09/02/2021
4016
Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân
Mẹ Maria đã hiện ra nhiều nơi, nhiều lần trên thế giới để kêu gọi con người ăn năn sám hối và năng lần hạt Mân Côi. Tại Lộ Đức miền tây nam nước Pháp, Mẹ Maria đã hiện ra cả thảy 18 lần với Bernadette, một thiếu nữ nghèo hèn.
Lộ Đức nằm dưới chân dẫy núi Pyrénées, miền Tây Nam nước Pháp là một điểm hành hương nổi tiếng nhất thế giới dù rằng nơi đây chỉ là một ngôi làng nhỏ bé hẻo lánh thuộc địa phận Tarbes. Từ ngày 11 tháng 2 đến ngày 16 tháng 7 năm 1858, Đức trinh nữ Maria đã hiện ra với Bernadette tất cả 18 lần. Mỗi lần Đức Mẹ hiện ra, Người đều khuyên Bernadette hãy siêng năng lần hạt và làm việc đền tội thay cho các người tội lỗi, yếu đuối. Đức Mẹ còn yêu cầu người ta hãy xây cất cho Ngài một ngôi thánh đướng ở Lộ Đức để dâng kính Mẹ. Bernadette đã nhìn thấy Đức Mẹ nhiều lần, nhưng các trẻ em khác thì không được diễm phúc nhìn thấy Mẹ Maria. Ngày 1 tháng 3 năm 1858, một phụ nữ đang mang thai nhúng cánh tay bại liệt của bà vào dòng nước mà Bernadette đã nghe lời Mẹ đào bới, bà đã được chữa lành một cách vô cùng kỳ lạ. Tin đồn này lan truyền khắp nơi. Người ta tuôn đến Lộ Đức càng ngày càng đông.
Với những phép lạ diệu kỳ của Mẹ Maria, Bernadette đã trình với Cha sở Lộ Đức về những lần Mẹ hiện ra với em tại hang đá Lộ Đức. Cha sở lúc đó đã xin Bernadette hỏi tên Mẹ là gì. Ngày 25 tháng 3 năm 1858, Đức Mẹ hiện ra với Bernadette và em đã hỏi Đức Mẹ, Đức trinh nữ Maria đã mạc khải:” Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội “. Cha Sở đã tin vào việc Đức Mẹ hiện ra với Bernadette tại Lộ Đức. Lộ Đức từ đó đã trở thành nơi hành hương cho toàn thể thế giới. Một ngôi thánh đường nguy nga đã được xây cất để dâng kính Mẹ Maria theo lời yêu cầu của Mẹ Maria Vô Nhiễm.
Tại Lộ Đức, Đức Mẹ với tấm lòng yêu thương dạt dào đã chữa lành biết bao bệnh nhân tật nguyền với biết bao loại bệnh khác nhau và ban cho nhiều người ơn ăn năn sám hối. Từ 1 tháng 3 năm 1858 có hằng hà sa số người đã tới Lộ Đức để xin Đức Mẹ chữa lành, tắm suối nơi dòng nước Bernadette đã tìm ra. Trong số 5.000 phép lạ chữa lành, Hội Thánh đã công nhận 65 vụ được khỏi bệnh là những phép lạ thật do lòng xót thương của Đức Mẹ. Đức thánh Cha Lêô XIII đã ban phép cho một vài miền được mừng kính lễ Đức Mẹ Lộ Đức và vào năm 1908, Đức Giáo Hoàng Piô X đã phổ biến lễ này trong toàn Giáo Hội.
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, ngày hôm nay chúng con kính nhớ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội là Thánh Mẫu của Con Một Chúa, xin nhận lời Đức Mẹ chuyển cầu mà ban ơn trợ lực giúp chúng con là những kẻ yếu hèn được thoát vòng tội lỗi ( Lời nguyện ca nhập lễ, lễ Đức Mẹ Lộ Đức ). 
VINH QUANG CỦA ĐỨC MARIA
   Ngày 8.12.1854, Đức Giáo hoàng Piô IX long trọng tuyên bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội trong tông hiến Ineffabilis Deus.  Ba năm sau, như để khẳng định cách dứt khoát và rõ ràng về mầu nhiệm mà cả Hội Thánh tin tưởng, Đức Mẹ đã hiện ra với một thiếu nữ nông dân nghèo tên là Bernadette Soubiroux tại hang đá Massabielle, tổng cộng tất cả là 18 lần, kể từ ngày 11.2 đến ngày 16.8.1858. Riêng lần hiện ra ngày 24.3.1858, Đức Mẹ cho biết: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.
Năm 1862, sau nhiều lần chất vấn Bernadette, Hội Thánh xác nhận, Đức Maria đã thực sự hiện ra tại Lộ Đức. Hội Thánh truyền cho các tín hữu hãy đặc biệt tôn sùng Đức Mẹ Lộ Đức và lập lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức vào ngày 11.2 hàng năm, bắt đầu từ năm 1907.   
Như vậy, mầu nhiệm Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội có liên quan lớn đến sự kiện Lộ Đức. Nói cách khác, trong khi mừng kính Đức Mẹ Lộ Đức, chúng ta cũng đồng thời tuyên dương Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. 
Tuy nhiên, mầu nhiệm Đức Mẹ viếng thăm thế giới tại Lộ Đức, dù đã được Hội Thánh nhìn nhận, vẫn chưa phải là nền tảng vững chắc nhất. Chúng ta cần phải được soi sáng cách thấu đáo hơn vị trí của Đức Mẹ trong mầu nhiệm cứu độ qua mạc khải của Thiên Chúa. Nhờ đó, đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội mà Thiên Chúa ban cho Đức Maria càng tỏa sáng, càng đáng chiêm ngưỡng, đáng ca tụng và quý trọng.
Dù sao, đây vẫn là đề tài lớn. Mặc khác, chúng ta vẫn không tham vọng nghiên cứu thánh mẫu học. Vì thế, chỉ xin lướt qua một chút nơi vài hình ảnh của Mẹ chúng ta trong Tin Mừng, đặc biệt là Tin Mừng theo thánh Luca và Tin Mừng theo thánh Gioan mà thôi.
1. MẸ THIÊN CHÚA. 
Có những điều mới mẻ trong cách Thiên Chúa đối xử với dân Người, được thể hiện qua chính Chúa Kitô. Trong đó, tính cách mới lạ nhất, đáng yêu, đáng quý nhất, đó là Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, không hề là một Thiên Chúa xa cách, vì đã đồng hóa mình như một thành viên của gia đình nhân loại. Người cũng có một gia phả và cùng được sinh ra bởi một phụ nữ như bất kỳ ai. “Khi tới thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Ga 4, 4-5)
“Người phụ nữ ấy”, một khi được Thiên Chúa chọn để sinh ra đời bắt đầu từ lòng dạ mình, ngay lập tức trở nên Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ của Đấng tạo thành và cứu độ mình. Bởi đó, vinh dự của Đức Maria, là một vinh dự lớn vô cùng: Mẹ Thiên Chúa.
Kẻ được chọn làm Mẹ Thiên Chúa cần phải được chuẩn bị cách thanh sạch, xứng với Đấng là Thiên Chúa, vì thế, Mẹ Thiên Chúa phải có một tâm hồn hoàn toàn thanh sạch, thánh thiện, không gợn một chút tỳ ố nào. Vì thế, Hội Thánh tin vững chắc rằng, ngay từ lúc đầu tiên thành thai trong lòng bà thánh Anna, Đức Maria đã được giải thoát để nên tinh tuyền.
2. ĐỨC MARIA, HÒM BIA GIAO ƯỚC MỚI.
Việc Đức Maria cưu mang và sinh hạ Con Thiên Chúa, đã làm cho Mẹ có một vai trò vinh quang nhất, trên hết mọi thụ tạo, trong suốt dòng lịch sử cứu độ, bởi ơn cứu độ được ban cho thế giới xuyên qua Mẹ cách hết sức độc đáo. 
Mẹ, và chỉ có một mình Mẹ mà thôi, là Mẹ của Thiên Chúa làm người. Bởi vậy, “Mẹ Thiên Chúa” là tước hiệu mà ngay cả Thánh Kinh cũng kíng trọng. Thánh Kinh nhấn mạnh tước hiệu này trong lời thoại của một người chị họ của Đức Mẹ: “Bà Êlisabeth được đầy Thánh Thần liền kêu lớn tiếng và nói rằng: Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng thật là có phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm tôi” (Lc 4, 41-43).
Vinh quang của Mẹ Thiên Chúa, cưu mang và sinh ra Thiên Chúa làm người, đã khắc họa Đức Maria thành hình ảnh chiếc hòm bia giao ước ngày xưa của đoàn dân trong Cựu Ước. Hai chương đầu của Tin Mừng theo thánh Luca, tác giả nhấn mạnh mối tương đồng giữa Đức Trinh Nữ Maria và hòm bia giao ước. Bởi thế, Mẹ trở nên hòm bia sống động của giao ước mới. 
Dù không minh nhiên so sánh với hòm bia, nhưng trong cách trình bày, Luca cho thấy: Lòng dạ trinh trong của Đức Nữ Trinh chẳng khác gì nhà tạm để Thiên Chúa hiện diện nơi trần thế một cách hiển vinh. Ngoài ra, những diễn tả trong các câu chuyện Truyền tin và Viếng thăm, bằng cách vay mượn những từ ngữ đã được dùng trong Cựu Ước để diễn tả hòm bia giao ước –  Chẳng hạn Lc 1, 35 tương xứng với Xh 40, 34-35, hoặc bài ca Magnificat (Lc 1, 46-56) – thánh sử Luca rõ ràng muốn quy chiếu Mẹ Thiên Chúa với hòm bia giao ước. 
Đặc biệt trong Xh 40, 34-35, sau khi vừa dựng lều nhà tạm xong, Môsê đặt hòm bia vào lều, lúc đó “đám mây che phủ lều Hội Ngộ, và vinh quang Đức Chúa đầy tràn Nhà Tạm. Ông Môsê không thể vào lều Hội Ngộ vì đám mây đậu trên đó, và vinh quang Đức Chúa đầy tràn Nhà Tạm”. Trong Lc 1, 35, chúng ta đọc thấy việc Đức Maria thụ thai cách linh thiêng cũng được “Thánh Thần sẽ đến trên Bà và quyền năng Đấng Tối Cao trên Bà rợp bóng” (Lc 1, 35). Vì thế, chính lúc thụ thai, mang lấy Chính Thiên Chúa trong lòng dạ mình, Đức Maria trở nên hòm bia sống động của Thiên Chúa. 
Nhưng thánh Luca không chỉ làm nổi bậc hình ảnh hòm bia nơi Đức Maria, thánh nhân còn đi thêm một bước dài trong cách làm đối xứng giữa cuộc hành trình của hòm bia đi về Giêrusalem dưới thời Đavid, với hành trình của Đức Maria mang Chúa Giêsu đến Giêrusalem để thăm viếng. 
    * Đavid và dân chúng đã vui mừng khi cung nghinh hòm bia. (2 Sm 6, 12-15. Bà Êlisabeth và con bà cũng vui mừng trước mặt Đức Maria (Lc 1, 41-44).
    * Chính Đavid đã nhảy nhót để diễn tả niềm vui ấy (2 Sm 6, 16). Gioan Tẩy giả cũng nhảy mừng trong lòng mẹ trước Đức Maria (Lc 1, 44).
    * Dân Israel đã “reo hò” trong khi rước hòm bia (2 Sm 6, 15). Cũng vậy, Êlisabeth “kêu lớn tiếng” (Lc 1, 42).
    * Cũng như hòm bia ở lại nhà Abinadad trong ba tháng (2 Sm 6, 10), Đức Maria cũng lưu lại nhà Giacaria “ba tháng, rồi trở về nhà mình” (Lc 1, 40).
    * Câu nói của Êlisabeth: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm tôi” (Lc 1, 43), phải chăng cũng là họa lại lời Đavid: “Hòm bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được?” (2 Sm 6,9).
   Như vậy, với cái nhìn của Luca, và cũng là mạc khải của chính Thiên Chúa nơi Tin Mừng này, đã biểu lộ một nét đẹp vô song: Đức Maria, Mẹ của Thiên Chúa làm người, cũng chính là hòm bia giao ước mới, là hòm bia giao ước sống động của Thiên Chúa. 
   Như vậy, Đức Maria khi có mặt trong thời Tân Ước, đã bước ra từ Cựu Ước. Giá trị của chiếc hòm là nhờ chứa đựng bia giao ước. Đức Maria được ca khen trên hết mọi người phụ nữ (Lc 1, 42), bởi từ lòng dạ của Mẹ, Con Thiên Chúa được sinh ra. Nhưng giao ước ngày xưa không bền vững, còn hôm nay, cưu mang và hạ sinh Con Thiên Chúa, Đức Maria đã trao cho trần thế một giao ước không bao giờ tàn phai.
3. ĐỨC MARIA, NGƯỜI PHỤ NỮ CHIẾN THẮNG. 
Trong khi trình bày về cái chết của Chúa Kitô, Tin Mừng theo thánh Gioan không quên nói tới người phụ nữ đã sinh ra Chúa Kitô: “Đức Giêsu thấy Mẹ Ngài, và môn đồ Ngài yêu mến đứng bên cạnh, thì Ngài nói với Mẹ: ‘Hỡi bà, này là con bà!’. Đoạn lại nói với môn đồ: ‘Này là mẹ con’” (Ga 19, 26-27).
Cách xưng hô trong đoạn trích vừa rồi, Chúa Giêsu nói với Đức Maria, cũng cùng một kiểu với lần xưng hô tại tiệc cưới Cana: “Hỡi Bà”. Nhiều người thắc mắc, tại sao Chúa Giêsu lại xưng hô với mẹ mình như thế? Văn chương Dothái cũng không cho thấy, thời Chúa Giêsu, người ta có thể xưng hô với mẹ như Chúa Giêsu đã xưng hô với Đức Maria.
Tin Mừng theo thánh Gioan đã có một sự đối chiếu với sách Sáng thế. Ngay từ đầu chương thứ nhất của Tin mừng này, Gioan  đã mở đầu: “Lúc khởi nguyên” giống y như sách Sáng thế. Sau khi mở đầu như thế, Tin Mừng Gioan tiếp tục nói đến sự tạo dựng và phân biệt ánh sáng và bóng tối, cũng y như sách Sáng thế. Rõ ràng, thánh Gioan đã có sự quan tâm không nhỏ đến quyển sách đầu của Kinh Thánh, khi viết sách Tin Mừng.
Từ đó, ta có thể suy đoán rằng, chữ “Bà” trong Tin Mừng này, có liên hệ với “người đàn bà” trong Sáng thế 3, 15.  Sáng thế 3, 15 nói về sự giao tranh giữa quỷ thần cùng người đàn bà và dòng dõi của bà. Dòng dõi của người đàn bà sẽ có lúc bị thương nơi “gót chân”, còn quỷ thần sẽ bị đả thương nơi “đầu”. Hôm nay, đối với Tin Mừng Gioan, cuộc giao tranh ấy đã diễn ra nơi Chúa Kitô và Mẹ của Người. Chính Gioan đã trích dẫn lời Chúa Giêsu nói về kết quả của cuộc chiến ấy: “Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian sắp bị tống ra ngoài!” (Ga 12, 31).
Chúng ta cũng sẽ dễ dàng tìm thấy nhiều nới khác trong Tin Mừng thánh Gioan, ảnh hưởng của quỷ thần, nhất là ảnh hưởng đó làm cho Chúa Kitô bị đóng đinh, chẳng hạn: Ga 6, 70-71; 8, 44; 13, 2… Có thể nói, cuộc giao tranh của quỷ thần luôn rình rập cả cuộc đời Chúa Kitô.
Cuộc giao tranh ấy lên đến cực điểm trên núi Sọ, nơi đó, Chúa Kitô bị thuơng tích và bị chết. Nhưng cái chết bề ngoài này (chỉ như một vết thương nơi gót chân) là một chiến thắng vĩ đại đối với tội lỗi. Như vậy, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô ngay sau cái chết đó, là sự chiến thắng của dòng dõi của “Người Đàn Bà”. 
Vì thế, từ ngữ “Bà” mà Chúa Giêsu nói trên thập giá nằm trong bối cảnh này. “Người Đàn Bà”, Mẹ của Chúa Giêsu là “Người Đàn Bà” của đau thương, vì thế, cũng là “Người Đàn Bà” của chiến thắng.
Việc Đức Maria chia sẻ sự chiến thắng  của Chúa Kitô trên sự tội và sự chết chính là nền tảng thần học cho việc Hội Thánh, nhờ ơn mạc khải của Chúa Thánh Thần, công nhận tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Qua tín điều này, Hội Thánh tôn xưng sự chiến thắng hoàn toàn trên tội lỗi của Chúa Kitô. Qua sự chiến thắng đó, Evà mới chính là Đức Maria được giải thoát cách hết sức lạ lùng, và tội lỗi do Evà cũ gieo rắc, từ nay bị nhấn chìm. 
Bởi đó, Đức Maria, người Nữ cộng tác với ơn cứu độ, trở thành người Nữ chiến thắng trong chính sự hiệp công của mình. Sự chiến thắng của dòng dõi “Người Đàn Bà” làm cho Đức Maria trở thành người tiên phong trong ơn cứu độ đầy hiệu lực, do Chúa Kitô thực hiện.
Không những thế, Đức Maria còn được đưa về trời cả hồn lẫn xác, cho thấy sự chiến thắng sự chết của Chúa Kitô, không phải nơi bản thân Chúa Kitô mà thôi, nhưng còn là dòng dõi của Chúa Kitô, mà Đức Maria là đồng minh thân thiết nhất của Người. Bởi cũng là dòng dõi của Chúa Kitô trong ơn cứu độ, chúng ta đứng kề bên Đức Mẹ, sống trong cuộc đời này, có quyền hy vọng được giải thoát tinh tuyền như Đức Mẹ.
4. ĐỨC MARIA, EVÀ MỚI. 
Cũng trong văn mạch Ga 19, 26-27, Tin Mừng theo thánh Gioan còn cho thấy hình ảnh Đức Maria, người mẹ của cả nhân loại. Đó là việc trối Đức Maria làm mẹ của tông đồ Gioan, người môn đệ Chúa Giêsu yêu dấu. 
Nếu ngày xưa, Evà là mẹ của thế giới, bên cây trái cấm, đã làm cho khuôn mặt một người mẹ trở nên nhạt nhòa do cộng tác với tội lỗi, thì bây giờ, Đức Maria, trở thành Evà mới, hoàn toàn ngược lại với Evà cũ, vì bên cây thánh giá, Đức Maria đã trở nên người phụ nữ cộng với ơn cứu độ của Thiên Chúa. 
Evà cũ cùng với Ađam cũ đã phá đổ. Evà Mới hết lòng cộng tác với Ađam Mới, xây dựng lại trên nền của những đổ nát. Evà cũ và Ađam cũ làm cho chết. Nhưng Evà Mới hiệp công cùng Ađam Mới trao ban sự sống đời đời. Evà cũ được sinh ra trong cõi đời của thuở ban đầu đầy ánh sáng và hạnh phúc, lại xóa tan ánh sáng, giết chết hạnh phúc. Evà Mới sinh ra trong cõi đời đã bị phá đổ ấy, lại có sức ban tặng thế gian ánh sáng và hạnh phúc trường cửu. Evà cũ vì kiêu ngạo, đã bất tuân Lời Thiên Chúa, nhắm một mục tiêu không thể tưởng tượng: muốn bằng Thiên Chúa, đã phải chuốc lấy nỗi mặc cảm của tội lỗi, đầy ô nhục và xa cách Thiên Chúa. Trong khi Evà Mới với lời thưa “Xin Vâng” khiêm nhường, trở thành “Người Đàn Bà” anh hùng, “Người Đàn Bà” chiến thắng, đã cộng tác chặt chẽ với “dòng dõi mình”, “đạp bể đầu” “con rắn” xưa (St 3, 15).
Như vậy, Đức Maria phải được giải thoát cách tinh tuyền ngay từ lúc bắt đầu thành thai. Nếu không được giải thoát như thế, đó mới là điều vô lý. Vì có lẽ nào, một người cộng tác với ơn cứu độ để tiêu diệt tội lỗi, lại có thể bị tội lỗi xâm phạm? 
Nếu Đức Maria không vô nhiễm nguyên tội, ta sẽ không làm sao hiểu nổi, một người cũng bị tội hoành hành như mọi người, lại có thể đứng đầu mọi người, cộng tác với Ơn Cứu Rỗi để cứu rỗi mọi người?
Nếu Đức Maria không vô nhiễm nguyên tội, có nghĩa là Chúa Giêsu không được sinh ra từ một tâm hồn thanh sạch. Một người cũng được sinh ra từ một tâm hồn không thanh sạch, có khác gì loài người chúng ta? Không khác chúng ta về điều này, Chúa Giêsu sẽ chẳng bao giờ có quyền năng cứu độ. Nhưng thực tế, Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người. Thiên Chúa đến trần gian với một mục đích duy nhất khi làm người là cứu độ loài người, và đã thực sự cứu độ muôn muôn thế hệ loài người. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã đi bước trước trong việc ban ơn cứu độ mà Người sẽ thực hiện, để giải thoát tâm hồn Đức Maria cách diệu kỳ quá đỗi. Người đã chuẩn bị tâm hồn Mẹ thành cung điện xứng đáng, để từ đó, Người sinh ra.
*****
Mừng lễ Đức Mẹ Lộ Đức, dù không thể nói hết trong vài trang giấy, chúng ta ôn lại vinh quang mà Mẹ chúng ta đã được tặng ban bởi Thiên Chúa, để thêm một lần nữa, chúng ta ca tụng kỳ công của Thiên Chúa đã thực hiện nơi một thụ tạo yêu quý của Người nói riêng, và kỳ công mà Người ban cho cả loài người nói chung.
Bởi xét cho cùng, kỳ công Chúa ban cho Đức Mẹ, Đức Mẹ không hưởng riêng một mình, nhưng dành cho chính chúng ta. Mẹ chính là lợi ích của chúng ta, vì cùng với con mình là Chúa Giêsu, Đức Maria trở thành quà tặng tuyệt diệu mà Thiên Chúa dành cho trần gian. Quà tặng độc đáo của Thiên Chúa làm cho Đức Maria và chúng ta, Hội Thánh của Chúa Kitô, có một tương quan hoàn hảo và lớn lao đến vô cùng: 
    - Đức Maria ở trong Hội Thánh: Từ buổi sơ khai, Mẹ đã là thành viên của Hội Thánh. Sau khi được rước về trời, Mẹ lại tiếp tục là thành viên của Hội Thánh thiên quốc.
    - Hội Thánh ở trong Đức Maria: Bởi ngày Truyền Tin, khi Đức Mẹ nhận lời ngỏ của Thiên Chúa để cưu mang Chúa kitô, Đầu của Hội Thánh, thì kể từ ngày ấy, Đức Mẹ đã mang lấy Hội Thánh. Mẹ cũng sẽ tiếp tục cưu mang và đồng hành với Hội Thánh trải dài hết cuộc đời dương thế của Chúa Kitô, mãi cho đến ngày lễ Hiện xuống của Ngôi Ba Thiên Chúa.
    - Không những Hội Thánh ở trong Đức Maria, còn hơn thế, Mẹ là Mẹ của Hội Thánh, Mẹ của mỗi người chúng ta đang trong cuộc lữ hành trần thế. Bởi nếu Hội Thánh là thân mình của Chúa Kitô, thì Đức Maria là Mẹ của Đầu, cũng sẽ là Mẹ của thân mình thuộc về Đầu ấy.
Bởi vậy, hôm nay mừng lễ Đức Mẹ Lộ Đức, tuyên dương Đức Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng ta kêu nài Mẹ hãy tiếp tục ở lại trong Hội Thánh, để Mẹ tiếp tục là Mẹ của Hội Thánh và Hội Thánh được tiếp tục ở lại trong Mẹ, mà hoàn thành sứ mạng trần thế của mình như chính Mẹ vậy.
Còn chúng ta, tôn kính, mến yêu Đức Mẹ, dù là cách đặc biệt, vẫn chưa đủ. Chúng ta cần tiến xa hơn trong sự tận hiến thời gian, sức lực, trí khôn, của cải, sự sống, toàn bộ cuộc đời và tấm thân ta để cùng đi chính con đường Chúa Kitô và Mẹ Người đã đi xưa, mà tận hiến chính mình như của lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa. Đó mới chính là thể hiện lòng yêu mến, tôn sùng Đức Mẹ cách thiết thực và cần thiết nhất, phù hợp thành ý Chúa.
Lm. VŨ XUÂN HẠNH
CÚI XUỐNG VỚI BỆNH NHÂN
      “Giáo Hội muốn cúi xuống với một sự chăm sóc đặc biệt trên những bệnh nhân…” là những lời thật cảm động của Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 trong sứ điệp đầu tiên của mình dành cho ngày Thế Giới Bệnh Nhân lần thứ 14, diễn ra cách đặc biệt tại Adelade, Uc Châu, vào ngày 11.02.2006, ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức.
Bệnh tật là nỗi thống khổ của nhân loại mọi thời, mọi nơi. “Bệnh tật và đau khổ là những thử thách nặng nề nhất trong cuộc sống con người. Khi lâm bệnh, con người cảm nghiệm sự bất lực, giới hạn và sự hữu hạn của mình. Bệnh tật khiến con người ý thức về cái chết nhiều hơn. Bệnh tật có thể làm con người xao xuyến, yếm thế, đôi khi đưa đến tuyệt vọng và nổi loạn chống lại Thiên Chúa, nhưng cũng có thể làm cho con người chín chắn hơn, giúp họ nhận ra những điều phụ thuộc trong cuộc sống để biết quay về với những điều chính yếu. Thường bệnh tật hối thúc con người tìm kiếm Chúa và quay về với Người.” (Giáo Lý Toàn Cầu, số 1500-1501)
Không ít những trường hợp, người ta coi thường, khinh dễ bệnh nhân vì họ như là gánh nặng của gia đình và xã hội. Bi đát hơn, có những con người nhẫn tâm giết chết bệnh nhân ngay từ trong lòng mẹ theo não trạng “ưu sinh” hay những bệnh nhân liệt giường lâu ngày theo khuynh hướng “trợ tử” (an tử, cái chết êm dịu).
Người bệnh có vị trí thế nào trong Giáo Hội Công Giáo ?
Quan niệm ban đầu của Cựu Ước vẫn cho rằng bệnh đi liền với tội. Bệnh tật như là một sự trừng phạt bởi tội lỗi gây ra. Chính Chúa đã trừng phạt vua Đavít phạm tội, bằng cơn dịch 3 ngày cho toàn dân ( 2Sm 24, 10-17). Vì thế, người ta xa lánh bệnh nhân, nhất là bệnh phong cùi không chỉ vì sự dơ bẩn, “ô uế theo luật Dothái” hay tính truyền nhiễm, mà còn xa lánh họ như xa lánh kẻ tội lỗi. Chính các Tông đồ vẫn còn mang cái nhìn ấy khi hỏi Chúa người mù từ khi mới sinh là do tội của anh hay gia đình anh, mà anh phải chịu. (x. Ga 9, 2-3) Và Chúa đã trả lời không bởi tội, nhưng để làm vinh danh Thiên Chúa.
Ông Gióp “là một con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác” (G 1, 1), thế mà ông bị “mắc phải chứng ung nhọt ác tính từ bàn chân cho đến đỉnh đầu. Ông ngồi giữa đống tro, lấy mảnh sành mà gãi…” (G 2, 7-8). Đó chính là một bằng chứng về nguyên nhân của bệnh tật, không phải bởi tội, mà có thể là một cuộc thanh luyện Chúa dùng để làm sáng danh Chúa và sinh ích cho con người (x. Sách Gióp)
Từ sau khi nguyên tổ phạm tội, bản tính con người vốn bất toàn ngày càng có nhiều giới hạn. Cho dù khoa học, y học phát triển đến đâu, con người vẫn chưa, và có lẽ không bao giờ chiến thắng được bệnh tật. Bệnh hoạn tật nguyền không chừa một ai. Nó xâm nhập vào mọi thành phần, từ trẻ thơ đến cụ già, từ nguyên thủ quốc gia đến người dân quê mùa chất phát, từ vị Giáo Hoàng, Giám Mục, Linh Mục cho đến giáo dân…”. Có thể nói, tất cả mọi người, ít nhiều đều là “bệnh nhân”. 
Vua Saulơ, vị vua đầu tiên của dân Dothái cũng mang bệnh bởi thần khí hung ác ( 1Sm 17, 14-23). Thánh Phaolô cũng có chứng bệnh kinh niên mà Chúa dùng như một “cái dằm” để giúp ngài “khỏi tự cao tự đại” và biểu lộ quyền năng của Chúa. (x. 2Cr 12, 7). Dù bệnh, ngài vẫn làm việc : “Nhân khi thân xác bị đau ốm, tôi đã loan báo Tin Mừng lần đầu tiên cho anh em.” (Gl 4, 13”. Và rất nhiều vị thánh là những bệnh nhân hay qua đời vì ngã bệnh như : Têrêxa Avila, Phanxicô Xavie, Têrêxa Hài Đồng Giêsu… vẫn rất hữu ích cho Giáo Hội.
Không ai dám cho mình là “vô bệnh”. Tục ngữ có câu “Bảy mươi chưa què, đừng khoe mình lành”. Ta cũng không tránh khỏi bệnh tật, ta có thể là bệnh nhân. Tuy nhiên, cách đặc biệt có những con người đau khổ với bệnh tật nặng nề, cần phải được chúng ta “cúi xuống với một sự chăm sóc đặc biệt”, dành cho họ.
Chính Chúa Giêsu đã thực hiện lời tiên báo của ngôn sứ Isaia “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Is 53, 4) mà tận tâm, tận tình, tận lực “chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền của dân” (Mt 4, 23). Đọc lại Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó : 
-“Thiên hạ đem đến cho người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt ; và Người đã chữa họ.” (Mt 4, 24)
-“Chúa Giêsu trên núi đi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. Và kìa, một người phong hũi tiến lại…Người giơ tay đụng vào anh và bảo, tôi muốn, anh sạch đi. Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi.” (Mt 8, 1-3)
-“Chúa Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa các bệnh hoạn tật nguyền.” (Mt 9, 35)
-“Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương và chữa lành các bệnh nhân của họ”. (Mt 14, 14)
-“Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành… (Mt 15, 30)
-“Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.” (Mc 1, 34)
-“Chính giờ ấy, Chúa Giêsu chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám và ban cho nhiều người mù được thấy…” (Lc 7, 21)
*****
Cả 4 tác giả Tin Mừng đều kể lại việc Chúa chăm sóc, chữa lành bệnh nhân rất bận rộn. Người không chỉ chăm sóc Dân Người, mà còn cả bệnh nhân của các gia đình lương dân (x. Mt 15, 21-28) hay viên sĩ quan quân đội Rôma (x. Mt 8, 5-13), chính quyền đang cai trị Dân Người.
Với đức ái của Người Mục Tử Nhân Lành chăm sóc những con chiên bị thương tích, Chúa Giêsu đã thông truyền khả năng chữa lành cho các tông đồ : “Rồi Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” . (Mt 10, 1) ; và khi sai các ngài đi rao giảng Tin Mừng, Ngài cũng ra lệnh chăm sóc bệnh nhân: “Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch và khử trừ ma quỷ”. (Mt 10, 8).
Sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu gắn liền với sứ vụ chăm sóc bệnh nhân.  Chính các tông đồ nối tiếp công việc của Chúa Giêsu khi người còn tại thế, và lúc đã về trời, vẫn vừa truyền giáo vừa chữa lành. Cả thánh Phaolô-“Tông Đồ Dân Ngoại”, nhà truyền giáo vĩ đại cũng đã từng chữa lành cho bệnh nhân : “Thiên Chúa dùng tay Phaolô mà làm những phép lạ phi thường, đến nỗi người ta lấy cả khăn cả áo đã chạm đến da thịt ông mà đặt trên người bệnh, và bệnh tật biến đi, tà thần cũng phải xuất.” (Cv 19, 11-12). Phaolô còn tế nhị chăm sóc sức khoẻ cho đứa con tinh thần là Timôthêô để bảo đảm cho việc tông đồ : “Từ nay còn đừng chỉ uống nước lã, nhưng hãy dùng thêm chút rượu, vì con đau dạ dầy và ốm yếu luôn.” (1Tm 5, 23). Qua lời khuyên của thánh Giacôbê, nền tảng Kinh Thánh của bí tích Xức Dầu, chúng ta  nhận ra Giáo Hội sơ khai là gương mẫu cho việc chăm sóc bệnh nhân : “Ai trong anh em đau yếu ư  ? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến, họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh ; người ấy sẽ được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy phạm tội thì sẽ được Chúa tha.” (Gc 5, 14-15)
“Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo” (Sắc Lệnh Truyền Giáo, số 2). Khi thấy sự liên hệ chặc chẻ giữa sứ vụ truyền giáo và mục vụ bệnh nhận, chúng ta có thể nói, tự bản tính, Giáo Hội phải chăm sóc bệnh nhân.
Bởi bệnh nhân không phải là gánh nặng cần loại bỏ, nhưng có thể họ là những tông đồ trên giường, những vị thánh của thời đại.
ĐTC Gioan Phaolô II nhắn nhủ trong ngày quốc tế Bệnh Nhân lần 12, 11.02.2004 : "Không ai có quyền hủy diệt con người nại lý do biện hộ là để người đó đừng chịu đau khổ. Mọi người, kể cả kẻ phải mang lấy bệnh tật và chịu đau khổ, là một hồng ân cao cả cho Giáo Hội cũng như cho nhân loại. Ước chi bất cứ ai đang đau khổ đều có thể gặp được nơi chính môi trường mình sinh sống những con người sẵn sàng nâng đỡ họ, với lòng kiên trì và sự trợ giúp... Sự đau khổ luôn luôn mời gọi chúng ta thực thi tình thương nhân từ. Ngày Quốc Tế Các Bệnh Nhân là dịp để khám phá lại chổ đứng quan trọng trong cộng đoàn kitô của những người đang đau khổ, và cũng là dịp để làm cho vai trò quý báu của họ càng ngày càng thêm giá trị. Phải, theo cái nhìn con người, thì đau khổ và bệnh tật có thể xem ra như là những điều phi lý; nhưng những ai để cho ánh sáng Tin Mừng soi chiếu, thì khám phá được ý nghĩa cứu rỗi sâu xa của đau khổ và bệnh tật."
Bệnh nhân còn là những người đóng góp rất lớn cho công việc xây dựng Giáo Hội và cho nhân loại. Trong sứ điệp năm nay, ĐTC Bênêđíctô 16 khẳng định: “Bây giờ, tôi muốn ngõ lời với anh chị em, hỡi những anh chị em mắc bịnh, hầu mời anh chị em dâng lên với Chúa Kitô điều kiện đau khổ của anh chị em cho Chúa Cha, trong sự tin chắc rằng mỗi một thử thách mà chấp nhận với sự cam chịu thì có công và lôi kéo lòng lành của Chúa xuống trên nhân loại.”.
Giáo xứ Bình An hiện có hơn 40 bệnh nhân, già cả cần chăm sóc, trong đó 13 người được trao Mình Thánh hằng tuần. Khi đi thăm viếng họ, tôi chân thành nài xin họ giúp cầu nguyện cho việc xây dựng nhà thờ của giáo xứ. Thật sự những hy sinh, đau khổ của bệnh nhân và lời cầu nguyện của họ đã lôi kéo ơn lành xuống trên công trình xây dựng Nhà Chúa “được diễn tiến an bình không tai nạn rũi ro và thương tích”, và nay đã hoàn thành tốt đẹp. Để biết ơn những ân nhân đau khổ này, ngay Chúa Nhật đầu tiên sau khi cung hiến nhà thờ, giáo xứ đưa những bệnh nhân đến thăm viếng nhà thờ mới, và rước lễ trọng thể nơi ngôi thánh đường mà họ đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng. Thật cảm động khi thấy những nụ cười cùng những giọt nước mắt của niềm vui vì thấy mình hữu ích trong Giáo Hội. (hình ảnh đính kèm).
Đây là hướng mục vụ của Công Đồng Vatican II kêu mời “giao nhiệm vụ” cho bệnh nhân trong đại cuộc của Hội Thánh. Sắc Lệnh Truyền Giáo số 38 viết : “Các Giám Mục có nhiệm vụ khuyến khích trong dân mình, nhất là giữa những kẻ đau yếu và khổ tâm, những tâm hồn quảng đại dâng lên Thiên Chúa kinh nguyện và việc khổ hạnh để cầu cho công cuộc rao giảng Phúc Âm trên thế giới…” Đó là lý do tại sao Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, bệnh nhân trong dòng kín qua đời ở tuổi 24 được đặt làm Bổn Mạng Các Xứ Truyền Giáo.
       Chúng ta phải chăm sóc bệnh nhân không chỉ vì giá trị con người của họ và giá trị hy sinh mà họ hiến dâng như thánh Phaolô “Tôi vui mừng chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan đau khổ Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức vì lợi ích của thân thể Người là Hội Thánh”. (Cl 1, 24), mà còn để nên giống Chúa Giêsu và trung thành với giáo huấn của Hội Thánh : 
        -“Tuy mắc nợ với hết mọi người, nhưng cách riêng các Linh Mục phải đặc biệc chăm sóc những người nghèo khổ và yếu đuối; vì chính Chúa đã tỏ ra là bạn hữu đối với họ và coi việc rao giảng Phúc Âm cho họ là dấu hiệu cho công cuộc cứu thế… Sau hết, các ngài phải hết sức ân cần chăm sóc những người yếu đau và hấp hối bằng cách thăm viếng và an ủi họ trong Chúa.” (Sắc Lệnh Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục, số 6)
        -“Những bệnh nhân và người già cần đến sự lưu ý đặc biệt của cộng đoàn, đặc biệt là các mục tử. Cả hai loại người trên đều có kinh nghiệm về đau khổ cả trong chiều kích tinh thần lẫn thể xác. Các Linh Mục tiếp xúc với các bệnh nhân bằng cách biểu lộ sự thông cảm huynh đệ ; các ngài coi các bệnh nhân như một thành phần đặc biệt quí giá của đoàn chiên được trao phó cho mình ; chuyên cần thăm viếng ủi an họ, giúp họ hiểu được tình yêu vô tận của Thánh Tâm Chúa, sự liên đới Kitô giáo và ý nghĩa mầu nhiệm thập giá được đón nhận trong niềm tin. Linh Mục khích lệ họ tìm thấy sức mạnh và niềm hy vọng trong lời cầu nguyện và trong sự hiến dâng đau khổ để cứu chuộc nhân loại, hiệp nhất với cuộc thương khó của Đức Kitô.” (Chỉ Nam Linh Mục của Bộ Truyền Giáo, số 16)
Mỗi khi chúng ta đau bệnh là cơ hội Chúa dùng để mình có thể “kinh nghiệm về đau khổ trong tinh thần và thể xác” như Chỉ Nam Linh Mục đã nói, và phải chăm sóc bệnh nhân với tư cách là bệnh nhân.
Những lúc chúng ta “cúi xuống với một sự chăm sóc đặc biệt trên những bệnh nhân” là chính lúc chúng ta phục vụ Chúa Kitô để được vào Nước Trời, vì Người đã đồng hoá mình với họ : “Ta đau yếu các ngươi đã chăm nom…” (Mt 25, 36).
Chăm sóc bệnh nhân còn là việc làm theo gương Đức Mẹ mà chúng ta vẫn thường kêu cầu với danh xưng “Đức Bà Cứu kẻ liệt kẻ khốn”. Mẹ đã hiện ra tại Lộ Đức và biến nơi đây thành nơi chữa lành của Mẹ, nơi hàng năm có đến 650.000 bệnh nhân được một đội ngũ tiếp viên hiếu khách đón tiếp và phục vụ. 
Lạy “Đức Bà an ủi kẻ âu lo”,  xin cứu chữa chúng con, khi chúng con đau bịnh, và cho chúng con, dù đang là bệnh nhân, vẫn biết “cúi xuống với sự chăm sóc đặc biệt” trên những người đang đau đớn hơn mình, cúi xuống : 
“Bên những người đã bất tỉnh vào lúc này và sẽ chết. 
Bên những người đang bước vào cơn hấp hối. 
Bên những người đã mất hết hy vọng được khỏi bệnh. 
Bên những người đang rên xiết quằn quại trong đau đớn thể xác và tâm hồn.
Bên những người không có khả năng để chạy chữa, vì thiếu hụt tiền của.
Bên những người rất muốn bước đi mà phải nằm bất động.
Bên những người đáng phải nằm, mà phải chỗi dậy để làm việc, vì đói khát cơ cực và túng bấn.
Bên những người lăn lộn trên giường không tìm được một thế nghỉ  dễ chịu.
Bên Những người phải thao thức trắng đêm trường. 
Bên Những người bị dằn vặt bởi bao âu lo của gia đình túng quẫn.
Bên Những người mà bệnh tật đã buộc phải từ biệt những ước vọng, những dự tính hằng tha thiết…”. Amen. (Kinh cầu cho Bệnh Nhân)
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...