26/07/2022
2533
Đề tài 2:
CHIỀU KÍCH THAM GIA
TRONG ĐỜI SỐNG HIỆP HÀNH
CỦA GIÁO PHẬN
Bài tham luận về đề tài Tham Gia 
Sr. Têrêsa Nguyễn Thị Thiên Hoàng, OP.
 


Trọng kính Đức Cha, quý Cha và quý vị,

Tiếp theo đây, tổ đúc kết của chúng con gồm: linh mục Giuse Phạm Sơn Lâm, quản hạt Long Khánh, Đặc trách Ban hành giáo giáo phận; linh mục Micael Nguyễn Xuân Linh Ny, chánh xứ Phú Xuân; và con, nữ tu Têrêxa Nguyễn Thị Thiên Hoàng, dòng Đa Minh Thánh Tâm. Chúng con sẽ trình bày bản đúc kết của chúng con về kết quả thỉnh ý liên quan đến Chiều Kích tham gia trong đời sống hiệp hành của Giáo phận.
Trước hết, xin cho phép con dùng từ “Hội Nghị” để thưa với Đức Cha, quý Cha và quý vị; và dùng đại từ “chúng ta” để chỉ toàn thể gia đình Giáo phận, đương nhiên trong đó có bản thân con nữa.
Kính thưa Hội Nghị,
Hơn lúc nào hết, con đang được hít thở bầu khí hiệp hành tại trái tim của giáo phận qua khung cảnh cộng đồng đã được mô tả trong Tài liệu chuẩn bị. Nơi bầu khí này, con được cùng với đa số đại biểu là giáo dân và các tu sĩ làm thành đám đông quy tụ quanh Chúa Giêsu qua Đức Cha – vị cha chung của gia đình giáo phận, cùng với các tông đồ là quý cha và quý bề trên các cộng đoàn dòng tu.
Thật ra, cảm xúc này đã có từ khi con dành thời gian để đọc các bản tổng hợp kết quả thỉnh ý của quý giáo hạt, quý cộng đoàn và quý hội dòng. Con đọc trong thinh lặng và cầu nguyện, trong lắng nghe và phân định, trong biết ơn và yếu mến Giáo hội. Con thổn thức vì nhận ra con số rất đông thành viên tham gia trả lời bản câu hỏi thỉnh ý, có thể nói là sự tham gia nhiều nhất từ trước tới nay trong giáo phận nhà. Thành ra, một lần nữa, thay lời cho Nhóm hiệp hành của Giáo phận, tổ chúng con cảm ơn sự tham gia nghiêm túc và chân thành của quý cha, quý tu sĩ, chủng sinh cùng ông bà anh chị em.
Khi đúc kết, chúng con không chỉ dựa vào kết quả trả lời bản câu hỏi thỉnh ý, mà còn dựa vào chính cấu trúc của bản thỉnh ý vốn được soạn theo câu hỏi căn bản mà Tài liệu chuẩn bị cũng như Cẩm nang (CN) của Thượng Hội đồng (THĐ) chỉ dẫn. Cụ thể, bản đúc kết của chúng con gồm ba phần chính:
1. Nhìn vào kinh nghiệm tham gia
2. Khám phá tầng sâu ý nghĩa
3. Lắng nghe Chúa Thánh Thần
I. NHÌN VÀO KINH NGHIỆM THAM GIA
A/ Những hồng ân
Điều đầu tiên con muốn trình Hội Nghị là con số các thành viên tham gia trả lời bản thỉnh ý đạt tỉ lệ cao nhất từ trước đến nay. Chúng con nhận được 169.838/286.830 phiếu từ các gia đình, đạt 59,23%; từ quý chủng sinh trong và ngoài giáo phận là 417/428 bản, đạt 97,4%; từ quý linh mục dòng và tu sĩ là 1.635/2.123 bản, đạt 77,01%; và từ quý cha cùng quý chủng sinh giúp xứ là 467/472 bản, đạt 98,9%.
Khi trả lời các câu hỏi thỉnh ý, mỗi người hẳn đã nhìn vào kinh nghiệm tham gia từ gia đình/ cộng đoàn, đến giáo xứ/ hội dòng của mình, rồi đến giáo phận. Gia đình/cộng đoàn là hình ảnh giáo hội tại gia, nơi chúng ta tham gia mọi hoạt động lớn nhỏ dưới sự hướng dẫn của cha mẹ hoặc bề trên. Chúng ta cũng nhận ra rằng để cổ võ thái độ lắng nghe và góp ý xây dựng gia đình/ cộng đoàn, mỗi người cần nói lên những suy nghĩ, ý kiến của bản thân cách chân thành và cởi mở để thấu hiểu nhau hơn nhờ đó yêu thương nhau hơn.
Tinh thần và thái độ tham gia của mỗi người trong gia đình/cộng đoàn còn thể hiện rõ qua việc sống tinh thần đồng trách nhiệm. Cụ thể, chúng ta không chỉ sẵn sàng thi hành phận vụ theo hướng dẫn của cha mẹ hoặc vị hữu trách, mà còn cảm thông với khó khăn của các vị, cầu nguyện cho các vị và sẵn lòng giúp các vị chu toàn phận vụ. Khi cần giải thích hoặc trao đổi thêm, chúng ta không ngại đi vào cuộc đối thoại với những ai liên quan hầu có quyết định hoặc thi thành quyết định cách tốt nhất. Khi được giao trách nhiệm, chúng ta cũng sẵn lòng kêu gọi sự tham gia cộng tác của các thành viên và những người ngoài nhóm. Mối tương quan với những anh chị em ngoài Công giáo của chúng ta cũng khá tốt đẹp bởi thường xuyên có những gặp gỡ, trao đổi giữa hai bên về cuộc sống cũng như về những vấn đề nhân sinh. Khoảng cách giữa vị hữu trách và các thành viên, giữa quyền bính và việc tham gia dường như không có khi chúng ta xem những người làm việc cùng với mình như những cộng tác viên đắc lực, và được các thành viên nhìn nhận là người kiên nhẫn và có khả năng làm việc chung. Điều đáng biết ơn nhất, là chúng ta nhận ra bầu khí huynh đệ, tinh thần tham gia và ý thức đồng trách nhiệm trong gia đình/ cộng đoàn của mình.
Còn nơi môi trường giáo xứ/ hội dòng, chúng ta thường chứng kiến bầu khí sinh động và vui tươi với sự tham gia của mọi thành phần dân Chúa vào các sinh hoạt phụng vụ hoặc giáo lý, vào các hoạt động bác ái hoặc sinh hoạt hội đoàn/giới. Các sinh hoạt này sẽ được củng cố và phát triển bởi mỗi người sẵn sàng đóng góp ý kiến khi được mời. Sự sẵn sàng này xây dựng trên ý thức rõ ràng và chắc chắn rằng, chúng ta là thành viên và mỗi người thuộc về gia đình/cộng đoàn; thuộc về giáo xứ/ hội dòng, thuộc về giáo phận và thuộc về nhau. Thế nên, việc giáo phận đưa ra chủ đề mục vụ hằng năm không chỉ là nhu cầu rất cần thiết, mà còn là điểm hội tụ sự tham gia của mọi thành phần dân Chúa.
Có thể nói, những điều chúng con vừa trình bày được ví như bức tranh thêu sinh động và đa sắc màu về tình hình tham gia vào các sinh hoạt trong giáo phận chúng ta. Và vì là bức tranh thêu, nên mặt sau sẽ không đẹp như mặt chính. Những nét không đẹp ấy, đương nhiên phải có, như thể, bên cạnh những hồng ân là nét đẹp của tinh thần và thái độ tham gia trong gia đình giáo phận, sẽ có những thái độ và hành động cản trở việc tham gia. Và tất nhiên, những hành động và cản trở ấy dẫn đến những nguyện vọng như con trình bày sau đây.
B/ Những nguyện vọng cụ thể, kính xin các vị hữu trách và mỗi thành viên cùng
tham gia

(1) Cổ võ, tổ chức các sinh hoạt chung tích cực hơn và thích hợp với lứa tuổi, theo giới hoặc hội đoàn. Khuyến khích hơn nữa tinh thần tham gia của mọi thành viên trong việc xây dựng giáo xứ/cộng đoàn. Giúp các thành viên hiểu rằng giáo xứ/cộng đoàn là của mọi người chứ không của riêng cha xứ, ban hành giáo, của bề trên hay bất kì một giới, hội đoàn hoặc nhóm nào.
(2) Linh hoạt và sáng tạo trong việc duy trì nhiệt tâm, bầu khí yêu thương, hiệp nhất nơi mọi thành phần, củng cố và xây dựng tính đồng trách nhiệm, liên đới trách nhiệm, để không ai thấy mình bị bỏ lại hoặc mất đi giá trị của mình.
(3) Lưu tâm hơn trong việc lắng nghe ý kiến từ mọi thành viên, cách riêng giới trẻ, hiền mẫu, gia trưởng, các hội đoàn nhỏ và cả di dân (người nhập cư).
(4) Cần cẩn trọng trong việc áp dụng tiêu chí ‘lâu năm” khi chọn người tham gia điều hành. Kinh nghiệm và thời gian phục vụ là quan trọng và cần thiết, nhưng còn có các yếu tố khác cũng mang tính quyết định như tinh thần, khả năng phù hợp với trách vụ nữa.
(5) Gần gũi giáo dân và các thành viên không chức vụ trong cộng đoàn nhiều hơn; nhận định vấn đề dựa trên cả báo cáo lẫn thực tế cuộc sống.
Kính thưa Hội Nghị, chúng con vừa trình bày những kinh nghiệm tích cực cũng như tiêu cực chúng ta có được khi tham gia vào nhịp sống hiệp hành của Giáo phận. Giờ đây, chúng con trình bày kết quả việc chúng con khám phá tầng sâu ý nghĩa của những kinh nghiệm này.
II. KHÁM PHÁ Ý NGHĨA THAM GIA
A/ Từ những kinh nghiệm tươi đẹp:
1.1. Trước hết, cần xác tín ngay và luôn rằng: Tham gia không phát xuất từ sáng kiến hoặc nhu cầu của con người. Tham gia, ngay từ đầu, nằm trong ước muốn – trong khát khao – và trong kế hoạch của Thiên Chúa. Thật vậy,
Ngay từ những trang đầu của sách Sáng thế, Đức Chúa mời tổ tông tham gia vào công cuộc tạo dựng của Ngài qua việc cày cấy và canh giữ đất đai (x. St 1, 15); Ngài cho đặt tên cho các tạo vật Ngài đã dựng nên (x. St 2, 19). Thậm chí, tổ tông còn được tham gia vào quyền cai quản của Đức Chúa trong tư cách người quản lý thế giới (x. St 1,26).
Chúa Giêsu cũng vậy, không hành động một mình, Ngài mời gọi các cộng tác viên gồm Nhóm Mười Hai rồi Nhóm Bảy Mươi Hai để họ tham gia vào sứ mạng Loan báo Tin Mừng; Ngài cho họ quyền năng và Thánh Thần để hỗ trợ họ trên đường sứ vụ (x. Mc 3, 14-15; Lc 10, 1-9; Ga 20, 19-23).
Đến lượt mình, các Tông đồ cũng đặt tay trên bảy người được tuyển chọn để họ trở nên các phó tế hầu có thêm nhân sự cho việc chăm sóc cộng đoàn những người tin đang dần mở rộng (x. Cv 6, 1-6). Truyền thống “tham gia” trong Giáo hội cứ thế lan tỏa từ nhóm này đến nhóm kia, từ cộng đoàn này đến cộng đoàn kia, từ địa phương này đến địa phương khác, từ quốc gia này đến quốc gia khác.
1.2. Và như thế, tham gia trở thành lối sống, gắn với căn tính Kitô hữu. Nói cách khác, tham gia vào nhịp sống của cộng đoàn, của giáo xứ hoặc giáo phận không chỉ là một việc tốt nên làm, mà là một bổn phận phải thi hành.
Giáo lý Giáo hội Công giáo khẳng định: Nhờ phép Rửa tội, mỗi Kitô hữu được tham dự vào chức vụ tư tế - ngôn sứ - và vương đế của chính Chúa Giêsu để thi hành sứ vụ của mình theo cách thức, hoàn cảnh và khả năng riêng (x. GLCG 897). Chi tiết hơn, Giáo hội khẳng định: Bởi vì việc tông đồ đã được Chúa giao phó qua hồng ân Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, mỗi Kitô hữu có bổn phận và quyền lợi làm việc để sứ điệp cứu độ của Chúa được lan tỏa khắp nơi (x. GLCG 900).
Bởi đó, sẽ không đúng với mong muốn của Chúa và Giáo hội nếu có suy nghĩ rằng: việc tham gia vào nhịp sống giáo xứ hoặc tham gia xây dựng giáo xứ là việc có tính nhiệm ý, việc dành cho người rảnh rỗi hoặc có điều kiện hoặc người được mời. Đức thánh cha Phanxicô nhấn mạnh: “Tham gia là một đòi hỏi của đức tin đã nhận được trong Bí tích Thánh Tẩy”.
1.3. Bây giờ, chúng ta nhìn chiều kích tham gia trong tiến trình hiệp hành. Để có thể bước đi cùng nhau trên con đường Giêsu, cần có thái độ rõ ràng khi tham gia. Thái độ ấy thể hiện qua ba việc cụ thể: lắng nghe – phân định và phát biểu (CN 2.2). Trong khuôn khổ bản đúc kết này, con tập trung vào việc lắng nghe vì, một khi biết lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau, cánh cửa hiệp hành mở ra và chúng ta đi vào cuộc phân định cách quân bình cũng như dễ dàng học cách phát biểu sao cho vừa đúng ý Chúa vừa hợp lòng người.
Để có thể lắng nghe nhau, chúng ta phải ra khỏi chính mình, khỏi tính tự ái kiêu căng để nhìn nhau với ánh mắt thấu hiểu và tôn trọng. Bởi “mọi người đều có quyền được người khác lắng nghe, cũng như mọi người đều có quyền được nói. Cuộc đối thoại hiệp hành phụ thuộc vào sự can đảm của cả người nói lẫn người nghe. Không phải là sửa soạn lao vào cuộc tranh luận để tranh thắng. Đúng hơn, là đón chào những gì người khác nói như cách thế qua đó Chúa Thánh Thần có thể nói vì lợi ích của mọi người” (CN 2.3).
Nếu trong Tiến trình hiệp hành, lắng nghe là phương pháp và phân định là mục đích, thì tham gia là con đường. Càng tham gia chúng ta càng ra khỏi chính mình để có tương quan với người khác, với những người có quan điểm khác chúng ta (CN 2.2). Càng tham gia, chúng ta càng học được cách dành thời gian chia sẻ, đối thoại với tha nhân; học được cách khiêm tốn lắng nghe cũng như can đảm phát biểu; và nhất là học được cách hoán cải và thay đổi.
B/ Đến những tổn thương cắn rứt
Có một sự thật là, ma quỷ sẽ tìm mọi cách để phá hoại sự hiệp thông và làm nguội nhiệt huyết tham gia của chúng ta bằng những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ, gây xung đột. Nó khiến những tâm hồn thiện chí ngại ngần tham gia góp ý vì sợ “lời thật mất lòng”, thiếu tự tin hoặc thất vọng vì góp ý nhiều lần nhưng không được đón nhận. Kết quả là các thành viên hiểu lầm nhau, không tìm được tiếng nói chung, sống thiếu chân thành. Từ đó nảy sinh tình trạng xét nét, chấp nhặt, phản đối, kiện cáo. Cả người nghe và người phát biểu đều bị tổn thương.
Đương nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho ma quỷ. Đã có người bị ma quỷ dắt mũi, đã phò ma quỷ mà không biết. Thực tế này đã được Đức Phanxicô mô tả trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng: “phải nhìn nhận rằng, sở dĩ một phần các tín hữu đã rửa tội của chúng ta thiếu ý thức thuộc về Giáo hội do một số cơ cấu và một số bầu khí thiếu thân thiện cởi mở tại một số giáo xứ và cộng đoàn của chúng ta, hoặc cũng do tính quan liêu trong cách xử lý các vấn đề đơn sơ hay phức tạp trong đời sống chúng ta. Tại nhiều nơi, phương thức quản trị lấn lướt phương thức mục vụ, cũng như sự tập trung vào việc ban các bí tích tách rời với các hình thức truyền giáo khác” (s. 63). Để vượt qua nỗi đau này, Cẩm nang THĐ mời gọi các mục tử, là quý bề trên, quý vị hữu trách, những người lãnh đạo, đừng sợ lắng nghe đoàn chiên được giao phó cho mình. Vì các ngài được Thiên Chúa cắt đặt như “những người bảo vệ, giải thích và là nhân chứng đích thực cho đức tin của toàn thể Giáo hội” (CN 14).
Đối diện với những tổn thương cắn rứt này, chúng ta được mời gọi hoán cải và tha thứ cho nhau. Câu hỏi đặt ra là: Ai cần hoán cải? – Thưa, mọi thành phần dân Chúa, từ Giáo Hoàng đến giáo dân, ở cấp độ cá nhân hay tập thể, đều được mời gọi hoán cải. Mỗi cá nhân được mời gọi duyệt xét và làm mới lại mối tương quan của mình với Thiên Chúa, với chính mình, với tha nhân, và với vạn vật. Mỗi gia đình, hội đoàn, giáo xứ, cộng đoàn dòng tu cũng hoán cải về ơn gọi, căn tính và sứ vụ của mình. Mỗi vị mục tử hoặc bề trên cũng cần phải hoán cải về vai trò và trách vụ đang thi hành. Khi có sự hoán cải thì THĐ không là nơi để bày tỏ chính kiến của cá nhân và tìm kiếm sự đồng thuận, nhưng là nơi thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện.
Câu hỏi tiếp theo là: Làm thế nào để hoán cải? – Phải trở về với Chúa, đi về phía Chúa để bản thân được biến đổi. Nói cách khác, đó là việc gặp gỡ Chúa. Mỗi người, mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn cần để cho mình đi vào cuộc gặp gỡ yêu thương với Chúa qua Lời Ngài và Thánh Thể. Lời Chúa sẽ đụng chạm, chất vấn, thức tỉnh, soi sáng, hướng dẫn và chữa lành chúng ta. Thánh Thể dẫn ta đi vào cuộc hiệp thông thần linh mà ở đó, Chúa tuôn đổ sức sống và tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, vào đời chúng ta, và biến đổi chúng ta. Sự biến đổi từ bên trong cho chúng ta đủ sức đi ra khỏi mình, sẵn lòng nói lời xin lỗi và tha thứ, đến với tha nhân bằng một tình yêu bao dung và khiêm hạ, bằng một con tim thấu hiểu và hân hoan bước đi cùng nhau.
III. LẮNG NGHE CHÚA THÁNH THẦN
Như con vừa trình bày, việc lắng nghe mở ra cho hiệp hành. Sống hiệp hành là sống lắng nghe. Trọng tâm của kinh nghiệm hiệp hành là lắng nghe Chúa qua việc lắng nghe nhau. Chúng ta lắng nghe nhau để nghe rõ hơn tiếng Chúa Thánh Thần đang nói trong thế giới hôm nay. Vậy, sau khi nhìn vào các kinh nghiệm tham gia và tìm ra ý nghĩa của các kinh nghiệm này, kính mời Hội Nghị cùng chúng con lắng nghe Chúa Thánh Thần dạy mỗi người, mỗi giáo xứ, cộng đoàn, và giáo phận chúng ta sống tham gia.
Trước hết, kính mời Hội Nghị cùng con lắng nghe Chúa qua thư thứ nhất thánh Phaolô tông đồ gửi cộng đoàn Corinto: 14Thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi.15 Giả như chân có nói: “Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể”, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể.16 Giả như tai có nói: “Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể”, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể.17 Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi?
18 Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn.19 Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được?20 Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. 27 Anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12, 14…27).
Chúng con kính mời Hội Nghị dành ít phút tĩnh lặng để những lời này thấm dần vào tim mình. Rất có thể, những lời ấy khơi lên tâm tình tạ ơn bởi chúng ta đã thực sự xác tín và sống như một bộ phận sống động trong thân thể Đức Kitô; hoặc niềm hối tiếc vì đã chưa thể giúp tha nhân sống đúng với ơn gọi – phẩm giá và sứ mạng Kitô hữu của họ. Có khi, những lời ấy khơi lên nỗi đau phát xuất từ nỗ lực không mệt mỏi cho sự hiệp thông và tham gia trong Hội Thánh nhưng lại chưa thấy tín hiệu vui nào; hoặc khát khao mong sao từng thành viên trong gia đình/ cộngđoàn/ giáo xứ/ hội dòng sống cảm thức thuộc về Chúa, thuộc về Giáo Hội, thuộc về nhau cách mạnh mẽ và xác tín nhất.
Sau đây, chúng con mạo muội gửi đến Hội Nghị một vài gợi ý thực hành sống tham gia trong cả hai chiều: hướng nội và hướng ngoại. Trước tiên,
Theo CHIỀU HƯỚNG NỘI, Thánh Thần đưa mỗi người đi vào sâu thẳm hồn mình – nơi có Đền thờ Ba Ngôi Thiên Chúa. Ở đó, chúng ta được mời gọi tham gia vào hành trình của Đức Kitô, học nơi Ngài cách lắng nghe, tìm kiếm và thực thi Ý Chúa. Để được như thế, chúng ta cần:
1. Sống tinh thần hoán cải: khiêm tốn và sẵn sàng thay đổi những thái độ và lối sống cản trở tham gia như đã được nêu lên trong bản thỉnh ý. Chẳng hạn thói quen xét nét, biến chuyện nhỏ thành to, thành kiến và khuôn mẫu, tự mãn, phân biệt cấp bậc, .... Chúng ta hoán cải để làm mới lại, điều chỉnh lại tương quan với Chúa, với chính mình, với tha nhân và với vạn vật.
2. Thực hành Lời Chúa và lãnh nhận Thánh Thể hầu có đủ nhiệt tâm và sức mạnh đi đường dài. Thật vậy, Lời Chúa soi sáng, chữa lành và dẫn dắt chúng ta đang khi Thánh Thể nuôi dưỡng và củng cố tình yêu chúng ta dành cho Chúa, cho nhau và cho chính mình.
3. Sống cầu nguyện bằng cách luôn đặt mình trong tương quan mật thiết với Chúa Giêsu để được Ngài chỉ dạy cách lắng nghe tiếng Chúa trong Thánh Kinh, ngang qua tha nhân hoặc trong những biến cố và sinh hoạt thường ngày.
THĐ mời gọi: Tất cả những ai thuộc về Dân Chúa – cho dù là giáo dân, người được thánh hiến hay giáo sĩ – hãy dấn thân vào cuộc thao luyện lắng nghe nhau cách chân thành và tôn trọng... Nền tảng thực sự của việc lắng nghe là tất cả các tín hữu đều có đủ tư cách và được kêu gọi phục vụ lẫn nhau qua các ân ban mà mỗi người đã nhận được từ Chúa Thánh Thần.
Kế đến, theo CHIỀU HƯỚNG NGOẠI, Thánh Thần thúc đẩy mỗi người đi ra, ra khỏi mình để tham gia tích cực vào nhịp sống của gia đình/ cộng đoàn, của giáo xứ/hội dòng và của giáo phận. Cụ thể, mỗi cá nhân/ cộng đoàn cần sống trọn vẹn chức tư tế, vương đế và ngôn sứ của Chúa Giêsu theo bậc sống của mỗi người. Cụ thể:
  • Sống chức tư tế
Tham gia cử hành phụng vụ cách ý thức, sinh động và trọn vẹn.
Mời gọi hoặc tham gia sinh hoạt phụng vụ như đọc sách, ca đoàn, lễ sinh, phục vụ
phòng thánh, …

Ưu tiên tham dự Thánh lễ, các cử hành phụng vụ tại nhà thờ giáo xứ/cộng đoàn của mình.
Coi tác vụ, sứ vụ, nghề nghiệp cũng như những công việc hằng ngày như hy lễ yêu thương dâng Chúa.
  • Sống chức vương đế
Dấn thân phục vụ gia đình/cộng đoàn, hội đoàn, giáo xứ/hội dòng, giáo phận theo khả năng và trách vụ của mình.
Thăm người nghèo, người bệnh, người neo đơn, người khác tôn giáo, người khô đạo, người có quan điểm trái ngược, …
Tham gia các hoạt động từ thiện, bác ái của hội đoàn / cộng đoàn, giáo xứ / hội dòng, giáo phận.
Thực hành, cổ vũ việc bảo vệ và phát triển ngôi nhà chung của nhân loại (x. Laudato si);
Cách riêng, các vị hữu trách cần lắng nghe tâm tư của những người được trao phó cho mình, nhất là những người nghèo hèn, kém cỏi, đơn côi. Các vị cũng cần cổ võ, tổ chức các sinh hoạt sao cho phù hợp với các thành viên; giúp họ ý thức mình thuộc về và là thành phần không thể thay thế; giúp họ xác tín chính tôi là cộng đoàn, là giáo xứ, là Giáo hội.
  • Sống chức ngôn sứ
Người có nhiệm vụ giảng dạy cần chuẩn bị bài kỹ lưỡng để loan báo Tin Mừng cách hữu hiệu bao nhiêu có thể; cần kiên trì và can đảm loan báo Tin Mừng cách rõ ràng, cô đọng.
Các thành viên cần hăng hái tham gia phục vụ và xây dựng giáo xứ/ cộng đoàn; giáo phận/ hội dòng qua hình thức dạy giáo lý (Giáo lý viên), huấn luyện thiếu nhi (Huynh Trưởng), nhóm Tác viên Tin Mừng, Legio Marie, hoặc qua các hội đoàn, các giớii; …
Khiêm tốn và chân thành đóng góp ý kiến xây dựng Giáo hội, giáo phận, giáo xứ/ hội dòng, hội đoàn/ cộng đoàn.
Còn một câu hỏi nữa cho nỗ lực sống chiều kích tham gia của chúng ta đó là: cần tham gia với thái độ nào? – Thưa, phải tham gia với lòng biết ơn - tận tụy và hợp tác chân thành. Tránh để cho cảm tính hoặc lợi ích [cá nhân / nhóm] xen vào khiến mọi nỗ lực tham gia trở nên miếng mồi ngon cho ma quỷ. Muốn được như vậy, điều tiên quyết là luôn chọn đứng về phía Chúa, về phía Giáo hội; coi thánh ý Chúa là trên hết, là cùng đích của mọi bận tâm của chúng ta.
Thật ra, có lẽ không khó lắm để lựa chọn, nhưng sống theo lựa chọn và trung thành với lựa chọn ấy là cả một hành trình dài đầy dẫy những khó khăn và cám dỗ không dễ vượt thắng. Bởi đó, sống gắn bó với Chúa, lắng nghe tiếng Thánh Thần và chỉ tìm thi hành ý Chúa là thượng sách để chúng ta kiên trì tham gia vào nhịp sống của gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, hội dòng và giáo phận của mình. Để minh họa cho điều này, con thiết nghĩ thông điệp đến từ bài hát Chung Sống của nhạc sĩ Ý Vũ sẽ rất phù hợp. Xin kính mời Hội Nghị cùng thưởng thức.
ĐỂ KẾT - BƯỚC ĐI CÙNG MẸ
Chúng con kết thúc bài đúc kết chiều kích Tham gia trong đời sống hiệp hành của giáo phận bằng cách kính mời Đức Cha, quý Cha và quy vị cùng hướng về Núi Cúi – trung tâm hành hương của gia đình Giáo phận.
Nhìn vào giao diện facebook của Trung tâm, dòng chữ con thấy đầu tiên là: Triệu Trái Tim, Triệu Tấm Lòng Hướng Về Đức Mẹ Núi Cúi. Cùng Chung Tay Xây Dựng Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Núi Cúi. Đây chẳng phải là lời hiệu triệu để mọi con dân thuộc gia đình giáo phận và mọi trái tim thiện chí cùng tham gia và cùng đi trên con đường xây dựng Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi – Mẹ của lòng thương xót, để đoàn con khắp nơi quy tụ dưới bàn tay che chở của Mẹ hiền sao?
Trong kinh nghiệm của mình, từ ban đầu cho đến nay và hẳn là mai sau nữa, Giáo hội luôn có Mẹ hiệp hành, luôn được Mẹ chở che phù giúp để hành hành về Thiên Cung của Giáo hội luôn được tiếp tục, dù có những lúc phải vượt qua đồi cao, hố sâu hay những khúc quanh nguy hiểm. Ước mong Mẹ Núi Cúi liên kết mọi tâm hồn con dân Giáo phận và chỉ dạy chúng ta cách tham gia xây dựng Giáo phận ngày một hiệp nhất, bình an và phát triển theo ý Chúa muốn.
Lạy Mẹ mến yêu, Mẹ là Mẹ các tín hữu, là mẫu gương hiệp hành. Chúng con xin cùng nhau bước đi bên Mẹ và với Mẹ trên hành trình về Quê Thật. Xin lấy lòng từ mẫu mà dạy chúng con cách tham gia cùng nhau, với nhau và cho nhau, để Giáo hội khắp nơi bừng lên bầu khí hiệp hành và đi vào thế giới với diện mạo khả ái tình hiệp thông – nồng hậu lòng tham gia và tỏa sáng tinh thần phục vụ. Amen.
Thay lời cho hai cha thành viên, tổ đúc kết Chiều kích Tham gia trong đời sống hiệp hành của Giáo phận xin kính cảm ơn Đức Cha, quý Cha và quý vị đã kiên nhẫn lắng nghe. Giờ đây, vẫn với con tim lắng nghe, chúng con kính mời các đại biểu rộng lòng phát biểu và đóng góp thêm cho bài đúc kết của chúng con. Xin kính mời…

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...