23/06/2020
2768
Con Cái là hồng ân
Giả sử bạn biết một phụ nữ đang mang bầu. Bà hiện có 8 người con mà 3 điếc, 2 mù và 1 mắc bệnh tâm thần. Hơn nữa, người mẹ lại mang bệnh giang mai hiểm nghèo. Bạn sẽ đề nghị bà ấy phá thai chăng?

         Và nếu đây là câu trả lời mà bạn nghĩ rằng sẽ tốt cho cha mẹ chúng và đứa trẻ, thì bạn ơi, bạn vừa mới giết nhạc sĩ tài hoa Beethoven! 
Thựa ra Thiên Chúa luôn có một chương trình cho một em bé chào đời. Đó là chân lý, là niềm tin mà mỗi người chúng ta cần phải có trong cuộc sống. Con người chúng ta không như cây cỏ để rồi tùy tiện nhổ chúng  hay loại bỏ chúng theo ý chúng ta. Con người là hình ảnh Thiên Chúa và chỉ có Thiên Chúa mới có quyền quyết định về sự sống của con người.
Khi tạo dựng Adam-Eva là Thiên Chúa muốn họ thay mặt Ngài cai quản địa cầu và làm cho mặt đất này thêm phong phú và tròn đầy hơn. Khi trao ban một sự sống cho ai đó là Thiên Chúa cũng ủy thác nơi họ một công việc, một sứ vụ mà họ phải hoàn thành, đôi khi họ còn phải nhờ người khác để hoàn thành.
Nếu chúng ta không có niềm tin như thế chúng ta sẽ dễ dàng kết thúc sự sống nơi các thai nhi khi chúng không vừa ý chúng ta. Đó là lý do nhiều người đã giết các thai nhi gái vì đang cần con trai. Khi chúng ta muốn đứa con lành lặn mà lại mang thai đứa con khuyết tật từ trong bào thai. Đó cũng là thảm trạng mà nhân loại hôm nay đang chà đạp lên quyền sống của các thai nhi. Con người hôm nay đang cho mình có quyền quyết định sự sống nơi các thai nhi nên họ mở ra rất nhiều những điểm phá thai một cách công khai. Ngay cả các bác sĩ tư vấn vẫn vô tư đề nghị phá thai mà chẳng sợ pháp luật nào trừng trị kẻ giết người hay gián tiếp giết người.
Thế giới chúng ta đang sống là thế giới mà quyền sống nơi các thai nhi bị tước đoạt. Thế giới chúng ta đang sống là thế giới mà con người đang lấn quyền của Tạo Hóa để giết hại các thai nhi vô tội. Đó là bi cục dẫn đến hàng triệu thai nhi bị tước quyền sống. Đó là một thế giới loại trừ quyền của Thượng Đế để hành xử theo ý mình nên dẫn đến bất nhân và vô luật pháp.
Là người ky-tô hữu sống trong xã hội đầy thị phi này thiết tưởng chúng ta phải là những con người cổ võ cho sự sống và bảo vệ sự sống ngay từ lúc thụ thai. Vì quyền con người được sống phải được bảo vệ và tôn trọng ngay từ lúc hình thành nơi lòng mẹ. Đó là quyền mà Thượng Đế đã ban tặng cho mọi người mà không ai có quyền cướp đi. Niềm tin ky-tô giáo còn nhắc nhở chúng ta sự sống là ân huệ của Thiên Chúa thế nên, ta phải đón nhận với trọn vẹn lòng tri ân cảm tạ.
Hôm nay sinh nhật thánh Gioan tiền hô như là một điển hình về hồng ân sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người, cách riêng cho các gia đình. Đón nhận sự sống nơi các thai nhi là đón nhận món quà vô cùng quý báu mà Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta. Hãy trân trọng món quà Thiên Chúa tặng ban. Hãy bảo vệ sự sống mà Thiên Chúa đã gửi gắm cho chúng ta. 
Cha mẹ được quyền trên con cái nhưng không phải là quyền quyết định sự sống con cái mà là được quyền bảo vệ giáo dục cho cái thay mặt cho Thiên Chúa mà thôi. Cha mẹ phải nhìn nhận sự sống là quà tặng của Thiên Chúa để biết đón nhận với niềm tri ân.
Hai ông bà Giacaria và Elizabet đã cảm nhận niềm vui thực sự vì Chúa đã viếng thăm gia đình họ. Ngày họ có con đã đánh tan dư luận vô sinh là bất hạnh nơi gia đình họ. Điều mà gia đình Giacaria trân trọng là vì họ có con trong lúc tuổi già, tuổi mà không còn trông chờ có khả năng sinh con, nhưng Chúa đã ban cho các ngài một người con như ân thưởng cho một đời các ngài sống công chính theo đường lối Chúa. Ông bà Giacaria đã đón nhận con cái như là một hồng ân mà Thiên Chúa ban tặng để rồi họ hết lời ngợi khen tình thương Thiên Chúa đã ưu ái dành cho họ.
Ước gì các bậc làm cha mẹ luôn nhận ra con cái là hồng ân để Thiên Chúa ban tặng để rộng lòng đón nhận theo thánh ý Chúa. Xin cho các bậc làm cha mẹ luôn trân trọng món quà sự sống và cũng phải có bổn phận bảo vệ sự sống mà Thiên Chúa đã trao phó cho họ. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
 
CHƯƠNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA 
 
Quí vị và các bạn thân mến!
Thiên Chúa có một chương trình cho mỗi một em bé chào đời. Sau đây là câu chuyện của một người đàn bà đã đón nhận chương trình ấy:
Tôi chuyển bụng và được đưa vào bệnh viện vào một buổi tối mùa đông. Tôi đang thiếp ngủ thì có tiếng của viên bác sĩ trực nói nhỏ vào tai tôi:
- Thưa bà, tôi rất đau buồn báo tin cho bà biết rằng, kết quả của các cuộc xét nghiệm sơ khởi cho thấy thai nhi có những triệu chứng "đao".
"Ðao" là một triệu chứng để chỉ những em bé sinh ra với một trí não không bình thường. Tôi suy nghĩ miên man, tương lai của con tôi rồi sẽ ra sao? Chúng tôi sẽ ăn nói với gia đình và bà con họ hàng như thế nào? 
Vào giữa lúc ấy một cô gái xuất hiện trước phòng tôi, tôi nhận ra cô tức khắc, đây là một học sinh trung học của tôi, tên của em là Jessica. Sự xuất hiện của em làm tôi nhớ lại những nữ sinh của lớp do tôi phụ trách.
Một buổi sáng nọ khi tôi có mang được ba tháng, Jessica đến gặp riêng tôi, sau một hồi do dự, em bật khóc và nói:
- Thưa cô, em cũng đang có mang được bốn tháng.
Sau khi lấy lại bình tĩnh, Jessica cho tôi biết cha của đứa bé là một học sinh cùng trường.  Jessica nói, cả hai đều còn quá trẻ để có thể kết hôn với nhau và nhất là còn quá trẻ để có con với nhau. Em không biết phải làm gì, vì mẹ em vừa mới ly dị và hiện đang phải làm việc vất vả mới có đủ tiền trả học phí cho em. Em không biết phải nói với mẹ em như thế nào?
Nghe xong câu chuyện của Jessica, tôi liền nói với em như thể tôi đã có sẵn câu trả lời trong đầu:
- Chúa có một chương trình cho đứa con của em, em đừng bao giờ quên điều đó.
Trong thời gian đó Jessica đã thú nhận với mẹ em về lỡ lầm của em. Em không ngờ rằng mẹ em rất thông cảm với em.
Về phần tôi, tôi cũng đi gặp bà hiệu trường để bàn bạc về một kế hoạch khả dĩ có thể giúp Jessica trong những ngày em có mang. Các giáo viên cũng như cả lớp của Jessica đều hân hoan đón nhận tin vui và đều tỏ ra thông cảm với em. Dĩ nhiên, chương trình hành động thông thường nhất mà người ta cho là hợp lý nhất dành cho Jessica, là giúp em sinh nở và sau đó mang đứa con cho một tổ chức các cha mẹ nuôi.
Giờ này Jessica đang đứng bên cạnh tôi để an ủi tôi. Em cho tôi xem hình đứa con gái của em. Sau khi tôi sinh hạ đứa bé có triệu chứng "đao", Jessica đến đứng nói nhỏ vào tai tôi điều mà tôi đã nói với em trước đây:
- Thưa cô, Chúa có một chương trình cho đứa con của cô, xin cô đừng bao giờ quên điều đó.
Tôi đã nhìn em và mỉm cười. Những gì tôi đã nói với em, giờ đây em dạy lại cho tôi.
Mười hai năm đã trôi qua kể từ ngày đó. Cách đây vài tuần tôi gặp lại Jessica trong một bãi đậu xe trước một siêu thị. Chúng tôi chào hỏi và nói chuyện với nhau. Khi tôi lái xe đi được một đoạn, các con tôi, kể cả đứa con gái mắc chứng bệnh "đao" hỏi tôi về Jessica. Tôi mỉm cười trả lời, đó là một trong những người thầy hay nhất của mẹ.
    
Thiên Chúa có một chương trình cho mỗi đứa con chào đời. Có lẽ đó cũng là điều mà chúng ta nghe vọng ra từ máng cỏ, nơi Hài Nhi Giêsu đã chào đời.
Ngài đến để cho mỗi một em bé được cưu mang và sinh hạ với tất cả phẩm giá của con người.
Ngài đến để cho mọi đứa bé chào đời được tôn trọng và yêu thương.
Ngài đến để cho mọi trẻ thơ đều có một tương lai.
Ngài đến để nói với chúng ta rằng, dù khỏe mạnh hay bệnh tật, dù thông minh hay đần độn, dù xinh đẹp hay xấu xí, dù bình thường hay khuyết tật... tất cả mọi em bé chào đời đều có một phẩm giá thánh thiêng bất khả xâm phạm.
Ngài lại càng muốn nói với chúng ta rằng, những đứa bé bất hạnh nhất cần phải được dành cho nhiều tình thương và quan tâm hơn.
Cùng với các em bé chào đời, chúng ta cũng được Ngài mời gọi nhìn về không biết bao nhiêu người bất hạnh xung quanh chúng ta, họ cũng có một phẩm giá cao trọng như mọi người, và phải là đối tượng tình thương của chúng ta.
    
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến để tỏ bày phẩm giá cao trọng của chúng con, xin cho chúng con luôn ý thức được phẩm giá của chúng con, cũng như tôn trọng và yêu thương Chúa trong mỗi một tha nhân. Amen.
 
ĐỂ CHÚA LỚN LÊN
             "Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan.  Ông đến để làm chứng về ánh sáng và chuẩn bị lòng dân sẵn sàng đón Chúa"(Ga 1, 6-7 ; Lc 1, 17).
            Hôm nay, Hội Thánh mừng ngày sinh nhật của thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô  của Đấng cứu thế.
            Mỗi người sinh ra, đều được cha mẹ đặt cho một tên gọi. Trong Kinh Thánh, tên gọi các nhân vật lớn thường rất giàu ý nghĩa, tên gọi ấy có khi phản ánh tình trạng của tập thể gia đình, hoặc phản ánh tình trạng của chính cá nhân đương sự, hoặc nói lên số phận hay hoạt động của người mang tên. 
            Thế nên, cùng với tên gọi là hàm ý một dự phóng cho tương lại, có khi chỉ một ước vọng, đôi khi gợi lên tình cảm lúc sinh ra hoặc tương lai mà cha mẹ thấy được, và thường khi là cả một sứ mạng, sứ mạng đó nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa muốn thực hiện giữa dân Người. Trường hợp của Gioan Tẩy Giả là một ví dụ, khi sinh ra được cha mẹ đặt tên theo lời Sứ thần đã loan báo. Danh xưng Gioan có nghĩa là Thiên Chúa biểu lộ tình thương.
            Cuộc đời của Thánh Gioan và Chúa Giêsu rất lạ thường: Sự thụ thai của hai con trẻ được báo trước bởi cùng một Thiên Thần Gabriel; Cả hai được sinh ra bởi hai người nữ đáng lẽ không thể có con: bà Elizabeth tuổi đã già trong khi Đức Mẹ khấn trọn đời đồng trinh, không biết đến người nam; Cả hai con trẻ được đặt tên và trao nhiệm vụ từ lúc còn trong lòng mẹ: Gioan/Đấng Tiền Hô và Giêsu/Đấng Cứu Thế (Lc 1, 5 & 1, 26); Cuối đời Thánh Gioan chịu chết vì đức tin và nhiệm vụ của Ông trước khi Chúa Giesu chịu chết vì tội nhân loại chúng ta trên Thánh Giá.
            Qua tưởng thuật của Kinh Thánh, chúng ta thấy ý định của Thiên Chúa về Gioan đã được biểu lộ hiển nhiên ngay từ giây phút ông được thụ thai, rồi trong việc ông sinh ra, việc đặt tên cho ông, việc mẹ ông và mẹ Chúa Cứu Thế gặp nhau vv.. 
            Trong các biến cố đó, ta thấy có sự can thiệp lạ lùng của Chúa vào trong cuộc đời của Gioan để định hướng cho nó. Điều đáng nói hơn là về phần ông, một khi đã khôn lớn và nhận ra sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó, Gioan Tẩy Giả không còn biết gì khác hơn là sống trọn vẹn cho sứ mạng đó một cách lô-gic, kiên quyết, trọn vẹn, cho tới cùng. 
            Gioan rút lui sớm vào hoang địa, sống khắc khổ xa lánh mọi mời mọc, níu kéo của trần gian là để được sống trọn vẹn hướng về Đấng Cứu thế mà ông phải làm kẻ "dọn đường". Ông rao giảng bằng những lời lẽ thật nghiêm khắc, mạnh mẽ để lôi kéo người ta sám hối đổi đời vì thời gian không còn nhiều, Nước Thiên Chúa sắp tới. Sau khi thiên hạ đã rời ông để quay sang Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, ông âm thầm rút lui vào bóng tối vì đã hoàn thành nhiệm vụ "Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi", ông tuyên bố như thế (Ga 3, 30). Rồi cả cái chết của ông cũng là một phần không thể tách lìa của sứ mạng của một kẻ "dọn đường" và "làm chứng cho ánh sáng và sự thật".
            Dọn đường để chào đón một nhân vật quan trọng là một hình ảnh quen thuộc. Đường sá thì ghồ ghề khó đi, dân làng được huy động để san bằng những chỗ lồi lõm. Thế nhưng Chúa Giêsu không phải chỉ đi trên những con đường xứ Palestine, mà Ngài còn muốn đến với cõi lòng của mỗi người. Và như thế, công việc dọn đường của Gioan có nghĩa là rao giảng sự hoán cải trong dân để được tha thứ: lưỡi rìu đã kề sẵn gốc cây, cây nào không sinh hoa kết trái thì sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa.
            Tin mừng đã mô tả Gioan như một vị tiên tri. Ông được xức dầu một cách thiêng liêng ngay từ trong lòng mẹ để hiến dâng cho Thiên Chúa. Ông được đầy tràn Thánh Thần và có được những đặc điểm của một vị tiên tri. Và như các vị tiên tri khác, ông có nhiệm vụ rao giảng sự sám hối ăn năn. 
            Thánh Gioan đã tóm tắt tất cả cuộc sống của Ngài trong câu nói: "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại". Dưới cái nhìn của con người, như Chúa Giêsu cũng đã có lần khen tặng, Gioan là con người cao cả nhất được sinh ra từ người nữ. Ngày sinh của Ngài được đánh dấu bằng những biến cố khác thường. Sự chào đời của Ngài đã mang lại niềm vui và hy vọng cho mọi người xung quanh. Vị tiên tri được xem là là cao cả nhất trong lịch sử Isreal ấy đã lôi kéo được một đám đông mà chưa từng có vị tiên tri nào đã quy tụ được... Thế nhưng, cuối cùng, để hoàn tất sứ mệnh của mình, con người ấy đã nhỏ lại và mất hẳn trong kiếp tù đày và một cái chết bỉ ổi.
            Gương can đảm nói lên sự thật cho dù sự thật kéo theo sinh mạng của Ngài, thánh Gioan đã thật hiên ngang loan báo cái chết của Đức Kitô để cứu độ nhân loại. Nhân loại trong đó có mỗi người chúng ta liệu có nhạy cảm và quảng đại, can đảm làm chứng cho Chúa Kitô hay không ? Thánh Gioan đã viết: "Sự thật sẽ giải phóng con người". Mỗi người chúng ta có để cho Chúa lớn lên trong ta  hay chúng ta để cho bóng tối, tội lỗi, ích kỷ xâm lấn đời sống chúng ta ? Thập giá có là nguồn sống để chúng ta vươn tiến hay chúng ta tránh né và sợ thập giá ?  Đẩy lùi những cản trở của hận thù, của ích kỷ, của hờn căm, Chúa mới thực sự lớn lên trong ta.
            Hôm nay mừng kính sinh nhật thánh Gioan, Chúa cũng muốn ta trở nên tiền hô cho Chúa: rao giảng Chúa Giêsu cho người khác, đem Chúa Giêsu cho người khác, và đem người khác đến với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là mục đích đời ta, Chúa Giêsu cũng là mục đích của người khác. Còn tôi chỉ là người môi giới, là phương tiện Chúa dùng, để đem người khác đến với Chúa chứ không phải đem người ta đến với tôi mà quên Chúa, cũng không phải đem người ta đến với tôi mà xa Chúa.
            Mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta hãy nhớ lại ngày sinh nhật của chúng ta. Đó là giây phút lịch sử đáng ghi nhớ nhất đời. Ngày ấy, cha mẹ, ông bà, cô bác đều mừng vui vì ta được sinh ra đời. Ai cũng muốn nhìn ta, ai cũng mỉm cười với ta, ai cũng muốn bồng ẵm ta... và ai cũng đặt nơi ta một niềm hy vọng: "Trẻ này rồi sẽ nên như thế nào?" Cha mẹ và bà con hy vọng ta sẽ có tương lai xán lạn, hy vọng ta sẽ đem lại danh giá cho gia đình và họ hàng.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...