07/07/2021
644

Tác giả Nguyễn Văn Vậng

Tác giả NGUYỄN VĂN VẬN

Vĩnh Thạnh, Cần Thơ

  1. Quà tặng của Chúa

Anh là ca trưởng, lại là tay sô lô không thể thay thế. Còn tôi song ca với anh thì không ai chê được. Đến nỗi mùa Chay năm ấy, khi hát bài Giọt Lệ Sầu: “Lạy Chúa! Bao năm lưu lạc, nay con trở về…”, có lần cha xứ đã phải thốt lên:

"Mình đang cho rước lễ, chúng nó hát làm mình nổi da gà".

Thế rồi, người nói ra, kẻ nói vào, lại thêm “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, chúng tôi yêu nhau. Và như mơ ước của mọi đôi tình nhân trên cõi đời này, chúng tôi cưới nhau. Trước bàn thờ, khi trao nhau chiếc nhẫn cưới, tôi đã tạ ơn Chúa ban tặng anh, món quà quý báu nhất trần gian, cho tôi.

Gia đình hai bên đều nghèo. Chúng tôi biết thân biết phận, chí thú làm ăn, tham công tiếc việc, đến nỗi bị chúng bạn dè bỉu, cười chê. Đến tai bố tôi, bố bênh vợ chồng tôi ra mặt:

"Mặc kệ họ, các con ạ! Hãy nói thẳng vào mặt họ: “Có siêng năng mới giàu, có cơ cầu mới có, có nhục như chó mới có miếng mà ăn”.

Lời bố nói tàn nhẫn quá, nhưng hình như với những người nghèo như chúng tôi thì phải thế thôi. Cuộc sống của vợ chồng tôi rất khó khăn. Khi thằng cu Tí, đứa con đầu lòng của chúng tôi khóc chào đời, thì khó khăn ấy nhân đôi. Chúng tôi xây tổ ấm rõ ràng bằng mồ hôi và nước mắt. Có điều, chúng tôi biết lau mồ hôi và nước mắt cho nhau, nên tổ ấm của chúng tôi rất ấm, rất hạnh phúc. Hôm sáng Chúa Nhật, thằng Tí được lãnh bí tích Thanh tẩy, chồng tôi đã nguyện cầu:

Tạ ơn Chúa ban tặng thằng cu Tí, món quà quý báu nhất trần gian, cho chúng con"

Trong bữa cơm nghèo nàn của chúng tôi mừng cu Tí được làm con Hộii Thánh, bạn bè cũ của anh giới thiệu anh vào làm nhân viên ở một công ty xây dựng bề thế. Gặp lúc vài công đất nhà tôi bị giải tỏa để xây dựng nhà máy xử lý rác thải, chúng tôi không còn đất ở. Được đền bù một số tiền nho nhỏ, chúng tôi bỏ quê lên thành.

Nhờ siêng năng, hiếu học và thành thật, anh tiến thân vùn vụt. Mới đó là nhân viên, đã lên cai, rồi đội trưởng, rồi trợ lý giám sát, rồi giám sát trưởng. Thu nhập của anh cũng tăng theo. Chúng tôi mua được nhà mới. Căn nhà mới khang trang, đầy đủ tiện nghi hơn. Nhưng tôi linh cảm mơ hồ rằng đó không phải là tổ ấm mà chỉ là một quán trọ để anh tạm dừng chân khi càng ngày anh càng kiếm cớ vắng nhà, kiếm cớ đi sớm về khuya. Cho đến khi anh được đề bạt lên chức chỉ huy trưởng công trình…

  1. Bữa tiệc của quỷ

Anh có quyết định lên chức chỉ huy trưởng công trình. Lãnh đạo công ty rửa ghế cho anh ở nhà tôi. Toàn là dân cổ cồn trắng, đi xe hơi đắt tiền, đeo đồng hồ vàng, mặc áo quần hàng hiệu, giày da bóng lộn. Họ ăn những thứ cao lương mỹ vị đặt hàng ở những đẩu những đâu về, uống rượu ngoại tiền triệu đến say mèm. Lúc ấy, những chiếc mặt nạ rơi xuống, họ trở lại con người thật của họ, trần trụi, bẩn thỉu, nhơ nhớp theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Lão giám đốc khen tôi đẹp, ăn nói dễ thương gấp trăm lần mụ vợ già của lão. Lão lè nhè, chờm hớp chụp lấy tay tôi, “đề nghị” tôi uống với lão một ly rượu. Lão bóp tay tôi thật mạnh:

"Mừng chồng cưng lên chức. Cưng xứng đáng với chức danh phu nhân giám đốc, chứ không phải bà chỉ huy trưởng quèn đâu".

Khuôn mặt mọng mỡ và hơi rượu từ người lão làm tôi tởm lợm. Tôi hất tay lão, làm ly rượu rớt xuống nền nhà, vỡ tung tóe. Tôi buồn nôn thực sự, may mà kịp chạy vào nhà vệ sinh, ói ra mật xanh mật vàng. Tôi trốn luôn trong đó. Ngoài kia những loài sâu bọ lên làm người ấy người hò hét, gầm gừ, gào thét. Họ triết lý nhân sinh bằng bản năng dã thú. Tôi nghe rõ mồn một tiếng của chồng tôi:

"Mong chú Hai, chú Ba, anh Tư, anh Năm thông cảm. Dzợ tui coi ngon dzậy chớ, chỉ là con mẹ nhà quê lết lê trên bè rau muống. Mấy ông đâu biết trong phòng ngủ, nó thua xa một con ca ve; dưới nhà bếp không bằng con ô sin mới vào nghề, ngoài phố ăn mặc không bám gót gái đứng đường; ở phòng khách ăn nói xử sự kém một con sinh viên thực tập… Coi như đồ bỏ thôi".

Trời ơi! Tôi tồi tệ đến thế sao? Lại do chính miệng anh nói ra. Mọi sự quanh tôi quay cuồng. Tôi không sao chịu đựng nổi. Có tiếng của bố tôi từ một quá khứ xa xăm vang trong lòng tôi: “Vội giận mất khôn, nghe không? Con gái!” Tôi cãi: “Không, không… Vội giận mới khôn”. Tôi vác cây lau nhà chạy ra, uy dũng như một con sư tử cái:

"Cút! Già trẻ lớn bé cút hết khỏi nhà này. Cút ngay!"

Những đống thịt len lén chen chúc nhau ra cửa, lão giám đốc phải chui qua gầm bàn. Tôi đóng sầm cửa lại, cười phá lên như điên. Chồng tôi lèm bèm phân bua:

"Cô quá đáng quá. Tôi nói là nói thế thôi. Mà rượu nói chứ đâu phải tôi nói".

"Đó mới là con người thật của anh. Tôi để anh lại cho con ca ve của anh, cho con ô sin mới vào nghề của anh, cho cô gái đứng đường của anh và cho con sinh viên thực tập của anh. Tôi đem thằng Tí về quê với ông ngoại nó. Đơn li hôn tôi gởi EMS cho anh sau".

Tôi mỉa mai thêm:

 "Tôi về với bè rau muống của bố tôi. Anh bằng lòng chưa? Anh thỏa mãn chưa?"

  1. Con đường cùng

Tôi về, tôi phải bỏ phố về quê thôi. Cơn mưa lạc mùa cuối năm tầm tã. Mưa chồng lên mưa, nước ngập mênh mông phố xá. Đường đã lên đèn từ lâu. Mịt mù trong mưa, trong những căn nhà xa lạ kia, ánh đèn vàng vọt vẫn là ánh sáng của mái ấm gia đình, của tình của nghĩa, của vợ, của chồng, của mẹ, của cha, của con, của cháu. Tôi thèm khát một chút ánh sáng mù mờ, lẻ loi, trong đó, người ta nói, cười, hoặc ngay như im lặng với nhau, cũng là cư xử với nhau bằng ân, bằng tình mà không cân đo đong đếm gì cả. Tôi quay quắt tiếc nhớ những tháng ngày hàn vi, nghèo khổ. Nhưng bây giờ, gia đình tôi đã tan vỡ. Thôi thì, cuộc đời này được bao lâu? Đã không còn yêu thương kính trọng nhau nữa, trói buộc nhau, đày đọa nhau làm gì? Tôi chỉ còn một tấm thân rách nhàu và một cõi lòng tan nát. Thế nên tôi về, tôi phải về thôi.

Gần sáng, tôi về đến đầu kênh. Ngày đã thức giấc. Tôi dắt con bước xuống bến đò. Đập vào tai tôi là tiếng rao hàng đinh tai nhức óc, tiếng động cơ trên bến dưới thuyền gầm rú. Nhưng thấp thoáng trong những “âm thanh và cuồng nộ” (W. Faulkner) ấy, tôi nghe được tiếng ngái ngủ ru con bằng lời ru ca dao Nam Bộ đời mới:

Ầu ơ…

Xưa “cò lặn lội bờ sông”

Nhưng có cánh đồng, thẳng cánh cò bay.

Hôm nay, hôm nay, hôm nay,

Ruộng vào quy hoạch, cò bay về thành.

Bỏ sau lưng khoảnh trời xanh,

Bỏ bao kỷ niệm tuổi thanh xuân cò,

Bỏ trường lớp, bỏ bến đò,

Ước mơ thôi chỉ giấc mơ vượt tầm.

Đó là tiếng ru con, hay ru đời, hay ru tôi? Lòng tôi quặn thắt. Phải, tôi đã từ bỏ tất cả để yêu anh, để giờ này anh đẩy tôi tới bước đường cùng này đây. Tôi ôm thằng Tí, nhủ lòng: “Mình sẽ giành hết cuộc đời mình cho con. Cần quái gì thằng chồng khốn nạn ấy. Mình thề không bao giờ, phải, không bao giờ tha thứ cho con người tệ bạc ấy”.

  1. Chiếc áo vá

Có đến nửa tháng trời, ngày nào cũng năm lần bảy lượt anh gọi điện thoại cho tôi. Tôi không nhấc máy. Anh gọi cho bố, xin lỗi bố và xin lỗi tôi. Bố lắng nghe, nhưng chỉ trả lời:

"Anh xin lỗi vợ con anh, đừng xin lỗi bố. Bố tôn trọng tự do của cả hai".

Bố không khuyên bảo tôi điều gì. Một hôm, bố gọi thằng Tí:

"Mắt con còn sáng, xỏ kim cho ông ngoại, ông ngoại vá lại chiếc áo".

Nhìn chiếc áo đã ngả màu nước xáo lòng, vá chằng vá đụp, tôi giựt chiếc áo khỏi tay bố:

"Vứt đi thôi, bố ạ. Ngày mai con đi chợ Tân Hiệp mua cho bố mấy bộ, bố mặc cả đời".

"Mặc cả đời cơ à? Thế thì bố cám ơn con lắm. Nhưng con biết không? Áo vá có giá trị của áo vá đấy, con ạ!"

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bố uống một cốc nước vối to, ăn một điếu thuốc lào, thả hồn theo khói thuốc, về quá khứ:

"Đây này, bố nói cho con nghe: Chiếc áo này mẹ con may cho bố chỉ ba tháng trước khi mẹ con từ giã cõi đời. Đám tang mẹ con, bố cũng mặc nó. Sau này, mỗi lần khoác nó lên người, nhớ mẹ con, bố lại đọc cho mẹ con một kinh Kính mừng. Thế là mẹ con được hưởng một kinh Kính mừng, còn bố thì tích lũy được một kinh Kính mừng về đời sau. Chưa hết, có lần con hỏi bố tại sao các cụ ngày xưa sống với nhau hạnh phúc lâu bền đến thế. Vì chiếc áo vá đấy, con ạ! Cuộc sống gia đình cũng như một chiếc áo thôi, phải cũ đi, phải sứt chỉ, phải rách, nhưng ngày ấy các cụ biết vá lại. Các cụ không giàu có tới mức áo cứ rách là vứt bỏ đi như thời nay đâu. ‘‘Lành làm gáo, vỡ làm muôi’’ cơ mà. Con để ý mà xem, thời nay người ta không mặc áo vá đã đành, mà quần áo mới còn nguyên vẹn, họ còn mài cho rách te tua nữa cơ. Sao họ lại làm thế, có phải là phá hoại không, nhỉ? Cuộc sống hôn nhân cũng vậy, hay ít ra cũng tương tự như vậy thôi, phải không, con gái?"

  1. Nước mắt thứ tha

Tôi nhớ lại đặc tính hôn nhân Kitô giáo:  Đơn hôn, một vợ một chồng; và vĩnh hôn, bất khả phân ly, không ly dị vì dây hôn phối chỉ cắt đứt khi một trong hai người qua đời. Và vì bố đã nói thế, thôi vậy, như chiếc áo vá, tình tôi và đời tôi cũng phải vá víu lại thôi. Tôi xé đơn ly hôn viết từ mấy bữa trước, run rẩy gọi điện cho anh về quê rước mẹ con tôi. Tôi khóc như một đứa trẻ không phải vì tương lai mù mịt, cũng không phải vì sẽ lại phải chung thân khổ sai sống với một con người đã một lần làm tôi khinh bỉ. Nhưng Lạy Chúa! Chúa biết con khóc vì con chỉ mới đang bắt đầu học bài học vỡ lòng của sự thứ tha.


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...