12/11/2012
3567

 

THƠ CỦA LM GIUSE HOÀNG VĂN ĐOÁN

Trong tập này có 24 bài, gồm những bài mừng thụ phong Linh mục,  tấn phong Giám Mục của Đức Cha Đa minh Nguyễn Chu Trinh, mừng Đức Cha Tô-ma, nhớ ĐGM Giuse Nguyễn Văn Lãng, ĐGM Phaolo-Maria Nguyễn Minh Nhật, mừng Đức Ông Vinc Đặng Văn Tú về TGM. Những bài còn lại là tâm tình đời tu Linh Mục

 Viết về các ĐGM, tác giả khám phá những phẩm chất cao đẹp của những người Cha, ngưởi thầy đã dành cả một đời dâng hiến cho Chúa, cho giáo phận. Sự khám phá này như những bài học nâng đỡ đời tu của tác giả.

Kính nhớ Đức cha cố Giuse, tác giả viết :

“…Cuộc đời cha nên hạt lúa vùi sâu

Làm trổ sinh bao hoa trái nhiệm mầu

Cho giáo phận bội thu mùa gặt mới

Đường cha đi nay đoàn con tiếp nối

Cánh đồng này còn rộng khắp bao la

Cùng chung tay xây hạnh phúc muôn nhà

Được chung hưởng chan hòa mùa Cứu độ…”

                 (Sống Giữa Đoàn Con-Lm Jos Hoàng Văn Đoán)

Viết về Đức cha cố Phaolo-Maria Nguyễn Minh Nhật:

“…Đời cha gương sáng tuyệt vời

Đoàn con dõi bước xây đời chứng nhân

Phục vụ Chúa trọn nghĩa ân

Đắp xây cuộc sống muôn phần yêu thương

                        (Một Đời Phục Vụ)

Mừng 5 năm tấn phong Giám Mục của Đức Cha Đa Minh, tác giả có những vần thơ thật tráng lệ.

Song thập nhất hai ngàn lẻ chin (11.11.2009)

Trời thánh ân phủ kín đàn chiên

Mải mê trăm nỗi kiếm tìm

Năm năm trao đổ con tim tình trời

Vì tình yêu chẳng ngơi thân xác

Cho đoàn chiên đền thác cũng yêu

Đếm sao ân phúc thật nhiều

Kể sao cho hết những điều truân chuyên

Đất Xuân Lộc rộng hơn biển lớn

Tình cha yêu phủ vạn lần hơn

Trao ban chẳng ngại xác thân

Cúi mình phục vụ xa gần đoàn chiên…”

                        (Song thập nhất)

Suy gẫm về đời tu, Lm Hoàng Văn Đoán trọn một niềm tín thác nơi Chúa

Gẫm suy tình Chúa muôn nơi

Con đây. Chúa gọi một đời hiến dâng.

Cho con sống trọn một lòng :

Mến yêu Thánh Giá Tình Nồng Trao Ban”

                        (Một Đời Hiến Dâng)

Thơ của LM Hoàng Văn Đoán chủ yếu là thơ tâm tình chia sẻ, là thơ tự tình của đời Linh Mục tín thác, nhưng cũng nhiều trăn trở, bởi cuộc sống có bao nhiêu gian nan thử thách.

Năm mươi năm…thoáng cuộc đời

Trải bao sóng gió đổi dời trần gian

Thăng trầm một biển gian nan,

Vẫn vui vẫn đợi muôn vàn dấu yêu

Càng đau khổ, càng lớn nhiều,

Lớn trong vấp ngã, trong điều đắng cay

Phận con hèn yếu Chúa ơi…”

                        (Ngọn Nến Cuộc Đời)

Vì là thơ tự tình, thơ suy nghĩ và chọn thể thơ Lục Bát, Song thất lục bát nên cách diễn ý gần với thơ ca dân gian. Đọc giả không nên bận tâm đến những câu thơ mà vần luật chưa thuận, cũng không đòi hỏi sự tìm tòi những tứ thơ mới, bởi tác giả làm thơ là chỉ để thể hiện tâm tình của mình,  tình cảm cất lên bằng hình thức ngôn ngữ có âm nhạc (thơ). Thực ra nếu được trau chuốt câu chữ và tìm được những tứ thơ mới hơn, thơ của Lm Hoàng Văn Đoán có thể có những thành tựu đặc sắc hơn. Những bài như Song Thập Nhất, Nhớ Ai, Hương Sen Dâng Hiến…là những bài của một hồn thơ Hoàng Văn Đoán phóng khoáng hơn, nghệ sĩ hơn

DỌC ĐƯỜNG CỨU CHUỘC

THƠ CỦA THẦY PETRUS DƯƠNG KIM QUỚI

Hầu hết thơ của Petrus Dương Kim Quới (DKQ) trong tập này là cảm nhận về các tập truyện của Song Nguyễn. DKQ đọc những tập truyện này rồi ghi lại cảm nhận của mình dưới dạng thơ. Gọi là cảm nhận bởi đây không phải là phê bình văn chương, cũng không phải là phân tích tác phẩm, mà là những suy nghĩ riêng của tác giả có được từ việc đọc tác phẩm, đối chiếu với những gì mình đã nghĩ suy rồi trình bày thành bài viết (dạng thơ). Như vậy chất chính luận, chất riêng tư là chính. Bạn đọc có thể có những cảm nhận khác với DKQ về các tập truyện này. Nói như vậy để thấy rằng việc tìm kiếm những cảm hứng thơ, khai phá những tứ thơ mới, tìm tòi kiều bút pháp mới là nằm ngoài sự chọn lựa của tác giả.

 Cách viết cuả DKQ là như thế này, trước hết là ghi nhận cho được tên tác phẩm, tên nhân vật và những sự kiện chính, những đặc điểm chính của nhân vật ấy trong tác phẩm, (đây cũng là một trò chơi trí tuệ) sau đó đặt vào một cái khung chung là Lịch Sử Ơn Cứu Độ, từ Adong, Môise, đến Chúa Giêsu. Tác giả suy diễn ý nghĩa của nhân vật, sự kiện hiện tại (trong tác phẩm của Song Nguyễn) theo ý nghĩa của Kinh Thánh từ Cựu ước đấn Tân Ước. Tất cả đều đặt trong cái khuôn suy niệm ấy.

“… Số Phận Người từ hồi, từ thuở…

Thuở Adong nghe lời vợ Eva…

Thuở anh em mặt mày còn chưa đủ,

Thì Abel đã bị giết bởi ghen tuông

Và Cain rong ruổi khắp vạn nẻo đường

Cho cái thuở phận đời không ánh sáng…

…Thuở Noel lên tàu với chim muông…

Hay từ hồi Davit điên loạn giết ai kia…

Hay từ hồi Nazaret thuở xưa ơi,

Bởi mưu sinh nên tất bật như mọi người,

Để thiên hạ mỉa đời con bác thợ mộc

Có gì hay ở cái làng quê cùng cốc..

Số Phận Người từ hồi còn nho nhỏ…

            (Số Phận Người-Cảm nhận về tập truyện ngắn Còn Một Niềm Tin của Song Nguyễn)

 Cách viết này có ý thức mở rộng biên độ tác phẩm của Song Nguyễn ngược chiều lịch sử về Cựu Ước, để giải thích những đau khổ của Phận Người trong bối cảnh hiện tại.

 Để đọc những bài thơ của DKQ viết theo dạng này, người đọc phải đọc kỹ tác phẩm của Song Nguyễn, lại cần có kiến thức về Lịch Sử Ơn Cứu Độ, đặc biệt trong Cưu ước. Nếu không có hai yếu tố này thì người đọc sẽ không hiểu tác giả nói gì, cũng không hiểu tác phẩm của Song Nguyễn nội dung cụ thể viết về điếu gì.

“…Thuở trinh trong THIÊN THẦN ĐẤT đổ máu đào…

       Thuở mộng mơ

             CÁNH HOA ÉP,

                    Bông hồng khô,

                        Thương thương mấy thuở…

VỢ CHỒNG QUYÊN DI, cuộc tình cùng tên họ,

NGƯỜI BẺ GHI chết tức tưởi, không con không vợ,

         Hay rụng rơi,

Thời SA NGÃ, thuở oan khiên ác nghiệt

Mà THỬ THÁCH đoạ đày chốn nhà tu,

Mà lọc lừa suốt một kiếp ‘TARU”…

Mà con bế con bồng trong ẢO ẢNH

Hào nhoáng kia cuối cùng chỉ là đá tảng…

Thuở NGƯỜI TÙ BẢY CHÍN chịu tội thay,

Làm chứng nhân mà chói sang cõi lưu đày!...”

            (Số Phận Người-Cảm nhận về tập truyện ngắn Còn Một Niềm Tin của Song Nguyễn)

 Những chữ in hoa là tên tác phẩm (THIÊN THẦN ĐẤT, CÁNH HOA ÉP, VỢ CHỒNG QUYÊN DI, NGƯỜI BẺ GHI, SA NGÃ,THỬ THÁCH, TARU, ẢO ẢNH,NGƯỜI TÙ BẢY CHÍN). Có sự gượng ép nào đó khi tác giả cố sức để đưa hết tên tác phảm của Song Nguyễn vào thơ, nhưng lại không thể làm rõ nội dung, chủ đề, tư tưởng của tác phẩm và cảm nhận của mình. Khiến cho nhiều câu cảm nhận về tác phẩm của Song Nguyễn không ăn nhập gì với Cựu Ước, cũng chẳng mang được ý nghĩa cảm nhận khám phá riêng nào của DKQ. Thí dụ câu : “VỢ CHỒNG QUYÊN DI, cuộc tình cùng tên họ”chỉ thuần túy giới thiệu tên và nội dung khái quát sơ sài của tác phẩm truyện ngắn VỢ CHỒNG QUYÊN DI.

Xin đọc tiếp

Từ khi chưa có mẹ

Địa đàng như buồn tẻ,

Trong gió chiều hiu hiu…

Từ vườn xanh Eden,…

Ước chi mẹ Eva…

Đừng đưa tay bẻ hái,

Cha Adam đừng ăn trái…

Bao giờ trời rạng tỏ,

Để cùng mẹ Maria

Lên đồi Golgotha

Đưa đôi tay trăm chữ

Ôm Giêsu bàng hoàng,

Bên Thập Giá nức nở,

Không còn than còn thở

Mênh mang như thưở Xuất hành,

Máu Chiên, Biển Đỏ, trời xanh giao hòa…

            (Cảm nhận về tập truyện Những Người Mẹ của Song Nguyễn)

 Rõ ràng là ở bài thơ này DKQ đã không còn đưa tên truyện của Song Nguyễn vào thơ, cũng không có chút hơi hướng nội dung nào, nhân vật nào trong tác phẩm. Bài thơ hoàn toàn là suy niệm, về người mẹ từ Eva đến mẹ Maria, tất cả gom vào một chữ là chữ khổ. Tôi nghĩ, nếu tác giả không đưa ghi chú “Cảm nhận về tập truyện Những Người Mẹ của Song Nguyễn” thì có lẽ bài thơ còn có khả năng đứng được như một bài suy niệm.

 Những điều tồi vừa trình bày là để bạn đọc thấy được cái khó của thể loại viết cảm nhận văn chương bằng thơ mà DKQ đa dấn thân mở đường. Truyện của Song Nguyễn thuộc phương thức tự sự, phản ánh hiện thực rộng lớn trong không gian và thời gian. Thơ thuộc phương thức trữ tình, là dòng chảy tâm trạng. Gói hiện thực trong tâm trạng là việc làm đòi hỏi rất nhiều công sức (như truyện thơ Đoạn Trường Tân Thanh, Lục Vân Tiên, Đoạn Trường Vô Thanh…). Vì thế nếu những bài thơ cảm nhận của DKQ gợi ra được điều gì đó để người đọc tìm được lối đi vào tác phẩm của Song Nguyễn, tôi nghĩ là đã thành công. Không thể đòi hỏi một bài cảm nhận tác phẩm bằng thơ như một bài văn xuôi phê bình tác phẩm. Hai thể loại này hoàn toàn khác nhau. Và như thế, những bài thơ của DKQ đã có những đóng góp riêng và mới lạ hơn về tác phẩm của Song Nguyễn so với cách viết cảm nhận bằng văn xuôi như bạn đọc thường gặp.

 Điều thú vị ở những bài cảm nhận của DKQ là cảm hứng thơ dào dạt, bút lực mạnh mẽ, ngôn ngữ thơ phong phú, tri thức văn hóa giàu có, và không ít bài, ngòi bút DKQ đã lấp lánh nét tài hoa (Xin Dâng, Một Nhà…)

THANH HƯƠNG

 Đọc những bài thơ của Thanh Hương, tôi thật thú vị ở phẩm chất thi sĩ đậm nét trong ngôn ngữ và cách thể hiện những suy nghĩ cảm xúc của chị. Bài Cánh Chuồn Quê Hương có dáng dấp dân dã của Nguyễn Bính, nhưng có những nét rất riêng của Thanh Hương, và có cái tình rất đậm. Câu chữ đơn sơ nhưng có sức lay động sâu xa hồn quê trong lòng mỗi người đọc.

Chuồn ơi ai bảo chuồn bay!

Đem về giông bão gió mây kín trời

Lúa mùa Mẹ trải sân phơi

Lom khom nhặt hạt nửa vời ủ ê

Chuồn bay chuồn rủ mưa về

Để cô thôn nữ chân quê lấm bùn

Tranh nghèo gió thổi tro mun

Lấp xa lấp xấp nước bùn như mương

Bắp khoai để cả lên giường

Củi khô mẹ cất, tóc hong chẳng đành

Mưa nhiều trắng cánh đồng xanh

Mai này không có cái dành để ăn…”

                        (Cánh Chuồn Quê Hương )

 Thơ Thanh Hương đằm thắm, chân tình và giàu hình ảnh, âm nhạc. Những bài thơ chị viết về đề tài tôn giáo, về những suy niệm tâm linh, đối với người Công Giáo rất quen thuộc, nhưng Thanh Hương vẫn tìm cho mình được một cách nói gây được sự chú ý của người đọc. Các bài : Ngợi Ca Các Thánh Tử Đạo, Về Mẹ La Vang, Lối Hẹp …là những bài thơ hay cả về tình ý, lời và nhạc.

 Điều đáng quý là Thanh Hương đã khai thác đề tài đời thường, khám phá Tin Mừng trong đời thường, đem thơ ca Công Giáo về với đời như chính Tin Mừng cần trở thành muối men cho mọi cảnh đời.

Tôi được mời đi dự cuộc vui chơi

Để thấy muôn hương sắc cuộc đời

Có những xa hoa chưa bao giờ được biết

Có những hưởng dùng, thật bỡ ngỡ chơi vơi

Con người phải sống giữa thăng trầm điểm xuyết

Để thấy đời cần đốt một que diêm

Để xua đi bao bóng tối buồn phiền

Để khát vọng ta là men, là muối

Đi giữa thăng hoa chợt thấy mình lạc lối

Dấu ấn Tin Mừng còn mờ ảo xa xôi

Vì những tranh đua còn đầy dẫy bên đời

Nghe khao khát chút tình người chân thật!

Cứ tưởng mình được, hóa ra lại mất

Bởi những nghĩ suy còn khép kín với người

Lòng ích kỷ ngỡ mình sống tinh khôi

Và rụt rè không vượt lên mặc cảm…

Đi để biết suy tư trong khát vọng

Chúa mãi là gia nghiệp con ước mong.

                        (Đi…Để Biết)

Tôi tin rằng nếu Thanh Hương tiếp tục hành trình sáng tạo với sự tìm kiếm chất liệu, cảm xúc và suy tư ngay trong đời thường để khám phá Tin Mừng, với mạch thơ giàu hình ảnh, cảm xúc, và với giọng thơ đằm thắm trong những suy tư vừa dung dị vừa sâu sắc, chị sẽ còn gặt hái được nhiều bài thơ hay cho đời và cho thơ ca Công Giáo.

NGỌC KHÁNH

 Ngọc khánh là tác giả chuyên nghiệp trong những tác giả dự thi giải thưởng Văn Hóa Nghệ Thuật Đất Mới 2011. Chị là Hội viên Hội VHNT Đồng Nai nhiều năm, thuộc bộ môn thơ. Ngọc Khánh đạt giải nhất truyện ngắn giải thưởng Văn Hóa Nghệ thuật Đất Mới 2011. Những bài thơ trong tập này là một khía cạnh nghệ thuật khác của chị.

 Đặc sắc nhất là các bài cảm nhận về tập truyện Đồng Hành và tập truyện Đất Mới của Song Nguyễn. Những bài viết này chuẩn về phương pháp thể loại, đồng thời có cái nhìn rất riêng, rất cụ thể và rất sâu sắc về tác phẩm. Lối viết của Ngọc Khánh tự nhiên, mạch cảm xúc tuôn tràn cùng với những nghĩ suy chân thành sâu sắc về đức tin. Ngọc Khánh thuật lại chuẩn xác cốt truyện, cảm nhận được từng chi tiết nghệ thuật của tác phẩm và khám phá được chủ đề giàu tính nhân văn của tác phẩm Song Nguyễn.

Người đọc có thể nhận ra sự đồng cảm sâu sắc của mạch thơ Ngọc Khánh với những sự việc, số phận của nhân vật và thông điệp nghệ thuật của Song Nguyễn. Có một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương thức tự sự và phương thức trữ tình trong những cảm nhận của Ngọc Khánh khi vừa thuật lại câu chuyện, vừa bày tỏ suy nghĩ cảm xúc. Lý trí tỉnh táo của tư duy khoa học không lấn át những sắc màu nghệ thuật của tư duy hình tượng cảm tính, vì thế đọc những bải cảm nhận của chị thật thú vị, nhất là những độc giả đã đọc kỹ tác phẩm của Song Nguyễn, sẽ thích thú khi thấy Ngọc Khánh nhắc đến những chi tiết rất “đắt” của truyện, thí dụ, chi tiết nước sinh hoạt đục lờ đờ nơi cha Phương Toàn sinh sống.

Xin đọc một đoạn Ngọc Khánh thuật lại Đất Mới và cảm nhận của chị về Lm Phương Tòan và đánh giá nghệ thuật của Song Nguyễn

“…Bước lữ hành, bao gian nan chờ đợi

Sốt rét rừng không có đủ thuốc men

Nhà đơn sơ hiu hắt bóng ngọn đèn

Nước sinh hoạt đục lờ bao bệnh lạ…

Nhà thờ cháy thành than trong lửa đỏ

Voi rừng về phá xóm ấp tan hoang

Bão Kiala quét sạch cả mùa màng

Lên đồi vàng, bao nhiêu người sa ngã

…Cơn sốt rét lại gây bao nghiệt ngã

Đành phải xa đàn chiên một thời gian

Lòng đau cắt trong phó thác vô vàn

Đường Chúa dắt vẫn luôn là cơ hội

Chúa thử lòng , Chúa lại ban  Đất mới

Cộng đoàn rời miển đất trũng Cây Da

Lên vùng cao, dựng lại ấp, xây nhà

Xứ Tân Hữu vùng tốt đời đẹp đạo…

Ba tập sách chứa chan bao tâm huyết

Truyện kể hay, văn trong sáng nhẹ nhàng

Thu hút người theo tiếng vọng âm vang

Khơi gợi lên bao suy tư mơ ước.

Trong xu thế đi lên của đất nước

Nhiều cộng đoàn đang nỗ lực dựng xây

Như Tân Tường, như Mỹ Hội hôm nay

Thật tự hào cũng có người cha tốt…”

Tôi tin rằng những ai chưa đọc Đất Mới sẽ bị bài thơ của Ngọc Khánh “cám dỗ” phải tìm đọc cho được bộ tác phẩm sử thi này. Bởi Ngọc Khánh đã gợi ra được cái hay cái đẹp của tác phẩm, của nhân vật và văn chương Song Nguyễn

Ở những đề tài thơ đời thường khác, Ngọc Khánh cũng có được cái nhìn Nhân Văn Công Giáo về những vấn để xã hội mà chị quan tâm. Xin chia sẻ tâm tình với Ngọc Khánh khi một người học trò của chị phải nghỉ học vì gia cảnh lâm vào tình trạng thê thảm

Tôi tự trách mình vô tâm, bình thản

Giáo án tôi đẹp đẽ ước mơ đời

Đâu biết rằng trong số học trò tôi

Có những em phải giã từ trường lớp

Cảnh nhà nghèo, bao gian nan khó nhọc

Trên ao sen thơm em vất vả sớm chiều

Sau ngày khai trường, cha mất, mẹ đau

Gió lạnh thổi, hạt mưa buồn phiêu bạt

Từ khi em không còn trong lớp học

Bài giảng tôi đâu chỉ có niềm vui!

Giáo án tôi, chân thật những trang đời

Số phận con người, ưu tư cuộc sống

Tôi mong em giữ được niềm hy vọng

Mỗi bước đường thêm vững một niềm tin

Dù mùa đông còn những áng mây buồn

Nắng vẫn ấm, đợi chờ mùa xuân đến

            (Nhớ người học trò nghèo nghỉ học)

Thật cảm động tấm lòng nhà thơ với người học trò nghèo của mình. Một nỗi buồn mênh mang những vẫn chứa chan hy vọng. Bài thơ tường thuật sự những việc không vui, nhưng bỗng nhiên, sáng lên một tứ thơ rất hay

Cảnh nhà nghèo, bao gian nan khó nhọc

Trên ao sen thơm em vất vả sớm chiều

Sau ngày khai trường, cha mất, mẹ đau

Gió lạnh thổi, hạt mưa buồn phiêu bạt

Đọc đến những dòng này, bạn đọc hẳn có thể hình dung được các khuôn mặt thơ và những đặc sắc sáng tạo của họ khi tham dự giải thưởng Văn Hóa Nghệ Thuật Đất Mới. Tuy giải thưởng chưa thật phong phú, song những gì đã đạt được hứa hẹn những  mùa gặt mới, và điều này mới thật là triển vọng, những tác giả đến sau không dễ có thể vượt qua được về mặt nghệ thuật và tư tưởng của các tác giả trong tuyển tập này. Tất nhiên tài năng là không có giới hạn và không thể so sánh. Thơ Đường có cái hay của kiểu thơ trí tuệ thì ca dao có cái hay của nghệ thuật dân dã. Chúng ta chờ một mùa Văn Hóa Nghệ Thuật Đất Mới khởi sắc đang mở ra…

Tháng 03.2012


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...