30/04/2022
949

 
Các môn đệ làng d’Emmaüs, Arcabas, 2006. Sơn dầu, 162 x 130 cm (OPM).
 
SỰ ĐỒNG HÀNH CỦA ĐẤNG HẰNG SỐNG

Tác giả: Francine Robert
Parabole, 3/2022, vol xxxviii, no 1, tr. 15-17.
 
WGPQN (25.4.2022) - Với kinh nghiệm, tất cả chúng đều biết rằng thật khó mà đề nghị cho ai đó một nhãn quan khác với nhãn quan cố hữu của họ. Kêu mời đổi hướng những xác quyết của họ luôn là một công việc khó nhằn và gây ra những phản ứng, thường là vô thức. Đó là vấn đề của Đức Giêsu với các môn đệ trong bốn Tin Mừng. Rất thường gặp phải là họ chỉ hiểu những gì họ đã khẳng định trong ý tưởng cứng ngắc của họ. Chút nào đó cũng giống như các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay, nhiều người chỉ đọc những bản văn xác định cho ý kiến của mình.
Làm thế nào để tiến hành một sự thay đổi trong tâm trí đây? Phải kiên nhẫn, rất nhiều kiên nhẫn! Đồng thời cũng phải tôn trọng người khác. Phải tin vào sự hiểu biết của mình, vào khả năng hướng dẫn của mình, vào ước muốn khả thể để hiểu biết. Đó là những điều kiện cần thiết cho việc giáo dục đức tin thật sự đối với người trưởng thành. Trong trình thuật mà chúng ta quan tâm, Đức Giêsu đã áp dụng sự kiên nhẫn này, vì Ngài tin vào các môn đệ của mình hơn là họ tin Ngài! Trước đây, chẳng phải là Ngài đã cầu xin cho lòng tin của Phêrô vượt qua được thử thách nơi cái chết tai tiếng của Ngài sao? (Lc 22, 31-32).

Đức Giêsu nhìn chúng ta bằng cái nhìn của Thiên Chúa, thương cảm và thông cảm với những giới hạn cũng như sự chậm chạp của chúng ta. Đàng khác, Luca cũng cụ thể hóa tầm quan trọng của sự hướng dẫn khi trình bày cuộc hành trình rất dài đến Giêrusalem (Lc 9, 51 - 19, 27). Trong Luca, sự “lên đường” thường xuyên của Đức Giêsu là hiện thân của một Thiên Chúa đồng hành với chúng ta, trong lịch sử của chúng ta, như đã đồng hành cùng với lịch sử của dân Israël. Vì theo Luca, vị Thiên Chúa này “đầy lòng trắc ẩn” (Lc 1, 78).

“Các anh nói về chuyện gì vậy?”

Trên đường Emmaüs, kinh nghiệm đau thương về cái chết và sự an táng phải được nói ra thành lời. Như nơi những người chịu tang chế và đau khổ, sự buồn sầu, giận dữ, thất vọng hay sự bối rối cần có những lời để giúp họ chịu đựng được nó. Cũng phải có một ai đó muốn nghe nó, ngay cả khi đã biết điều sẽ được nói. Chính trong hành tung của một người khách lạ mà Đức Giêsu muốn mở ra một không gian đón nhận đầy lòng trắc ẩn với lời mang dấu ẩn đau khổ của cặp đôi môn đệ này, thấy mình bất hạnh vì đã bị mất mát.

“Chúng tôi hy vọng ...”

Như Zacharia khi con trai mình được sinh ra, như Đức Maria trong bài ca Magnificat và nữ ngôn sứ Anna khi nhìn thấy con trẻ, như các môn đệ sau Phục Sinh, niềm hy vọng của những khách bộ hành Emmaüs liên quan đến sự giải phóng dân Israël bị người Rôma áp bức, lật đổ những người quyền thế và sự chỗi dậy của những người bị chà đạp (Lc 24, 21[1]). Niềm hy vọng này mà họ đã quy chiếu vào Đức Giêsu Nazaréth vẫn còn tồn tại trong họ, như tấm màn che trước mắt họ, “ngăn cản họ nhận ra Ngài”. Sự thảm bại của Ngài vào tay các giới chức tôn giáo đã khiến họ xác quyết rằng Đức Giêsu không phải là đấng họ mong đợi. Cũng với cách thức này mà Phêrô đã không nhận “quen biết” với người đã để mình phải bị bắt bớ và xử án (Lc 22, 57).

Ý tưởng về một đấng cứu thế khải hoàn này đã khắc ghi sâu đậm trong họ khiến cho ngôi mộ trống và chứng từ của những môn đệ phụ nữ về các thiên thần nói rằng Ngài vẫn còn sống đã không lay chuyển được họ. Đức Giêsu nhận thấy tâm trí họ đã bị khóa chặt và tâm hồn họ chậm thay đổi. Làm sao để lay họ khỏi cơn mê ngủ này? Trong thế giới Do Thái, trái tim là nơi ở của ý tưởng và ý muốn. Chính tại đây hình thành những suy tư, những mối liên hệ và những tranh luận giữa các ý tưởng trong chúng ta.[2] Chính tại nơi đây, trong trái tim của họ, đã nhen nhúm sự thay đổi mà Đức Giêsu mời gọi họ khi kiên nhẫn đồng hành với họ.

“Chẳng phải là đấng cứu thế phải chịu đau khổ như thế sao?”

Hai người bộ hành đã biết Kinh Thánh, song Đức Giêsu sẽ trình bày cho họ một cách giải thích khác. Ngài phải tin vào khả năng của họ để hiểu chúng theo cách khác, khả năng tạo những mối liên hệ khác. Như các phụ nữ ở ngôi mộ được mời gọi sử dụng ký ức về những lời nói của Đức Giêsu để soi sáng cho khám phá ngôi mộ trống của họ. Ở đây, và sau đó là với tất cả nhóm môn đệ, Đấng phục sinh phải đi đến cội nguồn của hình ảnh về đấng cứu thế khải hoàn, có nền tảng trong Kinh Thánh dựa trên vô số những loan báo về một vị vua mạnh mẽ, giải phóng dân tộc khỏi kẻ thù. Chính nơi đây mới là sự chôn cất thật sự mà họ phải sống, sự chôn cất của một xác quyết xưa cũ.

Luca viết cho các Kitô hữu thuộc nền văn hóa Hy Lạp. Tuy nhiên, ông xem Cựu Ước là cần thiết cho việc dạy giáo lý Kitô giáo và sự hiểu biết của đức tin. Vâng, ta tìm thấy tất cả ở đấy, kể cả điều làm cho ta khó chịu. Vì thế, như các Kitô hữu đầu tiên bước theo Đức Kitô, cần phải có một nỗ lực đọc lại và giải thích. Không phải để xác định rằng Đức Giêsu có phù hợp với những loan báo cổ xưa không như trong Tin Mừng Matthêô, nhưng là để xem thấy sự sống, cái chết và sự phục sinh của Ngài đã soi sáng họ cách khác như thế nào. Những giải thích của Đức Giêsu được tìm thấy trong cuộc sống của Ngài, sự lựa chọn, những hành động và lời nói của Ngài. Đặc biệt là những câu nói trịnh trọng như “Ngài phải” hay “Ngài đã phải”. Thường được gắn với lời loan báo về cái chết của Ngài, ta phải hiểu nó như một số phận đã được Thiên Chúa định đoạt từ trước mà mục đích là để xóa bỏ tội lỗi của chúng ta.[3]

Nhưng trong Luca, Đức Giêsu sử dụng lối nói ấy trong những bối cảnh mạc khải khác: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng; phải giải thoát người đàn bà còng lưng vào ngày sabát; phải vui mừng vì người con được tìm lại; Dakêu, tôi phải ở lại nhà anh!” (Lc 4, 43; 13, 16; 15, 32; 19, 5). Đó cũng là ý nghĩa nhiệm vụ của Ngài: Ngài phải là hiện thân của một vị Thiên Chúa tìm kiếm và đón nhận chúng ta với tình yêu (4, 18-19; 15), dù phải bị giết bởi những người từ chối khuôn mặt này của Thiên Chúa, y như các ngôn sứ trước Ngài (xem 13, 31-35).

Như Jean-Noël Aletti đã chú thích, cái “phải” này là cái phải của tình yêu không tính toán, của sự tha thứ không điều kiện. (...) Một cái “phải” đã ghi khắc vào lòng dạ của Ngài. Con đường của Đức Giêsu không có sự giải thích nào khác hơn là sự trung thành của một tình yêu đi đến tận cùng. (...) Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa không thể đi xa hơn được: Ngài đã hoàn thành tất cả những gì Ngài phải hoàn thành để cặp mắt chúng ta mở ra và để chúng ta cất tiếng ngợi khen”.[4]

Liên đới với con người cho đến cái chết, Đấng Hằng Sống được Thiên Chúa cho chỗi dậy lại còn biểu lộ lòng thương cảm của Ngài đối với các môn đệ mình. Ngài khẳng định rằng dù cho có sự từ chối cái chết trong khuôn mặt này của Thiên Chúa thì ơn cứu rỗi và sự sống tràn đầy được tìm thấy trong sự đón nhận, sự tín cẩn, lắng nghe và tôn trọng người khác, như chính Ngài đã sống những điều ấy với những ai mà Ngài gặp gỡ. Là chứng nhân của Thiên Chúa khoan dung đối với con người, như các thiên thần ca hát trong đêm tối ngày giáng sinh (Lc 2, 14), Đấng Hằng Sống mời gọi chúng ta tham gia vào điều làm nên sự sống của Thiên Chúa “Hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (6, 36).

“Hãy ở lại với chúng tôi …”

Đi vào làng Emmaüs, Đức Giêsu giả vờ đi tiếp con đường của mình, để lại sáng kiến cho hai môn đệ. Họ có muốn đi xa hơn trên con đường nội tâm mà Ngài đã mở ra cho họ chăng? Có đấy! Vì họ đã mời Ngài ở lại, lấy lại một hình ảnh rất mạnh trong Tin Mừng Luca: cộng đồng bàn ăn, thường là với những người tội lỗi. Nhưng kìa! Người khách lại đảm nhận vị trí của chủ nhà: Ngài đọc lời chúc tụng, bẻ bánh và trao cho họ, như Ngài đã thường làm thế với các môn đệ. Cuối cùng thì họ cũng đã nhận ra Ngài! Lúc ấy Ngài có thể biến đi vì từ nay họ đã có những cặp mắt và con tim mở rộng, hiểu rằng họ đã không mất đi một Đức Giêsu đã chết, nhưng đã tìm thấy Đấng Hằng Sống, hiện diện với họ trên đường và trên bàn ăn của mình.

Được tái kích hoạt như thế, họ lên đường quay trở lại với các bạn đồng hành. Đây là nơi thứ ba mà chúng ta gặp gỡ Đấng Phục Sinh: lời trong cộng đoàn, Kinh Thánh và tưởng niệm bữa Tiệc Ly. Đây là những gì đủ cho chúng ta nhận biết sự hiện diện-vắng mặt mầu nhiệm của Chúa đối với Giáo Hội của Ngài.

 
Lạ thay, trình thuật này của đức tin phục sinh không thật sự là trình thuật hiện ra, nghĩa là một thị kiến trực tiếp về đấng đã chết và hiện giờ là đấng đang sống và khác đi. Trong trình thuật hiện ra của Đức Giêsu với đám đông các môn đệ, Luca rõ ràng không đề cập gì đến đức tin của họ. Sự hiện diện rõ ràng của Ngài đã gợi lên sự kinh ngạc và niềm vui, nhưng chưa có một niềm tin ở cuối hành trình. Không thật sự “nhìn thấy” Ngài, đôi môn đệ Emmaüs đã tiến đi xa hơn đến một hình thức tin được đề nghị cho Giáo Hội. Vâng, Đấng Hằng Sống vẫn ở lại với chúng ta. Một sự hiện diện đã trở nên rõ ràng trong những điều chúng ta cùng nhau kinh nghiệm, một sự hiện diện kín đáo và kiễn nhẫn, đem lại ý nghĩa cho hiện hữu của chúng ta và quay chúng ta về hướng tha nhân với sự khoan dung được gợi hứng từ sự khoan dung của Thiên Chúa đối với chúng ta, nguồn gốc của ơn cứu rỗi và sự sống.

Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
 
Nguồn: gpquinhon.org 
 
[1] Xem Lc 1, 51-54.68-71; 2, 38 và Cv 1, 6: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israël không?”
[2] Xem Lc 2, 19.35.51; 5, 22; 6, 45; 24, 38. Thành ngữ “trong lòng họ” thường được dịch là “trong chính họ”.
[3] Phụng vụ thánh thể, và hơn nữa là phụng vụ Các Giờ Kinh, đã dẫn chúng ta về hướng này. Song Luca dè dặt về ý nghĩa xá tội trong cái chết của Đức Giêsu. Nếu ông trích dẫn bài ca Người tôi tớ đau khổ, được truyền thống sử dụng trong nghĩa này, thì ông cũng loại bỏ những câu về cái chết vì tội lỗi của tha nhân. Xem Lc 22, 37 và Cv 8, 32-33 (Isaïe 53, 5-12). Khi Đức Giêsu được trình bày như Người tôi tớ trong Lc 22, 24-27, ông cũng bỏ đi đoạn cuối trong Mc 10, 45 về sự sống được hiến dâng làm giá cứu chuộc.
[4] Jean-Noël Aletti, L’art de raconter Jésus Christ. L’écriture narrative de l’évangile de Luc, Seuil 1989, tr. 208-209.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...