23/09/2023
715

CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN – A

Lời Chúa: Is. 55, 6-9;  Pl. 1, 20c-24.27a;  Mt. 20, 1-16a
-------------------------

Mục lục

1. Công bằng và tình thương  (Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên)

2. Liên đới để dìu nhau qua đại dịch  (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)

3. Thiên Chúa là Đấng tốt lành, nhân hậu  (Jorathe Nắng Tím)

4. Vui với người vui, buồn với người buồn (Bông Hồng Nhỏ, Học viện MTG.Thủ Đức)

5. Vẻ đẹp của tình yêu (Maria Nguyễn Huệ, Tập sinh MTG.Thủ Đức)

6. Sứ mạng  (Thiên San, Tập sinh MTG.Thủ Đức)

7. Bằng lòng với của Chúa ban (Lm. Trần Bình Trọng)

8. Lòng tốt  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

9. Lòng quảng đại của Thiên Chúa  (Lm. Giuse Nguyễn Minh Chánh)

10. Công bằng  (Trầm Thiên Thu)

11. Xin đừng lãng quên  (Lm. Jos DĐH. Gp. Xuân Lộc)

 

CÔNG BẰNG VÀ TÌNH THƯƠNG

Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên

Trong cuộc sống đời thường, người ta hay nói đến công bằng như một lý tưởng phấn đấu và là một điều kiện căn bản để xây dựng một xã hội phồn vinh hạnh phúc. Tuy vậy, ở đời này không bao giờ có công bằng tuyệt đối. Bởi lẽ ngay khái niệm công bằng cũng được hiểu rất khác nhau, tuỳ theo quan điểm chính trị, văn hoá và xã hội của con người.

Thiên Chúa là Đấng công bằng. Giáo huấn của Kinh Thánh khẳng định với chúng ta như thế. Tác giả Thánh vịnh đã viết: “Quả thật Chúa là Đấng công bằng, ưa thích điều chính trực; những kẻ sống ngay lành được chiêm ngưỡng Thánh Nhan” (Tv 10,7). Không chỉ công bằng, nơi Chúa còn có tình thương và lòng nhân hậu. Ở đời này, hiếm thấy công bằng và tình thương đi đôi với nhau. Dân gian ta thường nói: “Thương em anh để trong lòng, việc quan anh cứ phép công anh làm”. Điều đó cho thấy đã công bằng thì không (hoặc rất khó) mà có tình thương và không có sự nể nang tình nghĩa. Đây cũng là điều cần thiết bởi nếu không xã hội sẽ rối loạn như giao thông không có đèn hiệu.

Dụ ngôn ông chủ vườn nho hôm nay chứng minh cho thấy: Thiên Chúa vừa công bằng và tràn đầy tình thương. Thiên Chúa không hành động nhỏ nhen như con người. Chúng ta thường có thói quen “suy bụng ra bụng của Thiên Chúa”, có nghĩa là chúng ta thường gán cho Thiên Chúa những cách xử sự nơi thế giới nhân loại, cũng hận thù và tiểu nhân. Từ đó, chúng ta phàn nàn kêu trách Chúa khi đau khổ thiếu thốn. Tệ hơn, nhiều lúc chúng ta phê phán Chúa vì Ngài tốt bụng với người khác. Qua ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa đã khẳng định: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải đường lối của Ta… Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy” (Bài đọc I).  Những lời này dạy chúng ta phải có cái nhìn rộng lượng hơn trong cách đối xử với tha nhân, như Thiên Chúa là Đấng bao dung và quảng đại.

Chúa Giêsu đến trần gian để mạc khải cho con người tình thương bao la của Chúa Cha. Ngài thương hết mọi người và từng người, nhất là những tội nhân và những kẻ bé mọn. Trong khi đó, nhiều người Do Thái, nhất là người Biệt phái và các luật sĩ lại ghen tỵ vì Chúa Giêsu. Họ phê phán Chúa vì Người gần gũi những người tội lỗi và những kẻ bần cùng. Dụ ngôn “thợ làm vườn nho” nhằm diễn tả lòng bao dung của Thiên Chúa và sự ích kỷ của con người. Nếu Thiên Chúa là Đấng rộng rãi bao dung, thì con người lại quá nhỏ nhen ích kỷ. Những người thợ đã làm từ đầu ngày ghen tương trước lòng tốt của ông chủ, trong khi đó, ông chủ vẫn làm đúng điều ông đã cam kết. Ông không hề làm cho họ bị thiệt hại. Họ ghen tương và phàn nàn bất mãn chỉ vì ông chủ tốt với người khác. Thái độ của những người này làm chúng ta liên tưởng đến người con cả trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu” được Chúa nói trong Tin Mừng Thánh Luca (x. Lc 15,25-32). Anh ghen tương và phẫn nộ vì cha mình xử tốt với đứa em khi nó đi hoang trở về. Đó cũng là thái độ của chúng ta, khi muốn Chúa phải xử theo ý muốn hẹp hòi của mình.

Đối lại với lời phàn nàn trách móc, ông chủ đã đặt ra hai câu hỏi: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?” Qua hai câu hỏi này, ông chủ muốn phê phán những người thợ tự cho mình là đáng giá hơn người khác, để dựa vào đó mà phản đối lòng tốt của ông chủ. Người chủ vườn là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng bao dung nhân hậu. Ngài sai Con Một là Đức Giêsu đến trần gian để sống gần với họ. Điều này làm những người tự coi là “công chính” không hài lòng. Bởi lẽ, theo suy nghĩ của họ, chỉ có họ là được Chúa yêu thương. Việc Chúa Giêsu gần gũi những người thu thuế và những người tội lỗi được họ coi như một thiệt thòi đối với họ, vì thế mà họ nổi loạn và trách móc phàn nàn. Họ giống như một số người có thái độ “ghen ngược” trong xã hội hôm nay, kêu ca phàn nàn trách móc trong khi mình không có quyền gì để làm những điều đó. Thiên Chúa yêu thương và cứu vớt những người bị đẩy ra bên lề cuộc đời. Họ là những người không ai thuê, mặc dù vào giờ thứ mười một, tức là đã xế chiều. “Không ai mướn chúng tôi!”. Lời này đã diễn tả tình trạng bi đát và khốn cùng của họ. Không ai mướn, tức là ngày đó không có lương, và như thế, cả vợ con và gia đình họ cũng không có gì sống. Ông chủ vườn nho là người thấu hiểu điều đó. Vì vậy, ông trả lương cho họ giống như những người đã làm từ sáng. Đó là đồng lương của lòng nhân hậu.

Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn luôn tỏ lòng nhân hậu đối với con người, không phân biệt sang giàu hay đẳng cấp xã hội. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tự vấn lương tâm: “Đâu là thái độ của tôi đối với anh chị em đồng loại?”. Vì Thiên Chúa nhân hậu bao dung, nên Ngài mời gọi chúng ta hãy sám hối và bỏ đường tà, đoạn tuyệt với quá khứ, thay đổi con tim và canh tân cuộc sống: “Hãy trở về với Chúa – và Ngài sẽ xót thương, về với Thiên Chúa chúng ta vì Ngài rộng lòng tha thứ” (Bài đọc I).

Những lo toan bận tâm thường ngày không thể cản trở chúng ta tìm kiếm Nước Trời. “Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô” – Thánh Phaolô khuyên chúng ta như vậy. Đối với thánh nhân, sự sống hay sự chết chẳng là một điều bận tâm, vì đối với những ai yêu mến Chúa thực sự thì họ chắc chắn được lãnh nhận phần thưởng Nước Trời. Lòng mến Chúa yêu người sẽ thôi thúc chúng ta thực hiện những gì Chúa muốn: “Kẻ gan ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo. Người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Đức Chúa – và Người sẽ xót thương” (Bài đọc I).

Chúa là chủ vườn nho bao dung nhân hậu. Tuy vậy, chúng ta không dựa vào lòng nhân hậu của Chúa mà trễ nải khi được mời gọi vào vườn nho của Ngài. Những người thợ được nêu trong Tin Mừng, khi được mời, đều sẵn sàng nhận lời. Vì vậy mà họ đáng được thưởng công. Vườn nho của Chúa là Giáo Hội, nơi mỗi người tìm thấy bầu khí gia đình thân thương. Vườn nho của Chúa chính là cuộc đời, nơi chúng ta được sai đến để làm chứng cho lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Ý thức được điều này, chúng ta sẽ nhận ra giá trị của cuộc sống, nhất là niềm vinh hạnh vì được làm con cái Chúa.

Về mục lục

LIÊN ĐỚI ĐỂ DÌU NHAU QUA ĐẠI DỊCH

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Ở đời người ta dễ đau xót, tiếc nuối khi mất của, mất tiền nhưng chẳng mấy ai xót thương người khổ đau. Có một câu chuyện thời trung cổ kể rằng, trong quá trình xây dựng tháp Babel, khi một người đàn ông ngã xuống và chết, không ai nói gì. Cùng lắm người ta nói: “Tội nghiệp, ông ta trượt chân và ngã.” Ngược lại, nếu một viên gạch rơi xuống, mọi người sẽ phàn nàn và tiếc của. Vì sao? Bởi vì một viên gạch tốn tiền để làm, để chuẩn bị, để nung, vv.. Người ta tiếc một viên gạch vì phải mua. Một viên gạch đáng giá hơn mạng người.

Và dường như điều đó cũng đang diễn ra trong thế giới ngày nay. Nhất là trong khủng hoảng vì đại dịch Covid. Hàng ngàn người đang chết vì đói, vì đau khổ nhưng không ai nói về họ.Các báo chí phàn nàn vì công ty phá sản, vì hàng hóa bán không được, vì sản phẩm phải vất bỏ đi. . . .

Trên trang mạng ta vẫn thấy người bị tông xe nằm đó còn người gây tai nạn thản nhiên gọi điện thoại cho ai đó? Có khi chỉ vì một con chó bị ăn cắp liền kéo cả làng hùa ra đánh chết một mạng người. Và rồi, cuộc sống ngày càng thiếu thốn khiến kẻ cướp cũng hung bạo hơn nên dễ dàng cướp đi sinh mạng một người chỉ để lấy một sợi giây chuyền với giá vài trăm đồng!

Đây cũng là điều băn khoăn của Đức Thánh Cha Phanxico về viễn tượng tương lai. Ngài nói rằng đã gọi là khủng hoảng sau Covid thì đương nhiên phải có dư chấn gây ảnh hưởng lớn cho sự thay đổi. Ngài nói: “Đại dịch là một cuộc khủng hoảng. Chúng ta sẽ ra khỏi đại dịch tốt hơn hoặc tệ hơn. Chúng ta phải chọn. Và liên đới chính là con đường để thoát khỏi đại dịch tốt hơn, không phải với sự thay đổi bên ngoài, với một lớp sơn như thế này và mọi thứ đều ổn”. Thế nên, người ky-tô hữu phải luôn đặt câu hỏi rằng: tôi có nghĩ đến các nhu cầu của tha nhân không? Nếu chúng ta nghĩ đến tha nhân thì hãy loại bỏ tính ích kỷ, ghen tương để sống liên đời và chia sẻ cho nhau.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có cái nhìn của tình liên đới và cảm thông với nhau. Hãy tránh xa lối nhìn thiển cận theo cảm tính, theo tính vị kỷ, theo quyền lợi cá nhân. Không nên ghen tị khi người khác có tài đức hơn, giàu có hơn, xinh đẹp hơn.  . . Không nên buồn rầu vì người khác học lực kém hơn mình mà lại giầu có chẳng thua ai! Hãy cùng nhau tạ ơn Chúa, và cùng giúp nhau để ai cũng có của ăn, ai cũng có đầy đủ phương tiện để sống đúng với phẩm giá con người.

Nếu chúng ta không giúp được anh em thoát khỏi cơn khủng hoảng của nghèo đói, của thất nghiệp thì hãy tạ ơn Chúa, vì Ngài quá tốt lành đã lo liệu cho con cái của Ngài đều có của ăn dư đầy.

Dụ ngôn về những người thợ được thuê làm vườn nho vào những giờ khác nhau, nhưng đều được ông chủ trả cho 1 đồng tiền công. Đây là lòng tốt của ông chủ. Ông chủ đối xử với người làm công theo cái tình chứ không phải cái lý. Mà thực ra đã là thương xót thì không còn đứng trong ranh giới công bình. Ông chủ cho ai bao nhiêu là tùy lòng tốt và khả năng của mình.

Thế nhưng, trong dụ ngôn ta thấy những người làm trước lại có thái độ ghen tức với đồng loại và khó chịu với chủ. Họ làm 12 tiếng được một đồng và người làm vài tiếng, thậm chí 1 tiếng cũng được như họ. Họ đã không thể vui được với người vui, vì họ không biết yêu thương. Họ coi người kia là kẻ thù, chứ không là bạn. Họ chỉ biết mình và chỉ muốn mình có và bực tức khi anh em cũng có được như mình!

Vậy thì ông chủ có bất công không? Chắc chắn là không. Vì ông trả đủ số tiền đã thỏa thuận tức là 1 đồng. Chính ông chủ trả lời: Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn, bạn chẳng thỏa thuận với tôi là 1 đồng hay sao? Cầm lấy phần bạn mà về đi, còn tôi, tôi muốn cho ai là tùy tôi, chẳng lẽ tôi không có quyền tùy ý định đoạt là những gì của tôi sao? Hay vì tôi tốt bụng mà bạn ghen tức ?

Đây là điểm chính của dụ ngôn. Hành động của ông chủ không phải là do ông ta bất thường, bất công, nhưng do ông chủ tốt lành. Tốt ở chỗ là không muốn ai phải thua thiệt sút kém. Ông muốn ai cũng may mắn, ai cũng có tiền về nuôi gia đình. 1 đồng ông phát cho người làm giờ 11 không phải là do công bình. Đồng bạc ấy là do lòng tốt của ông ban tặng. Trọng tâm của dụ ngôn là việc phân phát lương bổng lúc cuối ngày.

Thế giới hôm nay cần liên đới để cùng với Đấng tạo hóa mà chỉnh đốn lại những mất mát sau đại dịch. Đại dịch sẽ làm cho nhiều ngừới mất việc và đói nghèo. Chúa đang mời gọi chúng ta hãy chia sẻ công việc cho anh em. Dù họ làm 1 tiếng hay hai tiếng cũng là cách để san xẻ và giúp đỡ cho nhau có cái ăn cái mặc.

Xin Chúa gíup chúng ta cũng có lòng quảng đại để xan sẻ cho nhau, để cùng dìu nhau qua khó khăn. Xin Chúa ban cho xã hội có nhiều tấm lòng quảng đại để nâng đỡ nhiều người đang rơi vào khủng hoảng của đói nghèo và thất nghiệp. Xin cho chúng ta dám loại bỏ tính ghen tương ích kỷ để cùng nhau cảm tạ về những ơn lành Chúa ban. Amen

Về mục lục

THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG TỐT LÀNH, NHÂN HẬU

Jorathe Nắng Tím

Dòng dã lịch sử nhân loại và lịch sử dân riêng Ítraen, Thiên Chúa không ngừng nói với con người và chứng tỏ : “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, chậm giận và giầu tình thương. Chúa nhân ái với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên… Ai qụy ngã, Chúa đều nâng dậy, kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên” (Tv 144,8-9.14). Ngôn sứ Isaia còn công bố và nhắc nhở : “Hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người còn ở kề bên. Kẻ gian ác hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Đức Chúa, và Người sẽ xót thương” (Is 55,6-7).

Sự tốt lành, và lòng nhân hậu của Thiên Chúa tất nhiên vượt xa ý nghĩ của phàm nhân, vì “tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,8-9). Chân lý này đã được chính Đức Giêsu làm sáng tỏ qua dụ ngôn “thợ làm vườn nho” trong Tin Mừng Matthêu:

  1. Thiên Chúa là Đấng tốt lành và nhân hậu, vì Ngài đón nhận tất cả mọi người, không loại bỏ ai:

Đức Giêsu đã trình bày chân dung một ông chủ rất tốt lành “vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình, sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền” (Mt 20, 1-2). Thế rồi,” khoảng giờ thứ ba”, rồi “khoảng giờ thứ sáu”, cả khi chiều về, ông đều ra ngoài đường và thấy vẫn còn những người “ở không”, chưa được ai mướn. Ông chủ hỏi họ : “Sao các anh đứng suốt ngày ở đây, không làm gì hết vậy ? Họ đáp : “Vì không ai mướn chúng  tôi” (Mt 20,6-7). Và ông bảo tất cả  “Hãy đi vào vườn nho làm việc cho tôi !”, và với mỗi người, ông đều thoả thuận trả lương cho họ “hợp lẽ công bằng” (Mt 20,4).

Ông chủ là Thiên Chúa đã đích thân ra đường hầu như suốt ngày để mời gọi những người “ở không”, thất nghiệp vào vườn nho làm việc cho ông. Ông chủ thật tốt, vì không từ chối ai, dù trong số họ có những người chưa làm vườn nho bao giờ, tay nghề còn non nớt, cả những người sức khoẻ yếu kém, lý lịch nhân thân không bảo đảm. Bằng chứng là ông đã không đặt ra bất cứ điều kiện nào từ tuổi tác, sức khỏe, khả năng, cũng chẳng bắt ai phải xuất trình bằng cấp, hay giấy chứng nhận hạnh kiểm của phường xã, hoặc nhận xét của tổ trưởng, công an khu vực, nhưng cách chọn nhân viên, người làm của ông chủ rất hào phóng, dễ dàng, và hợp đồng lương bổng hậu hĩnh, rõ ràng, phân minh.

Qủa thực, sự tốt lành và nhân hậu của Thiên Chúa được thể hiện qua trái tim thương xót và đôi tay giang rộng của Ngài khi đón nhận tất cả mọi người vào vườn nho Nước Trời, không trừ ai, dù phần đông bất xứng, không đủ điều kiện.

  1. Thiên Chúa tốt lành và nhân hậu khi ban hồng ân dồi dào, chan chứa cho tất cả mọi người:

Thiên Chúa là ông chủ đã biểu hiện lòng tốt cách rất độc đáo, khi trả cho tất cả mọi người đã vào làm vườn nho cho ông số lương cao nhất của một ngày trọn, dù có người mới chỉ làm một giờ, vì được nhận vào muộn, ở “giờ thứ mười một”. Thấy thế, những người vào làm trước nhất tỏ thái độ bất mãn, và cằn nhằn ông chủ : “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” (Mt 20,12).

Thực vậy, dụ ngôn “thợ làm vườn nho” đã đề cập và đề cao sự tốt lành và lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Trước những người tự cho mình xứng đáng, giỏi giang, đạo đức hơn người, và đang khiếu nại phần tốt nhất cho mình, Đức Giêsu muốn họ hiểu rằng lương bổng họ nhận, phần thưởng họ  lãnh đều không do tài cán, công lênh, đạo đức, phẩm hạnh của riêng họ, nhưng tất cả là hồng ân từ lòng tốt, và nhân hậu của Thiên Chúa, nên thái độ phải có chính là biết chấp nhận và đón nhận tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa, Đấng không gọi những người được  tuyển chọn là tôi tớ, kẻ ăn người làm, nhưng là Bạn Hữu  (x. Ga 15,15); Ngài cũng ân cần  căn dặn những ai đi theo Ngài: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20,27), nên thái độ ghen tức khi thấy người khác nhận được hồng ân như mình, hoặc hơn mình là thái độ không xứng hợp ở người được Thiên Chúa gọi vào làm vườn nho cho Ngài.

Xin Chúa cho chúng con luôn xác tín lòng tốt và nhân hậu của Thiên Chúa hằng  bao phủ cuộc đời mỗi người chúng con, và đừng bao giờ lấy tư tưởng của con người để đo đạc tư tưởng của Thiên Chúa, lấy đường lối của phàm nhân để đo lường đường lối của Ngài, vì tư tưởng của Thiên Chúa thì vô cùng tốt lành, và đường lối của Ngài thì nhân hậu vô biên.

Là người cha tốt lành, nhân hậu, Thiên Chúa chỉ nghĩ và thực hiện những gì tốt đẹp nhất cho chúng con là con cái của Ngài.

Về mục lục

VUI VỚI NGƯỜI VUI, BUỒN VỚI NGƯỜI BUỒN

Bông hồng nhỏ

Người ta dễ mủi lòng trước một cảnh đời bất hạnh. Nhìn thấy người khác đau khổ, ai mà không thương. Lòng thương người là có thật. Nó được nuôi dưỡng qua những tháng ngày: từ tình thương yêu giữa những người thân trong gia đình, tình bạn bè, tình làng nghĩa xóm. Rồi một ngày, ta nhận thấy lòng mình càng mở ra hơn, mình cũng thương cả những con người bất hạnh thỉnh thoảng vẫn ghé vào nhà xin ta chén cơm hay ngụm nước. Thế nhưng bỗng một ngày, nhìn người ta sung sướng, ta thấy lòng mình ghen tức, khó chịu, ta hằn học trách đời bất công. Tại sao ta chỉ có thể mủi lòng trước sự đau khổ của người khác nhưng khi thấy họ sung sướng hơn ta, ta không thể chấp nhận được?

Cuộc đời của ta giống như câu chuyện của những người thợ được mướn vào làm việc trong vườn nho. Có khi ngay từ sáng sớm, ta đã may mắn kiếm được việc làm. Tuy phải làm việc nặng nhọc, vất vả cả ngày, chịu nắng nôi thiêu đốt nhưng bù lại, ta an lòng vì có được một công việc ổn định. Ông Chủ là người tốt đã trả lương cho ta, đồng lương cân xứng với việc ta đã làm. Ông thương ta, dù ta chẳng tài cán gì hơn ai nhưng Ông đã mướn ta vào vườn nho ngay từ sáng sớm. Ta ra sức làm việc, chăm chỉ từ sáng sớm đến khi chiều về, không nề hà những vất vả phải chịu. Cuộc đời đã dạy cho ta một chân lý: “Có làm thì mới có ăn”. Nếu ta biếng nhác, ta mới là người đáng trách. Khoảng giờ thứ mười một, ông chủ vườn nho trở ra và thấy những người khác đứng ở đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi” (Mt 20, 6-7). Cuộc đời của ta cũng đã từng canh cánh một nỗi lo sợ: sợ thất nghiệp. Đó là nỗi lo lắng của những người thợ phải đứng chờ mỏi cả chân mà vẫn chưa có ai thuê. Họ canh cánh trong lòng nỗi lo cơm áo gạo tiền. Không ai thuê, ta lấy đâu ra tiền đong gạo cho đàn con nheo nhóc. Ta hãy nhớ lại những lần ta phải “ở không” mấy tháng liền vì không tìm được việc làm. Ta cảm nhận được niềm vui của những người được mướn vào làm việc trong vườn nho vào giờ thứ ba, giờ thứ sáu, giờ thứ chín, và cả giờ thứ mười một nữa. Chờ đợi điều gì quá lâu, người ta sẽ dễ chán nản và muốn bỏ cuộc, có những người đã bỏ cuộc. Ta đã thấy được sự kiên trì, nhẫn nại của những người vào làm giờ sau hết. Hãy thử nghĩ xem, họ đã phải đứng chờ ở chợ trong thời gian lâu như thế là vì điều gì. Họ mong chờ một cơ hội để được một ông chủ thuê vào làm, ít là kiếm được đôi ba đồng để trang trải trong cuộc sống. Có được việc làm, họ sẽ có được một khoản tiền dù ít ỏi nhưng cuộc sống của họ vẫn được đảm bảo hơn. Có rất nhiều người đã phải chờ đợi lâu như thế. “Không ai thuê”, đó là một nỗi lo, một nỗi đau, một thử thách mà họ thật sự đã phải trải qua.

Chiều về, kết thúc một ngày làm việc vất vả, ta sẽ được lãnh đồng lương. Nhìn thấy những người vào làm sau chót được lãnh một đồng, ta cứ nghĩ mình sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng đến lượt mình, ta cũng chỉ được lãnh một đồng. Ta hụt hẫng. Lòng tự ái của ta đang cao hơn núi. Ta nghĩ đến sự khó nhọc mình đã phải chịu. Ta đã không thể vui niềm vui của những người vào làm sau chót. Họ đã chẳng phải vất vả gì nhưng lại được hưởng số lương như ta đáng được hưởng. Ta ghen tức và thấy thương cho chính mình. Ta trách móc Ông Chủ bất công. Ta đã chân thành chia sẻ niềm vui của những người được nhận vào làm sau, nhưng ta không thể chia vui khi họ được thương hơn ta. Tình thương có thể đem ra so sánh được không? Nếu cứ đem tình thương ra cân đo đong đếm như thế, ta sẽ chẳng thấy mình được thương, vì dường như ta cứ muốn được thương hơn người khác, và vì thế khi thấy người khác “được thương hơn”, ta sẽ ghen tức, bực bội là chuyện đương nhiên. Nói khác đi, ta chưa thương người khác như Chúa Giêsu vẫn mời gọi: “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 31-35).

Lạy Chúa Giêsu! Người chính là Ông Chủ tốt lành. Chúa yêu thương chúng con với một tình yêu duy nhất, tràn đầy. Chúa đã dạy con phải hết lòng yêu thương anh em mình. Chúa biết trái tim con còn chưa đủ quảng đại để có thể vui với người vui và buồn với người buồn. Xin biến đổi trái tim con, uốn nắn trí lòng con cho nên giống Chúa. Xin Chúa dạy con biết trân quý tình thương Chúa đã dành cho con, để con cũng biết hết tình yêu thương anh em như Chúa mời gọi. Amen.

Về mục lục

VẺ ĐẸP CỦA TÌNH YÊU

Maria Nguyễn Huệ

Khi nói về tình yêu chúng ta hiện lên vô vàn những khái niệm, còn con tim rạo rực cũng như muốn “lên tiếng”! Trong kinh nghiệm, chúng ta có thể khẳng định rằng vẻ đẹp của tình yêu được xây dựng từ người trao yêu thương. Tức là tình yêu được tạo nên từ sự cho đi và nhận lãnh. Nhưng để diễn tả tình yêu bằng hành động thì thật khó! Bởi chúng ta chỉ muốn lãnh nhận mà không muốn cho hay chưa đủ khiêm tốn để đón nhận sự trao ban của người khác. Đặc biệt qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã kể cho chúng ta nghe: “Dụ ngôn thợ làm vườn nho”(Mt 20,1-16). Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta qua Lòng Thương Xót của Người, và khi cảm nhận về tình yêu, chúng ta cũng biết trao ban tình yêu ấy cho tha nhân.

Thiên Chúa không yêu chúng ta với những gì chúng ta có nhưng như chúng ta là. Thiên Chúa chính là người chủ vườn nho, từng khoảnh khắc đã “đi ra” và sẵn lòng đón nhận tất cả những người làm công, dù là vào giờ “chót” trong ngày. Đặc biệt, ông đã rộng lòng trả lương không những tương xứng mà còn hơn cả điều họ nghĩ, hơn cả sức lực họ làm ra. Đúng thế, từng giờ, từng giây phút, Thiên Chúa luôn tỏ lòng nhân hậu, yêu thương chờ đợi chúng ta đến với Người. Chính Người đi tìm gặp chúng ta để gửi trao yêu thương. Người không “chọn” chúng ta như những gì chúng ta “có”: là tài năng, sức khẻo, thì giờ…, nhưng Người yêu thương chúng ta “như chúng ta là”. Vậy từng giờ khắc của ngày sống, chúng ta đã đáp lại tình yêu của Thiên Chúa như thế nào? Chúng ta có đang tìm gặp Chúa hay chỉ loay hoay trong khoảng không gian của mình để đạt được những gì chúng ta muốn? Người đang mong chờ chúng ta đến với Người, không phải với những công trạng, công việc to lớn nhưng với tình yêu mến. Thật vậy, xét về mặt lý trí, những người vào làm sau hết chẳng có công trạng gì nhiều. Như gương của thánh nữ Têrêxa nhặt một cọng rác cũng đủ cứu một linh hồn, một việc làm tầm thương với tình yêu phi thường. Đó là tin vào lòng nhân hậu của Chúa. Những người làm giờ đầu tiên nhận tiền xong họ đã càm ràm ông chủ “tại sao vậy?”. Phải chăng họ chỉ nghĩ đến nhu cầu và đòi hỏi những lợi ích hơn cho mình nên họ đã sinh lòng ghen tức? Đối với Thiên Chúa, Ngài biểu lộ tình yêu không chỉ dựa vào sức lực cử chúng ta  nhưng bới lòng yêu thương, nhân hậu của Chúa.Vậy, chúng ta đã nhận được tình yêu của Thiên Chúa chúng ta hãy đáp lại tình yêu của Người qua việc thể hiện tình yêu ấy cho tha nhân. Chúng ta đừng ghen tức hay so bì khi nhìn thấy người khác giàu có hơn, sung sướng hơn hay có địa vị hơn. Thay vào đó, chúng ta hãy cùng cộng tác và hỗ trợ để họ chu toàn tốt những trách nhiệm, nghiệp vụ của họ. Đặc biệt, chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và cho cả chúng ta nữa, biết đáp lại tình yêu Chúa qua việc đem hết khả năng, nhiệt huyết mà làm sinh hoa trái trong đời sống đức tin thường ngày. Để cùng mọi người, chúng ta diễn tả vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa mà chúng ta đã lãnh nhận.

Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết luôn tìm kiếm Chúa như chúng con là để chúng con  đáp lại tình yêu và lòng nhân hậu Chúa dành cho chúng con. Nhờ Người, chúng con biết đón nhận và cùng nhau sống an vui, hạnh phúc. Amen.

Về mục lục

SỨ MẠNG

Thiên San

Hôm nay, Đức Giêsu kể cho chúng ta dụ ngôn “Thợ làm vườn nho”. Ông chủ trong câu chuyện là người “tốt bụng” cách khác thường, không giống với các ông chủ ta thường gặp. Ông ra chợ từ sáng sớm mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình, rồi nhiều lần trong ngày trở ra, thấy có những người ở không, ông gọi họ vào vườn nho và hứa sẽ trả công cân xứng. Tất cả những người được gọi đều được trả mỗi người một quan tiền bắt đầu từ người vào giờ sau chót.

Chúng ta cũng được ví như những người thợ được gọi vào làm việc trong vườn nho. Ngày chúng ta được gọi vào vườn nho cuộc đời là ngày chúng ta chào đời. Có người được gọi vào giờ thứ nhất, có người vào giờ thứ ba, thứ sáu hay thứ mười một…Có bao giờ chúng ta tự hỏi, tại sao ta lại được sinh ra vào thời này mà không phải là thời kia, là gia đình này mà không phải gia đình nọ. Về điều này, chúng ta không thể tự mình quyết định. Chính Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu đã gọi mỗi người chúng ta ở những thời điểm, hoàn cảnh rất khác nhau. Tuy thế, tất cả chúng ta đều  được Người trao cho một sứ mạng là làm việc trong vườn nho cuộc đời: Có người là giáo viên, có người là linh mục, có người là công nhân… Lúc này, ta được mời gọi cộng tác với Ngài trong vai trò này, khi khác ta lại được mời gọi cộng tác trong vai trò khác. Điều quan trọng là ta phải khám phá ra sứ mạng của mình và nỗ lực cộng tác với tất cả khả năng, sức lực và tình yêu để góp phần làm cho thế giới mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Vậy làm sao ta có thể khám phá và thực thi sứ mạng của mình?

Thiết nghĩ, để từng bước khám phá và thực thi sứ mạng của mình mỗi ngày ta phải đi vào sự hiệp thông với Thiên Chúa – Đấng Tạo Hóa, với tha nhân; mỗi suy tưởng, nói năng, hành động ta luôn hướng về Thiên Chúa và tha nhân. Khi ta làm như vậy, ta sẽ bớt đi những ích kỷ, ghen tương, giận hờ ta dành cho nhau. Thiên Chúa không chỉ gọi riêng ta nhưng là gọi cả anh chị em của ta, tất cả mọi người. Cũng chẳng phải vì Ngài cần đến ta nhưng là bởi Ngài biết ta cần đến Ngài. Ngài biết ta cần được làm việc, được thể hiện mình, được góp phần nhỏ bé của mình vào vườn nho của Chúa. Bởi thế, ta được mời gọi cộng tác, liên đới với mọi người trong sứ mạng rất riêng của ta. Mỗi người đứng ở một vị trí khác nhau, nhiệm vụ khác nhau và với tất cả sức lực, khả năng, tình yêu của mình hoàn thành sứ mạng Chúa trao phó trong cuộc đời mình. Khi thực thi sứ mạng rao giảng Tin Mừng Đức Kitô,  thánh Phaolô cho chúng ta thấy, ngài đã phải vất vả, bị giằng co giữa hai đàng: “Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki tô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em” (Pl 1, 23-24). Ngài đã chọn ở lại với các anh em. Còn chúng ta, đã bao giờ chúng ta trăn trở, thao thức cho sứ mạng của mình? Nếu chúng ta hết mình với sứ mạng Chúa trao trong cuộc đời, chúng ta sẽ là những người thợ đẹp lòng Chúa. Chúng ta sẽ bớt đi thái độ cằn nhằn, so đo tính toán theo kiểu con người mà mặc lấy tâm tình phó thác, khiêm tốn đón nhận tất cả. Ta sẽ có khả năng vui mừng vì thấy người khác cũng được gọi và trả công như ta. Mỗi chúng ta, khi thực thi sứ  mạng cần nhận ra lòng thương xót, sự quảng đại mà Thiên Chúa đã dành cho ta để luôn biết vui lòng với những gì mình được lãnh nhận.

Lạy Chúa! Chúng con cảm tạ Chúa đã yêu thương gọi chúng con vào đời, được tin tưởng trao ban sứ mạng cộng tác với Chúa trong vươn nho cuộc đời. Xin cho chúng con luôn biết khám phá, nỗ lực thực thi sứ mạng Chúa trao trong vui tươi, khiêm tốn, tin tưởng. Xin cho chúng con biết đi vào sự hiệp thông với Chúa và tha nhân, cùng nhau khám phá, thực thi sứ mạng Chúa trao; cùng giúp chúng con biết bằng lòng với những gì nhận được và không bao giờ lấy tư tưởng, suy nghĩ của mình mà áp đặt hay giới hạn tình thương của Chúa. Amen.

Về mục lục

BẰNG LÒNG VỚI CỦA CHÚA BAN

Lm Trần Bình Trọng

Chiều kích của thế giới mà người ta đang sống, tuỳ thuộc vào cái nhìn của mỗi người. Người ta có thể mở rộng hay thu hẹp thế giới lại trong đầu óc mình. Khi người ta thu hẹp cái nhìn đời, là người ta chọn sống trong thế giới nhỏ bé. Và khi người ta càng chọn cái nhìn hẹp hòi, người ta càng mất hạnh phúc. Ðó là cách thế cắt nghĩa cho việc bất mãn của những người làm vườn nho cả ngày từ sáng sớm tinh sương trong Phúc âm hôm nay.

Thợ làm vườn nho từ sáng sớm đã thỏa thuận với chủ về đồng tiền lương (Mt 20:2), nhưng rồi họ lại cằn nhằn vì chủ trả cho những người đến sau cũng bằng họ. Xét về một vài khía cạnh, thì dụ ngôn hôm nay cũng giống dụ ngôn người cha nhân lành đối xử khoan hậu với người con phung phá. Khi người con phung phá trở về thì người cha cho mở đại tiệc ăn mừng khiến người con trưởng nổi ghen. Ðó cũng là phản ứng tiêu biểu của loài người.

Giới học giả Thánh kinh coi những người được gọi trước để làm vườn nho tượng trưng cho dân được chọn trong Cựu ước. Họ là những người được gọi trước để sửa soạn cho việc Ðấng Cứu thế đến. Khi Ðấng Cứu thế đến, họ lại từ khước Người. Còn những người dân ngoại được gọi sau này đã chấp nhận lời mời gọi của Chúa và họ được trở nên hàng đầu (Mt 20:16a). Dụ ngôn còn ám chỉ rằng bất cứ ai đáp lại tiếng gọi của Chúa và sống theo đường lối của Người thì cũng được đối xử khoan dung và nhân hậu. Ðó là trường hợp những người thu thuế và gái điếm được vào nước Trời trước các thượng tế và kì mục như Chúa bảo (Mt 21:31). Người thu thuế và gái điếm mà Chúa nói đến cũng là người Do thái nhưng họ biết hối cải và thi hành ý Chúa.

Bài học có thể được rút tỉa trong Thánh kinh hôm nay là lời mời gọi sống đức tin vào Chúa đến với mỗi dân tộc hay mỗi cá nhân khác nhau vào những thời điểm khác nhau.  Có người được gọi đến đời sống đức tin từ nhỏ qua Bí tích Rửa tội. Có người lớn lên mới được gọi vào đời sống đức tin. Chính lúc mà người ta đặt tin tưởng vào Chúa và gia nhập đạo Chúa qua Bí tích Rửa tội thì họ trở nên thành phần ngang hàng với nhau trước mặt Chúa. Gia nhập nước Chúa sớm hay trễ, trước hay sau không có khác biệt. Và tất cả những người được gọi làm vườn nho của Chúa để gia nhập nuớc Trời đều phải ghi ơn lòng quảng đại của Chúa.

Dụ ngôn nhấn mạnh đến điểm là trong việc cứu độ, Thiên Chúa sẽ quyết định những gì là công bình, những gì là bác ái trong việc thưởng công cho con cái loài người. Ðường lối của Chúa là đường nẻo công chính, nhưng sự công chính của Chúa luôn nằm trong bối cảnh nhân từ và lòng xót thương của Người. Chính vì thế mà ngôn sứ Isaia trong bài Thánh kinh Cựu ước hôm nay đã ca tụng lòng nhân hậu của Chúa: Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi (Is 55:9).

Trong việc trả lương cho những người đến làm sau hết cùng một số tiền như những người đến trước, người chủ đã không làm thiệt hại, cũng không lỗi đức công bình với những người đến làm từ sáng sớm vì họ đã thỏa thuận với chủ về số tiền lương mỗi ngày một quan tiền. Ðó là mức lương của một người thợ thời bấy giờ. Việc trả lương cho những người đến sau cùng một số tiền bằng thợ đến từ sáng sớm là do lòng đại lượng của chủ. Nói cách khác, đối với những người đến trước, thì chủ thi hành luật công bình, nghĩa là không lỗi giao kèo. Còn đối với những người đến sau, chủ thi hành luật bác ái.

Theo mạch văn trong Phúc âm hôm nay thì những người đứng không ở ngoài chợ, không phải là những người nhàn cư, ăn không ngồi rồi, nhưng vì không ai mướn họ (Mt 20:7). Ra chợ tìm việc làm và đợi tới giờ mười một (1) – tức là năm giờ chiều, đến sáu giờ thì nghỉ việc – có nghĩa là họ cần việc làm. Tại đất Paléttin thời bấy giờ, chợ là nơi người thất nghiệp đến tìm việc và nhận việc, giống như tiệm 7-Eleven hay tiệm giải khát nào đó tại Hoa kỳ là nơi mà người thất nghiệp tụ họp đợi người khác đến thuê làm công vào thời gian hai mươi năm cuối thế kỉ hai mươi và cũng chừng hai mươi năm đầu thế kỉ hai mươi mốt. Theo nhà chú giải Thánh kinh William Barclay, cao độ của mùa hái nho tại Patéttin nhằm vào tháng Chín. Theo sau là mùa mưa. Vì thế chủ cần hái nho trước khi mùa mưa tới để nho khỏi bị ủng, nên ông cần càng nhiều thợ làm càng lợi ích. Như vậy xét theo kế hoạch kinh tế nông nghiệp, ông chủ là người quản lý tài sản giỏi. Còn xét theo Học thuyết Xã hội Công giáo, người ta phải khen ông chủ vườn nho có đầu óc xã hội, chứ không thể tố cáo ông mang óc thiên vị: nhất bên trọng, nhất bên khinh. Ông trả lương theo nhu cầu vật chất của  thợ, chứ không dựa trên thời giờ làm việc của họ.

Khi nghĩ rằng ta tốt lành và siêng năng hơn người khác, mà người khác lại hơn ta về của cải vật chất và địa vị xã hội, ta sinh ra ganh tị, và còn hận Chúa. Do đó ta muốn đặt giới hạn cho lòng đại lượng và khoan dung của Chúa. Ðó chính là điều thắc mắc của ông chủ vườn nho: Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?(Mt 20:15). Ðáng lẽ những người làm vườn nho từ sáng sớm phải vui mừng với thợ đến sau vì họ cần tiền để độ thân hoặc nuôi gia đình. Khi đặt nặng về giá trị vật chất, mà thấy người khác hơn mình về của cải, việc làm, nhà ở thì người ta nổi máu ghen. Mà ghen tương lại làm cho người ta mất hạnh phúc. Mất hạnh phúc làm người ta khổ. Vậy thì ghen làm chi cho khổ? Còn nếu coi nhẹ giá trị vật chất thì khi thấy người khác hơn mình về những khía cạnh trên, người ta cũng không màng. Hôm nay mỗi người cần nhắc nhở cho mình rằng mọi sự ta có đều là của Chúa ban. Vì thế ta cần học để sống trong tâm tình biết ơn.

Lời cầu nguyện xin cho được bằng lòng với của Chúa ban:

Lạy Chúa, Chúa là Ðấng công minh và đại lượng

Chúng con cảm tạ Chúa về lượng công minh

và lòng đại lượng đối với loài người tuỳ theo nhu cầu cá nhân.

Xin ban cho con một tâm hồn khiêm tốn

để con bằng lòng đón nhận những của lớn nhỏ Chúa ban.

Cũng xin cho con một tâm hồn quảng đại

để con hiểu được những đặc ân mà Chúa ban cho người khác

thay vì ganh tị với họ và kêu trách Chúa.

Và  xin cho những người đến sau

cũng được mời vào làm việc trong vườn nho của Chúa. Amen.

Về mục lục

LÒNG TỐT

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Người ta thường nói rằng: “Lòng tốt là thứ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy”. Bởi vậy hãy bắt đầu làm điều tốt lành cho ai đó xung quanh mình, bạn sẽ thấy điều đó ở khắp nơi. Hương thơm của lòng tốt lan tỏa rất xa. Hương vị của lòng tốt chan hòa trong một cuộc sống an lành. Không cần “khắc cốt” những gì mình đã trao đi, nhưng cần “ghi tâm” những gì mình được nhận từ những người khác, đó là điều thật đáng quý.

Tin mừng hôm nay kể về Dụ ngôn “thợ làm vườn nho”. Ông chủ vườn nho 5 lần trong ngày đi kiếm người làm vườn vào những thời điểm khác nhau, cuối ngày ông trả tiền công cho mỗi người 1 đồng. Ý nghĩa dụ ngôn diễn tả lòng tốt của Thiên Chúa. Lòng tốt vượt trên lẽ công bình. Thiên Chúa kêu gọi mọi người vào hưởng hạnh phúc là do lòng nhân hậu của Ngài.

“Quả thế, về Nước Trời thì cũng như một gia chủ kia, ngay vừa tảng sáng, đã ra thuê thợ cho vườn nho của ông …”. Giữa một “chợ người” ít việc nhiều người, các ông chủ ra thuê thợ làm việc và trả công nhật. Chúa Giêsu quan sát và lấy hình ảnh cụ thể này ở Do thái để mạc khải mầu nhiệm Nước Trời. Người kể dụ ngôn ông chủ vườn nho với các thợ làm việc các giờ khác nhau trong ngày.Tiền công nhật là 1 đồng, giá thỏa thuận đôi bên.Gia chủ thuê thợ làm vườn nho vào các giờ giấc khác nhau.

Những người được vào làm vườn nho trước nhất: “Sau khi đã thỏa thuận với họ là mỗi ngày một đồng, ông sai họ vào vườn nho làm việc”. Đây là sự công bằng.

Những người được vào làm vườn nho sau hết. Họ muốn có việc làm, họ đứng đợi từ sáng sớm. Khi nghe ông chủ nói: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho”, họ rất đỗi vui mừng, vội vàng đi làm việc mà không có thỏa thuận. Đây là tình thương do lòng tốt của ông chủ.

Theo lệ thường, công nhật sẽ chấm dứt lúc 12 giờ tức là 6 giờ chiều. Vậy mà lúc 5 giờ chiều ông chủ còn ra thuê nhân công. Những người làm từ giờ 11, họ chỉ làm việc 1 giờ là nghĩ. Trong khi đó người làm từ sáng, lao động cả ngày. Vậy mà cuối ngày khi trả lương, ông chủ lại trả bắt đầu từ người sau hết là 1 đồng. Những người làm trước tưởng là được nhiều hơn, nhưng cũng chỉ 1 đồng mà thôi. Họ phản đối, họ trách móc vì họ bị hai thiệt thòi: kẻ khác làm 1 giờ mà họ 12 giờ, kẻ khác làm lúc trời mát mẻ, họ làm cả ngày dưới trời nắng nóng. Họ càm ràm với chủ. Nếu ông chủ trả lương cho người làm sau ít hơn, chắc họ chẳng hề tỏ vẻ khó chịu. Nếu họ không hay biết số tiền mà ông chủ trả cho người làm sau chắc là họ vui vẻ và biết ơn khi trở về nhà. Nhưng vì biết được nên họ giận dữ và ghen tị. Rõ ràng người ghen tị không vui được với người vui, bởi lẽ họ không biết yêu thương.

Ông chủ trả lương như vậy có bất công không? Chắc chắn là không vì ông trả đủ số tiền đã thỏa thuận là 1 đồng. Vì người ghen tị lầm bầm than phiền nên ông trả lời: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn, bạn chẳng thỏa thuận với tôi là 1 đồng hay sao? Cầm lấy phần bạn mà về đi, còn tôi, tôi muốn cho ai là tùy tôi, chẳng lẽ tôi không có quyền tùy ý định đoạt là những gì của tôi sao? Hay vì tôi tốt bụng mà bạn ghen tức?”. Hành động của ông chủ không phải là do ông bất thường, bất công, nhưng do ông chủ tốt lành.Tốt ở chỗ là không muốn ai phải thua thiệt sút kém. Ông muốn ai cũng may mắn, ai cũng có tiền về nuôi gia đình. 1 đồng ông phát cho người làm giờ 11 không phải là do công bình. Đồng bạc ấy là do lòng tốt của ông ban tặng.

Gia chủ là Thiên Chúa. Các tay thợ là loài người nhận ra Thiên Chúa qua nhiều thời kỳ khác nhau. Thợ làm giờ thứ 11 là người tội lỗi. Làm vườn nho là vào Nước Trời và thực thi luật pháp Nước Trời. Các thợ cằn nhằn là nhóm Pharisiêu, Luật sĩ. Họ ghen tương vì Chúa Giêsu đối xử khoan dung với người tội lỗi, yêu thương dân ngoại. Các thợ làm ít lãnh nhiều là các người ngày hôm qua sống trong tội lỗi, ngày hôm nay là công dân Nước Trời.

1 đồng là vé vào Nước Trời. Kẻ làm trước người làm sau, tất cả đều được Thiên Chúa ban cho Nước Trời. Thiên Chúa ban cho ai là do lòng tốt của Ngài. Yếu tố chính Chúa Giêsu nhấn mạnh là Thiên Chúa quảng đại vô cùng. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót đối xử rất nhân từ với mọi người. Đặc biệt đối với dân ngoại là những người được gọi vào Giáo hội qua những giờ sau hết. Đối với những người này, Thiên Chúa cũng ban cho mọi quyền lợi và đặc ân như người Do thái là những kẻ được gọi từ đầu. Thiên Chúa nhìn nhận sự việc theo lòng lân tuất của Ngài. Con người nhìn theo quyền lợi, tính toán hơn thiệt. Thiên Chúa ân thưởng, trả công cho ai tùy theo lòng tốt của Ngài. Thiên Chúa trả công, không làm thiệt hại ai, Ngài luôn công bằng. Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn minh chứng rằng: trong cách thức hành động của mình, Thiên Chúa không đi theo những qui tắc lề luật của sự công bình hạn hẹp, cứng nhắc. Ngài chỉ thực thi theo sự tốt lành, theo thúc đẩy bởi tình yêu của mình. Ngài hào phóng thi thố lòng thương xót và hoàn toàn tự do trong các việc thiện hảo.

Thiên Chúa yêu thương hết mọi người và mong muốn mọi người được ơn cứu độ. Nhiều lần trong ngày ông chủ ra chợ tìm thuê thợ làm việc vườn nho là hình ảnh của Chúa yêu thương. Không phải con người tìm Chúa, nhưng chính Chúa đi tìm con người. Không phải tìm một lần mà tìm suốt ngày, từ giờ này sang giờ khác. Nếu những người được thuê vào buổi sáng sớm tượng trưng cho những người có số phận may mắn, có khả năng hơn người khác, thì những người được thuê vào cuối ngày tượng trưng cho những người kém may mắn, kém khả năng, bị thiệt thòi trong xã hội. Ông chủ thuê hết mọi người từ sáng sớm cho đến chiều tà, từ người sang đến kẻ hèn, từ người tài giỏi đến những người kém cỏi, từ người khỏe mạnh đến người yếu kém, là hình ảnh diễn tả tấm lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Ngài muốn mời gọi hết mọi người, mong muốn hết mọi người được ơn cứu độ, được hưởng hạnh phúc trong Nước Chúa.

Một xã hội công bằng bác ái, ai ai cũng ước mơ và hướng tới. Công bằng luôn phải đi đôi với bác ái.Thiên Chúa là Đấng công bình và yêu thương, Ngài ân thưởng, trả công cho mỗi người đúng theo việc họ làm. Chúa Giêsu cũng đã từng dạy : làm thợ thì đáng được trả công. Tuy nhiên, tình yêu Thiên Chúa bao la, con người không thể hiểu thấu. Bài đọc 1, ngôn sứ Isaia nói: lòng nhân từ của Thiên Chúa vô biên, vượt trên mọi toan tính của con người, vượt qua mọi chuẩn mực, vượt trên tất cả những lý sự và mong ước của con người. Con đường Ngài đi là con đường tình yêu, vượt lên trên mọi luật lệ, phép tắc của con người. Tình yêu của Ngài cũng vượt lên trên cả đức công bình, vượt xa mọi ranh giới và mọi nghĩ suy của con người. Thiên Chúa không chỉ là một ông chủ mà còn là một người cha. Thiên Chúa công bình yêu thương, tốt lành. Hồng ân Ngài ban chan chứa. Con người đón nhận với lòng biết ơn.

Hồng ân thì khác với công lao. Hồng ân là một ơn ban dựa vào lòng tốt của người ban ơn. Hồng ân làm cho người lãnh nhận tràn đầy lòng biết ơn. Công lao là tính toán dựa trên công sức người làm việc. Công lao thì cần phải đòi lại điều gì tương xứng bằng tiền lương, bằng đền bù, bằng trả lại theo lẽ công bằng.

Có một sự khác biệt giữa lối sống đạo dựa trên hồng ân và lối giữ đạo nhằm vào công trạng. Người ta có thể chấp nhận “giữ đạo” để được “lên thiên đàng”. Nhưng người ta cũng có thể “sống đạo” chỉ vì muốn đền đáp hồng ân bao la của Thiên Chúa. Lối giữ đạo theo công trạng sẽ làm cho người Kitô hữu trở thành “kẻ làm công”. Chẳng hạn, việc quét nhà thờ hàng tuần, nhiều người so bì cò kè tính toán, với cái nhìn ích kỷ ghen tị với người khác. Tại sao mình không nghĩ đến bao nhiêu ơn lành Chúa đã thương ban cho mình và gia đình, mỗi tháng chỉ dành 1-2 giờ quét nhà thờ làm sạch sẽ đẹp khuôn viên, công việc ấy như một tâm tình đáp lại hồng ân Chúa thương ban?

Sống đạo kiểu người làm công nên người ta hay càm ràm phản đối ông chủ: “Chúng tôi lao lực suốt cả ngày mà ông trả công cho chúng tôi bằng những người đến sau hết!”. Ông chủ trả lời: “Tôi có bất công với mấy anh đâu! Mấy anh đã thỏa thuận với tôi là một đồng một ngày, thì tôi đã trả đủ cho mấy anh rồi. Tôi muốn trả cho những người đến sau bằng các anh thì có can gì đến các anh? Hay là các anh ganh tị vì tôi rộng rãi?”. Các anh thật hẹp hòi. Đáng lý ra, các anh phải mừng cho những người đến sau, vì họ may mắn gặp được một ông chủ có lòng tốt. Tại sao các anh lại nhăn nhó vì tình thương của ông chủ đối với những người đến sau?

Lối sống đạo như một hồng ân làm cho người Kitô hữu trở thành con cái hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha yêu thương. Nhờ đó Kitô hữu sẽ nhận ra hồng ân của Chúa nơi mọi sự, khắp mọi nơi, trong mọi lúc, tràn ngập cuộc đời, để biết hân hoan ca tụng Chúa, biết vui mừng vì hồng ân Chúa nơi anh chị em của mình. Sống yêu thương quan tâm đến những người kém cỏi, bé nhỏ, nghèo hèn.

Một xã hội tốt đẹp là mọi người ân cần giúp đỡ những người bé nhỏ. Một xã hội văn minh khi mỗi người biết quan tâm tới những người kém may mắn. Nếu chỉ nghĩ đến bản thân mình, ta sẽ thấy cuộc đời chỉ toàn bất công. Nếu biết nghĩ đến người khác, ta sẽ thấy cuộc đời thật tươi đẹp và chan chứa tình người.Cuộc đời ai cũng cảm thấy ấm áp khi được quan tâm, bởi vậy lòng tốt là một nguồn năng lượng tích cực giúp cho con người xích lại gần nhau hơn.Lòng tốt giúp con người có thêm niềm tin. Tin rằng mình luôn làm điều tốt thì mình đang đi trên con đường yêu thương. Lòng tốt mang đến cho ta niềm vui, niềm hy vọng.

Về mục lục

LÒNG QUẢNG ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA

Lm. Giuse Nguyễn Minh Chánh

Tin Mừng Mt 20, 1-16: Dụ ngôn người thợ làm vườn nho của Chúa Nhật 25 thường niên cũng đặt trong ý nghĩa trên. Qua dụ ngôn này chúa Giêsu muốn dạy cho ta biết về lòng quảng đại của Thiên Chúa, cũng như Chúa đang nhắn nhủ chúng ta phải có cách sống rộng lượng giống như Thiên Chúa….

Để dân chúng hiểu rõ hơn những lời dạy của Chúa, đôi khi Chúa Giêsu cũng dùng dụ ngôn để làm sáng tỏ giáo huấn mà Chúa trao ban cho mọi người. Vì thế, dụ ngôn người thợ làm vườn nho của chúa nhật XXV thường niên cũng đặt trong ý nghĩa trên. Qua dụ ngôn này chúa Giêsu muốn dạy cho ta biết về lòng quảng đại của Thiên Chúa, cũng như Chúa đang nhắn nhủ chúng ta phải có cách sống rộng lượng giống như Thiên Chúa.

Lòng quảng đại của Thiên Chúa:

Khi nghe đoạn Tin mừng có lẽ không ít người thắc mắc về cách làm của ông chủ vườn nho. Thắc mắc là phải, bởi vì từ người đầu tiên ra làm vườn nho lúc trời vừa tảng sáng, tiếp theo là người làm lúc giờ thứ ba, kế đến người làm lúc giờ thứ sáu, rồi tiếp người làm đến giờ thứ chín, sau cùng là người làm giờ thứ mười một, tất cả những người này từ người làm giờ sau hết đến giờ trước nhất, chỉ nhận lương từ tay ông chủ có một quan tiền mà thôi. Như vậy ý của ông chủ trong việc này là như thế nào? Chỉ khi nào chúng ta giải thích và tìm hiểu ý nghĩa của dụ ngôn, chúng ta sẽ dễ chấp nhận và sẽ kính nể cách ứng của ông chủ vườn nho với hết mọi hạng người.

Trước hết ông chủ vườn nho là Thiên Chúa. Người được thuê làm vườn nho là tất cả mọi người, dĩ nhiên trong số này còn có anh chị em lương dân. Vườn nho là Nước Trời là Giáo Hội. Tiền lương là phần thưởng trong Nước Trời. Những người được kêu gọi làm vườn nho từ giờ trước nhất cho đến giờ cuối cùng trong ngày, nghĩa là Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người gia nhập Nước Trời qua mọi ngày tháng và mọi thời khác nhau.

Nhờ những giải thích trên đây chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của dụ ngôn mà Chúa mạc khải cho chúng ta. Trong dụ ngôn Chúa Giêsu dạy chúng ta biết về Thiên Chúa Cha là người Cha tuyệt vời. Đó là người Cha luôn chủ động tìm kiếm những đứa con để đón nhận Nước Trời. Một người Cha luôn thao thức đi tìm con không biết mệt mỏi. Tìm mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Một khi đã gặp được con thì người Cha ấy không đặt vấn đề thời gian, không đặt nặng kết quả của công việc. Vì bản chất là quảng đại, nên người Cha ấy luôn thúc bách con của mình hãy mau tiến vào vườn nho, để khi thời gian làm việc kết thúc thì người con ấy cũng sẽ nhận phần thưởng giống như mọi người.

Chúa Giêsu đến trần gian để dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu. Vì là Cha chúng ta, nên Thiên Chúa mong muốn hết mọi người được đón nhận ân huệ nhưng không của Chúa, được ơn cứu độ, được hưởng hạnh phúc và bình an trong Nước Chúa. Vì ơn cứu rỗi được khơi nguồn từ tình thương của Thiên Chúa nên chúng ta hãy hết lòng tạ ơn Chúa. Và lời tạ ơn chỉ đẹp lòng Chúa khi chúng ta có những cách sống giống như Chúa.

Lòng quảng đại của chúng ta:

Nếu như người làm vườn nho vào giờ trước nhất cằn nhằn ông chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng thiêu đốt” (Mt 20, 12), thì đến chúng ta, một khi mong cuộc đời mình được sống quảng đại như Chúa, tất nhiên chúng ta không được phép kêu trách lòng từ bi của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người. Chúng ta là anh em với nhau. Không lẽ chúng ta được Chúa ban hạnh phúc, còn anh chị em khác cũng được Chúa ban hạnh phúc giống như ta thì mình lại khó chịu chăng? Lòng quảng đại của chúng ta chỉ thực sự lớn lên, khi chúng ta xem niềm vui của người khác là niềm vui của mình, hay những khát vọng hạnh phúc của người khác cũng là khát vọng của mình. Lòng quảng đại của chúng ta sẽ phát triển, khi chúng ta đừng bao giờ xem thất bại của người khác là trò giải trí vui chơi của mình, hay thành công của người khác là nuôi lòng căm ghét thù hận và khó chịu trong mình. Lòng quảng đại của chúng ta sẽ không có chỗ dừng, khi chúng ta có cùng thao thức giống như Chúa, nghĩa là mong muốn cho mọi người được gia nhập vườn nho của Chúa, hăng say tìm kiếm mọi người để họ được sống trong Hội Thánh của Chúa, luôn cầu nguyện cho mọi người sớm tìm gặp Nước của Thiên Chúa là hạnh phúc viên mãn. Sau cùng lòng quảng đại của chúng ta sẽ trở nên vô biên, khi đời sống của chúng ta thuộc về Chúa, tình yêu của chúng ta không bao giờ lìa xa tình yêu của Chúa. Chính tình yêu Chúa sẽ biến đổi chúng ta trở nên một con người mới, đó là người luôn thao thức dấn thân giới thiệu Nước Trời và làm cho người khác đón nhận Nước Trời. Ước gì chúng ta đừng bao giờ tách rời khỏi tình yêu của Chúa. Ước gì cuộc sống của chúng ta sẽ là chuỗi ngày được hiệp thông trọn vẹn với Chúa. Ước gì tâm tình của Thánh Phaolô trong bài đọc hai hôm nay được ứng nghiệm trong cuộc đời của chúng ta: “Anh em thân mến, dù tôi sống hay tôi chết, Đức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi” ( Pl 1, 20).

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu cùng Chúa cho chúng con. Amen.

Về mục lục

CÔNG BẰNG

Trầm Thiên Thu

Đại nhân Mahatma Gandhi xác định: “Luật lệ không công bằng thì tự nó đã là một dạng bạo lực.” Công bằng liên quan con người, Brian Tracy phân tích: “Bạn sẽ HỐI TIẾC rất nhiều điều trong đời, nhưng bạn sẽ KHÔNG BAO GIỜ HỐI TIẾC vì đã quá tốt hoặc quá công bằng.”

Tay làm, hàm nhai; tay quai, miệng trễ. Đó là tất yếu. Thật vậy, Thánh Phaolô nói: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” (2 Tx 3:10) Đó là công bằng. Lao động chân chính là dùng sức mình để làm việc có mục đích (tốt) và có ý thức. Lao động không chỉ là cách mưu sinh mà còn là cách trau dồi sức khỏe, đặc biệt là tránh dịp tội: “Nhàn cư vi bất thiện.” Lao động chân tay hoặc lao động trí óc đều cần thiết, có giá trị nhất định, không ai hơn ai. Mỗi người một việc để bổ túc lẫn nhau. Chỉ có lòng người xấu và hèn hạ, không có nghề xấu, nghề hèn.

Làm việc gì cũng phải chịu khó, chứ đừng khó chịu. Người chịu khó lao động là người biết tự trọng, không ỷ lại vào người khác, tức là không ích kỷ, là một dạng phục vụ, và cũng là cách giúp đỡ người khác. Những người lười biếng là một dạng bóc lột sức lao động của người khác, cướp công sức của người khác.

Ngày 15-05-1891, ĐGH Lêô XIII (1810-1903) đã năm ban hành Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) liên quan giới lao động, thông điệp này vẫn còn giá trị ngày nay. Ngày 14-09-1981, dịp kỷ niệm 90 năm ban hành Thông điệp Rerum Novarum, ĐGH Gioan Phaolô II (1920-2005) đã ban hành Thông điệp Laborem Exercens (Lao Động của Con Người), đề cập vấn đề Tin Mừng trong sự lao động và trong công việc. Điều đó cho thấy sự lao động là hoạt động quan trọng, cả thể lý và tâm linh, vì Chúa Giêsu cho biết: “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” (Ga 5:17) Thiên Chúa đã dạy chúng ta qua cách hoạt động của Ngài: Lao động 6 ngày, chỉ nghỉ 1 ngày cuối tuần. (x. St 1:1-31 – 2:1-3)

Công việc có liên quan luật lệ, đặc biệt là luật của Chúa. Có câu chuyện kể rằng…

Có hai người tên Tốt và Lành nói chuyện với nhau về công việc đời thường và tinh thần. Anh Tốt chê anh Lành về việc giữ ngày Chúa Nhật – cầu nguyện, đọc kinh, dự lễ,… Anh Lành cười và đặt vấn đề:

– Này nhé, nếu tôi có 7 đồng, tôi ra đường và gặp một người ăn mày, tôi cho anh ta 6 đồng, anh nghĩ sao?

– Ôi, anh thật là đại lượng, đáng khen, còn người ăn mày kia chắc phải cảm ơn anh lắm.

– Đúng vậy. Thế nhưng người ăn mày kia lại đè tôi xuống để lấy nốt một đồng nữa. Vậy anh nghĩ sao?

– Cái thằng khốn nạn thật. Nó đáng chết!

– Đó là chuyện giữ ngày Chúa Nhật đấy. Anh cứ nghĩ coi: Chúa cho anh 6 ngày để làm việc, Ngài chỉ giữ lại cho Ngài một ngày là Chúa Nhật. Thế mà anh không biết ơn Chúa, không tôn trọng ý Ngài, lại còn dám cướp cả ngày Chúa Nhật. Động thái của anh có khác thằng vô ơn, độc ác và khốn nạn kia không?

Có thể câu chuyện này cũng là vấn nạn của chúng ta, bởi vì chúng ta thường có nhiều lý do để thoái thác và biện hộ cho chính mình, và theo ý mình.

Làm việc gì cũng mệt, không thể thoải mái. Chơi nhiều còn mệt kia mà. Nhưng khi lao động, chúng ta tự hoàn thiện mình qua việc tìm kiếm Chân-Thiện-Mỹ, tức là đi tìm chính Thiên Chúa, vì chỉ có Ngài là Đấng chí thiện. (x. Mc 10:18) Thật vậy, ngôn sứ Êdêkien đã từng nhắn nhủ: “Hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên.” (Is 55:6) Ở dưới bầu trời này, cái gì cũng chỉ có một thời mà thôi. (x. Gv 3:1-8) Giờ Thương Xót sẽ đến lúc kết thúc. Vì thế, đừng lần lữa kẻo không kịp: “Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Đức Chúa, và Người sẽ xót thương, về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ.” (Is 55:7) Đợi nước đến chân mới nhảy thì sẽ không kịp, thời gian cứ lặng trôi và đang dần thu ngắn lại. Chắc chắn có tận thế, và cái chết của mỗi người rất bất ngờ.

Hãy quyết tâm, đừng lần lữa, đừng chần chừ, đừng ngần ngại, và đừng sợ hãi, vì Thiên Chúa đã hứa: “Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại, lúc ngặt nghèo, có Ta ở kề bên. Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự, cho sống lâu, tuổi thọ dư đầy và hưởng ơn cứu độ Ta ban.” (Tv 91:15-16) Ngài không chỉ lắng nghe và đáp lại, mà Ngài còn ban cho chúng ta hơn cả những gì chúng ta ước muốn. Thật là trên cả tuyệt vời, chắc chắn chẳng có thần linh nào ngoài Thiên Chúa chúng ta tôn thờ, vì Ngài là Thiên Chúa duy nhất. (Xh 20:3; Xh 34:14; Đnl 4:35; Đnl 4:39; Đnl 5:7; Đnl 6:4; Đnl 32:39; Kn 12:13; Is 43:10-13; Is 44:8; Is 45:5-6; Is 46:9; Đn 14:41; Hs 13:4; Mc 12:29; Ga 5:44; Ga 17:3; 1 Cr 8:4; 1 Tm 2:5; Gl 3:20)

Là thụ tạo, là phàm nhân, chúng ta không thể nào hiểu hết lòng thương xót của Thiên Chúa, ngay cả tình mẫu tử của người mẹ trần gian mà chúng ta còn chưa hiểu hết huống chi tình yêu Thiên Chúa. Chính Ngài xác định: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.” (Is 55:8-9) Hạt bụi phàm nhân quá bé nhỏ, li ti như loài vi trùng vậy.

Ngày xưa, người ta so sánh điều không tưởng với chuyện lên cung trăng, tức là không thể xảy ra. Nhưng ngày nay, người ta đã có thể lên cung trăng, có thể bay lượng trên bầu trời, nhưng đó chỉ là một góc nhỏ của trời mà thôi. Khoa học tiến bộ, người ta tìm mọi cách để khám phá bầu trời, nhưng càng khám phá thì người ta càng thấy thăm thẳm, còn nhiều nơi người ta không biết là gì nên gọi là “lỗ đen” – chỉ thấy tối thui. Đành chịu thua!

Thiên Chúa toàn năng, siêu việt, chúng ta chỉ còn biết xưng tụng Ngài: “Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời. Chúa thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng. Người cao cả khôn dò khôn thấu.” (Tv 145:2-3) Càng tìm hiểu vũ trụ, người ta càng nhận biết Thiên Chúa. Càng tìm hiểu Thiên Chúa, chúng ta càng kính thờ và tạ ơn Ngài. Đó chính là hành trình đức tin, là quá trình lao động tâm linh.

Tuy cao vời khôn ví, nhưng Ngài lại giàu lòng xót thương đối với mọi người, ai càng yếu thì Ngài càng thương: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.” (Tv 145:8-9) Đúng như Thánh Phaolô đã xác định: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.” (Rm 5:20) Nếu vấp ngã, hãy vững lòng tin và đứng dậy ngay!

Thiên Chúa vô tiền khoáng hậu, vô thủy vô chung, và yêu thương vô bờ bến, nhưng Ngài cũng rất thẳng thắn: “Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm. Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.” (Tv 145:17-18) Vấn đề không phải là tội nhiều hay tội ít, vì ai cũng là tội nhân, chẳng ai hơn ai, nhưng vấn đề cần thiết là chân thành sám hối: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9:13) Ngài thực sự chỉ muốn tình yêu chứ không muốn hy lễ. (x. Hs 6:6) Ước gì không ai trong chúng ta phải nghe lời “nói nặng” của Chúa: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.” (Mt 15:8; Mc 7:6)

Câu châm ngôn của dân Pháp rất độc đáo: “Đừng vì yêu mến Chúa mà chống đối người khác.” Vào thời Thánh Phaolô, có những kẻ rao giảng về Đức Kitô chỉ vì lòng ganh tị và tranh chấp, nhưng cũng có những người làm điều đó vì ý ngay lành, làm vì bác ái và bênh vực Tin Mừng. Lại có những người loan báo Đức Kitô vì tính ưa tranh giành, không có lòng ngay. Nhưng Thánh Phaolô vẫn bảo là “không sao,” chỉ cần Đức Kitô được rao giảng. Thánh Phaolô mừng vì điều ấy sẽ giúp ngài đạt được ơn cứu độ nhờ Thần Khí của Đức Giêsu Kitô phù trợ.

Cuối cùng, Thánh Phaolô nói: “Đó là điều tôi đợi chờ và hy vọng. Sẽ không có gì làm cho tôi phải hổ thẹn, trái lại tôi hoàn toàn vững tin. Bây giờ cũng như mọi lúc, Đức Kitô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết: vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi.” (Pl 1:20-21) Thánh nhân lý giải: “Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em.” (Pl 1:22-24) Vấn đề là miễn sao có lợi cho Thiên Chúa, tức là để “tuân phục Thánh Ý và vinh danh Chúa” mà thôi. Cũng vì thế mà Thánh Augustinô ước nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con.” Biết Chúa là chân nhận chỉ một mình Ngài nhân lành và giàu lòng thương xót để mà tôn thờ Ngài hết linh hồn, hết sức lực; biết mình là tự ý thức yếu đuối và tội lỗi để mà khiêm hạ, quên mình.

Đại nhân Mahatma Gandhi rất thích Tám Mối Phúc của Chúa Giêsu, ông gọi đó là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên của nhân loại. Ông có công giành độc lập cho Ấn Độ bằng con đường bất bạo động theo tinh thần của Đức Kitô. Ông đã từng xác nhận thẳng thắn: “Tôi yêu mến Đức Kitô nhưng tôi không phục các Kitô hữu.” Tại sao? Có lần ông vào một nhà thờ Công giáo và thấy bảng ghi: “Cấm người da đen vào nhà thờ.” Ông liền quay ra và không bao giờ đến nhà thờ nữa. Là Kitô hữu, là môn đệ Chúa Giêsu và là con cái Thiên Chúa, chúng ta vô cùng xấu hổ, bởi vì chúng ta bảo người ta yêu thương mà chính mình lại kỳ thị người khác, chỉ lẻo mép nói suông mà không thực hiện. Nước Chúa chưa rộng mở là lỗi của chúng ta: “Lỗi tại tôi mọi đàng!”

Đối với cộng đoàn Philíp, Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô. Như thế, dù tôi có đến thăm anh em hay vắng mặt đi nữa, tôi vẫn muốn được nghe người ta nói về anh em là anh em luôn đứng vững, cùng chung MỘT tinh thần, MỘT lòng MỘT dạ cùng nhau chiến đấu vì đức tin mà Tin Mừng mang lại cho anh em.” (Pl 1:27) Và đó cũng là lời khuyên dành cho chúng ta hôm nay.

Ai cũng là người lao động vì mỗi chúng ta đều là “người thợ làm vườn nho” cho Chúa. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là đừng so đo, ganh tị, liếc xéo, mỉa mai, bè phái,… Sự công bằng vừa đáng mừng vừa đáng sợ: đáng mừng vì Chúa không chấp tội, đáng sợ vì chúng ta cố chấp. Sự sống và sự chết lúc đó mang tính đời đời. Phúc và họa không thể thay đổi. Vấn đề đó được đề cập trong dụ ngôn “ông nhà giàu và Ladarô nghèo khó.” (Lc 16,19-31)

Sau khi nói về phần thưởng dành cho ai biết buông bỏ mọi sự để nhẹ bước theo Ngài, Đức Giêsu kết luận: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.” (Mt 19:30) Sự hoán vị trái ngược, rất đáng quan ngại. Rồi Ngài kể câu chuyện này: Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, giờ thứ sáu, giờ thứ chín, rồi giờ mười một, ông trở ra và thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Với ai ông cũng bảo: “Hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.” (Mt 20:4)

Nắng nhạt, chiều buông, ông chủ bảo người quản lý gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất. Những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn ông chủ bất công, họ so kè việc họ đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, nắng nôi thiêu đốt, thế mà chẳng hơn gì người vào làm muộn.

Rạch ròi và thẳng thắn, ông chủ trả lời cho một người trong đám thợ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20:13-15) Trong cuộc sống, ngay cả trong vấn đề tâm linh và bác ái, cái tôi luôn nổi dậy, thế nên chúng ta vẫn thường so đo đủ thứ, “ngụ ý” rằng mình nổi trội hơn người khác. Giả sử Chúa Giêsu cũng đặt vấn đề như vậy với chúng ta như vậy thì chắc hẳn chúng ta chỉ có “câm như hến” mà thôi. Người ta gọi người đó là “Pathological Narcissist” – Người Tự Ái Bệnh Lý, nghĩa là tự yêu mình thái quá hóa thành bệnh lý. Bệnh gì cũng phải điều trị ngay.

Khi há miệng thì mắc quai nón. Vướng víu lắm. Càng nói càng dở, càng nói nhiều càng liều lĩnh, càng lý luận càng đuối lý. Nói nhiều thì sai nhiều. Chúa Giêsu thấy họ im re nên Ngài lặp lại và nhấn mạnh: “Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót. Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.” (Mt 20:16) Cứ chảnh như vậy thì công sức lao động trở thành công cốc. Phí đời!

Chính Chúa Giêsu không ngừng mời gọi mọi người tin vào Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất để được trường sinh bất tử, nhưng chỉ ít người được chọn. Động từ “chọn” ở đây không là “thích ai thì chọn,” mà là tùy quyết định riêng của người được gọi với đầy đủ quyền tự do. Sự tự do này do Thiên Chúa ban, có thể hữu ích hoặc bất lợi cho chúng ta, tùy thuộc ý muốn của mỗi người, Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng quyền tự do này. Đó là sự công bằng, vì thế chúng ta không thể biện hộ bất cứ lý do gì.

Có phải là nhiều người không được vào Nước Trời? Rất có thể, vì người ta bướng bỉnh và cố chấp. Đó là lỗi của chúng ta chứ Thiên Chúa thực sự muốn mọi người được hưởng phúc trường sinh với Ngài, không muốn bất cứ ai phải hư mất, bị trừng phạt. Mối nguy là chúng ta ỷ lại, tự cho mình là tốt lành hơn người khác, mạo nhận là đạo đức, thánh thiện và công chính, để rồi “liếc xéo” tha nhân, cho rằng họ là người tội lỗi, xấu xa, thế nhưng chính họ lại có Visa Nước Trời trước chúng ta. (x. Mt 21:31-32) Thế thì thật khốn thay!

Thánh Thomas Aquino cho biết: “Chúng ta không có quyền đòi hỏi, nhưng phải nài xin Thiên Chúa ban cho ơn bền đỗ. Nhận ra những ai là người mà chúng ta phải tránh là phương thế quan trọng để cứu lấy linh hồn mình.”

Lạy Thiên Chúa chí công, xin tăng lực để chúng con kiên trì miệt mài làm việc, xin giúp chúng con biết quên mình, khiêm nhường dấn thân, hết lòng phục vụ vì yêu mến. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Về mục lục

XIN ĐỪNG LÃNG QUÊN

Lm. Jos DĐH.

“Đại Việt sử ký toàn thư” ghi nhận, cha ông chúng ta bằng sức mạnh “thuỷ chiến”, đã 3 lần chiến thắng giặc ngoại xâm tại Sông Bạch Đằng, thuộc Quảng Ninh, Hải Phòng. Tên tuổi các ngài sẽ còn mãi mãi lưu danh hậu thế: Ngô Quyền (938) – Lê Hoàn (981) – Trần Quốc Tuấn (1288). Tuy không để lại lời căn dặn cụ thể, chi tiết, tiền nhân, bậc sinh thành chúng ta, các ngài đều có ý nhắc nhớ hậu duệ: cha là anh hùng, con phải hảo hán, con hơn cha, nhà mới thực có phúc. Rất nhiều người hôm nay, thích dùng câu thành ngữ: thần giao cách cảm, như muốn khẳng định “phúc lộc” của tổ tiên, sự hiện diện của đấng bậc sinh thành, dù đã khuất, tình yêu của các ngài vẫn mãi ở bên con cháu, là có thật, xin đừng lãng quên.

Nhớ và quên là cảm xúc nơi con người, nếu buông bỏ lý, sẽ thấy tình bao la rộng lớn, nếu nhớ thân phận ta mong manh, nay còn mai mất, ta cần phải sống tốt, để thấy, để biết, mọi người là anh chị em, có chung cội nguồn yêu thương, xin hãy khắc ghi vào tâm trí. Lời mời gọi đi làm vườn nho, cách diễn tả về tình yêu thương luôn hiện hữu nơi cuộc đời này, là sự thật, ai cũng có cơ hội nhận biết Thiên Chúa quảng đại với từng hoàn cảnh. Tình yêu “không bờ bến” được cụ thể hoá, từ sáng sớm đến chiều tà, kẻ trước người sau đều có cơ hội làm việc, cuối ngày, tiền thù lao họ nhận đầy đủ. Cách cư xử đầy nhân ái là thế, dù thất nghiệp, dù túng nghèo, họ đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh, cuộc sống càng khó khăn đau khổ, cánh cửa hạnh phúc ở phía trước càng lộng lẫy.

Người xưa có câu: nhiệm vụ quan trọng nhất của nền văn minh nhân loại, đó là mỗi người phải biết tư duy, ý thức mình được yêu thương. Khi dắt các học trò đi vào tình huống dụ ngôn, Đức Giêsu giới thiệu “ông chủ vườn nho” có một không hai, tiền công tiền thưởng luôn sòng phẳng theo thoả thuận, giầu nghèo, chức vị hay cùng đinh, đều đáng dự phần với gia chủ. Ai có thể quên, khi đói được ăn, khát được uống, cần việc làm, tức thì gặp được gia chủ tốt bụng, làm sao các học trò lại không thương nhớ Vị Thầy nói hay làm giỏi, chân thành trong yêu thương phục vụ, tế nhị trong hoà giải. Đúng, quên và nhớ, ganh ghét và yêu thương, đối nghịch nhau, vì thế mà con người luôn cần một trọng tài công minh hoá giải. Đức Giêsu luôn mong ước những ai là môn đệ của Ngài, hãy khiêm tốn học hỏi và thực hành bài tập: muốn không ganh ghét anh chị em, đừng bao giờ để Chúa xa khỏi lòng mình.

Trong đạo đức, trong nghệ thuật, vấn đề được công chúng đón nhận, không phải là ở lời nói mới lạ, mà hệ tại ở việc làm xuất phát từ trái tim và khối óc thật tỉnh táo. Được gọi đi làm vườn nho là vui rồi, vấn đề không phải là tiền công nhiều hay ít, mà là hạnh phúc vì gặp được gia chủ tốt bụng. Được làm môn đệ Đức Giêsu, các học trò không phải nhiệt tình theo chiều hướng: thiên lôi chỉ đâu đánh đó, vì nói hay không bằng nghe giỏi, sự trưởng thành tuỳ thuộc có liên đới hiệp thông với “sư phụ” mình thế nào. Con người giới hạn, mấy ai đủ tinh tế mà nhận biết đâu là ông chủ tốt bụng, có giọng nói ngọt bùi và cách cư xử đầy tình nhân ái ? Con người có thể nhớ ơn và đền ơn những ai thương yêu mình, nhưng đâu phải ai cũng nhớ lời răn dạy: ai mà phụ nghĩa quên ơn, thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm.

Lòng biết ơn, sống quảng đại, hài lòng với những gì mình đang có, bao giờ cũng là điều ghi nhớ cần thiết cho việc thực hành yêu thương. Tất cả vì yêu, từ giờ thứ nhất đến giờ thứ 11, ông chủ vẫn ra đường tìm kiếm thợ vào làm vườn nho, vì muốn mong xã hội này, thế giới này, không ai phải phàn nàn xã hội thiếu thầy, thừa thợ. Trường đời luôn là chuỗi ngày giúp ta học, hiểu, và sống có tình có nghĩa. Những tư tưởng cao thượng, chỉ có thể toả sáng từ trái tim rộng lớn, những ân tình nặng trĩu, chỉ đến từ lẽ phải. Vì chưa hiểu công bằng yêu thương là giầu vật chất phải chia sẻ, nếu nhiều tài hay lắm đức, người ta phải có nghĩa vụ giúp nhau, cùng tiến tới bàn tiệc thiên quốc.

Đạo làm người vẫn khơi dạy điều hay lẽ phải, giúp ta sống đẹp, sống đúng, với bản thân và tha nhân: vật chất khó vay, ân tình khó trả, bạn bè dễ kiếm, còn tri kỷ thì khó tìm. Ông chủ trả tiền công cho mỗi người làm vườn nho theo thoả thuận, ông sẽ không chấp nhận, nếu cả đời người thợ cứ nông cạn như đứa trẻ con, xin đừng quên, hành trình đời người phải là quảng đại yêu thương. Mong ước được học, được hiểu, là tốt, khao khát hạnh phúc là đúng, xin ơn khôn ngoan, xin cho tâm trí dồi dào tình yêu, là hoàn toàn chính xác. Đức Giêsu sẽ vui, khi mỗi chúng ta là những môn đệ trưởng thành, sẽ không quên cùng Chúa học – hành, nhớ cùng Chúa sống quảng đại yêu thương, nhớ cùng Chúa duy trì và phát triển vườn nho Nước Trời. Amen.

Về mục lục


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...