26/10/2021
1082

fr.aleteia.org, Mathilde de Robien

Trong Ngày Thế giới Truyền giáo, Đức Phanxicô xin chúng ta: “Anh chị em hãy là những môn đệ truyền giáo”. Theo ngài, việc truyền bá phúc âm đi qua năm đặc điểm của trái tim: lòng trắc ẩn, niềm hy vọng, tình huynh đệ, cuộc gặp gỡ và niềm vui. Trong tuần lễ truyền giáo, trang Aleteia đưa ra những bài xét mình ngắn theo Đức Phanxicô để lượng định lòng nhiệt thành truyền giáo của bạn.

Lòng nhân ái (1/5)

Trong thông điệp tháng 10 của Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu giáo hoàng, Đức Phanxicô nhắc lại: “Chúa Giêsu xin tất cả chúng ta hãy là những môn đệ truyền giáo”. Những ai đã được rửa tội đều được mời truyền giáo. Chúng ta nghĩ gì về sứ mệnh? Vấn đề không phải là chiêu dụ nhưng gặp gỡ người anh em, dựa trên lời chứng của những người nam, người nữ, những người đã nói: “Tôi biết Chúa Giêsu, tôi muốn Ngài được mọi người biết”. Một chứng từ của đời sống khơi dậy lòng ngưỡng mộ. Đức Phanxicô giải thích: “Sự ngưỡng mộ thúc giục người khác tự hỏi ‘Làm sao lại có thể được?’”.

Trong thông điệp Ngày Thế Giới Truyền giáo, Đức Phanxicô nói: “Nhãn mác đầu tiên của người môn đệ truyền giáo là lòng nhân ái, dấu hiệu thánh thiện của Thiên Chúa gần gũi chúng ta, Đấng không bỏ ai trên lề đường.”

Trong một bài giảng ở Nhà Thánh Marta tháng 9 năm 2019, Đức Phanxicô nhấn mạnh, lòng nhân ái như “lăng kính của quả tim”. Nó làm cho bạn thấy các thực tại như chúng vốn có  thay vì quay lưng đi hoặc dửng dưng.

Đức Phanxicô mời chúng ta đặt các câu hỏi:

“Thường thường tôi có nhìn theo hướng khác không? Hay tôi để Chúa Thánh Thần dẫn dắt tôi trên con đường nhân ái, một nhân đức của Chúa?”

Trong gia đình, trong công việc, với bạn bè, tôi có thể hiện lòng trắc ẩn với người yếu đuối nhất, người đau khổ, người bị từ chối không? Hay tôi bỏ rơi ai đó bên lề đường?

Đức Phanxicô giải thích: “Lòng trắc ẩn không phải là cảm giác đau đớn mình cảm nhận khi thấy một con chó chết bên lề đường, nhưng là dấn thân vào các vấn đề của người khác” như Chúa Kitô đã làm. Lòng trắc ẩn không phải là một cảm giác mơ hồ, nhưng là quan tâm đến người khác, dù phải hy sinh. Nó có nghĩa là thu xếp tất cả các công đoạn cần thiết để đến gần người anh em cho đến khi tự đặt mình vào  vị trí của họ”. Thêm nữa, mình không chọn người anh em của mình! Lòng nhân ái phải được thực hiện với tất cả mọi người, không phân loại giữa ai là anh em, ai không là anh em. Ai cũng có thể là người anh em của ai, trong buổi tiếp kiến chung năm 2016, Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Chúng ta có thể là người anh em của tất cả những ai chúng ta gặp; và chúng ta có lòng trắc ẩn với họ.”

Tôi có dấn thân vào trong các vấn đề của người anh em không? Tôi có biết đặt mình vào vị trí của họ không?

Tôi có chọn người anh em để tôi thực hiện lòng trắc ẩn không? Tôi có mở lòng ra với người khác để xúc động không?

Ngài nói tiếp: “Anh chị em có thể biết toàn bộ Kinh thánh, tất cả các sách phụng vụ, tất cả thần học, nhưng biết không phải là yêu: yêu là một cái gì khác, nó đòi hỏi trí thông minh nhưng cũng cần có một cái gì thêm nữa.” Có lòng trắc ẩn là “xúc động đến tận đáy lòng, đến tận tâm can.”

Tôi có để lòng mình xúc động đến tận tâm can không? Tôi có biết yêu không?

Thiên Chúa là Đấng đầu tiên có lòng trắc ẩn với mỗi chúng ta: “Chúa không bỏ chúng ta, Ngài biết nỗi buồn của chúng ta và biết khi nào chúng ta cần giúp đỡ và an ủi. Ngài âu yếm và chữa lành chúng ta ngay cả khi chúng ta từ chối Ngài, Ngài vẫn ở bên cạnh chúng ta và chờ đợi.”

Đức Phanxicô xin chúng ta hướng nội: “Chúng ta hãy tự đặt câu hỏi và để lòng mình trả lời: Tôi có tin rằng Chúa thương xót tôi với con người thật của tôi, tôi là kẻ có tội, với rất nhiều vấn đề, với rất nhiều gánh nặng phải mang không?”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...