25/09/2015
1850
Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Hoa Kỳ
Bài giảng trong Thánh Lễ tuyên thánh cho Chân phước Junipero Serra
(Đền thánh quốc gia Đức Mẹ Vô nhiễm
23 tháng Chín 2015)

“Anh em hãy vui mừng luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại: anh em hãy vui lên!” (Pl 4,4). Đây là lời mời gọi lay động đời sống chúng ta thật mạnh mẽ. Thánh Phaolô bảo chúng ta vui lên; ngài nói gần như ra lệnh. Một lời mời gọi như điều tất cả chúng ta hằng mong muốn: có một cuộc sống trọn vẹn, một cuộc sống có ý nghĩa, một cuộc sống vui tươi. Cứ như là thánh Phaolô nghe được điều mỗi người chúng ta đang nghĩ trong lòng và nói ra điều chúng ta đang cảm nhận, đang trải nghiệm. Có điều gì đó ở sâu trong lòng mời gọi chúng ta vui mừng chứ đừng bằng lòng với những kẻ xu nịnh vốn chỉ đơn thuần trấn an chúng ta.
Nhưng mặt khác, chúng ta đang sống những căng thẳng của đời sống hằng ngày. Có nhiều hoàn cảnh dường như muốn ngăn cản lời mời gọi này. Nếp sinh hoạt hằng ngày của chúng ta có thể dẫn chúng ta đến tình trạng vô cảm đáng buồn làm cho chúng ta quen dần, với hậu quả tất nhiên: trái tim trở nên tê liệt.
Chúng ta có muốn cho sự vô cảm hướng dẫn cuộc đời mình hay không? Chúng ta có muốn cho sức mạnh của thói quen thống trị cuộc đời mình hay không? Thế nên chúng ta hãy tự hỏi: Chúng ta có thể làm gì để giữ cho trái tim mình khỏi đông cứng, khỏi tê liệt? Làm sao để niềm vui của Tin Mừng lớn lên và bén rễ sâu hơn trong cuộc đời của chúng ta?
Xưa Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ và hôm nay Ngài cũng nói với chúng ta: Hãy ra đi rao giảng! Niềm vui của Tin Mừng chỉ được cảm nghiệm, được nhận biết và được sống khi chúng ta biết trao đi và cho đi chính mình.
Tinh thần thế gian mời mọc chúng ta sống xu thời, sống dễ dãi; trước não trạng ấy của con người, “chúng ta phải trở lại niềm xác tín rằng chúng ta cần đến nhau, chúng ta có trách nhiệm với nhau và với thế giới” (Laudato Si’, 229). Đó là trách nhiệm loan báo sứ điệp của Chúa Giêsu. Thật vậy, nguồn gốc niềm vui của chúng ta xuất phát từ mong muốn tỏ lòng lòng thương xót vô tận, là kết quả của kinh nghiệm của chúng ta về quyền năng thương xót vô biên của Chúa Cha (x. Evangelii Gaudium, 24). Hãy đi rao giảng cho mọi người bằng việc xức dầu và xức dầu bằng rao giảng. Đó là điều Chúa mời gọi chúng ta ngày hôm nay, khi nói rằng:
“Người Kitô hữu tìm thấy niềm vui nơi sứ vụ truyền giáo: Ra đi đến với muôn dân nước.
Người Kitô hữu cảm nghiệm niềm vui khi tuân giữ lệnh truyền: Hãy ra đi loan báo tin mừng.
Người Kitô hữu gặp được niềm vui càng thêm mới mẻ khi đáp lại tiếng gọi: Hãy ra đi và xức dầu”.
Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi đến với tất cả các nước, tất cả mọi dân tộc. Và trong cái “tất cả” ấy của hai ngàn năm trước, có cả chúng ta nữa. Chúa Giêsu không cho chúng ta một danh sách chọn lọc cho biết ai xứng đáng hay không xứng đáng đón nhận sứ điệp của Ngài, sự hiện diện của Ngài. Trái lại, Ngài luôn đón nhận đời sống như nó vốn thế. Trong những khuôn mặt đau thương, đói khát, bệnh tật, tội lỗi. Trong những khuôn mặt thương tích, mỏi mệt. Trong những khuôn mặt của nghi nan và hối tiếc. Chẳng hề mong đợi một đời sống tươi đẹp, lộng lẫy và chải chuốt, Ngài đã đón lấy đời sống như nó vẫn là, cho dù đó là một cuộc đời thường tỏ ra thất bại, nhơ nhuốc, tan nát.
Chúa Giêsu nói: Hãy ra đi rao giảng tin mừng cho mọi người. Hãy ra đi và nhân danh Thầy hãy đón nhận đời sống này như nó là chứ không phải như chúng con nghĩ nó phải là. Hãy đến các ngã tư, ... hãy rao giảng mà đừng sợ hãi, đừng thành kiến, đừng trịch thượng, đừng tự ti, cho tất cả những ai đã mất niềm vui sống. Hãy đi loan báo lòng thương xót của Chúa Cha. Hãy đến với những ai đang sống nặng nề vì đau khổ, vì thất bại, cảm thấy cuộc đời trống rỗng; và hãy loan báo có một người Cha đang điên rồ tìm kiếm họ để xức dầu hy vọng, dầu cứu rỗi cho họ. Hãy đi loan báo rằng những lỗi lầm, những ảo tưởng lừa phỉnh, những sai lầm sẽ không giành được phần thắng trong cuộc đời chúng ta. Hãy đi và mang theo dầu xoa dịu những vết thương và chữa lành các tâm hồn.
Truyền giáo không bao giờ là kết quả của một dự án được hoạch định cách hoàn hảo hay của một thủ bản được sắp xếp tài tình. Truyền giáo bao giờ cũng là hoa trái của một cuộc đời thấy mình được tìm kiếm và được chữa lành, được gặp gỡ và được tha thứ. Truyền giáo sinh ra từ kinh nghiệm luôn mới mẻ về việc được xức dầu thương xót của Thiên Chúa.
Giáo hội là dân thánh của Thiên Chúa, biết chạy khắp các nẻo đường bụi bặm của lịch sử đầy những xung đột, bất công và bạo lực, để đến gặp con cái và anh em mình. Dân thánh tín trung của Thiên Chúa không sợ lầm lỗi; nhưng sợ bị giam hãm, bị đóng băng vào lớp tinh hoa ưu tú, bị cột vào những an toàn của cá nhân. Giáo hội biết rằng sự giam hãm dưới nhiều hình thức là nguyên nhân của thói vô cảm. Vì vậy, chúng ta hãy đi ra, đi ra để đem đến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô (Evangelii Gaudium, n. 49). Dân Chúa biết đón nhận mọi người bởi vì họ là môn đệ của Đấng đã quỳ xuống rửa chân cho các tôi tớ (x. Evangelii Gaudium, 24).
Hôm nay, chúng ta đang ở đây, vì có nhiều người đã dũng cảm đáp lại lời mời gọi này, vì có nhiều người đã tin rằng “cuộc sống lớn mạnh khi trao ban và yếu đi trong sự cô lập và dễ dãi” (Aparecida, 360). Chúng ta là con cái được sinh ra nhờ lòng can đảm truyền giáo của biết bao người không muốn “bị giam hãm trong các cấu trúc đem lại cảm giác an toàn giả tạo... trong những thói quen làm chúng ta cảm thấy an thân, trong khi ở bên ngoài có biết bao người đang đói lả” (Evangelii Gaudium, 49). Chúng ta là những người mắc nợ một Truyền thống, một chuỗi các chứng nhân đã làm cho tin mừng của Phúc Âm vẫn luôn mới mẻ và tươi vui, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Hôm nay, chúng ta nhớ đến một trong những người ấy, người đã làm chứng cho niềm vui của Tin Mừng trên vùng đất này: cha Junipero Serra. Ngài là hiện thân của “một Giáo hội đi ra”, một Giáo hội lên đường để đem đến khắp nơi lòng nhân từ hoà giải của Thiên Chúa. Junípero Serra đã bỏ lại mảnh đất quê hương và lối sống của mình, can đảm mở ra những con đường để đến với rất nhiều người, khi học biết tôn trọng các phong tục và tính đặc thù của họ. Ngài đã học biết đem lại sự sống của Thiên Chúa và nuôi dưỡng sự sống ấy nơi khuôn mặt của những người mà ngài gặp gỡ; ngài đã làm cho họ trở nên những người anh chị em của mình.
Junipero đã tìm cách bảo vệ phẩm giá của cộng đồng bản địa, bảo vệ cộng đồng ấy khỏi bị ngược đãi, lạm dụng - những lạm dụng mà ngày nay vẫn còn khiến chúng ta ghê tởm, đặc biệt vì chúng đã gây ra những đau thương trong cuộc sống của nhiều người. Junipero đã đề ra cho mình một phương châm để hướng dẫn bước đi và khuôn đúc đời sống của mình: ngài đã biết phát biểu, nhưng trên hết, đã biết sống với phương châm: luôn tiến về phía trước. Đó là phương cách Junipero sống niềm vui của Tin Mừng, để con tim của ngài không bị tê liệt. Ngài luôn tiến về phía trước, vì Chúa đang chờ đợi; luôn tiến về phía trước vì anh chị em ngài đang chờ đợi; luôn tiến về phía trước cho đến cuối đời mình; ngài luôn tiến về phía trước.
Hôm nay, cũng như ngài, ước gì chúng ta cũng nói được: Tiến lên! Luôn tiến về phía trước!
 
Minh Đức chuyển ngữ

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...