05/07/2021
684

Tác giả Giuse Nguyễn Minh Trí
Tác giả
Giuse Nguyễn Minh Trí
    Giáo Phận Ban Mê Thuột

          Vạt nắng chiều héo hắt dọi vào ô cửa kính của ngôi nhà thờ tĩnh lặng. Khẽ gấp cuốn Kinh Thần Vụ, vị linh mục bước lên cung thánh và phủ phục trước Thánh Thể Chúa. Trong tư thế hèn mọn và đầy kính ẩn ấy, đôi vai gầy của cha khẽ run lên. Cha khóc.

      “Trong tâm tình của mùa Chay thánh, Chúa mời gọi chúng ta sám hối và trở về với Ngài. Đó là một hành trình của sự từ bỏ: ganh ghét, nghi kị, hận thù, dục vọng…, như một con sâu muốn trở thành chú bướm xinh đẹp và bay xa thì phải bỏ đi cái kén của nó. Hãy xê dịch tảng đá lấp cửa mộ như Chúa Giêsu đã ra lệnh khi người cho Lazaro sống lại. Chúng ta muốn cảm thấy được tình yêu, sự biến đổi như một phép lạ thì hãy gỡ bỏ những tảng đá ngăn cản chúng ta hướng đến ánh sáng của sự sống. Hãy đi ra khỏi chính mình và làm một con người mới.”

      Cha xứ kết thúc bài giảng của mình với tâm trạng bồi hồi khó tả. Với một xứ đạo như thế này, cha cảm thấy hạnh phúc vì nhà thờ luôn chật kín chỗ, giáo dân luôn vui vẻ đón nhận những gì cha đề xuất. Đối với một linh mục trẻ, đây quả là một sự khởi đầu khá thuận lợi. Hằng ngày, ngoài việc chăm lo cho đời sống tâm linh của giáo dân, cha đon đả dạo quanh những giáo xóm để thăm hỏi người dân. Cha niềm nở với tất cả mọi người để sống những gì mà cha đã cảm nghiệm và đã giảng dạy họ. Nhiều người quý mến cha vì sự tận tâm, nhiệt tình ấy. Cha hiểu được sự kì vọng, tin tưởng mà giáo dân đã trao cho mình nên cha luôn băn khoăn, cân nhắc kĩ lưỡng trước khi đưa ra bất cứ quyêt định gì trong giáo xứ. “Dĩ hòa vi quý” là phương châm mà cha đặt ra khi làm việc với quý chức trong một giáo xứ đậm nét truyền thống này.

      Giáo dân lũ lượt ra về sau thánh lễ sáng với vẻ mặt ánh lên niềm vui và sự hy vọng. Hình ảnh ấy khiến cha cảm thấy thật xúc động. Như một thói quen, cha cầm lấy tràng hạt và bắt đầu lần chuỗi khi đi bách bộ trong khuôn viên nhà thờ. Cha đi chậm từng bước để cảm nghiệm từng lời kinh Kính Mừng mà mình đọc cùng với không khí trong lành của buổi sáng sớm. Bất chợt cha nghe thấy tiếng quát của phụ nữ nơi tượng đài Đức Mẹ.

            “Biến khỏi chỗ này mau, đây là tượng đài Đức Mẹ chứ không phải bãi nhôm nhựa mà tới đây nhặt.” một phụ nữ đứng tuổi đang “phùng man trợn má” vừa chỉ trỏ vừa quát.

      Trước mắt cha là hình ảnh một thằng bé đen nhẻm, đồ áo tả tơi, tay chân cáu bẩn đang vác trên vai chiếc bao bố nhỏ sợ sệt vừa ngoái nhìn vừa rời đi. Trong giây lát, cha cảm thấy ánh mắt nhỏ bé, yếu ớt ấy bắt gặp được ánh mắt cha. Cha vội tới nhưng thằng bé đã chạy đi mất trong tiếng chửi rủa của người phụ nữ.

            “Có chuyện gì vậy bà? Thằng bé ấy làm gì sai sao?”

      “Ô, con chào cha, xin lỗi cha vì con đã làm ồn ào. Con sợ thằng nhỏ nó chôm cái bình cắm bông hay mấy cái giá nến bằng đồng chỗ tượng Đức Mẹ nên con đuổi nó đi. Mấy đứa lang thang hay đến đây phá lắm cha ạ.”

          Dòng cảm xúc lạ thường nào đó trong con người cha chợt chạy ngang qua như một luồng điện. Chút gì đó đau nhói, xót xa và hụt hẫng xuất hiện trong lòng cha. Cha gượng cười với người phụ nữ đó rồi lặng lẽ quay vào nhà xứ. Suốt cả ngày hôm ấy, cha cứ ngồi thẫn thờ bên bàn làm việc. Không hiểu sao trong giây lát ngắn ngủi bắt gặp ánh mắt của đứa bé ấy, cha cứ bị ám ảnh và không gạt đi được những cảm giác kia. Cha đã từng nghĩ mình đã ghé thăm tất cả các gia đình trong xứ đạo này rồi, tại sao lại không gặp những mảnh đời như đứa bé kia? Cha không thấy hay không thể thấy? Hay người khác không muốn cho cha thấy vì cái gọi là “xứ toàn tòng” đẹp đẽ? Sự tự tin và nhiệt huyết bấy lâu nay giờ đây như những vết dao cứa vào trái tim đang thổn thức của cha. Cha ngồi lặng thinh và để tâm hồn mình chìm vào nỗi sầu muộn miên man.

Hãy lật tảng đá trước cửa mộ ra…” cha chợt tỉnh sau giấc ngủ trưa đầy mộng mị. Chẳng phải đó là câu nói của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay sao? Cha ngồi thần người trong giây lát để định tâm lại. “Mình có đang sống được điều mình giảng không?” lương tâm cha tiếp tục chất vấn khiến cha cảm thấy băn khoăn. Trống rỗng. Cha rời phòng và bước ra ngoài tượng Đức Mẹ. Những cơn gió chiều khẽ thoảng qua như giúp cha cuốn đi bớt những bức bối, khó chịu trong lòng. Bất chợt cha thấy có bóng người nhỏ nhắn đang thập thò dưới chân tượng Đức Mẹ. Cha nhẹ nhàng tiến lại gần để quan sát sự tình. Thằng bé với cái bao bố cũ kĩ đang cố đưa tay lên dưới bình hoa Đức Mẹ. “Không lẽ nó định ăn trộm cái bình đồng?”, cha thầm nghĩ và tiếp tục quan sát. Thằng bé cứ nhảy lên hai ba phát cùng đưa tay với đến cái bình. Sau vài phút, nó lặng lẽ xách bao rời đi. Cha thầm nghĩ chắc cái bình cao quá nó với không được nên nản chí bỏ đi. Cha khẽ thở dài, nhìn lên tượng Đức Mẹ, miệng lâm râm những lời kinh.

Thánh lễ đã kết thúc, chúc anh chị em ra về bình an” lời chúc lành cuối lễ dường như đem đến cho bao người niềm vui và hy vọng. Cha lấy tràng hạt trong túi, chuẩn bị làm dấu đọc kinh thì nghe tiếng huyên náo ngoài sân nhà thờ. Cha vội vàng chạy ra thì thấy một đám đông các bà đang vây quanh ai đó. Cha liền đi tới và lên tiếng để dãn đám đông ra. “Lại thằng bé ấy” cha ngạc nhiên thốt lên trong đầu. Nó đang ngồi ôm cái đầu gối bị chảy máu bởi những vết xước như va quệt dưới sân xi măng. Trên mặt nó, đôi má đang in hằn năm dấu tay đỏ ửng cùng hai hàng nước mắt đầm đìa.

            “Nó lại bén mảng tới đây để ăn trộm đó cha”, một bà trong nhóm la lên cùng ánh mắt không mấy bình an.

            “Con để ý lâu rồi, nó cứ thậm thụt ở tượng đài Đức Mẹ làm gì đó. Nó đâu có đạo nên không thể đến đây đọc kinh được. Chỉ có thể là đến để trộm cắp thôi cha” một bà khác bồi thêm và không ngại đá vào cái bao bố sát người thằng bé.

            “Thôi thôi, được rồi, các bà về đi, để cho cha xử lý”, cha ra vẻ cảm ơn và giải tán các bà để thằng bé thôi cơn hoảng sợ. Các bà cũng bớt lời, tạm biệt cha và ra đi với vẻ tâm đắc như vừa làm được một việc tốt cho giáo xứ. Cha khẽ đỡ thằng bé dậy và ra hiệu cho nó đến ngồi bên ghế đá trước tượng Đức Mẹ. Thằng bé đã bớt hoảng hơn và làm theo lời cha. Nó ngồi thu lu trên ghế đá, không dám ngẩng mặt lên cho đến khi cha đem mớ bông băng thuốc đỏ từ nhà xứ ra. Cha không hỏi nó một lời mà chỉ lặng lẽ lau vết thương nơi đầu gối và băng bó lại cho nó. Không biết vì sợ hay vì đau mà nó tiếp tục khóc.

            “Con yên tâm, cha không đánh con cũng không báo công an đâu”, cha cười hiền hòa với nó để ngăn những cơn thổn thức nó đang chịu. Hai cha con thinh lặng trong giây lát. Cha thì ngồi lặng nhìn Đức Mẹ, còn thằng bé thì cứ dán mắt vào cha như thể nó nhìn thấy một “sinh vật lạ” với một chiếc áo dài đen rộng thùng thình.

            “Con cảm ơn…chú…à…cha”, câu nói của thằng bé như đưa cha trở về với thực tại. Nét ngạc nhiên khẽ thoảng qua khuôn mặt cha.

            “Con không có đạo phải không? Sao con lại hay đến tượng Đức Mẹ này thế?”

            “Dạ, con không có đạo… nhưng mẹ con có, hồi xưa mẹ hay dẫn con đến đây” thằng bé ấp úng trả lời.

            “Mẹ con? Nhà con ở đâu? Sao cha đi thăm cả xứ rồi mà không thấy con bao giờ?”

            “Mẹ con mất rồi cha ạ. Còn nhà con thì ở ngoài rìa của thôn này, chỗ mà người ta hay gọi là ‘Bãi Lạc’”

            “Bãi Lạc? Sao mình về đây đã gần 3 năm mà không nghe đến nơi này nhỉ”, cha thầm nghĩ.

            “Con phải đi nhặt nhôm nhựa tiếp đây, con chào…cha”. Lòng cha như thắt lại khi nghe thằng bé đang tuổi ăn tuổi học nói câu ấy. Cha chỉ kịp bảo nó đợi cha vài phút, cha chạy vào cầm cái bánh mì mà bà bọ mua cho bữa sáng dúi vào tay nó. Nó rưng rưng mắt nhìn cha rồi xách túi đi ra khỏi sân nhà thờ. Nhìn bóng dáng nhỏ thó của nó lặng lẽ đi, trái tim cha chợt thổn thức.

Tảng đá lấp cửa mộ Chúa Giêsu: hình dĩa tròn hay hình nút chai? | Ngàn đời  Chúa vẫn trọn tình thương

Ảnh minh họa

      Hôm sau, cha quyết định đi đến cái nơi gọi là “Bãi Lạc”. Cha dò đường và hỏi thăm thì đều bị những người trong xứ phản đối và nói cha không nên đến đó vì đó là nơi của bọn lang thang đầu đường xó chợ, và của những nhà bị rối đạo. Từ đó, cha hiểu vì sao vùng đó lại gọi là “Bãi Lạc”, là nơi mà người ta gán cho những kẻ lầm lạc. Họ từ chối dẫn cha đến nơi đó và họ cũng nhất quyết quan điểm rằng “không để cho một đứa ngoại đạo nào bước vào xứ này”. Cha cảm thấy phẫn nộ trước thái độ của chính những người giáo dân mình coi sóc nhưng cha không thể thể hiện điều đó ra ngoài. Cha cần đến nơi mình muốn đến bởi chính cha phải sống điều mà mình giảng dạy như Chúa Giêsu khi xưa. Cha gặp lại thằng bé xách bao bố lúc nó đang ngồi phân loại đồ phế thải dưới gốc cây trước ngôi nhà xiêu vẹo.

            “Cha…sao cha lại đến đây?”, thằng bé vừa ngạc nhiên vừa hốt hoảng khi thấy cha đến.

            “Cha đi thăm con, thăm nơi người ta gọi là ‘Bãi Lạc’ này”

            “Cha về đi cha ơi, ba con mà thấy là con bị đòn ngay đấy”, thằng bé vừa nói vừa dáo giác nhìn vào nhà.

            “Sao ba con lại đánh vì cha tới? À, cha không nói với ba con chuyện con cố trộm đồ của nhà thờ đâu?”

            “Con không trộm, con chỉ….”

            “Thằng Duy làm cái gì ngoài đó? Tiếng quát nhừa nhựa như của người say vang lên phía cửa nhà. Ba thằng bé lầm lầm lừ lừ tiến ra cổng. Thằng bé hoảng quá vội đẩy cha đi nhưng cha lại giữ lấy đôi tay nó và bảo không sao. Cha lịch sự cúi chào ba nó rồi hỏi han sức khỏe. Trái ngược với vẻ lịch sử của cha, ba nó thể hiện một thái độ khinh khỉnh hằn học chẳng muốn tiếp.

            “Cha nhà thờ đi đi, nơi đây không chào đón cha”

            “Sao ông lại nghĩ như thế?”

            “Chẳng phải cha ở xứ đạo sao, họ không hoan nghênh chúng tôi là những người ngoại đạo, họ quyết không cho chúng tôi bén mảng tới cơ mà. Đi đi, như cái cách ngày xưa họ đuổi tôi và mẹ thằng bé chỉ vì tôi không theo đạo ấy”

Một cảm giác chua xót chợt tràn ngập tâm hồn cha. Bấy lâu nay cha không để ý đến mà còn tự hào rằng mình may mắn khi về một xứ đạo toàn tòng. Cha không biết đến có những con người bên rìa xứ đạo vẫn đang thầm mong có ai đó mở lòng đến với họ. Lệnh truyền của Chúa Giêsu khi xưa trước khi về Trời làm sao thực hiện được nếu như chính cha và giáo dân xứ này không chịu bước ra khỏi “lâu đài” kiên cố ấy. Cha trở về, lòng đầy ngổn ngang. Cha dừng lại nơi tượng Đức Mẹ, thầm thĩ, nguyện xin. Một làn gió khẽ đưa qua làm rơi rụng vật gì đó dưới chân tượng. Cha lại gần nhìn xem. Trái tim cha như bừng cháy khi thấy những bông hoa dại nhỏ nhắn được đặt một bên chân tượng kèm những vết tay đậm màu đất quen thuộc. Cha ngước nhìn lên Đức Mẹ, nước mắt cha chợt rơi trên đám hoa dại ấy. Cha lại nhớ tới ánh mắt thằng bé, một ánh mắt xuyên thấu tâm can của người mục tử, ánh mắt khẩn nài như cách cha đang nhìn Đức Mẹ.

Cha đứng dậy sau những giây phút bồi hồi. Cha đưa tay gạt đi hàng nước mắt ấm nóng. Nắm chặt Thánh giá nơi tràng chuỗi, cha nhận ra đã đến lúc cha phải đi đến vùng đất mới – vùng đất của những con chiên lạc, chiên bị thương và chiên bị ruồng bỏ. Cha phải lật bỏ “tảng đá cửa mồ” của cha và của những người xứ đạo để đi đến những miền đât mới mà Chúa mời gọi.


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...