08/01/2022
3567

Chương I

NGÀI ĐÃ THẮNG CON

 

“Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con,

và con để cho Ngài quyến rũ.

Ngài mạnh hơn con và Ngài đã thắng.”

(Gr 20,7)

 

1. Dõi theo tiếng huyền nhiệm

Những bước chập chững của ơn gọi Linh mục

Khi tôi chừng 5 tuổi, tại quê nhà Thức Hóa thuộc giáo phận Bùi Chu, một ngày tôi nghe tin có người anh em họ được bố chở đến Cha xứ để xin đi tu. Khi nghe như thế, tự nhiên trong lòng tôi cũng rộn lên ý muốn đi tu. Một buổi sáng nọ, tôi đứng ở hiên nhà, nhìn mẹ đang làm việc ngoài vườn, tôi nói với mẹ: “Mẹ ơi, con đi tu”. Tôi nhớ là đã nói câu đó với mẹ hai đến ba lần. Nhưng mỗi lần như thế, mẹ tôi chỉ nhìn và trả lời: “Tu cái gì”. Còn tôi, chính trong lúc tôi nói muốn đi tu, lại có điều gì đó trong tôi kháng cự lại để nói “không”.

Gia đình tôi lúc đó được xếp vào loại gia đình khá giả trong làng, nhưng lại là gia đình rất thưa người: chỉ có mẹ, hai chị và tôi là con trai út. Có lẽ đây là lý do vì sao mẹ tôi không tỏ ra hào hứng khi nghe tôi nói muốn đi tu. Nhưng mẹ đâu có biết trong lòng tôi cũng có một phần không hào hứng gì với việc đi tu. Ngay từ lúc đó, tôi đã sống trong sự giằng co giữa “đi tu” và “không đi tu”. Có một sức mạnh nào đó thúc tôi nói “đi tu”, nhưng trong thâm tâm lại không muốn đi tu.

Cha tôi bị bệnh qua đời khi tôi còn trong bụng mẹ và được sinh ra hai tháng sau đó. Anh cả tôi qua đời lúc tôi được quãng 4 tuổi, khi tôi chưa phân biệt ý nghĩa giữa tiếng “con” và tiếng “em”. Một buổi tối, ngồi bên cạnh anh cả, tôi xưng “con” với anh, mẹ tôi phải sửa: “Con phải xưng ‘em’ chứ không xưng ‘con’”. Anh tôi qua đời vì bệnh thương hàn nên có thể nói là “chết oan” vì với bệnh đó, ngày nay chỉ mấy viên thuốc là khỏi.

Mỗi lần nghĩ đến hoàn cảnh gia đình, tôi lại cảm thấy thương mẹ vô ngần. Mẹ tôi can đảm chịu đựng nỗi đau khổ mất chồng, mất con khi còn là người vợ, người mẹ rất trẻ, nhưng đức tin đã là nguồn sức mạnh nâng đỡ mẹ. Nơi mẹ tôi, có sự cương trực và can đảm của người cha, đúng với tên “Đảm” mà ông bà ngoại đã đặt cho, nhưng mẹ lại là người rất mực hiền từ, cẩn thận và tế nhị trong từng lời nói để tránh làm phiền lòng người khác. Mẹ tôi còn có lòng nhân từ, thương người nghèo khổ. Mẹ kể là mẹ sinh ra tôi vào tháng Ba đói (1945), mỗi khi nghe tôi khóc, những người đói ăn đã đứng sẵn ngoài cổng, biết là giờ ăn cơm nên kéo nhau vào. Mẹ đã chuẩn bị sẵn, mỗi người một nắm cơm. Nhờ vậy, họ sống qua ngày, chờ mùa gặt lúa. Tôi được thừa hưởng nơi mẹ tôi cả chất tình cha lẫn chất tình mẹ, nhưng chất tình mẹ xem ra mạnh hơn. Mẹ thương yêu tôi hết mực, nhưng không nuông chiều; mẹ lo lắng, chăm sóc cho tôi từng li, từng tí, nhưng không chiếm hữu mà để cho tôi tự do phát triển.

Bẵng đi một thời gian, tôi chẳng còn nghĩ gì đến việc đi tu nữa. Nhưng trong thời gian này, có một sự kiện vui vui của tuổi thơ. Năm đó, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục giáo phận Bùi Chu, về Giáo xứ tôi dâng lễ, có lẽ ban bí tích Thêm Sức. Trở về nhà sau Thánh Lễ, tự nhiên tôi nói với mẹ: “Con làm Đức cha mẹ ạ. Mặt Đức cha tròn, mặt con cũng tròn”. Tôi viết “tự nhiên tôi nói” vì đó là lời bộc phát mà trước đó chưa bao giờ tôi nghĩ đến. Sau đó, mẹ tôi kể với bà ngoại và các bác, nên các anh chị em họ biết và chọc tôi, gọi tôi là “Đức cha”. Mỗi lần bị chọc như thế là tôi cảm thấy tức tối trong lòng. Có lần tôi cũng thầm ấm ức với mẹ vì mẹ đã kể với bà ngoại và các bác.

Năm 1954, cả gia đình di cư vào miền Nam; lúc đầu, gia đình tôi định cư tại giáo xứ Nghĩa Hòa, vùng Chí Hòa, thuộc giáo phận Sài Gòn. Sau một thời gian, không biết vì lý do gì, gia đình tôi chuyển đến vùng Hố Nai và định cư tại giáo xứ Bùi Chu, nay thuộc giáo phận Xuân Lộc. Khi đó, hai chị của tôi đều đã lập gia đình và sinh con. Chị thứ nhất lập gia đình với anh Chấn, còn chị thứ hai lập gia đình với anh Đình. Mẹ tôi và tôi ở với anh chị Đình, còn anh chị Chấn ở riêng.

Chỉ hơn một năm sau, anh chị Đình lại chuyển vào Sài Gòn mua đất và làm nhà ở giáo xứ Nam Hòa. Thế là chỉ còn mẹ và tôi ở lại giáo xứ Bùi Chu. Anh chị Chấn tuy vẫn còn ở tại giáo xứ Bùi Chu, nhưng ở riêng.

Trong thời gian này, có thầy Từ và thầy Antôn Phạm Gia Thuấn về giáo xứ Bùi Chu phụ giúp việc mục vụ, lúc đó gọi là “Năm giảng đạo”, bây giờ gọi là “Năm Thử”. Trong khi thầy Từ phụ trách đoàn thanh niên, thầy Thuấn phụ trách Nghĩa binh Thánh Thể (bây giờ gọi là Thiếu nhi Thánh Thể). Vì tôi còn nhỏ, được sinh hoạt trong đoàn Nghĩa binh Thánh Thể, nên tôi quen biết và gần gũi thầy Thuấn hơn thầy Từ.

Thầy Thuấn rất quý tôi và tôi cũng quý Thầy. Sau một thời gian quen biết và mộ mến, Thầy rủ tôi đi tu. Lúc đầu, tôi nghe biết vậy thôi, chứ trong lòng cũng chưa có ý hướng rõ ràng.

Khi thầy Thuấn đến thăm gia đình và ngỏ lời xin mẹ tôi cho tôi đi tu, mẹ tôi chỉ cười. Mẹ tôi xem ra không muốn tôi đi tu vì cha tôi đã mất, vả lại, tôi là con trai một và là út, nhưng mẹ tôi cũng không cấm cản. Bản thân tôi lúc này lại cảm thấy rộn lên trong lòng sự giằng co đã từng cảm nghiệm khi còn nhỏ: “Đi tu” – “Không đi tu”, nhưng bây giờ tôi có thêm suy nghĩ và tự hỏi: Không biết Chúa có chọn gọi tôi không? Nếu Chúa chọn gọi, tôi sẽ “xin vâng”, nhưng hình như trong thâm tâm có một chút mong ước là Chúa không gọi.

Bây giờ xâu chuỗi và ngẫm lại các biến cố đan chen, tôi như thấy bàn tay mầu nhiệm của Chúa quan phòng dẫn dắt đời tôi. Không hiểu lý do vì sao mẹ và anh chị tôi tự nhiên bỏ Sài Gòn đến giáo xứ Bùi Chu, vùng Hố Nai; rồi chỉ một thời gian ngắn sau đó, anh chị tôi trở lại Sài Gòn, nhưng mẹ và tôi vẫn cứ ở lại giáo xứ Bùi Chu? Tại sao thời gian tôi ở giáo xứ Bùi Chu lại trùng hợp với thời gian thầy Thuấn được sai đến để phục vụ? Tại sao thầy Thuấn lại được chỉ định đặc trách đoàn Nghĩa binh Thánh Thể để tôi có cơ hội quen biết và thân thiết với Thầy và sau đó được Thầy rủ đi tu? Tại sao và tại sao? Người ta có thể coi đó chỉ là những biến cố ngẫu nhiên, còn tôi, câu trả lời cho tất cả các câu hỏi “tại sao” đó chỉ là một: chính Chúa đã xếp đặt các sự kiện và con người để qua đó, Ngài gọi tôi. Nếu không có những dấu mốc thời gian và những cuộc gặp gỡ nói trên, câu nói “con đi tu” ngày xưa chắc đã rơi vào quên lãng. Đúng là Chúa gọi, còn tôi, từ trong thâm tâm, có điều gì đó kháng cự, không muốn đáp lại.

 

2. Thử thách Chúa

Trong thời gian tham gia Nghĩa binh Thánh Thể ở giáo xứ Bùi Chu, tôi rất thích đọc Kinh Thánh Cựu ước, trong đó, tôi nhớ mãi câu chuyện Chúa gọi ông Ghítôn làm thủ lãnh để giải thoát dân Chúa khỏi người Mađian và quân Philitinh đang áp bức dân Israel (Tl ch. 6). Đứng trước sứ mệnh khó khăn và chẳng bao giờ dám nghĩ đến, ông Ghítôn ngại ngùng nên muốn biết chắc chắn có phải Chúa gọi ông không. Do đó, ông xin Thiên Chúa một dấu hiệu rõ ràng để ông được an tâm vì chính Chúa đã gọi và trao cho ông sứ mệnh này:

Ông Ghítôn thưa với Thiên Chúa: “Nếu đúng là Ngài sẽ dùng tay con để cứu Israel như Ngài đã phán, thì này đây con đặt một mớ lông cừu trong sân lúa: nếu chỉ có sương trên lông cừu mà thôi, còn tất cả mặt đất đều khô, thì con biết Ngài sẽ dùng tay con để cứu Israel như Ngài đã phán.” Và đã xảy ra như vậy. Sáng hôm sau ông dậy sớm, bóp mớ lông cừu, vắt cho sương chảy ra đầy một chén nước.

Ông Ghítôn lại thưa với Thiên Chúa: “Xin Ngài đừng thịnh nộ với con, để con được nói một lần nữa. Xin cho con được trắc nghiệm bằng lông cừu một lần nữa thôi: chỉ có lông cừu là khô, còn tất cả mặt đất đều đẫm sương.” Đêm ấy Thiên Chúa đã làm như vậy. Chỉ có lông cừu là khô, còn tất cả mặt đất đều đẫm sương. (Tl 6, 36-40)

Trong lúc phân vân vì một đàng cảm thấy như Chúa gọi mình, đàng khác tự lòng lại chẳng thích, nên để biết chắc nếu đúng Chúa gọi, tôi đã nhớ tới câu chuyện ông Ghítôn và muốn bắt chước ông. Thay vì lông cừu, tôi lấy mảnh giấy và đổ nước làm ướt đẫm, rồi đặt ở góc sân giữa trời nắng và xin Chúa một dấu chỉ: “Con đi chơi với bạn bè và sau 30 phút con sẽ trở lại. Nếu là ý Chúa, xin cho mảnh giấy vẫn còn ướt, trong khi đất xung quanh tờ giấy sẽ khô”.

Thế rồi tôi đi chơi, nhưng hôm đó, không hiểu sao tôi chơi say mê đến độ quên luôn chuyện tờ giấy. Tới lúc chơi xong, chợt nhớ đến tờ giấy, tôi vội chạy đến xem thì tờ giấy đã khô queo. Tôi nghĩ: vì mình mải chơi nên để quá giờ. Vì vậy, tôi muốn làm lại lần nữa và quyết tâm sẽ nhớ trở lại xem tờ giấy đúng giờ. Nhưng cũng như lần trước, tôi chơi say mê đến quên cả thời giờ, nên khi trở lại xem, tờ giấy đã khô queo. Tôi chưa từng chơi say mê đến độ quên thời giờ như với hai lần đó. Tôi hiểu là Chúa không muốn tôi tìm ý Chúa qua những dấu chỉ hữu hình như thế, nên từ đó tôi không bao giờ dám thử thách Chúa nữa.

Hết thời gian thực tập tại giáo xứ Bùi Chu, thầy Thuấn trở về Đại Chủng viện để tiếp tục hành trình tu luyện của Thầy. Tôi cũng quên việc Thầy rủ tôi đi tu. Nhưng vào một ngày không ngờ, thầy Thuấn trở lại giáo xứ Bùi Chu và bảo tôi đi thi vào Tiểu Chủng viện của giáo phận Bùi Chu miền Nam{C}{C}{C}{C}{C}[1]. Nể tình thầy Thuấn, tôi đi thi vào Tiểu Chủng viện, nhưng lòng không mấy hồ hởi. Kết quả, tôi đã thi đậu và đứng thứ hai trong số anh em được tuyển chọn. Thi đậu Tiểu Chủng viện, việc đi tu coi như chuyện dĩ nhiên.

Ngày chuẩn bị vào Tiểu Chủng viện, mẹ tôi may quần áo mới cho tôi. Gần ngày tựu trường, tôi lại chần chừ không muốn đi vì nhà chỉ có hai mẹ con, mà lúc đó mẹ tôi đang bị cảm sốt. Nhưng mẹ tôi lại giục tôi đi… Nghĩ lại, tôi cảm thấy mẹ tôi thật vĩ đại. Mẹ tuy rất nhân từ, nhu mì và ít nói, nhưng rất can đảm, cương quyết và có sức chịu đựng ngoại thường. Chính nhờ mẹ, tôi đã dứt được tình cảm lưu luyến mà lên đường nhập Tiểu Chủng viện.

Trước khi vào Tiểu Chủng viện, lúc đó ở Tân Phước – Phước Tỉnh, nay thuộc giáo phận Bà Rịa – Vũng Tàu, tôi đến ở hai ngày với cha Đaminh Vũ Nguyên Thiều là cha nghĩa phụ của tôi{C}{C}{C}{C}[2]. Chiều hôm đó trời mưa rả rích, tôi đứng ở hiên nhà, bên cạnh cây me, tâm trí nhớ mẹ đang cảm sốt ở nhà, lòng buồn rười rượi và âm thầm khóc một mình.

Khi đã vào Tiểu Chủng viện rồi, tôi không còn đặt lại vấn đề ơn gọi nữa… Nay suy nghĩ lại quãng đường đầu đời hành trình ơn gọi Linh mục, tôi phải thốt lên lời của ngôn sứ Giêrêmia: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng.” (Gr 20,7).

 

3. Những ước mơ của tuổi trẻ

I.

Trong thời gian đi tu, mỗi lần có dịp về nghỉ Tết, tôi được đi thăm các giáo xứ, nhìn thấy các cha có nhiều quà tết; bên cạnh đó, tôi cũng thấy trong giáo xứ có nhiều gia đình nghèo. Khi đó, dấy lên trong lòng tôi mơ ước sau này khi đã là linh mục, nếu Tết đến người ta cho quà, tôi sẽ lấy quà Tết đã nhận được, âm thầm và kín đáo đem đến cho những gia đình nghèo và các cụ già neo đơn trong giáo xứ.

II.

Một hôm tôi bị đau răng, phải đến bác sĩ nha khoa. Tại đó, tôi chứng kiến một ông bị đau răng, sưng phồng má rất đau đớn, khổ sở, tôi cảm thấy tội nghiệp. Bác sĩ nha khoa khám bệnh cho ông xong, chỉ cho cô y tá các việc cần làm cho ông. Khi đó, rất đỗi hồn nhiên, tôi mơ ước sau này sẽ mở một nhà thương, để chữa bệnh cho những người đau ốm, bệnh tật.

III.

Có lần khi đang ăn cơm tối, tôi thấy có mấy người đến xin gặp cha xứ, nhưng phải đợi chờ lâu… Tôi tưởng tượng và mơ ước sau này khi được làm cha xứ, nếu như gặp hoàn cảnh tương tự, tôi sẽ không để họ chờ đợi mà sẽ bỏ dở bữa cơm để giải quyết công chuyện của họ trước, rồi mới ăn cơm tiếp.

IV.

Vào năm 1957, trong Tiểu Chủng viện nở rộ tin tức về dòng Don Bosco bắt đầu hoạt động ở Việt Nam, nhất là khi thấy một vài thầy Đại Chủng viện Bùi Chu xin chuyển sang dòng Don Bosco, vì yêu thích linh đạo của Dòng là chăm lo giáo dục giới trẻ. Tôi không cảm thấy bị lôi cuốn về việc chuyển ơn gọi sang tu dòng này, nhưng trong lòng tôi rộn lên ý muốn và ước mơ sau này, khi làm linh mục, tôi sẽ đặc biệt quan tâm phục vụ và lo cho giới trẻ.

V.

Khi tôi qua Rôma, được học tập và thăm viếng các trường Đại học ở Thánh Đô và nhiều nước bên châu Âu, nhận ra tầm quan trọng của Đại học trong Giáo hội và xã hội, tôi cảm thấy từ từ hình thành trong tâm trí tôi giấc mơ muốn thành lập một trường Đại học tại quê hương Việt Nam.

Cũng như mọi người, tôi đã có những ước mơ của tuổi trẻ. Bây giờ ôn lại quá khứ, tôi nghiệm ra nhiều hoạt động và tâm tình tông đồ đời Linh mục và Giám mục của tôi có nguồn gốc nơi những ước mơ của tuổi trẻ năm xưa.

 

4. Cuộc tĩnh tâm nhớ đời

Nhớ lại 7 năm ở Tiểu Chủng viện thánh Phanxicô – Bùi Chu, tôi đã tham dự nhiều tuần Tĩnh tâm. Các cha giảng Tĩnh tâm có khi là một cha giáo của Tiểu Chủng viện, nhưng nhiều lần, cha Giám đốc Tiểu Chủng viện mời một cha dòng đến giảng.

Trong các tuần Tĩnh tâm tôi đã tham dự suốt 7 năm ở Tiểu Chủng viện, có tuần Tĩnh tâm năm Đệ Tứ (Lớp 9) do cha Quý, dòng Chúa Cứu Thế, người gốc Canada giảng, đã để lại trong tâm hồn tôi một dấu ấn sâu đậm với những tâm tình thiêng liêng mà đến nay, dù đã 60 năm trôi qua, những tâm tình ấy vẫn còn sống động trong tôi.

Cha Quý nói tiếng Việt khá trôi chảy, nhưng thi thoảng có những từ ngữ ngài dùng “sai sai” rất dễ thương, đem lại cho chúng tôi một trận cười thích thú, làm cho bầu khí trang nghiêm, trầm lắng của tuần Tĩnh tâm điểm một chút tươi vui tựa như cơn gió mát thoảng qua giữa tiết trời nóng bức. Chẳng hạn có lần ngài nói: “Anh ấy đi đàng tội lỗi đã được 3 năm” – anh em chúng tôi, các chú Tiểu Chủng sinh, bật lên cười rầm nhà nguyện. Thấy mọi người cười, cha cũng hiểu và sửa lại: “Anh ấy đi đàng tội lỗi đã mất 3 năm”.

Năm đó, cha Quý giảng đề tài: “Tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu”. Cha giảng hết sức đơn sơ, đan dệt bằng những câu chuyện mà tôi vẫn còn nhớ: “Có một anh kia có lòng kính mến Thánh Tâm Chúa, anh luôn nhớ đến Chúa và kêu cầu bằng câu: ‘Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa{C}{C}{C}{C}[3]. Anh là một công nhân, thế mà có những ngày anh đọc lời nguyện đó tới 20.000 lần”. Cha nói đi nói lại bằng những lời lẽ hết sức đơn sơ và minh họa bằng việc kể những câu chuyện rất thực, chỉ có thế thôi mà vẫn có sức đánh động, lôi cuốn và không ai trong chúng tôi cảm thấy nhàm chán, buồn ngủ.

Những điều tôi được nghe trong các tuần Tĩnh tâm trước và sau đó, thường là những ý tưởng, có những ý tưởng hay, nhưng tất cả giống như những tia lửa lóe lên chốc lát rồi ngụp tắt. Còn bài giảng của cha Quý, tuy hết sức đơn sơ, nhưng lại đánh động con tim, đọng lại trong tâm trí, thuyết phục tôi và làm cho tôi cảm được sự hiện diện của Chúa.

Thời gian đó, tôi được cuốn hút vào tình yêu của Thánh Tâm Chúa. Tôi cũng đọc đi đọc lại lời nguyện tắt “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa” và tôi cảm thấy ngọt ngào trong lòng như mật ong. Cảm nghiệm này làm tôi nhớ đến lời Thánh Vịnh: “Hãy nếm thử và hãy nhìn xem, Chúa ngọt ngào dường bao” (Tv 34,9). Những giờ nghỉ giải lao, tôi hay vào nhà nguyện đọc lời nguyện tắt đó để nếm hưởng sự ngọt ngào của tình yêu Chúa. Cả những khi đi dạo ngoài phố với anh em, tôi cũng cứ thầm thĩ đọc lời nguyện tắt này. Có điều lạ là tuy tôi chú tâm đọc lời nguyện tắt, nhưng lòng trí tôi lại rất nhạy cảm với những người, những sự vật và mọi việc xung quanh.

Về việc cảm nghiệm Chúa ngọt ngào và dịu êm trên đây, tôi không nhớ chính xác kéo dài được bao nhiêu thời gian dài hay ngắn, có lẽ chỉ trong năm Đệ Tứ. Sau đó, tôi dùng mọi cách để tìm lại cảm giác thiêng liêng đó, nhưng không được. Sau này, khi đọc “Ca khúc thiêng liêng” của thánh Gioan Thánh Giá, tôi mới thấy tâm hồn mình phản ánh mẩu đối thoại giữa Linh hồn và Đấng Lang Quân được ghi lại trong sách: “Người ẩn nấp ở đâu vậy, hỡi Người Tình? Con ở đây một mình, than khóc, Người đã bỏ con! Như nai rừng Người làm con bị thương rồi chạy trốn; con vừa kêu la vừa chạy theo: Người đã biến đâu mất!

Tuy nhiên, cảm nghiệm đó khắc sâu trong lòng không sao quên được. Sau này, khi đọc truyện các Thánh, tôi hiểu ra là cần tìm Chúa, chứ không tìm quà của Chúa. Hành trình thiêng liêng là hành trình tình yêu, đòi phải thoát ra khỏi chính mình để kết hiệp với Chúa. Nếu cứ được nếm hưởng sự ngọt ngào của Chúa, người ta sẽ quanh quẩn với chính mình, tìm sự vui vẻ, ngọt ngào cho mình mà để Chúa chờ ngoài cửa.

Chính kinh nghiệm sống này giúp tôi hiểu và xác tín những điều tôi học được nơi đời sống và giáo huấn của các Thánh để rút ra những tâm niệm sống thiết thực và cụ thể cho chính mình: Từ bỏ tất cả để chỉ giữ một mình Chúa (Thánh Phaolô); Chỉ cần có Chúa là đủ (Thánh Têrêsa Avila); Chỉ xin được giữ nghĩa cùng Chúa cho đến trọn đời (Chân phước Anrê Phú Yên); Hãy tìm Chúa, đừng tìm việc của Chúa (ĐHY. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận); Trông chờ Chúa chứ không trông chờ món quà Ngài đem đến; Hãy tìm Chúa chứ đừng tìm ơn của Chúa.

Những năm sau này, cho đến khi kết thúc thời gian Tiểu Chủng viện Bùi Chu, một năm Triết tại Đại Chủng viện Sài Gòn và suốt cả thời gian du học, làm việc tại Rôma, tôi đã tham dự nhiều tuần Tĩnh tâm, nghe nhiều ý tưởng hay, nhưng không có tuần Tĩnh tâm nào đánh động tâm hồn và làm tôi nhớ mãi như tuần Tĩnh tâm năm ấy.

Nghĩ lại tuần Tĩnh tâm nhớ đời cha Quý giảng, tôi nhận ra trọng tâm các bài giảng của cha không hệ tại ở những tư tưởng thần học mới hay những lời lẽ văn chương bóng bảy, nhưng đơn giản là sự xác tín của cha về những gì cha nói, phát xuất từ chính kinh nghiệm sống của cha về Chúa. Cha Quý không chỉ trình bày những tư tưởng về Chúa, nhưng giới thiệu chính Chúa qua những kinh nghiệm sống với Chúa.

 

5. Chúa gọi tôi làm linh mục vì yêu thương tôi

Trước khi chịu chức linh mục, có một câu nói thông thường nhưng lại làm tôi băn khoăn đến độ phân vân trong quyết định tiến tới chức linh mục, đó là: “Chúa gọi các thầy vì Chúa thương yêu các thầy”.

Tôi suy nghĩ nhiều và tự hỏi: “Chúa không gọi ông bà, cha mẹ tôi làm linh mục, tu sĩ, chẳng lẽ Chúa không thương yêu ông bà, cha mẹ tôi sao?” Vì không trả lời được vấn nạn này, tâm trí tôi cứ rối mù, làm tôi lưỡng lự trong việc quyết định tiến chức.

Nhờ ơn Chúa, cuối cùng tôi đã tìm ra lời giải đáp cho vấn nạn. Đến nay tôi vẫn còn nhớ khung cảnh khi tôi tìm ra lời giải đáp đem lại an bình cho tâm hồn. Lời giải đáp đó là: Chúa gọi tôi làm linh mục vì Chúa thương yêu tôi, điều đó đúng, nhưng Chúa cũng thương yêu ông bà, cha mẹ tôi khi se định cho các ngài nên duyên vợ chồng. Chúa thương yêu mọi người và để đáp lại tình yêu của Chúa, mỗi người phải đáp lại thánh ý Chúa, đi với Chúa trên con đường Chúa muốn cho người đó.

Tình yêu Chúa dành cho ông bà, cha mẹ, hết thảy mọi người và cho tôi là tình yêu sáng tạo và cứu độ. Đây là một tình yêu cá vị, toàn vẹn với từng người, nhưng tất cả nằm trong chương trình cứu độ nhằm đưa cả nhân loại đến sự sống đời đời (x. Ga 5,24), đưa cả vũ trụ vào “Trời mới và Đất mới” (Kh 21,1). Vì vậy, Chúa yêu thương tôi và muốn tôi làm linh mục, nên để đáp lại tình yêu của Chúa, tôi phải “xin vâng” theo Ngài trên con đường Ngài dành cho tôi, đó là ơn gọi linh mục. Tôi cần hoàn thành chương trình yêu thương độc hữu và nhiệm mầu mà Chúa dành cho tôi giữa lòng Giáo hội và thế giới. Cũng vậy, ông bà, cha mẹ tôi cũng cần sống trọn ơn gọi hôn nhân để đáp lại tình yêu mà Chúa dành cho các ngài trong chương trình cứu độ của Chúa.

 

6. Khủng hoảng đức tin

Thời gian tôi theo học tại Đại học Urbaniana (Rôma) là thời gian ngay sau Công đồng Vaticanô II, cũng là thời gian khủng hoảng thần học và đời sống đức tin trong Giáo hội, đặc biệt bên các nước truyền thống Kitô giáo tại châu Âu. Nhiều lý thuyết thần học mới lạ, gắn liền với những thần học gia danh tiếng, có những vị đã từng là chuyên viên thần học trong Công đồng Vaticanô II, gây hào hứng và ảnh hưởng nơi một số môi trường, nhưng lại gây hoang mang và nghi nan nơi các môi trường khác.

Dưới danh nghĩa tự do nghiên cứu khoa học, người ta đặt vấn đề về nhiều yếu tố nền tảng của chân lý đức tin hoặc cắt nghĩa lại những chân lý đức tin hoàn toàn theo luận lý của lý trí tự nhiên. Chẳng hạn về việc Đức Mẹ Đồng Trinh, người ta cho đây chỉ là huyền thoại chứ không thể sinh con mà còn đồng trinh. Cuốn Giáo lý của Giáo hội Hà Lan tránh né vấn đề này nên bỏ qua không trình bày. Người ta đặt vấn đề về việc sống lại của Chúa Kitô, cho đó chỉ là truyện huyền thoại. Người ta cắt nghĩa lại mầu nhiệm Thánh Thể bằng cách thay đổi từ ngữ.

Theo đức tin của Giáo hội, khi linh mục truyền phép trong Thánh Lễ, chất thể của bánh và rượu vẫn còn, nhưng bản thể thì thay đổi: bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Điều này được diễn tả qua từ “Transubstantiatio”. Do đó, Chúa Kitô hiện diện thực trong bí tích Thánh Thể. Một số nhà thần học, trong đó đặc biệt phải kể đến cha Edward Schillebeekx{C}{C}{C}{C}[4]{C}{C}{C}{C} chủ trương: từ ngữ này trừu tượng không thích hợp với não trạng người thời đại nên, thay vì từ “Transubstantiatio” là thay đổi bản thể, ngài đề nghị từ “Transignificatio” là thay đổi ý nghĩa. Theo đó, sau khi linh mục truyền phép trong Thánh Lễ, bánh và rượu vẫn là bánh và rượu, chỉ khác là được gán cho một ý nghĩa mới nên bánh và rượu chỉ là biểu tượng chứ không phải là Mình và Máu Chúa Kitô.

Lý thuyết này ngoài việc gặp rất nhiều khó khăn về thần học và kinh thánh còn biến việc rước lễ thành việc “ăn bánh vẽ”. Thuyết mới này đã bị thánh Giáo Hoàng Phaolô VI kết án trong thông điệp “Mysterium Fidei (1965)

Tôi còn nhớ mùa hè năm Thần học II, từ Rôma tôi sang Paris để học tiếng Pháp. Theo chương trình đã được sắp xếp, một tháng tôi theo học tiếng Pháp, sau đó, tôi đi làm lao công một tháng ở bệnh viện Saint Joseph để kiếm tiền trả học phí cho khóa học, hai tuần sau đó, tôi dùng số tiền còn lại để đi thăm các nước khác bên châu Âu, nhất là những nơi có di tích đặc biệt.

Công việc làm lao công dọn dẹp vệ sinh trong bệnh viện bao gồm: quét nhà, lấy đồ ăn cho bệnh nhân, rửa chén bát, đổ bình nước tiểu của bệnh nhân, v.v. Những ngày đầu, sau khi đi làm về nhà, tôi không thể ăn được, một phần vì quá mệt, phần khác do còn bị ám ảnh bởi mùi hôi thối của nước tiểu bệnh nhân.

Trong thời gian làm việc tại bệnh viện, tôi quen một thầy dòng Phanxicô cũng làm việc ở bệnh viện và thầy rủ tôi về thăm cộng đoàn của thầy. Tôi đến cộng đoàn gặp chào cha Bề trên. Khi đang ngồi nói chuyện ở bàn ăn, cha Bề trên nói: “Chúng ta làm lễ”. Nói rồi, ngài lấy khăn phủi bàn cho sạch, vào trong nhà bếp lấy ra một khúc bánh mì thường dùng ăn sáng và một bình rượu thường được dùng trong các bữa ăn. Sau đó, cha Bề trên ngồi xuống, không mặc phẩm phục phụng vụ, cũng chẳng cần sách phụng vụ, cha đọc mấy câu cầu nguyện tự phát, sau đó cha truyền phép, cũng tự phát, rồi cho rước lễ. Tôi rơi vào tình thế bắt buộc cũng phải tới rước lễ, nhưng sau đó tôi tự hỏi rước lễ như vậy có được phép không? Thánh Lễ này có thành sự không? Bánh tôi rước có phải là Mình Thánh Chúa không?

Khi đã là linh mục, tôi sang Hoa Kỳ giảng Tĩnh tâm cho một dòng nữ và các Sơ nơi đây cho biết có một số linh mục không còn lòng kính trọng Thánh Thể: dâng lễ xong, các ngài không tráng chén, Mình Thánh Chúa còn lại đưa vào phòng áo để, không biết sau đó, người ta sẽ làm gì...

Tôi nghĩ không phải là người ta không kính trọng Thánh Thể cho bằng người ta không tin đó thực sự là Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Tôi lại nhớ đến lý thuyết “thần học” do cha Edward Schillebeeckx khởi xướng. Thánh Thể chỉ còn là biểu tượng nhắc lại chuyện ngày xưa, chứ không phải là bí tích, qua đó chính Chúa Kitô hiện diện thực dưới hình bánh và rượu. Điều tôi nghĩ lúc đó, bây giờ đã trở thành thực tại. Theo viện nghiên cứu Pew Research, vào năm 2019, 31% (chưa tới 1/3) giáo dân Hoa Kỳ tin vào sự hiện diện thực của Chúa Kitô trong Thánh Thể, còn 69% nữa nghĩ Thánh Thể chỉ là một biểu tượng. Do đó, đa số các Giám mục Hoa Kỳ đã đề nghị Ủy ban Giáo lý Đức tin của Hội Đồng Giám Mục phải soạn thảo một tài liệu giáo lý về Thánh Thể.

Ít lâu nay, người ta cũng nói ồn ào về việc Giáo hội Đức muốn cho cả người Tin Lành cũng được rước lễ trong các Thánh Lễ Công giáo. Trong một cuộc họp mặt Đại Kết mới đây giữa Công Giáo và Tin Lành, người ta đã cho rước lễ tự do tùy mỗi người lựa chọn: người Công Giáo có thể rước lễ bên Tin Lành và người Tin Lành có thể rước lễ bên Công Giáo. Người ta bàn cãi có được phép làm như thế không, nhưng câu hỏi này không đi vào thực chất của vấn đề. Vấn đề căn cốt phải đặt ra là trong Giáo hội Công giáo Đức, còn bao nhiêu người tin Chúa Giêsu hiện diện thực trong bí tích Thánh Thể? Tôi e ngại là phần trăm số người Công Giáo tin vào sự hiện diện thực của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể còn thấp hơn phần trăm số người Công giáo Hoa kỳ (31%). Nếu dự đoán này đúng, vấn đề cần suy tư không phải là cho phép hay không cho phép các tín hữu Tin Lành rước lễ trong Thánh Lễ Công giáo, nhưng là người Công Giáo cần tìm lại đức tin Tông Truyền về sự hiện diện thực của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.

Từ những kinh nghiệm sống trên đây, tôi rất cẩn trọng với bí tích Thánh Thể, vì tôi tin và xác tín Chúa Giêsu hiện diện thực trong bí tích Thánh Thể và tôi cảm tạ Chúa đã gìn giữ tôi luôn vững vàng trong niềm xác tín này. Ngài là nguồn sống, sức mạnh và hạnh phúc của tôi. Chính nhờ niềm xác tín và kinh nghiệm sống này, khi làm Giám đốc Đại Chủng viện Xuân Lộc, tôi luôn khích lệ các chủng sinh “Nối Nguồn Giêsu”, tức là năng viếng Chúa Giêsu Thánh Thể. Chính Ngài sẽ dạy bảo các chủng sinh; Ngài sẽ cho các chủng sinh nhận ra Ngài là nguồn sức sống và hạnh phúc của cuộc đời.

Tôi tự hỏi: không biết lý thuyết của các nhà thần học như cha Edward Schillebeekx đã khiến đông đảo giáo dân, cả nhiều linh mục và tu sĩ chối bỏ đức tin về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể hay lý thuyết của các ngài chỉ nói thành lời điều mà nhiều người nghĩ trong lòng: Chúa Giêsu không hiện diện thực trong bí tích Thánh Thể? Dù ở trong trường hợp nào, các nhà thần học đề nghị những lý thuyết làm lung lay đức tin của dân Chúa cũng phải mang trách nhiệm rất lớn.

Cũng trong thời điểm này, người ta cắt nghĩa các hiện tượng tôn giáo từ quan điểm các khoa học nhân văn, nhất là tâm lý học và xã hội học. Trong cách nhìn của các chuyên viên khoa học tâm lý và xã hội, người ta chỉ trích các cuộc hành hương, rước kiệu kính Đức Mẹ và các Thánh. Có những người chỉ trích việc lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ và các sự kiện tôn giáo ở các trung tâm hành hương Lộ Đức, Fatima… Người ta cho rằng tất cả là hình thức ấu trĩ và tình cảm ủy mị của đàn bà{C}{C}{C}{C}{C}[5]{C}{C}{C}{C}{C}, con nít.

Thời ấy, chủng sinh chúng tôi được nghe nhiều luồng tư tưởng từ các giáo sư và các thần học gia, nên bị phân hóa theo nhiều hướng khác nhau. Tôi còn nhớ lúc đó, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi lần hạt hoặc cầu nguyện trước ảnh tượng Đức Mẹ, vì nhiều chủng sinh, bạn học của tôi, chạy theo các trào lưu tư tưởng mới nên bài bác hình thức đạo đức bình dân mà họ cho là “tình cảm ủy mị”.

Những tư tưởng mới về thần học kết tụ làm rối tung tâm trí tôi, tất cả biến thành đám mây mù dầy đặc, che lấp tầm nhìn. Trong tuần Tĩnh tâm đầu năm thần học III, năm 1969, tôi đã đến gặp cha giảng Tĩnh tâm để trình bày vấn đề của tâm hồn. Nghe xong, ngài chỉ nói vắn gọn một câu: “Thầy đang ở trong cơn khủng hoảng đức tin”. Ngài nói thế, nhưng không đưa ra một lời khuyên hay một hướng dẫn nào giúp tôi thoát khỏi cơn khủng hoảng. Tôi chỉ biết trầm ngâm suy nghĩ miên man, lầm lũi bước đi trong đêm tăm tối của những mớ ý tưởng hỗn độn mà chẳng biết phải làm gì để thoát ra.

Cả một bầu khí khủng hoảng, chứ không phải chỉ là vấn đề của một nhóm người hay một cá nhân riêng rẽ nào. Chính vì thế, trong Thánh Lễ kết thúc Năm Đức Tin, được cử hành ngày 30 tháng 06 năm 1968 tại Vương cung thánh đường thánh Phêrô, Đức Thánh cha Phaolô VI đã phải long trọng tái xác định đức tin của Giáo hội, qua bản tuyên xưng đức tin “Kinh Tin Kính của Dân Chúa”.

 

7. Chúa đã giải thoát tôi

Một buổi nọ, sau khi ăn tối xong, tôi ra khỏi phòng ăn như mọi ngày, nhưng tối hôm đó, thay vì cùng với anh em ra ngoài sân đi dạo trò chuyện, có một điều gì trong lòng nhè nhẹ thúc đẩy tôi bước vào nhà nguyện. Một mình trong nhà nguyện tối om, chỉ có ngọn đèn dầu bên cạnh Nhà Tạm, với lưỡi lửa nho nhỏ như đang vui tươi nhảy múa trước Chúa Giêsu Thánh Thể.

Tôi quỳ gối ở cuối nhà nguyện, nhìn lên Nhà Tạm xa xa trên cung thánh, tôi cung kính thờ lạy và tha thiết van nài Chúa. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, bóng đen trong tâm trí tôi với những tư tưởng rối rắm như mớ bòng bong bỗng tan biến. Tất cả rõ ràng! Tất cả tươi sáng! Tất cả an bình! Cảm giác khoảnh khắc đó tựa viễn cảnh của bầu trời trong xanh với một luồng sáng của ánh nắng mặt trời chiếu rọi làm tan đi lớp sương mù đang phủ kín lòng tôi và tôi tin Chúa đụng chạm lòng tôi, hay nói như lời của thánh Phaolô: “Tôi biết Đấng tôi tin tưởng” (2Tm 1,12): “Tôi đã gặp Ngài”; “Tôi biết Ngài”; “Ngài đã giải thoát tôi”.

Kể từ đó, tôi không bao giờ nghi ngờ về Chúa, cũng không bị lôi cuốn bởi những lý thuyết viển vông, hoang đường, có vẻ như lời lẽ khôn ngoan và có khoa học, nhưng thực ra chỉ là những thứ mê hoặc lòng người (x. Rm 1,20-22).

 

8. Quyết định tiến lên chức Linh mục

Mùa hè năm 1969, tôi rời Học viện Urbano đi hè mà lòng nặng trĩu vì kết thúc hè này, tôi phải quyết định dứt khoát làm đơn xin chịu chức Phụ Phó tế{C}{C}{C}{C}[6], rồi sau đó sẽ chịu chức Phó tế và thánh chức Linh mục.

Tôi phân vân trước quyết định quan trọng này, vì vào những mùa hè trước, khi đến giúp mục vụ tại một số giáo xứ, tôi thấy đời sống đạo rất tẻ nhạt, không có sinh hoạt hội đoàn, Thánh Lễ lèo tèo ba, bốn người, có khi chẳng có ai, còn nhà xứ thì vắng tanh, chẳng ai ra vào, lui tới. Thời gian đó cũng là thời gian xã hội chuyển biến với sự hiện diện và phục vụ của chuyên viên các ngành. Cần gì, người ta tìm đến các chuyên viên, chứ không đến với các linh mục như trước đây. Tôi cảm thấy viễn tượng đời sống linh mục sao cô đơn, buồn tẻ và xem ra vô dụng.

Trong thâm tâm tôi tự hỏi lòng: “Không lẽ mình lại quyết định dấn thân vào đời sống linh mục là cuộc đời vô dụng, chẳng ai cần hay sao? Nhưng tôi đã chọn theo con đường này ròng rã đã 14 năm trời, không lẽ trong phút chốc lại bỏ cuộc?” Tôi cũng nghe biết một số anh em chủng sinh người Úc đã chuyển hướng… Tôi đã đi hè với tâm trạng nặng nề và nghi nan về tương lai của mình.

Hè năm đó tôi đi Paris, theo học một khóa tiếng Pháp. Nỗi băn khoăn về tương lai tiếp tục theo tôi trong suốt khóa học. Kết thúc khóa tiếng Pháp, tôi cùng với một người bạn là thầy Giuse Trần Xuân Tiếu, sau này là Giám mục giáo phận Long Xuyên, chúng tôi đi xuống miền Nam nước Pháp, tới Taizé. Ở đó, vào mùa hè, các tu sĩ cộng đoàn Đại Kết tổ chức cuộc họp mặt hằng tuần cho giới trẻ khắp nơi tới tham dự. Tôi gặp tại Taizé các bạn trẻ thuộc đủ mọi thành phần, thuộc nhiều tôn giáo và cả vô thần.

Sau tuần họp mặt ở Taizé, cùng với thầy Giuse Trần Xuân Tiếu, tôi đi viếng giáo xứ Ars, một địa danh nổi tiếng bởi vì thánh Gioan Vianey đã từng là cha sở tại đây. Thực ra, trước đó chúng tôi cũng không có ý định đi thăm giáo xứ Ars, nhưng khi tới Lion, thấy còn thời gian, chúng tôi tìm xe buýt đi Ars. Sau khi đã thăm nhà xứ, nhất là phòng riêng của thánh Gioan Vianey, tôi lên nhà thờ, quỳ rồi ngồi trước bàn thờ, nơi có đặt xác Cha Thánh. Tôi cố gắng lần hạt nhưng vì quá mệt mỏi, tôi vừa lần hạt vừa ngủ gật. Chỉ vỏn vẹn 50 kinh Kính Mừng mà tôi lần cả tiếng đồng hồ, vẫn chưa xong. Mệt mỏi, tôi kêu cầu Chúa.

Bỗng chốc, cuộc đời của thánh Gioan Vianey lóe lên trong đầu óc tôi như một tia sáng. Những nghi an, ngu muội trước đây bỗng biến mất. Tất cả rõ ràng, tất cả thanh bình như bầu trời trong xanh sau cơn bão. Cha Gioan Vianey đến nhận giáo xứ Ars đâu có ai đón tiếp. Trên đường vào giáo xứ chỉ có tiếng lè nhè của những người say xỉn trong quán rượu. Thế mà sau một thời gian, nhờ đời sống thánh thiện của cha Gioan Vianey, giáo xứ Ars đã trở thành một giáo xứ sầm uất vì dân chúng từ khắp nơi hành hương đến giáo xứ Ars để xưng tội với cha Gioan Vianey.

Cha Gioan Vianey đã làm linh mục không phải vì dân chúng cần ngài, nhưng với đời sống thánh thiện, ngài đã chinh phục dân chúng để đưa họ về với Chúa. “Đúng rồi, làm linh mục không phải vì dân chúng cần mình, nhưng vì Chúa cần mình để giúp cho mọi người khám phá ra là họ cần Chúa”. Đó là câu trả lời tôi đã tìm được từ cuộc đời thánh thiện của cha thánh Gioan Vianey, chánh xứ giáo xứ Ars.

Suy nghĩ đến đây, tôi bỗng nhớ đến cha Fernando Sozzi, người Ý. Sau 50 năm là thừa sai bên Bangladesh, ngài đã chia sẻ: “Tôi đã thử tất cả các điều mới mẻ. Tuy nhiên, nếu muốn thành thực, tôi phải nói là tôi cảm thấy là nhà truyền giáo thực sự, có được các ơn trở lại và được dân chúng tín nhiệm, khi tôi cầu nguyện nhiều hơn... Một điều không bao giờ được quên, đó là việc tông đồ không phải của chúng ta, nhưng là của Thánh Thần Chúa. Chỉ có Chúa Giêsu mới là Đấng cứu chuộc và giải thoát con người. Dân chúng, cả những người nghèo nhất, không cần chúng ta, không cần sự trợ giúp và công việc của chúng ta{C}{C}{C}{C}{C}[7]{C}{C}{C}{C}, nhưng họ cần Chúa Giêsu... Cần phải suy niệm những điều này nhiều giờ trong kinh nguyện, nghiền gẫm đến độ có thể gặp được Chúa Giêsu trong tâm hồn và thấy vui sướng được gặp gỡ Ngài và sống say sưa hạnh phúc với Ngài{C}{C}{C}{C}[8].

Sau cuộc “gặp gỡ” với cha thánh Gioan Vianey tại giáo xứ Ars, tôi đã trở về Học viện Urbano, lòng bình an và đầy tin tưởng. Tôi thấy mình đã được giải thoát và hân hoan làm đơn xin tiến chức. Tôi không cần được người ta chú ý, không cần so bì với các chuyên viên trong xã hội: bác sĩ, luật sư, kỹ thuật viên, giám đốc, tổng giám đốc, ... Tôi hạnh phúc được là linh mục để đưa người ta đến với Chúa, vì điều nhân loại cần nhất chính là Thiên Chúa, Ngài là nền tảng và suối nguồn của cuộc đời mỗi người cũng như tổ chức xã hội.

 

9. Chúa đã cứu tôi

Tôi chịu chức Linh mục tại Học viện Urbano ngày 27 tháng 03 năm 1971, nhằm ngày thứ Bảy tuần III mùa Chay và hôm sau, Chúa nhật thứ IV mùa Chay, tôi dâng Lễ Mở Tay tại Nhà nguyện Thánh Thể trong Đền thờ thánh Phêrô với 5 cha Việt Nam cùng chịu chức Linh mục.

Thứ Tư Tuần Thánh, tôi rời Học viện Urbano đến giáo xứ San Damiano thuộc giáo phận Cuneo, miền Bắc nước Ý, để giúp giải tội. Theo chương trình đã sắp xếp, thứ Bảy Tuần Thánh, tôi rời giáo xứ San Damiano xuống giáo xứ Barco, thuộc giáo phận Reggio Emilia, là giáo xứ tôi đã quen biết để dâng lễ Chúa Nhật Phục Sinh, tạm gọi là Lễ Mở Tay. Từ giáo xứ San Damiano, tôi phải đón xe lửa đi thành phố Cuneo rồi đi Torino; ở Torino tôi lại phải đổi tuyến xe đi Bologna và tiếp theo đi Reggio Emilia, ở đó sẽ có người đón và đưa tôi đến giáo xứ Barco.

Khi đó, mỗi ngày chỉ có một chuyến xe lửa duy nhất, với hành trình chuyển đổi nhiều như đã nói ở trên. Nếu lỡ một chuyến xe, đúng là một thảm họa, nhất là khi đó các phương tiện truyền thông còn rất hạn chế, chẳng những chưa có điện thoại cầm tay, mà cả điện thoại công cộng cũng còn hiếm.

Ngày tôi bỏ giáo xứ San Damiano để đến giáo xứ Barco, không hiểu sao, chuyến xe lửa từ Cuneo đi Torino chạy rất chậm và cứ chốc lát lại ngừng. Lòng tôi vô cùng bồn chồn và lo lắng. Khi chuyến xe về tới ga Torino, tôi vừa bước chân ra khỏi xe thì chuyến xe lửa đi Bologna ở bên kia tuyến đường cũng bắt đầu chuyển bánh. Nếu lỡ chuyến xe đi Bologna, phải ngủ đêm ở Torino và sáng Chúa nhật mới đi thì không thể đến giáo xứ Barco kịp giờ dâng lễ, trong khi đó cả giáo xứ đã chuẩn bị mọi sự để chờ tôi dâng “Lễ Mở Tay”.

Tới ga Torino, chẳng có thời gian suy nghĩ, tôi liền cố gắng chạy thật nhanh theo hướng xe lửa đi Bologna đã chuyển bánh. Xe lửa đang chạy bỗng dừng lại vì chuông báo động reo lên, thế là tôi bắt kịp xe. Khi tôi lên xe, mấy người soát vé và giữ trật tự trên xe chạy đi kiểm soát khắp nơi. Tôi nghe thấy họ nói với nhau: “Không biết tại sao tự nhiên chuông báo động lại reo lên, nhưng kiểm tra thì không thấy chuông báo động nào bị kéo xuống”. Thế là xe lại chuyển bánh, trong khi tôi đã ngồi yên vị trên xe. Vậy là tôi đã có thể tới giáo xứ Barco đúng theo chương trình và sáng hôm sau, Chúa nhật Phục Sinh, tôi đã dâng Lễ Mở Tay trọng thể. Quả thật, Chúa đã cứu tôi!

 

10. Chúa hướng dẫn đời tôi

Nhìn lại hành trình cuộc đời, tôi có cảm tưởng như có một bàn tay nhiệm mầu thoáng chốc lại đụng chạm, uốn nắn rồi dẫn dắt tôi đi theo những nẻo đường tôi không nghĩ, không ngờ. Có khác chi một nghệ nhân điêu luyện thực hiện một bức tranh ghép đá màu (Mosaic). Ông đặt những viên đá màu ở các vị trí khác nhau. Lúc đầu không ai nhìn ra hình gì, nhưng nghệ nhân cứ từ từ xếp các viên đá màu vào những chỗ trống và cuối cùng người ta thấy hiện ra một bức tranh tuyệt đẹp do những viên đá có màu sắc khác nhau được xếp cách hài hòa vào đúng vị trí của chúng.

Khi tôi còn phục vụ tại trung tâm CIAM{C}{C}{C}{C}[9] bên Rôma, vào mùa hè tôi thường được mời đến cộng tác trong các khóa Thường Huấn hoặc hướng dẫn Tĩnh tâm ở các nước khác nhau. Có những năm, lời mời đến từ hai quốc gia, với khoảng thời gian cách nhau khá dài. Sau đó, có một lời mời mới rơi vào đúng thời điểm còn rảnh giữa hai lời mời trước và như cứ thế chương trình mùa hè được sắp đặt ăn khớp với nhau. Điều này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các mùa hè. Tôi xác tín có “Ai Đó” kín đáo xếp đặt cách nhiệm mầu tất cả chương trình mùa hè cho tôi.

Kinh nghiệm sống này không chỉ giới hạn trong những chương trình mùa hè, mà cũng xảy ra cho những chương trình quan trọng hơn liên quan đến hướng đi cuộc đời tôi.

Cuối năm 2005, Đức Hồng y Ivan Dias được bổ nhiệm làm Bộ Trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân Tộc. Lúc đó, tôi đang là Giám đốc trung tâm CIAM và Giám đốc Văn Phòng Phối Kết công việc Mục vụ cho người Công giáo Việt Nam ở Hải Ngoại, cả hai trách vụ tôi đảm nhận đều trực thuộc Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân Tộc.

Đến năm 2007, Đức Hồng y Ivan Dias đã có những quyết định ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời của tôi. Đó là việc đóng cửa Văn phòng Phối kết và chuyển trung tâm CIAM từ vị thế trực thuộc Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân Tộc sang tổ chức trực thuộc Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo. Vì những quyết định trên, Đức Hồng y Ivan Dias đã chuyển tôi sang Học viện Urbano với chức vụ Linh hướng Trưởng trong khi vẫn còn giữ các chức vụ và công việc tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana của Bộ.

Năm 2009, do lời mời của Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục giáo phận Xuân Lộc, Đức Hồng y Ivan Dias cho phép tôi bỏ công việc tại Rôma về làm Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc.

Quyết định của Đức Hồng y Ivan Dias đã gây ra nhiều đau khổ cho tôi. Tôi đau khổ không chỉ vì phải bỏ các chức vụ đang nắm giữ, mà còn vì mất phương hướng, mù mịt về viễn tượng của tương lai, bỏ dở dang các dự tính đang nuôi dưỡng trong lòng. Bao nhiêu người đang nương tựa vào tôi, nhưng bây giờ tôi không còn phương tiện để trợ lực, giúp đỡ. Nỗi đau của tôi lúc đó có thể sánh ví như nỗi đau của con gà bị vặt lông khi còn sống… Những cảm nghiệm tương tự còn tái diễn nhiều lần trong cuộc sống, tuy hoàn cảnh và những con người liên hệ có khác nhau. Ai không ở trong những hoàn cảnh tương tự, khó có thể hiểu được những cảm xúc tôi trải nghiệm trong những lúc đó. Dầu sao, nhờ ánh sáng và sức mạnh của ơn Chúa, nhờ sự cậy trông vào Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse, tôi sớm tìm được sự bình an trong tâm hồn và có khả năng thánh hóa những nỗi khổ đau đó để dâng lên Chúa như Của Lễ Tình Yêu.

Trải qua những bấp bênh, đau khổ trên dòng đời, trong sự tin tưởng phó thác cậy trông vào Chúa và Đức Mẹ, những trải nghiệm như thế lại trở thành ơn phúc vì nhờ đó, tâm hồn tôi được thanh luyện cho thanh thoát hơn và đức tin trở nên cứng cáp hơn. Cũng nhờ những kinh nghiệm này, tôi hiểu được bằng tim óc, thấm vào tận xương tủy, lời của thánh Phaolô: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.” (Pl 3,7-9).

Để cho lời thánh Phaolô thẩm thấu tới tận tâm can, cần phải vật lộn với chính mình, vì có những sức mạnh tự nhiên sẵn sàng dấy lên, làm mờ con mắt đức tin.

Khi về điều hành Đại Chủng viện Xuân Lộc và gẫm suy trong thinh lặng, tôi mới khám phá ra những sự việc đã xảy ra trước đây lại do chính Chúa sắp đặt. Thời gian 2 năm sinh hoạt tại Học viện Urbano, với những kinh nghiệm tôi học được trong chức vụ Linh hướng Trưởng, nhất là khi tôi được chung sống và trao đổi với quý cha trong Ban Giám đốc về các chủng sinh và đời sống của Học viện, đã rất hữu ích cho tôi trong việc điều hành Đại Chủng viện Xuân Lộc sau này. Tôi thiết nghĩ, nếu không có những trải nghiệm của hai năm trong Ban Điều hành tại Học viện Urbano, chắc tôi sẽ lúng túng trước một số hoàn cảnh của Đại Chủng viện Xuân Lộc. Ngoài ra, nếu cứ tiếp tục làm Giám đốc trung tâm CIAM và Giám đốc Văn phòng Phối kết, không chắc tôi đã nhận lời mời của Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh về điều hành Đại Chủng viện Xuân Lộc.

Qua những kinh nghiệm đã sống, tôi xác tín tất cả cuộc đời tôi luôn được uốn nắn và dẫn dắt bởi bàn tay quan phòng đầy khôn ngoan và yêu thương của Thiên Chúa. Điều xác tín này đã giúp tôi giữ được sự an bình trong tâm hồn và không bồn chồn hay lo lắng trước các sự kiện xảy ra trong cuộc đời, nhưng tích cực sống trong tâm tình cậy trông tín thác và chờ đợi, vì tin chắc chắn sẽ có “Người Khác” sắp xếp cho mình cách khôn khéo tài tình hơn lòng mong ước. Tự nhiên tôi nhớ đến lời Chúa Giêsu Phục Sinh nói với môn đệ Phêrô: “Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” (Ga 21,18).

Đối với tôi, việc quan trọng nhất trong cuộc đời linh mục và giám mục không phải là đưa ra những chương trình mục vụ hợp thời và thực hiện những việc tốt lành cho Chúa, nhưng là để Chúa hướng dẫn làm việc tốt Chúa muốn và thực hiện chương trình mục vụ theo Thánh ý Ngài. Chỉ như vậy, cuộc đời và hoạt động mục vụ mới đem lại hoa trái, vì đời sống và sinh hoạt mục vụ của Giáo hội có khác chi một dàn nhạc hòa lên một giai điệu du dương của tình yêu Thiên Chúa, gây hứng thú cho lòng người. Trong dàn nhạc đó, có nhiều khí cụ khác nhau, mỗi nhạc công sử dụng một nhạc cụ, nhưng tất cả đều phải theo sự điều khiển của nhạc trưởng để cùng nhau cất vang lên bản hòa tấu du dương và hài hòa. Điều tối quan trọng là tất cả các nhạc công trong dàn nhạc cùng hướng mắt nhìn về nhạc trưởng, “như mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ, như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ, mắt chúng ta cũng hướng nhìn lên Chúa là Thiên Chúa chúng ta, tới khi Người xót thương chút phận.” (Tv 123,2).

 


{C}{C}{C}{C}{C}[1]{C}{C}{C}{C}{C} Di cư vào miền Nam, nhiều giáo phận miền Bắc, trong đó có giáo phận Bùi Chu vẫn duy trì Chủng viện riêng của mình.

{C}{C}{C}{C}{C}[2]{C}{C}{C}{C}{C} Cha Đaminh Vũ Nguyên Thiều là cha nghĩa phụ của tôi, còn cha Antôn Phạm Gia Thuấn là người đưa tôi đi tu. Khi cha Antôn Phạm Gia Thuấn là thầy giúp xứ tại giáo xứ Bùi Chu, tôi còn là em thiếu nhi Thánh Thể. Thầy Antôn khi đó đã thúc đẩy tôi đi tu, nhưng vì còn là Thầy giúp xứ không thể nuôi con, nên Thầy đã trao tôi cho cha Đaminh Vũ Nguyên Thiều là cha anh linh tông của ngài, để nâng đỡ và giúp tôi như cha nghĩa phụ. Khi cha Đaminh Vũ Nguyên Thiều qua đời, tôi coi cha Antôn Phạm Gia Thuấn như Cha nghĩa phụ của tôi.

{C}{C}{C}{C}{C}[3]{C}{C}{C}{C}{C} Khi đi du học bên Rôma, được đọc nhiều sách, tôi mới hiểu là những điều cha Quý giảng là sự kết hợp giữa giáo huấn của cha Matthêô, vị tông đồ quảng bá lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa với truyền thống tu đức Kitô giáo Đông phương. Ngoài ra, cách thực hiện lời nguyện tắt cha Quý dạy là cách áp dụng lời nguyện tắt được diễn tả trong cuốn sách tiếng Nga được dịch sang tiếng Ý với tựa đề “Racconti di un Pellegrino Russo”, tiếng Anh tựa là: “The way of a pilgrim” và lời nguyện tắt trong cuốn sách này là “Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con tội lỗi”.

{C}{C}{C}{C}{C}[4]{C}{C}{C}{C}{C} Cha Edward Schillebeekx là linh mục dòng Đaminh, chuyên viên thần học trong Công đồng Vaticanô II và là cố vấn thần học của ĐHY. Bernadus Johannes Alfrink, Tổng Giám mục Amsterdam, Hà Lan.

{C}{C}{C}{C}{C}[5]{C}{C}{C}{C}{C} Lúc đó chưa có phong trào Nữ giới nên người ta dám nói thế. Sau này, với các phong trào Nữ giới, không nhà khoa học nào dám nói kiểu đó nữa.

{C}{C}{C}{C}{C}[6]{C}{C}{C}{C}{C} Thời đó cón có chức Phụ Phó tế là bước quyết định tiến lên chức Linh mục.

{C}{C}{C}{C}{C}[7]{C}{C}{C}{C}{C} Dân chúng rất cần các nhà thừa sai, sự hiện diện và phục vụ của các ngài là hiện thân của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ và là máng chuyển ơn thánh của Chúa cho mọi người.

{C}{C}{C}{C}{C}[8]{C}{C}{C}{C}{C} P. Gheddo, PIME una proposta per la missione, EMI, Bologna 1989, trg. 131.

{C}{C}{C}{C}{C}[9]{C}{C}{C}{C}{C} CIAM là chữ tắt của Centro Internazionale Animazione Missionaria. Đây là trung tâm linh hoạt truyền giáo của Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các dân tộc.


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...