26/08/2019
1603
Phúc Đức Tại Mẫu
Văn hóa Việt Nam rất coi trọng tình mẹ. Tình mẹ luôn cao quý. Tình mẹ luôn là động lực cho con cái lớn khôn làm người. Thế nên, người mẹ luôn được tôn vinh ở mọi nơi mọi chốn. Người ta thường dùng chữ mẹ để tôn vinh những nơi chốn, những gì là thiêng liêng cao cả. Thí dụ : đất mẹ, quê mẹ hay tiếng nói mẹ đẻ . .  
Người mẹ còn là một gia sản quý báu cho con cái. Gia sản ấy không phải là tiền bạc, tài sản mà là phúc đức cho con. Đó là lý do người ta nói: “Phúc đức tại mẫu”. Vì người xưa cho rằng người mẹ nếu ăn ở tốt sẽ để lại những điều tốt lành cho con. Suy rộng ra là việc một người mẹ, người bà có thể để lại phúc đức cho con cháu hay không đều phụ thuộc vào cách sống, cách đối nhân xử thế của người đó. 
Có một người mẹ tuy không được học chữ, vậy mà khi con học xa nhà, bà đã cố gắng viết cho con mấy dòng ngắn ngủi, nét chữ run rẩy và to như trẻ con học mẫu giáo tập viết. Bà viết: “Mẹ ít học hơn con nên mẹ tin con hiểu đời nhiều hơn mẹ. Mẹ chỉ muốn dặn con một điều rằng con đi xa hãy nhớ: Ăn một miếng của người con tạc ân vào dạ; Học một chữ ở đời con xem nặng nhẹ bao nhiêu”. Lời dặn thật mộc mạc nhưng ẩn chứa biết bao triết lý cho cuộc sống. Chính những lời dạy đơn sơ ấy đã uốn nắn con thành người. Thật phúc đức cho những ai có người mẹ thấu tình đạt lý như thế!
"Phúc Đức tại mẫu", như còn muốn nói người mẹ, người vợ không chỉ mang phúc đức cho con, mà còn là mối giây liên kết cho nhiều thành viên trong một đại gia đình. Trong gia đình họ tộc có những mối quan hệ không trói buộc bằng tiền bạc. Con ghi ơn cha mẹ. Anh chị em gắn bó với nhau. Họ hàng qua lại với nhau đều không phải vì tiền bạc mà tất cả các mối quan hệ ấy chỉ có thể tồn tại được nếu có tình cảm với nhau.  Và trên hết, người phụ nữ chính là sợi dây tình cảm nối liền cha với con, nối anh chị em lại với nhau, nối các bậc thông gia cho gần gũi. Người mẹ, người vợ được xem là người có khả năng và thiên chức điều hòa mọi thành viên một cách hữu hiệu nhất. Câu "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" không chỉ đúng cho thời xưa mà cả mọi thời đại.
Quả là rất đúng khi người xưa nói rằng”:
Lạ gì con có giống ai, 
Phúc đức tại mẫu là lời thế gian.
Hôm nay chúng ta mừng kính thánh Monica, một người mẹ đã sống có đức để nhờ đức của mẹ mà các con được sống tốt và còn nên thánh.
          Thật thế việc trở lại của thánh Augustinô đã được ban cho bà thánh Monica sau 16 năm kêu khóc. Nhưng đó cũng là một cuộc trở lại hoàn hảo vô song hơn bà ước nguyện.
          Phúc đức cho 2 mẹ con thánh Monica và Augustinô
          Tất cả những điều bà ước nguyện chỉ là xin được thấy sự phóng đãng của người con thanh niên được chấm dứt trong giới hạn của hôn nhân. Nhưng bà đã được sung sướng thấy chàng thực hiện những lời khuyên cao siêu nhất của đức trong sạch theo Phúc âm.
          Bà chỉ cầu ước cho chàng được chịu phép thánh tẩy, được vào sổ người Công giáo, nhưng bà còn thấy chàng được bước tới chức linh mục và tới địa vị cao cả của chức Giám mục.
          Bà chỉ xin Chúa cho thấy chàng thoát khỏi lạc giáo, nhưng Chúa đã biến chàng thành cột trụ Giáo hội và là tai họa cho những bè lạc giáo đồng thời.
          Thiên Chúa vẫn là một Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Ngài vẫn mời gọi chúng ta đáp trả niềm tin của ta bằng chiều sâu, chiều dài, chiều rộng và cả thời gian nữa.
          Nếu chúng ta nhẫn nại. nếu chúng ta chịu đựng Chúa sẽ ban cho chúng ta những gì chúng ta xin như gương sống của thánh nữa Monica.
          Hôm nay, mừng lễ Thánh Monica, ta lại tha thiết xin Chúa qua lời chuyển cầu của thánh Monica để cầu xin cho các bà mẹ Công Giáo có ơn kiên nhẫn, có ơn chịu đựng và nhất là có một tấm lòng yêu thương chồng yêu thương con. Khi và chỉ khi có tình yêu với chồng với con thật sự thì mới nảy sinh ra sự chịu đựng và kiên nhẫn.
          Ngày hôm nay, ta nhớ đặc biệt đến những người mẹ của chúng ta để chúng ta cầu nguyện cho những người mẹ của chúng ta nhân ngày nhớ đến thánh nữa Monica :
 Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ,
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.
Nước biển mêng mông không đong đầy tình mẹ,
Mây trời lồng lộng không phủ kín tình cha.
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn,
Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con.
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc,
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không!
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 
MONICA - NGƯỜI MẸ KIÊN NHẪN
 
          Cuộc đời của thánh nữ Monica là một cuộc đời đầy gian truân, đau khổ và thử thách. Tuy nhiên, thánh nữ đã kiên cường, can đảm sống tín thác nơi Chúa và luôn cậy trông, hy vọng vào tình thương vô biên của Chúa. Thánh nữ cảm nghiệm thực sâu xa lời của thánh Phaolô tông đồ:” Tôi có thể làm được tất cả mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho Tôi “hay “ “…Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giêsu, Chúa của tôi “ ( Philip 3, 8 ).
          Thánh nữ sinh tại Thagaste, thuộc Bắc Phi châu vào năm 332 trong một gia đình công giáo. Lập gia đình với ông Patricius, một người ngoại giáo và có được ba người con. Chồng Mônica là một người giàu có, nhưng tính tình nóng nảy và không chung thủy. Người mẹ chồng của thánh nữ cũng gắt gỏng và khó chịu. Patricius thường hay rầy la vợ, vì Mônica hay tỏ ra thương yêu và giúp đỡ mọi người.
          Dù vậy, thánh nữ vẫn luôn âm thầm hy sinh, kiên trì, chịu đựng trong nước mắt của nguyện cầu. Cuối cùng, Mônica cũng chinh phục được mẹ chồng cùng với chồng, và họ đã trở lại cùng Thiên Chúa. Patricius qua đời năm 371, sau khi đã lãnh nhận Bí tích rửa tội. Hết chồng rồi lại đến con, Augustin học theo tính khí của cha, sống phóng đãng và chạy theo bè rối Manichée, trong chín năm. Mônica theo con để mong ngày con được trở lại cùng Chúa. Những hy sinh của Mônica thật không uổng tí nào. Đêm Phục sinh, ngày 24 tháng tư năm 387, bà vui mừng dự lễ rửa tội cho thánh Augustin. Cuối năm 387, khi mẹ con đang chuẩn bị trở về quê hương là Phi châu, thì Thiên chúa đã gọi Mônica về, lúc 56 tuổi. Thánh nữ được chôn cất tại Ostite và sau được dời về Rôma vào năm 1430.
          Năm 22 tuổi, Mônica vâng lời cha mẹ kết hôn với Patricius, một người ngoại đạo dòng dõi quý phái, nhưng tính tình ngang tàng độc ác, và tuổi tác lại gấp đôi Mônica! Với tính hiền lành và nhẫn nhục, Mônica đã biến cuộc hôn nhân "khập khễnh" của mình thành êm đềm. Thánh nữ đã đối xử tốt đẹp với cả chồng lẫn mẹ chồng, khiến sau một thời gian ngài đã hoàn toàn chinh phục được chồng lẫn mẹ chồng và các em của chồng. Lý do khiến người chồng không mạnh tay với thánh nữ vì ngài đã giữ không bao giờ mạnh miệng với chồng. Và nhất là không bao giờ bà nóng giận hay mất kiên nhẫn với chồng và với đứa con hư hỏng là Augustinô, kể cả khi bị Augustinô lừa dối và làm tổn thương.
          Không phải chỉ cầu nguyện một năm, hai măm mà cầu nguyện bền bỉ suốt một đời, cầu nguyện trong nước mắt, trong đau khổ. Khi thấy con mình mất đức tin, theo lạc giáo chống lại Thiên Chúa, chống lại Giáo hội, và ngày càng dấn sâu trên con đường tội lỗi, thì Mônica càng tha thiết cầu nguyện, càng cậy trông vào Chúa. Đêm đêm trước bàn thờ Chúa, ngài vẫn sốt sắng cầu nguyện cho chồng, cho con. Cầu nguyện kiên trì, cầu nguyện liên lỉ.
          Không lúc nào không nghĩ đến con, lo lắng cho con, và tìm mọi cách để đưa con về đời sống tốt lành. Chính vì thế, bà đã không hề lùi bước trước bất kỳ một hy sinh nào, chỉ để mong con quay về với Chúa. Hy sinh trong kinh nguyện, trong hãm mình, trong chay tịnh; hy sinh trong đau khổ, trong nước mắt. Bà đã khóc nhiều, đến nỗi người ta nói rằng bà không còn nước mắt để khóc nữa. Thánh Amrôsiô đã an ủi bà : “Nước mắt bà sẽ không vô ích đâu, bà hãy cứ vững lòng trông cậy. Augustinô con bà sẽ trở lại”.
          Chính tình yêu hải hà đối với chồng, đặc biệt đối với con, là Augustinô, đã khiến thánh Mônica trở nên hiền hoà nhẫn nhục, kiên tâm cầu nguyện, âm thầm hy sinh. Và phần thưởng Chúa ban cho thánh Mônica là gì ?
          Phần thưởng Chúa ban cho thánh Mônica còn hơn cả những gì mà ngài cầu mong và ước nguyện. Chồng của Mônica đã trở lại cùng Chúa, đã chịu phép rửa và đã được chết trong ân nghĩa của Chúa. Còn đối với Augustinô, con mình, Mônica chỉ xin cho được ơn trở lại làm Kitô hữu, làm con cái Chúa. Thế nhưng, Chúa đã ban cho ngài nhiều hơn thế. Augustinô chẳng những trở thành một Kitô hữu chân chính, mà còn trở thành một linh mục. Không chỉ dừng lại ở đó, ngài còn trở thành một giám mục tài đức và hơn nữa còn là một trong bốn vị đại tiến sĩ lừng danh của Hội Thánh.
          Lời cầu nguyện, tin tưởng, cậy trông phó thác nơi Chúa và những giọt nước mắt chân thành, tha thiết của bàđã được Chúa đoái thương nhậm lời. Augustinô sau những thất bại, cay đắng ê chề đã trở về với Chúa. Augustinô giờ đây có thể nói như thánh Phaolô :” …lao mình về phía trước”. Ngài đã đẩy lùi tội lỗi, đẩy lui những xấu xa để làm lại cuộc đời mới, làm lại một tương lai tốt đẹp, trong sáng. Chúa có cách nhìn và con đường của Chúa.
          Hai mẹ con tràn đầy hạnh phúc: thánh nữ Monica sung sướng khôn lường, bà và Augustinô trở về Phi Châu trong cuộc hành trình dài ngày, nhưng ý Chúa nhiệm mầu, thánh nữ đã ra đi về với Chúa trong bình an vào năm 387. Thánh nhân được mai táng tại Otti. Đức Thánh Cha Martinô vào năm 1430 đã truyền đem xác thánh nữ về chôn cất tại nhà thờ thánh Augustinô ở Roma.
          Sau khi con mình trở về với Chúa và Giáo Hội, bà vô cùng vui mừng tạ ơn Chúa và đã cùng các con trở về Phi Châu. Nhưng thánh ý Chúa nhiệm màu, trên đường trở về quê hương, Chúa đã cất Monica về vỡi Chúa tại Ostia (hải cảng nổi danh thời đó, cửa sông Tibre), vào năm 387 (chỉ ít lâu sau khi Augustinô trở về với Chúa và được lãnh nhận bí tính Thánh Tẩy), thọ 56 tuổi, sau cả một cuộc đời luôn trung thành giữ vững Đức Tin nơi Chúa và Giáo Hội, cả một cuộc đời hy sinh, chịu đựng mọi khổ đau để cầu nguyện trong nước mắt cho chồng, cho con.
          Cuối cùng, sau những thử thách thật dài, thật lâu, Thánh Nữ Monica đã được Chúa thương thực hiện những gì Thánh Nữ cầu xin mà nhiều người cứ tưởng là vô vọng. Thật là một tấm gương tuyệt dịu cho mọi người chnúg ta, nhất là các Bà Mẹ, để cúng ta luôn biết kiên trì ham mình cầu nguyện trong niềm tin tưởng và tuyệt đối phó thác mọi sự trong tình thương và sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa là Cha nhân từ của mọi người chúng ta.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...