10/11/2021
963
- Kieu, I‟m a Catholic.(1)
Kirill dường như vừa hét vừa vẫy tôi.
 
Đó là câu nói đầu tiên sau một năm tôi gặp lại Kirill. Email bất ngờ tôi nhận được từ Kirill sau gần cả năm anh ấy trở về nước và chúng tôi bị mất liên lạc cũng không làm tôi ngỡ ngàng bằng việc anh ấy thông báo sẽ quay lại thăm Việt Nam sớm hơn dự định và đề nghị tôi đón anh ấy. Tôi hồi âm thư với tất cả sự nhiệt tình. Suốt cả quãng thời gian trên đường đi tới sân bay và ngồi đợi tôi đều tưởng tượng giây phút tôi và Kirill gặp lại, nhưng có mơ tôi cũng không dám nghĩ câu nói đầu tiên Kirill nói không phải là “hello”, “ good morning!”,… hay bất kỳ một câu xã giao khác mà là một khẳng định, một thông báo như một tin mừng.
Ba ngày không là gì cho sự gắn kết giữa những con người xa lạ, khoảng cách nưả vòng trái đất được rút ngắn dần giữa các thành viên trong đoàn khách và tôi. Những gì chúng tôi cùng nhau trải qua đã giúp loại bỏ sự e dè, mọi người trao đổi với nhau thoải mái hơn. Ngôn ngữ không còn là rào cản cho sự cảm thông chia sẻ, mọi người hào hứng kể về gia đình của mình cho tôi nghe, họ cũng kể cả những công việc thường ngày nơi họ sống, rồi những suy nghĩ về cuộc sống, những lí tưởng của họ, cả những cảm xúc về Việt Nam trong lần đầu đặt chân đến.
Nhưng hôm nay, từ lúc lên xe, tôi nhận thấy sự ngập ngừng trong lời nói và biểu cảm của Kirill, người thân thiết nhất với tôi trong đoàn. Bản thân tôi cũng tò mò về vấn đề cứ mãi được bàn trong đoàn, phải có vấn đề gì đó mà mọi người không muốn tôi nghe nên mới né tránh nói tiếng Anh. Dù không thể hiểu được tiếng Nga nhưng quan sát họ trao đổi tôi biết rằng mọi người muốn hỏi một điều gì đó, có lẽ là rất quan trọng về tôi, hoặc cũng có thể là tế nhị, vẫn như mọi lần Kirill luôn đại diện để hỏi. Nhìn vẻ ngập ngừng miễn cưỡng của anh, tôi đáp trả bằng một nụ cười thân thiện, tỏ vẻ không vấn đề gì nghiêm trọng.
-Kiều, em theo tôn giáo nào? Anh hỏi hơi ngập ngừng.
Tôi cười tươi vì trút bỏ gánh nặng trong lòng, cứ tưởng tôi đã phạm sai lầm gi đó. Có lẽ mọi người nghĩ hỏi về riêng tư khi tôi không nói là không lịch sự nên ngại ngùng chăng.
-   Em là người Công giáo.
Tôi trả lời giọng đầy vui vẻ tự hào, bởi lẽ ở Việt Nam hiếm khi có người hỏi tôi như vậy. Kirill mỉm cười, anh ra hiệu cho tôi tới gần hơn.
  • Em theo Đạo từ khi nào? Anh hỏi.
  • Từ lúc em mới sinh ra, ba mẹ em đã đưa em đến nhà thờ. Tôi trả lời đầy hồ nghi vì thắc mắc tại sao mọi người quan tâm về vấn đề đó.
  • Như vậy, em không được chọn tôn giáo mình muốn đúng không? Kirill nói với giọng điệu khẳng định hơn là một câu hỏi.
Tôi “à” lên một tiếng vì đã hiểu ra vấn đề. Tôi cười với Kirill và nhìn cả đoàn một lượt rồi đáp:
  • Em không chọn Chúa, mà chính ngài đã chọn em, em tin ở Người. Kirill gật đầu tỏ vẻ hài lòng về câu nói của tôi, anh cũng khẽ nói –
Anh cũng tin ở Chúa. Mọi người im lặng nhìn qua khung cửa sổ trên xe, có lẽ tôi nghĩ họ cũng đang nghĩ giống tôi, liệu con người có quyền chọn Thiên Chúa, hay chính Người là ngươì chọn chúng ta?
Chỉ một kỉ niệm nhỏ trên hành trình dài chúng tôi cùng nhau trải qua, những cái ôm thắm thiết, những cái siết tay thật chặt, có quyến luyến đến đâu thì chúng tôi cũng phải tạm chia tay. Khi đã đi vào bên trong, mọi người vẫn ngoái đầu ra dấu hai ngón tay với tôi, cái hẹn hai năm gặp lại làm giảm đi phần nào sự buồn bã, vì một tia hy vọng mới đã được ươm mầm. 
  • Kirill, tại sao anh lại chọn lại vậy?
Tôi ngập ngừng hỏi Kirill câu hỏi đã ấp ủ mấy ngày qua, cứ mấp máy môi hỏi rồi lại thôi.
  • Oh, cuối cùng em cũng hỏi anh rồi.
Kirill không trả lời trực tiếp vấn đề tôi hỏi, anh bật cười thành tiếng, rồi thản nhiên lấy những quả xoài vào xe đẩy.
  • Em sợ mình không nên hỏi nên dù tò mò em vẫn không dám hỏi.
Nếu anh thấy không thoải mái có thể không cần trả lời đâu.
Tôi ngại ngùng lí nhí từng lời với Kirill như một đứa trẻ vừa phạm lỗi.
Không sao. Mình chọn chỗ nào uống nước rồi anh sẽ kể em nghe. Kirill nói nhẹ nhàng, nhưng anh tránh ánh nhìn của tôi, chỉ 
phớt qua, tôi thấy nụ cười tắt hẳn trên môi anh, đôi mắt chợt cũng u buồn theo ánh nhìn xa xăm.
  • Moskva đón anh bằng những cơn mưa phùn nhẹ, gió se lạnh, mẹ vẫy anh như đứa
con xa nhà đã lâu, dù anh chỉ mới sang Việt Nam hơn mười ngày, lúc còn là sinh viên, có khi nửa năm anh mới về thăm nhà một lần. Có lẽ cảm giác con mình ở một đất nước xa lạ làm bà lo lắng, dù anh nhiều lần gọi về kể cho bà nghe về em, về những nơi xinh đẹp trên đất nước này.
Anh vừa ngồi xuống đã huyên thuyên kể, nhưng đôi mắt vẫn chất chứa nỗi buồn như vậy.
Tôi cứ nghĩ mãi, tại sao anh nói những điều hạnh phúc kia với một giọng trầm và buồn như vậy, tôi nhấp ngụm cà phê, cố gắng giấu đi sự tò mò của mình, kiên nhẫn đợi cơn sóng cảm xúc trong anh lắng dịu.
  • Em biết không, anh cũng rất mừng khi về nhà, không phải vì Việt Nam không tốt,
mà ngược lại em và mọi người đã tạo cho anh cảm giác thân thiện như ở thị trấn của anh, chỉ là có chút gì đó thiếu sót. Anh trong suốt chuyến bay đã nghĩ, nếu lần quay lại Việt Nam sẽ mời mẹ anh đi cùng, cho nên đã tưởng tượng rất nhiều đến lúc cùng mẹ đến Việt Nam. Ngay lúc gặp lại bà, anh đã nói “mẹ, chúng ta sẽ cùng đi đến Việt Nam nhé, nhất định mẹ sẽ không thất vọng đâu”.
Tôi rất vui khi nghe Kirill có những cảm xúc tốt đẹp như vậy về Việt Nam. Tôi chen ngang hỏi ngay.
  • Thế bác không đồng ý sao? Sao anh lại không thuyết phục để bác cùng đến trong lần này?
Tôi vô tư hỏi câu hỏi với sự nuối tiếc, nào biết rằng tôi vừa dứt lời, vẻ mặt Kirill bối rối, sau đó thì tối sầm, mắt anh ngấn nước, nghẹn ngào trả lời tôi:
  • Mẹ anh, bà ấy mất rồi.
Tôi giật mình, sự bất ngờ làm tôi trong phút chốc không nói nên lời. Kirill chầm chầm xoay cốc cà phê, một hành động vô thức như đang khuấy khối đông không khí giữa chúng tôi. Anh cất lời để thổi bay khoảng trông vô hình câm lặng đó.
  • Trên đường về, xe anh và mẹ mất phanh, mẹ anh đã nhào lên chắn cho anh khỏi bị thương, dù có túi khí nhưng mảnh vỡ kính cắm vào đầu, bà đã không qua khỏi.
  • Kirill, xin lỗi. em đã nhắc kí ức làm anh buồn rồi. Chắc thời gian qua anh đau buồn lắm.
  • Không phải lỗi của em. Là anh muốn kể cho em nghe mà. Có lẽ anh vẫn chưa nói với em, mẹ anh là người có chung niềm tin với em đó. Bà ấy là người Công giáo. Lúc anh sinh ra cũng được thực hiện nghi thức gia nhập đạo, nhưng sau này anh nghĩ lúc đó mình đã không được chọn niềm tin cho mình, nên sau khi bạn bè rủ rê, anh đã cải đạo để chọn một tôn giáo khác. Lúc đó mẹ anh buồn lắm, nhưng bà không cản trở, cũng không la rầy anh. Anh nhiều lần nghe bà thì thầm khi cầu nguyện “Lạy Chúa, xin luôn bên con trai con, vì nó không biết việc nó đang làm”. Thật sự lúc đó anh rất bực bội, anh nghĩ mình trường thành, mình có chính kiến riêng, cho nên việc anh đủ lý trí để chọn một con đường cho niềm tin của bản thân cũng là chuyện rất rõ ràng và khôn ngoan. Anh có nhận thức rất rõ ràng chứ không hề mơ hồ, thì lí do gì bà ấy lại cầu nguyện như vậy chứ.
  • Mẹ anh, có lẽ rất yêu thương anh, bà ấy thật khoan dung. Tôi mờ nhạt hình dung về người phụ nữ chưa từng gặp qua lời Kirill.
  • Đúng, bà ấy phải rất yêu thương anh mới có thể chắn cho anh, mới có thể luôn cầu nguyện cho anh quay lại. Sau ngày mẹ mất, lúc dọn dẹp đồ đạc của bà, anh đã tìm được những thứ bà đã cất đi thật kĩ càng trong một chiếc hộp. Chính vật đó đã làm anh suy nghĩ rất nhiều về ý nghĩ quay về. em có biết đó là gì không?
  • Có lẽ là một vật rất quý giá và ý nghĩa. Tôi mơ hồ đoán thử.
  • Rất quý giá dù vô giá trị về vật chất. Đó là bức ảnh chụp một người phụ nữ đang bế đứa trẻ sơ sinh trên tay, hanh phúc mỉm cười nâng nó lên cho linh mục ban phép lành. Đứa trẻ đó không ai khác chính là anh và người phụ nữa trong bức ảnh là mẹ anh. Nhìn bà cười thật hiền hậu và mãn nguyện, có gì đó thật tròn vẹn trên khuôn măt bà, anh thấy chính trên khuôn mặt trẻ thơ của mình nụ cười. Đằng sau bức ảnh là dòng chữ nắn nót của mẹ, “cảm ơn Chúa, vì Ngài đã chọn con”, câu nói đó, rất giống với câu trả lời của em. Nó làm anh thấy hổ thẹn, anh chẳng là gì, sao có thể chọn đi chọn lại Người.
  • Kirill, anh đừng tự trách bản thân như vậy. Ai cũng có sai lầm mà. Quan trọng là anh đã nhìn lại và quay lại rồi đó sao.
Tôi xoa dịu sự dằn vặt của anh bằng những lời an ủi có chút hơi xáo
rỗng,
  • Lúc mẹ mất, anh vẫn chưa nhận thức điều đó đâu, có chút suy nghĩ, chỉ một chút.
Rồi anh quyết định đến nhà thờ đề cầu nguyện cho mẹ. Anh cứ nghĩ bà sẽ an lòng khi nhận được lời cầu nguyện của anh. Những ngày đầu anh nặng nề bước từng bước đến nhà thờ, anh chẳng biết phải cầu nguyện thế nào, chẳng biết phải bắt đầu từ đâu, cũng chẳng biết lời cầu nguyện của anh có ích gì không. Nhưng anh vẫn cố gắng, vì đó là điều duy nhất, anh có thể làm cho bà ấy. Nhưng thật bất ngờ biết bao, những buổi cầu nguyện như vậy giúp anh vơi hẳn những gánh nặng trong lòng, rồi anh kể cho Người cả những khó khăn của chính mình, có hôm anh kể cho người về một người bạn mới gặp, cũng có khi chỉ là giây phút thinh lặng, nhưng trong anh cảm thấy vơi đi rất nhiều. Dường như có ai đó đã gỡ những nút thắt trong lòng, đã giúp anh bỏ đi những lo âu trong lòng. Tự bao giờ điều đó trở thành thói quen. Điều đó thật sự rất tuyệt vời!
Tôi cười hòa theo tiếng reo khe khẽ của Kirill. Khuôn mặt anh sáng bừng khi nhắc đến Chúa. Nhìn anh tôi như thấy một con người khác, người ngồi trước mặt tôi lúc này đầy hào hứng, nhiệt huyết và cả sức sống, chứ không hề giống một người đang đau khổ.
  • Kirill, vậy là anh đã quyết định “mua vé” và đi “ chuyến tàu trở về” như vậy à?” Tôi đặt câu hỏi pha một chút hài hước với anh.
Kirill gật đầu liên tục.
  • Đúng rồi. Dù có những điều không mong muốn xảy ra, anh vẫn cảm thấy trong anh
có một sức sống rất mới mẽ. Anh hy vọng Thiên Chúa sẽ đón nhận mẹ anh trên thiên đường, hy vọng mẹ anh sẽ vui vì anh đang đi theo con đường của bà, con đường Đức Tin.
Anh giục tôi nhanh chân
  • Kieu, nhanh lên, nếu không chúng ta sẽ về trễ giờ thánh lễ chiều mất thôi.
  • Xem anh kìa, có cần gấp rút vậy không, anh làm em thấy mình thật tội lỗi quá. Tôi cố ý trêu chọc Kirill.
  • Nếu em nhanh chân hơn, tối nay anh sẽ chiêu đãi em món sinh tố xoài, nhất định sẽ ngon hơn cả lần năm ngoái em làm cho anh và cả đoàn thưởng thức, anh đã học và thăm khảo rất nhiều đó, chỉ đợi đến Việt Nam để thực hiện thôi.
Tôi gật gù cố gắng đi thật nhanh để kịp những sải chân thật dài kia. Những bước đi của anh chắc nịch, như một người mang niềm tin vững chắc hướng thẳng về phía trước. Nhìn khuôn mặt ẩn ý cười của Kirill, tôi biết rằng anh đã đặt lại nỗi buồn phía sau, có lẽ tôi đã vô tình gieo vào lòng anh hạt giống của Đức Tin, còn sự hy sinh của mẹ anh chính là cơn mưa tưới mát cho hạt giống đó nảy mầm. Khi tôi còn đang chăm chăm cố gắng chỉnh nhịp chân của mình thì nghe tiếng Kirill, anh nói như hét vào gió.
Khác nhau về cái tên, khác nhau về những quy tắc, nhưng suy cho cùng tất cả chẳng phải cùng một lý tưởng sao. 5,10,100,hay 1000 cái tên đi nữa cũng chỉ cùng một Người. Đường ngang, đường dọc, đường tắt hay ngõ vòng đến cuối cùng người ta cũng đi đến đích. Đó không phải là điều tự nhiên, đó là sự sắp xếp trong lòng bàn tay Thiên Chúa khi Người đã chọn chúng ta. 

Ảnh Minh Họa

Chú Thích: (1) I’m a Catholic: Anh là người Công giáo.
(Vì muốn nhấn mạnh cho nên tôi xin giữ nguyên câu nói đó bằng tiếng Anh)
 
***

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...