26/10/2021
1205
       Mặt trời đang dần xuống núi. Gió thổi nhè nhẹ. Tuân mệt nhọc vào nhà sau một ngày vất vả trong rẫy với ba mẹ và các anh. Làng quê nghèo của Tuân sống bằng nông nghiệp và chăn nuôi. Đang nghỉ hè nên anh em Tuân đi với ba mẹ vào rẫy mỗi ngày.
Tuân là con kế út. Nhà có 5 chị em. Chị gái đầu và 4 anh em trai. Từ nhỏ, mấy anh em Tuân đã quen sống tự lập và làm việc nhà. Mấy anh em đều thành thạo nấu cơm, rửa chén, quét nhà, giặt giũ…. Ba mẹ đi làm trong rẫy đến tối mịt mới về, ngày nào cũng vậy.
Để gia đình đỡ phần túng thiếu, ba Tuân đã mượn tiền mua hai con bò, một mẹ một con. Cũng từ dạo ấy anh em Tuân phải vất vả hơn. Đến lượt thả bò, Tuân cho bò đi theo xe bò của ba mẹ vào trong rẫy cho bò ăn cỏ. Đến chiều thì cùng về chung một lần. Bò con nào con nấy no căng. Một năm, hai năm rồi ba năm…. Bò mẹ đẻ ra bò con, đàn bò ngày một tăng lên. Đời sống gia đình ngày một ổn định. Anh em Tuân được đến trường, không ai phải bỏ học.
       Từ nhỏ, anh chị em Tuân đã được cha mẹ đưa tới nhà thờ đọc kinh với mọi người. Mấy anh em Tuân được ông bà nội thương yêu và chỉ dạy cho nhiều điều. Tuân luôn nhớ mãi những lúc đọc kinh với ông bà nội mỗi buổi tối trước khi ngủ và sáng khi mới thức dậy. Làng quê Tuân thay da đổi thịt từ khi có cha xứ. Cha xứ về, ngài xây dựng rất nhiều. Đầu tiên là con đường làng được đổ sỏi. Cha xứ quan tâm tới đời sống tinh thần và vật chất của bà con giáo dân. Chị em Tuân học hết cấp 1 rồi tới cấp 2. Anh em thay nhau, một buổi đi học, một buổi thả bò. Ngày tết cũng như ngày thường. Khổ nhất là những ngày chăn bò gặp mưa hay vô tình để bò ăn đồ của người ta, bị người ta đánh. Trời mưa tầm tả. Vừa mưa vừa sấm sét. Đã hai ngày rồi mà mưa vẫn chưa ngớt. Hôm nay tới lượt Tuân phải thả bò. Đang ngồi lo lắng về kế hoạch thả bò dưới cơn mưa tầm tả thì có người đội nón lá bước vào. Đó là Hùng, bạn Tuấn đến rủ đi thả bò. Hai đứa rất thân nhau. Hai đứa bàn bạc rồi đi. Muốn tới chỗ cho bò ăn thì phải đi qua một cái cầu bằng gỗ bắc qua con sông Dinh uốn lượn chừng 2km chạy dọc theo chiều dài của làng quê Tuân. Đến nơi, trời vẫn mưa. Bò không con nào chịu ăn cỏ, chúng cúi đầu đi để tránh mưa. Hai đứa phải chạy đuổi bò. Đàn bò của hai đứa gộp lại cũng gần ba mươi con. Để đỡ buồn, hai đứa vừa thả bò vừa tán gẫu. Quá 12 giờ trưa một tí, thấy đói bụng, hai đứa cho bò dần ra về. Một tiếng “rầm…” rất lớn. Dòng nước lũ cuốn trôi cái cầu. Nước bao phủ cả lối đi. Đồng ruộng hai bên bờ giờ chỉ còn toàn nước là nước. Nước sông cuốn trôi tất cả những gì cản đường nó. Hai đứa không thể nào về được. Vì trời còn sớm nên hai đứa lùa bò vào lại trong rừng để tìm cách giữ bò lại và tìm cái gì đó nhét vào bụng. Sau khi làm rào nhốt bò lại, Hùng và Tuân trở lại chỗ cầu. Nước sông càng ngày càng dâng cao. Người đi làm về một lúc một đông hơn. Mọi người đều mắc lại bên này vì không có cầu để về. Ai cũng có vẻ lo lắng. Họ tập trung vào những căn chòi gần đó để ở lại qua đêm và nấu cơm với ít gạo còn lại. 
       Hùng và Tuân dìu nhau đi lên rẫy nhà Hùng cách đó không xa. Khi lên tới nơi thì căn chòi đã đầy người tập trung lại đó. Mấy người bẻ băp nướng để ăn cho đỡ đói. Mọi người ăn bắp xong thì trời đã tối hẳn, không còn thấy đường nữa. Có thấy cũng chỉ loáng thoáng qua ánh lửa bập bùng trong đêm.
Nghe tiếng nước chảy ầm ầm dưới sông, Tuân không khỏi lo lắng. Khoảng 2 giờ sáng, Hùng rủ Tuân đi kiểm tra đàn bò xem sao, nhưng chẳng thấy con bò nào ở trong chuồng cả. Hai đứa lại đi tìm bò. Gần 5 giờ sáng, chúng mới lùa được bò về chỗ cũ và rào lại cẩn thận.
       Mọi người tỉnh giấc sau một đêm dài đói và lạnh. Đã tạnh mưa, mặt trời bắt đầu ló dạng. Hai đứa vào mở bò cho đi ăn. Nước sông đã hạ thấp hơn nhiều so với ngày hôm qua. Trời lại dần về chiều. Tuân đang lê những bước chân tuyệt vọng. Bỗng dưng Tuân thấy một chiếc máy bay trực thăng cứ bay thấp dần. Xa xa, Tuân thấy mọi người tụm năm tụm bảy ăn cái gì đó. Thì ra đó là chiếc trực thăng của quân đội đi cứu đói cho những người bị lũ lụt. Thấy Tuân tới, mọi người đưa cho cậu mấy gói mì tôm. Tuân đi tìm Hùng và đưa cho Hùng hai gói mì tôm. Ăn mì tôm xong thì cảm thấy đỡ hơn phần nào.
       Sau khi đã nhốt bò lại cẩn thận vào chỗ mà hai đứa đã làm hôm qua. Hùng quyết định vượt sông về. Cùng vượt sông về còn có hai người khác nữa. Vì đang còn nhỏ nên Tuân không dám liều mạng với tử thần. Tuân trở lại căn chòi và ở lại với những người chưa thể nào về được.
Trời đang dần về chiều. Cảm giác hoang vu của rừng núi lại bắt đầu lùa về. Gió bắt đầu rít từng cơn lạnh. Suốt đêm Tuân thức trắng vì lạnh và đói. Đêm nay Tuân cảm thấy yêu thương mọi người trong gia đình biết bao. Mẹ Tuân là một người hiền từ, nhân hậu, hết lòng lo cho các con. Cha của Tuân là một người nông dân hiền lành, chịu thương chịu khó. Hình ảnh người thân cứ lần lượt trở hiện đến trong ký ức của Tuân. Một đêm nữa lại trôi qua. Ngày mới băt đầu. Tuân lê dần những bước chân xuống phía gần đường xe bò. Cậu ngồi một bên đường với một thân thể rã rời, đói lã. Mắt vẫn mở lim dim nhìn trời. Thế rồi cậu chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết. Cậu thấy Hùng cõng mình trên lưng vượt qua sông về nhà. Thì ra là một giấc mơ. Hai đứa gặp nhau trong hai trạng thái khác nhau. Tuân thì đói lã, còn Hùng thì đã ăn cơm và lại sức. Hùng nói: Mọi người trong nhà lo lắng cho bạn lắm. Ba của bạn đang trên đường qua đây. Bạn ráng đợi tí nhé. Mình biết là giờ thì bạn đang rất đói và mệt. Cứ nằm ở đây, mình sẽ đi tìm bò. Mặt trời lên cao hơn một tí, Tuân cứ ngong ngóng chờ đợi. Một lát sau, Ba đưa cơm qua cho Tuân. Bữa cơm đạm bạc giữa rừng vắng, chỉ có miếng trứng chiên và ít đồ xào. Thế mà Tuân có cảm giác như là bữa cơm ngon nhất thế gian từ trước tới nay mà cậu được ăn. Vừa ăn vừa hỏi thăm tình hình của mọi người ở nhà. Ba nói: ở nhà ai cũng lo lắng cho con.
Sức khỏe của Tuân dần được phục hồi. Sau khi ăn xong thì ba ra về. Nhìn dáng đi của ba mà Tuân cảm thấy thương ba hơn lúc nào hết. Tuân lại đi tìm Hùng và hai đứa lại thả bò cùng nhau. Khi nước sông đã trở lại bình thường thì mọi người trở lại cuộc sống thường ngày của mình. Tuân và Hùng thì làm chuồng và để bò lại bên này sông. Hai đứa đưa thực phẩm qua ở luôn bên này để đi thả bò.
Sau trận lũ, các ruộng lúa hai bên bờ sông giờ không còn nữa mà chỉ thấy toàn bùn với bùn. Một lớp phù sa dày đặc đã phủ lên những đám ruộng. Bao nhiêu lúa và hoa màu đều không còn nữa. Cầu không có nên ảnh hưởng khá nhiều tới đời sống của người dân trong làng. Cha xứ nghĩ ra một cách. Ngài mua những thùng nhựa lớn về ghép lại thành bè, móc vào dây cáp nối từ bên này sông qua bên kia sông. Có ba cái bè được ghép như vậy. Mỗi cái chở một lần được khoảng 20 người. Thế là cuộc sống của mọi người dần đi vào ổn định. Cứ mỗi buổi sáng, mọi người chờ nhau qua sông để làm việc mình cần phải làm. Không khí hai bên bờ sông nhộn nhịp, tấp nập vào mỗi buổi sáng và buổi chiều. Sau gần một tháng sống ẩn dật với đàn bò thì hai đứa phải chia tay nhau. Ngày tựu trường đã tới. Tuân và Hùng trở về với mái trường và sách vở.
***
         Thời gian trôi qua, Tuân học hết cấp hai rồi lên cấp ba, nhưng cả mấy anh em vẫn gắn liền với mấy con bò. Nhiều bữa lớp tổ chức đi chơi mà không thể nào đi được. Vì thế mà Tuân có ít bạn ở trường. Một buổi đi học còn một buổi đi chăn bò. Buổi tối thì làm bài tập, còn buổi ngày thì học bài trên lưng bò. Chị em Tuân ngày một lớn lên thì ba mẹ Tuân ngày một già đi.
Càng lớn, cái nhìn về thế giới xung quanh của Tuân càng khác đi. Thế giới nội tâm của Tuân đang ngày một thay đổi. Người ta nói tuổi mười sáu là tuổi khó bảo.
Bạn của Tuân là mấy đứa trong xóm. Cùng giúp lễ với nhau trên nhà thờ. Tuân lớn nhất trong nhóm. Nhóm có năm đứa, có tên là T4K. Tuân đang học lớp mười, Thuận đang học lớp tám, Tinh, Thông và Khoa đang học lớp chín. Nhà không xa nhau lắm. Mỗi ngày chúa nhật tới phiên Tuân chăn bò thì cả năm đứa cùng đi. Khi đi thì đưa theo gạo và nồi để nấu cơm ăn. Có bữa thì đưa cần câu để câu cá. Tình thân của cả nhóm ngày càng gắn bó. Đi đâu cũng có cả nhóm mới đi.
Kinh tế của người dân có khá hơn. Sáng sáng, mọi người đánh xe bò đi làm và chào nhau những câu chào xã giao quen thuộc. Chiều về, mọi người trong từng gia đình lại quây quần bên mâm cơm đạm bạc nhưng đầy tình nghĩa yêu thương gia đình. Sau giờ cơm gia đình thì mọi người đến nhà thờ đọc kinh. Hầu hết mọi người trong làng đều biết mặt nhau. Từ nhỏ đến lớn, từ già đến trẻ.
Mỗi buổi chiều về, ánh mặt trời vẫn le lói qua những tàu lá dừa quen thuộc. Những lần đi nhà thờ, đi học và đi chơi cùng nhau đã thắt chặt thêm tình thân giữa đám bạn của Tuân. Giờ học bài ở nhà thưa dần, giờ đây chỉ có bạn bè là trên hết. Thế rồi kết quả học tập ngày một sa sút. Đi hoài nên thành thói quen, bữa nào mà ở nhà là không chịu được, thế là cả đám bạn rủ nhau tối tối lại tập trung đi chơi, đi uống café, có bữa lại rủ nhau đi nhậu nữa. Tuân cũng tập tành hút thuốc từ đó. Tuy ra ngoài với bạn bè thì hút, nhưng về nhà vẫn sợ ba nên không dám hút công khai.
Khi Tuân bước vào năm cuối cấp ba, vẫn tính nào tật nấy tuy có đỡ hơn đôi chút nhưng kết quả vẫn không khả quan lắm. Mặc dù hay đi chơi với bạn bè vậy nhưng mỗi khi về nhà thì Tuân lại làm hết công việc nhà, từ quét dọn, nấu cơm, rửa chén…. Nhiều lúc chính cậu cũng cảm thấy mình có sự thay đổi quá nhiều. Đôi khi lại muốn thoát ly khỏi gia đình để sống tự do, không phải lệ thuộc vào ai cả. Không phải làm phiền cha mẹ và các anh. Có lẽ đó cũng là suy nghĩ của nhiều thằng thanh niên đang tuổi lớn như Tuân. Có những đêm Tuân không thể ngủ được vì những suy nghĩ vớ vẫn ấy.

Ảnh Minh Họa
***
Như mọi ngày, hôm ấy đi học về, tự nhiên Tuân muốn đi thật nhanh về nhà. Tuân cũng chẳng biết lý do gì. Ba Tuân đi thay dòng bò trong rẫy chưa về. Mẹ Tuân thì có vẻ lo lắng. Lúc mặt trời đã khuất bóng, anh em mới bắt đầu lo lắng đi tìm. Sau một lúc lấy lại bình tĩnh, anh của Tuân kể lại sự việc. Xe đạp ba đi thì đang để trong chòi, gói thuốc ba hút thì còn 19 điếu, có nghĩa là mới hút có một điếu, áo ngoài ba mặc thì nằm ở giữa chòi, bò thì chưa thay dòng con nào ( vì hôm qua thằng em họ của Tuân đi thay dòng nên biết con nào ở vị trí nào). Giờ phải làm sao? Chuyện gì đã xảy ra với ba? Tìm ư? Tìm đâu bây gi? Anh rể và Tuân về kêu thêm người, còn anh trai và thằng em họ thì ở lại chờ đợi.
Về tới nhà đã gần 10 giờ tối. Tuân nhờ được hơn 15 người thanh niên trong làng đi tìm ba trong đêm. Mọi người tìm hết mọi ngõ ngách trong rẫy. Nhưng tìm mãi mà chẳng thấy đâu.
Trước chòi nhà Tuân có hai cái giếng nước và một bàu nước khá rộng. Cái bàu nước hình thành do bom thời chiến tranh. Giữa bàu có một vài giếng nước âm do ba của Tuân đào để lấy nước tưới laghim vào mùa khô. Nước trong bàu chỉ ngang lưng quần và mặt nước đã được phủ đầy cây lục bình. Không hiểu sao, từ lúc mới vào Tuân cứ muốn xuống phía dưới tìm trước. Khi ở trên khô đã tìm hết mà không thấy thì mọi người bắt đầu xuống phía dưới tìm. Một lát sau, có người thấy một đôi dép của ba Tuân ở phía bên kia bàu nước. Đôi dép nằm hướng quay xuống hồ. Cách bờ, chỗ gần đôi dép có một cái giếng âm khá sâu. Mọi người bảo Tuân lặn xuống xem sao. Lúc này đã hơn hai giờ sáng. Tuân lặn xuống giếng nước không một chút lưỡng lự. Tuân trồi lên, cố gắng hơn và lặn tiếp lần hai. Lần này, khi vừa xuống gần đến đáy, ngón chân cái của Tuân chạm vào một cái gì đó nhè nhẹ. Tuân hét lên một tiếng và ngất xỉu luôn dưới giếng, toàn thân như mất hết cảm giác. Lúc tỉnh lại thì Tuân đã thấy mình ở trên bờ. Mọi người đã đưa ba lên và đang đọc kinh. Ba Tuân được đưa về nhà lúc 3 giờ 15 sáng. Ba đã ra đi nhưng không ai biết là ba của Tuân đã xuống đó từ lúc nào và tại sao lại xuống đó. Sáng hôm sau Tuân không đi học được. Sự ra đi của ba đã để lại trong lòng Tuân, trong gia đình Tuân, trong lòng những người thân và những người hàng xóm quen thuộc một nỗi buồn vô tận. Tuân xin mẹ nghỉ học. Ngày ngày Tuân chở rau xuống chợ bán, vì mẹ bệnh không đi được. Ngày đầu xuống chợ bán Tuân cảm thấy xấu hổ và mắc cỡ làm sao. Suốt buổi chỉ cúi gầm mặt không dám ngẩng đầu lên. Sau một vài bữa thì quen dần. Tuân hay cân thêm một ít, cho những người cậu thấy đáng thương. Khi mẹ Tuân khỏe lại thì Tuân không phải đi chợ bán rau nữa.
Cậu xin đi phụ xe tải. Khi đi làm thuê làm mướn mới thấy được nỗi khổ. Nhiều bữa mệt rã rời mà không được nghỉ. Đến lúc nhận được tháng lương đầu tiên thì Tuân không cầm được nước mắt. Vì đồng tiền được đánh đổi bằng mồ hôi của chính mình thì mới biết trân trọng. Khi về đến nhà, Tuân khoe ngay với mẹ. Mẹ Tuân cũng thấy vui lắm. Tuân đưa cho mẹ hai phần ba số tiền lương đã nhận được. Số còn lại, cậu mua cho em trai bộ đồ và một bộ cho mình, còn lại một ít thì cậu mời nhóm bạn đi uống cà phê. Đi phụ xe được một thời gian thì Tuân xin nghỉ vì lý do sức khỏe. Tuân đã có kế hoạch cho riêng mình là xin mẹ đi học nghề nơi một người quen. Thế là Tuân chỉ chờ tới ngày lên đường thực hiện ước mơ của mình mà thôi.
Tới ngày đã định, Tuân xếp đồ sẵn sàng. Không hiểu sao Tuân lại thay đổi quyết định của mình. Tuân muốn xin mẹ đi học lại lớp 12. Bước vào năm học, Tuân không còn đi chơi như trước nữa. Đi học xong là về nhà để làm việc nhà, đi chăn bò. Anh của Tuân thì đang học đại học. Em trai thì đang học 11. Một mình mẹ Tuân phải lo cho ba anh em ăn học. Vì đã cảm nếm được sự vất vả để làm ra được đồng tiền nên Tuân rất tiết kiệm trong việc tiêu xài cá nhân. Cả mấy anh em cũng đều như vậy.
Tuân còn tham gia các đoàn thể sinh hoạt trên nhà thờ như Huynh trưởng, giáo lý viên và còn tham gia rất nhiệt tình. Ngoài giờ học ở trường và phụ mẹ những công việc ở nhà thì Tuân còn dành ra những lúc rãnh rỗi để học hỏi kỹ năng sinh hoạt thiếu nhi. Tuân như bị cuốn hút vào công việc mới này. Cậu luôn tìm mọi dịp để trao dồi khả năng sinh hoạt. Những buổi sinh hoạt thiếu nhi và tham gia đoàn thể đã dần thay đổi con người Tuân. Tuân trở nên năng động hơn trước, sống vui hơn trước. Nhiều người nói với Tuân rằng: “ học xong 12 đi tu đi” Tuân chỉ cười. Thời gian cứ dần trôi qua, và kỳ thi cuối cấp cũng đến. Người Tuân như vỡ òa khi thấy tên mình kèm theo chữ ĐỖ ở sau. Cảm giác vui sướng biết bao. Tuân chạy về nhà báo cho mẹ. Tuân chợt nhớ lại có người đã nói với mình: “ học xong 12 đi tu đi”. Tuân cứ suy đi nghĩ lại lời nói ấy. Và Tuân bắt đầu cầu nguyện để lắng nghe tiếng Chúa trong sâu thẳm linh hồn mình. Hôm sau, Tuân lên gặp cha xứ trình bày ý định muốn thi vào Chủng Viện giáo phận. Cha xứ rất vui. Ngài làm thủ tục và giấy tờ cho Tuân được tham gia kỳ thi. Có 86 thí sinh tham gia kỳ thi mà chỉ lấy có 30. Tuân đậu vào Chủng viện với điểm khá cao. Từ khi biết mình đậu vào Chủng viện giáo phận, Tuân cảm nhận đó là một hồng ân nhãn tiền Chúa đã ban cho mình. Tuân ngước mắt lên trời cám tạ ơn Chúa, và thầm cám ơn ba mẹ, cám ơn cuộc sống đã hun đúc nên nên con người Tuân hôm nay. Từ đây, Tuân đã có Chúa dẫn đường, Người sẽ dẫn đưa Tuân đến đồng cỏ xanh và suối nước ngọt lành. Tuân sẽ không chăn bò nữa. Chúa sẽ giao cho Tuân chăn đắt đoàn chiên của Người. Sẽ còn gian nan hơn những ngày đã qua, nhưng Chúa là đường, là sự thật và là sự sống. Chúa là cội nguồn bình an của Tuân. 
***

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...