24/07/2020
1280
THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ
Mt 20, 20-28
ĐỪNG ĐAM MÊ QUYỀN LỰC
Thánh Giacôbê, quê quán tại Bethsaida, là con ông Giêbêđê và là anh em với thánh Gioan.  Ngài là một trong ba Tông đồ, ngoài những biến cố quan trọng trong cuộc đời công khai của Chúa, còn được phúc chứng kiến sự kiện biến hình trên núi Tabor và thảm cảnh trong vườn Cây Dầu.  Lòng nhiệt thành của hai anh em đã khiến Chúa đặt cho cái tên là ‘Con Sấm Sét’.
Thánh Giacôbê đã tiến hành công cuộc tông đồ tại Giuđêa và Samaria.  Theo truyền tụng, thánh nhân đã đến rao giảng Phúc Âm tại Tây Ban Nha.  Khi trở lại Palestine vào năm 44, ngài đã trở thành vị Tông Đồ đầu tiên được phúc tử vì đạo dưới thời vua Hêrôđê Agrippa.  Thi hài thánh nhân được cải về Santiago de Compostela bên Tây Ban Nha, và nơi đây đã trở thành một trong những nơi hành hương nổi tiếng thời Trung Cổ, và là một đền thánh đức tin cho toàn thể Châu Âu.
Khi đang đi dọc theo bờ biển Galilê, Chúa Giêsu nhìn thấy Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, đang vá lưới, Người đã gọi họ, và đặt cho tên là Boannerges, nghĩa là “con của sấm sét”.
Mọi sự bắt đầu khi một số ngư phủ trên biển hồ Tibêria được Chúa Giêsu thành Nagiarét mời gọi theo Người.  Họ đã đáp lời mời gọi của Chúa Giêsu, đi theo, và sống với Người gần ba năm trời. Họ đã chia sẻ đời sống thường nhật của Chúa Giêsu, làm chứng nhân cho những lời cầu nguyện, cũng như lòng nhân lành và quyền năng của Người dành cho các tội nhân và những người đau khổ.  Họ chăm chú lắng nghe lời Chúa, những lời họ chưa từng bao giờ được nghe.
Suốt ba năm chung sống với Chúa, các Tông Đồ cảm nghiệm một thực tại rồi ra sẽ chiếm đoạt họ mãi mãi, đó là cuộc sống với Chúa Giêsu.  Đó là một kinh nghiệm phá vỡ nếp sống trước kia của họ; họ phải từ bỏ mọi sự – gia đình, nghề nghiệp, và tài sản của họ – để đi theo Người.  Tóm lại, họ đã được dẫn vào một con đường sống hoàn toàn mới mẻ.
Một ngày nọ, Chúa Giêsu mời gọi Giacôbê đi theo Người.  Giacôbê là anh của Gioan, và là con của bà Salômê, một phụ nữ đã dùng tài sản để giúp Chúa Giêsu và sau cùng cũng có mặt trên núi Canvê.  Giacôbê đã biết Chúa Giêsu trước khi được Chúa gọi.  Cùng với Phêrô và em trai mình, Giacôbê được Chúa Giêsu yêu thương cách riêng.  Ngài là một trong ba vị được chứng kiến biến cố Biến Hình trên núi Tabor.  Ngài cũng có mặt khi Chúa cho con gái ông Giairô sống lại, và là một trong ba Tông Đồ cùng đi với Chúa Giêsu vào vườn Cây Dầu lúc khởi đầu cuộc Thương khó.
Theo các trình thuật Phúc Âm, như các Tông đồ, Giacôbê cũng có những khuyết điểm rõ ràng và không thể chối cãi.  Tuy nhiên, bên cạnh những khiếm khuyết ấy, thánh nhân cũng có một tâm hồn và một con tim vĩ đại.  Chúa Giêsu lúc nào cũng nhẫn nại với Ngài cũng như với các Tông đồ khác. Thầy Chí Thánh cho các ngài thời gian để hấp thụ những bài học mà Người đã dùng sự khôn ngoan và tình thương để truyền dạy cho họ.
 Thánh Gioan Kim khẩu viết: “Chúng ta hãy xét Chúa đặt câu hỏi tương tự như một lời mời gọi và một lời kích lệ như thế nào.  Chúa không nói: ‘Ngươi có thể chịu thất bại được không? Ngươi có dám chịu đổ máu không?’ nhưng Chúa lại hỏi: ‘Ngươi có thể uống…’ Để khích lệ họ, Chúa còn thêm: ‘… chén Ta sẽ uống hay không?’  Tưởng nghĩ đến việc uống chính chén của Chúa đã đưa các Tông đồ đến sự đáp ứng quảng đại hơn.  Chúa Giêsu gọi cuộc Khổ nạn của Người là ‘phép rửa’ để nhấn mạnh những đau khổ của Người sẽ là nguyên nhân cho cuộc thanh tẩy toàn thế giới.”
Xu hướng tự nhiên khiến con người thích được người khác phục vụ. Những ai càng được nhiều người phục vụ, cung phụng thì càng có thế giá, cao trọng và được kính nể. Còn những ai nai lưng ra phục vụ người khác thì chẳng có giá trị bao nhiêu; Họ bị xem là những kẻ thấp hèn.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đem lại cho chúng ta cài nhìn rất mới mẻ. Cái nhìn đó cho thấy người cao trọng, người đáng ca ngợi là người biết phục người khác. Có thể nói đây là một cái nhìn làm thay đổi toàn bộ tương quan của con người với nhau. Tương quan của con người giờ đây được xây dựng bằng sự phục vụ lẫn nhau chứ không phải bằng sự áp đặt. Giá trị của con người giờ đây không căn cứ trên quyền lực hay chức quyền nữa nhưng căn cứ trên sự phục vụ. Ai càng phục vụ nhiều thì càng trở nên người cao trọng.
Cám dỗ lớn nhất của con người là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền…
Các môn đệ Chúa Giêsu trước Phục Sinh cũng thế, các ngài mang trong mình tư tưởng quyền lực, các ngài từng hỏi khéoThầy Giêsu xem ai được làm quan to nhất trong Nước Người. Còn “hai vị kia” thì lo lót chạy trước hai cái ghế nhị tam ở bên tả và bên hữu Thầy.
Khi suy niệm về cuộc đời thánh Giacôbê tông đồ, chúng ta được lợi rất nhiều khi nhìn thấy những khuyết điểm của Thánh nhân cũng như của các Tông đồ khác.  Các Ngài không can trường, không khôn ngoan, mà cũng chẳng đơn sơ.  Chúng ta thấy các ngài đôi khi rất ham hố, hay tranh cãi, và thiếu đức tin.  Tuy nhiên, thánh Giacôbê là vị Tông đồ đầu tiên được tử đạo.  
 
Như thế, hiển nhiên là sự phù trợ của Thiên Chúa cũng có thể thực hiện những phép lạ nơi chúng ta.  Ngày nay trên thiên quốc, thánh Giacôbê ắt phải tri ân Thiên Chúa rất nhiều vì đã hướng dẫn ngài trên con đường khác với con đường ngài đã mơ tưởng trước đó.  Thiên Chúa là Đấng tốt lành, vô cùng khôn ngoan, và đầy yêu thương vượt quá trí tưởng của chúng ta.  Trong nhiều trường hợp, Người không ban cho chúng ta những điều chúng ta xin, nhưng đó lại là điều thích hợp và lợi ích nhất cho chúng ta.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...