CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY_A
Lời Chúa: Ed 37, 12-14; Rm 8, 8-11; Ga 11, 1-45
----------------------------
1. Hãy ra khỏi mồ. (Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên)
2. Mùa dịch, sống lại tình bằng hữu (Lm. Giuse Hoàng Kim Toan)
3. Trận đại dịch cho ta hiểu cuộc đời (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)
4. Được sống lại (Jorathe Nắng Tím)
5. Hãy ra khỏi mồ! (Bông Hồng Nhỏ, MTG.Thủ Đức)
6. Hãy vững tin! (Anna Cỏ May, MTG.Thủ Đức)
7. Chỉ có Chúa mới làm cho sống (Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương)
8. Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống (Lm. Đaminh Trần Đình Nhi)
9. Hai cuộc đời (Trầm Thiên Thu)
10. Suy niệm chú giải Lời Chúa-Chúa Nhật V Mùa Chay_A (Lm. Inhaxio Hồ Thông)
11. Thầy là sự sống lại và là sự sống (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí)
Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên
“Chúa Giêsu là nguồn mạch sự sống”. Đó là một đề tài quan trọng trong Tin Mừng Thánh Gioan. Ý tưởng này được nhấn mạnh nhiều lần trong Tin Mừng thứ tư và trong các Thư được truyền thống Giáo Hội công nhận tác giả là Gioan. Khi nhấn mạnh đến đề tài này, tác giả Tin Mừng muốn trình bày Đức Giêsu chính là Thiên Chúa và là nguồn mạch sự sống. Bởi trong giáo huấn của Cựu ước, thì chỉ có Thiên Chúa mới làm chủ sự sống và sự chết. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền mở huyệt và đưa những người trong âm phủ đi ra.
“Hỡi dân Ta, này chính Ta sẽ mở huyệt cho các ngươi!”. Ngôn sứ Edêkien đã khơi lên nguồn hy vọng cho người Do Thái. Lời hứa “mở huyệt” này, vừa ám chỉ tới việc Chúa giải phóng Dân người khỏi ách nô lệ lúc bấy giờ để đưa về quê cha đất tổ, vừa hướng họ tới sự sống trường sinh vĩnh cửu, tức là sự sống Thiên Chúa sẽ ban cho con người sau khi chết. Theo giáo huấn của ngôn sứ Êdêkien, ngôi huyệt sẽ không còn là chỗ dừng chân mãi mãi, nhưng chỉ là tạm thời. Thiên Chúa quyền năng sẽ mở huyệt để thân xác con người không còn chết nữa, nhưng được sống với Chúa mãi mãi.
Chúa Giêsu nhiều lần khẳng định: chính Người là sự sống. “Ta là Đường, là Sự thật, và là Sự sống” (Ga 14,6). Trong các phép lạ Chúa làm, có những phép lạ cho kẻ chết sống lại, như trường hợp người thanh niên là con bà góa ở thành Naim, hay bé gái 12 tuổi đã chết mà Chúa cho sống lại. Phép lạ cho ông Lagiarô sống lại là một phép lạ điển hình, nhằm chứng minh những gì Chúa khẳng định về sự sống. Trong cuộc đối thoại với bà Mátta, chị của người chết, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Chính Thày là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thày, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống mà tin vào Thày, sẽ không bao giờ phải chết” (11, 25-26). Cũng như lời Chúa tuyên bố qua ngôn sứ Êdêkien, lời Chúa Giêsu vừa nhắc tới sự sống trần gian, vừa hướng tới sự sống vĩnh cửu. Người là Thiên Chúa, Đấng có quyền làm cho kẻ đã chết được sống lại. Người cũng là Đấng ban cho con người sự sống đời đời. Lời hứa với người trộm lành trên cây thập giá đã chứng minh điều đó: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với tôi” (Lc 23,43). Đức Giêsu đã dùng quyền năng Thiên Chúa kêu gọi ông Lagiarô ra khỏi mồ. Sự kiện này đã giúp cho người Do Thái tin vào Chúa. Thánh Gioan diễn tả một Đức Giêsu thực sự là “người”. Người chạm đến nỗi đau của con người, rơi lệ trước đau khổ của người khác và đưa họ từ cái chết đến sự sống. Chúa Giêsu không giống như một nhà phù thủy, nhưng là Thiên Chúa làm người có trái tim nhân loại, sẻ chia và mang lấy nỗi đau của con người, nhường cho con người hạnh phúc và vinh quang.
“Tôi chính là Mục tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Những lời tuyên bố này cho thấy Chúa Giêsu hiến mình cho sự sống của con người. Hôm nay cũng như mọi thế hệ, Chúa vẫn tiếp tục hiến mình vì sự sống của chúng ta. Chuẩn bị cử hành mầu nhiệm thập giá và Phục sinh, đề tài “Chúa Giêsu là nguồn mạch sự sống” giúp chúng ta nhìn xuyên qua cái chết để thấy sự sống tuôn chảy từ thập giá. Nhờ cái chết của Chúa Giêsu mà nhân loại được sống. Người đã chết thay cho chúng ta. Người đã mang lấy án tử cho chúng ta được sống. Trên cây thập giá, Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu thành tội nhân vì chúng ta.
“Hãy ra khỏi mồ!”. Lệnh truyền này đã đưa ông Lagiarô từ cõi chết trở về cõi sống, đồng thời đem niềm vui cho thân bằng quyến thuộc. Mùa Chay là lời mời gọi đoạn tuyệt với tội lỗi để sống cuộc sống mới. Những thực hành Mùa Chay giúp ta ra khỏi nấm mồ tối của sự ích kỷ, chia rẽ và hận thù. Để bước ra khỏi huyệt mộ của tội lỗi, đòi hỏi mỗi chúng ta phải hy sinh cố gắng nhiều khi đến mức anh hùng. Vì thay đổi đời sống, hướng cuộc đời sang một ngã rẽ khác cũng có nghĩa là đoạn tuyệt với quá khứ, dứt bỏ mọi ràng buộc để được sống trong tự do của con cái Chúa, hướng về tương lai tươi sáng trong bình an. Nhờ cuộc sống mới, họ giống như người đang đi trong ánh sáng mặt trời, không sợ vấp ngã. Bà Mátta, chị của Lagiarô, mặc dù tuyên xưng đức tin một cách quả quyết, cũng không hy vọng em mình có thể sống lại. Bà nói với Chúa: “Thưa Thày, nặng mùi rồi, vì em con đã ở trong mồ được bốn ngày” (Ga 11, 39). Chính trong lúc không một tia hy vọng theo lý luận thông thường của con người, thì quyền năng Thiên Chúa đã được tỏ bày. Chúa Giêsu đem hy vọng cho con người vào lúc họ cảm thấy bi đát nhất ở ngõ cụt của cuộc đời. Một thân xác bắt đầu thối rữa, nhờ quyền năng của Chúa, vẫn có thể được hồi sinh. Một con người dù tội lỗi tràn trề, nếu biết dừng lại sám hối, vẫn có thể được ơn tha thứ.
Những ai đã can đảm và dứt khoát bước ra khỏi huyệt mộ thì sẽ sống một cuộc sống mới. Cuộc sống ấy không còn bị xác thịt chi phối nữa, tức là không còn bị những đam mê xác thịt ràng buộc và cản trở. Họ được tự do thanh thoát mặc dù vẫn sống trong thân xác còn mang nhiều yếu đuối. Chính Chúa Thánh Thần thúc đẩy và đổi mới chúng ta, nhờ đó chúng ta có sức mạnh để vươn lên trong sự sống mới này (Bài đọc II).
Giữa đại dịch COVID-19, chúng ta không khỏi hoang mang lo sợ. Cả thế giới cầu nguyện nhưng dường như Thiên Chúa không để ý quan tâm. Lời Chúa hôm nay khích lệ chúng ta: hãy hy vọng và tín thác. Thiên Chúa có chương trình và phương pháp riêng của Ngài. Đến như thân xác ông Lagiarô đã bốc mùi và phân hủy Chúa còn làm cho sống lại. Lời cầu nguyện của chúng ta chắc chắn được Chúa nhận lời, vào lúc Chúa muốn, theo như cách Chúa muốn và nhằm tới ích lợi thực sự của chúng ta. Bởi lẽ, Thiên Chúa là Cha nhân hậu, luôn muốn điều tốt cho con cái của mình.
MÙA DỊCH, SỐNG LẠI TÌNH BẰNG HỮU
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Mùa đại dịch Corona nhiều nơi trên thế giới, nhà hữu trách kêu gọi toàn dân không nên ra ngoài khi không cần thiết. Đây là thời gian dài khá đặc biệt, cha mẹ, con cái tụ họp để sống lại tình bằng hữu trong gia đình. Chúa là người bạn thân thiết của gia đình Matta và Maria đến thăm Lazarô, em hai cô vừa mất. Có những điều suy tư: Gia đình cùng vượt qua thử thách, yêu thương tha thứ và là nơi cầu nguyện.
Cùng nhau vượt qua thử thách.
Gia đình Matta và Maria có người em vừa mất. Gia đình nào cũng có những thử thách nhất định, trong gia đình ngoài xã hội. Những thử thách về tình yêu đã chết, anh chị em không còn đón nhận nhau, vợ chồng xung khắc… Ngoài xã hội đang cơn đại dịch hoành hành… Gia đình có dịp ở lại với nhau, dành cho nhau nhiều thời gian hơn, không còn là lúc tranh cãi ai đúng, ai sai, giữa cái lúc sự chết đang ở ngoài cửa. Trong nhà người này người kia bắt đầu có thời gian suy nghĩ lại những gì đã sống làm buồn lòng nhau. Lúc này, họ quan tâm nhau nhiều hơn, cùng nhau tập luyện thể lực, cùng nhau vào bếp và dọn dẹp. Những tương quan được tiến triển hơn nhờ có nhiều thời gian nói với nhau, chia sẻ cùng nhau.
Gia đình nơi yêu thương, tha thứ.
Không có thời gian nào đặc biệt hơn lúc này, ngày nào cũng nghe tin báo nhiều người chết vì dịch bệnh, không kịp chôn cất hay hỏa táng. Những tin báo thêm nhiều người bị virus xâm nhập, không còn chỗ trong bệnh viện, không còn đủ y bác sỹ để điều trị. Sự sống mong manh buộc mỗi người trở về với gia đình của mình để nối lại những tương quan đã đứt gẫy hoặc đang bị rạn nứt hoặc chưa sống đủ yêu thương..
Thời gian hâm nóng lại tình yêu như đã cam kết. Không chỉ giữa hai bên nam và nữ, mà thời gian này là bốn bên. Cha, mẹ, con cái và Thiên Chúa. Chúa luôn luôn là Đấng trung gian của giao ước vợ chồng, con cái. Như ngày đầu Chúa đã chúc phúc cho tình yêu đôi lứa, Chúa vẫn luôn đồng hành với gia đình và cả lúc con cái ra đời, Chúa vẫn ở cùng. Thời gian bận rộn công việc, lo kiếm sống, trau dồi tri thức bên ngoài Chúa, Chúa vẫn âm thầm ở đó giữa gia đình, giữa nơi học đường. Có thời gian cùng nhau dừng lại giữa mùa dịch, cùng nhau ý thức lại sự hiện diện của Chúa qua kinh nguyện trong gia đình, trong Hội Thánh. Sống lại tình bằng hữu với Chúa và tình bằng hữu giữa cha mẹ và con cái. Qua cơn đại dịch này, tình yêu gia đình tiếp tục sinh hoa kết trái tốt đẹp hơn xưa.
Trở lại với bản văn Tin Mừng.
Chúa đến với gia đình Matta và Maria vào thời gian đau buồn vì người em mới mất. Sự kiện này loan báo một tin vui: Chúa là sự sống và là sự sống lại. Tin vui không xuất phát từ bên ngoài xã hội mà bắt đầu từ gia đình. Chúng ta đều ý thức gia đình là nơi trường học đầu tiên, cơ bản và không thể thay thế để dạy yêu thương. Nơi đó tình yêu khơi nguồn từ Thiên Chúa, một tình bạn mật thiết với gia đình. Chúa ở với gia đình khi vui cũng như lúc buồn. Có cả những lúc Chúa dùng bữa với gia đình, chia sẻ bữa ăn yêu thương. Một bàn tiệc vừa Lời Chúa vừa thực phẩm bổ dưỡng như tại gia đình Maria và Matta.
Tình bạn với Chúa êm ái, tế nhị biết bao. Khi gia đình báo tin, Chúa đã nghe biết có chuyện buồn đau, Chúa đã thu xếp để đến viếng thăm, các môn đệ khuyên đừng nên đến đó vì có người dọa ném đá giết Người. Chúa vẫn đến vì tình bạn, tình thân hữu. Sau này Chúa cũng cho các môn đệ biết: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình.” (Ga 15, 13). Tình yêu không có sợ hãi, tình yêu làm cho sống và như Gabriel Marcel viết: “yêu ai là muốn nói với người đó, em (anh) sẽ không chết” Tình yêu là ước ao người mình yêu được sống, được hiện diện bên nhau, hằng ngày được gặp nhau. Chúa có một tình bạn mật thiết như thế, sao gia đình mình lại không có Chúa?
Trong cơn đại dịch này, xin Chúa cho gia đình chúng con sống lại với Chúa, để gia đình chúng con sống mạnh mẽ hơn, dồi dào hơn trong tình yêu của Chúa và trong tương quan giữa các thành viên và làm cho nhân loại thêm yêu thương.
TRẬN ĐẠI DỊCH CHO TA HIỂU CUỘC ĐỜI
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Có người nói một TRẬN đại dịch sẽ giúp chúng ta hiểu ra rằng: Nhân sinh vô thường, đời người vốn không có thứ gọi là “ngày tháng dài lâu”. Cuộc sống thật mong manh và ngắn ngủi, thật khó để biết được rằng: ngày mai và đại nạn, thứ nào sẽ đến trước?
Khi trải qua một lần sinh tử mới hiểu được mạng sống đáng quý biết nhường nào. Ở thế gian này, chỉ có cái chết mới làm ta đáng sợ. Tiền tài dù có giá trị đến đâu, cũng không giá trị bằng mạng sống. Danh lợi dù có quan trọng đến đâu, cũng không quan trọng bằng sức khỏe.
Sức khỏe mới thực sự là vốn liếng lớn nhất của đời người. Nếu không có sức khoẻ, thì dù có cả núi vàng biển bạc nhưng sẽ vô giá trị với người “thập tử nhất sinh”.
Trong đại dịch Virus Vũ Hán ta thấy 2 tiểu thư con nhà tiền bạc dự thừa. Một cô miền Bắc với thái độ “có tiền bố mày chẳng sợ ai!” nên vô tư đi dung dăng, thế nhưng, dân mạng cũng phải lo cho mạng sống mình nên nổi sóng ném đá khiến cô bẽ bãng ngộ ra rằng: mạng sống con người mới gía trị, cho dù chỉ là mạng sống một người nghèo nhưng vẫn bất khả xâm phạm. Một cô thứ hai là người giầu Miền Nam, khi biết mình mang bệnh cô đã xin gia đình thuê chuyên cơ riêng để về nước cho an toàn và không ảnh hưởng đến ai! Gia đình đã sẵn lòng bỏ ra gần 10 tỉ đồng để đón cô về. Điều này cho ta thấy, đến 1 lúc, tiền bạc gần như vô nghĩa trước bệnh dịch. Nhiều người cãi nhau, phê phán chuyện đắt, rẻ, sang giàu. Nhưng cũng giống như ung thư, thì người nghèo cũng phải bán nhà, bán trâu hay cầm cố ruộng vườn chỉ để mong giữ được mạng sống của mình.
Vậy giả dụ như hôm nay chúng ta được như Lagiaro đã chết và Chúa cho sống lại, chúng ta sẽ sống cuộc đời như thế nào khi đã cảm nghiệm được cuộc sinh tử? Chúng ta sẽ sống cuộc sống mới như thế nào? Liệu có còn muốn bon chen, tích góp, giành giật hay sống dành thời gian cho có ý nghĩa với gia đình, với cuộc đời? Nếu ai đã từng trải qua cơn thập tử nhất sinh có lẽ sẽ cảm nghiệm điều này: tiền tài, danh vọng chẳng là gì một khi đã nhắm mắt xuôi tay. Một khi mình không có nắm giữ được chúng nữa thì những gì mình tích góp cũng uổng công.
La-gia-rô dầu được Chúa trả lại sự sống một lần nhưng rồi với quy luật thời gian, ông cũng chết như bao người khác. Điều quan trọng là Lagiaro đã biết được cần phải mang theo những gì cho hành trang đời sau. Chắc chắn không phải là tiền bạc, danh vọng, hay kiến thức mà là những điều thiện, việc phúc đức chúng ta đã gieo xuống nhân gian.
Chính cuộc đời Chúa Giê-su đã nêu gương cho chúng ta khi chính Ngài luôn sống đẹp lòng Chúa Cha và hy sinh phục vụ nhân sinh. Ngài đã đi đến tận cùng của tình yêu là dám chết cho người mình yêu. Ước gì chúng ta biết noi gương Chúa Giê-su sống trọn vẹn thời gian trong sự kết hợp với Chúa Cha và phục vụ tha nhân với hết khả năng của mình. Có như vậy chúng ta mới sống tròn ý nghĩa cuộc đời là tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Amen
Jorathe Nắng Tím
Được sống đã là một hạnh phúc, nay được sống lại thì niềm vui phải ngàn lần lớn hơn, nên khó có lời để diễn tả nước mắt hạnh phúc, thay cho giòng lệ xót xa, tiếc thương của hai chị em Mácta và Maria khi em trai Ladarô chết đã bốn ngày vừa được Đức Giêsu gọi ra khỏi mồ, trong khi “chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn” (Ga 11,44).
Tin Mừng cho chúng ta biết : gia đình ba chị em Mátta, Maria và Ladarô là chỗ thân tình của Đức Giêsu, nơi Ngài và các môn đệ thường ghé nghỉ ngơi trên đường truyền giáo, như thánh sử Gioan ghi rõ : “Đức Giêsu qúy mến cô Mácta, cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô” (Ga 11,5), nên khi Ladarô lâm bệnh, hai cô chị đã cho người đến báo với Đức Giêsu : “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng” (Ga 11,3).
Cứ sự thường, khi nghe người thân đau nặng, người ta tức tốc, vội vàng về ngay, vì biết có thể không kịp gặp, bởi cơn bệnh có thể lấy đi bất cứ lúc nào sự sống của người thân. Nhưng hôm ấy, Đức Giêsu có một thái độ bình tĩnh đến khác thường, khi Ngài không về Bêtania ngay để gặp ba chị em trong cơn khốn quẫn, mà sự có mặt của Ngài vô cùng cần thiết đối với họ. Trái lại, “sau khi được tin anh Ladarô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở” (Ga 11,6). Hơn thế nữa, Ngài còn tỏ ra vui, khi nói với các môn đệ : “Ladarô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin” (Ga 11,14).
Thái độ và việc làm của Đức Giêsu cho chúng ta thấy : điều quan trọng hơn đối với Ngài lúc này không phải Ladarô được khỏi bệnh, cho bằng anh được sống lại từ cõi chết để mọi người tin Ngài là Đấng làm cho con người được ra khỏi cái chết để đi vào sự sống với Ngài : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26).
Qủa thật, khi mặc khải Chân Lý sự sống lại và sự sống này, Đức Giêsu đã giải toả nỗi lo nhức nhối của con người, khi biết mình phải chết, nhưng hoàn toàn vô vọng vì không biết sự gì tiếp nối sau cái chết, chết rồi đi đâu, có một sự sống khác sau khi chết hay chết là hết, chết là trở về tuyệt đối hư vô ?
Khi cho Ladarô ra khỏi mồ trở lại sự sống, Đức Giêsu đã thực hiện lời tuyên sấm của ngôn sứ Êdêkien : “Các xương khô kia ơi, hãy nghe lời Đức Chúa. Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này với các xương ấy : Đây Ta sắp cho Thần Khí nhập vào các ngươi và các ngươi sẽ được sống. Ta sẽ đặt gân trên các ngươi, sẽ khiến thịt mọc trên các ngươi, sẽ trải da bọc lấy các ngươi. Ta sẽ đặt Thần Khí vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được sống. Bấy giờ các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa” (Ed 37,4-6). “Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta” (Ed 37,13).
Gọi ra khỏi mồ Ladarô, người đã chết ; mở huyệt cho dân ra khỏi gông cùm của chết chóc, Thiên Chúa đã qủa quyết : Ngài là Đấng nắm giữ sự sống của con người, và duy một mình Ngài mới cho con người được sống lại và được sống đời đời, mầu nhiệm sự sống mà Đức Giêsu đã mặc khải qua phép lạ cho Ladarô sống lại ở Bêtania.
Qua phép lạ này, chúng ta ghi nhận :
- Con đường chúng ta phải đi để được Thiên Chúa ban sự sống viên mãn và đời đời:
- Lắng Nghe Đức Giêsu :
Như hai chị em Mácta và Maria say mê lắng nghe Đức Giêsu, khi các cô quấn quýt bên Ngài, lúc thì nũng nịu bắt đền : “Nếu có Thầy ở đây, thì em con đã không chết” (Ga 11,21), vì các cô biết : khi nghe tin Ladarô, em trai các cô đau nặng, Đức Giêsu đã không thu xếp về ngay, mà vẫn “lưu lại hai ngày tại nơi đang ở” (Ga 11,6) ; lúc thì một chút giận dỗi, phụng phịu : “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết” (Ga 11,24). Nhưng luôn luôn các cô chăm chú Lắng Nghe Lời Ngài.
- Đón nhận Đức Giêsu:
Gia đình Bêtania rất yêu mến và từ lâu đã luôn đón tiếp Đức Giêsu với tất cả lòng trân trọng, và chân tình qúy mến. Bất cứ lúc nào cả ba chị em đều dành cho Đức Giêsu tình cảm nồng nàn và sự đón tiếp ân cần, nồng hậu, cũng như sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ Ngài và các môn đệ trên đường truyền giáo.
Đức Giêsu cũng đáp lại tấm lòng của ba chị em bằng tình cảm đặc biệt của Ngài, như hôm nay, cả đám đông đều thấy Ngài khóc (Ga 11,35), vì “thổn thức trong lòng và xao xuyến” xót thương Ladarô và cảm thương hai chị em Mácta, Maria (x. Ga 11,33), và nhiều người có mặt đã ngạc nhiên nói với nhau : “Kìa xem ! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy !” (Ga 11,36).
Thực vậy, thánh sử Gioan đã ghi lại nét dễ thuơng của hai chị em Mácta và Maria, khi ân cần, vồn vã đón tiếp Đức Giêsu trong trình thuật phép lạ cho Ladarô sống lại :
- “Vừa được tin Đức Giêsu tới, cô Mácta liền ra đón Người” (Ga 11,20).
- Khi được chi Mácta gọi và nói nhỏ : “Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy !… cô Maria vội đứng lên và đến với Đức Giêsu.” (Ga 11,28-29).
Tâm tình niềm nở, trông ngóng, mong mỏi được đón tiếp Đức Giêsu của hai cô được biểu hiện qua thái độ nhanh nhẩu, vội vàng, ngay lập tức diễn tả qua cụm từ “liền ra đón”, “vội đứng lên và đến với”. Tất cả đã nói lên các cô rất hân hoan, vui mừng được đón tiếp Đức Giêsu vào nhà mình, đến với mình, ở lại với mình trong bất cứ cảnh huống, tâm trạng nào.
- Tin Đức Giêsu:
Con đường thiêng liêng nào cũng phải dẫn đến niềm tin vào Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, cũng như các phép lạ Đức Giêsu làm cũng chỉ có mục đích “cho mọi người tin vào Ngài”, như Đức Giêsu đã nói với các môn đệ trước khi lên đường đến Bêtania : “Ladarô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin” (Ga 11,14), hoặc với Mácta : “Chị có tin thế không ?” (Ga 11,26), “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao ?” (Ga 11,40)
Thực vậy, con đường đến với “Đức Giêsu là Sự Sống Lại và là Sự Sống” chỉ có thể thực hiện khi đạt đến Niềm Tin : Đức Giêsu là Thiên Chúa Cứu Độ, Đấng đã đến trong đời để cứu độ loài người và ban lại cho con người sự sống đời đời.
Tin là điều kiện không thể thiếu để “được sống lại và được sống” như Đức Giêsu khẳng định : “Ai tin vào Thầy thì dù có chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26).
Như thế, chúng ta không còn nghi ngờ, nghi nan về điều kiện để được sống lại và được sống đời đời, vì chính Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người đã công khai mặc khải. Vấn đề là chúng ta có cố gắng đi con đường về sự sống như ba chị em gia đình Bêtania không : Con đường “lắng nghe Chúa, đón tiếp Chúa, và tin vào Chúa”, bởi để tin vào Ngài, chúng ta phải bắt đầu bằng Lắng Nghe Ngài nói và đón tiếp Ngài vào cuộc đời chúng ta.
Và để tiến bước trên con đường Chúa muốn, chúng ta cần tháo cởi khỏi mình những giây nhợ của “cái tôi” ích kỷ, ganh ghét, kiêu căng, những “vải buộc” của thành kiến, kỳ thị, nhất là tấm vải che lương tâm, và bịt kín ánh sáng của Thần Khí, như lệnh truyền của Đức Giêsu : “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi”, khi Ladarô vừa ra khỏi mồ, “chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn” (Ga 11,44), bởi “Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là Sự Sống và Bình An” (Rm 8,6).
Bông hồng nhỏ
Đứng trước mầu nhiệm của sự chết, ai trong chúng ta cũng cảm nhận một nỗi đau dai dẳng trong trái tim. Bởi cái chết lấy đi người ta thương mến, nó là hiện thân của sự chia ly và đau khổ. Ai sẽ giải thoát ta khỏi quyền lực của sự chết?
Hôm nay, cùng với Thầy Giêsu và các môn đệ, ta ngậm ngùi trước sự ra đi đột ngột của anh Ladarô, người mà Thầy Giêsu rất thương mến. Căn nhà nhỏ ở Bêtania chính là điểm dừng chân rất quen thuộc của Thầy trò. Ba chị em Mátta, Maria và Ladarô luôn đón tiếp Thầy và các môn đệ với lòng quý mến. Thầy Giêsu rất quý mến ba chị em. Khi được tin anh Ladarô đau nặng, Thầy không đến ngay nhưng còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở. Tại sao Thầy không đến với anh trong lúc anh cần Thầy nhất? Chắc hẳn, hai chị em cô Mátta và Maria cũng đã rất mong Thầy đến, càng chờ mong nỗi khát khao trong lòng càng cháy bỏng. Ngày ngày túc trực để chăm sóc cậu em đang đau nặng, nhìn em đang phải trải qua những cơn đau hành hạ, hai cô càng cảm thấy lòng nhói đau. Khi em đã chết mà Thầy vẫn chưa đến, nỗi khát mong trong lòng trở thành sự tiếc nuối: “Nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết” (Ga 11, 21 ). Đó không phải là một sự ngẫu nhiên khi cả hai chị em cùng thưa với Thầy điều này. Thầy Giêsu cũng đã thổn thức trước sự ra đi của người mình thương mến. Thấy Maria và những người đi cùng đều khóc, Thầy đã xao xuyến và thổn thức trong lòng. Đi theo họ ra mộ, Thầy đã khóc (x. Ga 11, 33). Đó là giọt nước mắt của Thiên Chúa, Đấng nhập thể làm người để chung chia một kiếp người như chúng ta. Người mang lấy nỗi đau của nhân loại, Người nhận lấy thân phận yếu hèn của phận người nơi chính mình để cảm thông và nâng con người lên, để dẫn con người đến nương ẩn trong tình yêu của Thiên Chúa. Sự hiện diện của Thầy chính là niềm an ủi lớn lao cho hai chị em. Đứng trước ngôi mộ có phiến đá đậy lại, Người truyền cho họ đem phiến đá đi. Cô Mátta – chị người chết – liền thưa: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày.” (Ga 11, 39). Cô có biết được điều Thầy sẽ làm cho em mình không? Cô vẫn tin Thầy là Đấng phải đến thế gian, tin rằng em mình sẽ sống lại trong ngày kẻ chết sống lại. Thế nhưng, điều Thầy muốn thực hiện ngay lúc này vượt quá điều cô mong ước hay nghĩ tới. “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” (Ga 11, 41). Thầy Giêsu ngước mắt lên và cầu nguyện cùng Thiên Chúa, Người muốn cho tất cả mọi người lắng nghe lời cầu nguyện ấy để họ tin rằng, Người là Đấng Chúa Cha đã sai đến (X. Ga 11, 42). “Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!” (Ga 11, 43). Đó là tiếng gọi của Thiên Chúa dành cho kẻ đã chết. Người trả lại cho anh sự sống đã bị tử thần lấy đi. Người mang lại cho hai chị em Mátta và Maria niềm vui lớn lao.
Mỗi ngày, Thầy Giêsu cũng đứng trước ngôi mộ của ta và lên tiếng gọi. Người đã lên tiếng gọi ta bước ra khỏi cái mồ của sự ích kỷ, của ghen tương và thù hận, nơi đã làm cho ta chết đi trong tương quan với tha nhân. Như cô Mátta đứng trước mộ em mình và tin rằng, thi hài đã nặng mùi sau khi đã chôn được bốn ngày, ta cũng tin rằng một phần con người của ta hay của người khác đã chết đi, đã trở nên nặng mùi vì để lâu. Có những tổn thương luôn làm cho ta nhức nhối, khó chịu nhưng ta lại không muốn ai bước vào hay đụng tới. Thầy Giêsu đã gọi ta bước ra khỏi đau thương của lòng mình để nhận lấy sự sống mới. Nếu ta tin, “chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” thì cuộc đời của ta cũng sẽ được hồi sinh. Nếu ta tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa, ta cũng sẽ tin rằng, Ngài sẽ làm cho những người thân yêu của ta hồi sinh.
Lạy Chúa Giêsu! Con cảm tạ Chúa đã cho con được cùng khóc với Chúa, cảm tạ Chúa đã cùng khóc trong nỗi đau của riêng con, của anh chị em con. Xin gia tăng nghị lực yêu thương trong trái tim con và nâng đỡ con trong những đau thương của cuộc đời, để qua những thăng trầm thử thách, con luôn cảm nhận được bàn tay Chúa đỡ nâng con, trái tim Chúa đang ấp ủ con và tiếng Chúa vẫn vang lên, kéo con ra khỏi cái mồ của sự chết. Amen.
Anna Cỏ may
“Thưa thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết!”
Khi em trai mình là Ladarô bị đau nặng, hai chị em Mácta và Maria đã cho người đến nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng”. Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga 11, 3-4). Chúa Giêsu đã không đi ngay, Ngài còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở. Sau đó, Chúa Giêsu mới đến với gia đình hai chị em. Lúc này, anh Ladarô đã chôn được bốn ngày trong mồ. Khi Chúa Giêsu vừa nới đến, cô Mácta liền ra đón Ngài mà nói: “Thưa Thầy, nếu Thầy ở đây thì em con đã không chết” (Ga 11,21). Cô Maria ra đón Chúa Giêsu cũng nói lời ấy. Như vậy, niềm tin của hai chị em mới dừng ở chỗ hiểu biết Ngài theo con mắt thế gian. Các cô tin Ngài sẽ chữa lành bệnh cho em mình, nhưng các cô chưa biết rằng, Ngài có thể lấy lại sự sống cho Ladarô cả khi anh đã chết. Hai chị em chỉ tin rằng Thầy sẽ cho em mình sống lại khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết. Cùng lúc thuận tiện có đám đông dân chúng đang ở đó, Ngài đã bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa, để cho mọi người tin vào Thiên Chúa và biết Ngài là ai. Chúa Giêsu theo họ đến trước mộ Ladarô. Vì đã được chôn bốn ngày, thi hài đã bắt đầu nặng mùi. Ngài nói: “Đem phiến đá này đi”. Cô Mácta đã ngăn cản Ngài, nhưng Ngài đã nói: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?”, rồi Ngài kêu lớn tiếng: “Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!” (x. Ga 11, 39-43) . Người chết bước ra, trở lại cuộc sống trần gian.
Vậy, đâu là Chúa Giêsu đã mời chị em Mácta và đám đông tin vào?
Chúa Giêsu mời gọi các cô và mọi người hãy tin: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11, 25). Ngài là Đấng đem lại sự sống cho kẻ tin, là Đấng được sai đến để giải thoát con người khỏi sự thống trị của cái chết. Lời mời gọi đó vẫn lưu truyền cho những ai muốn được sống sự sống đời. Phần chúng ta, chúng ta đang tin Thiên Chúa như thế nào? Chúng ta tin Chúa Giêsu đang hiện diện và hoạt động ra sao trong thời đại này? Chỉ khi chúng ta có đức tin mạnh vào Thiên Chúa, chúng ta mới được cứu thoát.
Lạy Chúa! Chúa là nguồn hy vọng, là nơi nương tựa và là sức mạnh cho chúng con. Xin cho chúng con biết vững tin vào Chúa Giêsu, Đấng giải thoát chúng con khỏi quyền lực sự chết. Xin giúp chúng con biết nhận ra lòng thương xót của Chúa và mau mắn chạy đến nương ẩn nơi Ngài; để nhờ đó, chúng con được hưởng sự sống đời đời ngay từ ở đời này. Xin Chúa cho chúng con biết dùng chính đời sống chứng tá của mình mà tạ ơn Thiên Chúa. Amen.
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
Chúng ta đang cử hành Chúa Nhật V Mùa Chay. Lời Chúa hôm nay nói nhiều về sự phục hồi hay sự phục sinh.
Bài đọc I trích sách tiên tri Êdêkien. Vị tiên tri này được luôn nhắc đến như là một nhân vật của Mùa Chay. Ông được nhìn thấy một thị kiến về những bộ xương khô nằm la liệt trên thung lũng. Đó là hình ảnh về dân tộc Ítraen đã bị tàn lụy do tội lỗi, bệnh tật và những khó khăn khi họ phải sống trong cảnh lưu đày. Tiên tri Êdêkien cũng nhắc nhở dân ý thức rằng, nếu họ sống ở trong đất nước mình, nhưng họ vẫn còn ở xa Thiên Chúa, thì họ vẫn còn ở trong sự lưu đày tinh thần hay vẫn ở trong sự chết rồi. Chỉ có Thần Khí Đức Chúa mới có thể giải thoát con người khỏi cảnh lưu đày và sự chết như thế. Nên Thiên Chúa hứa ban Thần Khí cho họ, nhờ đó, họ sẽ được tái sinh và phục hồi sự sống cách mạnh mẽ. Thiên Chúa phán: “Đây Ta sắp cho Thần Khí nhập vào các ngươi và các ngươi sẽ được sống… Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ítraen” (Ed 37,6.13).
Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng chỉ có Thánh Thần của Chúa Giêsu mới có thể mang lại sự sống cho chúng ta: “Nếu… Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11).
Nói khác khác, không có Thần Khí của Đức Chúa, người ta dù khỏe mạnh cũng phải chết. Đó là lý do tại Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì” (Ga 6,63).
Đây là điều rất hiển nhiên trong đời sống của Saolê, một vị vua của Ítraen. Khi Thần Khí rời bỏ ông, lập tức ông trở thành khốn nạn và yếu đuối (1 Sm 16,14-16). Vì thế, Thần Khí Đức Chúa là sự hiển nhiên về hoạt động và sự sống Thiên Chúa trong chúng ta. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa” (Ep 4,30). Đây là điều rất quan trọng bởi vì Thần Thần là người hướng dẫn và nâng đỡ chúng ta.
Bài Tin Mừng Chúa Nhật này trình bày cho chúng ta về việc Chúa Giêsu chứng tỏ quyền năng của Người trên cái chết qua phép lạ cả thể cho Ladarô sống lại. Ladarô là người bạn được Chúa Giêsu yêu quý, anh bị bệnh nặng. Chị Mácta và Maria chạy đến xin Chúa cứu chữa, nhưng khi Chúa Giêsu đến, Ladarô đã chết được bốn ngày và được mai táng trong mồ. Khi chứng kiến cảnh đau buồn này, Chúa Giêsu đã khóc thương anh.
Máctha nói với Chúa: “Nếu Thầy ở đây, em con đã không chết,” có lẽ đó như là một lời trách móc. Nhưng Chúa Giêsu nói với chị: “Em chị sẽ sống lại.” Mácta nghĩ rằng Người đang nói về sự sống lại trong ngày sau hết. Chúa Giêsu xác nhận trong hiện tại: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Chị có tin thế không?” Cô trả lời: “Con tin.”
Họ tới mộ, Chúa Giêsu truyền cho họ lật viên đá cửa mồ, rồi Người lớn tiếng gọi: “Ladarô, hãy đi ra đây!” Và người chết chỗi dậy và đi ra khỏi mồ. Tin Mừng kể cho chúng ta điều đó.
Như thế, qua phép lạ này, Chúa Kitô minh chứng rằng Người thực sự là sự sống lại và sự sống. Người phép lạ này nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Hơn nữa phép lạ cho Ladarô sống lại là hình bóng báo trước về sự phục sinh của Chúa Giêsu sau này. Ở đây cũng cần phân biệt sự phục sinh của Ladarô khác biệt với sự phục sinh của Chúa Giêsu. Ladarô chết và sống lại, nghĩa là quay lại sự sống trước đó (bios), là tạm thời. Còn Chúa Giêsu phục sinh là người đầu tiên đi vào sự sống mới, sống sự sống vĩnh cửu (zéon). Một khi đã sống lại, Chúa Giêsu không còn chết nữa; còn Ladarô sẽ phải chết.
Có những bài học mà chúng ta cần học từ bài Tin Mừng hôm nay. Trước hết, phép lạ này là một sự diễn tả về tình yêu. Chúa Giêsu yêu quý Ladarô, Người đến thăm anh và gia đình vì Người yêu quý họ. Niềm vui của họ là niềm vui của Người, và nỗi buồn của họ là nỗi buồn của Người.
Thứ đến, đức tin là yếu tố vô cùng quan trọng trong bất cứ phép lạ nào được thực hiện cho chúng ta. Chúa Giêsu nói với Mácta: “Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25. Như thế, tình yêu của Chúa Giêsu và đức tin của các người chị này làm cho quyền năng Chúa Thánh Thần hoạt động nơi Ladarô. Với đức tin, mọi sự đều có thể.
Bài học cuối cùng là Chúa Giêsu có quyền năng trên sự sống và sự chết. Người luôn sẵn sàng cứu giúp chúng ta với bất kỳ giá nào. Chúa Giêsu yêu mến và gọi chúng ta bằng tên riêng như Người gọi Ladarô: “Ladarô, hãy ra đây!” Nếu chúng ta lắng nghe và vâng lời Người, Người sẽ mang lại sự sống, sự phục sinh cho sự yếu hèn và thân xác hay chết nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Amen!
CHÍNH THẦY LÀ SỰ SỐNG LẠI VÀ LÀ SỰ SỐNG
Lm. Đaminh Trần đình Nhi
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Ed 37:12-14; Rm 8:8-11; Ga 11:1-45)
Tiếp theo các cuộc khảo hạch đức tin trong hai Chúa Nhật trước, hôm nay là lần chót anh chị em dự tòng tuyên xưng đức tin vào Chúa Ki-tô là sự sống lại và là sự sống, trước khi họ được rửa tội vào đêm Thứ Bảy Tuần Thánh. Tường thuật phép lạ Chúa Giê-su cho anh La-da-rô sống lại sau khi anh chết đã bốn ngày là tâm điểm của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay (bài Tin Mừng). Cô Mác-ta tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su không những là điều anh chị em dự tòng phải biểu lộ đức tin mà cũng là điều tất cả chúng ta phải lấy làm nguồn hy vọng cho tương lai. Nguyên lý của sự sống lại chính là quyền năng của Chúa Thánh Thần theo lời Thiên Chúa đã hứa qua ngôn sứ Ê-dê-ki-en (bài đọc 1). Thánh Phao-lô suy tư về nguyên lý này và áp dụng vào đời sống Ki-tô hữu, để giúp ta sống theo Thần Khí bây giờ và được sống lại trong cuộc sống vĩnh cửu (bài đọc 2).
- Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Lời tuyên bố của Chúa Giê-su ở đây đã đáp lại nguyện vọng và lòng tin của cô Mác-ta. Cô biết Chúa Giê-su là Đấng chữa lành, vì Người đã làm nhiều phép lạ cứu chữa những kẻ bệnh tật. Nhưng có thể cô chưa bao giờ nghe nói Chúa Giê-su cho kẻ chết sống lại. Do đó cô trách nhẹ Chúa: “Nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”. Rồi cô biểu lộ niềm hy vọng: “Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”. Cô vẫn chưa dám tin Chúa là Đấng sẽ cho kẻ chết sống lại; bằng chứng là cô chỉ nghĩ em cô sẽ sống lại “trong ngày sau hết” chứ không phải “bây giờ”! Nhưng đây chính là cơ hội để Chúa mặc khải cho cô biết: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống”. Thật tuyệt vời khi Chúa Giê-su khéo dẫn dắt cô Mác-ta tới đức tin trọn vẹn: “Thưa Thầy, con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”. Cô Mác-ta cần được Chúa dẫn dắt trong hành trình đức tin. Nhưng với cô em Ma-ri-a thì khác, đức tin của cô được biểu lộ qua hành động: vừa thấy Chúa, cô đã phủ phục dưới chân Người và lập lại cùng câu nói của cô Mác-ta: “Nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”. Đức tin của cô là yên lặng phó thác nơi quyền năng Chúa. Cô không nài nỉ Chúa về điều Người sẽ xin cùng Thiên Chúa Cha, nhưng để Chúa hoàn toàn quyết định. Nếu cân nhắc, có lẽ chúng ta phải nói rằng đức tin của cô Ma-ri-a đã có một chiều sâu khác thường, trong khi với Mác-ta thì Chúa vẫn phải nhắc nhở cô lúc Người bảo người ta đem phiến đá lấp cửa mộ đi: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?”
- Thần Khí của Thiên Chúa là nguyên lý cho sự sống lại. Ngay buổi đầu tạo dựng, Thiên Chúa đã thổi “sinh khí vào lỗ mũi” con người để nó trở nên một sinh vật. Sinh khí là sự sống của Thiên Chúa ban, không những cho sự sống phần xác mà cả sự sống phần hồn nữa. Khi dân Ít-ra-en không sống theo đường lối và thánh chỉ của Thiên Chúa là họ đã cắt đứt liên hệ với Người, nói khác đi là cắt đứt khỏi sự sống của Người. Họ sống phần xác, nhưng phần hồn đã bị chôn đáy huyệt rồi! Tuy nhiên Thiên Chúa giàu lòng thương xót không nỡ để dân Người bị chôn vùi đáy huyệt của lưu đày, nên qua ngôn sứ Ê-dê-ki-en, Người đã hứa sẽ mở huyệt, đem họ về đất Ít-ra-en. Sự “hồi sinh” của Ít-ra-en sau cuộc lưu đày là hình ảnh sống động nói lên cuộc sống lại của tâm hồn mỗi người chúng ta. Thế nào chẳng có những lúc linh hồn chúng ta bị tội lỗi chôn vùi dưới đáy huyệt của nó. Nhưng chắc chắn lòng Chúa thương xót sẽ mở cửa huyệt và đưa ta trở về với Người.
- Suy tư của thánh Phao-lô về vai trò của Chúa Thánh Thần trong sự sống lại. Thánh Phao-lô phân biệt rõ ràng tính xác thịt trái ngược với Thần Khí của Đức Ki-tô. Ngài khẳng định rằng nếu ta để cho tính xác thịt, tức tội lỗi, chi phối thì ta không thể vừa lòng Thiên Chúa được, nghĩa là ta sẽ chết chứ không được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa. Nhưng vì ta có Thần Khí của Thiên Chúa cũng là Thần Khí của Đức Ki-tô ngự trong ta, nên ta “thuộc về Đức Ki-tô”, nghĩa là được sống với Chúa Ki-tô. Rồi thánh Phao-lô còn quả quyết thêm rằng Thần Khí Chúa Ki-tô không chỉ đem lại sự sống cho linh hồn chúng ta, mà còn cho thân xác ta được sự sống mới trong ngày sau hết nữa. Vai trò của Chúa Thánh Thần quan trọng như vậy mà chúng ta lại hay quên!
Sống sứ điệp Lời Chúa
Đã từ lâu tôi vẫn thắc mắc tại sao Chúa Giê-su không nói “Chính Thầy là sự sống và là sự sống lại”, mà Người lại nói “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống”. Sự đảo lộn vị trí này mang ý nghĩa gì? Tại sao lại đặt sự sống lại trước sự sống? Có lẽ chúng ta đều biết thánh sử Gio-an và thánh Phao-lô là các nhà thần học, nên các ngài thường trình bày vấn đề theo khía cạnh suy tư thần học. Đối với chúng ta, trước hết Chúa Giê-su là sự sống lại, vì Người hồi sinh chúng ta và cứu ta khỏi cái chết do tội lỗi. Sau khi chúng ta được tái sinh nhờ bí tích Rửa tội, ta sẽ tiếp tục sống đời sống mới trong tinh thần Chúa Ki-tô, tức là trong Chúa Thánh Thần. Cuối cùng, sau cuộc sống trong Thánh Thần ở trần gian, ta sẽ được về nhà Cha trên trời để sống trong hạnh phúc vĩnh cửu. Vậy nếu chúng ta đã cùng với chị em cô Mác-ta tuyên xưng Chúa Giê-su là sự sống lại và là sự sống, ta cũng hãy theo lời thánh Phao-lô mà sống chức phận con cái Chúa trong Thánh Thần!
Trầm Thiên Thu
Chết Đi Để Rồi Được Sống Lại
Sống Lại Rồi Sẽ Vui Trường Sinh
Mỗi người chỉ có một cuộc đời, nghĩa là không thể rút kinh nghiệm cho lần khác theo kiểu luân hồi. Và chắc chắn KHÔNG hề có kiếp luân hồi. Nhưng về tâm linh, con người có hai cuộc đời, hai lần sống – đời này và đời sau.
Thế gian có nhiều loại “cuộc,” nhưng có lẽ đặc biệt nhất là cuộc đời, với đủ thứ nhiêu khê. Thế nên luôn phải chiến đấu không ngừng, người đời gọi là bể khổ, Chúa Giêsu bảo phải vác thập giá.
Khổ đủ kiểu nên phải chiến đấu đủ thứ. Thánh Augustino phân tích: “Việc suy niệm của chúng ta về đời sống hiện tại phải ở trong lời ca ngợi Thiên Chúa; bởi vì niềm hoan lạc của đời sống muôn đời mai sau sẽ là lời ca ngợi Thiên Chúa. Ai chưa thực tập điều ấy ngay từ bây giờ thì không thể phù hợp với đời sống tương lai. Những lời cầu nguyện hằng ngày của các tín hữu đền bồi những sai lỗi sơ sài nhỏ mọn thường ngày của họ, những điều mà cuộc sống này không thể tránh được.” Thánh José Escriva nói: “Bằng những giọt nước mắt, những giọt nước mắt nam nhi nóng hổi, anh em có thể thanh tẩy được quá khứ và siêu nhiên hóa cuộc sống hiện tại của mình.” Chân phước Julian Norwich chia sẻ: “Khi bị trở tính và cô quạnh trong nỗi ngao ngán, chán chường với cuộc sống và bực dọc với bản thân, tôi đã nhẫn nại để tiếp tục sống giữa những khó khăn… và lập tức sau đó, Chúa lại ban cho linh hồn tôi niềm an ủi và thanh thản trong hoan lạc và vững tin.” Đúng là đời này khổ thật!
Cuộc đời cũng là cuộc sống, có sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa là Nguồn Sống. (Tv 36:10) Mỗi người đều có hai sự sống: Sự sống thể lý và sự sống tâm linh. Sự sống tâm linh quan trọng vì đó là sự sống của linh hồn, mà chính linh hồn mới làm cho thân xác sống, nhưng chỉ có Thiên Chúa mới thực sự là Nguồn Sống. (Tv 36:10) Chúa Giêsu đã minh định: “Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.” (Ga 14:6) Đúng như Thánh Vịnh gia đã phân tích: “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy Sinh Khí lại, chúng tắt thở ngay mà trở về cát bụi. Sinh Khí của Ngài, Ngài gửi tới, chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này.” (Tv 104:29-30)
Là người đời nhưng có những người “biết sống” rất khôn khéo. B. Brech nhận định: “Điều đáng sợ không phải là chết, mà là sống rỗng tuếch.” Còn Maxwell Winston Stone khuyên: “Đừng nghĩ đến cái chết về thể xác mà hãy trả lời câu hỏi: Bạn đã HOÀN THÀNH SỨ MỆNH CỦA CUỘC ĐỜI MÌNH chưa? Nhắc đến cái chết và chuẩn bị cho cuộc hành trình sang thế giới bên kia dường như khiến người ta bị quan, lo sợ. Nhưng theo nghĩa lạc quan, có một điều mới lạ sắp đến. Khi đó, bạn không còn cảm giác lo lắng hay sợ hãi nữa.” Rất độc đáo!
Thật vậy, “chính Ngài ban Sự Sống cho muôn vật, muôn loài,” (Nkm 9:6) nguyên tổ Ađam là người đầu tiên được đón nhận sự sống: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi Sinh Khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” (St 2:7) Được sinh ra làm người là hồng ân rồi, dù chúng ta như thế nào – thậm chí có người sống đời thực vật, chứ chúng ta không có quyền đòi hỏi hoặc chọn lựa: “Thiên Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử, đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên.” (1 Sm 2:6; x. Kn 16:13 và Tv 30:4) Chắc chắn bất cứ ai cũng không thoát khỏi tay Ngài. (Tb 13:2; Ed 43:13)
Có bị bệnh mới biết quý sức khỏe, có gặp nguy hiểm mới nhận thức sự sống rất cần, cụ thể là trong tình hình phức tạp của đại dịch Corona hiện nay. Vì thế, ai cũng phải ý thức có trách nhiệm bảo vệ sự sống – cho mình và cho người khác. Sự sống liên quan không khí, dưỡng khí hoặc ô-xy chúng ta hít thở từng phút, từng giây. Thiếu không khí vài phút thì mọi vật chết hết, cả sinh vật và động vật. Chính không khí là đại hồng ân Thiên Chúa trao ban cho mọi loài, chúng ta sử dụng liên tục mà vẫn coi thường, vô ơn bạc nghĩa, dám làm ô nhiễm môi trường, hủy hoại môi sinh, tiêu diệt sự sống. Đó là tự hại chính mình, tức là tự sát.
Từ ngàn xưa, qua ngôn sứ Êdêkien, chính Thiên Chúa đã truyền lệnh cho Israel: “Ngươi hãy tuyên sấm, hãy nói với chúng rằng Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau: Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Israel. Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta!” (Ed 37:12-13). Được ra khỏi huyệt mộ là thoát khỏi cõi chết, là được sống. Thật là đại phúc nhãn tiền!
Như để giải thích, Thiên Chúa cho biết: “Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh. Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta làm.” (Ed 37:14) Chúng ta được Thiên Chúa “thổi hơi” để ban Thần Khí, nhờ đó mà chúng ta sống. Và còn hơn là sống, bởi vì chúng ta còn được sống dồi dào, (Ga 10:10) đúng như Chúa Giêsu đã hứa. Lời Chúa xác quyết “Ta đã phán là Ta làm” khiến chúng ta an tâm. Quả thật, Ngài rất thẳng thắn và không bao giờ sai lời. Tuyệt vời là thế, bởi vì Thiên Chúa luôn trung tín và yêu thương trọn niềm.
Bất cứ ai ở trong bóng tối là CHẾT, ở trong ánh sáng là SỐNG. Tất cả chúng ta đã từng “chết” khi ở trong bóng tối – bóng tối tội lỗi. Vì thế, chúng ta luôn phải van xin: “Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu.” (Tv 130:1-2) Đó là lời cầu cấp tốc, lời cầu khẩn cấp, như tiếng còi vang lên từ xe cứu thương, cứu hỏa – và còn hơn thế nữa.
Chính điều đó lại là hồng ân, nghĩa là chúng ta biết kịp thời đánh moóc SOS nên được sống, nhờ Thiên Chúa cứu vớt. Vâng, ước gì mỗi khi gặp hoạn nạn, chúng ta luôn biết cầu xin và thành tín: “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài.” (Tv 130:3-4) Tuy nhiên, muốn vậy cũng không hề dễ dàng nếu chúng ta không “hết lòng mong đợi và cậy trông ở lời Chúa.” (Tv 130:5) Thực sự muốn được sống thì phải tâm niệm rạch ròi: “Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông. Hơn lính canh mong đợi hừng đông, bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Ngài chan chứa. Chính Ngài sẽ cứu khỏi tội khiên muôn vàn.” (Tv 130:6-8) Và chỉ một mình Ngài mới có thể cứu sinh mà thôi.
Thánh Gioan Eudes so sánh: “Không khí chúng ta thở, cơm bánh chúng ta ăn, trái tim đập trong lồng ngực chúng ta cũng không cần thiết để giúp chúng ta có thể sống đúng là một con người cho bằng lời cầu nguyện giúp cho chúng ta có thể sống đúng là một tín hữu.” Chuyện sống – chết liên quan cả xác và hồn. Cụ thể là thân xác, nhưng cũng cần phân biệt “xác thịt” và “tính xác thịt”. Đôi khi “tính xác thịt” còn nguy hiểm hơn “xác thịt.” Có lẽ vì thế mà Giáo Hội “đề nghị” lời cầu nguyện trong mầu nhiệm thứ 5 Mùa Thương: “Xin cho con biết đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa.” Đặc biệt là chính Chúa Giêsu cũng đã cảnh báo: “Tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.” (Mt 26:41; Mc 14:38) Quả thật, không hề đơn giản!
Nếu nói vậy thì có lẽ có thể có người muốn “nổi loạn” và muốn “kiện” Chúa, vì cho rằng Ngài đã tạo nên một dạng thân-xác-yếu-hèn. Ý nói là Chúa đã “cài đặt” mặc định (default) như vậy rồi, y như máy vi tính đã “đóng băng” (Deep Freeze), chúng ta có thay đổi mọi thứ thì nó cũng trở về “mặc định” sau khi nó được khởi động lại (restart). Thế nhưng không phải như vậy. Lý do? Thứ nhất, đó là điều mầu nhiệm, chúng ta không đủ trình độ để hiểu thấu. Thứ nhì, đó là Thiên Chúa KHÔNG BAO GIỜ TẠO ĐIỀU XẤU, vì Ngài là Đấng chí thánh, nơi Ngài CHỈ CÓ ĐIỀU TỐT LÀNH mà thôi.
Tính xác thịt ra sao? Thánh Phaolô cho biết: “Những ai bị TÍNH XÁC THỊT chi phối thì KHÔNG THỂ vừa lòng Thiên Chúa.” (Rm 8:8) Thật nguy hiểm! Nhưng diễm phúc cho chúng ta bởi vì chúng ta được làm “con cái Thiên Chúa,” như Thánh Phaolô giải thích: “Anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Kitô thì không thuộc về Đức Kitô.” (Rm 8:9) Thế thì trên mức tuyệt vời rồi, và thực sự mỗi chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần. (1 Cr 3:16-17; 1 Cr 6:19)
Liên quan chuyện sống – chết, Thánh Phaolô vừa giải thích vừa xác định: “Nếu Đức Kitô ở trong anh em thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em ĐƯỢC SỐNG, vì anh em đã được TRỞ NÊN CÔNG CHÍNH. Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu SỐNG LẠI từ cõi chết, Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em mà làm cho thân xác của anh em được SỰ SỐNG MỚI.” (Rm 8:10-11)
Quyền sinh tử thuộc về Thiên Chúa, không một phàm nhân nào được làm hại sự sống của con người, dù sự sống đó chưa được sinh ra là một hài nhi. Đúng như vậy, bởi vì “Thiên Chúa nắm chủ quyền trên mọi xác phàm.” (Đn 14:5) Thật vậy, chính Chúa Cha đã ban cho Đức Kitô quyền trên mọi phàm nhân (Ga 17:12) và trên mọi chi tộc. (Kh 13:7)
Một câu chuyện cổ-tích-có-thật được Thánh sử Gioan kể lại qua trình thuật Ga 11:1-45 rất thú vị. Sự thể là có một người bị đau nặng tên là Ladarô, quê ở Bêtania, em trai của hai chị em cô Mácta và Maria (người sau này sẽ xức dầu thơm và lấy tóc lau chân Chúa Giêsu tại nhà ông Simôn Cùi – Mt 26:6-13; Mc 14:3-9; Lc 7:36-48; Ga 12:1-8). Anh Ladarô bị đau nặng và không tránh khỏi lưỡi hái tử thần. Nhà có đám tang.
Trước đó, khi thấy em trai bị bệnh nặng, hai chị em gái cho người đến báo tin buồn cho Đức Giêsu: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng.” Cách nói đó cho thấy Ladarô rõ ràng là “người mà Chúa Giêsu thương mến,” vậy mà Ngài vẫn thản nhiên bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.” Chúa Giêsu không dùng từ nào thừa hoặc thiếu, nhưng rất chính xác và đầy đủ, vì Ngài biết Ngài sắp làm gì.
Kinh Thánh cho thấy Chúa Giêsu quý cả ba chị em Mácta, Maria và Ladarô, nên lần đó Ngài đã lưu lại thêm hai ngày rồi mới cùng các môn đệ trở lại Giuđê. Các môn đệ thấy người Do Thái mới tìm cách ném đá Thầy, nên muốn can ngăn. Nhưng Ngài bảo: “Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời. Còn ai đi ban đêm thì vấp ngã, vì không có ánh sáng nơi mình!” [*]
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Ladarô, BẠN của chúng ta, đang yên giấc. Tuy vậy, Thầy đi ĐÁNH THỨC anh ấy đây.” Các môn đệ nói: “Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại.” Họ không hiểu ý của hai từ “yên giấc” mà Ngài sử dụng, họ cứ tưởng Ngài nói về giấc ngủ bình thường. Thế nhưng Ngài muốn đề cập SỰ CHẾT. Và rồi Ngài nói rõ: “Ladarô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy.” Ôi chao! Thấy người ta chết mà lại bảo là “mừng.” Coi bộ “căng” thật! Nhưng đúng vậy, Ngài mừng vì Ngài không có mặt ở đó để người ta thêm tin khi thấy việc Ngài làm: Cải tử hoàn sinh cho anh bạn Ladarô. Cái gì cũng có lý do của nó!
Nhờ vậy, hôm đó các môn đệ đã đồng tâm nhất trí muốn “cùng chết với Sư Phụ.” Tốt lắm, ít ra cũng phải vậy. Dù CHƯA làm được điều mình muốn thì ít ra cũng biết MUỐN điều mình MUỐN THỰC HIỆN, ý muốn thực sự rất quan trọng để có thể thực hiện.
Kinh Thánh không nói rõ nhưng chắc hẳn Ladarô bệnh nặng lắm nên mới mau chết như vậy. Mặc dù đường không xa, nhưng khi Chúa Giêsu đến nơi thì người ta đã an táng Ladarô được bốn ngày rồi. Làng Bêtania cách Giêrusalem không đầy ba cây số, nhưng thời đó cuốc bộ suốt nên mất nhiều thời gian. Có nhiều người Do Thái đến phúng điếu và chia buồn với chị em Mácta và Maria, bởi vì nghĩa tử là nghĩa tận.
Hôm đó, khi nghe tin Đức Giêsu đến, cô Mácta liền ra đón Ngài, còn cô Maria thì cứ ngồi ở nhà, cứ bình thường, như không có gì quan trọng. Hay thật, có lẽ phong cách của cô rất thản nhiên. Nhà hiếu chưa yên chuyện buồn thì lại có chuyện khác. Cuộc đời đúng là rắc rối thật, không như mình tưởng.
Lòng buồn rười rượi, nhưng Mácta vẫn tin tưởng nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.” Ngài bảo: “Em chị sẽ sống lại!” Mácta thưa rằng cô vẫn tin kẻ chết sống lại trong ngày sau hết. Và Ngài nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết.” Ngài hỏi Mácta có tin như vậy hay không, Mácta mạnh mẽ xác tín: “Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.” Là một nữ nhi mà có lời tuyên xưng thật tuyệt vời!
Và rồi Mácta đi nói nhỏ với Maria: “Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!” Nghe vậy, Maria vội đứng lên và đến với Đức Giêsu. Lúc đó, Ngài chưa vào làng, vẫn ở chỗ Mácta đã ra đón. Những người Do Thái thấy Maria vội vã đứng dậy đi ra thì cũng đi theo, vì họ tưởng cô ra mộ khóc em. Nhiều sự kiện đan xen nhau trong ngày hôm đó.
Vừa đến gần Đức Giêsu, Maria liền phủ phục dưới chân và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.” Cả hai chị em đều đặt tình huống “nếu” với Đức Giêsu. Thật là tội nghiệp hết sức! Thấy cô khóc, những người Do Thái đi với cô cũng khóc, rồi Đức Giêsu thổn thức trong lòng và cảm thấy xao xuyến. Lúc đó chắc là Maria khóc em trai dữ lắm. Rồi Ngài hỏi xác anh ấy ở đâu. Họ mời Ngài đến xem, và Ngài đã khóc. Thấy thế, người Do Thái bảo nhau: “Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!” Có vài người thắc mắc là Chúa Giêsu đã từng mở mắt cho người mù mà sao lại không làm cho anh ấy khỏi chết. Nghe họ nói vậy nên Chúa Giêsu lại thổn thức trong lòng. Thương lắm chứ, thế nên Ngài đã “chạnh lòng thương” tới ba lần! Rồi Ngài đi tới mộ Ladarô, phiến đá vẫn đậy kín cửa hang. Ngài bảo lấy phiến đá ra. Mácta bảo nặng mùi rồi, vì Ladarô đã an táng được bốn ngày. Chúa Giêsu nhắc lại chuyện đức tin. Và không ai dám có ý kiến gì. Họ lăn tảng đá ra…
Lúc đó, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con.” Nói xong, Ngài kêu lớn tiếng: “Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!” Thật lạ lùng, người chết bước ra trong khi vẫn còn quấn vải liệm. Chắc hẳn ai cũng vừa kinh ngạc vừa sợ hãi. Đức Giêsu bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.” Hai bà chị cũng ngạc nhiên không kém, nhưng họ rất vui mừng không chỉ vì em trai sống lại, mà chính họ biết niềm tin của họ hoàn toàn chính xác: Đúng Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ phải đến thế gian này.
Có điều đặc biệt trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, đó là Thánh sử Gioan cho biết rằng những người Do Thái đến đám tang La-da-rô hôm đó đã chứng kiến việc Đức Giêsu làm, và có NHIỀU KẺ ĐÃ TIN VÀO NGÀI. Những người đã tin vào Chúa Giêsu là những người thực sự diễm phúc. Nhận biết và tin là một hành trình, nhưng không phải ai cũng làm được.
Liên quan đức tin, chợt nhớ lại một mối phúc đặc biệt mà chính Chúa Giêsu, sau khi phục sinh, đã nói với tông đồ Tôma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.” (Ga 20:29) Không thấy thì khó tin hơn, nhưng khó hơn mà tin thì mới có phúc hơn.
Lạy Thiên Chúa hằng sống, chúng con còn yếu đuối lắm, xin thêm đức tin cho chúng con, bởi vì không có Ngài thì chúng con không thể làm gì được. (Ga 15:5) Lạy Cha toàn năng, xin biến đổi đức tin yếu kém của chúng con thành đức tin mạnh mẽ nhờ Con Yêu Dấu của Ngài – Đức Giêsu Kitô, để chúng con vẫn mãi thuộc về Ngài dù SỐNG hay CHẾT. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
[*] Có lẽ vì “người Do Thái tìm cách ném đá Chúa Giêsu” nên ngày xưa, Chúa Nhật V Mùa Chay được các Kitô hữu “thân thương” gọi là “lễ ném đá.” Thời đó, các ảnh tượng trong nhà thờ đều được “che kín” bằng vải tím.
SUY NIỆM CHÚ GIẢI LỜI CHÚA-CHÚA NHẬT V MÙA CHAY_A
Lm. Inhaxio Hồ Thông
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật V Mùa Chay hôm nay nói về sự sống lại, về đời sống mới.
Ed 37: 12-14
Qua một thị kiến về những bộ xương khô, ngôn sứ Ê-dê-ki-en loan báo cho những người lưu đày ở Ba-by-lon biết rằng sẽ đến ngày Thiên Chúa ra tay giải thoát họ, và cuộc giải thoát này sẽ được sánh ví như cuộc tái sinh.
Rm 8: 8-11
Trong Bài Đọc II, thánh Phao-lô công bố: “Nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giê-su Ki-tô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su Ki-tô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống”.
Ga 11: 1-45
Trong Tin Mừng, Đức Giê-su nói với cô Mác-ta: “Thầy là sự sống lại và là sự sống”. Để minh chứng điều đó, Ngài cho anh La-za-rô sống lại sau khi anh đã được mai táng trong mồ bốn ngày rồi.
BÀI ĐỌC I (Ed 37: 12-14)
Như ngôn sứ Giê-rê-mi-a, ngôn sứ Ê-dê-ki-en là tư tế trước khi được Thiên Chúa kêu gọi làm ngôn sứ của Ngài. Ông là vị ngôn sứ thứ ba trong bốn Đại Ngôn Sứ và là dung mạo vĩ đại nhất của Do Thái Giáo trong suốt thời lưu đày, vì thế được gọi là “cha của Do thái giáo”. Ông là vị ngôn sứ duy nhất trong số các ngôn sứ đã lãnh nhận ơn gọi ngôn sứ ngoài đất Ít-ra-en, ở Ba-by-lon. Ông kết hợp mật thiết tinh thần tư tế và tinh thần ngôn sứ.
Ê-dê-ki-en đã trải qua những thời điểm bi thảm nhất, đó là thành thánh Giê-ru-sa-lem bị đạo quân Ba-by-lon xâm chiếm vào năm 598. Ông thuộc vào đoàn người đầu tiên bị dẫn đi lưu đày tại Ba-by-lon. Ông chia sẻ cuộc sống lưu đày với dân Ít-ra-en tại một thị trấn nhỏ, không xa Ba-by-lon, được gọi là Tel-Aviv (tên mà quốc gia Do thái hiện nay đặt cho thủ đô của họ để tưởng nhớ đến vị ngôn sứ này, người đã tiên báo “sự hồi sinh” của dân Ít-ra-en) và ông đã qua đời ở đó vào năm 571.
- Hoàn cảnh của dân Ít-ra-en vào thời Ê-dê-ki-en
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã lên án những bất trung của dân Chúa và loan báo sự trừng phạt sẽ giáng xuống trên Giê-ru-sa-lem. Nhưng khi những bất hạnh bất ngờ xảy đến, vị ngôn sứ loan báo thời kỳ Thiên Chúa xót thương. Thiên Chúa sẽ khai đường mở lối cho đoàn người lưu đày được trở về quê cha đất tổ. Cuộc giải thoát này sẽ như một cuộc tái sinh, một cuộc tạo dựng mới. Lời văn đầy những hình tượng.
- Hai lời hứa của Thiên Chúa
Trong thị kiến, vị ngôn sứ được Thiên Chúa dẫn đưa vào một thung lũng đầy những bộ xương khô (37: 1-2). Thị kiến này mô tả hoàn cảnh tù đày của dân Ít-ra-en tại Ba-by-lon được sánh ví với những bộ xương khô: “Hỡi con người, các xương đó chính là toàn thể nhà Ít-ra-en”, và niềm hy vọng được cứu thoát của họ đã tiêu tan: “Xương cốt chúng tôi đã khô, hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan, chúng tôi đã rồi đời” (37 : 11).
Trong hoàn cảnh bi thương tuyệt vọng đó, qua vị ngôn sứ của mình, Thiên Chúa hứa với dân Ngài hai điều. Trước tiên, Thiên Chúa hứa sẽ cứu họ khỏi cảnh từ đày và sẽ dẫn đưa họ trở về quê cha đất tổ: “Hỡi dân Ta, Ta sắp mở huyệt cho các ngươi. Ta sẽ đem các ngươi lên khỏi đó, và đưa ngươi về đất Ít-ra-en” (37: 12). Khi làm như vậy, Thiên Chúa cho thấy Ngài vẫn trung tín với Giao Ước của Ngài: “Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta” (37: 13).
Thứ nữa, Thiên Chúa hứa ban thần khí của Ngài, nhờ hơi thở sáng tạo, những kẻ lưu đày bất hạnh sẽ được tái tạo, có thể nói, được hoàn lại cho họ cuộc sống như trước đây trên quê cha đất tổ: “Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi, và các ngươi sẽ được hồi sinh. Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi”. Lời hứa thứ hai cũng kết thúc với lời quả quyết trung thành của Thiên Chúa với Giao Ước: “Bấy giờ các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa, Ta đã nói là Ta làm” (37: 14).
- Phục hưng một dân tộc
Lời Thiên Chúa hứa thứ nhất bắt đầu và kết thúc với lời kêu gọi gửi đến dân Ít-ra-en: “Hỡi dân Ta”. Lời Thiên Chúa hứa thứ hai được gửi đến toàn thể dân Ít-ra-en chứ không cá nhân. Như vậy, sấm ngôn này loan báo sự phục hưng của một đất nước, sự canh tân của một dân tộc, chứ không sự phục sinh của cá nhân. Quan niệm về sự phục sinh của cá nhân như thế vào thời của vị ngôn sứ Ê-dê-ki-en không thể nào nghĩ tưởng được. Sẽ phải chờ đợi đến thời kỳ Ma-ca-bê (giữa thế kỷ hai tCn) khi đó niềm hy vọng vào sự phục sinh cá nhân được phát biểu rất rõ nét. Niềm hy vọng này đã nâng đỡ các vị tử đạo khi các ngài nhất quyết trung thành niềm tin của mình, dù phải chịu các cực hình: “Vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (2Mcb 7: 9).
Louis Monloubou mời gọi người tín hữu hiện tại hóa thị kiến này vào trong lịch sử cuộc đời mình để khám phá sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa: “Ngày nay dân Thiên Chúa phải kinh qua những giải thoát mà Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử của cuộc đời mình, thậm chí trong chính thân xác của mình; ngõ hầu họ hiểu hơn, và rốt cuộc hiểu hơn ai thực sự là Thiên Chúa của mình, đối tượng niềm tin của mình không là một bóng ma nào đó, nhưng Đức Chúa, Đấng Cứu Độ. Cuối cùng ngày nay, Thiên Chúa chúng ta luôn luôn là Thiên Chúa nói với dân Ngài, khuyến khích họ, ở bên cạnh họ, như bạn đồng hành thân thiết, Đấng cứu độ trung tín và có hiệu quả”.
BÀI ĐỌC II (Rm 8: 8-11)
Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô họa nên một bức tranh tăm tối về nhân loại tội lỗi không thể tự sức mình giải thoát mình khỏi tội lỗi, vì thế cần phải đặt trọn niềm tin tưởng vào sự can thiệp của Thiên Chúa. Sau đó, thánh nhân mô tả đầy cảm xúc cuộc sống mới của người Ki-tô hữu: cuộc sống trong ân sủng, nghĩa là cuộc sống được Thần Khí tác động chứ không còn chịu xác thịt chi phối nữa. Đoạn văn hôm nay được trích từ chương 8, chương dâng hiến một sự bình an và niềm vui.
- Xác thịt và Thần Khí
Thánh Phao-lô thích vận dụng những cặp đối nghịch: luật và đức tin, xác thịt và thần khí, con người cũ và con người mới, chế độ lề luật và chế độ ân sủng, vân vân.
Thánh nhân ban cho từ ngữ “xác thịt” một nét nghĩa tiêu cực không được gặp thấy trong Cựu Ước. Qua từ ngữ xác thịt, Thánh Kinh chỉ toàn bộ con người được Thiên Chúa sáng tạo, vì thế, xác thịt thực chất không thể nào là xấu được. Ngôi Lời sẽ đảm nhận xác thịt và “làm người”. Khi ngôn sứ Ê-dê-ki-en loan báo rằng Thiên Chúa sẽ ban tặng cho Ít-ra-en “một trái tim bằng thịt thay cho trái tim bằng đá” ông ban cho từ ngữ “xác thịt” tất cả sự cao quý của nó. Chắc chắn ở nơi nhân tính có một khía cạnh địa giới mà từ ngữ xác thịt gợi lên, do đó đối lập với thiên giới, thế giới thần linh.
Trong cặp đối nghịch xác thịt-thần khí, thánh nhân được gợi hứng từ cặp đối nghịch: địa giới-thiên giới, theo quan niệm mang đậm nét Do thái, chứ không theo quan niệm nhị nguyên Hy lạp: thân xác-linh hồn. Tuy nhiên, thánh nhân xem bản tính địa giới là bản tính xấu, được ghi dấu bởi tội lỗi.
- Sống theo Thần Khí
Dù vẫn còn ở trong sự đối nghịch giữa xác thịt và thần khí, kinh nghiệm của người Ki-tô hữu chứng nhận rằng tác động Thần Khí biến đổi tận bên trong con người. Thánh nhân ngỏ lời với những người lãnh bí tích Thánh Tẩy: “Anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em” (8: 9). Và thánh nhân chứng minh cho họ thấy việc phục sinh thân xác là tất yếu. Đây là nét độc đáo của đoạn văn này.
- Thần Khí là sự sống và là nguyên lý của sự sống lại
Do tội lỗi, thân xác của chúng ta tất yếu phải chết. Như ở nơi khác, thánh nhân đồng hóa thân xác phải chết với “con người cũ” phải bị diệt vong. Ấy vậy, Thần Khí ở nơi chúng ta là Sự Sống – chính ở đây mà quan niệm Do thái về một con người toàn diện, bất khả phân thân xác và thần thiêng, đóng một vai trò trong lập luận – Thần Khí này chắc chắn biến đổi thân xác chúng ta, thân xác sẽ trở thành “thần thiêng” và bất khả hư hoại.
Đây là điều thánh nhân đã nói với các tín hữu Cô-rin-tô rồi: “Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt, gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí. Nếu có thân thể có sinh khí, thì cũng có thân thể có thần khí” (1Cr 15: 42-44). Thánh Phao-lô là chứng nhân của Đấng Phục Sinh. Ánh sáng đã bao phủ thánh nhân trên đường đi Đa-mát và đã soi sáng cuộc đời ngài. Ở trung tâm những khai triển thần học của thánh nhân, chúng ta không ngừng gặp lại biến cố then chốt: sự kiện Phục Sinh. “Sự phục sinh của Đức Giê-su cấu tạo nên bước khởi đầu của cuộc tạo dựng mới mà chúng ta được dự phần vào nhờ đức tin. Từ đó phải rút ra những hiệu quả: trong đức ái, chúng ta sống như những con người được phục sinh; trong đức cậy, chúng ta đảm bảo sự phục sinh tương lai của chúng ta” (Karl Gatzweiler).
TIN MỪNG (Ga 11: 1-45)
Bài trình thuật: “Chúa Giê-su cho anh La-da-rô sống lại”, là bài trình thuật về dấu lạ dài nhất trong Tin Mừng Gioan, qua dấu lạ này, Đức Giê-su kín đáo loan báo cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài. Dấu lạ này cũng là lời cảnh báo tối hậu mà Đức Giêsu gửi đến cho những ai không chịu mở lòng ra mà tin vào Ngài. Vả lại, lời mời gọi tin vào Ngài là một chủ đề chạy xuyên suốt toàn bộ câu chuyện này. Sự căng thẳng giữa Đức Giê-su và dân Ngài, vốn hình thành nên hậu cảnh của Tin Mừng Gioan, không bao giờ đạt đến cao độ như thế ở nơi câu chuyện này.
– Dẫn nhập (11: 1-5)
Ngay từ đầu câu chuyện, người kể chuyện giới thiệu gia đình của ba chị em: cô Mác-ta, cô Ma-ri-a và anh La-da-rô quê ở Bê-ta-ni-a, một gia đình Chúa Giê-su yêu quý (11: 5), và hoàn cảnh mà họ gặp phải: “Anh La-da-rô, người bị đau nặng” (11: 2). Chỉ vừa mới đây, Chúa Giê-su cùng với các môn đệ “lánh sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa và Người đã ở lại đó” (10: 40) để tránh dân chúng ném đá Ngài, như các môn đệ nhắc cho Ngài (11: 9). Chính ở nơi đây mà hai chị em cô Mác-ta và cô Ma-ri-a nhờ người đến báo tin cho Đức Giê-su về bệnh tình của anh La-da-rô, em trai của hai cô: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang đau nặng” (11: 3). Đức Giê-su trả lời: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này Con Thiên Chúa được tôn vinh” (11: 4).
Như thường xảy ra trong Tin Mừng Gioan, lời Đức Giê-su chứa đựng hai nghĩa. Quả thật, Đức Giê-su sẽ “được tôn vinh” qua dấu lạ mà Ngài sắp thực hiện, nhưng dấu lạ này sẽ dẫn Ngài đến cái chết của chính mình, vì Ngài sẽ khiến kẻ thù của Ngài công phẫn đến tận xương tủy. Đối với Tin Mừng Gioan, vinh quang của Đức Giê-su rực sáng nhất ở nơi cuộc Tử Nạn của Ngài. Thánh Giá là cửa ngõ đưa Ngài trở về nhà Cha Ngài. Tin Mừng Gioan sẽ làm sáng tỏ sự kiện Thiên Chúa đã đặt “vinh quang” của chính mình vào trong sứ mạng cứu độ con người, vì Ngài đã đặt vào đây tất cả tình yêu của Ngài.
- Cuộc đối thoại của Chúa Giê-su với các môn đệ (11: 6-16)
Khi được tin báo, thay vì khởi hành đến Bê-ta-ni-a ngay, Đức Giê-su lại trì hoãn. Sau hai ngày, Ngài mới tuyên bố: “Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê” (11: 7). Như vậy, Đức Giê-su đến Bê-ta-ni-a chỉ sau khi anh La-da-rô đã chết và mai táng trong mồ được bốn ngày rồi. Lý do của việc trì hoãn này chắc chắn là Ngài muốn gây ấn tượng ở nơi hành động của Ngài khi hoàn sinh người chết sau khi đã chết và mai táng trong mồ.
Các môn đệ lưu ý Thầy về hoàn cảnh nguy hiểm: “Thưa Thầy, mới đây người Do thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy còn đến đó sao?” (11: 8). Trong câu chuyện này, độc giả được loan báo rằng việc Ngài ra đi không nhằm bất kỳ lý do thuần túy nhân loại, nhưng mặc một ý nghĩa cao siêu, tức là bày tỏ vinh quang Thiên Chúa. Tuy nhiên, các môn đệ chưa ngộ được ý nghĩa cao siêu này. Phản ứng của họ là phản ứng cẩn trọng của con người: ở Giu-đê, cuộc sống của Đức Giê-su bị đe dọa, vì thế Ngài không nên trở lại đó để thăm người bạn đang lâm bệnh vào lúc này. Đây là đề tài: “một từ đa nghĩa”, rất quen thuộc của Tin Mừng Thứ Tư.
Đức Giê-su sẽ giúp cho các môn đệ vượt qua từ sự hiểu biết thuần túy địa giới đến một tiên cảm về mầu nhiệm. Như thông thường trong Tin Mừng Gioan, Đức Giê-su khai lòng mở trí cho các môn đệ nhờ vào cách thức mặc khải bí nhiệm. Dựa trên ý nghĩa ẩn dụ “ngày và đêm”, Ngài công bố mầu nhiệm của Ngài. Theo nghĩa vật lý, thành ngữ này muốn nói rằng có thời gian cho mỗi việc, và thật thích hợp khi chọn ban ngày để bước đi ngỏ hầu tránh những tai nạn khi phải bước đi trong đêm tối. Theo nghĩa ẩn dụ (nghĩa của Tin Mừng Thứ Tư), “ngày” là thời gian của ánh sáng. Điều này muốn nói rằng bao lâu Đức Giê-su vẫn còn đó, phải tận dụng ánh sáng của Ngài, mặc khải mà Ngài đem đến. Vì thế, nỗi sợ hãi thật sự không xuất phát từ những nguy hiểm do con người tạo ra, nhưng từ sự vắng bóng Ánh Sáng. Việc Đức Giê-su tiến về Giê-ru-sa-lem không được đánh giá theo sự chuyển biến thận trọng của con người, đúng hơn, thuộc phạm vi bày tỏ Ánh Sáng. Vì thế, đây là một lời mời gọi hãy tin vào Ngài nhờ vào Ánh Sáng này, nhưng cũng là lời loan báo về viễn cảnh đầy đe dọa của đêm sắp đến: cái chết và cuộc chiến thắng bóng tối, tức là quyền lực tử thần (x. Ga 13: 30b).
Tiếp đó, dù không ai cho biết điều gì về bệnh tình của anh La-da-rô, Đức Giê-su công bố rằng anh La-da-rô đã chết qua hình ảnh giấc ngủ: “La-da-rô, bạn của chúng ta đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây” (11: 11), như trước đây đối với bé gái của viên trưởng hội đường: “Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” (Mc 5: 39). Đức Giê-su vui mừng vì sứ điệp của Ngài sẽ dễ dàng được hiểu ở nơi dấu lạ Ngài sắp thực hiện.
Các môn đệ không còn tìm cách ngăn cản Ngài nữa. Một trong các môn đệ của Ngài, ông Tô-ma, tự phát và bạo dạn nói với các bạn đồng môn của mình: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cùng đi để cùng chết với Thầy” (11: 16). Ông không ngờ rằng lời ông diễn tả chân tính người môn đệ của Đức Giê-su.
- Cuộc đối thoại của Đức Giê-su với cô Mác-ta (11: 17-27)
Khởi đi từ câu 17, câu chuyện bắt đầu một giai đoạn mới: khung cảnh không còn ở Ga-li-lê, nhưng ở Bê-ta-ni-a, chiều kích mặc khải của dấu lạ không còn được loan báo, nhưng được vén mở. Chính trong khung cảnh của cuộc đối thoại với cô Mác-ta mà ý nghĩa dấu lạ dần dần được sáng tỏ.
A- Niềm tin của cô Mác-ta
Trong khung cảnh Bê-ta-ni-a, chúng ta gặp lại tính tình khác nhau của hai chị em này: cô Mác-ta thì năng động, còn cô Ma-ri-a có đời sống nội tâm sâu lắng, đã được Tin Mừng Lu-ca ghi nhận trong một dịp Chúa Giê-su viếng thăm nhà của hai cô (Lc 10: 38-42). Tuy nhiên, trong câu chuyện của Tin Mừng Gioan, tính tình năng động của cô Mác-ta đã là cơ hội giúp Chúa Giê-su dẫn đưa cô, và qua cô dẫn đưa độc giả vào một mạc khải cao vời về chân tính của Ngài.
Dù bận rộn tiếp đón những người thân đến chia buồn, nhưng vừa khi nghe tin Chúa Giê-su đến, cô Mác-ta hối hả ra tận đầu làng để đón Ngài. Khi vừa mới gặp Chúa Giê-su, cô Mác-ta trách cứ Ngài, Ngài đã cứu chữa biết bao bệnh nhân, ấy vậy lại đã không đến kịp lúc để cứu chữa người bạn mà Ngài thương mến. Tuy trách cứ như vậy, nhưng cô vẫn nuôi hy vọng: “Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người sẽ ban cho Thầy” (11: 22). Nhưng Đức Giê-su muốn kiện toàn đức tin của cô, Ngài không muốn cô Mác-ta chỉ hài lòng thấy Ngài là “người của Thiên Chúa”, nghĩa là những gì Ngài cầu xin đều được Thiên Chúa nhận lời, nhưng cô còn phải nhận ra chân tính của Ngài.
B- “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống”
Khi nói với cô Mác-ta: “Em chị sẽ sống lại” (11: 23), Chúa Giê-su cho cô biết đó là dự định của Ngài khi đến đây. Nhưng cô Mác-ta lại hiểu lời này là lời an ủi nên cô đáp: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sẽ sống lại” (11: 24). Ở nơi câu trả lời của cô hàm chứa niềm tin của đạo Do thái. Từ nhiều thế kỷ trước đó, niềm tin vào sự sống lại thuộc về gia sản tinh thần của đạo Do thái, ngoại trừ nhóm Sa-đu-xê-ô.
Chúa Giê-su tuyên bố: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” (11: 25a), lời tuyên bố này được Chúa Giê-su khai triển xa hơn: “Ai sống và tin vào Thầy, thì dù đã chết, thì cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (11: 25b). Những lời này của Đức Giê-su đã được hiểu theo nhiều cách khác nhau và được giải thích theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên một điều chắc chắn: Đức Giê-su khẳng định Ngài là nguồn mạch sự sống đời đời. Thêm nữa, tiến trình của câu chỉ ra rằng Ngài muốn hiệu đính, hay đúng hơn bổ túc lời khẳng định của cô Mác-ta: Đối với người Ki-tô hữu, còn hơn cả sự sống lại vào ngày sau cùng, một cuộc sống siêu nhiên vô tận khơi nguồn ở nơi sự hiệp nhất của họ với Đức Ki-tô ngay từ cõi thế này. Ngoài ra, Giáo Hội còn dạy rằng cuộc sống không kết thúc ở nơi cái chết. Trong Thánh Lễ Cầu Hồn, Giáo Hội khẳng định: “Cuộc sống không hề mất đi, nhưng thay đổi” (vita mutatur non tollitur).
Cuộc Mặc Khải chấm dứt với lời mời gọi dứt khoát theo thể nghi vấn: “Chị có tin thế không?” (11: 26). Câu hỏi này được đặt ra, ở bên kia cô Mác-ta, cho những ai hiểu lời hứa này của Đức Ki-tô. Cô Mác-ta đã lắng nghe. Cô đã đạt đến một niềm tin cao vời khi nhận ra Đức Giê-su là Đấng Ki-tô (Mê-si-a) và là Con Thiên Chúa: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”.
- Thực hiện dấu lạ (11: 28-44)
Sau lời tuyên xưng đức tin của cô Mác-ta, câu chuyện bước vào giai đoạn thứ ba, trực tiếp hướng đến việc thực hiện dấu lạ. Sự hiện diện của cô Ma-ri-a và của những người Do thái đem đến cho câu chuyện một hướng phát triển mới, một bước nhảy vọt. Việc thực hiện dấu lạ không đem đến những yếu tố mới cho phần mặc khải trước đó, nhưng cho phép ghi nhận thêm lần nữa vài phản ứng tiêu biểu của những người chứng kiến dấu lạ.
A- Đức Giê-su xúc động
Cảm xúc của Đức Giê-su được gợi lên đến ba lần: Ngài thổn thức tận đáy lòng (11: 33), Đức Giê-su liền khóc (11: 35), Đức Giê-su lại thổn thức tận đáy lòng (11: 38). Hơn bất cứ biến cố nào khác, biến cố này bày tỏ “nhân tính” của Đức Giê-su rất rõ ràng: sự xúc động của Ngài, sự dịu dàng của Ngài, nước mắt của Ngài, đồng thời cũng biểu lộ “thần tính” của Ngài, Đấng chủ tể sự sống và cái chết khi cho anh La-da-rô đã chết và được mai táng bốn ngày rồi được sống lại.
B- “Hãy cất phiến đá này đi”
Người kể chuyện kể tỉ mỉ ngôi mộ: “Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại”, vì những chi tiết này báo trước một cuộc mai táng khác, cuộc mai táng của chính Chúa Giê-su, theo đó cũng một phiến đá được lăn lấp mộ và được lăn ra khỏi mộ một cách mầu nhiệm.
Khi cầu nguyện lớn tiếng, Chúa Giê-su có chủ ý khơi động niềm tin của những người có mặt, niềm tin vào Ngài, niềm tin vào sự hiệp nhất của Ngài với Cha Ngài, niềm tin mà Ngài muốn các môn đệ của Ngài phải kiên vững ngay trước khi cuộc thử thách lớn lao sắp xảy đến và để họ nhớ lại quyền năng của Ngài trên sự chết vào buổi sáng Phục Sinh.
Khi mô tả cách chi tiết việc anh La-da-rô ra khỏi mồ, chân tay còn quấn vải liệm và mặt còn phủ khăn liệm, Tin Mừng Gioan có chủ ý nhấn mạnh với độc giả sự tương phản với cuộc Phục Sinh của Đức Giê-su, Ngài bỏ lại trong mồ mọi liên hệ với cái chết, cái chết này Ngài đã chiến thắng cách vĩnh viễn, không còn tác động gì đến Ngài.
Đoạn Tin Mừng Gioan được trích trong Phụng Vụ hôm nay chấm dứt với câu 45 nhưng chúng ta phải đọc cho đến câu 53 để thấy dấu lạ của sự phục sinh này gây nên hai phản ứng trái ngược nhau từ phía người Do thái, những chứng nhân của dấu lạ: những người này tin (11: 45) trong khi những người khác “đi gặp nhóm Biệt phái và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm” (11: 46), theo cách nào đó, đó là những người cộng tác vào quyết định của những kẻ thù của Đức Giê-su, bởi vì dấu lạ này còn là cái cớ để giai cấp lãnh đạo Do thái buộc tội và kết án tử cho Chúa Giê-su.
THẦY LÀ SỰ SỐNG LẠI VÀ LÀ SỰ SỐNG
Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
Trận dịch do virus Vũ Hán đang càn quét thế giới, khiến cho con người cảm thấy cuộc sống thật quý giá và cũng thật mong manh. Tại Vũ Hán, có nhiều người đã đem tiền ném ra đường, vì với họ, nhiều tiền cũng không có ý nghĩa gì, chỉ có mạng sống là quan trọng mà thôi; có người phát điên vì bị cách ly quá lâu và sống trong sự căng thẳng đối diện từng ngày với cái chết. Trên Facebook có một suy tư được đăng tải với tựa đề: Một trận ôn dịch giúp ta minh bạnh được cuộc đời. Tác giả viết: Trên đời này ngoài chuyện sinh tử ra, mọi thứ khác đều là chuyện nhỏ. Tiền tài dẫu có tốt cũng không tốt được bằng sinh mệnh, danh lợi dẫu có lớn, cũng không lớn bằng sức khoẻ. Được sống mới là hạnh phúc nhất, sinh mệnh mới là của cải đáng quý nhất. Một trận ôn dịch khiến chúng ta minh bạch rằng: Chiếc giường đắt nhất là giường bệnh, thứ thuốc tốt nhất trên đời là sức khoẻ, chúng ta vất vả bán mạng, bán sức khỏe để kiếm tiền, làm lụng ngày đêm mà quên rằng thân thể và tâm hồn cũng cần được nuôi dưỡng, đến khi thân thể suy nhược lại rút hết tiền đã kiếm được để uống thuốc. Cuộc sống bộn bề với công việc khiến chúng ta mất đi các tương quan với những người thân bên cạnh. Một trận ôn dịch giúp chúng ta nhận ra rằng: gia đình vẫn là điều quan trọng nhất, trong gia đình có tình yêu thương của cha mẹ, của người bạn đời là những người luôn kề cận chúng ta khi chúng ta khó khăn nhất.
Thưa quý OBACE, Tin Mừng vẫn thường nói cho chúng ta những điều đó, nhưng dường như chúng ta vẫn để ngoài tai. Chỉ khi đối diện, cận kề với cái chết, người ta mới nhận ra, đâu là những giá trị chân thật và đâu là những điều hào nhoáng mau qua. Bước vào Chúa nhật thứ V Mùa chay, Lời Chúa một lần nữa quả quyết cho chúng ta: Chỉ có Thiên Chúa là nguồn sự sống và là Đấng ban sự sống, đó là món quà quý giá nhất Ngài ban cho nhân loại.
Bài đọc một kể về giai đoạn bi đát cùng cực nhất của dân Do Thái, khi họ đang từng ngày phải đối diện với đau khổ áp bức và cái chết bởi người Babylon gây ra. Người Do Thái đang trải qua những ngày tháng tuyệt vọng, tuy còn sống nhưng tâm hồn và ý chí, nghị lực của họ đã chết, như đã bị chôn vùi. Tiên Tri Ezekiel đã đem đến cho họ một luồng sinh khí của Thiên Chúa khi nói với họ: “Chính Ta sẽ mở huyệt mộ cho các ngươi, sẽ đem các ngươi ra khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Israel…Ta sẽ đặt Thần Khí của ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh… bấy giờ các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa.” Những lời này không chỉ là một lời hứa, mà là tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho Israel, Ngài trao ban thần khí tức là trao ban sự sống của Ngài, để họ được hồi sinh cả thể xác và tâm hồn. Vì Thiên Chúa là Chúa của sự sống chứ không phải Thiên Chúa của sự chết, Ngài đem lại sự sống cho nhân loại chứ không huỷ diệt nó.
Thần khí mà tiên tri Ezekiel nói đến, sau này được thánh Phaolô giải thích rõ hơn trong thư Rôma. Theo Thánh Phaolô, những người sống và để cho tính xác thịt làm chủ và chi phối, thì người ấy sẽ xa lìa Thiên Chúa là nguồn sống, còn những ai để cho Thần Khí của Thiên Chúa chi phối thì người ấy sẽ đón nhận được sự sống từ Thần Khí. Để đón nhận được sự sống của Đức Giêsu Kitô, đòi chúng ta phải tin Ngài là Thiên Chúa, là Đấng ban sự sống và là Đấng làm chủ sự sống và sự chết. Câu chuyện Chúa Giêsu cho Lazarô chết chôn trong mồ được chỗi dậy muốn nhấn mạnh điều đó. Đối với Chúa Giêsu, việc Lazarô đau bệnh và chết cũng chỉ giống như một giấc ngủ trưa. Vì thế khi được tin Lazarô đau bệnh, Chúa Giêsu không vội vàng, trái lại, Ngài còn cho thấy đây là dịp để mọi người nhận biết vinh quang Thiên Chúa.
Khi Chúa Giêsu đến nhà Matta và Maria, lúc đó Lazarô đã chết và được chôn bốn ngày. Đối với chị em cô Matta, Chúa Giêsu đã đến quá trễ, không thể thay đổi gì được nữa. Chúa Giêsu không muốn để một tâm hồn rơi vào đau khổ, tuyệt vọng như vậy, Ngài đã từng bước nâng đỡ và khơi lại niềm tin trong tâm hồn chị em cô Matta. Câu chuyện cho thấy: Khi nghe tin Chúa Giêsu đến thăm, cô Matta đã chạy ra đầu làng để đón Chúa Giêsu. Tuy nhiên, qua lời cô như trách Chúa, cho thấy, ánh sáng hy vọng trong tâm hồn cô chỉ còn leo lét: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Nhưng con biết bây giờ Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.” Chị em cô Matta và Maria chỉ mới chỉ tin rằng Chúa Giêsu làm cho con gái ông Giairô sống lại là vì Chúa đã đến kịp thời, còn trường hợp của Lazarô, Chúa đến đã quá trễ. Chúa Giêsu không nỡ để cho một chút lửa đức tin nơi tâm hồn cô phải lụi tàn, Ngài đã động viên cô: “Em con sẽ sống lại…Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết.” Sau khi tuyên bố như thế, Chúa Giêsu đã muốn thẩm vấn cô Matta để cô phải tự nói lên đức tin của mình. Chúa hỏi:“Con có tin điều đó không? Cô Matta đáp: Thưa Thầy có. Con vẫn tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”
Mặc dù tuyên xưng cách mạnh mẽ như thế, nhưng khi đi đến phần mộ, Chúa Giêsu bảo: “Hãy mở nắp mộ ra”, cô Matta lại can ngăn: “Thưa Thầy đã nặng mùi rồi vì đã chôn được bốn ngày.” Điều đó cho thấy từ đức tin đến thực tế luôn có một khoảng cách khó vượt qua, nhất là tin Đức Giêsu là Thiên Chúa quyền năng, Đấng có thể làm cho kẻ chết sống lại và trả lại cho con người sự sống. Một lần nữa Chúa Giêsu lại nâng đỡ đức tin của cô Matta và mọi người khi quả quyết rằng: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang Thiên Chúa sao?”
Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì Cha đã nhậm lời con…nhưng vì những người đang đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con. Nói xong, Ngài hô lớn: Anh Lazarô hãy ra đây. Người chết liền đi ra, chân tay còn quấn vải liệm và mặt còn phủ khăn. Chúa Giêsu bảo: Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.” Nhiều người Do Thái chứng kiến việc Đức Giêsu đã làm, đã tin vào Người. Chúa Giêsu không chủ trương làm phép lạ để thu hút nhiều người, nhưng Ngài làm phép lạ là để củng cố, nâng đỡ đức tin cho những người thành tâm thiện chí.
Với phép lạ cho Lazarô sống lại, Chúa Giêsu muốn cho chị em cô Matta xác tín cách chắc chắn hơn nữa vào lời quả quyết của Ngài: “Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin nơi Thầy thì sẽ được sống.” Hơn nữa, phép lạ này báo trước việc Chúa Giêsu sẽ chiến thắng ma quỷ và tội lỗi là kẻ gây ra cái chết cho nhân loại. Ngài dùng quyền năng của Thánh Thần đạp tung cửa mồ sự chết và sống lại trong vinh quang. Chúa Giêsu chiến thắng tử thần và ma quỷ, đem lại cho tất cả những ai tin Ngài là Đấng Cứu Thế, là chính Thiên Chúa thì sẽ được sống đời đời với Chúa.
Thưa quý OBACE, Thánh Phaolô quả quyết: “Thần Khí của Đức Kitô cũng chính là Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết… Thần Khí ấy cũng làm cho thân xác anh em được sự sống mới.” Như vậy, tin Đức Giêsu là sự sống lại và là sự sống, chúng ta cũng cần để cho Thần Khí của Đức Kitô làm chủ và hoạt động trong chúng ta, trao ban cho chúng ta sự sống. Sự sống là điều quan trọng nhất trong cuộc đời và sự sống phần linh hồn còn quan trọng hơn và phải là mục tiêu của mỗi người nhắm tới. Vì đánh mất sự sống là đánh mất tất cả, đánh mất sự sống đời đời là thất bại hoàn toàn.
Cái nguy hiểm của virus Vũ Hán là nó tấn công vào phổi khiến cho bệnh nhân không thở được và chết. Tội lỗi, dục vọng và những đam mê xác thịt, của cải danh vọng cũng giống như con virus này. Nó tấn công vào cuộc đời chúng ta, làm cho cuộc sống ra chậm chạp năng nề không đón nhận được hơi thở Thần Khí. Nó làm cho lá phổi của linh hồn không thể hoạt động, khiến ta bị chết ngạt trong cuộc đời của mình. Thứ virus dục vọng, đam mê, lười biếng này nó lây lan từ cha mẹ đến con cái, làm cho đời sống gia đình trở nên ngột ngạt, thiếu sức sống. Ma quỷ cũng gieo các loại virus kiêu ngạo, hưởng thụ, tham công tiếc việc, chạy theo bằng cấp vào các bạn trẻ, nó khuyến khích các bạn trẻ thăng tiến trong xã hội, nhưng lại làm ngơ để cho đời sống đức tin bị tấn công. Nó làm cho đời sống đạo của mỗi người ra èo uột, không hoạt động, không sức sống. Đó là những thứ virus gây bệnh nguy hiểm cho đời sống đức tin của mỗi người.
Xin Thần Khí của Thiên Chúa đã hoạt động trong Chúa Giêsu và làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, cũng hoạt động mạnh mẽ trong chúng ta, củng cố đức tin vào Chúa Giêsu là Đấng ban sự sống và biến chúng ta nên những con người mới, sống và hoạt động theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Amen