21/11/2020
1584

Giải VHNT Đất Mới năm 2020 có 6 truyện dài và 9 truyện vừa. Sự đặc sắc về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của các tác phẩm tham gia giải có thể coi là một mùa vàng hy vọng, bởi truyện dài là thể loại chủ lực của một nền văn học; hơn nữa lịch sử văn học Công giáo có rất ít truyện dài. Truyện dài Đất Mới 2020 là một đóng góp đáng kể.

TRUYỆN DÀI VHNT ĐẤT MỚI 2020: MỘT MÙA VÀNG HY VỌNG
TRUYỆN DÀI VHNT ĐẤT MỚI 2020: MỘT MÙA VÀNG HY VỌNG

TRUYỆN DÀI ĐẤT MỚI 2020 MỞ RỘNG NHIỀU CHỦ ĐỀ

Đóa hồng thứ 40 nói về tình cảnh người xuất khẩu lao động và thái độ sống đức tin trong những môi trường xã hội văn hóa khác biệt với Kitô giáo.

Ngựa chứng trong sân tu viện kể lại sự sa ngã của thầy Tín, lỡ mất cơ hội làm linh mục. Thầy phải bắt đầu lại từ số “0”. Truyện Trở về là tình cảnh khó khăn của người xuất tu khi hòa nhập với cuộc đời.

Ba ơi! Khi nào mẹ về? là thảm cảnh tinh thần của một gia đình. Lỗi lẩm của người cha gây ra cái chết của người mẹ, gây ra nỗi tuyệt vọng và trầm cảm con cái.

Sứ mạng kể truyện một cháu bé cùng mẹ giúp đỡ các linh hồn bị kẹt lại bởi những tà thuật mà không thể siêu thoát.

Di trú tới thiên Chúa là trạng thái trầm cảm của người trẻ trên đường Tìm được bản thân; hãy là chính mình”

Về gieo hạt giống yêu thương là cuộc đời của An. An sinh ra với một một thân thể không hoàn hảolại sớm mồ côiNhưng Chúa “vẫn luôn đồng hành cùng anh trên suốt chặng đường dài để anh gặp được những người tốt, những thiên thần của Chúa. Họ đã dạy anh những bài học về tình thương và sự sẻ chia”.

Nhiều truyện viết về người trẻ vào đời và sống đạo trong bối cảnh xã hội hôm nay. Họ phải đối mặt với nhiều thử thách, nhất là thử thách đức tin. Nhờ ơn Chúa và tình yêu thương của mọi người, họ đã vượt qua được thảm cảnh của mình.

SỰ PHONG PHÚ VỀ NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN

Nhiều tác giả có nghệ thuật viết truyện dài chuyên nghiệp, năng lực sáng tạo phong phú. Vốn sống, vốn văn hóa giàu có, và đặc biệt đa dạng về bút pháp. Chẳng hạn, Sứ mạng là một truyện phiêu lưu hiện đại, ngược lại, Đóa hồng thứ 40 là một truyện ký về những vấn đề nóng của xã hội Việt Nam hiện nay. Ngựa chứng trong sân tu viện và Sứ mạng có nhiều trang rất hấp dẫn. “Chất trẻ” của văn phong cũng là một đặc sắc của truyện dài 2020.

Những năm đầu của giải VHNT Đất Mới truyện dài mới đạt trình độ văn chương phong trào thì truyện dài Đất Mới 2020 đã có nhiều truyện đặc sắc có thể theo kịp với văn chương đương đại.

Ngựa chứng trong Tu Viện

Tác giả: Maria Goretty Nguyễn Thị Xuân

Dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu Linh Mục Tu viện Thánh Giuse

  1. Truyện dài 61 trang, có một Lời giải trìnhvà 11 chương. 7 chương đầu do tác giả kể. Từ chương 8 đến hết, nhân vật “Thầy Tín” tự kể. Chủ đề nhấn mạnh đến Lòng Chúa Thương xót: “Thiên Chúa không mệt mỏi khi tha thứ cho con người. Tội nhân cũng có tương lai tốt đang chờ đợi.  Thánh nhân cũng đã từng trải qua một quá khứ xấu xa.“Không có Chúa, tôi chẳng làm gì được” (Ga 15,5.)

Truyện kể lại sự sa ngã của thầy Tín, lỡ mất cơ hội làm linh mục và phải bắt đầu lại từ số “0”.

Thầy xuất thân trong một gia đình gia giáo. Cha mẹ là Thầy cô Vương Tào-Phương Quý, Công giáo, tình nguyện đi dạy vùng xa dân tộc “Tà Lũ”. Lúc nhỏ, Bờm (tên gọi của thầy Tín) rất thông minh, năng động. Từ sau 30/4/75 gia đình thầy vào Nam, lúc đầu mua đất làm rẫy ở Xuân Lộc sau chuyển về sống ở Biên Hòa. Tín học Đại học Y khoa. Tốt nghiệp, Tín bỏ lại nhiều cô theo đuổi, bỏ lại công danh sự nghiệp (bác sĩ) để đi tìm ý Chúa. Sau 6 năm tu tập ở “học viện” Tín được vĩnh khấn dòng.

Trong một lần giảng phòng, một buổi tối, thầy Tín đến nhà cô Hoài Nam. Lúc này chồng Hoài Nam đi công tác xa. Không cầm lòng được trước vẻ đẹp nữ sắc của gái một con, thầy Tín ôm hôn Hoài Nam. Với mặc cảm tội lỗi, lúc ra về, đường đêm, Tín bị xe tông, hôn mê 13 ngày mới tỉnh. Sau 3 tuần xuất viện về gia đình. Tâm trạng bị dày vò như trong luyện hình. Sau 9 tháng Tín trở về nhà dòng.

Tín đi giảng phòng gặp Dì Anna. Dì được mạc khải. Dì đã nói đúng tội lỗi dày vò tâm hồn Tín và nhắc nhở anh. Nhưng rồi khi được tin chồng Hoài Nam chết, Tín thấy mình có trách nhiệm phải chăm sóc Hoài Nam và con của cô, anh muốn bỏ tu để sống cới cô. Cãi lệnh Bề trên, trời tối, Tín lấy xe đi đến nhà Hoài Nam. Lần này Tín lại bị tông xe nhưng không chết.

Tín trở lại nhà dòng với mặc cảm tội lỗi dày vò triền miên. Tín đến gặp cha Tổng Phụ Trách và đưa ngài cuốn sổ ghi chép tất cả tội lỗi của mình, và xin cha cho ý kiến. Ngài có việc phải đi, hẹn gặp lại tôi. Sau đó ngài tìm Tín và cho Tín một chọn lựa nữa. Tín đã chọn cộng đoàn Martino để phục vụ. Và Tín bắt đầu lại từ con số “0”.

Sau 9 năm ở cộng đoàn Martimo, Tín gặp lại Dì Anna. Dì nhắc Tín phải luôn cảnh giác và tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót…

  1. Truyện nhấn mạnh đến sự sa ngã của Tín để từ đó, qua nhân vật Dì Anna khẳng định Lòng Chúa Thương Xót. Dì Anna được xây dựng như là một “tiên tri”. Dì được Chúa cho biết rõi tâm hồn tội lỗi của Tín. Dì dẫn cuộc đời sa ngã của Madalena và thánh Augustino cùng với lời dạy của Đức Giáo hoàng Phanxicô để khuyên giải Tín.

Phần miêu tả tâm trạng dày vò của Tín gây được ấn tượng. Tuy nhiên sự sa ngã của Tín với Nam Hoài không có cơ sở. Bởi hai người chưa hề có quan hệ tình cảm nào trước đó. Nam Hoài đang có một gia đình hạnh phúc, có chồng danh giá, con ngoan. Nam Hoài không có tình ý gì với Tín, cô cự tuyệt Tín là đương nhiên. Vì thế không có cớ để Tín phạm tội lần thứ 2. Không thể có chuyện nghe tin chồng Nam Hoài chết, Tín muốn bỏ tu về lấy Nam Hoài. Nếu tác giả miêu tả trước đó hai người có tình yêu thắm thiết thì còn có thể.

Cả hai lần Tín bị xe tông xe đều do mối quan hệ với Nam Hoài. Tín chạy xe  ban đêm, phóng hết tốc lực và không kềm chế được mình. Lưu ý rằng Tín đã học Đại học Y khoa ít nhất 7 năm, đã 2 năm tu tập và vĩnh khấn. Một người đã được giáo dục đạo đức rất sâu (Y đức và tâm đức) như thế thì không có chuyện bốc đồng phóng xe đi ban đêm như một tay chơi ngông để rồi nhận lấy tai nạn…

Về quan hệ nữ giới, trước đó Tín từng từ chối tình yêu của nhiều cô gái: từ chối tình yêu của Khuyên ở cấp III; và Mai Anh, Trâm Khương ở Đại học. Tín cũng không có biểu hiện gì của thói háo sắc hay chứng cuồng dâm, vì thế, việc đột nhiên Tín ôm hôn Nam Hoài, sau đó định bỏ tu lấy Hoài như tác giả miêu tả là không thuyết phục.

Tính cách nhân vật Tín không được miêu tả thuần nhất trong mối quan hệ xã hội và bầu khí tâm linh. Lúc nhỏ Tín là một cậu bé thông minh, cá tính. Nhưng khi lên đại học và nhập dòng, tính cách ấy không phát triển. Tín trở thành một người khác. Tín hoàn toàn mê muội và yếu đuối. Do đâu Tín như vậy trong khi hoàn cảnh xã hội (Tín tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa) và đã vĩnh khấn dòng, lẽ ra Tín sẽ rất khôn ngoan, mạnh mẽ và nhân hậu.

Cả việc Dì Anna biết được tội lỗi dấu kín trong tâm hồn Tín cũng không có cơ sở khoa học. Người đọc có cảm giác Dì Anna được Chúa mạc khải cho biết về Tín (không biết Dì Anna thánh thiện và đạo đức như thế nào mà được Chúa ban cho ơn đặc biệt ấy?). Truyện sử dụng bút pháp hiện thực thì mọi yếu tố duy tâm vượt ra ngoài hiện thực đều gây ra sự hoài nghi về tính chân thực nghệ thuật.

Về văn chương, có lẽ học tập cách viết của Thánh Augustino trong Tự thuật (Confessions) nên từ chương 8 trở đi, tác giả để cho nhân vật tự kể chuyện, trang văn trở nên khởi sắc. Các chương đầu tẻ nhạt. Tác giả bình luận ngoại đề nhiều.

Truyện kết lại bằng ý tưởng: “Tội nhân cũng có tương lai tốt đang chờ đợi”, nhưng tương lai của Tín là gì? Dù Tín đã phục vụ 9 năm ở cộng đoàn Martino? Trước đó, khát vọng của Tín là trở thành Linh mục. Có lẽ khát vọng của Tín mãi mãi là khát vọng! Cách kết truyện như thế chỉ là một lời an ủi Tín, không thể có khả năng vực dậy một tâm hồn đã sụp đổ.

Truyện dài Đất Mới 2020

 

Sứ Mạng

Tác giả: Maria Đặng Thị Kim Thoa

TÓM TẮT

  1. Câu chuyện bắt đầu từ lúc người mẹ đơn thân quyết định thuê nhà ở riêng, không sống chung với mẹ ruột nữa. Cô ấy đã dọn đến ở trong một ngôi nhà mà cả khu phố đều cho là đã bị ám. Nhưng thực ra, mọi chuyện đều do một số linh hồn chọn ngôi nhà là nơi gặp cô ấy, nên đã đuổi hết những người khác đi.

Cô ấy và cậu con nhỏ có một sứ mạng: giúp đỡ các linh hồn bị kẹt lại bởi những tà thuật mà không thể siêu thoát.

Bằng đức tin vững vàng nơi lòng Chúa xót thương, với sự can đảm, hai mẹ con cô đã có những cuộc đối đầu kinh hoàng với Qủy dữ, và sự trợ giúp của vị Tiên tri Elia vĩ đại. Để giúp cô ấy có thể chiến đấu chống lại thế lực bóng tối hùng mạnh, Tổng Lãnh Thiên Thần Michel đã được phái đến với cô trong một giấc mơ để tập huấn cho cô kỹ năng chiến đấu. Khi Qủy Satan dồn toàn lực quyết sát hại hai mẹ con cô, các linh hồn từ muôn nghìn năm đã đồng tâm nhất trí cầu nguyện cho cô. Chúa Trời cảm động, đã cho Tổng Lãnh Thiên Thần Michel giáng trần chiến đấu với Qủy vương.

Cuộc chiến đã gây nên những kinh thiên động địa khắp trái đất. Và cả nhân loại sợ hãi nguyện cầu. Cuối cùng, vinh quanh của Chúa Trời ngự xuống mặt đất, Qủy dữ run sợ  và bị đuổi xuống hỏa ngục. Trái đất bình yên như chưa có chuyện gì xảy ra.

Truyện kết thúc khi Tổng lãnh Thiên Thần đã khiến cho cô trở lại thực tế như tất cả chỉ là một giấc mơ dài. Con trai bé nhỏ của cô cũng được xóa hết ký ức về những chuyện siêu phàm. Chỉ có cô là được lưu giữ tất cả, cùng sợi tóc của Thiên Thần tổng lãnh Michel như một kỷ niệm đẹp.

  1. Kim Thoa có nghệ thuật kể truyện hấp dẫn của một nhà văn chuyên nghiệp.Văn chương trau chuốt. Tác giả khéo léo kết hợp việc miêu tả hiện tượng siêu hình với đời sống thực, đồng thời đi sâu phân tích những phản ứng tâm lý của nhân vật Tôi gây được lòng tin nơi người đọc. Việc trích dẫn Kinh Thánh, tra cứu khoa học trong một cấu trúc chặt chẽ được giữ kín, tác giả đã tạo nên những trang văn có sức thuyết phục và giữ chặt lấy người đọc.

Truyện thâm nhập khá sâu vào những tín niệm thần học là Linh hồn, sự giải thoát, thế

giới bên kia, cõi người và cõi ma quỷ, sự tương quan con người và thần linh. Nền tảng của những vấn đề trên là những nhận thức từ Kinh thánh. Chẳng hạn, tác giả trích Khải Huyền 12, 1-10; Ephêsô 6, 10-20 làm nền tảng cho sự triển khai ý tưởng của mình; đồng thời tác giả cũng kết hợp với việc tra cứu khoa học để xác minh sự thật của vấn đề (tra cứu Google). Chủ đề truyện khá rõ ràng: “sứ mạng: giúp đỡ các linh hồn bị kẹt lại bởi những tà thuật mà không thể siêu thoát”.

Để triển khai chủ đề, tác giả đã kể những cuộc phiêu lưu không tưởng” của nhân vật “Tôi” và đứa con của mình (Nhóc Kin, 5 tuổi) trong những giấc mơ. Tôi và con bước vào trong gương, theo một linh hồn sang thế giới bên kia, ở đó Tôi đã phải chiến đấu với con quỷ có 2 cái sừng, với 5 mụ điên, với mãng xà 9 đầu, với rất nhiều xác ướp…Tôi và Kin được Tiên tri Êlia chỉ đường, được Tổng lãnh Thiên thần Michell huấn luyện chiến đấu và được ngài trợ giúp để đánh bại chúa tể của bóng tối là Satan, cứu các linh hồn bị mắc kẹt chưa siêu thoát… Nhưng tất cả “chỉ là một giấc mơ dài không có thật được Tôi kiểm chứng cụ thể qua xác nhận của Kin, và của chính mình.

Nói cho đúng, đây là một truyện phiêu lưu giải trí mang nội dung thực hiện một sứ mạng tâm linh là giúp đỡ các linh hồn bị kẹt lại bởi những tà thuật mà không thể siêu thoát. Vì thế, người đọc thấy rõ sự pha trộn những tình tiết của nhiều kiểu truyện phiêu lưu trong những phim truyện thiếu nhi hiện đại (Harry Potter, Thế giới song song), cả truyện dân gian (Thạch Sanh chém Chằn tinh) và Khải Huyền…Có khác chăng là tác giả lấy các tín niệm về linh hồn, Thiên thần, ma quỷ, trong thần học Công giáo kết hợp với đức tin vào Lòng Chúa Thương Xót.

Vì thế sự thành công và hạn chế của tác phẩm không nằm trong nghệ thuật kiến tạo cấu trúc tác phẩm mà nằm trong những ý niệm thần học mà tác giả dựa trên đó xây dựng cốt truyện.

Trước hết chủ đề “Sứ mạng”. Mãi tới chương 22 chủ đề này mới được tiết lộ. Kin dẫn Tôi đi và nói: “Đi giúp đỡ các linh hồn bị mắc kẹt mẹ ạ!”. Nếu là một tác phẩm tâm linh thì chủ đề này phải được khám phá ngay từ đầu. Đã rõ. Tác phẩm chỉ là truyện phiêu lưu giải trí. Dành cho trẻ con. Xin đọc chương 24: ”Tầng hầm chết chóc”, hành động truyện hoàn toàn là phiêu lưu. Nói như thế để thấy rằng “Sứ mạng” không phải là truyện nói về những vấn đề tâm linh dưới ánh sáng Thần học Kitô giáo, để giải quyết những vấn đề xã hội đang đặt ra thách thức lương tâm Công giáo. Tuyệt nhiên người đọc không tìm thấy ý nghĩa tâm linh hay những vấn đề nóng của xã hội đương đại mà người Công giáo đang đối mặt. Đây là chỗ yếu nhất của ngòi bút Kim Thoa.

Nhân vật Tôi là người phụ nữ thế nào mà được mạc khải giao cho một nhiệm vụ rất quan trọng là “giúp đỡ các linh hồn bị mắc kẹt không siêu thoát”?

Tôi là người thuê nhà ở tổ dân phố 4, phường Lãm Hà, thành phố Hải Phòng, làm nghề bán hàng online. Tôi dính với một người đàn ông có vợ và có con với ông ta (Nhóc Kin). Con gái ông ta học Đại học Hàng Hải. Tôi và ông ta sống ly thân. Tôi từng có người yêu giờ là Linh mục. Tôi không còn khả năng sinh sản. Cái dại của tôi là dính với ông ta mà không bám lấy người yêu.

Có thể thấy rõ điều này, về mặt đạo đức tôn giáo, nhân vật Tôi không phải là một người đủ thánh thiện, đủ sức mạnh đức tin, đủ sống đời dâng hiến để có thể đựơc Thánh Thần mạc khải cho tiếp cận với thế giới bên kia. Cho nên giao cho nhân vật Tôi “sứ mạng” như vậy là vượt quá tín lý thần học.

Sự vượt quá tín lý thần học còn thể hiện ở nhiều tình huống. Chẳng hạn chương 21, Cuộc tập huấn đầu tiên Tổng lãnh thiên thần Micae hiện ra huấn luyện cho Tôi. “Ngài đánh con te tua. Con sắp gẫy vụn ra rồi. Suốt nhiều giờ trôi qua trong trận mưa gậy khắp thân thể, tôi đau đến nỗi chỉ muốn chết đi cho rồi, đỡ phải tập tành, đỡ phải đánh đấm. Mệt rũ người, tôi chán nản tột cùng”; và hiệu quả của cuộc huấn luyện ấy là gì? Tôi nhận thức rõ: “Tôi giật mình tỉnh dậy. Giấc mơ thật tuyệt! Không biết cuộc tập huấn trong mơ này có để lại hiệu quả gì cho tôi hay không, tôi thấy mình vẫn… ngáp bình thường như mọi buổi sáng khác”. Có một nụ cười khôi hài ở chi tiết này!!! Michell là Tổng lãnh Thiên thần, nếu có huấn luyện thì ngài huấn luyện sức mạnh tâm linh, sao lại dùng gậy đánh Tôi te tua, không phải chỉ một hai gậy mà là “trận mưa gậy”! Có lẽ tác giả muốn gây hứng thú hài hước cho trẻ chăng (giống Tề Thiên đại thánh dùng gậy đánh yêu quái).

Một điều làm người đọc hoài nghi nữa là, theo tín lý, con người sau khi chết, linh hồn đến trước mặt Chúa chịu phán xét, hoặc lên Thiên đàng, hoặc xuống Địa ngục, hoặc ở nơi luyện tội (quen gọi là Lâm Bô). Nhưng trong truyện này tác giả lại đặt ra một cõi khác, mà tác giả gọi là Cõi Trung Gian. Những linh hồn bị tà thuật ếm bùa,  nhốt không thoát ra được, không biết ở cõi nào? Nếu là cõi của quỷ Satan thì đó là Đia ngục. Đưa những chuyện ếm bùa, cương thi tấn công vào truyện, tác giả đã đặt không gian truyện  ra ngoài tín lý Công giáo. Trẻ con nếu đọc những điều miêu tả thế này sẽ rối trí và rối luôn cả đức tin đã được giáo dục.

Nếu được gia công thêm, Sứ Mạng sẽ là một truyện dài đặc sắc của giải VHNT Đất Mới 2020

 

Di Trú Tới Thiên Chúa

  1. Innocentio Nguyễn Thị Duyên, O.Cist.

Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Vĩnh Phước

Di trú tới Thiên Chúa là truyện dài, gồm 28 chương, phần mở đầu và Kết. Phần kết là một bài văn nghị luận, nhân vật Tôi (không rõ là tác giả hay nhân vật) trực tiếp trình bày chủ đề và trình bày thông điệp tư tưởng. Truyện có dáng dấp một tự truyện viết theo thể loại nhật ký, trình bày vấn đề về người trẻ. Tác giả có cách viết hấp dẫn, song trang văn khá nặng nề do bối cảnh truyện chật hẹp và tất cả hiện thực chỉ được nhìn qua tâm trạng của nhân vật Tôi, một nhân vật bị trầm cảm. Truyện khó đọc vì chủ đề không nhất quán.

TRUYỆN VỀ MỘT NGƯỜI TRẺ TRẦM CẢM (?)

Truyện kể lại trạng thái tâm hồn tù đọng bế tắc của Minh Châu (nhân vật xưng Tôi, người kể truyện) sau cái chết của chị Linh Nga. Minh Châu là cô gái học lớp 11 chuyên lý, được chọn vào đội tuyển quốc gia. Cô có cha mẹ đạo hạnh, gia đình nề nếp. Cô có tài hội họa và cũng là người đàn Piano trong ca đoàn nhà thờ. Cô vô tình gây ra cái chết cho người chị:

“Sáng hôm đó chúng tôi đi vội nên chưa ăn sáng, tôi đã nói chị dừng xe lại và chờ tôi mua đồ ăn sáng cho hai chị em. Vì thế chị mới bị chiếc xe kia nhào tới. Nếu tôi không muốn dừng lại mà cứ thế tới trường thì đã chẳng có chuyện gì xảy ra. Tôi đã không mất chị mãi mãi. “Từ ngày ấy đầu óc Minh Châu như bị khóa kín lại. Cô không biết phải trả lời những câu hỏi của bố mẹ và của những người khác như thế nào nữa nên cô gần như chẳng nói gì. Cũng không biết phải làm gì để được gọi về lại với cuộc sống. Hình ảnh của chị cứ vương vấn, tồn tại mọi nơi, nơi nào cũng có chị.”

Minh Châu tự phân tâm: “những nỗi đau, sự mất mát quá lớn và có lẽ là sự chấn động đến tính cách mà những người trẻ phải gánh chịu. Nhiều khi phải luôn cố tỏ ra giống người khác trong khi đó chúng ta biết chúng ta khác biệt. Có những lúc tôi nghĩ rằng cuộc sống của tôi là sự giả vờ, một sự lẩn tránh – những ý nghĩ trôi qua tôi, không phải như tôi hiện giờ. Tôi đã vội ngồi dậy, bật đèn lên, tay bám chặt vào thành giường. Bởi vì tôi biết nếu tôi buông tay ra, dù chỉ một lần thôi, tức thì tôi sẽ ra ban công và nhảy xuống. Tôi không thể biết điều này và tại sao lại như vậy, nhưng nó là như vậy.”

Minh Châu được một người bạn chung lớp đưa cô trở lại cuộc sống. Người bạn duy nhất ấy tên là Hà Linh (gốc Việt) ở Vũ Hán sang Việt Nam học. Cha mẹ Hà Linh chết trong một tai nạn giao thông. Hà Linh trở thành mồ côi. Hà Linh  trở về Vũ Hán trong kỳ nghỉ, cô đã chết vì lây nhiễm Covid khi chăm sóc bà ở bệnh viện. Điều ấy lại một lần nữa làm tổn thương tâm hồn Minh Châu.

Và nhân vật Tôi (không rõ là Minh Châu hay tác giả) đặt vấn đề: ”Đã nhiều lần chúng ta là cha mẹ, anh chị, những người thân hay bạn bè đã không quan tâm đến những cảm xúc bất ổn, hay dễ dàng gạt những rung động đầu đời của tuổi trẻ sang một bên…

Có những lúc con trẻ của bạn đang thật sự không ổn, đang gặp vấn đề. Và chúng ta đã băn khoăn, nghi ngờ có gì đó không ổn, một điều mà ta chưa giải nghĩa được tường tận, nhưng lại không đủ thời gian hay sự quan tâm để theo đuổi mối nghi ngại này

Thông điệp sau cùng nhân vật Tôi (không rõ Minh Châu hay Tác giả) hướng đến người trẻ là: “Nếu bạn nghĩ có điều gì đó trong bạn không ổn, hãy nói ra./ Bạn không hề đơn độc, bạn không cô đơn một mình./ Bạn không có lỗi./ Ở đây luôn có người sẵn sàng giúp đỡ và ở bên bạn./ Ở đây luôn có những vòng tay để xoa dịu nỗi đau mà bạn cần chữa lành.”

NHỮNG THÀNH CÔNG

Tác giả là một cây bút viết truyện dài chuyên nghiệp. Trang văn có sức cuốn hút bởi kỹ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật Tôi nhìn cuộc sống trong mọi chi tiết hàng ngày. Tác phẩm là một dòng chảy chảy nhận thức, ý thức trôi chảy liên tục từ đầu đến dòng cuối. Nhân vật luôn đưa ra những diễn ngôn có ý nghĩa tư tưởng. Ý nghĩa này được củng cố bởi lời của những nhà văn lớn trên thế giới được trích dẫn như: Lev Tolstoy, Lỗ Tấn, Jim Morison, Steve Jobs, Huxley và Orwell, Châu Tinh Trì, Virginia Woolf, Agatha Christie, thánh Augustino, Maxim Gorky, Frank Herbert…Những yếu tố này tạo nên bóng dáng của một tiểu thuyết tư tưởng.

Tuy nhiên, trong những nhân vật Minh Châu trích dẫn, ngoại  trừ thánh Augustino, không có tên tuổi triết gia nào, hay dựa trên một hệ tư tưởng triết học nào. Những “tư tưởng” mà Tôi hướng đến, chỉ là những kinh nghiệm sống cả một cá nhân. Những câu nói có vẻ “triết lý” của nhân vật Tôi, làm cho văn chương trở nên nặng nề. Nhân vật Tôi bị chính những thứ “triết lý không tưởng” ấy trói buộc.

Đây là một “suy tư” của Minh Châu: “Có người sống nửa cuộc đời trong nỗi buồn của quá khứ, do vậy đã hủy hoại cả nửa đời người. Có người đã hết mình với đam mê nhưng cuối cùng khi hòa giải với quá khứ lại cười bản thân chẳng có gì hết. Chúng ta sẽ không bị đam mê hủy hoại, có lẽ chúng ta cũng không bị nỗi buồn hủy hoại. Chúng ta chỉ bị hủy hoại bởi nỗi buồn khi chúng ta trở thành nỗi buồn. Con người rồi sẽ chết nhưng ước mơ giúp chúng ta sinh ra từ cái chết. Tại sao chúng ta lại có cảm giác trên những thứ mà chúng ta yêu thích? Chúng ta lo lắng điều gì?”

Giả như những suy tư ấy là thật, thì những suy tư như vậy chỉ nói lên một điều là, đầu óc Minh Châu “có vấn đề”. Đó không phải là minh triết, không phải là nhận thức chân lý có tính khoa học, hay là những mạc khải từ Kinh thánh. Đó là một tâm hồn đầy dẫy những khái niệm triết học mà Minh Châu chưa đủ sức hiểu. Bản chất của nỗi buồn là gì? Đam mê là gì? Cảm giác là gì? Con người khi đã chết thì đâu còn ước mơ để có thể nói rằng “ước mơ giúp chúng ta sinh ra từ cái chết”. Người đọc thấy Minh Châu đã thấp thoáng tiếp cận với tư tưởng Hiện sinh, song tác giả đã không đủ sức dẫn dắt nhân vật khám phá Hiện sinh.

Ở những chương cuối, tác giả (nhân vật Tôi) chuyển sang giới thiệu cảnh sắc Hà Nội. Bút pháp chuyển từ cách viết Tiểu thuyết sang sự ghi nhận khách quan của Bút ký. Không khí truyện tù đọng, u ám, thảm đạm trở nên trong sáng, cao rộng, và vui tươi. Nhân vật Tôi đã giới thiệu Nhà Thờ Lớn Hà NộiKem Tràng Tiền, những con phố hàng rong, Phố sách 19/12, Vườn quốc gia Xuân Thủy, bánh trôi Tàu của nghệ sĩ Phạm Bằng trên phố Hàng Giầy, cửa sông Hồng cho đến cuối Cồn Lu, Cồn Ngạn…gợi ra thế giới nghệ thuật của Thạch Lam. Trang văn chứa đựng một lượng tri thức sâu sắc về Hà Nội và tỏa sáng một tình yêu quê hương đằm thắm.

CÓ THỂ LÀ NHỮNG HẠN CHẾ

  1. Không gian truyện quá chật hẹp. “Tôi cần niềm tin. Bởi vì rất nhiều lúc tôi muốn chui vào nơi cư trú của riêng mình, chui vào thế giới của riêng tôi và tôi cảm thấy nơi đó an toàn”. Tôi hoàn toàn trống rỗngTôi không thể thoát ra khỏi những bức tường lượn sóng, do dự, dốc đứng và khép kín đến hoàn hảo của nó. Nhưng tôi ghét chúng, chúng phủ kín lấy tôi và không buông tha cho tôi/”.

Minh Châu chỉ quanh quẩn ở nhà, có khi phụ mẹ làm bếp (nhưng thường là mẹ chăm sóc cô), còn lại cô ở trong phòng riêng, hoặc vào phòng vẽ để nhớ người chị đã mất. Đến lớp, cô chỉ nhìn ra cửa sổ mà không tập trung để học khiến thầy cô phải nhiều lần nhắc nhở. Rời lớp học, cô xuống căn tin, chọn món ăn, trà sữa; cô thường lên tầng cao nhìn xuống, hoặc đi dọc hè phố, đến phố sách. Chỉ ở những chương cuối Minh Châu mới cùng Hà Linh theo cha xứ đến trại phong Vân Môn ở xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, thăm đất Thánh Bến Cốc, Mái ấm” của hàng ngàn thai nhi. Thời gian còn lại của cô là đọc sách và lên mạng. Người bạn duy nhất là Hà Linh, sau có thêm Minh Nhật, nhưng tất cả chỉ trong phạm vi rất hẹp của tình bạn trong nhà trường. Không gian chật chội này chính là “nhà tù” vô hình đối với tâm hồn Minh Châu. Tâm hồn ấy có sự vận động sau khi Minh Châu đi thăm trại phong và thăm nghĩa trang đồng nhi. Trong thực tế, thời đại 4.0, người trẻ thường vươn tâm hồn đến những nơi rất xa và rộng. Họ trải nghiệm nhiều môi trường, họ dấn thân thử sức với nhiều thử thách và rất nhiều học sinh 12 đạt những nhọc bổng giá trị của các Đại học danh tiếng Mỹ, họ không chỉ quanh quẩn trong nhà và trong sân trường như Minh Châu.

  1. Điều gây ra bệnh trầm cảm của Minh Châu là cái chết của chị Linh Nga mà cô vô tình gây ra. Điều này kéo dài nhiều chương. Sau đó là cái chết của người bạn thân Hà Linh, người đã đưa Minh Châu trở lại cuộc sống, tâm hồn Minh Châu một lần nữa bị tổn thương.  Cuối tác phẩm, tác giả kêu gọi những người làm cha mẹ cần quan tâm đến đời sống tinh thần của con cái, những người trẻ, để giúp học vượt qua những bế tắc, những mặc cảm.

Hình như chủ đề này không liên quan gì đến nhan đề tác phẩm là “Di trú đến Thiên Chúa”. Trong suốt tác phẩm, đời sống tâm linh của Minh Châu rất mờ nhạt, dù gia đình đạo hạnh và cô đàn Piano cho ca đòan trong nhà thờ. Tôi (Minh Châu) có trích dẫn Tông huấn Chúa Kitô đang sống số 141, trích thư Thánh Phao-lô viết cho cộng đoàn tín hữu ở Philipphê…Nhưng tất cả chỉ là hình thức giữ đạo, đời sống tâm linh của Minh Châu chưa được khám phá đúng mức để thể hiện chủ đề Di trú đến Thiên Chúa”. Trái lại, cô kể cho Hà Linh lý do tại sao nhiều lần mình lên sân thượng nhà trường. Là vì, cô muốn trải nghiệm cái cảm giác tự tử. Những lúc như thế, Minh Châu không phải là một cô gái có đức tin.

  1. Tìm được bản thân; hãy là chính mình” là một chủ đề khác được nhấn mạnh trong tác phẩm. Đây không phải là chủ đề đức tin. Người mẹ chúc mừng sinh nhật 17 tuổi của Minh Châu bằng những lời này: “Minh Châu! Hãy là con như con luôn muốn, đừng cố gắng vì một ai khác, cũng đừng cố gắng vì bố mẹ mà hãy cố gắng vì chính bản thân con. Cố lên – bé con của mẹ.”

Minh Châu nhận định: Hà Linh là “Người bạn giúp tôi vượt qua những ràng buộc từ tận nơi sâu thẳm nhất để tìm ra con người mà tôi muốn trở thành. Tìm được bản thân là một câu hỏi luôn dằn vặt và sống mãi trong tâm tư của những người trẻ đang bước đần đến tuổi trưởng thành”… Chính Hà Linh đã giúp tôi trực diện với cuộc sống để tìm ra một giải phát mới cho những rắc rối trong cuộc sống.

Liệu việc không “tìm ra con người mà tôi muốn trở thành” có phải là điều gây trầm cảm cho Minh Châu không? Không phải. Thực tế, cha mẹ Minh Châu rất tôn trọng cô, tôn trọng điều cô muốn làm, tôn trọng cách sống, tôn trọng mọi sở thích. Minh Châu lại sinh trưởng trong một gia đình đạo hạnh, có nề nếp giáo dục tốt, trưởng thành lên trong một môi trường tốt, được thầy cô rất quan tâm, tạo mọi điếu kiện cho Minh Châu thăng tiến, vậy Minh Châu trăn trở điều gì về bản thân? Minh Châu biết rõ mình có năng lực học giỏi (được chọn thi học sinh giỏi quốc gia môn Lý), có năng khiếu hội họa (có phòng vẽ riêng) và có tài năng âm nhạc (nhà có đàn Piano). Minh Châu lại đọc nhiều sách, xem phim, chơi nhạc, có nhiều đam mê. Minh Châu chưa hề được miêu tả như một nhân vật vong thân. Cho nên không có vấn đề “tìm ra con người mà tôi muốn trở thành”. Minh Châu có cô bạn Hà Linh chia sẻ mọi điều, có người bạn trai Minh Nhật hết sức quan tâm. Cả Hà Linh và Minh Nhật không gặp vấn đề trầm cảm như Minh Châu, tại sao Minh Châu lại trăn trở? Tôi ngờ rằng, đó chỉ là những “trăn trở” mà tác giả gán cho nhân vật, không phải là “trăn trở” xuất phát từ tính cách, hoàn cảnh sống của nhân vật. Những chủ đề lạc lõng trong tác phẩm như thế này đã phá vỡ những tư tưởng cốt lõi mà tác giả muốn gửi gắm.

  1. Trong việc kiến tạo tác phẩm, tác giả cũng bắt nhân vật phải gánh những thông điệp quá sức mình. Minh Châu đang trầm cảm nặng, bỗng dưng lại đầy lòng yêu thương đối với người trại phong Vân Môn. Minh Châu xót thương vô hạn cho hàng vạn thai nhi khi cô đứng quan sát ở đất thánh Bến Cốc. Trước đó tác giả chưa bao giờ miêu tả Minh Châu là một nhân vật có tâm hồn nhân hậu, biết hướng đến tha nhân, hay có lý tưởng phục vụ tha nhân. Trái lại Minh Châu là người hướng nội. Cô luôn soi vào tâm hồn mình. Không bận tâm đến người khác. Ngay cả ở trường Minh Châu cũng chỉ có Hà Linh là người bạn duy nhất.

Cho nên việc lồng ghép chủ đề nhân đạo vào tác phẩm, đặt lên vai Minh Châu một gánh nặng quá sức, không làm cho nhân vật đẹp hơn. Có chăng chỉ là để lý giải một điều: Khi Minh Châu biết mở lòng ra với mọi người, nhất là những kiếp người khốn cùng, cô sẽ tìm thấy chính mình. Sinh nhật Minh Châu, bố mang bánh mừng sinh nhật ra và cùng mẹ hát bài chúc mừng sinh nhật Tôi: “Lúc này tôi mới cảm nhận thật sự mình hạnh phúc khi được sinh ra trong một gia đình”.

  1. Chương Kết có thể gây ra những mâu thuẫn về xây dựng nhân vật. Nhân vật Tôi là tác giả hay là nhân vật Minh Châu? Nếu là tác giả, trong trường hợp này, tác giả trực tiếp bước vào tác phẩm để minh giải chủ đề bằng một bài văn nghị luận. Điều này vi phạm nguyên tắc sáng tác tiểu thuyết. Những nhà văn đầu thế kỷ XX (như Hồ Biểu Chánh chẳng hạn) hay ngồi chễm chệ trong tác phẩm mà bình luận ngoại đề. Nếu Tôi là nhân vật Minh Châu thì có mâu thuẫn. Minh Châu vừa là nạn nhân trầm cảm, lại vừa là người đang dang rộng vòng tay đón những người trẻ trầm cảm. Điều này không thể, vì Minh Châu mới 17 tuổi, vừa xong lớp 11, vừa trải qua một chấn thương tâm lý là cái chết của Hà Linh. Minh Châu chưa là người trưởng thành như một người nhiều trải nghiệm, một người đứng trong các đoàn thể thiện nguyện, với lý tưởng cao đẹp và lối sống rộng mở để tiếp đón các nạn nhân.

Có lẽ nên tách hẳn ra, để đọan kết là lời tác giả. Giống như Nguyễn Du, sau khi kể truyện của nhân vật Thúy Kiều, Nguyễn Du trực tiếp bình luận về chủ đề tư tưởng tác phẩm của mình (đoạn kết Đoạn trường tân thanh).

VÀ NHỮNG TRIỂN VỌNG

Với tài năng viết tiểu thuyết như tác phẩm này, tác giả có khả năng viết những tác phẩm tư tưởng theo kỹ thuật dòng ý thức của văn chương Hiện Sinh. Vấn đề còn lại chỉ là kỹ thuật xử lý những chi tiết, những yếu tố của tác phẩm để tác phẩm đạt được tính chân thực nghệ thuật.

Ban Văn hóa-GPXL

 

Ba Ơi! Bao Giờ Mẹ Về?

Maria Pacome Hồ Thị Phương, O.Cist.

  1. Truyện kể về trạng thái tinh thần bị sụp đổ, tuyệt vọng và trầm cảm của nhân vật Bích Trâm sau cái chết của mẹ là bà Nguyệt.

Một lần nọ, ông Cao, cha của Bích Trâm, không muốn cho con theo đạo, ông dẫn con đến một cái nhà kho chứa trà để dạy cô cách pha trà của tổ tiên, nhưng ông đã nhốt cô ở đó. Căn nhà bị chập điện cháy, mẹ cô (bà Nguyệt) vì cứu cô mà chết. Từ đó cô bị bệnh sợ bóng tối. Cô luôn hỏi ông Cao “Ba ơi! Bao giờ mẹ về”. Ông Cao chỉ nói bà Nguyệt đi chữa bệnh một thời gian sẽ về. Đến khi Bích Trâm phát hiện ra bà Nguyệt đã chết, cô thương mẹ và căm giận ông Cao đã nói dối. Cô không còn tin ai. Cô luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh mẹ cô trong lửa cháy và từ chối tất cả sự chăm sóc của ông Hải (ông ngoại), từ chối sự cầu xin tha thứ của người cha (ông Cao). Bích Trâm học Đại học Sư phạm, khoa Tâm lý. Cô được Anh Quân, người học cùng lớp tận tình chăm sóc trong mọi tình huống ngặt nghèo. Quân đang du học ở Nhật, trong thời gian nghỉ, anh về nước và xin học lớp tâm lý Đại học Sư phạm Tp HCM với Bích Trâm.

Sau nhiều biến cố, Bích Trâm đã tha thứ cho ông Cao để trở về vòng tay yêu thương của gia đình và bạn bè. Anh Quân trở lại Nhật tiếp tục học. Sau 3 năm, Anh Quân trở về. Trong dịp dỗ bà Nguyệt (Mẹ Trâm), trước mặt gia đình Bích Trâm và sự hiện diện của cha mẹ mình, anh đã cầu hôn Bích Trâm. Nhìn con hạnh phúc, “ông Cao hoàn toàn yên tâm và tin vào những gì Chúa đang thực hiện trên gia đình của ông.”

  1. Truyện đặt ra nhiều vấn đề của người trẻ với lương tâm Công giáo. Bệnh trầm cảm, sợ bóng tối và thù ghét cha của Bích Trâm có nguyên nhân từ việc ông Cao muốn có con trai nhưng bà Nguyệt chỉ sinh con gái là Bích Trâm. Từ đó ông thù ghét vợ con. Ông không cho Bích Trâm theo đạo và gây ra tội ác giết chết vợ. Ông làm cho con khiếp sợ, khủng hoảng và trầm cảm. Bích Trâm sụp đổ lòng tin vì chính người cha đã lừa dối cô và ông ngoại che dấu việc mẹ cô đã chết. Ở trường, Bích Trâm lại bị bạn bè đố kỵ làm cho bệnh trầm cảm của cô ngày càng nặng hơn. Sau cùng, chỉ tình yêu thương của gia đình (người cha, ông ngoại, Dì Út), sự cảm thông chăm sóc của thầy cô, bạn bè, Bích Trâm mới tìm lại được lòng tin yêu và hạnh phúc. Tác giả có thấp thoáng đề cập đến Lòng Chúa Thương Xót đối với ông Cao sau 25 năm bỏ Chúa.
  2. Về nghệ thuật, truyện có nhiều trang sinh động về sinh hoạt của sinh viên lớp Tâm lý D1 Đại học Sư phạm Tp HCM: Những chuyện đố kị của bạn gái, chuyện nghịch ngợm của bạn trai làm cháy chiếc thuyền gỗ trong phòng thí nghiệm, chuyện tham quan và biểu diễn ở Nhà Hát lớn Sài Gòn. Cấu trúc có hậu giải tỏa được những ngột ngạt bế tắc bao trùm lên số phận Bích Trâm.

Dù vậy, việc kiến tạo tác phẩm, xây dựng tình huống, xử lý những mâu thuẫn nhiều chỗ chưa đạt được tình chân thật nghệ thuật. Ông Cao và gia đình là người có đạo, sao ông lại cấm con gái mình theo đạo?

Căn nhà Bích Trâm bị ông Cao nhốt, khi Bích Trâm mở công tắc thì không có điện, vậy mà bỗng dưng chập mạch điện gây cháy nhà, Bích Trâm không biết đường thoát thân để chịu ngộp, rồi bà Nguyện xông vào cứu cô mà bị chết.

Chương 20, đến một Nhà Nguyện, “Bích Trâm cảm thấy những mệt mỏi và đau khổ đã dần tan biến, dường như cô đang bước vào một thế giới khác, một nơi yên bình và ấm áp đến kì lạ”. Cô nằm xuống, gối đầu lên ba lô ngủ. Vậy mà sau đó, khi đi trong đêm cô lại có ý định tự tử. May mà hình ảnh người mẹ đã cứu cô. Hình ảnh người mẹ mỉm cười chào và nói với cô. “Con nhất định phải sống tốt và hạnh phúc. Hãy tha thứ cho ba nhé con, mẹ biết con làm được mà. Ba mẹ rất yêu con.”

Cả Bích Trâm và Anh Quân đều là sinh viên Sư phạm, khoa tâm lý, vậy mà không thể tự kềm chế để dẫn đến những hành động rất vô văn hóa (nếu không nói là vô giáo dục). Ngày sinh nhật Bích Trâm, ông Cao làm bánh kem mừng sinh nhật con. Mặc dù đã có lời giảng giải của ông ngoại, “Bích Trâm đứng bật dậy và hất tung cái bánh lên khỏi tay ông…Ngỡ ngàng trước thái độ của con gái, ông Cao buồn bã nhìn từng miếng kem vương vãi dưới đất, ông đau khổ cúi gằm mặt và đầu gối khụy xuống”. Còn Anh Quân, khi được cha là ông Tú can ngăn quan hệ với Bích Trâm, “Anh Quân tức giận cãi lại, không chút nể nang gì: -“Sao ba lại có những suy nghĩ cổ hủ như thế chứ? Con không thể tin ba lại là người có tầm nhìn hạn hẹp như vậy…-“Con sẽ thực hiện đúng như lời đã hứa, nhưng xin ba đừng đụng tới cô ấy, đó là người bạn duy nhất của con.” Anh Quân vẫn ung dung bước lên cầu thang, còn ông Tú thì tức sôi máu nóng muốn ném luôn tô mì vào người anh. Những hành vi và ngôn ngữ như thế ở niệng những người sinh viên Sư Phạm, khoa tâm lý là không thể chấp nhận được. Bởi họ là những người giáo dục rất kỹ  từ trong gia đình đến trường học, và họ đã là những người trưởng thành, có học hành tử tế.

Truyện cũng có nhiều chương đoạn miêu tả những tình huống rất “Cải lương”, tức là tác giả cố ý “sáng tạo” những điểu khó có trong hiện thực. Chẳng hạn, đoạn tả Bích Trâm bị hai thanh niên cướp điện thoại rồi vác cô chạy. Khi nghe cô nói bị Covid nó mới buông tha rồi lấy thùng rác úp trên đầu cô; họăc lúc Bích Trâm định tự tử thì Anh Quân đến cứu và đưa cô về. Anh bị bác bảo vệ chặn lại đòi đưa về đồn. “Anh Quân kéo Bích Trâm chạy như người ta rượt đòi nợ đến nơi”. Thực là một cảnh hài sân khấu; hoặc trên đường đưa Bích Trâm trở về, Anh Quân bị kẹt xe vì có một tà nhà 7 tầng bốc cháy, sau đó cứu hỏa cho nổ tòa nhà để tránh gây tai nạn. Tôi không rõ tòa nhà đang cháy, hai bên các nhà cửa xung quanh đã được cứu thế nào, mà cứu hỏa cho nổ tòa nhà nhanh như vậy.

Trong suốt 21 chương, lúc nào Bích Trâm cũng bướng bỉnh, căm thù cha, bất chấp lời dạy của ông ngoại, bỏ ngoài tai mọi chia sẻ của Anh Quân. Vậy mà ngay sau khi ông Cao đến xin lỗi và chào con để về quê, Bích Trâm đọc thư ông ngoại, cô liền hối lỗi và chạy đi tìm cha. Cô xin lỗi và tha thứ cho cha. Lưu ý rằng, trước đó Trâm chưa hề được bác sĩ chuyên khoa tâm thần chữa trị bịnh trầm cảm, và cứ theo cách tác giả miêu tả, sự thù hận trong lòng Bích Trâm đối với cha, sự mất lòng tin vào cuộc sống của Bích Trâm là “hết thuốc”, vậy do đâu có sự phục hồi kỳ diệu ấy? Sự phục hồi này không phải do đời sống tâm linh hay sự thúc đẩy của Thánh Thần. Trước đó ông ngoại đã nhiều lần khuyên Bích Trâm nhưng cô đều gạt đi, giờ chỉ cần đọc một lá thư của ông Ngoại, Bích Trâm đã hồi sinh?

Lúc đầu, hình như tác giả muốn đặt ra vấn đề xã hội (bệnh trầm cảm của người trẻ, nạn trọng nam khinh nữ, nạn bạo hành gia đình, vấn đề hạnh phúc đích thực; sự khác biệt thế hệ trong gia đình), nhưng đến kết truyện, đọng lại chỉ còn là truyện tình của Anh Quân và Bích Trâm. Tình yêu, sự kiên trì, sự bao dung của Anh Quân đã chữa lành vết thương cho Bích Trâm và đưa cô trở lại cuộc sống hạnh phúc. Sự không nhất quán về chủ đề làm phân tán giá trị tư tưởng của truyện.

  1. Nếu tác giả chú ý hơn đến tính văn chương, chú ý hơn đến quy luật của sự chân thực nghệ thuật và miêu tả sâu sắc hơn đời sống tâm linh của nhân vật thì ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm sẽ sáng hơn nhiều.

Tháng 10/ 2020

Ban Văn hóa-GPXL

 

Những Mảnh Ghép

Giuse Phạm Hồng Đức

  1. Những mảnh ghépcó 19 chương. “…là chuỗi những câu chuyện được tác giả lượm nhặt trong cuộc sống thường ngày, qua cách nhìn thực tiễn, những câu chuyện nghe kể lại và thêm chút hư cấu nhằm mục đích sinh động. Tác giả xây dựng hình tượng nhân vật An trong câu chuyện như đặt vị trí người đọc vào đó. Ở vị trí của nhân vật An, người đọc sẽ cảm nhận được những giá trị về quan điểm của từng câu chuyện mà tác giả muốn gửi gắm. Bởi thế giới này là bức tranh gồm nhiều mảnh ghép, mỗi mảnh ghép là một câu chuyện cuộc sống của từng người.Khám phá mỗi mảnh ghép đó như đi vào thế giới chung quanh vậy.”

Nhân vật An (nhân vật xưng Tôi)  kể chuyện của nhóm bạn 4 người chung lớp, chung xứ, xuất thân là dân “di cư 54”.  Nam học xong cấp 3 thì đi làm. Tùng học Triết ĐH KHXHNV-Tp HCM. Duy học Đai học Công nghệ. Tôi (AN), quê Hố Nai, học ngành Luật. Sau này Nam thành đạt, nhưng làm ca phê bằng bắp ngô, anh bị bắt (Buôn bán lương tâm). Duy du học Nhật, anh bị tai nạn chết, gia đình đưa tro cốt từ Nhật về (Du học, Cái chết). Tùng lấy Tuyền, hai người bị tai nạn chết ngay trong ngày đám cưới (Tình Thiên Thu).

An còn kể chuyện từ ngày đậu đại học, dự lễ khai giảng ở Đại học, dự mùa hè xanh ở xã PôKô –Kontum (các truyện: Lên Tây nguyện, Rừng thiêng bị bức hại, Mở đường kên đỉnh Xê Đăng), đi tuyên truyền pháp luật cho bà con ở gần vùng Núi Bà Đen (Mùa mãng cầu). An kể chuyện Cô bé chim cánh cụt bán vé xố với bà ở khu nhà trọ; chuyện Đào Trường, người cùng xóm từ một tên ăn cắp trở thành tay giang hồ có số má; kể chuyện bất công ở tòa án nơi An làm phụ tá luật sư bảo vệ nguyên đơn là bà mẹ kiện con trai đã đuổi bà ra khỏi nhà sau khi bà sang tên nhà cho con (Tiếng gào thét).

Các tuyện là những mảnh hiện thực đời thường xung quanh ta. Tác giả quan sát, ghi nhận, suy gẫm và lên tiếng nói dựạ trên tiếng lương tâm, và nền tảng đạo đức truyền thống, lối sống tình nghĩa. Có truyện ca ngợi người lao động nghèo. Ông Đạt với xe cho đi lượm bao nilon trong mưa để cống không bị tắc (Ông lão và chiếc xe chó). Có truyện là bài học của bản thân. Nói chuyện với nông dân, Tôi chợt nhận ra mình như một con ếch mang tư duy của một kẻ nô lệ nhưng lại rất thích kể cho chim vàng anh nghe về một bầu trời rộng lớn (Mùa mãng cầu). Nhiều truyện phê phán sự xuống cấp đạo đức: Nam làm ca phê giả (Buôn bán lương tâm); Con trai đuổi mẹ ra khỏi nhà (Tiếng gào thé, Đào Trường, người cùng xóm từ kẻ cướp thành gã giang hồ có số má (Niềm tin). Có truyện luận về sự thành bại (Thành công). Tác giả viết: “chúng ta không biết từ khi nào đã trở thành những người sát tế chân lý trên cái bàn thờ mang tên thành công vô thường đấy.”; luận về vấn đề đâu là giá trị thật của cuộc sống. Tác giả phê phán con đường mưu cầu tiền bạc (Nam), công danh (Duy), và ca ngợi con người tình nghĩa (Bé Ân đối với bà, truyện Cô bé chim cánh cụt, hay lão Đạt với xe chó).

Tác giả nhận xét về Cô bé chim cánh cụt: “con bé tuy ít tuổi nhưng lại mang một tâm hồn cao thượng mà chưa hẳn những người trưởng thành đã có. Phải chăng ở thế giới này chúng ta có thể dễ dàng kiếm được nhiều người dư dả về vật chất nhưng lại khó kiếm được người giàu có về tâm hồn…”.

Tác giả đánh giá lão Đạt: “Ông lão có lẽ đã tìm được cái triết lý cho chính bản thân mình, không mưu cầu hạnh phúc theo cách mọi người nghĩ, nhưng mưu cầu tình yêu thương và sở hữu nó như một món quà mà thượng đế ban tặng. Điều cao thượng hơn nữa là ông lại không bao giờ chỉ giữ chặt tình yêu thương đó cho riêng mình mà còn trao tặng nó như là mục đích của đời người. Với ông, cuộc sống chỉ đơn giản có thế”.

Tuy nhìn ra được nhiều vấn đề của cuộc sống, song tác giả lại bế tắc trong việc đề xuất những giải pháp “cải tạo thế giới” xung quanh mình. Nam làm cà phê giả, Tôi khuyên can nhưng cậu ta không nghe. Tôi thấy rõ nạn phá rừng, nhưng chỉ biết đau xót. Tôi là phụ tá luật sư bào chữa cho nguyên đơn là bà mẹ bị con lấy mất nhà, biết rõ sự bất công nhưng Tôi (An) đã không thể làm được gì; người cùng xóm là Đào Trường đi cướp giật, cha xứ và nhiều người khuyên nhưng hắn ngày càng lún sâu vào đời giang hồ. Ông Đạt đi lượm bao ny lông cho cống thóat nước khỏi bị nghẹt nhưng cứ hễ mưa xuống thì đường phố Sài Gòn biến thành sông! Những người bạn thân nhất của Tôi, trong 4 người, thì hai người chết (Tùng, Duy) và một người đi tù (Nam), tôi chẳng làm được gì cho họ. Phải chăng Tôi tự cho mình là khôn ngoan nên không chết và không vào tù?!

Nhìn vấn đề như thế để thấy rằng những “suy gẫm” của tác giả về hiện thực cuộc sống chưa đạt đến bản chất của vấn đề, chẳng khác gì “cưỡi ngựa xem hoa”. Xã hội Việt Nam trong đời sống kinh tế thị trường toàn cầu hóa hiện nay, đạo đức “truyền thống” đang bị chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa thế tục, mục đích lợi nhuận lấn át. Những điều gọi là đạo đức tình nghĩa thủy chung… của cha ông nay đang bị đập vỡ. Nền tảng gia đình đứng trước nguy cơ sụp đổ, trước sự xâm lăng văn hóa…nhân vật Tôi chưa nhìn thấy những vấn đề tư tưởng ấy.

  1. Những mảnh ghépkhông phải là một tập truyện dài (dù độ dài 155 trang in), cũng không phải là một tập truyện ngắn (dù Tôi kể đến 19 truyện). Đây là một tập tùy bút nghị luận. Tôi kể lại câu chuyện mình quan sát hoặc nghe kể lại, rồi từ đó đưa ra những bình luận cá nhân. Phần bình luận của Tôi là chính, những câu chuyện được kể chỉ là để chứng minh cho nhận định của Tôi. Đôi truyện có chất ký (Lên Tây nguyện, Rừng thiêng bị bức hại, Mở đường kên đỉnh Xê Đăng), hoặc phóng sự (Cô bé chim cánh cụtTìm mẹ bé chim cánh cụtĐoàn tụ). Giá trị của những trang văn này là  một những mảnh hiện thực mà tác giả ghi nhận được.

Có điều, tác giả mới chỉ ghi nhận hiện tượng, chưa đạt đến bản chất của vấn đề. Chẳng hạn, truyện Tiếng giào thét, tác giả trình bày được sự không hợp tình hợp lý của vần đề. Mẹ sang tên nhà cho con trai, sau đó con trai đuổi mẹ ra khỏi nhà. Mẹ kiện đòi lại nhà, tòa xử con thắng kiện. Mẹ chỉ còn biết gào thét Công lý ở đâu? Câu hỏi ấy không được tác giả trả lời. Trong thực tế ở Việt Nam, có tới 80% những vụ án bị xử oan sai như thế. Và căn nguyên là ở đâu, tác giả chưa làm rõ.

Có một chi tiết nhỏ, nhưng lại lộ ra “cái giả” của trang văn. Trong truyện Kỷ niệm, tác giả mở đầu truyện bằng một đoạn tả cảnh thiên nhiên: “Trời lạnh, tiếng côn trùng ỉ eo đâu đó. Mùa xuân nhưng lại se lạnh như cái khí tiết mùa đông. Trăng rọi qua khung cửa hắt sáng tràn lên khắp người. Trăng lên muộn, tôi lững thững bước trên đường làng quê xóm nhỏ. Hôm nay mùng một tết ta, tôi về lại thăm gia đình”. Đọc câu văn trên, kẻ viết bài này sững người. Bởi vì đêm 30 và mùng một tết ta, làm gì có trăng! Người ta thường nói “tối như đêm 30”! Và cứ theo mạch văn thì Tôi về thăm nhà đêm mùng một, trăng hắt sáng lên khắp người.

Ban Văn hóa- Giáo phận Xuân Lộc

 

 

Trở Về

Jos Nguyễn Xuân Bảo-Bùi Chu

  1. Hoàng rời chủng viện trở về nhà. Mẹ anh rất buồn. Anh sang thăm bà nội, bà dặn: Bỏ tu chứ không được bỏ Chúa. Nhiều lời nói ra nói vào làm cả hai mẹ con anh e dè. Giáo dân nơi giáo xứ anh ở rất trọng người đi tu nhưng họ không thể chấp nhận người tu xuất.  Cha xứ gọi Hoàng vào, ngài chia sẻ và an ủi. Ngài nhờ Hoàng trông coi ca đoàn giáo xứ Phúc An để giúp anh hội nhập với cộng đoàn. Nhưng khi anh tập hát, các ca viên lại tẩy chay anh, dù cha xứ (cha Quang) đã lưu ý mọi người về sự lòng mến và sự cảm thông. Hoàng lên chỗ cha Hảo là nghĩa phụ. Ngài khuyên: “giờ trở về với đời sống, con vẫn có thể dùng tài năng của mình để phục vụ và làm việc có ích cho bản thân, gia đình, giáo hội và xã hội. Miễn sao con đừng đánh mất mình là được”.  Hoàng ra Hà Nội như là một cuộc trốn chạy. Anh làm việc ở trung tâm dạy nhạc và bán nhạc cụ của Quân, một người bạn học. Lúc đầu Hoàng nghĩ Quân là một người bạn tốt. Nhưng làm với Quân một thời gian, anh nhận ra Quân chỉ coi anh như một nhân viên và thường thiếu lương anh. Hoàng quyết định bỏ việc ở Hà Nội, lên Yên Bái dạy học ở chỗ trường của bác Định. Hoàng nghĩ, chỉ khi anh gần gũi với những con người nghèo khổ anh mới tìm lại được chính mình. Anh nhận ra: “Dù không còn tu trì, nhưng giữa những con người đơn sơ và chất phác ấy, anh sẽ đem Chúa đến cho nhiều người hơn. Hoàng biết, anh vẫn muốn sống cuộc đời vì mọi người hơn. Đó từng là lý do để anh đi tu, và giờ là lý do để anh ra đi một lần nữa, đi tới miền ngoại biên xa xôi”.
  2. Tác phẩm tô đậm thái độ dị nghị, tẩy chay của người thân, làng xóm, giáo xứ đối với một người xuất tu trở về, khiến cho Hoàng phải bỏ xứ mà đi. Trở về cuộc đời, sau khi làm việc với Quân, anh lại nhận ra rằng: “Người ta biết mình ngu, nên người ta lừa mình và vặn mình đến thế. Đặt niềm tin sai chỗ. Con người đáng sợ thế này ư?”, Và rồi Hoàng dự định lên Yên Bái, một vùng quê nghèo, chỗ bác Định để dạy học. Hoàng chấp nhận làm lại từ đầu. Chưa rõ anh có hội nhập thành công không (vì khi tác phẩm kết thúc, Hoàng còn đang chuẩn bị đi Yên Bái).

Cha Hảo, Nghĩa phụ của Hoàng lại nhấn mạnh đến một chủ đề khác: “Đi tìm chính

 mình là vấn đề lớn nhất của mỗi con người, dù tu trì hay không.” Hoàng quyết định đi Yên Bái vì “giữa những người nghèo khó, anh thấy mình gần họ hơn. Tìm lại chính mình. Anh sẽ tìm lại chính mình khi anh được sống giữa họ.”

Tuy là lý do để Hoàng rời bỏ Quân, rời bỏ Hà Nội nhưng chủ đề này rất mờ nhạt. Bởi Nếu nói Hoàng đi tìm lại chính mình, vậy anh đã đánh mất mình ở đâu và vì nguyên nhân nào? Chẳng lẽ anh chọn lựa đi tu, sau vì “thấy không hợp”, anh bỏ tu, sự chọn lựa ấy là “đánh mất mình” hay sao? Cũng có thể, trước những dị nghị của người đời, anh đã không còn đủ tự tin, không còn đủ bản lĩnh đối mặt với thử thách, anh không còn là anh. Và sau cùng phải bỏ xứ mà đi. Hành động ”bỏ xứ” này là “đánh mất mình”? Rồi khi Hoàng làm việc cho trung tâm của Quân, anh nhận ra Quân chỉ coi anh là một nhân viên, không phải là bạn, thậm chí bị Quân xỉ vả khi anh bê trễ, đó có phải là “đánh mất mình” hay không? Tác phẩm chưa có lời nào lý giải đủ thuyết phục cho chủ đề này, cả về mặt tư tưởng và về hành động thực tiễn của Hoàng.

Trong đời thực, Hoàng là người thế nào? Hoàng trở về, anh được mẹ, bà nội và cô em gái nhà hàng xóm tên Hòa rất mực yêu thương. Anh được ông trùm Lợi và cha xứ tạo điều kiện để anh sớm hội nhập, được cha Hảo là nghĩa phụ chỉ bảo và được Quân đón tiếp, giao cho anh đứng trông coi một trung tâm mà anh không cần bỏ đồng vốn nào. Hoàng đã làm tốt công việc Quân giao.

Nhưng Hoàng không phải là người biết làm kinh tế. Anh thụ động ngồi chờ. Anh chờ Quân đón lên Hà Nội có sẵn việc làm, rồi lại chờ lên Yên Bái chỗ bác Định có sẵn trường cho anh dạy học. Anh chưa bao giờ tự mình thiết kế con đường mình đi, mà làm việc cảm tính. Trong Đại chủng viện, “anh thấy mình hơi ngột ngạt. Một nhịp sống đều đều, lặp đi lặp lại theo từng ngày. Cứ đến giờ nào là công việc của giờ đấy. Không một điểm nhấn. Không một hoạt động khiến anh hào hứng.” Ở nhà với mẹ, Hoàng không biết làm gì để thoát khỏi dị nghị và đỡ đần sự vất vả của mẹLàm việc với Quân, anh cũng không đủ khôn ngoan để thích ứng và cải tạo môi trường sống của mình, trong khi Quân đã tạo điều kiện làm việc và lương bổng bước đầu rất tốt. Hoàng không có kỹ năng sống. Đó là nguyên nhân thất bại của anh. Hơn thế, đời sống tâm linh của anh rất nhạt nhẽo. “Hoàng đã không còn sống trong đời sống cầu nguyện từ bao giờ rồi. Kể cả trong những ngày ở chủng viện, mỗi giờ kinh hay Thánh lễ là một cái gì đó hơi áp lực, hơi nặng nề với anh”. Không có đời sống đức tin mạnh mẽ Hoàng sẽ không bao giờ thành công khi anh phải đối mặt với thử thách.

  1. Truyện kể với tốc độ rất chậm, chỉ có tâm trạng của Hoàng mà rất ít hành động truyện thúc đẩy sự phát triển cốt truyện, khắc họa tính cách và số phận nhân vật. Hành động của nhân vật Hoàng chỉ là: rời chủng viện Hoàng về nhà, tham gia ca đoàn nhà xứ, đi gặp cha nghĩa phụ rồi ra Hà Nội làm việc với Quân. Rất nghèo những tình huống truyện, nhưng lại quá dư thừa những chi tiết vụn vặt, khiến cho văn chương bị rỗng, nghĩa là: lời, chữ thì nhiều mà dung lượng hiện thực được phản ánh lại rất ít. Có thể tóm gọn hơn 200 trang in trong vài chữ là, “truyện kể về những khó khăn, bế tắc của người xuất tu”.

Truyện không có tư tưởng gì, không đề xuất được vấn đề xã hội thực tiễn nào, nếu không nói tác giả đã không miêu tả đúng bản chất tâm linh, sức mạnh Đức tin của đời sống người đi tu. Hoàng cho rằng “đời sống Chủng viện khiến anh thấy mình hơi ngột ngạt. Một nhịp sống đều đều, lặp đi lặp lại theo từng ngày. Cứ đến giờ nào là công việc của giờ đấy. Không một điểm nhấn. Không một hoạt động khiến anh hào hứng. Vốn Hoàng là người hướng ngoại, hướng ngoại hoàn toàn nên những nhịp sống đều đều đó khiến anh thấy mình không còn phù hợp.” Thực ra người đi tu với ơn gọi Linh mục phải có đức tin thật mạnh mẽ, có sức mạnh lửa cháy của Chúa Thánh Thần (nội tâm) và một đời sống nhiệt thành phục vụ đoàn chiên (hướng ngoại). Hoàng không có cả hai phẩm chất này, anh lại đổ lỗi ngược lại cho đời sống Đại Chủng viện, điều ấy tác giả viết không thuyết phục.

Ban Văn hóa-Giáo phận Xuân Lộc

Đóa Hồng Thứ 40

Giuse Lê Ngọc Thành Vinh-Hà Nội

  1. “Mùa Xuân đã về trên cây lá, còn Mùa Xuân Tuổi Trẻ của “đóa hồng thứ 40” sẽ đi về đâu, tất cả đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa”.

Đó là câu văn kết thúc tác phẩm. Đóa hồng thứ 40 có dáng dấp một truyện ký, ghi chép lại khá chân thực ba mùa xuân Thanh Hiền sống và làm việc trên đất Nhật. Thanh Hiền 25 tuổi, là Sinh viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, chuyên ngành âm nhạc và dương cầm. Thanh Hiền đẹp, cô cao tới 1,7m. Khuôn mặt ưa nhìn và làn da trắng muốt. Cô xuất khẩu lao động sang Nhật, làm việc trong công ty đóng hộp cơm. 5 chương đầu kể chuyện chỗ ở, việc thực tập và làm việc hết sức vất vả. Ở công ty, Hiền bị Thu Cúc dụ dỗ đóng phim vợ chồng (phim JAV), nhưng cô tránh được.

Những chương sau là hồi tưởng của Hiền về mối tình đầu với Chiến Thắng, cuộc tình thứ 2 với Apolong, cuộc tình thứ ba với Đình Trọng. Cả ba người đều bỏ cô để theo Chúa sống đời dâng hiến. Hiền cũng hồi tưởng chuyện tình của bố mẹ (Bà Hà-ông Minh), chuyện tình của người chị là Hoài Hương và việc Hương đi xuất khẩu lao động ở Angola, về thảm cảnh nợ nần, tai họa liên tiếp của gia đình.

Để kiếm thêm tiền gửi về nhà trả nợ vay nóng,  Hiền đã nhận đàn cho ca đoàn ở  nhà thờ Tin Lành, dạy nhạc cho học sinh lớp ba ở trường Tiểu học trong vùng với mức lương gấp đôi làm ở công ty cơm hộp. Cô có ước mơ sang Anh để kiếm nhiều tiền hơn. Hiền được Huy môi giới sang Anh “trồng cỏ”. Do bận công việc, Hiền phải lùi thời gian đi chuyến sau. May cho cô không đi chuyến ấy. Huyền My, một người bạn của Hiền đã trở thành nạn nhân của chiếc xe container chở 39 xác chết khi vào nước Anh. Người bạn ấy là đóa hồng thứ 39, và Hiền là đóa hồng thứ 40.

Sau cùng, gia đình Hiền được đền bù tiền đất do quy hoạch, Hoài Hương đã trả được nợ và mở thêm một tiệm bán và sửa chữa ngư cụ cho bố (ông Minh). Hương được chị Mai là một đồng nghiệp giúp cho đi dạy lại. Thằng Cò (con của Hương) được đi học. Cuộc đời của cả gia đình Thanh Hiền như đã sang trang.

Hiền suy gẫm: “Chẳng phải Chúa đã cho cô một cơ hội được sống sót, đóa hồng thứ 40 này phải sống sao cho xứng đáng, sống sao cho có ích, sống cho cả 39 đóa hồng kia, đặc biệt là cho đóa Huyền My

  1. Truyện tập trung miêu tả tình cảnh của ngưới xuất khẩu lao động, và thái độ sống đức tin của người trẻ xa quê trong một môi trường văn hoá xã hội có nhiều khác biệt Kitô giáo. Chẳng hạn, Hiền trọ ở nhà ông Tokieda người Tin Lành với kỷ luật nghiêm nhặt, cô phải ứng xử thế nào để không cảy ra mâu thuẫn tôn giáo với ông bà; hoặc để có thêm tiền cô đã nhận chơi đàn cho ca đoàn nhà thờ Tin Lành, tập hát thánh ca Tin Lành, nghe Mục sư Tin Lành giảng mà không phai nhạt hoặc “rối đạo” so với tín lý Công giáo; hoặc chịu sự khinh miệt của bà Fuji. Hiền cảm thấy xấu hổ khi thấy có một em bé Nhật làm dấu khi ăn cơm trong khi lâu rồi cô đã không làm dấu trước mặt thiên hạ…

Nhưng chủ đề bao trùm là những ảo tưởng về kiếm tiền đổi đời của người lao động xuất khẩu (hai chị em Hoài Hương và Thanh Hiền). Họ bị nợ chồng chất, nhất là khoản tiền vay nóng 250 triệu để làm hồ sơ đi lao động. Ở Nhật, Thanh Hiền làm việc hết sức vất vả, và nếu không “làm thêm” thì chỉ đủ sống và dư chút đỉnh. Mơ ước trả nợ và đổi đời vẫn mù mịt. “Hiền băn khoăn tự hỏi, mình tới đây để làm gì? Đã gần hai năm trôi qua vẫn chưa trả hết số tiền đã nợ để đến được xử sở này. Đâu là Thiên Đường, đâu là Địa Ngục?.

Truyện dài Đóa hồng thứ 40 còn đặt ra nhiều vấn đề “nóng” của xã hội Việt Nam đương đại. Đó là tuổi trẻ sống ảo, yêu ảo; vấn đề Formosa; việc xuất khẩu lao động chất chứa nhiều điều phạm pháp và hiểm nguy như vay nóng, bị dụ dỗ làm việc phạm pháp (như đóng phim JAV, trồng cần sa…); Vấn đề “đại kết” Công giáo và Tin Lành khi Hiền trọ nhà ông Tokieda người Tin Lành, và việc Hiền đàn cho ca đoàn nhà thờ Tin Lành, hát thánh ca Tin Lành. Ở Việt Nam sinh viên học xong ra trường, muốn xin được việc thì phải “chạy” tiền, hoặc phải bán thân cho giám đốc (chuyện của Huyền My); Việt Nam đã không trọng dụng tài năng, hoặc xu thế làm mẹ đơn thân không bị kỳ thị như hồi xưa…

Vì tác phẩm thuộc dạng truyện ký nên những ghi chép về một số mặt đời sống và con người ở Nhật khá chi tiết và sống động. Nhân vật ông chủ nhà trọ Tokieda gây được ấn tượng về một người có lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ người lao động Việt Nam, nhưng ông yêu cầu người trọ phải giữ những nguyên tắc thờ phượng của đạo Tin Lành (chẳng hạn nếu người trọ là Công giáo thì chỉ được đặt cây thánh giá không có tượng Chúa). Tác giả ghi nhận rất chi tiết sự vất vả khi lao động ở Nhật (chương 4: Ngày công đầu tiên), miêu tả sinh động hình ảnh trẻ em Nhật ở trường tiểu học (Chương 15: Trường học); miêu tả nhiều trải nghiệm của người trẻ trong đời sống hiện đại (sống ảo, yêu ảo, chạy việc, giao lưu quốc tế…)

Trong khi thuật lại những sinh hoạt đời sống ở Nhật, tác giả không che giấu sự khâm phục và thái độ ca ngợi văn hóa và con người “xứ mặt trời mọc”:

“Nếu so sánh độ sạch của cơm hộp Việt với cơm hộp Nhật thì quả là “một trời một vực”. Hai chữ “cơm hộp” ở Việt Nam gắn liền với chữ “bẩn”, đặc biệt là hộp xốp đựng cơm còn có chứa chất độc hại cho hệ tiêu hóa, thậm chí chứa cả chất gây ung thư. Còn cơm hộp của Nhật Bản phải nói là còn sạch hơn cả cơm nhà”.

“Buổi chiều, sau ăn trưa và giờ chơi tự do là thời gian bọn trẻ tự dọn dẹp trường học, chúng thực hiện một cách nghiêm túc, chuẩn mực và thành thục cứ như dọn nhà mình vậy khiến Thanh Hiền rất vui thích và ngưỡng mộ, cô không hình dung nổi mấy chục hay mấy trăm năm nữa ý thức của học sinh tiểu học của Việt Nam mới theo kịp, và cả cơ sở vật chất trường học cũng thế”.

  1. Tác giả có cách viết trẻ trung, sinh động và hiện đại. Truyện được thuật với tốc độ nhanh. Văn trong sáng và gọn (ít chữ thừa). Tác giả không kể truyện theo tuyến thời gian mà mỗi chương chọn kể những một sự việc đặc biệt, hoặc một biến cố xảy ra cho nhân vật. Thí dụ: Chương 2, ông chủ nhà trọ. Chương 3: Cạm bẫy. Chương 4: Ngày công đầu tiên. Chương 5: Cuộc tình đầu. Chương 6: Cuộc tình thứ hai. Chương 7: Cuộc tình thứ ba…Vì thế người đọc dễ theo dõi, ngòi bút tác giả không bị trói trong tuyến tính thời gian.

Thực ra đây là cách viết ký sự, phóng sự. Tác giả không dựng cảnh như tiểu thuyết mà chỉ “thuật” như tường thuật báo chí, kết hợp với suy nghĩ của nhân vật và những đoạn bình luận ngoại đề của tác giả.

Đây là một đoạn bình luận ngoại đề: “Cái chết đau thương của bạn ấy và 38 người là bài học cảnh tỉnh cho biết bao người đang ôm ấp mộng tưởng tới Anh để làm giàu dù biết là nhập cư bất hợp pháp, làm giảm bớt nạn buôn người và có thể là cả sản lượng cần sa tại Anh nữa. Những cái chết thật đớn đau nhưng không vô ích…”.

Truyện thú vị là nhờ tác giả đem vào trang văn nhiều trải nghiệm, vốn sống giàu có và một vốn văn hóa có bề rộng và cả bề sâu. Những chương kể chuyện tình của người trẻ, hoặc Hiền kể lại truyện hài để trả lời câu hỏi Chúa ở đâu là nhưng trang văn rất trẻ, văn chương của ngày hôm nay. Xin đọc đọan tác giả bình luận về thánh ca Tin Lành:

“Tiếp cận với Ca đoàn Tin lành, Thanh Hiền cảm nhận thấy nhiều điều mới lạ, thú vị, ấy là việc thờ phượng thì người Công giáo chuộng tập thể (đọc nhiều kinh hạt, coi kinh lễ nhà thờ, kinh lễ gia đình là phút giây quan trọng mỗi ngày, nhưng nhiều lúc lại ê a thuộc lòng, dễ rơi vào hình thức trống rỗng), còn người Tin lành chú trọng thể hiện cá nhân (những lời cầu nguyện nhiệt tâm, tha thiết nhưng tự phát, dễ rơi vào chủ quan phiến diện). Dẫu vậy trong Thánh ca thì dường như hơi ngược lại: người Tin lành thích thể hiện bằng hợp xướng, người Công giáo thường chỉ hát những bài đồng ca có bè đồng giọng, nhiều nơi còn lạm dụng đơn ca, dễ rơi vào chỗ phô diễn tài năng hơn là thờ phượng Chúa. Thanh Hiền chợt nhớ hình ảnh mà nữ chân phước Elisabeth Chúa Ba Ngôi đã dùng để suy niệm về mầu nhiệm Ba Ngôi một Chúa, rằng âm nhạc trong Kitô giáo tuy đi theo nhiều hướng sư phạm khác nhau, nhưng mỗi bên có cái hay riêng, đồng thời cũng có cái giới hạn riêng, tạo nên những mẫu người tín hữu khác nhau. Nếu biết đón nhận nhau, hai nền Thánh nhạc sẽ tạo thành một bản hòa âm, một sự hòa điệu sâu xa, một chân trời hiệp nhất cho các hệ phái Kitô giáo – một bản hợp xướng nhiều bè nhưng rất hòa hợp chứ không hề bị chênh phô”.

Tất nhiên những ý kiến như thế còn có chỗ phải nghiên cứu sâu xa hơn, song tác giả tỏ ra mạnh dạn đề xuất một góc nhìn riêng của người trẻ. Đó là một cách nhập cuộc tích cực của văn chương.

Nếu có điều gì cần chia sẻ với tác giả thì đó là sự tô đậm “họa vô đơn chí” của gia đình Hiền, để có lúc cô đã nản lòng: “cô than trách Chúa, lúc con tàu của bố bị đắm thì Chúa đang ở đâu, đã bao lần Người nhắm mắt làm ngơ trước nỗi đau của gia đình cô như vậy? Người đã lấy đi em gái cô, đã lấy hết niềm vui của mẹ, biến mẹ thành một cỗ máy chỉ biết cày cuốc kiếm ăn để quên đi những nỗi đau, ấy vậy mà Người còn kéo mẹ đi sớm. Người đã để mặc cho chị gái của cô thân bại danh liệt, thằng Cò mất cha. Người thậm chí đã lấy đi cả ba chàng trai mà cô hết lòng yêu thương. Và giờ đây Người đã không cho bố cô và con cháu một cơ hội nào để được sống, thậm chí là để tồn tại như một con người có tự do và mưu cầu hạnh phúc…

Tình cảnh cùng cực của gia đình Thanh Hiền đã không được giải quyết bằng “sự quan phòng của Chúa”, hay bằng nỗ lực làm việc kiếm tiền của Thanh Hiền. Cô đã làm việc hết sức song nợ vẫn còn nợ. Vậy mà bỗng dưng, chị Mai, một đồng nghiệp của chị Hoài Hương, chỉ vẽ đường đi nước bước và cho Hương mượn tiền để  đòi lại sổ đỏ ngân hàng, sau đó Hương được đền bù gần một tỷ, do đất quy hoạch. Hương đủ tiền trả nợ và mở tiệm cho bố (chương 20). Đó là cách lý giải tự nhiên chủ nghĩa.

Một phương diện khác, người đọc dễ nhận ra phẩm chất xã hội của truyện phong phú hơn đức tin tôn giáo, dù rằng sau cái chết của Huyền My, bông hồng thứ 39, thì Thanh Hiền có nhận ra sự quan phòng của Chúa: “Mùa Xuân Tuổi Trẻ của “đóa hồng thứ 40” sẽ đi về đâu, tất cả đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa”.

Ban Văn hóa-GP Xuân Lộc


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...