10/10/2021
2364

TÔI ĐÃ THẤY

 

Sinh ra trong tiếng khóc chào đời, trong sự vui mừng của mẹ cha, của người thân, rồi lớn lên, trưởng thành và sẽ ra đi với đôi bàn tay trắng trong tiếng khóc thương của người thân và của bạn bè. Đời sống con người thật mong manh và mỏng giòn “như hoa kia khoe mình hương sắc thắm, cũng lụi tàn khi buổi chiều hoàng hôn”. Hay như trong Thánh Vịnh 90 có viết: “Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi! Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng, như cỏ đồng trổi mọc ban mai, nở hoa vươn mạnh sớm ngày, chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn”.“Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi”.

  

    Vậy,tôi đã thấy gì qua đợt dịch này? Vâng, tôi đã thấy và chắc mọi người đều thấy:

 - Tôi đã thấy người người đổ xô đi mua lương thực thực phẩm dự trữ cho những ngày giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, 16 + và rồi họ cầm cự được bao lâu? Được 1 tuần, 10 ngày, 2 tuần, 3 tuần hay 1 tháng? Sau đó mọi thứ đều cạn kiệt, họ bắt đầu rơi vào tình trạng túng thiếu về của ăn, thức uống.

 

- Tôi đã thấy từng con phố, ngõ hẻm dần bị phong tỏa, từng hàng rào thép, từng tảng đá mọc lên chắn ngang lối đi, từng biển đỏ xuất hiện kèm với những biểu ngữ: “ khu vực phong tỏa, nội bất xuất ngoại bất nhập”, “khu vực phong tỏa, không phận sự miễn vào”, “ khu vực có F0, không đến lại gần”.vv..Và tôi thấy số người nhiễm covid cứ tăng vọt lên bắt đầu từ hàng đơn vị, hàng chục, hàng trăm, rồi đến hàng nghìn và lên đến hàng trăm nghìn(836.134 ca nhiễm tính đến ngày 9/10). Số người rơi vào trạng thái nguy kịch và số người chết cứ thế tăng theo.

 

 - Rồi tôi nghe tiếng cầu cứu của người dân nhan nhản trên mạng xã hội (facebook, zalo, youtub), tiếng kêu của người dân từ khắp nơi trong vùng dịch, tiếng chuông điện thoại cầu cứu reo liên hồi:

° “Soeur(sr) ơi, giúp con với, gia đình con ăn mì tôm mấy ngày nay rồi”

° “Sr ơi, con ở Bình Tân, hẻm chúng con bị phong tỏa mấy tuần rồi”

° “Sr ơi, con của con hết sữa cả tháng nay rồi, hai đứa cứ khóc cả ngày”

° “Sr ơi, dãy trọ chúng con có 23 phòng, có con nhỏ, có người đi bán vé số, chạy xe ôm, công nhân đã mấy tháng nay không ai đi làm được, hết tiền ăn rồi”. (Sr ơi, con ở Dĩ An, Sr ơi, con ở Thuận an, ở Thủ Dầu Một – Bình Dương; Sr ơi, con ở Long Bình Tân – Đồng Nai; Sr ơi, con ở Hàng Xanh, Thủ Đức, Bình Tân, Quận 4, Quận 7, Quận 9, Quận 2…)

° “Sr ơi, cứu chúng con với, đói quá rồi sr ơi”.

° “Sr ơi, chủ nhật có 12 tấn rau củ quả về nha sơ”, “Sr ơi, mai có 15 tấn gạo”, “1h đêm mai có 2 xe rau nha sơ”, “Sr ơi, 3h sáng mai có 10 tấn gạo”….

 - Khi một bệnh nhân chuyển sang cơn nguy kịch, hơi thở trở nên gấp gáp, họ quằn quại trong cơn đau, các bác sĩ, y tá đã kịp thời đến bên họ để cấp cứu và động viên họ. Thế rồi như thế nào? Thế rồi tôi đã thấy những giọt nước mắt lăn dài trên má các bác sĩ, họ bất lực vì không giữ được hơi thở cho bệnh nhân của mình mặc dù họ đã cố gắng hết sức.

 - Tôi đã nghe tiếng cầu cứu trong hoảng loạn, trong lo sợ của những bệnh nhân trước khi rơi vào trạng thái hôn mê:

° “Bác sĩ ơi, cứu con với, con sợ quá”

° “Bác sĩ ơi, cứu tôi, vợ tôi đã đi rồi, con tôi còn nhỏ không thể mồ côi cha mẹ”

° “Bác sĩ ơi, cứu tôi, tôi không thể chết được, tôi còn mẹ già và hai con nhỏ”

° “Bác sĩ ơi, c.ứ..u   t.ô..i”

Và tôi cũng đã thấy những dòng tin nhắn:

° “Sr ơi, ông con bị dương tính rồi, sr cầu nguyện cho ông con với”

° “Sr ơi, anh trai con trở nặng đã đưa đi cấp cứu rồi, nhờ sr cầu nguyện cho anh con”

° “Sr ơi, mẹ con bị covid đang nguy kịch, nhờ các sr cầu nguyện cho me con”…

và rồi: “Sr ơi! Mẹ con m.ấ..t   r..ồ…i…”

 

 - Tôi đã thấy từng đoàn xe cứu thương chở thi hài xếp hàng dài chờ hỏa táng.

 - Tôi đã thấy nhân viên y tế làm việc không kể ngày đêm, họ miệt mài với công việc cứu người. Ban ngày họ làm việc, tối về họ họp với chính quyền lên phương án chữa bệnh, lên kế hoạch cho việc phòng và chống dịch. Có những ngày 1-2 giờ sáng họ mới được nghỉ, họ làm việc quá sức đến nỗi gục ngã, không ít người trong họ là nạn nhân của cơn đại dịch.

 - Tôi đã thấy đoàn đoàn, lớp lớp người tháo chạy khỏi vùng dịch, khi mà họ không thể cầm cự để ở lại phố thị-nơi mà họ đã mơ ước lập nghiệp, đổi đời. Hình ảnh chồng chở vợ bầu về quê trên chiếc xe đạp cũ, hình ảnh từng đoàn xe máy chở vợ và con nhỏ cùng với hành lý cồng kềnh vượt đèo, vượt ngàn kilomet, dưới trời mưa gió, hình ảnh từng đoàn người tay xách tay mang đi bộ về quê sao mà thương, mà xót xa thế.

- Hơn bao giờ hết, tôi thấy tình người được thắt chặt, lòng người mở ra, từng cánh tay yêu thương được nối dài khắp mọi miền của tổ quốc, khoảng cách giàu nghèo được thu hẹp lại, con người xích lại gần nhau hơn. Khi những người trong vùng dịch gồng mình chống chọi với dịch bệnh, với cái đói, cái đau, thì những người ngoài vùng dịch ra sức cứu trợ. Người có nhiều cho nhiều, người có ít cho ít, người góp công, người góp của, người góp cả hai. Từng đoàn xe tải, container chở lương thực, thực phẩm từ các tỉnh thành Đà Lạt, Bảo Lộc – Lâm Đồng, Miền Tây, Tây Nguyên, Miền Trung…đổ về Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai để cứu trợ đồng bào cuả mình, anh em của mình đang mắc kẹt vì dịch bệnh. Khắp các vùng miền của đất nước chung sức, đồng lòng hướng về miền nam thân yêu. Các linh mục, các giáo xứ, các dòng tu, nhà chùa, các hội đoàn, các nhà hảo tâm, những người làm từ thiện… ngày đêm lo đi phân phát cứu trợ, lo lắng từng hộp cơm, gói sữa, từng phần quà sao cho đến được với những người thực sự thiếu, thực sự cần; Không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng hay vùng miền, ai khổ, ai thiếu đều được cứu, được giúp. Hình ảnh những người cùng khu phố, xóm trọ chia nhau từng bó rau, quả bí, từng ký gạo, củ khoai, người này nhận được chia sẻ cho người kia cùng nhau vượt qua kiếp nạn sao tôi cảm thấy vừa thương vừa ấm lòng biết bao. Hình ảnh hàng trăm, hàng nghìn thiện nguyện viên là linh mục, tu sĩ nam nữ, giới trẻ hăng hái lên tuyến đàu chống dịch, phục vụ bệnh nhân covid mặc dù họ không có chuyên môn; Hình ảnh các nhân viên y tế trên địa bàn, các bạn y sinh từ các trường cao đẳng, đại học, các y bác sĩ từ các tỉnh thành khác, các bác sĩ lớn tuổi đã về hưu cũng sẵn sàng đối đầu với gian nan, nguy hiểm đi vào tâm dịch để cứu đồng bào của mình sao mà vĩ đại đến thế. Đẹp làm sao bước chân của những người dám hy sinh, liều mình để cứu người khác, họ là những người “Ngồi ăn không yên, ngủ chẳng tròn giấc vì bao người đang khốn khổ”.

Thật cảm động trước sự quảng đại và tình đoàn kết, yêu thương nhau của con người Việt Nam chúng ta, đúng nghĩa với “Lá lành đùm lá rách”,“Cách ly nhưng không cách lòng”. Khi một người gặp nạn thì bao nhiêu cánh tay chìa ra giúp đỡ. Dù mình còn khó khăn nhưng không để anh em mình phải chết đói.

Giữa cơn đại dịch, thì câu nói “tiền nhiều để làm gì”của ông chủ cà phê Trung Nguyên được lặp đi lặp lại nhiều lần trong dân. Thật vậy, lúc này có tiền tỉ cũng không mua được những thứ mình muốn, người giàu cũng nhận được những phần quà (một chục trứng, vài quả bầu, cà chua…hay một bó rau tươi hoặc đã héo úa do quá trình vận chuyển đường dài) như người nghèo, mà đôi khi những người giàu dù túng thiếu cũng không đủ can đảm để nhận hỗ trợ nữa. Khi vào khu cách ly hay bệnh viện họ cũng nhận  được sự chăm sóc như nhau. Thiết nghĩ, sau đợt dich này con người sẽ ý thức hơn thân phận mỏng giòn nay còn, mai thì chưa biết ra sao của mình và biết trân quý hơn những giá trị cuộc sống, trân quý những điều được ban tặng nhưng không (nước, không khí…) cũng như biết gìn giữ, bảo vệ môi trường mình đang sống. Ranh giới giữa sự sống và cái chết quá thật mong manh, cuộc đời quá thật ngắn ngủi, chóng qua như hơi thở. Vậy nên, hơn thua tranh giành nhau để làm gì, để rồi khi lìa đời giàu hay nghèo cũng chỉ ra đi với một tấm khăn liệm và một túi nilon được cuốn chặt lại một cách kín cẩn trong một quan tài đơn sơ. Chỉ có bác ái, yêu thương sẽ theo ta mãi mãi. Vậy nên, “lúc còn có thể làm được cho ai cái gì thì làm, giúp được gì cho ai cứ giúp”(Lm: Carolo Thiện.OP).“Thương xót người nghèo là cho Chúa vay, Chúa sẽ ban lại dư đầy”(Cn 19,17).

         

Suy ngẫm về cuộc đời, chúng ta sẽ tự đặt câu hỏi: “Tôi là ai?”,“Vì sao tôi hiện diện?”, “Tôi sẽ đi về đâu?” và “Tôi đi qua tôi để lại gì?”

Soeur Tâm Bình – Dòng Tiểu Muội Đức Mẹ Lên Trời


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...