10/03/2015
18645

CẢM NGHIỆM VỀ TUỔI GIÀ

             Thưa quý vị,

Người ta nói rằng khi tuổi đời bắt đầu bằng con số 6 thì hình như sắc diện và tính tình bắt đầu thay đổi. Sự thay đổi quá nhanh đôi khi làm chúng ta thất vọng, chán nản vì sự xuống cấp cả tinh thần lẫn thể xác.  Sự thay đổi không theo ý muốn của chúng ta có thể thấy qua những đặc tính như sau:

1. Tuổi già lẩm cẩm:

Cảm nghiệm đầu tiên của tuổi già là bắt đầu quên, bắt đầu lẩm cẩm. Rõ ràng cái người đứng trước mặt mình là người mình gặp hàng ngày, hàng tuần, mà sao tự nhiên mình quên hẳn tên của họ. Nhớ hoài không ra.

Một ví dụ khác: Vừa ở trên nhà xuống dưới bếp định lấy cái gì, mà khi vào bếp lại quên bẵng đi, không biết đến đó làm gì. Đứng một hồi mới nhớ được: “À, thì ra định xuống bếp lấy cái ly uống nước!”

Cái lẩm cẩm của tuổi già mà tuổi trẻ không thích, đó là nói dai, và nói đi nói lại một sự kiện tới 3, 4 lần. Vừa nói rồi mà tưởng chưa nói, lại lập lại, khiến cho người nghe phát ngán. Mà chính mình thì không biết như vậy. Ngày xưa lúc còn trẻ, kể chuyện gì thì ngắn gọn, đâu ra đó. Còn bây giờ, nói vòng vo Tam quốc, nói mãi mà chưa vào đề, khiến con cái sinh ra bực mình:

- Bố muốn nói gì thì nói toẹt ra đi. Bố nói vòng vo hoài, con chẳng hiểu gì cả!

- Tao là bố mày. Tao nói tiếng Việt chứ tiếng gì mà mày không hiểu.

Và thế là bố con đi vào chỗ cãi lộn với nhau, !

Qúy vị đã được nghe bài giảng thuyết về dụ ngôn trong Phúc Âm “Người Cha nhân từ và đứa con hoang đàng”. Lý do người cha đã hành sử như vậy là vì người cha đã quên, quên hết tội tình của người con bỏ nhà ra đi. Đọc Phúc Âm, chúng ta thấy nhan nhản những câu chuyện tương tự về “bệnh” quên của Chúa. Trước giờ Chúa bị đóng đinh, có anh trộm lành nói rằng: “Lạy Thày, khi nào Thày về nước Thiên Đàng, xin nhớ đến con cùng!”. Nếu chúng ta ở vào địa vị Chúa thì dù có tha cũng phải hạch sách, cảnh cáo anh trộm lành này, chứ đâu có tha cách dễ dàng được: “Anh có biết rằng anh đi ăn trộm, anh làm khổ cho bao nhiêu gia đình, anh phải đền tội đã rồi mới được tha!”. Nhưng Chúa thì không như vậy, Ngài đã trả lời ngay cho anh: “Ta bảo thật, ngày hôm nay, ngươi sẽ được cùng ta ở trên nước Thiên Đàng.” Chúa quên hết tội lỗi của anh kẻ trộm, cho nên anh ta lại trộm luôn cả nước Thiên Đàng.

Vậy chúng ta hãy bắt chước Chúa: Quên đi hết những lỗi lầm, những bực bội đối với anh em chúng ta.

2. Tuổi già bất lực:

Bất lực là tình trạng không còn khả năng sức lực để làm những công việc bình thường mình vẫn làm. Có chân đó, nhưng chân không đủ sức để di chuyển thân xác từ chỗ này đến chỗ kia. Có tay đó, nhưng tay không còn khả năng cầm giữ một vật gì cho chắc. Có tai đó, mà có khi người ta hét bên tai cũng không nghe thấy gì. Có mắt đó, mà không còn xác định được người hay vật ngay trước mặt mình. Đó là tình trạng bất lực.

Một bộ lạc ở Phi Châu có tục lệ bắt cha mẹ già leo lên cây, rồi con cái ở dưới đất rung cây. Ai không còn đủ sức ôm chặt thân cây mà rớt xuống là bất lực, là vô dụng, cho chết luôn.

Khi tới tuổi già, thân xác và tinh thần sẽ lâm vào tình trạng bất lực. Nhưng có một khả năng tâm linh không trở thành bất lực cho tới lúc linh hồn lìa khỏi xác. Đó là khả năng cầu nguyện và kết hợp với Chúa.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong thư gửi cho các tu sĩ già vào năm 1999, đã tâm sự rằng: “Hội Thánh tin tưởng nơi phần đóng góp của anh em qua lời cầu nguyện liên lỉ, chờ đợi các lời khuyên già dặn kinh nghiệm cụ thể của anh em, và chứng tá cho Tin Mừng mà anh em sống hằng ngày làm giầu cho Hội Thánh.”

Chúa Giêsu, sau 3 năm bôn ba khắp thành thị đến thôn quê để rao truyền Tin Mừng Nước Trời. Ngài đã làm bao nhiêu phép lạ cứu chữa bệnh nhân. Thế nhưng chính vào lúc Ngài nằm bất động trên Thánh Giá, chính vào lúc Ngài bị buồn tủi sâu xa, chính vào lúc cả vũ trụ bỏ rơi Ngài, xỉ nhục Ngài, chính vào lúc người đời tưởng như Chúa bất lực, chính vào lúc hầu như cả Đức Chúa Cha cũng để Ngài cô đơn, tủi nhục “Lạy Cha, sao Cha bỏ con cô đơn thế này?”, thì Ngài đã hoàn tất sứ mạng trọng đại nhất là cứu chuộc tội lỗi nhân loại.

Thế nên, tuổi già chúng ta có thể cầu nguyện và dâng hy sinh hiến tế cho Thiên Chúa để cứu độ trần gian. Đây chính là sức mạnh có thể chuyển núi dời non. Sức mạnh của niềm tin sẽ đi theo chúng ta suốt hành trình cuộc đời để nâng đỡ tháng ngày sống của chúng ta.

3. Tuổi già tủi thân và cô đơn:

Tại sao lại hay tủi thân?

Thưa, vì lúc trước mình còn trẻ, còn khỏe mạnh, cái gì mình cũng tự làm được. Nay tuổi già sức yếu, làm không được nữa thì phải nhờ con cháu. Mà nhờ vả chúng nó thì nó không chịu làm hoặc nếu có làm thì làm một cách miễn cưỡng, lại còn la mắng mình. Ngày xưa mình lái xe chở con đi học bao nhiêu năm trời. Nay mình không lái xe được nữa, nhờ con cháu chở đi nhà thờ thì chúng nó nói ở nhà đọc kinh cũng đủ rồi, việc gì phải đến nhà thờ. Thế là tủi thân. Buồn ơi là buồn!

Lại còn cảnh cô đơn nữa. Ngày xưa, khi còn trẻ đi làm có tiền, mua quà mua bánh cho con cháu thì nó còn thăm còn hỏi. Nay về già, ngồi một chỗ, nói không ra hơi, nói chuyện nọ xọ sang chuyện kia, chẳng con cháu nào muốn nghe nữa. Có gọi chúng nó đến thì rồi lấm la lấm lét, câu trước câu sau, chúng nó cũng lỉnh đi hết. Đối với những cụ còn đủ cặp, cụ ông cụ bà, thì sớm tối còn thủ thỉ với nhau được. Ông xướng bà họa, ông “Kính Mừng” thì bà “Thánh Ma”, kể ra cũng còn đỡ, nhưng khi chỉ còn lại một cụ ông hay một cụ bà thì sự cô đơn buồn tủi càng ghê gớm hơn nữa.

KẾT LUẬN:

Thưa quý vị,

Tuổi già thường tiếc nuối vì sức lực không còn. Tuổi già bất lực, lẩm cẩm nên thường tủi thân và cô đơn. Nhưng cầu nguyện và kết hợp với Chúa thì ai cũng làm được cho tới giờ chết. Có thể tuổi trẻ mình không có thời gian để cầu nguyện thì tuổi già là thời cơ thuận tiện để cầu nguyện với Chúa. Có thể tuổi trẻ mình dành sức lực cho công việc tìm kiếm miếng cơm manh áo, thì tuổi già mình dành sức lực để tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Thế nên, niềm vui của tuổi già là kết hợp với Chúa. Sự nâng đỡ của tuổi già chính là tín thác vào Chúa. Tuổi già có thể mất tất cả nhưng lòng cậy trông vào Thiên Chúa sẽ giúp cho tuổi già tìm được sự bình an tâm hồn. Vì Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi ai kêu cầu Chúa. Thiên Chúa luôn ở bên kẻ trung tín với Người.

Chuyện kể về tuổi già của hai thánh Gioakim và Anna là bằng chứng cho thấy quyền năng của Thiên Chúa có thể bù đắp lại chỗ khiếm khuyết của con người. Con người bất lực nhưng quyền năng Chúa hiển trị trên sự yếu hèn của con người. Chuyện kể rằng: ông bà Gioakim và Anna son sẻ. Đây là một thử thách lớn lao đối với các Ngài. Đối với người Do Thái không con là vô phúc. Hai ông bà hoàn toàn bất lực để có thể có một mụn con nối dõi tông đường. Nhưng một thiên thần đã báo cho biết họ sinh một con trẻ, họ sẽ đặt tên là Maria và cung hiến cho Thiên Chúa. Đàng khác, sự son sẻ của Anna cũng gợi lên chủ đề quen thuộc trong Cựu ước, theo đó con trẻ là quà tặng của Thiên Chúa. Điều này được nhấn mạnh đặc biệt trong truyền thống về các tổ phụ Isaac, Giacob và Giuse về quan án Samson và tiên tri Samuel. Các Ngài đều sinh ra bởi các bà mẹ không có hy vọng sinh con. Định mệnh của Thiên Chúa chỉ bởi Thiên Chúa mà thôi. Người Israel chân chính biết rằng mình không thể tự  mãn được và phải tùy thuộc vào sáng kiến của Thiên Chúa. Chuyện kể về cuộc đời hai thánh Gioakim và Anna đặt cuộc sinh hạ của Đức trinh Nữ Maria vào dòng tư tưởng này như cao điểm của chủ đề và sự bất lực của con người trước uy quyền của Thiên Chúa. Maria là món quà Chúa tặng bạn cho tuổi già của hai ông bà Gioakim và Anna. Món quà vượt khả năng con người. Món quà đến từ Thiên Chúa là bằng chứng lòng thương xót của Chúa dành cho họ. Đồng thời cũng là bằng chứng cho thấy sự công chính của hai ông bà Gioakim và Anna. Họ trung tín với Chúa trong lề luật và trong cầu nguyện. Họ tín thác vào Chúa và vui lòng sống theo ý Chúa. Có thể nói, món quà người con là Maria được ban tặng là kết quả của một cuộc sống cầu nguyện liên lỉ dâng lên Thiên Chúa. Và là dấu  chỉ sự công chính của hai ông bà, vì chưng chính Chúa đã phán rằng:

“Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại,

lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên,

Ta giải cứu và ban nhiều danh vọng,

cho sống lâu tuổi thọ an nhàn

và hưởng ơn cứu độ Ta ban”(Tv 70)

Nhìn lại cuộc đời của mỗi người chúng ta đều thấy tất cả là hồng ân. Hồng ân nối tiếp hồng ân. Hồng ân làm nên cuộc đời chúng ta. Vì sức khoẻ, gia đình, sự nghiệp của chúng ta đểu do ân ban của Thiên Chúa. Bên cạnh đó còn có những điều vượt khả năng, ngoài sự mong ước, nhưng Chúa đã ban tặng cho chúng ta. Chính Thiên Chúa không ngừng thi ân giáng phúc trên cuộc đời chúng ta. Ý thức về những hồng ân Chúa ban con người cần khiêm tốn để nói lời tạ ơn với Chúa. Tạ ơn Chúa về cả một đời được Chúa yêu thương. Tạ ơn Chúa vì Chúa không ngừng thi thố tình thương của mình cho chúng ta. Tạ ơn Chúa để rồi chúng ta hãy đặt niềm tín thác vào Chúa. Tín thác vào Đấng đầy quyền năng. Con người có thể bất lực nhưng Thiên Chúa thì có thể làm mọi sự. Con người thì khiếm khuyết, nhưng  Thiên Chúa có thể bổ túc cho sự yếu đuối, bất lực của con người. Thế nên, tuổi già cần tín thác vào Chúa. Tuổi già cần tin tưởng cậy trông nơi Chúa. Tuổi già hãy chọn Chúa là gia nghiệp và hạnh phúc cuộc đời của mình.

Xin cho quý vị cao niên luôn tìm được niềm vui trong tuổi già khi đặt niềm tín thác vào Chúa để khi vui khi buồn, có Thiên Chúa luôn nâng đõ ủi an. Amen


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...