17/10/2019
919

HÁNH LU-CA, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG, lễ kính.

Có thể cử hành lễ an táng.

2Tm 4,10-17b; Lc 10,1-9.

LÀM CHỨNG BẰNG ĐỜI SỐNG

          Thánh Luca là người Hy Lạp ngoại giáo trở lại, và là môn đệ của Thánh Phaolô. Người là tác giả sách Phúc Âm thứ ba và sách Tông Ðồ Công Vụ.

          Thánh Luca là người học thức, có tài viết văn, có tài kể chuyện, người đề tặng cả hai tác phẩm của mình cho một nhân vật thế giá tên là Têôphim, mới theo đạo Kitô. Thánh Luca viết sách Tin Mừng khoảng giữa năm 70 và 75 sau công lịch, nhấn mạnh đến:

          Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ mọi người, giao hoà nhân loại với Thiên Chúa. Chúa thu hút nhân loại bằng những đức tính cao cả của Ngài. Ngài luôn cầu nguyện ngợi khen Chúa Cha.

          Thiên Chúa nhân từ và thương xót.

          Tinh thần bỏ mình và nghèo khó.

          Thánh Luca dùng lời lẽ có ý nghĩa để diễn tả lại những trường hợp Chúa Giêsu tỏ lòng thương xót các phụ nữ hư hỏng, và phục hồi quyền lợi thế giá cho họ. Người đã kể lại những câu chuyện có ích lợi đặc biệt cho dân ngoại, như các chuyện bà Mađalêna, ông Giakêu, người trộm lành, người Samaria nhân hậu.Tin Mừng theo Thánh Luca có lẽ là sách Tin Mừng hấp dẫn nhất

          Trang Tin Mừng hôm nay, ta thấy Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, không phải chỉ có nhóm tông đồ mà còn có cả nhóm môn đệ nữa. Chủ ý của Thánh Luca trong bài tường thuật này là muốn cho mọi người hiểu rằng không riêng gì các tông đồ mà là tất cả mọi người đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Và như thế, nhiệm vụ truyền giáo là bổn phận của tất cả mọi người, không loại trừ ai.

          Trước cánh đồng truyền giáo bao la, Chúa Giêsu tha thiết có những thợ gặt cho cánh đồng bát ngát của niềm tin: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2).

          Tuy là một lời mời gọi rất khẩn thiết, nhưng người thợ gặt phải như lòng Chúa mong ước, đó là những thợ gặt chuyên cần, luôn biết quan tâm, tha thiết cho mùa gặt. Nếu chậm trễ, hạt lúa niềm tin có thể bị hư mất, bị cơn lũ thế gian cuốn trôi đi. Chính vì thế, tiêu chuẩn của người thợ gặt mà Chúa thao thức trước hết là phải có lòng can đảm, dấn thân, không ngại khó, ngại khổ. Vì thế mà Chúa Giêsu đã ví hình ảnh người được sai đi: “Như chiên con vào giữa bầy sói” (Lc 10,3).

          Tiếp đến, người thợ gặt phải hết lòng thao thức với việc gặt lúa, không được xao nhãng với sứ vụ, không bị phân tâm bởi những ý nghĩ khác, không bám víu vào của cải vật chất, không nỗ lực tìm kiếm và coi vật chất là mục đích của đời mình, bởi vì, “Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6,21).

          Trái lại, phải biết sống phó thác, đơn sơ, khó nghèo: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” (Lc 10,4). Chỉ khi sống thanh thoát với tiền bạc, của cải, danh vọng, người môn đệ mới biết phó thác vào Chúa, tin tưởng vào Chúa như lời Thánh Vịnh: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105).

          Không màng đến của cải, vật chất, gia tài duy nhất mà người môn đệ mang theo là nguồn bình an của Chúa, sự bình an đích thực, không giống như sự bình an giả tạo của thế gian. Sự bình an có được khi người môn đệ biết tín thác, tin tưởng vào Chúa. Từ đó, người môn đệ lan tỏa sự bình an đến cho những người mình gặp gỡ: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này'” (Lc 10,5). Có bình an trong tâm hồn, người môn đệ chỉ chú tâm vào một điều duy nhất là làm chứng cho Đức Kitô, như những lời chia sẻ của Thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21).

          Cánh đồng truyền giáo bao la, bát ngát, vẫn đang cần những người thợ gặt dấn thân cho sứ vụ. Truyền giáo phải là mối ưu tư hàng đầu của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Đó không chỉ là nhiệm vụ của riêng một số người được tuyển chọn, nhưng là của tất cả những người Kitô Hữu, những người nhận lãnh lệnh truyền từ chính Chúa Kitô: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

          Và ta được mời gọi chứng cho Đức Kitô không chỉ bằng lời nói, nhưng còn phải bằng chính cuộc sống của chúng ta. Một cuộc sống thấm đượm tình yêu thương, bác ái nơi gia đình, ngõ xóm, nơi trường học, công ty, xí nghiệp, hay bất cứ nơi nào chúng ta tới. Đó sẽ là một minh chứng rõ nét nhất về sự hiện diện của Thiên Chúa, và là một lời rao giảng hùng hồn nhất về tình yêu của Thiên Chúa giữa thế giới.


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...