04/10/2021
4484

“LÊN ĐƯỜNG THAM GIA TUYẾN ĐẦU, CHA CÓ SỢ KHÔNG?”

 

(Lm. Giuse Nguyễn Đình Nhu)

                                                        

Cha Tổng Đại Diện Đaminh Nguyễn Tuấn Anh trao Chứng Nhận Hoàn Thành Đợt Thiện Nguyện cho các Thiện Nguyện Viên

Sau hai tuần cách ly tại Trung tâm Martinô, tôi đã về lại nhiệm sở trong bình an. Một người bạn học cũ nhắn tin hỏi thăm sức khỏe. Tôi vui mừng báo tin cho bạn rằng mình đã về đến nhà, và mọi sự tốt đẹp, người chỉ hơi ê ẩm một chút vì mới được tiêm thêm một phát thứ hai. Bạn tôi ngạc nhiên lắm, vì bạn ấy nghĩ trước khi lên đường tham gia chống dịch thì tôi và các thiện nguyện viên đã phải được tiêm đủ hai liều vaccine rồi. Ngạc nhiên xen lẫn lòng cảm phục, bạn ấy mới nói: “Mình cứ tưởng cha đã tiêm đủ 2 mũi rồi mới đi phục vụ ở bệnh viện dã chiến thu dung chứ. Mới tiêm 1 mũi mà dám đi. Nguy hiểm lắm á!”. Tôi hiểu tâm trạng của bạn. Thực sự thì nhớ lại khi ấy, lúc lên đường tham gia phục vụ bệnh nhân mắc covid, tôi cũng cảm thấy lo lắng. Tôi đã chia sẻ với người bạn của mình rằng: “Mình biết là nguy hiểm chứ. Mình cũng nghĩ đến việc bản thân sẽ bị nhiễm bệnh. Và mình chấp nhận điều ấy. Mình cảm thấy được hy sinh một chút vì mọi người, đó là vinh dự cho mình. Nếu nâng đỡ được các bệnh nhân, mà bản thân phải chịu một chút hiểm nguy, thì mình cam lòng”.

Thực sự là bây giờ trở về giáo xứ, ngồi trong căn phòng quen thuộc của mình, tôi mới dám tin là mình đã bình an. Hằng ngày giữa bệnh viện dã chiến, ngoài lời khẩn cầu tha thiết cho cơn dịch bệnh được đẩy lùi, cho các bệnh nhân được sớm bình phục, cho các y bác sĩ, các nhân viên y tế, cho các gia đình đau khổ,… thì một lời nguyện mà tôi không bao giờ quên, đó là mong cho các cha, các soeur, các thầy, và các bạn trẻ tham gia phục vụ thiện nguyện được ơn bình an. Bởi vì, giữa nơi bệnh viện dã chiến này, hằng ngày chúng tôi tiếp xúc với các bệnh nhân, thì chỉ cần một chút sơ ý dù nhỏ, là đã có thể bị nhiễm bệnh.

Trước khi lên đường phục vụ, cảm giác lo lắng sợ hãi là một thử thách không hề nhỏ đối với tất cả các thiện nguyện viên chúng tôi. Đã có những bạn trẻ đăng ký đi rồi, nhưng đến ngày tập trung về giáo xứ Thái Hòa để lên đường, thì quyết định ngừng lại, vì sợ. Đó là sự thật! Nỗi sợ ấy rất thật. Những ngày ấy, một câu hỏi mà tôi thường được nghe nhất, đó là: “Lên đường tham gia tuyến đầu, cha có sợ không?”

Trước khi quyết định thưa với Cha Tổng Đại Diện về ý muốn dấn thân của mình, tôi đã phải suy nghĩ và đắn đo nhiều. Và thậm chí, tôi cũng đã nghĩ đến việc mình sẽ bị nhiễm bệnh; nghĩ đến chuyện bệnh sẽ trở nặng,… Đã có lúc tôi cảm thấy sợ hãi vì quyết định của mình. Không ít lần, những tiếng nói thoái lui đã vang lên trong tâm trí tôi: “Thôi, đừng đi nữa, ở nhà cho an toàn…”, “Đang bình an không muốn, muốn đi vào nơi nguy hiểm làm chi?”,… Ngay cả vị cha xứ đáng kính, người rất tin tưởng tôi, và luôn ủng hộ tinh thần dấn thân của tôi, cũng đã có lúc ngài lo cho sức khỏe của tôi mà nói với tôi rằng: “Hay cha ở nhà đi. Chẳng may cha đi rồi bị nhiễm bệnh thì sao?”. Tôi nhận ra, không phải vì mọi người không biết rằng chương trình thiện nguyện này là một việc cấp bách và ý nghĩa, nhưng chỉ vì lo cho sự an toàn của tôi. Tôi nhận ra tình thương của những người thân yêu. Họ muốn tôi được bình an. Lúc ấy, tôi đã thấy, dường như quyết định dấn thân của mình bị thử thách nặng nề. Giả như mai mốt tôi bị nhiễm bệnh, thì tôi đã làm cho bao nhiêu người phải lo lắng… Nghĩ đến đó, lòng tôi cũng rất băn khoăn.

Sức mạnh khiến tôi kiên vững với ý định dấn thân của mình lúc này chỉ còn là tình yêu, tình yêu thắm thiết dành cho Chúa, và tình thương yêu thực sự trước những thống khổ của quê hương và đồng bào.

TNV Xuân Lộc tạo bàu khí vui tươi cho các bệnh nhân F0 trong BV Dã Chiến

Hình ảnh những ánh mắt lo lắng của một số gia đình khi được thông báo rằng nhà có người bị dương tính với Sars-CoV-2; hình ảnh những giọt nước mắt của biết bao con người khi người thân của mình không qua khỏi; hình ảnh những cụ già lụ khụ phải xách bao-lô lên đường vào khu cách ly; hình ảnh các y bác sĩ tuyến đầu mệt nhoài vì áp lực công việc,… tất cả cứ quẩn quanh trong tâm trí tôi. Tôi cứ suy nghĩ, và cầu nguyện nhiều…

Là linh mục của Chúa, nghĩa là tôi đã nên một với Chúa Kitô, để hiện diện và sẻ chia với con người trong chính bối cảnh sống của mình. Là linh mục của Chúa, nghĩa là tôi đã chấp nhận hy sinh chính bản thân, vì ơn cứu độ và hạnh phúc của tha nhân. Là Linh mục của Chúa, nghĩa là tôi đã trở nên một cầu nối của ân sủng và Lòng Thương Xót của Chúa cho nhân loại… Như vậy, đâu là điều Chúa muốn tôi làm trong lúc này, với sứ vụ là một linh mục?

Trong cầu nguyện, tôi nhớ đến vị linh mục đáng kính là cha Maximilianô Kolbê, người đã dám đứng ra chịu chết thay cho một tù nhân. Tôi cũng nhớ lại lời của cha thánh Gioan Maria Vianney: “Hạnh phúc đích thực của một linh mục, là được hao mòn đi từng ngày, vì tha nhân”. Và tâm tình của ĐHY. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận cũng không ngừng vang vọng trong tâm trí tôi: Con có một tổ quốc, con có một quê hương…

Con có một tổ quốc Việt Nam,

Quê hương yêu quí ngàn đời.

Con hãnh diện, con vui sướng.

Con yêu non sông gấm vóc,

Con yêu lịch sử vẻ vang.

Con yêu đồng bào cần mẫn,

Con yêu chiến sĩ hào hùng.

Sông cuồn cuộn máu chảy cuộn hơn.

Núi cao, xương chất cao hơn.

Đất tuy hẹp, nhưng chí lớn.

Nước tuy nhỏ, nhưng danh vang.

Con phục vụ hết tâm hồn,

Con trung thành hết nhiệt huyết.

Con bảo vệ bằng xương máu,

Con xây dựng bằng tim óc.

Vui niềm vui của đồng bào,

Buồn nỗi buồn của Dân Tộc.

Một Nước Việt Nam,

Một Dân Tộc Việt Nam,

Một Tâm Hồn Việt Nam,

Một Truyền Thống Việt Nam.

Là người Công Giáo Việt Nam,

Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội.

Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con.

Cha mong giòng máu ái quốc,

Sôi trào trong huyết quản con.” (“Đường Hy Vọng”)

 

Tôi nhận ra rằng: Chúa đang mời gọi tôi dấn bước.

Chính năm xưa, Chúa Giêsu đã sống như vậy. Người đã rời bỏ vinh quang thiên quốc, mà đến với thế gian, và trở nên một trong số các phàm nhân. Người đã sống giữa nhân loại, và mang lấy chính những yếu đuối và khổ sở của nhân loại (x. Pl 2). Tôi còn nhớ trong Kinh Thánh, có lần, khi Chúa Giêsu bày tỏ kế hoạch về cuộc thương khó của mình để cứu độ con người, thì vị Tông đồ cả là Phêrô, vì thương Thầy Giêsu, đã kéo riêng Người ra mà ngăn cản. Thế nhưng Chúa Giêsu đã trách ông (x. Mc 8,32-33). Người trách, vì ông không hiểu con đường và thánh ý của Thiên Chúa. Thánh ý của Thiên Chúa thì khác xa so với những suy tính thông thường của con người. Con người thường tìm sự an toàn cho bản thân. Còn Thiên Chúa, chọn con đường hiểm nguy và đau khổ, vì yêu thương con người, vì bình an và ơn cứu độ cho con người. Lòng Thương Xót không chỉ là yêu thương, nhưng còn là chấp nhận hiểm nguy và đau khổ, và hy sinh ngay cả đến tính mạng vì lợi ích của người mình yêu thương. Chúa Giêsu đã diễn tả bài học ấy, qua chính cuộc sống của Người: “Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15, 9tt).

Dẫu vẫn còn mang những nỗi sợ, nhưng trong lòng tôi khi ấy, niềm tin và tình yêu đã chiến thắng. Tôi đã quyết định lên đường. Tôi mang theo nỗi sợ. Chính nỗi sợ cũng là một hy sinh mà tôi đón nhận như một thập giá để dâng hiến bản thân cho anh chị em. Nỗi sợ đối với tôi khi này, không còn là điều gì đáng hổ thẹn, nhưng là một lễ vật. Tôi dâng chính lễ vật ấy, như một hiến lễ chân thành dâng lên Chúa, và cầu cho sự bình an của đồng bào. Giả như, tôi bị nhiễm bệnh, và gặp những đau khổ đủ điều trong hành trình phục vụ, thì của lễ của tôi sẽ càng đẹp lòng Chúa. Lẽ nào, lời cầu nguyện tha thiết cho quê hương sớm thoát khỏi cơn dịch bệnh, lại không được Chúa đoái nhìn?

Cứ như vậy, ngày ấy, cùng với bao nhiêu trái tim yêu thương khác, tôi đã khăn gói lên đường.

Và rồi, khi đã ở giữa bệnh viện dã chiến, nỗi sợ trong tôi dường như hoàn toàn tan biến, mà thay vào đó là một tình yêu thương vô bờ bến. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì được là một cầu nối của Lòng Thương Xót Chúa cho nhân loại lầm than, một nhịp cầu yêu thương giữa người với người. Tôi cũng thấy thực sự diễm phúc vì được cùng sẻ chia những khó nhọc của đội ngũ y bác sĩ và những người phục vụ, cùng đóng góp một chút công sức với muôn người muôn nơi, với đồng bào, với quê hương, cùng nhau vượt qua đại dịch. Tình người giữa đại dịch thật đáng trân quý biết bao. Thật đẹp đẽ thay, người với người yêu thương và sẻ chia với nhau giữa những khó khăn của cuộc sống. Niềm tin trong tôi mỗi ngày thêm trưởng thành, và tình yêu trong tôi mỗi ngày thêm mạnh mẽ.

Tôi đã từng rao giảng rằng tình yêu sẽ chiến thắng sợ hãi, “trong tình yêu, không có sợ hãi” (1 Ga 4,18). Và bây giờ, tôi càng thêm xác tín vào điều ấy. Tình yêu không chỉ giúp tôi chiến thắng sợ hãi, nhưng còn cho tôi sức mạnh để dám chấp nhận những khó nhọc, và thậm chí cả những thương tích, hay khổ đau. Nhìn nỗi khốn khó và lắng lo của tha nhân, mà tôi có thêm sức mạnh. Tôi chỉ muốn hiện diện bên họ, sẻ chia với họ, và yêu thương họ thật nhiều bằng chính những hy sinh cụ thể của mình. Tôi nhận ra đó thực sự là điều mà Chúa muốn tôi thực hiện lúc này. Tôi có một quê hương, khi quê hương và đồng bào gặp những gian truân, tôi phải ở giữa, để cùng sẻ chia chính những khó khăn ấy. Tôi mong ước được như một giọt nước nhỏ vô tư, hoà vào dòng chảy yêu thương của bao nhiêu tâm hồn, thắp sáng niềm tin và hy vọng giữa thế giới hôm nay…

Con có một quê hương…

Con phục vụ hết tâm hồn,

Con trung thành hết nhiệt huyết.

Con bảo vệ bằng xương máu,

Con xây dựng bằng tim óc.

Vui niềm vui của đồng bào,

Buồn nỗi buồn của Dân Tộc.
(“Đường Hy Vọng”)


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...