10/03/2015
1435

Đức Thánh Cha nhắc đến vai trò của Bộ Giáo lý đức tin là “thăng tiến và bảo vệ đạo lý đức tin và phong hóa trên toàn thế giới Công Giáo” (Tông Hiến Pastor Bonus – Mục Tử Nhân Lành, 48). Đó là một việc phục vụ dành cho Huấn quyền của Đức Giáo Hoàng và toàn thể Giáo Hội. Vì thế Bộ dấn thân để các tiêu chuẩn đức tin luôn được trổi vượt trong lời nói và hành động của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha cũng cảnh giác rằng: “Ngay từ thời kỳ đầu của Giáo Hội đã có cám dỗ muốn hiểu đạo lý theo nghĩa ý thức hệ hoặc thu hẹp đạo lý vào những lý thuyết trừu tượng và khô cằn (Tông huấn Evangelii Gaudium Niềm Vui Phúc Âm, 39-42). Trong thực tế, đạo lý có mục đích duy nhất là để phục vụ đời sống của Dân Chúa và nhắm bảo đảm cho đức tin chúng ta một nền tảng chắc chắn. Thực tế có một cám dỗ lớn muốn chiếm hữu các hồng ân cứu độ đến từ Thiên Chúa, để thuần hóa các hồng ân ấy theo quan điểm và tinh thần thế tục, kể cả với một thiện ý”.

Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng “việc quan tâm bảo vệ đức tin toàn vẹn là một nghĩa vụ rất khó khăn, được ủy thác cho Bộ giáo lý đức tin, luôn luôn cộng tác với các vị Chủ Chăn địa phương và với các Ủy ban giáo lý đức tin của các Hội Đồng Giám Mục.

Ngài nói: “Tôi biết rằng Bộ giáo lý đức tin nổi bật về việc thực hành tinh thần đoàn thể của hàng Giám Mục và đối thoại. Thực vậy, Giáo Hội là nơi hiệp thông, và ở mọi cấp độ, tất cả chúng ta được mời gọi vun trồng và thăng tiến tình hiệp thông, mỗi người trong trách nhiệm mà Chúa đã ủy thác. Tôi chắc chắn rằng hễ đoàn thể tính càng là một đặc điểm đích thực trong hoạt động của chúng ta, thì ánh sáng đức tin của chúng ta càng rạng người trước mặt thế giới”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha cám ơn Bộ giáo lý đức tin vì đã dấn thân xử lý những vấn đề tế nhị liên quan đến những tội ác nặng nhất, đặc biệt là tệ nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Ngài nói: “Anh em hãy nghĩ đến thiện ích của trẻ em và người trẻ, các em luôn luôn phải được bảo vệ và nâng đỡ trong cộng đồng Kitô trong tiến trình trạng trưởng của các em về mặt nhân bản và tinh thần. Theo chiều hướng ấy, hiện có nghiên cứu xem có thể liên kết với Bộ giáo lý đức tin Ủy ban đặc biệt bảo vệ trẻ em mà tôi đã thành lập và muốn Ủy ban này là gương mẫu cho tất cả những người muốn thăng tiến thiện ích của trẻ em”

2. Đức Giáo Hoàng nói Giáo Hội và thế giới rất cần sự hiện diện của những người sống đời thánh hiến

Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 2 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ trong Đền Thờ Thánh Phêrô. Ngày Quốc Tế Đời Thánh Hiến đã được Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thành lập và cử hành lần đầu tiên năm 1997. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y João Bras de Aviz, Tổng trưởng bộ các dòng tu và hiệp hội tông đồ, và Đức Tổng Giám Mục José Rodriguez Carballo Tổng thư ký.

Thánh lễ đã được mở đầu với cuộc rước của 50 nam nữ tu sĩ, đại diện cho mọi lứa tuổi của đời thánh hiến.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ cũng được gọi là lễ của sự gặp gỡ: gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và dân Người. Khi Đức Maria và thánh Giuse đem con vào Đền Thờ Giêrusalem, thì xảy ra cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và dân người được đại diện bởi hai cụ già Simeong và Anna. 

Đời thánh hiến cũng là một cuộc găp gỡ với Chúa Giêsu: chính Người được Mẹ Maria và thánh Giuse đem đến cho chúng ta, và chúng ta được Thánh Thần hướng dẫn bước tới với Người.

Trong đời thánh hiến người ta cũng sống cuộc gặp gỡ giữa người trẻ và người già, giữa sự tuân giữ và lời tiên tri. Chúng ta đừng coi hai thực tại này là chống đối nhau. Hãy để Chúa Thánh Thần linh hoạt cả hai, và dấu chỉ của cuộc gặp gỡ đó là niềm vui: niềm vui của sự tuân giữ, bước đi trong một luật sống và niềm vui được Thần Khí hướng dẫn, không bao giờ cứng nhắc, không bao giờ khép kín, nhưng luôn luôn rộng mở cho tiếng Chúa, nói, mở ra và hướng dẫn.

Thật là tốt cho những tu sĩ trẻ biết thu thập kinh nghiệm và sự khôn ngoan của những người đi trước, đừng lưu trữ những điều này trong một viện bảo tàng, nhưng đưa ra thực hành để có thể đối phó với những thách thức của cuộc sống.

3. Không thể tưởng tượng được một Giáo Hội mà không có các nữ tu.

Lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật 2 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn hữu và du khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô dù trời mưa.

Đức Thánh Cha nói:

"Anh chị em đang bị ướt hết! Anh chị em tất cả rất dũng cảm."

Trình bày suy tư của ngài về Ngày Quốc Tế Đời Thánh Hiến, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đặc biệt đến tầm quan trọng của các nữ tu đối với Giáo Hội và cho xã hội. Ngài mô tả các nữ tu như men mang sứ điệp của Chúa.

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi:

Điều gì sẽ xảy ra nếu không có các nữ tu? Không có nữ tu trong bệnh viện, trong việc truyền giáo, trong các tổ chức bác ái, trong các trường học... Anh chị em có thể tưởng tượng nổi một Giáo Hội mà không có các nữ tu không. Thật là không thể tưởng tượng nổi!

Mỗi một người thánh hiến là một ơn của Thiên Chúa trên cuộc lữ hành của Giáo Hội. Cần có các sự hiện diện này biết bao nhiêu, cho việc củng cố và canh tân dấn thân phổ biến Tin Mừng, cho việc giáo dục Kitô, cho việc bác ái đối với các người cần được trợ giúp, cho việc cầu nguyện chiên niệm, cho dấn thân đào tạo nhân bản và tinh thần cho người trẻ và các gia đình, và cho dấn thân cho công lý và hòa bình trong gia đình nhân loại. Giáo Hội và thế giới cần đến chứng tá này của tình yêu và lòng thương xót Chúa. Vì thế cần đánh giá cao với lòng biết ơn các kinh nghiệm của đời sống thánh hiến và đào sâu việc hiểu biết các đặc sủng và nền tu đức khác nhau. Cần phải cầu nguyện để người trẻ trả lời “vâng” với Chúa là Đấng gọi họ tận hiến cho Người để phục vụ các anh em chị em khác một cách vô vị lợi. Chình vì các lý do đó nên năm 2015 sẽ là Năm của đời thánh hiến.

Sau kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha nhắc tới Ngày cho sự sống được Hội Đồng Giám Mục Italia phát động cử hành Chúa Nhật hôm qua về đề tài “Sản sinh ra tương lai”. Ngài khích lệ các hiệp hội, các phong trào và trung tâm văn hóa dấn thân bảo vệ và thăng tiến sự sống. 

Cùng với các Giám Mục ngài tái nhấn mạnh rằng: “Mọi con cái là gương mặt của Chúa là Đấng yêu thương sự sống, là ân sủng cho gia đình và cho xã hội”

4. Mục tiêu và chương trình cử hành Năm về Đời Sống thánh hiến

Trong cuộc họp báo sáng ngày 31 tháng Giêng, tại Phòng báo chí Tòa Thánh, Đức Hồng Y João Braz de Aviz, tổng trưởng Bộ các dòng tu, và vị Tổng thư ký là Đức Tổng Giám Mục José Rodriguez Carballo, dòng Phanxicô đã cho biết rằng Năm Đời sống thánh hiến, do Đức Thánh Cha Phanxicô đề xướng, sẽ bắt đầu từ tháng 10 năm nay và kết thúc vào tháng 11 năm tới 2015.

Đức Hồng Y Braz de Aviz, người Brazil, cho biết Năm Đời sống Thánh Hiến được tiến hành trong bối cảnh 50 năm sau Công đồng chung Vatican 2, đặc biệt là kỷ niệm 50 năm công bố sắc lệnh “Đức mến trọn lành” (Perfectae caritatis) của Công đồng về việc canh tân đời sống thánh hiến.

Việc cử hành năm Đời sống Thánh Hiến nhắm 3 mục tiêu là:

- Thứ Nhất, nhìn lại quá khứ gần đây trong tâm tình biết ơn và đồng thời thống hối vì những yếu đuối và thiếu sót;

- Thứ Hai là hướng nhìn về tương lai trong hy vọng. Đức Hồng Y nói: “Tuy đời sống thánh hiến đang trải qua khủng hoảng và hành trình khó khăn, nhưng chúng ta không muốn coi cuộc khủng hoảng này như phòng chờ chết, trái lại như một thời điểm thuận tiện để tăng trưởng trong chiều sâu và hy vọng, với xác tín rằng đời sống thánh hiến không bao giờ có thể biến mất khỏi Giáo Hội, vì được chính Chúa Giêsu mong muốn như thành phần không thể bị loại bỏ khỏi Giáo Hội”.

- Thứ Ba là khích lệ các vị sống đời thánh hiến sống hiện tại trong sự hăng say. Năm đời sống thánh hiến là thời điểm quan trọng để tu sĩ “phúc âm hóa” ơn gọi của mình và làm chứng về vẻ đẹp của việc bước theo Chúa Kitô trong nhiều hình thức khác nhau của đời tu trì.

Trong cuộc họp báo, Đức Tổng Giám Mục Carballo, người Tây Ban Nha, nguyên là Bề trên tổng quyền dòng Phanxicô, đã trình bày những điểm nổi bật trong lịch trình cử hành Năm đời sống thánh hiến:

- Năm này sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô chính thức khai mạc với thánh lễ đồng tế trọng thể tại Quảng trường thánh Phêrô, có thể là vào ngày 21 tháng 11 năm nay, là ngày thế giới cầu nguyện cho các “đan sĩ chiêm niệm”. 

- Tiếp đến có Đại hội của Bộ các dòng tu vào tháng 11 về đề tài “Điều mới mẻ trong đời thánh hiến từ Công đồng chung Vatican 2” và nhiều cuộc gặp gỡ, hội thảo quốc tế được tổ chức tại Rôma.

5. Đức Thánh Cha gửi 414 gia đình đi truyền giáo

Sáng thứ Bẩy 01 tháng 2 tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và gần 10,000 thành viên của phong trào Con đường Tân dự Tòng.

Hiện diện trong buổi gặp gỡ còn có 11 Hồng Y, hơn 50 Giám Mục các nước, các vị giám đốc của 100 đại chủng viện thừa sai “Mẹ Đấng Cứu Chuộc” trên thế giới, các linh mục đã được đào tạo trong các chủng viện thuộc Con đường Tân dự Tòng ở Âu Châu cũng như các chủng sinh đang được huấn luyện.

Các tham dự viên đã hát thánh ca trong khi chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô. Khi ngài tiến vào, 10,000 thành viên của phong trào Con đường Tân dự Tòng đã dành cho ngài những tràng pháo tay nồng nhiệt.

Ông Kiko Arguello, một trong những người sáng lập phong trào Con đường Tân dự Tòng nói:

"Khi anh chị em này nhận lãnh Bí tích Rửa tội, gánh nặng tội lỗi của xác thịt mất đi sức mạnh của nó đến mức giờ đây họ cảm thấy tự do để dâng hiến bản thân mình cho Giáo Hội. Đây là kết quả của Bí Tích Rửa Tội."

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những lời khuyên khi 10,000 thành viên này chuẩn bị cho công việc truyền giáo của họ. Các gia đình sẽ di chuyển đến các khu vực như Trung Quốc hay Ấn Độ, nơi mà sự hiện diện của Giáo Hội là rất khiêm tốn, hay thậm chí là không tồn tại. Khi họ đi đến những "vùng ngoại vi" của Giáo Hội này Đức Giáo Hoàng nói điều quan trọng là xây dựng sự hiệp nhất Giáo Hội ở nơi đó.

Đức Thánh Cha giải thích:

"Điều này có nghĩa là anh chị em hãy chú ý đến đời sống của Giáo Hội ở nơi mà các nhà lãnh đạo gửi anh chị em đến, để củng cố những người vững mạnh, chịu đựng những người yếu đuối nếu cần, và đồng hành cùng nhau, như một đàn chiên, dưới sự hướng dẫn của các mục tử của Giáo Hội địa phương".

Đức Thánh Cha cũng nói rằng Thánh Linh Thiên Chúa sẽ giúp đỡ họ hội nhập nhanh chóng với các nền văn hóa của các nước truyền giáo, và tìm ra những phương thế mà Tin Mừng có thể giúp đỡ người dân trong khu vực. Ngài cũng yêu cầu các thành viên của Con đường Tân dự Tòng lo lắng cho nhau, đặc biệt là những người yếu thế nhất. 

Ngài nói:

“Con đường Tân Dự Tòng, trong tư cách là một hành trình khám phá bí tích rửa tội của mình, là một con đường nhiều đòi hỏi, trên đó một anh chị em có thể gặp những khó khăn bất ngờ. Trong những trường hợp ấy, sự thực thi lòng kiên nhẫn và lòng từ bi từ phía cộng đoàn chính là dấu chỉ sự trưởng thành trong đức tin. Không thể cưỡng bách tự do của mỗi người, và phải tôn trọng các sự chọn lựa của người quyết định tìm kiếm bên ngoài Con đường Tân Dự Tòng, những hình thức khác của đời sống Kitô giúp họ tăng trưởng trong việc đáp lại tiếng gọi của Chúa.”

6. Buổi triều yết chung thứ Tư 5 tháng Hai

Trong buổi triều yết chung thứ Tư 5 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày các suy tư của ngài về Bí Tích Thánh Thể. Ngài mô tả bí tích này như là nguồn sống của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Trong bài giáo lý của chúng ta về các bí tích khai tâm Kitô giáo, giờ đây chúng ta suy tư về Thánh Thể, về bí tích Mình và Máu Chúa Kitô. Thánh Thể là nguồn sống của Giáo Hội. Thánh Thể đồng hành với chúng ta trong mỗi bước của cuộc hành hương trong đức tin, trong tình anh chị em đồng đạo, và trong chứng tá của chúng ta.

Thánh Lễ là một bữa tiệc nuôi dưỡng chúng ta không chỉ với thần lương cuộc sống nhận được từ bàn thờ, nơi hy tế của Chúa Kitô được dâng lên, nhưng còn với cả việc công bố Lời Chúa trong Thánh Kinh. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Kitô đã truyền lại cho chúng ta bí tích này khi Ngài bẻ bánh và nâng chén tạ ơn như là điềm báo của hy tế trên thập giá.

Trong hy tế Thánh Thể, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta lời cầu nguyện tột đỉnh để tán tụng Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót của chúng ta. Khi tưởng niệm cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, Thánh Thể trình bày với chúng ta mầu nhiệm vượt qua trong toàn bộ quyền năng cứu độ của mầu nhiệm này.

Xin cho chúng ta biết tạ ơn hồng ân tuyệt vời này, được ban cho chúng ta để chúng ta có thể nếm trước bữa tiệc trên trời khi chúng ta được diện kiến thiên nhan Thiên Chúa. Chúng ta hãy xin Chúa, hiện diện trong Bí Tích Thánh này, luôn luôn hun đúc cuộc sống của chúng ta và cộng đoàn của chúng ta.

7. Bí tích Thêm Sức khiến cho chúng ta trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 20,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ Tư 29 tháng Giêng. Thấy tín hữu kiên nhẫn chịu mưa và lạnh Đức Thánh Cha đã khen ngợi họ can đảm.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý về bí tích Thêm Sức hay Chứng Thực, tiếp tục bí tích Rửa Tội và gắn liền với bí tích Rửa Tội một cách không thể tách rời được. Ngài nói:

Hai Bí tích này cùng với bí tích Thánh Thể làm thành một biến cố cứu độ duy nhất gọi là “khai tâm kitô”, trong đó chúng ta được tháp nhập vào Chúa Giêsu Kitô chết và sống lại, và trở thành thụ tạo mới và chi thể của Giáo Hội. Đó là lý do tại sao ban đầu ba Bí tích này được cử hành trong một lúc duy nhất, vào cuối lộ trình tân tòng, bình thường trong lễ Vọng Phục Sinh. 

Bí tích Thêm Sức khiến cho chúng ta đồng hình dạng với Chúa Kitô, trở thành thụ tạo mới và là chi thể của Giáo Hội, ban cho chúng ta một sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần để phổ biến và bảo vệ đức tin, để tuyên xưng danh Chúa Kitô và không bao giờ xấu hổ vì thập giá.

8. Đức Giáo Hoàng tiếp tổng thống Samoa 

Hôm thứ Hai 03 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón vị nguyên thủ quốc gia của Samoa tại Điện Tông Tòa của Vatican. Tổng thống Tui Atua Tupua Tamasese Efi cùng với phu nhân và một phái đoàn chính phủ đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các vấn đề như tăng trưởng kinh tế và nhận thức về môi trường.

Người đứng đầu nhà nước Samoa đã tặng Đức Giáo Hoàng một bức tranh bãi biển Samoa và nững bức tranh được dệt theo kỹ thuật truyền thống. Đức Giáo Hoàng đã tặng lại tổng thống một cây bút được thiết kế như một trụ cột bàn thờ trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Như thường lệ, ngài cũng yêu cầu tổng thống cầu nguyện cho ngài. 

Samoa là quốc gia nhỏ bé ở phía Nam Thái Bình Dương ở giữa đường từ Hawaii đến Tân Tây Lan, với 195,500 dân trong đó 20% là người Công Giáo, 60% theo Tin Lành.

9. Các nhóm hành hương mặc đồng phục đầy màu sắc để gây sự chú ý trong buổi triều yết chung

Ngày càng có nhiều những nhóm hành hương mặc đồng phục để gây sự chú ý của Đức Thánh Cha Phanxicô trong các buổi triều yết chung thứ Tư hàng tuần. 

Đây là nhóm các bạn trẻ đến từ khu vực Calabria ở phía Nam Italia. Họ là những thành viên của hiệp hội Công Giáo gọi là Mercy – Lòng Thương Xót, đã được thành lập hơn tám thế kỷ. Chi nhánh của họ tại thành phố Trebisacce, chuyên cung cấp việc chăm sóc sức khỏe cho người dân trong khu vực, vừa tròn 15 tuổi. Để ăn mừng, họ đã đến Rôma để gặp Đức Giáo Hoàng.

Đây là lần đầu tiên họ đã đến để gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Chuyến đi cuối cùng của họ đến Roma có một mục đích long trọng hơn nữa.

"Thật không may, lần đó chúng tôi đến Rôma đúng lúc Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời. Chúng tôi đã ở đây để dự Thánh Lễ đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16."

10. Một linh mục cho biết hàng triệu người Syria đang chết đói tại Homs

Một linh mục người Hà Lan đang bị mắc kẹt tại Homs nói với thông tấn xã Fides và tờ The Telegraph là các cư dân của thành phố Syria này đang chết đói dần. 

"Thành phố của chúng tôi đã trở thành một khu rừng vô luật lệ," Cha Frans van der Lugt cho biết. "Chúng tôi đang cố gắng hết sức mình để kêu gọi con người hành xử trong tình huynh đệ với nhau và không giết nhau vì đói." 

"Sáng nay tôi đến thăm một trung tâm cho người khuyết tật. Trong ba ngày qua họ đã không còn gì để ăn ngoài mấy trái ô liu. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để giúp đỡ, nhưng chúng tôi không thể làm được gì nhiều." 

Homs là một thành phố cổ, nơi trước đây có ít nhất là 60,000 Kitô hữu. 

Cha Frans van der Lugt nói: "Bây giờ chỉ còn một mình tôi và 66 Kitô hữu khác." 

"Chúng tôi sợ cộng đồng quốc tế bỏ rơi chúng tôi. Họ tìm kiếm những lợi ích chính trị trên những đau khổ của người dân Syria”

11. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng Hai

Ý chung: Cầu cho Giáo Hội và xã hội biết tôn trọng sự khôn ngoan và kinh nghiệm của những người cao tuổi.

Ý truyền giáo: Cầu cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân biết cộng tác với nhau cách quảng đại trong việc loan báo Tin Mừng.

12. Đức Thánh Cha gửi 414 gia đình đi truyền giáo

Sáng thứ Bẩy 01 tháng 2 tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và gần 10,000 thành viên của phong trào Con đường Tân dự Tòng.

Hiện diện trong buổi gặp gỡ còn có 11 Hồng Y, hơn 50 Giám Mục các nước, các vị giám đốc của 100 đại chủng viện thừa sai “Mẹ Đấng Cứu Chuộc” trên thế giới, các linh mục đã được đào tạo trong các chủng viện thuộc Con đường Tân dự Tòng ở Âu Châu cũng như các chủng sinh đang được huấn luyện.

13. Đức Thánh Cha chuẩn y một số quyết định về phong Chân Phước

Bộ Phong Thánh, với sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành nghị định ngày 27 tháng Giêng xác nhận cha Pietro Asua Mendia, một linh mục người Tây Ban Nha đã tử vì đạo vào năm 1936 trong cuộc nội chiến của nước này. Ngày phong chân phước cho ngài sẽ được công bố sau.

Đức Thánh Cha cũng công nhận các "nhân đức anh hùng" của 7 ứng cử viên khác gồm 2 linh mục, 3 nữ tu và một giáo dân. Các vị được tôn kính như các tôi tớ Chúa và sẽ được phong chân phước nếu một phép lạ được xác nhận là do lời cầu bầu của các ngài. Đó là:

• Cha Giuseppi Girelli, linh mục người Ý Đại Lợi;

• Cha Zacarias Salterain Viscarra, linh mục người Tây Ban Nha;

• Chị Marcelle Mallet, nữ tu người Canada; 

• Chị Maria Benita Arias, nữ tu người Á Căn Đình;

• Chị Margerita De Brincat, nữ tu người Malta; 

• Chị Noemy Cinque, nữ tu người Ba Tây;

• Chị Elisabetta Sanna, giáo dân thuộc Dòng Ba Đa Minh Ý Đại Lợi. 

14. Hội thảo về truyền thông xã hội tại Mỹ Châu La Tinh

Tuần trước chúng tôi đã có dịp trình bày với quý vị và các bạn về sứ điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô cho “Ngày Truyền Thông Thế Giới” sẽ được cử hành trong toàn thể Giáo Hội vào Chúa Nhật trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, năm nay là ngày 01 tháng Sáu.

Nhiều sáng kiến đã và đang được thực hiện theo những đề nghị của Đức Thánh Cha Phanxicô. Riêng tại Mỹ Châu, ba mươi lăm giám mục từ các quốc gia Trung Mỹ và vùng Caribbean sẽ gặp gỡ trong một cuộc hội thảo về truyền thông xã hội diễn ra tại Havana, thủ đô của Cuba, vào tháng Hai tới đây.

Cuộc hội thảo kéo dài bốn ngày được tổ chức bởi Hội đồng Giáo hoàng về Truyền Thông Xã Hội hy vọng sẽ đưa ra với các giám mục những cơ hội để phát triển chiến lược truyền thông mạnh mẽ hơn cho các giáo phận.

Cuộc hội thảo này cũng đánh dấu một bước tiến trong quan hệ giữa nhà nước Cuba và Giáo Hội tại đây trong cố gắng của Giáo Hội muốn cải cách đất nước theo chiều hướng dân chủ. Tưởng cũng nên nhắc lại là hồi tháng Chí năm ngoái, trong một lá thư với những lời lẽ rất quyết liệt, các Giám Mục Cuba đã yêu cầu giới lãnh đạo hãy thay đổi hệ thống chính trị đất nước.

Một số nới rộng về quyền tự do kinh tế mà thôi là không đủ. Các Giám mục Cuba đã bày tỏ những lời chỉ trích của các ngài trong một bức thư gởi cho ông Raul Castro để đòi hỏi những thay đổi sâu rộng hơn tại đảo quốc này. Bức thư có tiêu đề, "Hy vọng không thể lụi tàn" của các Giám Mục Cuba khẳng định rằng "cần phải có quyền đa dạng và sự nhìn nhận những cách nghĩ khác nhau. Hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn đòi hỏi nhất thiết phải có một trật tự chính trị mới", bởi vì Cuba được mời gọi để trở nên một "xã hội đa nguyên"

Bức thư kết thúc với nhận định rằng "một nhà nước hợp tác dứt khoát phải được thành hình để thay thế cho thứ nhà nước hành xử như bố mẹ dân chúng." 

Lá thư cũng chỉ trích tình cảnh nghèo nàn mà người dân Cuba phải chịu trong hơn nửa thế kỷ qua, do thiếu cơ hội, và tiền lương chết đói, "không đủ để nuôi sống một gia đình."

Để đạt được những thay đổi này, các giám mục đã đề xuất việc tạo ra các cuộc đối thoại giữa người dân Cuba trong nước và những người Cuba lưu vong trên thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.

15. Đức Thánh Cha tiếp các Giám Mục Áo, không hài lòng với tình trạng của Giáo Hội tại quốc gia này

Hôm thứ Năm 30 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón một phái đoàn của Hội Đồng Giám Mục Áo, do Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna hướng dẫn.

Cuộc gặp gỡ đã diễn ra tại Dinh Tông Tòa của Vatican giữa Đức Thánh Cha và các Đức Giám Mục Áo đang về Rôma viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và thăm Tòa Thánh.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Hồng Y Schönborn đã nói về bộ mặt của Giáo Hội tại Áo. Ngài nói rằng mặc dù Giáo Hội tại Áo có thể được coi là "cũ" và ngày càng ít thành viên, Giáo Hội tại quốc gia ngay trung tâm châu Âu thực sự vẫn sống động, với những người trẻ tham gia một loạt các phong trào của Giáo Hội.

16. Quân khủng bố Hồi Giáo Boko Haram tàn sát một giáo xứ Công Giáo

Cha Raymond Danbouye, phát ngôn viên của giáo phận Yola trong bang Borno cho biết hôm Chúa Nhật 26 tháng Giêng, quân khủng bố Hồi Giáo Boko Haram đã bao vây làng Kawuri, là một làng Kitô Giáo ở phía Đông Bắc của bang này trong 4 giờ đồng hồ và giết chết ít nhất 63 người.

Sau đó, chúng đặt bom và bắn xối xả vào một nhà thờ Công Giáo trong vùng, giết chết thêm 22 tín hữu đang tham dự thánh lễ Chúa Nhật tại đó.

Lúc 7h sáng ngày thứ Sáu 31 tháng Giêng, quân khủng bố Hồi Giáo Boko Haram lại đặt bom tại làng Kuthra, cũng là một làng Công Giáo trong giáo phận Yola, giết chết thêm 7 tín hữu Kitô và làm bị thương 3 người khác. Quả bom phát nổ khi một chiếc Toyota 18 chỗ ngồi cán phải một quả bom. 

Tổng thống Goodluck Jonathan, là tín hữu Công Giáo nói: “Các hành động chống lại thường dân không phương thế tự vệ này là một tấn kích chống lại sự tự do và nền an ninh quốc gia của chúng ta, và là điều không thể biện minh được”. 

Nigeria có 174 triệu dân, người Công Giáo chiếm 32% dân số, 50% là người Hồi Giáo. 

17. Đức Thánh Cha ca ngợi và cám ơn Đại học Notre Dame, Hoa Kỳ

Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi Đại Học Notre Dame trong việc phục vụ Giáo Hội và xã hội Hoa Kỳ, đồng thời khích lệ Đại học này tiếp tục duy trì bản sắc Công Giáo của mình.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến phái đoàn gồm 130 người, trong đó có Hội đồng chỉ đạo, nhóm họp tại Roma, nhân dịp khánh thành Trung Tâm của Đại Học Notre Dame ở Roma.

Đại Học này do cha Edward Sorin và các tu sĩ đầu tiên của Dòng Thánh Giá thành lập năm 1842 ở bang Indiana và hiện là một trong những đại học nổi tiếng nhất tại Mỹ.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha bày tỏ xác tín rằng Trung tâm mới của Đại Học Notre Dame ở Roma sẽ góp phần vào sứ mạng của Đại Học, giúp các sinh viên tiếp xúc với đặc tính có một không hai của Kinh Thành muôn thuở, phong phú về lịch sử, văn hóa và tinh thần, mở rộng tâm trí các sinh viên về sự liên tục lạ lùng giữa đức tin của các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, đức tin của vị hiển tu và tử đạo của mọi thời đại và đức tin Công Giáo được thông truyền cho họ trong các gia đình, trường học và giáo xứ.”

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng: “Ngay từ khi mới được thành lập, Đại Học Notre Dame đã đóng góp quan trọng cho Giáo Hội tại Hoa Kỳ, dấn thân giáo dục tôn giáo cho giới trẻ và giảng dạy một kiến thức được soi sáng nhờ sự tín thác nơi sự hòa hợp giữa đức tin và lý trí trong việc theo đuổi chân lý và sự ngay chính”.

Sau cùng Đức Thánh Cha cầu chúc Đại Học Notre Dame tiếp tục can đảm làm chứng tá trong môi trường đại học về giáo huấn luân lý của Giáo Hội Công Giáo và bảo vệ quyền tự do bênh vực các giáo huấn đó trong và qua các cơ sở giáo dục của Giáo Hội, trong tư cách các giáo huấn ấy được các vị Chủ Chăn giảng dạy một cách thế giá. Ngài nói: “Tôi cầu chúc Đại Học Notre Dame tiếp tục cống hiến chứng tá minh bạch và không thể thiếu được về khía cạnh căn bản này trong bản sắc Công Giáo cơ bản của mình, nhất là đứng trước những toan tính từ bất kỳ phía nào muốn làm tan loãng căn tính Công Giáo ấy”.

Đại Học Notre Dame hiện có hơn 11.700 sinh viên với 1.240 giáo sư. Hơn 93% sinh viên của Đại học này là Kitô hữu trong số này hơn 80% là tín hữu Công Giáo.

18. Đức Thánh Cha ca ngợi và cám ơn Đại học Notre Dame, Hoa Kỳ

Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi Đại Học Notre Dame trong việc phục vụ Giáo Hội và xã hội Hoa Kỳ, đồng thời khích lệ Đại học này tiếp tục duy trì bản sắc Công Giáo của mình.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến phái đoàn gồm 130 người, trong đó có Hội đồng chỉ đạo, nhóm họp tại Roma, nhân dịp khánh thành Trung Tâm của Đại Học Notre Dame ở Roma.

Đại Học này do cha Edward Sorin và các tu sĩ đầu tiên của Dòng Thánh Giá thành lập năm 1842 ở bang Indiana và hiện là một trong những đại học nổi tiếng nhất tại Mỹ.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha bày tỏ xác tín rằng Trung tâm mới của Đại Học Notre Dame ở Roma sẽ góp phần vào sứ mạng của Đại Học, giúp các sinh viên tiếp xúc với đặc tính có một không hai của Kinh Thành muôn thuở, phong phú về lịch sử, văn hóa và tinh thần, mở rộng tâm trí các sinh viên về sự liên tục lạ lùng giữa đức tin của các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, đức tin của vị hiển tu và tử đạo của mọi thời đại và đức tin Công Giáo được thông truyền cho họ trong các gia đình, trường học và giáo xứ.”

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng: “Ngay từ khi mới được thành lập, Đại Học Notre Dame đã đóng góp quan trọng cho Giáo Hội tại Hoa Kỳ, dấn thân giáo dục tôn giáo cho giới trẻ và giảng dạy một kiến thức được soi sáng nhờ sự tín thác nơi sự hòa hợp giữa đức tin và lý trí trong việc theo đuổi chân lý và sự ngay chính”.

Sau cùng Đức Thánh Cha cầu chúc Đại Học Notre Dame tiếp tục can đảm làm chứng tá trong môi trường đại học về giáo huấn luân lý của Giáo Hội Công Giáo và bảo vệ quyền tự do bênh vực các giáo huấn đó trong và qua các cơ sở giáo dục của Giáo Hội, trong tư cách các giáo huấn ấy được các vị Chủ Chăn giảng dạy một cách thế giá. Ngài nói: “Tôi cầu chúc Đại Học Notre Dame tiếp tục cống hiến chứng tá minh bạch và không thể thiếu được về khía cạnh căn bản này trong bản sắc Công Giáo cơ bản của mình, nhất là đứng trước những toan tính từ bất kỳ phía nào muốn làm tan loãng căn tính Công Giáo ấy”.

Đại Học Notre Dame hiện có hơn 11.700 sinh viên với 1.240 giáo sư. Hơn 93% sinh viên của Đại học này là Kitô hữu trong số này hơn 80% là tín hữu Công Giáo.

19. Người đàn phong cầm của Đức Giáo Hoàng, một nhân chứng của những khoảnh khắc độc đáo

Những đền thờ tuyệt vời như Đền Thờ Đức Bà Cả ở Roma sẽ cảm thấy trống rỗng nếu không có âm nhạc này. Trong gần 30 năm Juan Paradell – Solé đã chơi đàn phong cầm trong tất cả các nghi lễ trong nhà thờ này, tại một vị trí độc đáo gần cung thánh.

Từ năm 2011, người nghệ sĩ Tây Ban Nha này cũng chơi đàn phong cầm tại các nghi lễ ở Vatican do Đức Giáo Hoàng chủ sự. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử mà ca đoàn nhà nguyện Sistina, là ca đoàn riêng của Đức Giáo Hoàng, chính thức có một đàn phong cầm.

Người nghệ sĩ này đã sớm nhận ra Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã rất coi trọng âm nhạc trong các nghi lễ của mình.

Nghệ sĩ Juan Paradell – Solé nói:

20. Nữ hoàng Elizabeth II của Anh Quốc sẽ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp kiến

Hôm 4 tháng Hai, Radio Vatican cho biết Nữ Hoàng Elizabeth II sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến vào ngày 3 tháng Tư tới đây. 

Cùng đi với Nữ Hoàng có Huân Tước Philip là phu quân của Nữ Hoàng. Hai vị sẽ hội kiến với Đức Giáo Hoàng sau khi dùng cơm trưa với Tổng Thống Ý Giorgio Napolitano.

Đây là lần đầu tiên Nữ Hoàng Elizabeth II- vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Anh Quốc - gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô là vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Công Giáo.

Tưởng cũng nên nhắc lại vào năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viếng thăm Edinburgh, Glasgow, London và Birmingham trong một chuyến tông du kéo dài 4 ngày. Đây 

là chuyến viếng thăm đầu tiên của một vị Giáo Hoàng đến Anh Quốc kể từ khi Vua Heny Đệ Bát ly khai với Giáo Hội Công Giáo và thiết lập Giáo Hội Anh Giáo vào năm 1534.

21. Họp báo về sứ điệp Mùa Chay đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô

Sáng ngày 4 tháng 2, Đức Hồng Y Robert Sarah, người Guinée Xích Đạo, bên Phi châu, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, nghĩa là Đồng Tâm, đã giới thiệu Sứ điệp Mùa Chay đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Hiện diện trong trên bàn chủ tọa cuộc họp báo còn có 2 vị Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký của Hội đồng Đồng Tâm và ông Bà Davide Dotta và Anna Zumbo, thừa sai giáo dân tại Haiti.

Chủ đề Sứ điệp của Đức Thánh Cha xoay quanh một câu trong thư Thứ Hai của Thánh Phaolô gởi các tín hữu thành Côrintô “Thực vậy, anh chị em biết lòng quảng đại của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta: Ngài giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh chị em, để anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Ngài” (2 Cr 8,9)

Đức Hồng Y Robert Sarah cho biết:

"Trung tâm của sứ điệp này là Chúa Kitô đã trở nên nghèo vì chúng ta. Tầm nhìn của chúng ta đứng trước những tình cảnh nghèo nàn trên thế giới phải được lấy cảm hứng từ hạt nhân của sứ điệp này, đó là Chúa Kitô nghèo vì chúng ta."

Chúa Giêsu trở nên nghèo không phải vì sự nghèo nàn tự nó, nhưng - như thánh Phaolô đã nói – “là để anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Ngài”. Đây không phải là một kiểu chơi chữ, một kiểu nói để gây ấn tượng! Trái lại đó là một sự tổng hợp lô-gíc yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã không làm cho ơn cứu độ rơi xuống trên chúng ta từ trời cao, như kẻ thương người lấy của dư thừa của mình mà làm phúc bố thí. Đó không phải là tình yêu của Chúa Kitô! Khi Chúa Giêsu bước xuống sông Giordano và chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả, Ngài không hành động vì thấy cần phải thống hối, hoán cải; Ngài làm như thế để nhập hàng giữa dân chúng là những người đang cần ơn tha thứ, Ngài ở giữa chúng ta là những người tội lỗi, và gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Như thế, chính nhờ cái nghèo của Ngài mà chúng ta được trở nên giàu sang, tức là được trở nên đồng thừa tự với Chúa Kitô trong danh phận là con Thiên Chúa.

Nhà văn Léon Bloy nói rằng có một điều sầu muộn duy nhất, đó là sầu muộn vì không được nên thánh. Chúng ta cũng có thể nói rằng có một sự lầm than đích thực duy nhất, đó là: không sống như con cái Thiên Chúa và như những người em của Chúa Kitô.

Đức Ông Giampietro Dal Toso, là Thư ký Hội đồng Giáo hoàng Cor Unum từ tháng 6 năm 2010 đến nay cho biết thêm: 

“Đức Thánh Cha đã đưa ra một sự phân biệt sâu sắc giữa lầm than (miseria) và nghèo nàn (povertà); cũng như những dạng thức lầm than khác nhau.”

Sứ điệp viết: Lầm than không đồng nghĩa với nghèo nàn. Lầm than là sự nghèo nàn không có lòng tín thác, không có tình liên đới, không có hy vọng. Chúng ta có thể phân biệt ba loại lầm than: lầm than vật chất, lầm than luân lý và lầm than tinh thần. 

Lầm than vật chất vẫn thường được gọi chung là sự nghèo khổ và đè nặng trên những người sống trong hoàn cảnh không xứng đáng với phẩm giá con người; nơi những anh chị em này chúng ta nhìn thấy tôn nhan của Chúa Kitô. Vì thế, khi yêu thương và giúp đỡ những người nghèo, chúng ta yêu mến và phụng sự Chúa Kitô. 

Điều không kém phần gây lo âu chính là lầm than luân lý, thể hiện nơi tình trạng nô lệ cho những tật xấu và tội lỗi. Bao nhiêu gia đình lo âu vì có một trong những phần tử của mình, thường là người trẻ, nghiện ngập rượu chè, ma túy, cờ bạc và dâm ô! Bao nhiêu người đã đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thiếu những viễn tượng tương lai và mất hy vọng! Và bao nhiêu người bị bó buộc sống trong lầm than luân lý do những điều kiện xã hội bất công, thiếu công ăn việc làm, khiến họ không còn phẩm giá mang mang cơm bánh về nhà, thiếu bình đẳng trong các quyền giáo dục và sức khỏe. Trong những trường hợp ấy, lầm than luân lý có thể được gọi là một sự bắt đầu tự sát. Hình thức lầm than này cũng là nguyên nhân làm cho nền kinh tế suy sụp, nó luôn gắn liền với lầm than tinh thần xảy ra chúng ta khi chúng ta xa lìa Thiên Chúa và từ khước tình thương của Ngài. Nếu chúng ta cho rằng mình không cần Thiên Chúa, Đấng đang giơ tay cho chúng ta trong Chúa Kitô, vì chúng ta tự mãn, thì chúng ta đang đi vào con đường thất bại. Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể cứu vớt và giải thoát chúng ta thực sự.

Đức Ông Giampietro Dal Toso cho biết:

“Kết thúc sứ điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha bày tỏ ước vọng của ngài là muốn thấy mùa chay này toàn thể Giáo Hội sẵn sàng và mau mắn làm chứng cho những người đang sống trong tình trạng lầm than vật chất, luân lý và tinh thần.”


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...