27/11/2019
1962

Chắc hẳn bạn đã từng thấy một đám đông chen lấn, phá rào để bước nhanh về phía trước, xem ra thật gây mất trật tự, chẳng quan tâm đến ai nhắc nhở…, vì họ chỉ mỗi chú tâm vào việc vây quanh lấy vị giám mục, cố chen chân để nắm lấy tay, hôn nhẫn, thậm chí còn chạm vào áo, mũ zuchetto của ngài ?

Nơi đám đông xem ra “hỗn loạn”, khó bảo ấy, là sự đa dạng những cảnh đời trong đau khổ: của cái dáng khòm lưng đi bằng hai tay, hay đôi tay run rẩy kèm theo nỗi buồn tủi, cô đơn của tuổi già; những khuôn mặt mệt mỏi vì bệnh tật, của những người nghèo thiếu trước hụt sau, không đủ chi phí cuộc sống; của người vợ đang khóc vì sự bê tha, không chung thủy của chồng hay ngược lại; của người cha, người mẹ khóc hết nước mắt vì con cái hổ đốn, ngỗ ngược, bất hiếu; của những người trẻ đang rơi vào tình trạng thất vọng; của tâm trạng tha hương sống kiếp di dân, của những người day dứt vì sự lầm lạc mong tìm một sức mạnh để quay về, …

Không chỉ một đám đông, nhưng là nhiều lắm những đám đông, mà trong đó, không ít lần tôi đã từng thấy những giọt nước mắt lăn chảy, hay ai đó cho dẫu có quay lưng nhưng không cần che giấu một nụ cười vừa nở của niềm vui, bình an…mà ít phút trước, trên những khuôn mặt này còn vương nhiều những nếp nhăn của ưu sầu và mệt mỏi tận trong đáy lòng. Những biểu cảm thay đổi của nhiều người trong đám đông ấy, hẳn là kết quả một sự gặp gỡ với một ai đó mà họ tin tưởng, đem đến cho họ sự bình an, niềm vui thực.

Nơi đám đông chen lấn xem ra “quá nháo nhào”, khiến không gian ồn ào, chật chội hơn, làm cho bầu khí nóng hơn…nhưng lại làm cho cảm xúc của những người chứng kiến phải lặng đi, đau đáu một câu hỏi: đám đông, những con người ấy đang mong tìm gì trong những nỗi đau, mệt mỏi vây lấn, đè nặng cuộc đời họ? Thế nên trong cái cộng hưởng của biết bao đau khổ, đám đông mỗi lúc mỗi chặt hơn, những cánh tay đưa ra nhiều hơn…chỉ vì họ khao khát được gặp gỡ, được chạm đến, được cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa qua vị mục tử của giáo phận.

Đám đông ấy của ngày hôm nay, trong một thời đại mới, nhưng sao thật giống với đám đông của hơn 2000 năm trước, vào thời Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã nhập thể, đến ở với con người khốn cùng, để an ủi, chữa lành, và trao ban cho họ niềm hy vọng vào lòng thương xót của Chúa Cha.

Đám đông ấy- khi xưa và hôm nay- giống nhau trong nỗi khổ đau tận cùng phận người, “cũng đi theo chen lấn Người tứ phía” (Lc 8,19) với hy vọng "Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu." (Mc 5,28). Vì thế, họ bất chấp những rào cản, cố chen lấn xô đẩy nhau (x. Lc 8,45), cố sờ vào áo Chúa Giêsu để được chữa lành (x. Lc 6,19). Họ tìm đủ mọi cách để gặp Chúa Giêsu, đến độ dám dỡ luôn cả mái nhà để thả bệnh nhân xuống (x. Mc 2,4), hầu van xin Người cứu chữa. Trong sự mù lòa thể lý, cùng với tiếng nấc nghẹn của việc bị bỏ rơi, giống như anh mù Bartimê, tiếng kêu van mỗi lúc một lớn, khẩn nài lòng thương xót của Chúa Giêsu trên cuộc đời, mà hôm nay, biết bao người cũng đang kêu lên “ Lạy Ngài, xin thương xót con!” ( Mc 10,47-48).

Và hôm nay, tôi cũng nhìn thấy một hay nhiều đám đông giống hệt như những đám đông tôi đã từng thấy khi chiêm ngắm Chúa Giêsu và đám đông dân chúng lầm than, khốn cùng trong Tin Mừng.

Cái khác chỉ là thời gian, là hoàn cảnh của một thời đại tân tiến hay cổ xưa, nhưng phận người trong muôn vàn nỗi đau thì vẫn thế. Dù thế giới có văn minh, tiến bộ, nhưng đám đông ngày hôm nay cũng đang khóc vì bao hệ lụy của tội, của đau khổ từ sự ích kỷ bản thân, vì lối sống thờ ơ, vô cảm, vô tâm, của sự đố kỵ ganh ghét mà con người đồng loại gây nên cho nhau.

Thế nên, những con người hôm nay, trong đám đông ấy khao khát tìm thấy một bến bờ bình an nơi Chúa, họ mong được gặp, được chạm đến Chúa, được Người ủi an, chữa lành, băng bó những vết thương từ trong sâu thẳm lòng mình bằng tình yêu và lòng thương xót của Chúa.

Nếu Đức Giêsu Kitô là dung mạo của lòng thương xót của Chúa Cha,[1] Đấng đã bày tỏ tình yêu, lòng trắc ẩn trên dân, trên những người đau khổ, đã khiến bao tội nhân, người lầm than vất vưởng chạy đến với Người, thì hôm nay, cũng đang có biết bao đám đông của thời đại hôm nay cũng đang đi tìm, mong được chạm đến Chúa qua vị mục tử ở giữa họ.

Nên chẳng lạ gì, mỗi khi vị giám mục giáo phận đến mục vụ nơi đâu, là ở nơi đấy, đã có những đám đông luôn chụp lấy cơ may, khát khao đón nhận phúc lành, lòng thương xót của Chúa xuống trên họ qua vị mục tử. Bởi họ nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đã trở nên hữu hình nơi Đức Giêsu Kitô, và cũng đang ở đó với họ nơi vị mục tử, nên bất chấp nhiều thứ, họ cố tình chen lấn để tìm gặp, để sờ chạm vào ngài.

Và cũng trong đám đông ấy, tôi đã thấy một mục tử sẵn sàng mang lấy mùi chiên.

Sự nấn ná ở lại với đám đông, để mặc cho đám đông chen lấn, chạm lấy gấu áo, mũ gậy, nhẫn thánh hiến, cũng như luôn cúi xuống, cầm lấy những đôi tay run yếu, nhỏ nhoi, chạm đến những trái tim đang mệt mỏi vì gánh nặng hay đau khổ, chỉ vì mục tử ấy cũng đang mang hình ảnh của một Chúa Giêsu luôn “chạnh lòng thương” (x. Mt 9,36) với nỗi đau của con cái mình.

Để rồi, trong từng cử chỉ của vị mục tử dành cho đám đông đang tìm Chúa đã trở nên lời có sức mạnh chữa lành, là nguồn động lực giúp họ vượt qua đau khổ trong bình an… dẫn họ đến nguồn đích thực của sự an bình nơi Chúa cho những trái tim đau khổ muốn náu nương.

Thế nên, sẽ còn mãi những đám đông cứ tiếp tục chen lấn đi tìm Chúa nơi vị giám mục. Và cũng sẽ còn mãi hình ảnh một mục tử ở đó giữa đám đông, chạnh lòng thương vì nỗi khổ của chiên. Không chỉ chúc lành nhưng ngài sẽ luôn mang lấy nỗi đau của chiên vào trong những lời kinh nguyện, thánh lễ hằng ngày dâng Chúa. Nhờ đó, mọi bệnh hoạn, đau khổ, tật nguyền của chiên sẽ được vị mục tử giáo phận trao lại vào lòng Chúa xót thương, để nhờ chính Đấng là Thiên Chúa Tình Yêu, giàu lòng thương xót sẽ an ủi, vỗ về chiên thương tích, đau khổ của ngài, làm vơi nhẹ gánh đau thương, và cho chiên nghỉ ngơi dưỡng sức (x. Mt 11,29) trong đồng cỏ êm dịu của tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa.

Và tôi đã thấy đám đông ấy trong ngày Giáo phận 21/11 tại Trung Tâm Hành Hương Núi Cúi vửa qua, trong ngày Thế Giới Người Nghèo lần thứ III, khi họ tuốn về Suối Cát để tham dự Thánh Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa do Giám mục Giáo phận cử hành,…

 Nữ tu Teresa Ngọc Lễ, O.P

{C}{C}[1]{C}{C} ĐTC Phanxicô,Tông Sắc mở Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót, 1.


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...