27/08/2021
575

Di trú tới Thiên Chúa

Di trú tới Thiên Chúa là truyện dài 140 trang A4 (khoảng 300 trang in), gồm 28 chương, phần mở đầu và phần kết. Phần kết là một bài văn nghị luận, nhân vật Tôi (không rõ là tác giả hay nhân vật) trực tiếp trình bày chủ đề và trình bày thông điệp tư tưởng. Truyện có dáng dấp một tự truyện viết theo thể loại nhật ký, trình bày vấn đề về người trẻ. Tác giả có cách viết hấp dẫn, song trang văn khá nặng nề do bối cảnh truyện chật hẹp và tất cả hiện thực chỉ được nhìn qua tâm trạng của nhân vật Tôi, một nhân vật bị trầm cảm. Truyện khó đọc vì chủ đề không nhất quán.

TRUYỆN VỀ MỘT NGƯỜI TRẺ TRẦM CẢM (?)

        Truyện kể lại trạng thái tâm hồn tù đọng bế tắc của Minh Châu (nhân vật xưng Tôi, người kể truyện) sau cái chết của chị Linh Nga. Minh Châu là cô gái học lớp 11 chuyên lý, được chọn vào đội tuyển quốc gia. Cô có cha mẹ đạo hạnh, gia đình nề nếp. Cô có tài hội họa và cũng là người đàn Piano trong ca đoàn nhà thờ. Cô vô tình gây ra cái chết cho người chị:

 “Sáng hôm đó chúng tôi đi vội nên chưa ăn sáng, tôi đã nói chị dừng xe lại và chờ tôi mua đồ ăn sáng cho hai chị em. Vì thế chị mới bị chiếc xe kia nhào tới. Nếu tôi không muốn dừng lại mà cứ thế tới trường thì đã chẳng có chuyện gì xảy ra. Tôi đã không mất chị mãi mãi.(tr.80). “Từ ngày ấy đầu óc Minh Châu như bị khóa kín lại. Cô không biết phải trả lời những câu hỏi của bố mẹ và của những người khác như thế nào nữa nên cô gần như chẳng nói gì. Cũng không biết phải làm gì để được gọi về lại với cuộc sống. Hình ảnh của chị cứ vương vấn, tồn tại mọi nơi, nơi nào cũng có chị.”

Minh Châu tự phân tâm: “những nỗi đau, sự mất mát quá lớn và có lẽ là sự chấn động đến tính cách mà những người trẻ phải gánh chịu. Nhiều khi phải luôn cố tỏ ra giống người khác trong khi đó chúng ta biết chúng ta khác biệt. Có những lúc tôi nghĩ rằng cuộc sống của tôi là sự giả vờ, một sự lẩn tránh – những ý nghĩ trôi qua tôi, không phải như tôi hiện giờ. Tôi đã vội ngồi dậy, bật đèn lên, tay bám chặt vào thành giường. Bởi vì tôi biết nếu tôi buông tay ra, dù chỉ một lần thôi, tức thì tôi sẽ ra ban công và nhảy xuống. Tôi không thể biết điều này và tại sao lại như vậy, nhưng nó là như ậy.”

Minh Châu được một người bạn chung lớp đưa cô trở lại cuộc sống. Người bạn duy nhất ấy tên là Hà Linh (gốc Việt) ở Vũ Hán sang Việt Nam học. Cha mẹ Hà Linh chết trong một tai nạn giao thông. Hà Linh trở thành mồ côi. Hà Linh  trở về Vũ Hán trong kỳ nghỉ, cô đã chết vì lây nhiễm Covid khi chăm sóc bà ở bệnh viện. Điều ấy lại một lần nữa làm tổn thương tâm hồn Minh Châu.

Và nhân vật Tôi (không rõ là Minh Châu hay tác giả) đặt vấn đề: ”Đã nhiều lần chúng ta là cha mẹ, anh chị, những người thân hay bạn bè đã không quan tâm đến những cảm xúc bất ổn, hay dễ dàng gạt những rung động đầu đời của tuổi trẻ sang một bên…

Có những lúc con trẻ của bạn đang thật sự không ổn, đang gặp vấn đề. Và chúng ta đã băn khoăn, nghi ngờ có gì đó không ổn, một điều mà ta chưa giải nghĩa được tường tận, nhưng lại không đủ thời gian hay sự quan tâm để theo đuổi mối nghi ngại này”.

Thông điệp sau cùng nhân vật Tôi (không rõ Minh Châu hay Tác giả) hướng đến người trẻ là: “Nếu bạn nghĩ có điều gì đó trong bạn không ổn, hãy nói ra./ Bạn không hề đơn độc, bạn không cô đơn một mình./ Bạn không có lỗi./ Ở đây luôn có người sẵn sàng giúp đỡ và ở bên bạn./ Ở đây luôn có những vòng tay để xoa dịu nỗi đau mà bạn cần chữa lành.”
 

NHỮNG THÀNH CÔNG

            Tác giả là một cây bút viết truyện dài chuyên nghiệp. Trang văn có sức cuốn hút bởi kỹ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật Tôi nhìn cuộc sống trong mọi chi tiết hàng ngày. Tác phẩm là một dòng chảy chảy nhận thức, ý thức trôi chảy liên tục từ đầu đến dòng cuối. Nhân vật luôn đưa ra những diễn ngôn có ý nghĩa tư tưởng. Ý nghĩa này được củng cố bởi lời của những nhà văn lớn trên thế giới được trích dẫn như: Lev Tolstoy, Lỗ Tấn, Jim Morison, Steve Jobs, Huxley và Orwell, Châu Tinh Trì, Virginia Woolf, Agatha Christie, thánh Augustino, Maxim Gorky, Frank Herbert…Những yếu tố này tạo nên bóng dáng của một tiểu thuyết tư tưởng. Tuy nhiên, trong những nhân vật Minh Châu trích dẫn, ngoại  trừ thánh Augustino, không có tên tuổi triết gia nào, hay dựa trên một hệ tư tưởng triết học nài. Những “tư tưởng” mà Tôi hướng đến, chỉ là những kinh nghiệm sống cả một cá nhân. Những câu nói có vẻ “triết lý” của nhân vật Tôi, làm cho văn chương trở nên nặng nề. Nhân vật Tôi bị chính những thứ “triết lý không tưởng” ấy trói buộc. Đây là một “suy tư” của Minh Châu: “Có người sống nửa cuộc đời trong nỗi buồn của quá khứ, do vậy đã hủy hoại cả nửa đời người. Có người đã hết mình với đam mê nhưng cuối cùng khi hòa giải với quá khứ lại cười bản thân chẳng có gì hết. Chúng ta sẽ không bị đam mê hủy hoại, có lẽ chúng ta cũng không bị nỗi buồn hủy hoại. Chúng ta chỉ bị hủy hoại bởi nỗi buồn khi chúng ta trở thành nỗi buồn. Con người rồi sẽ chết nhưng ước mơ giúp chúng ta sinh ra từ cái chết. Tại sao chúng ta lại có cảm giác trên những thứ mà chúng ta yêu thích? Chúng ta lo lắng điều gì?”.

Giả như những suy tư ấy là thật, thì những suy tư như vậy chỉ nói lên một điều là, đầu óc Minh Châu “có vấn đề”. Đó không phải là minh triết, không phải là nhận thức chân lý có tính khoa học, hay là những mạc khải từ Kinh thánh. Đó là một tâm hồn đầy dẫy những khái niệm triết học mà Minh Châu chưa đủ sức hiểu. Bản chất của nỗi buồn là gì? Đam mê là gì? Cảm giác là gì? Con người khi đã chết thì đâu còn ước mơ để có thể nói rằng “ước mơ giúp chúng ta sinh ra từ cái chết”. Người đọc thấy Minh Châu đã thấp thoáng tiếp cận với tư tưởng Hiện sinh, song tác giả đã không đủ sức dẫn dắt nhân vật khám phá Hiện sinh.

            Ở những chương cuối, tác giả (nhân vật Tôi) chuyển sang giới thiệu cảnh sắc Hà Nội. Bút pháp chuyển từ cách viết Tiểu thuyết sang sự ghi nhận khách quan của Bút ký. Không khí truyện tù đọng, u ám, thảm đạm trở nên trong sáng, cao rộng, và vui tươi. Nhân vật Tôi đã giới thiệu Nhà Thờ Lớn Hà NộiKem Tràng Tiền, những con phố hàng ron), Phố sách 19/12, Vườn quốc gia Xuân Thủy (chương 21), bánh trôi Tàu của nghệ sĩ Phạm Bằng trên phố Hàng Giầy, cửa sông Hồng cho đến cuối Cồn Lu, Cồn Ngạn…gợi ra thế giới nghệ thuật của Thạch Lam. Trang văn chứa đựng một lượng tri thức sâu sắc về Hà Nội và tỏa sáng một tình yêu quê hương đằm thắm.
 

                                                                     


CÓ THỂ LÀ NHỮNG HẠN CHẾ

1.  Không gian truyện quá chật hẹp. “Tôi cần niềm tin. Bởi vì rất nhiều lúc tôi muốn chui vào nơi cư trú của riêng mình, chui vào thế giới của riêng tôi và tôi cảm thấy nơi đó an toàn”. Tôi hoàn toàn trống rỗng (chương 2). Tôi không thể thoát ra khỏi những bức tường lượn sóng, do dự, dốc đứng và khép kín đến hoàn hảo của nó. Nhưng tôi ghét chúng, chúng phủ kín lấy tôi và không buông tha cho tôi”. Minh Châu chỉ quanh quẩn ở nhà, có khi phụ mẹ làm bếp (nhưng thường là mẹ chăm sóc cô), còn lại cô ở trong phòng riêng, hoặc vào phòng vẽ để nhớ người chị đã mất. Đến lớp, cô chỉ nhìn ra cửa sổ mà không tập trung để học khiến thầy cô phải nhiều lần nhắc nhở. Rời lớp học, cô xuống căn tin, món ăn, trà sữa; lên tầng cao nhìn xuống, đi dọc hè phố, đến phố sách. Chỉ ở những chương cuối Minh Châu mới cùng Hà Linh theo cha xứ đến trại phong Vân Môn ở xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, thăm đất Thánh Bến Cốc, Mái ấm” của hàng ngàn thai nhi. Thời gian còn lại của cô là đọc sách và lên mạng. Người bạn duy nhất là Hà Linh, sau có thêm Minh Nhật, nhưng tất cả chỉ trong phạm vi rất hẹp của tình bạn trong nhà trường. Không gian chật chội này chính là “nhà tù” vô hình đối với tâm hồn Minh Châu. Tâm hồn ấy có sự vận động sau khi Minh Châu đi thăm trại phong và thăm nghĩa trang đồng nhi. Trong thực tế, thời đại 4.0, người trẻ thường vươn tâm hồn đến những nơi rất xa và rộng. Họ trải nghiệm nhiều môi trường, họ dấn thân thử sức với nhiều thử thách và rất nhiều học sinh 12 đạt những học bổng giá trị của các Đại học danh tiếng Mỹ, họ không chỉ quanh quẩn trong nhà và trong sân trường như Minh Châu.

2.  {C}{C}Điều gây ra bệnh trầm cảm của Minh Châu là cái chết của chị Linh Nga mà cô vô tình gây ra. Điều này kéo dài nhiều chương. Sau đó là cái chết của người bạn thân Hà Linh, người đã đưa Minh Châu trở lại cuộc sống, tâm hồn Minh Châu một lần nữa bị tổn thương. Cuối tác phẩm, tác giả kêu gọi những người làm cha mẹ cần quan tâm đến đời sống tinh thần của con cái, những người trẻ, để giúp họ vượt qua những bế tắc, những mặc cảm. Hình như chủ đề này không liên quan gì đến nhan đề tác phẩm là “Di trú đến Thiên Chúa”. Trong suốt tác phẩm, đời sống tâm linh của Minh Châu rất mờ nhạt, dù gia đình đạo hạnh và cô đàn Piano cho ca đoàn trong nhà thờ. Tôi (Minh Châu) có trích dẫn Tông huấn Chúa Kitô đang sống – số 141, trích thư Thánh Phao-lô viết cho cộng đoàn tín hữu ở Philipphê…Nhưng tất cả chỉ là hình thức giữ đạo, đời sống tâm linh của Minh Châu chưa được khám phá đúng mức để thể hiện chủ đề Di trú đến Thiên Chúa”. Trái lại, cô kể cho Hà Linh lý do tại sao nhiều lần mình lên sân thượng nhà trường. Là vì, cô muốn trải nghiệm cái cảm giác tự tử. Những lúc như thế, Minh Châu không phải là một cô gái có đức tin.

3.  Tìm được bản thân; hãy là chính mình” là một chủ đề khác được nhấn mạnh trong tác phẩm. Đây không phải là chủ đề đức tin. Người mẹ chúc mừng sinh nhật 17 tuổi của Minh Châu bằng những lời này: “Minh Châu! Hãy là con như con luôn muốn, đừng cố gắng vì một ai khác, cũng đừng cố gắng vì bố mẹ mà hãy cố gắng vì chính bản thân con. Cố lên – bé con của mẹ.” Minh Châu nhận định: Hà Linh là “Người bạn giúp tôi vượt qua những ràng buộc từ tận nơi sâu thẳm nhất để tìm ra con người mà tôi muốn trở thành. Tìm được bản thân là một câu hỏi luôn dằn vặt và sống mãi trong tâm tư của những người trẻ đang bước đần đến tuổi trưởng thành”… Chính Hà Linh đã giúp tôi trực diện với cuộc sống để tìm ra một giải pháp mới cho những rắc rối trong cuộc sống. Liệu việc không “tìm ra con người mà tôi muốn trở thành” có phải là điều gây trầm cảm cho Minh Châu không? Không phải. Thực tế, cha mẹ Minh Châu rất tôn trọng cô, tôn trọng điều cô muốn làm, tôn trọng cách sống, tôn trọng mọi sở thích. Minh Châu lại sinh trưởng trong một gia đình đạo hạnh, có nề nếp giáo dục tốt, trưởng thành lên trong một môi trường tốt, được thầy cô rất quan tâm, tạo mọi điều kiện cho Minh Châu thăng tiến, vậy Minh Châu trăn trở điều gì về bản thân? Minh Châu biết rõ mình có năng lực học giỏi (được chọn thi học sinh giỏi quốc gia môn Lý), có năng khiếu hội họa (có phòng vẽ riêng) và có tài năng âm nhạc (nhà có đàn Piano). Minh Châu lại đọc nhiều sách, xem phim, chơi nhạc, có nhiều đam mê. Minh Châu chưa hề được miêu tả như một nhân vật vong thân. Cho nên không có vấn đề “tìm ra con người mà tôi muốn trở thành”. Minh Châu có cô bạn Hà Linh chia sẻ mọi điều, có người bạn trai Minh Nhật hết sức quan tâm. Cả Hà Linh và Minh Nhật không gặp vấn đề trầm cảm như Minh Châu, tại sao Minh Châu lại trăn trở? Tôi ngờ rằng, đó chỉ là những “trăn trở” mà tác giả gán cho nhân vật, không phải là “trăn trở” xuất phát từ tính cách, hoàn cảnh sống của nhân vật. Những chủ đề lạc lõng trong tác phẩm như thế này đã phá vỡ những tư tưởng cốt lõi mà tác giả muốn gửi gắm.

4.  Trong việc kiến tạo tác phẩm, tác giả cũng bắt nhân vật phải gánh những thông điệp quá sức mình. Minh Châu đang trầm cảm nặng, bỗng dưng lại đầy lòng yêu thương đối với người trại phong Vân Môn. Minh Châu xót thương vô hạn cho hàng vạn thai nhi khi cô đứng quan sát ở đất thánh Bến Cốc. Trước đó tác giả chưa bao giờ miêu tả Minh Châu là một nhân vật có tâm hồn nhân hậu, biết hướng đến tha nhân, hay có lý tưởng phục vụ tha nhân. Trái lại Minh Châu là người hướng nội. Cô luôn soi vào tâm hồn mình. Không bận tâm đến người khác. Ngay cả ở trường Minh Châu cũng chỉ có Hà Linh là người bạn duy nhất. Cho nên việc lồng ghép chủ đề nhân đạo vào tác phẩm, đặt lên vai Minh Châu một gánh nặng quá sức, không làm cho nhân vật đẹp hơn. Có chăng chỉ là để lý giải một điều: Khi Minh Châu biết mở lòng ra với mọi người, nhất là những kiếp người khốn cùng, cô sẽ tìm thấy chính mình. Sinh nhật Minh Châu, bố mang bánh mừng sinh nhật ra và cùng mẹ hát bài chúc mừng sinh nhật Tôi: “Lúc này tôi mới cảm nhận thật sự mình hạnh phúc khi được sinh ra trong một gia đình”.

5.   Chương Kết có thể gây ra những mâu thuẫn về xây dựng nhân vật. Nhân vật Tôi là tác giả hay là nhân vật Minh Châu? Nếu là tác giả, trong trường hợp này, tác giả trực tiếp bước vào tác phẩm để minh giải chủ đề bằng một bài văn nghị luận. Điều này vi phạm nguyên tắc sáng tác tiểu thuyết. Những nhà văn đầu thế kỷ XX (như Hồ Biểu Chánh chẳng hạn) hay nhảy vào tác phẩm mà bình luận ngoại đề. Nếu Tôi là nhân vật Minh Châu thì có mâu thuẫn. Minh Châu vừa là nạn nhân trầm cảm, lại vừa là người đang dang rộng vòng tay đón những người trẻ trầm cảm. Điều này không thể, vì Minh Châu mới 17 tuổi, vừa xong lớp 11, vừa trải qua một chấn thương tâm lý là cái chết của Hà Linh. Minh Châu chưa là người trưởng thành như một người nhiều trải nghiệm, một người đứng trong các đoàn thể thiện nguyện, với lý tưởng cao đẹp và lối sống rộng mở để tiếp đón các nạn nhân.

Có lẽ nên tách hẳn ra, để đọan kết là lời tác giả. Giống như Nguyễn Du, sau khi kể truyện của nhân vật Thúy Kiều, Nguyễn Du trực tiếp bình luận về chủ đề tư tưởng tác phẩm của mình (đoạn kết Đoạn trường tân thanh).

VÀ NHỮNG TRIỂN VỌNG

            Với tài năng viết tiểu thuyết như tác phẩm này, tác giả có khả năng viết những tác phẩm tư tưởng theo kỹ thuật dòng ý thức của văn chương Hiện Sinh. Vấn đề còn lại chỉ là kỹ thuật xử lý những chi tiết, những yếu của tác phẩm để tác phẩm đạt được tính chân thực nghệ thuật.

***

(TRÍCH)

Chương 23

       Điện thoại tôi rung lên sau tiết cuối, và đó là Minh Nhật. Cậu bảo đang đợi chúng tôi bên ngoài cổng trường, chỗ quán nước dưới hàng cây hoa sữa. Tôi quay qua nói với Hà Linh khi cô đang loay hoay dọn hộp đàn và sách học nhạc.

“Minh Nhật đang chờ đấy.”

Cô nhìn tôi đầy nghi ngờ, cái kiểu nhìn khiến người khác không chịu nổi.

“Gì vậy? Ánh mắt này… Ý gì?” Tôi hỏi.

Chưa chờ cô phản ứng tôi nói thêm. “Cậu đang nghĩ tớ đã hành động như một đứa chuyên đi thả thính đấy à?”

“Tự cậu nói đấy nhé!”

“Trước khi não cậu bắt đầu nghĩ đông nghĩ tây, nghĩ những chuyện tầm phào thì nói trước cho cậu biết, tớ đã vượt xa cái giới hạn ấy rồi.”

“Tớ không tin!”

“Tùy cậu!” Tôi nói thêm. “Đi thôi.”

“Đi ngay bây giờ á?”

“Còn thế nào nữa. Đây là bài tập mà chúng ta bắt buộc phải hoàn thành, còn hai ngày nữa là hết hạn rồi. Cậu có thể không đi nếu cậu chấp nhận thiếu điểm.”

Tôi mang đàn của mình một bên vai và bước đi.

Mùa xuân đến rất chậm. Mặc dù đông đã ra đi nhưng không khí vẫn còn chút hơi lạnh vương vấn, cái lạnh bên ngoài cửa sổ chưa muốn tan. Nhưng hôm nay vẫn được coi là một ngày ấm áp với những ánh nắng đầu tiên sau một thời gian dài. Minh Nhật đứng tựa hẳn người vào gốc cây to lớn, một tay đút túi quần, tay còn lại đang chăm chú tìm kiếm thứ gì đó trên điện thoại. Như thể cậu đang có rất nhiều thời gian để chờ đợi chúng tôi. Trên đầu cậu là chiếc mũ lưỡi trai màu đen tuyền. Dưới thứ ánh sáng nhẹ nhàng làn da nhợt nhạt của cậu trắng đến nỗi tôi có thể nhìn thấy các mạch máu nơi bàn tay cậu.

Minh Nhật rời mắt khỏi điện thoại, cười tít cả mắt khi nhận ra chúng tôi đang tiến lại gần. Cậu chờ cho khoảng cách được rút ngắn lại. Cậu nói.

“Nhanh hơn tớ nghĩ.” Không ai kịp phản ứng, cậu nói tiếp. “Đi thôi.”

 “Cứ vậy đi sao?” Tôi nói khi nhìn thấy vẻ mặt Hà Linh không mấy đồng tình. Cô mỉm cười đáp lại và nói.

“Kiếm thứ gì đó thỏa mãn cho bao tử đã.”

Đến lúc này thì Minh Nhật cũng mỉm cười, cho điện thoại vào túi quần. “Ba mươi phút nữa mới có xe buýt nên ý tớ là chúng ta cần tranh thủ đánh cắp chút nhàn rỗi đó vào việc cung cấp lượng ca lo đủ cho cuộc hành trình. Đi ngược với chiều gió, đang đói bụng mà đón lấy những làn khói cuốn theo mùi chả nướng thơm nức mũi làm rung động cả mọi tế bào. Thì ra đây là nguyên nhân thu hút đoàn người tiến về phía này. Giờ tan làm nghỉ trưa cũng là lúc học sinh tan học buổi sáng, các quán hàng lại nhộm nhịp hẳn lên. Trên vỉ nướng những miếng chả tẩm ướp vừa vị đang dần chuyển màu, giọt mỡ rơi xuống xèo xèo trên than hồng như một tiếng thở dài. Trong cái lạnh vương vấn của mùa đông vừa qua và nàng xuân chưa tới ta như còn thương nhớ và cả chờ mong. Quán bún chả nướng gần trường mà chúng tôi bước vào gần như kín mọi chỗ. Đủ mọi thành phần trong xã hội. Hết nhóm này đi lại có vài nhóm khác đến. Hà Nội là vậy, luôn ẩn chứa những giá trị bền vững trong nền ẩm thực. Những món hàng truyền thống là những điều cao quý mà con người luôn muốn tìm kiếm.

Hà Linh đầy vẻ thích thú khi nhìn món ăn dân dã bày trên đĩa liền đọc một câu thơ.

Ngàn năm bửu vật đất Thăng Long

Bún chả là đây có phải không?

Tôi và Minh Nhật đang uống nước trà hoa sen mà chủ quán pha sẵn ở bàn, khi cô đọc vậy làm tôi ho sặc sụa.  

Chỉ mất hai mươi phút là đến số 40, Nhà Chung. Cái không khí thoáng đãng, nhẹ nhàng làm cho ta có chút bồi hồi, xao xuyến. Một vẻ đẹp rất ư đời thường mà hết sức linh thiêng. Không quá giá rét mà cũng không nắng nóng bức bối, cái lạnh vừa đủ để ta thong thả cất những bước chân chậm, thong thả mà hòa mình với đất trời, với con người. Điều đặc biệt của Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội, mà người ta vẫn thường gọi là Nhà Thờ Lớn Hà Nội, nằm ở giao điểm của ba tuyến phố Nhà Thờ, Nhà Chung và Lý Quốc Sư. Những nét rêu phong ẩn mình với thời gian, nhưng khi nhìn ngắm chúng ta lại tìm thấy những gì là gần gũi nhất, yêu thương nhất. Đứng từ xa nhìn về nơi thường xuyên quy tụ đàn chiên dưới bóng ngọn tháp, tâm hồn người tín hữu ai mà chẳng xao xuyến cho được. Lòng tôi rưng rưng một niềm yêu mến khó diễn tả thành lời, một khoảng lặng cho cuộc đời của mỗi người. Những cánh bồ câu chao liệng, nổi bật trên vùng trời trắng, chúng thỏa mãn vươn mình hạnh phúc vì đã tìm được vùng trời ước mơ. Đứng ở ngoài hàng rào cùng đưa mắt nhìn lên Thánh Giá phía trên cao, chỉ những lúc như vậy ta mới cảm thấy mình nhỏ bé và cần được che chở đến nhường nào.

“Cậu đã nghĩ ra chủ đề để viết báo cáo chưa?” Hà Linh hỏi Minh Nhật, còn tôi thì im lặng lắng nghe.

“Có ý này không biết các cậu có đồng ý không.” Cậu nói tiếp. “Tớ nghĩ đến ‘Một góc rất “Âu” giữa lòng thủ đô’ các cậu thấy sao?”

“Ý kiến hay đấy!” Tôi lên tiếng.

Giữa lòng Hà Nội cổ kính với những công trình kiến trúc đậm nét phương Đông lại có những góc rất “Âu”. Bởi vì Hà thành nghìn năm văn hiến, là kinh đô dưới các triều vua thời phong kiến mang đậm nét văn hóa Á Đông như Chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tự Giám, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, chùa Kim Liên…

Nhà Thờ Lớn Hà Nội có tên chính thức là nhà thờ chính tòa thánh Giuse, do Giáo Hoàng Innocentinus XI đã từng tôn phong thánh Giuse là thánh Bảo Trợ nước Việt Nam và các nước phụ cận, nhưng thường gọi tắt thành Nhà thờ Lớn. Được biết đến như một trong những công trình kiến trúc phương Tây đầu tiên và lâu đời nhất tại Hà Nội. Ở đây có đặt ngai tòa của Tổng Giám mục nên cũng được gọi là nhà thờ Chính Tòa của Tổng Giáo phận Hà Nội. Tại đây, vào năm 1057, vua Lý Thánh Tông cho khởi công xây tháp Đại Thắng Tư Thiên, gọi tắt là tháp Báo Thiên, thuộc chùa Sùng Khánh hay Báo Thiên Tự ở kinh đô Thăng Long. Nhà thờ lớn Hà Nội và cả khu Nhà Chung, xưa kia thuộc khu đất của chùa Báo Thiên, một quốc tự nổi tiếng của kinh đô Đại Việt. Trong suốt các triều đại từ Lý, Trần, Lê và Nguyễn ở đây vẫn luôn là nơi diễn ra các nghi lễ phật giáo cầu cho quốc thái, dân an. Trải qua thời gian dài của chiến tranh, tháp Báo Thiên đã bị đổ nát. Khi Pháp chiếm Hà Nội, nhà thờ do chính Giám mục Puginier tự tay thiết kế và chỉ huy thi công xây dựng, từ năm 1884 đến năm 1886, lễ khánh thành đúng vào lế Giáng sinh năm 1887. Nhà thờ theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ Châu Âu, được xem là đỉnh cao khoa học kỹ thuật xây dựng và rất thịnh hành trong thế kỷ mười hai và thời Phục Hưng ở Châu Âu. Theo mẫu của Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bổi. Có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông hai bên cao 31,5m với những trụ đá to ở bốn góc. Ngay trên chiếc đồng hồ lớn nằm giữa mặt tiền là cây Thánh Giá bằng đá. Đồng hồ có báo khắc, báo giờ, hệ thống chuông báo được liên kết với những quả chuông treo hai bên tháp. Đó là một bộ chuông tây với bốn quả chuông nhỏ và một quả chuông boong lớn. Những lớp vôi cũ ố màu rêu phong và màu thời gian khiến Nhà thờ Lớn dễ ẩn mình vào vẻ cổ kính, trầm mặc vốn có của Hà Nội. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, thì nhà thờ được xem là nhân chứng chứng kiến sự thay da đổi thịt của Hà Nội trong suốt những thế kỷ qua. Mặc dù có nhiều công trình hiện đại mọc lên nhưng Nhà Thờ Lớn vẫn là một công trình kiến trúc tạo được dấu ấn đặc biệt trong lòng người dân Hà thành và du khách đến đây. Chúng tôi đến trước giờ lễ chiều nên phải có phép mới được vào bên trong. Dự liệu được điều này nên Minh Nhật đã nhanh chóng nhờ cha xứ giúp đỡ. Đang đi lang thang ở trung tâm quảng trường phía trước Nhà thờ, chăm chú nhìn tượng đài Đức Mẹ bằng kim loại. Một người đàn ông thưa tóc trong bộ quần áo chỉnh tề tiến đến.

“Tôi có thể giúp gì cho các bạn?”

Hà Linh nhanh nhẹn trả lời.

“Chúng cháu đến đây để hoàn thành một bài tập của môn mỹ thuật nhưng bọn cháu lại không biết nên bắt đầu từ đâu!”

Ông mỉm cười rồi gật đầu ra chừng hiểu ý, có lẽ ông nhớ ra chuyện gì đó nên ông nói. “Các cháu là những bạn trẻ mà cha xứ ở Phùng Khoang đã giới thiệu?”

Chúng tôi cùng đồng thanh đáp.

“Đúng ạ!”

Sau đó ông mở cửa và để chúng tôi được tự do bước vào. Khi ông đã rời đi để tiếp tục công việc của mình, tôi quay qua nhìn Minh Nhật và nói.

“Sức mạnh của các mối quan hệ!”

“Điều này trong nhiều trường hợp thì nó cũng tốt mà!” Cậu nói và đưa tay gãi gãi sau gáy.

“Thì tớ có ý gì đâu.”

Tôi mỉm cười.

Hà Linh nói chen vào. “Đi thôi, không kịp bây giờ.”

           Khi bước qua cánh cổng to lớn, tất cả bên trong nhà thờ đậm nét kiến trúc hiện đại và dường như không biến đổi cùng với thời gian. Đắm mình trong không gian tự nhiên tràn ngập ánh sáng. Ánh sáng trong lòng nhà thờ như huyền ảo hơn khi chiếu qua những bức tranh Thánh bằng kính màu trên mỗi ô cửa sổ. Có một điều đặc biệt, nơi gian cung Thánh được trang trí theo nghệ thuật dân gian truyền thống, chạm trổ hoa văn bằng gỗ sơn son thiếp vàng rất tinh vi, tỉ mỉ và độc đáo. Ở tòa gian chính có tượng thánh Giuse bế Chúa Giêsu bằng đất nung cao hơn hai mét. Phía dướng thánh đường là những băng ghế dài, bàn quỳ phục vụ giáo dân trong thánh lễ. Với không gian rộng rãi, nhà thờ Lớn có sức chứa đến hàng nghìn người. Lang thang phố Nhà Chung trong những sớm mùa đông hoặc dạo phố đếm, chúng ta sẽ có cảm giác đang lạc vào khung trời châu Âu cổ điển, sang trọng, thật lạ lẫm những cũng rất đỗi quen thuộc. Tôi rất muốn có một lần như vậy, lang thang giữa đêm khuya nơi những con phố nhỏ Hà Nội để lắng nghe được tiếng lặng của đất trời đang nghỉ ngơi, của mọi vật đang chìm vào giấc ngủ. Cảm nhận được khoảng thời gian xa vắng đó chạm vào bên trong con người để có cơ sở mà chờ đợi một bình minh rực rỡ. Cái giật mình khi chuông đồng hồ ngân vang mười hai giờ trong không gian tĩnh mịch rồi rơi tõm vào hư không. Đó là một phần “hồn Âu” giữa lòng phố Việt một cách rõ nét nhất. Ánh nắng đầu tiên tắt sớm hơn mọi người tưởng. Rời khỏi Nhà thờ Lớn là muốn rẽ sang đại lý kem Tràng Tiền cạnh hồ Hoàn Kiếm. Đèn đường đã bắt đầu chiếu sáng. Rất nhiều người ăn kem ở Tràng Tiền, có lẽ vì hương vị nhưng cũng có thể vì sự bảo tồn của những nguyên liệu truyền thống, vì thế mà vào lúc đèn đường vừa sáng cũng là lúc người tiến vào chỗ này đông hơn. Có một điều đặc biệt là đại lý kem không kê bàn ghế nên người mua phải đứng thưởng thức trên đường. Tuy nhiên, những người sành ăn lại thích như thế này vì có thể vừa ăn kem vừa dạo quanh hồ Gươm. Có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy lạ khi tiết trời đang còn cái lạnh, cái rét của mùa đông thì kem lại chính là “đặc sản” của người thủ đô. Vì trời rét nên khi ta ăn không cần phải vội mà chỉ thong thả thưởng thức, kem cũng không bị chảy. Kem Tràng Tiền là loại đồ ăn vặt hiếm hoi được lòng cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh mê mẩn món này vì nó gắn với quá khứ thời bao cấp đầy kỷ niệm của Hà Nội, còn trẻ nhỏ thì khỏi bàn rồi.

Nhớ lần trước trong căn tin của trường, Minh Nhật thấy hai chúng tôi dành nhau hộp kem dâu. Cậu không nói gì mà cứ thế tiến thẳng vào chỗ quầy bán hàng mang ra sáu cây kem que vị dâu. Trong cái chập choạng của không gian nhộn nhịp, thả hồn mình bay bổng, hai tay cầm hai que kem mà cảm thấy cuộc sống sung sướng đến lạ. Chầm chậm thưởng thức cái lạnh chạm đến đầu lưỡi rồi đến vị béo ngậy của kem tươi. Chúng tôi không đi dọc hồ Gươm để thưởng thức một góc vẻ đẹp rất riêng của nơi này về đêm nhưng cùng nhau bước trên một đoạn đường để cùng bắt xe về nhà. Mặc dù có thể lên xe ở một số điểm nhưng chúng tôi quyết định đi dạo một đoạn đường đến trạm tiếp theo mới lên chuyến xe khác. Phía trên ánh sáng của những ngọn đèn đường đã xuất hiện lác đác những ngôi sao sau một thời gian ngủ đông, nhưng chúng chưa sáng hẳn. Bước vào cuộc sống ai cũng muốn bản thân được tỏa sáng và được tự do như một chòm sao. Cứ tin tưởng chính bản thân là một chòm sao tự do, tỏa sáng rực rỡ trên nền trời đêm, thật hạnh phúc khi chúng ta được sáng cùng nhau. Mưa thời gian rơi trong lòng chúng ta! Cảm tình từng biến mất lại được lưu giữ trên từng gương mặt. Năm tháng chưa mất đi, sân trường và mọi ngõ ngách của đường phố vẫn như trước. Xa xa trong những chiếc thùng sắt cũ kỹ, đốm than hồng lấp ló trong đêm tối, khoai lang mật nướng, ngô nướng xếp gọn trên chiếc vỉ sắt. Những gánh hàng rong làm nên vẻ đẹp bình dị của vùng trời đêm Hà thành. Mùi thơm của những thứ quà truyền thống ấy lơ lửng giữa chúng tôi. Một củ khoai lang mật nướng đã đủ làm ấm lòng những người con xa nhà. Những món ăn dân dã có thể tìm thấy trên mọi đường phố của Hà Nội.

Người bán hàng nhìn không rõ mặt dướng ánh sáng vàng của ngọn đèn đường nhưng chỉ cầm chăm chú vào khóe miệng thôi cũng đủ cho ta cảm nhận sự gần gũi mà hết sức thân thương. Củ khoai nướng vừa mới gắp ra, nóng hôi hổi chuyền từ tay này sang tay khác rồi cứ tưởng tượng đến cảnh đứa trẻ thôn quê ngồi bên bếp lửa mùa đông, chờ mẹ khều ra từ trong đống than hồng kia một củ khoai ngọt bùi.

Chúng tôi dừng lại bên một bếp than dưới một ngọn đèn đường, lật những củ khoai nóng hổi. Nhận từ người nướng khoai một củ khoai ấm nóng, lật lật tay nọ sang tay kia, bóc nhẹ lớp vỏ mỏng hơi sém lửa. Cắn vào mật từ khoai chảy ra ngọt, mềm, bở tan ngay trong miệng. Mọi cảm giác lạnh lẽo của Hà Nội khi về đêm đều tan biến.

Bóc lớp vỏ mỏng, thịt khoai như lòng đỏ trứng gà. Hà Linh trầm trồ khen ngon hết lời.

“Lần đầu tiên tớ được thưởng thức món này đầy. Ngon tuyệt!”

“Thật đáng tiếc, cậu có một tuổi thơ quá đỗi bất hạnh!” Tôi nói.

“Ai bảo chứ.”

Tôi mỉm cười “Tớ đấy!”

Cô xì một tiếng. “Tớ lại cảm thấy cậu mới thực sự bất hạnh đấy!”

Tôi nhún vai. “Ok. Tớ bất hạnh!”

Chúng tôi tạm biệt người bán hàng rong và bước đi, vừa đi vừa ăn khoai lang nướng trên con đường vắng người qua lại.

“Này.” Minh Nhật đứng lại dưới một ngọn đèn đường. “Hà Linh, cậu ở đây một thời gian rồi vậy cậu thích điểm gì nhất ở Hà Nội?”

Hà Linh dựa người vào chiếc cột.

“Ừm, để tớ nghĩ xem nào.”

Cô im lặng vờ như nghĩ ngợi một điều gì đó xa xôi lắm. “Có một điều mà ở Thượng Hải không còn nữa.”

“Điều gì?” Tôi nói chen vào.

Hà Linh cười cười. “Cái lặng cô đơn lúc về đêm. Cuộc sống ở đây không quá ồn ào, nhộn nhịp như những nơi khác. Mặc dù ban ngày có nhộn nhịp, có kẹt xe ở một số tuyến đường, nhưng đêm về ta lại thấy bình an, lòng có chút nôn nao thương nhớ. À, tớ có đọc một tác phẩm viết về Hà Nội với tất cả tình yêu và những gì tồn tại trong cuộc sống.”

“Ai vậy?” Minh Nhật hỏi Hà Linh.

“Thạch Lam.”

“Tớ biết ngay mà!” Tôi nói.

Hà Linh quay qua nhìn tôi. “Sao cậu biết được?”

Lúc này thì Minh Nhật trả lời thay tôi.

“Cậu thích tập tùy bút ‘Hà Nội băm sáu phố phường’ của Thạch Lam chứ gì?” Cậu nói và nở một nụ cười nửa miệng. Tôi cũng cười, chỉ có Hà Linh là ngạc nhiên hết nhìn người này lại chuyển sang nhìn người kia mà không hiểu được tại sao. Để khỏi lạc lõng trong tình cảnh này, cô lên tiếng.

“Tớ đã đặt cho ông ấy một cái tên khác.”

Lúc này thì chúng tôi đã bước đi, khi nghe Hà Linh nói vậy, tôi và Minh Nhật đều dừng bước, cùng quay nhìn Hà Linh. “Tên gì?”

Hà Linh đá đá mũi giày, nói một cách hết sức tự nhiên. “Sapphire.”

Hai chúng tôi đều cười. Thế là cô bướng bỉnh hỏi lại. “Chẳng phải ông ấy là một viên đá quý có màu xanh lam sao?”

“Cậu nói đúng!” Minh Nhật giúp Hà Linh vớt vát tình thế.

“Có sáng tạo!” Tôi nói thêm. Rồi chúng tôi bước đi dưới những thứ ánh sáng trộn lẫn vào nhau. Ba Lô đeo trên vai, hai tay đút vào túi áo khoác, chỉ có thứ âm thanh duy nhất từ ti vi nhà ai phát ra là nghe rõ trong đêm dần về khuya giữa đất trời thủ đô. Xa xa nếu lắng tai tĩnh lặng, ta nghe đâu đó bắt đầu vang vọng lại tiếng rao đêm của người bán hàng rong.

***

 


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...