin rằng Thầy Giêsu đang hiện diện ở gần bên chúng ta, chỉ cần quay về Chúa, chúng ta sẽ thấy Chúa hiện diện và đang gọi tên chúng ta. Khi chúng ta đang đi vào những ngõ ngách tối tăm đầy sợ hãi, hãy mạnh dạn gọi “Rabboni” xin cứu con như người hành khất mù loà, chúng ta sẽ được Chúa ân cần chăm sóc.
 
Một điều mà chúng ta cần lưu ý là các môn đệ chỉ vượt qua được nỗi sợ hãi và tâm hồn vui tươi an bình khi các ngài tin nhận Thầy Giêsu đã phục sinh. Chính niềm tin Chúa đã phục sinh mang lại cho các tông đồ tâm trạng mới và giải thoát các ông khỏi mọi âu lo.
 
Nguyện xin Chúa Giêsu phục sinh đã mang lại niềm vui bình an cho các tông đồ sau một chuỗi khoảng lặng lo âu sợ hãi, xin Chúa cũng đến và mang lại bình an cho chúng con hôm nay. Amen
 
Chúa Nhật Phục Sinh
 
Trở Về Với Thế Giới Thần Linh
 
Có một thế giới vô hình, dầu con người không thấy, nhưng dường như ai cũng tin. Đó là ma. Ma hiểu nôm na là hồn người chết tỏ ra cho người sống thấy. Ai cũng kể chuyện ma của ai đó đã thấy, nhưng người kể thì chưa bao giờ thấy. Điều lạ là con người đồng hóa ma với thế giới sự dữ. Họ xem như người chết là đi vào ma giới nên ai cũng sợ gặp ma. Dầu là bố mẹ hay người thân qua đời, liền bị mọi người sợ hồn ma ấy hiện về.
 
Có câu chuyện kể rằng: Vào lúc gần 12 giờ đêm, có một anh chàng chạc tuổi 20 đứng giữa một cánh đồng trống để đón xe buýt về thành phố. Anh ta đứng mãi mà chẳng thấy một chiếc xe nào chạy ngang. Đến đúng 12 giờ đêm có một chiếc xe chạy đến, anh ta vội vẫy chiếc xe và xin được đi nhờ vào thành phố.
 
Sau khi leo lên xe anh ta ngủ thiếp đi vì mệt mỏi.
Trời mưa rất to và một tiếng sét đánh xuống nghe chói tai đã làm cho anh chàng tỉnh giấc. Anh ta đã mất hồn khi không nhìn thấy tài xế mà xe vẫn chạy.
Anh ta đã la lớn: Ma…Ma…!
Bất ngờ có tiếng đằng sau nói lại:
- Ma cái gì mà ma, xe chết máy tao đẩy mệt muốn chết đây này. Mày xuống đẩy phụ cho tao.
 
Trước Chúa Giêsu phục sinh thì người Do Thái vẫn tin có ma. Khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lãi và đến với các Tông đồ, thế mà  họ vẫn tưởng Người là một bóng ma. Bằng việc ăn uống trước mặt họ và cho họ rờ tận tay để thấy đây là một thân xác thực sự, Chúa đã chứng minh, Người đã sống lại. Với những bằng chứng ấy, các môn đệ đã tin tưởng và vui mừng. Không những thế, họ còn trở nên những chứng nhân của Đấng Phục Sinh.
 
Từ niềm tin Chúa Phục Sinh cho ta hiểu rằng chết là về với tình trạng ban đầu là hình ảnh Thiên Chúa. Chết là trở về với thế giới thần linh. Chết là không đi vào ma đạo của sự dữ như nhiều người lầm tưởng mà là đi vào sự sống thần linh và phải trải qua cuộc phán xét của Thiên Chúa.
 
Sứ điệp Chúa Phục Sinh cho ta hiểu về kiếp người: sinh ra không phải để chết mà là để được sống trường sinh. Con người sở dĩ sinh ra phải đau khổ và chết là do tội của tổ tông là Adam – Eva đã mở ra cửa tử, khiến con người phải đi qua vòng luẩn quẩn của kiếp người là sinh – lão- bệnh – tử. Nay nhờ sự kiện Chúa phục sinh mà cửa sinh đã mở ra, từ nay con người sẽ được về trời sau cuộc đời dương gian lắm truân chuyên.
 
Tuy nhiên, muốn được vào cõi Trời ấy thì con người hôm nay phải tin vào Đức Giêsu, cùng gắn bó liên kết với Người mới mong có sự sống trường sinh. Vì chính Chúa Giêsu đã nói:“Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Hễ ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ”. (Gioan 11, 25)
 
Hôm nay mừng Chúa phục sinh. Lòng chúng ta hãy trào dâng niềm hân hoan vì Chúa đã về nhà Cha. Ngài đã hứa thiên đàng cho người trộm lành và cho hết thảy những ai tin vào Ngài: “Thầy đi trước để dọn chỗ cho các con, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó với Thầy”.
 
Nhìn vào cuộc đời của Chúa Giêsu và qua sự phục sinh của Ngài cho chúng ta thấy: Chúa Giêsu đến trần gian không chủ đích chữa lành bệnh tật cho con người, không hứa hẹn cho con người một cuộc sống trần gian no ấm và hạnh phúc, mà Ngài hướng con người về trời cao để nhờ đó mà con người sống thanh thoát hơn khỏi những bon chen tham lam, ích kỷ thù hận, do vậy, những phép lạ Ngài làm chủ để chứng minh Ngài là Thiên Chúa nên lời Ngài đáng để chúng ta tin.
 
Vì thế, sứ điệp phục sinh đang mời gọi chúng ta đi lại con đường Giêsu. Đó là con đường đón nhận thập giá xảy ra trong cuộc sống với niềm tín thác vào Chúa hầu mai sau chúng ta cũng được sống lại vinh quang với Thầy Chí Thánh Giêsu.Amen
 
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thứ  Năm Tuần Thánh
 
Yêu Là Trao Ban
 
Để nghe tơ liễu run trong gió
và để xem Trời giải nghĩa yêu”(Hàn Mặc Tử)
 
Người ta đề cập rất nhiều về tình yêu, nhưng có lẽ không mấy ai hiểu cho đúng tình yêu là gì. 
 
Ngay cả thi sĩ Xuân Diệu, người được xem là thi sĩ của tình yêu, có những cảm nhận rất tinh tế về tình yêu và tâm lý con người, nhưng cũng thú nhận là không thể giải nghĩa được tình yêu. Ông viết: 
"Làm sao giải nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
bằng mây nhè nhẹ  gió hiu hiu."
 
Và khi con người không lý giải được tình yêu thì có lẽ phải viện tới Trời. Vì thế, Hàn Mặc Tử, một nhà thơ tài hoa công giáo, khuyên chúng ta - qua bài "Đà Lạt trăng mờ" - như sau:
"Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều, 
để nghe dưới đáy, nước hồ reo
để nghe tơ liễu run trong gió
và để xem Trời giải nghĩa yêu."
 
"Và để xem Trời giải nghĩa yêu!"  Đúng vậy, Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình Yêu là bản chất của Thiên Chúa nên chỉ có Thiên Chúa mới biết thế nào là yêu và chỉ có Ngài mới có đủ thẩm quyền để "giải nghĩa yêu."
            
Chúa Giêsu "giải nghĩa yêu" khi bày tỏ cho ông Nicôđêmô biết: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin vào Con của Người thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời" (Ga 3,16).

 
Chúa Giêsu cũng đã "giải nghĩa yêu" khi Ngài nói: "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình." (Ga 15, 13)
Thế là ý nghĩa của tình yêu giờ đây đã được sáng tỏ: yêu thương là trao ban, là hy sinh, là cống hiến, là cho đi... 
 
Thiên Chúa Cha yêu thương thế gian nên đã trao ban Người Con Một cho thế gian; Chúa Giêsu đã yêu thương thế gian nên Ngài đã hy sinh tính mạng cho thế gian.
Nhưng Chúa Giêsu không chỉ giải nghĩa yêu bằng những lời hoa mĩ. Ngài thể hiện lòng yêu thương qua cuộc sống. Tin Mừng hôm nay cho biết rằng: "Ngài vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng.. Ngài đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau." (Ga 13, 1.4-5).
 
Thế mới hiểu rằng:
Yêu là hạ mình làm tôi tớ người khác, là "đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau."
Yêu là bẻ thân mình làm bánh trao ban cho bạn: "Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con."
Yêu là rót máu mình như rượu hiến ban cho người khác được sống còn: "Nầy là Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội."
Yêu là nộp mình chết thay cho người mình yêu thương được sống: "Thà một người chết thay cho dân còn hơn là để toàn dân phải bị tiêu diệt" (Ga 11, 50).
 
Lạy Chúa Giêsu. Thế ra lâu nay chúng con đã ngộ nhận rất nhiều về tình yêu.
Chúng con tưởng rằng yêu là say mê, là khai thác, là chiếm đoạt đối tượng mình yêu mến.
Hôm nay, nhờ bài học yêu thương Chúa dạy, chúng con mới hiểu rằng tình yêu đúng nghĩa là hy sinh, là quên mình để phục vụ, là cống hiến không ngừng cho tha nhân được hạnh phúc; và câu tỏ tình hay nhất, chân thật nhất, ý nghĩa nhất trên cõi đời nầy là câu tỏ tình của Chúa trong bữa tiệc ly:
"Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con... Nầy là chén Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội." 
 
Và hôm nay, khi mời gọi "các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy", Chúa tha thiết kêu mời chúng con hãy yêu nhau theo cách yêu của Chúa; Chúa muốn chúng con nói lời yêu thương theo cách thức Chúa đã tỏ bày, nghĩa là: 
Nầy là thời giờ của tôi, sức lực tôi, tim óc tôi, xin hy sinh vì bạn.
Nầy là thân xác tôi, trọn cuộc sống tôi, xin cống hiến cho cha mẹ, cho người bạn đời, cho con cái và cho tha nhân."
 
Thứ  Sáu Tuần Thánh
 
Yêu Cho Đến Cùng
 
Hôm nay, trong giờ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta hãy dành ít thời gian để ngắm nhìn Chúa Giêsu chịu khổ hình và lắng nghe sứ điệp vang lên từ thánh giá Chúa. 
 
Trước hết, chúng ta hãy nhìn xem Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Chúa tể trời đất, đồng hàng đồng phận với Đức Chúa Cha, là Đấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần tạo dựng nên vũ trụ càn khôn, dựng nên muôn loài muôn vật trên trời dưới đất… giờ đây lại bị những con người hèn hạ chỉ đáng là rơm rác trước mặt Chúa, đưa ra tòa xét xử như xử tội một tên côn đồ, đánh đấm Ngài túi bụi, khạc nhổ vào mặt Ngài, hành hạ Ngài như một tên tử tội khốn nạn nhất thế gian, khiến Ngài phải oằn mình đớn đau quằn quại vì hứng chịu những lằn roi hung bạo vun vút quất xuống thân mình và rồi Ngài bị tuyên án chết...
 
Xin hãy nhìn xem: Không có vương miện nào trên thế gian này dù được nạm bằng kim cương hay ngọc quý xứng đáng cho Chúa Giêsu đội lên đầu vinh hiển của Ngài; Vậy mà giờ đây, Ngài lại phải chịu đội vòng gai, với nhiều mũi gai nhọn sắc cắm ngập vào trán, vào đầu… khiến máu châu báu của Ngài rỉ ra đầm đìa trên khuôn mặt.
 
Ngài là Chúa tể trời đất uy nghi cao cả, là bá chủ cả vũ trụ càn khôn, là Vua của toàn thể vũ trụ… thế mà giờ đây lại để cho quân hèn hạ, là thứ sâu bọ thấp hèn, bắt Ngài vác thập giá, lảo đảo tiến lên đồi Canvê, và vì không còn hơi sức nên Ngài đã phải ngã xuống nhiều lần, rồi bị lột trần chẳng còn áo che thân... 
 
Hãy nhìn xem, Ngài là Chúa tể trời đất, chỉ phán một lời là trời đất được tạo thành, truyền một câu là sóng biển phải yên lặng… lại để cho con người hèn hạ, là thứ cát bụi thấp hèn… đóng đinh hai tay, rồi hai chân Ngài vào thập tự giá, bằng những nhát búa tàn bạo, khiến máu Ngài phun ra cuồn cuộn, khiến Ngài phải quằn quại, phải oằn người lên vì đau đớn!
 
Rồi khi bị treo thân lên thập tự giá, Chúa tể trời đất lại để cho quân lính nhạo cười phỉ báng, để cho bao người qua lại nhiếc móc: “Hắn cứu được kẻ khác, mà chẳng cứu nổi mình!” (Mt 27,42)… “Nếu mày là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá xem nào!” (Mt 27,40).
 
Cuối cùng, Ngài đã nhắm mắt tắt hơi, sau cơn hấp hối đau đớn kéo dài… 
Thế là, Chúa tể trời đất, dựng nên vũ trụ càn khôn bao la hùng vĩ, giờ đây trở thành một thây ma thảm hại, không còn hơi thở, không còn sự sống, như một hạt bụi giữa vô vàn hạt bụi khác, rồi bị chôn vào lòng đất!
 
Giờ đây, chiêm ngắm tấm thân mang đầy thương tích và bê bết máu của Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, chúng ta nghe được lời tâm huyết của Ngài: “Nầy là Mình Thầy bị nộp vì anh em… Nầy là Máu Thầy đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội” (Mt 26,26).
 
Nhìn trái tim bị đâm thủng và cái chết thê thảm của Ngài trên thập tự giá, chúng ta nghe vọng lại sứ điệp yêu thương của Ngài: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).
 
Và qua đó, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu vô biên của Thiên Chúa Cha dành cho chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một Người” chịu chết đền tội cho thế gian (Ga 3,16).
 
Tại sao Thiên Chúa Ngôi Hai lại hạ mình thấp hèn và chịu đựng những điều oan trái nghiệt ngã đến thế? Thưa, chỉ vì để đền tội thay, chết thay cho muôn người, để cho họ được tha tội và được phúc trường sinh.
Như thế, để cứu độ chúng ta, để cho ta được sống đời đời, Ngôi Hai Thiên Chúa đã phải trả giá rất cao, phải chịu đựng những cực hình và đau thương dường ấy!
 
Lạy Thiên Chúa từ nhân. Chúa là tình yêu, vì nơi Chúa chỉ có yêu thương và yêu thương. Lòng thương xót Chúa bao la, cả biển trời không chứa hết. 
Chúa không tiếc gì với chúng con thì xin cho chúng con đừng tiếc gì với Chúa.
Chúa đã yêu thương chúng con hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự… thì xin cho chúng con cũng biết đền đáp tình yêu của Chúa với tất cả tấm lòng yêu mến của chúng con.
 
 
Sống Lại Với Chúa Phục Sinh
 
Đối với người vô thần, thì ngôi mộ là điểm tận cùng của một kiếp người. Nơi đây vua cũng như dân, tướng cũng như quân, bậc anh hùng cũng như tên vô lại, người quyền quý cũng như kẻ cơ bần… đều phải vùi mình xuống, mục nát đi và trở thành cát bụi. Theo quan điểm nầy, ngôi mộ là điểm tận cùng của kiếp người, là dấu chấm hết cho tất cả sự nghiệp.
 “Trăm năm còn có gì đâu? 
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. (Nguyễn Du)
 
Ngôi mộ là cửa đưa xuống âm ty
Theo quan niệm của một số người khác, tuy ngôi mộ không phải là điểm tận cùng, là điểm kết thúc của kiếp người, nhưng được xem là một cánh cửa hãi hùng: cửa đưa xuống âm ty hay vào chín tầng địa ngục. 
 
Ngôi mộ không còn là cửa tử nhưng là cửa sinh
Bằng cuộc Vượt Qua của mình, Chúa Giêsu đã bật tung cửa mồ sống lại, đẩy lùi quyền lực sự chết đang bao trùm thế giới. 
Ngài biến ngôi mộ là điểm cuối của đời người trở thành cửa ngõ dẫn vào cõi trường sinh; Ngài khiến cho cửa mồ đã từng há rộng nuốt lấy bao người xuống cõi âm ty trở thành cổng chào hân hoan tiếp đón nhân loại vào thiên quốc; Ngài đã biến đau thương của sự chết thành niềm hoan lạc của ngày phục sinh; biến ngày cuối của kiếp sống trần gian trở thành ngày thứ nhất trong đời sống mới! 
Từ đây ngôi mộ không là cửa tử nhưng là cửa sinh, đưa muôn người vào đời sống vinh quang bất diệt.
 
Huỷ diệt con người cũ để được tái sinh với Chúa Giêsu 
Để cho ngôi mộ không còn là điểm tận cùng bi đát nhưng trở thành ngõ vào cuộc sống vinh quang thì trước hết chúng ta cần phải cùng chết với Chúa Giêsu để sống lại với Ngài trong đời sống mới như lời Thánh Phaolô dạy: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Ngài”(Rm 6,8).
Chết với Chúa Giêsu là hủy diệt con người cũ của ta đang nằm dưới ách thống trị của tham lam, ích kỷ, kiêu căng, ghen ghét, hận thù…. để cho người mới được tái sinh trong Chúa Kitô, không còn hận thù, ích kỷ, tham lam, ghen ghét …
Sống lại với Chúa Giêsu là chúng ta hãy mặc lấy Chúa Giêsu như lời thánh Phaolô kêu gọi: “Như giữa ban ngày, anh em hãy sống đoan trang tiết độ, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đảng, không kình địch ghen tương; nhưng hãy mặc lấy Đức Giêsu Kitô và đừng lo tìm thoả mãn những đam mê xác thịt” (Rm 13, 13-14).
 
Mặc lấy Chúa Giêsu là mang những tâm tình cao đẹp như Chúa Giêsu, cư xử ôn hoà nhân ái như Chúa Giêsu, biết thứ tha, yêu thương và phục vụ như Chúa Giêsu. 
 
Thực hành được như thế, chắc chắn chúng ta sẽ được khải hoàn vinh thắng với Chúa Giêsu phục sinh.
 
Chúa Nhật Phục Sinh
 
Chúa Giêsu Chiến Thắng Tử Thần
 
Tất cả mọi người trên thế giới thuộc đủ mọi chủng tộc, quốc gia, tôn giáo, ở bất kỳ thời đại nào, từ xưa cũng như hiện nay… đều có một kẻ thù chung hết sức nguy hại và rất đáng sợ. Kẻ thù đó là ai ?
 
Đó là sự chết, thường được người đời đặt cho nó một danh hiệu khủng khiếp là thần Chết.
Đúng thế, thần Chết là kẻ thù chung của nhân loại, là kẻ thù truyền kiếp của loài người và nhân loại đã đồng tâm hiệp lực trong việc đẩy lui hoặc diệt trừ thần Chết càng sớm càng tốt.
 
Suốt dòng lịch sử loài người, nhân loại đã đem hết tài năng, trí tuệ, công sức của mình để bào chế thuốc men, tìm kiếm đủ thứ phương thức trị liệu, nghiên cứu những phương thuốc trường sinh… nhằm kéo dài tuổi thọ, nhằm đẩy lùi sự chết, nhưng đã hoàn toàn thất bại trước thần Chết.
 
Thế thì biết cậy dựa vào ai để đánh bại kẻ thù chung này? Ai là siêu nhân trên địa cầu này có thể tiêu diệt hay đẩy lùi thần Chết? 
 
Thưa, chỉ có một Đấng duy nhất có thể đánh bại thần Chết mà thôi. Vị này là một Con Người nhưng đồng thời cũng là Thiên Chúa, đó là Chúa Giêsu. 
 
Chúa Giêsu chiến thắng Thần Chết khi đến thành Nain, Ngài thấy người ta khiêng đi chôn người thanh niên con trai một bà goá; mặc dù anh này đã lọt vào tay Tử thần nhưng Chúa Giêsu vẫn dành lại được, đưa anh về với thế giới người sống (Lc 7, 11-17).
 
Chúa Giêsu chiến thắng thần Chết khi làm cho con gái ông Giairô, mặc dù bé đã chết, Ngài vẫn đưa bé trở về với cuộc sống (Mc 15, 21-43).
 
Chúa Giêsu chiến thắng thần Chết khi Lazarô đã nằm trong họng thần Chết 4 ngày rồi, vậy mà Chúa Giêsu vẫn giải cứu anh khỏi móng vuốt tử thần để cho anh được sống (Ga 11, 1-45).
 
Và đặc biệt là trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, tử thần tưởng đã tiêu diệt Chúa Giêsu, hạ đo ván Chúa Giêsu, khiến Ngài phải tắt thở trên thập giá, rồi bị mai táng trong mồ... Các môn đệ của Ngài tỏ ra tuyệt vọng vì chủ tướng của mình đã thảm bại trước thần Chết. Thần Chết tưởng là đã chiến thắng Chúa Giêsu. Thế nhưng nó đã lầm. Chúa Giêsu đã sống lại trong vinh quang và mở đường vào thiên quốc.
 
Thế là từ đây, một trang sử mới bắt đầu, một kỷ nguyên mới khởi sự, đó là kỷ nguyên Chúa Giêsu chiến thắng tử thần và giải thoát muôn người khỏi tai ách của nó, không những giải thoát mà còn đưa muôn người vào cõi sống đời đời vinh quang bất diệt.
 
Cuộc chiến thắng oanh liệt của Chúa Giêsu trước tử thần đem lại cho chúng ta nhiều hy vọng và niềm vui vô cùng lớn lao như lời Thánh Phaolô nói: 
Nhờ Chúa Giêsu chiến thắng thần Chết, “cái thân xác phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử.
Và “sẽ ứng nghiệm lời Kinh thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi…  Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? … Hãy tạ ơn Thiên Chúa, vì Ngài đã cho chúng ta chiến thắng sự chết nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (I Cr 15, 54- 57).
 
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã chiến thắng thần Chết, đã giải thoát chúng con khỏi móng vuốt tử thần và mở cửa thiên đàng cho chúng con. Chúng con xin tôn vinh chúc tụng Chúa. Chúng con tôn thờ Chúa là chủ tướng của chúng con. Xin cho chúng con bền tâm theo Chúa đến cùng, tuân giữ luật mến Chúa yêu người như Chúa đã dạy, để được Chúa dẫn vào cõi phúc đời đời vinh hiển. Amen.
 
Lm. Inhaxiô Trần Ngà 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...