10/03/2015
1143

Linh mục Raniero Cantalamessa, OFM Cap.

“Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời
cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em”

(1 Pr 3:15)

Thầy Mạnh Tử nói: “Cái khiến con người khác với cầm thú thì rất nhỏ. Kẻ thứ dân thì bỏ mất nó, còn người quân tử thì biết bảo tồn nó”[1]. Sứ vụ Linh mục nhằm làm sáng lên cái khác biệt đó, làm tăng phẩm giá con người bằng ánh sáng, ân sủng của Thiên Chúa. Ba bài nghiên cứu của vị giảng thuyết phủ Giáo hoàng: Chủ thuyết duy khoa học, duy thế tục, duy lý, giúp ta hiểu một phần hiện trạng tinh thần người đương đại. Thấu đạt những ý tưởng này không phải dễ dàng nhưng ta cần nỗ lực nghiền ngẫm để hoạt động của chúng ta đáp ứng đúng nhu cầu các tâm hồn.

1.  Lý Trí Trỗi Dậy Uy Hiếp

     Một trở ngại làm cho văn hóa hiện đại trệch hướng khá nhiều trước Tin Mừng là chủ thuyết duy lý. Thánh Hồng y John Henri Newman đã để lại cho chúng ta bài thuyết trình đáng ghi nhớ đọc tại Đại học Oxford ngày 11-12-1831, tựa đề “Lý Trí Trỗi Dậy Uy Hiếp” Tựa đề đã hàm ẩn chủ thuyết duy lý[2]. Trong một lời bình về bài thuyết trình, viết trong lời tựa của ấn bản thứ ba năm 1871, Ngài đã giải nghĩa ý định của mình qua tựa đề ấy. Sự trỗi dậy uy hiếp của lý trí được hiểu là ‘sự xâm phạm phổ biến của năng lực lý trí khi chính nó đi vào lãnh vực tôn giáo mà không có cái thông thạo cần phải có trước vấn đề, hay không sử dụng những nguyên lý của lý trí. Đây là loại lý trí Kinh Thánh gọi là ‘cái khôn thế gian’, đó là sự suy luận về tôn giáo dựa trên lẽ đời mà tự nội tại xa lạ với tôn giáo.’[3]

     Trong một bài thuyết trình khác tại đại học, tựa đề ‘Đức Tin và Lý Trí Đối Kháng Nhau’, Thánh Newman minh giải tại sao lý trí không thể là tiếng nói chung kết trong lãnh vực tôn giáo và đức tin, loại suy từ sự kiện lương tâm: “Không ai nói là lương tâm chống lại lý trí hay nói là những phán định của lương tâm không thể được lý giải biện luận, nhưng ai lại chủ trương rằng đó không phải là nguyên lý đúng nghĩa, mà lại cho rằng lương tâm phải tùy thuộc một số động tác của lý trí trước khi lương tâm hành động? Lý trí phân tách nền tảng và động lực hành động: lý trí là năng lực phân tách chứ không phải là chính động lực hành động. Lương tâm là một yếu tố trong bản tính của chúng ta, cũng như hoạt động của nó chấp nhận cho lý trí khảo sát, cũng vậy đức tin chấp nhận được hiểu biết và hành động đức tin chấp nhận được biện minh bởi lý trí mà không vì thế thực sự bị lệ thuộc lý trí... Khi nói Tin Mừng đòi hỏi một đức tin thấm nhuần lý trí thì chỉ có nghĩa đức tin phù hợp với lý trí lành mạnh cách chung chứ không phải đức tin là thành quả của lý trí một cách khít khao.”[4]

     Sự phân tách của thánh Newman mang sắc thái mới và căn bản. Ngài làm rõ điều được nói như là khuynh hướng thống trị của lý trí muốn đặt mọi phương diện của thực tại dưới những nguyên lý của riêng lý trí. Tuy nhiên người ta có thể nghiên cứu chủ thuyết duy lý với nhãn giới khác, có liên hệ gần gũi với điều vừa nói. Theo cách nói của thánh Newman, chúng ta có thể mô tả nó như là thái độ tự cô lập, lý trí tự giới hạn trong chính mình. Tính chất ấy không hệ tại nhiều ở việc đi vào lãnh vực khác, nhưng ở việc không nhìn nhận hiện hữu của lãnh vực khác bên cạnh mình. Nói cách khác, là từ chối có những sự thật hiện hữu vượt lên trên lý trí.

     Chủ thuyết duy lý không khai sinh dưới lốt thời đại Ánh sáng, dù nó thúc đẩy mau đà tiến của thời đại Ánh sáng mà hậu quả vẫn tồn tại. Chủ thuyết duy lý là khuynh hướng chống lại cái mà đức Tin luôn đấu tranh. Không chỉ đức Tin của người Kitô, mà còn của người Do thái và người Hồi, ít nhất thời Trung cổ, đã phải đối diện thách đố này.

     Trỗi dậy trong mỗi thời kỳ chống lại lý lẽ đề cao tuyệt đối, lý trí là tiếng nói của không những các tín hữu mà còn những người nhiệt thành như các triết gia và các khoa học gia. Pascal đã viết: “Động tác tuyệt vời nhất của lý trí hệ tại nhận biết có vô số những điều vượt trên lý trí”[5]  Vào chính lúc lý trí nhận ra giới hạn của mình, nó xuyên phá và vượt qua các giới hạn của nó. Đó là nỗ lực của lý trí để đạt tới nhận thức ấy, một động tác lý trí tuyệt diệu. Đó là ‘cái dốt thông thái’[6], biết mình không biết.

     Do đó, phải nói rằng một người biết đặt giới hạn cho lý trí và luyện cho lý trí khiêm tốn thì hay hơn là người không nhận thức khả năng lý trí siêu việt chính nó. Kierkegaard đã viết: “Cho tới nay người ta đã từng phát biểu: nói rằng điều này điều kia không thể hiểu được thì không làm thỏa mãn khoa học vì nó muốn hiểu tất cả.” Đây là sai lầm. Thực ra phải nói ngược lại: “Nếu cái biết của con người là không muốn biết rằng có một số lãnh vực nó không thể hiểu, hay chính xác hơn, một số lãnh vực mà rõ ràng nó có thể hiểu rằng nó không thể hiểu, và mọi sự trở thành hỗn độn. Bởi đó phận vụ của cái biết của con người là nhận thức rằng có những lãnh vực và những lãnh vực nào nó không thể hiểu thấu.”[7]

2.  Đức Tin và Cảm Thức Linh Thánh

     Hy vọng cuộc tranh luận giữa đức Tin và lý trí sẽ tiếp tục trong tương lai. Không thể tránh được là mỗi thời đại phải đảm trách cuộc hành trình của mình, nhưng cả nhà duy lý lẫn tín hữu đều không cải đổi được nhau qua những luận điểm của mình. Cần thiết là tìm ra cách phá vỡ vòng luẩn quẩn và giải phóng đức Tin khỏi cái tắc nghẽn đó. Trong toàn bộ cuộc tranh luận về lý trí và đức Tin, chính lý trí lại áp đặt chọn lựa của mình và có thể nói, cưỡng bách đức Tin ra khỏi lãnh vực của đức Tin và trở thành kẻ tự vệ.

     Hồng y Newman ý thức sâu sắc điều đó, trong một cuộc thuyết trình khác tại đại học, đã cảnh báo nguy cơ làm biến dạng đức Tin khi muốn đặt đức Tin lẽo đẽo sau lý trí. Ngài nói Ngài hiểu, dù Ngài không thể chấp nhận tất cả, những lý lẽ của những người toan đánh mất đức Tin hoàn toàn khỏi những kiếm tìm của lý trí, bởi vì ‘cuộc đấu tranh và cuộc phân ly qua những luận điểm và tranh cãi ủng hộ cho những người tự phụ cậy vào sức mạnh của lý luận, phò cho sự lỏng lẻo của các ý kiến thường đi kèm theo sự khảo sát các bằng chứng, sự lạnh nhạt, các hình thức, tinh thần thế tục và xác thịt mà nó tương hợp với cung cách gắn bó vào những tín biểu, và đàng khác, khi họ cho rằng Kinh Thánh trình bày tôn giáo là đời sống thần linh, dựa trên tình cảm và được biểu lộ qua ân sủng thiêng liêng.’[8]

     Qua tất cả những can thiệp của thánh Newman về tương quan giữa lý trí và đức Tin mà ngày nay còn tranh luận sôi nổi không kém ngày xưa, có một lời chỉ dẫn: Chủ thuyết duy lý không thể được chinh phục bằng chủ thuyết duy lý khác, dù ở phía đối ngược. Do đó, cần tìm con đường khác không tham vọng lấy lý trí bảo vệ đức Tin, nhưng đồng hành với nó, cũng vì những người đón nhận Tin Mừng Kitô không chỉ là những người học thức có khả năng dấn thân vào các cuộc tranh luận, nhưng còn là những người bình thường không quan tâm tới việc tranh luận và nhạy cảm hơn trước những luận chứng khác.

     Pascal đề nghị con đường của tấm lòng, của con tim: “Trái tim có những lý lẽ riêng của nó mà lý trí không biết được”[9]. Các nhà ngữ học (Schleiermacher) gợi ý con đường ‘cảm nhận’. Tôi nghĩ còn những con đường khác: Con đường của kinh nghiệm và làm chứng. Ở đây tôi không có ý nói tới những kinh nghiệm đức Tin cá nhân chủ quan, nhưng là kinh nghiệm khách quan và phổ quát mà ta có thể vận dụng trước những người còn xa lạ với đức Tin. Nó chưa dẫn tới đức Tin đầy đủ để mang lại ơn cứu độ, đức Tin vào Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại, nhưng cũng giúp tạo nên tiền đề mở ra trước mầu nhiệm, mở ra nhận thức còn có những lãnh vực bên trên cõi đời này và lý trí.

     Sự đóng góp đáng kể nhất mà hiện tượng luận tôn giáo hiện đại cống hiến cho đức Tin, nổi bật nhất là cách thức được trình bày trong tác phẩm kinh điển của Rudolph Otto: Sự Linh Thánh[10], đã tỏ cho thấy rằng sự khẳng định truyền thống là có một số điều không được giải nghĩa bằng lý trí, không phải là một định đề lý thuyết hay định đề của đức Tin, nhưng là sự kiện cơ bản của kinh nghiệm.

     Có một sự cảm nhận vốn có trong nhân tính ngay từ khởi thủy và tỏ lộ trong mọi tôn giáo và văn hóa. Tác giả gọi đó là ‘cảm nhận linh thánh bí ẩn.’ Đó là sự kiện tiên khởi, không thể giản lược vào bất cứ tình cảm nào khác của kinh nghiệm của con người. Nó đụng vào con người, gây chấn động khi trong một hoàn cảnh ngoại tại hay nội tâm nào đó, họ khám phá ra mình đứng trước một mạc khải của mầu nhiệm siêu nhiên ‘uy nghiêm và cuốn hút’.

     Otto xác nhận thực tại kinh nghiệm này bằng tính từ ‘phi lý’ (phụ đề của tác phẩm là ‘Cái Phi Lý trong Ý Tưởng về Thần Linh và mối Liên Hệ của Phi Lý với Lý Trí’), nhưng toàn bộ tác phẩm cho thấy ý nghĩa của từ ‘phi lý’ lại không đi ngược lý trí, nhưng là ‘ngoại lý’, không thể chuyển tải bằng ngôn từ của lý trí. Chất linh thánh bí ẩn tự tỏ hiện trong những mức độ thông suốt khác nhau: từ những tình trạng thô sơ là những cảm nhận ám ảnh làm bừng tỉnh bằng những câu truyện thần linh hay quái dị, cho đến những tình trạng ở bậc tinh ròng nhất như sự hiển linh của Thiên Chúa thánh thiện, như quang cảnh nổi tiếng của ơn gọi Isaia (Is. 6: 1 tt).

     Nếu sự thực là thế, công cuộc loan Tin Mừng cho thế giới tục hóa phải đi qua cuộc khám phá ý nghĩa của linh thánh. Lãnh địa của văn hóa duy lý, trong nguyên nhân và một trật trong hiệu quả của nó, là sự đánh mất cảm thức linh thánh. Do đó cần thiết là Hội thánh giúp con người lại leo lên triền dốc để tái khám phá sự hiện diện và vẻ đẹp của sự linh thánh trong thế giới. Charles Péguy đã nói: “Cái túng thiếu khủng khiếp về linh thánh là dấu ấn sâu đậm của thế giới hiện đại.” Người ta ghi nhận điều ấy trong mọi phương diện cuộc sống, nhưng đặc biệt trong nghệ thuật, trong văn chương và trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Đối với nhiều tác giả, bị mô tả là ‘người loại trừ sự linh thánh’ không còn là sự xúc phạm nhưng là lời ca tụng.

     Một thời Kinh Thánh bị tố cáo là đã ‘giải trừ sự linh thánh’ ra khỏi thế giới vì đã cất bỏ đi những tượng nữ thần và các thần thánh trên núi non, biển cả và trong các cánh rừng do người ta đã biến thần thánh thành các tạo vật phục vụ con người. Quả vậy, vì lột bỏ những sai lầm khỏi các thần thánh mà Kinh Thánh phục hồi cho các thần thánh bản chất đúng nghĩa các ‘dấu chỉ’ linh thánh. Kinh Thánh chống lại các ngẫu tượng chứ không chống lại tính chất linh thánh.

     Tạo vật trong thế giới ‘thế tục’ có đầy năng lực tạo nên kinh nghiệm về cái linh thánh và thần linh. Dường như phát biểu nổi tiếng của Kant minh họa minh bạch nhất thế nào là chủ thuyết duy lý triết học: “Hai điều làm trào tràn trong tâm trí tôi cái luôn luôn mới mẻ và ngưỡng mộ thán phục mà tôi càng suy tư lung và sâu tôi càng lưu tâm tới đó là: bầu trời đầy sao trên đầu và luật luân lý trong tôi... Điều thứ nhất khai sinh từ vị trí tôi đứng trong thế giới ngoại giới hữu hình, và mối liên hệ nối kết trải rộng trong đó tôi thấy mình trong sự lớn lao mãi, lời tiếp nối lời, hệ thống tiếp nối hệ thống; và sự tuần hoàn vô tận, khởi đầu và tiếp nối”[11] ...

     Trong tác phẩm Ngôn Ngữ của Thiên Chúa, một khoa học gia đương thời, Francis Collins, mới đây được tuyển chọn vào viện Hàn lâm của Tòa thánh, đã tường thuật giây phút ông trở về với đức Tin: “Một ngày mùa Thu tuyệt đẹp, khi tôi đang cuốc bộ trong rặng núi Cascade trong hành trình đầu tiên phía Tây bang Mississippi, vẻ đẹp và sự hùng vĩ nơi tạo vật của Thiên Chúa khuất phục sự chống cự của tôi. Tôi biết cuộc tìm kiếm đã kết thúc. Sáng hôm sau, tôi quỳ gối trên thảm cỏ đẫm sương lúc hừng đông và tôi đầu hàng Chúa Giêsu Kitô.”[12]

     Cũng chính những khám phá lạ lùng trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật, thay vì dẫn tới vỡ mộng, lại trở thành cơ hội gây kinh ngạc và kinh nghiệm về linh thánh. Chính khoa học gia F. Collins, người chủ trì nhóm nghiên cứu tường thuật những thời khắc cuối trong cuộc khám phá bộ gen của con người là ‘một kinh nghiệm vừa của cuộc tôn vinh khoa học vừa của lòng phụng thờ tôn giáo’. Giữa những điều lạ lùng trong tạo vật, không có gì kỳ diệu hơn con người và trong con người, sự kỳ diệu của trí năng được Thiên Chúa tạo dựng.

     Ngày nay khoa học làm ta thất vọng trước nỗ lực khám phá mong chạm tới cái kỳ cùng của cái vô cùng lớn là vũ trụ và cái vô cùng nhỏ là những phần tử tế vi hơn nguyên tử. Một số người lấy cái ‘không tương xứng’ này làm luận chứng theo chiều phi bác sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa và coi con người là vô nghĩa. Đối với tín hữu vấn đề đó lại là dấu chứng tuyệt hảo không những về sự hiện hữu của Thiên Chúa mà còn về các phẩm tính của Ngài: cái bao la lớn rộng của vũ trụ là dấu chứng sự cao cả siêu việt vô biên của Thiên Chúa, và cái tế vi cực nhỏ của nguyên tử chỉ về sự nội tại và sự hạ mình của cuộc nhập thể làm một hài nhi trong lòng mẹ và hiện diện nơi một hình bánh trong tay linh mục.

     Trong đời sống hằng ngày của con người không thiếu những kinh nghiệm về các chiều kích khác: phải lòng mến thương nhau, sinh hạ người con thứ nhất... niềm vui khôn tả. Cần giúp người ta mở đôi mắt và khám phá khả năng ngạc nhiên. ‘Ai biết ngạc nhiên là người thống trị’, câu nói bên ngoài Tin Mừng được dành cho Chúa Giêsu.[13]  Trong tiểu thuyết ‘Anh Em Nhà Karamazov’, Dostoyevsky trích lời Starez Zosima, một sĩ quan trong quân đội, ngỏ lời với những người hiện diện vào giây phút ân sủng làm ông hoa mắt, ông từ chối hạ địch thủ trong cuộc quyết đấu: “Này anh em, hãy hướng cái nhìn về các ân huệ của Thiên Chúa: bầu trời trong xanh, không khí trong lành, thảm cỏ mềm mại, những cánh chim bé nhỏ: thiên nhiên tuyệt đẹp và thơ ngây, trong khi chúng ta, chỉ có chúng ta, lại xa rời Thiên Chúa và chúng ta thật ngu dại mà không hiểu được rằng cuộc sống là thiên đàng và tức khắc cái đẹp sáng ngời lên chỉ khi chúng ta hiểu ra điều ấy và chúng ta ôm chầm lấy nhau mà ứa lệ.”[14]  Đó quả là cảm thức chân thực về cái linh thánh của thế giới và của đời sống.

3.  Nhu Cầu Bằng Chứng

     Khi kinh nghiệm về sự linh thánh chạm đến chúng ta một cách hồn nhiên từ bên ngoài, ta đón nhận và vun đắp nó thì nó trở thành kinh nghiệm cá nhân sống động. Từ đó trổ sinh những chứng từ về Thiên Chúa là Đấng Thánh và trải ra như vậy trở thành đời sống thần bí.

     Dionysius Areopagite đã định nghĩa sâu sắc đời sống thần bí là những người ‘chịu đựng Thiên Chúa’[15], nghĩa là những người trải nghiệm và sống thực tại thần linh. Đối với những người khác, họ là những người thám hiểm qua những lối đường còn ẩn khuất, tiên phong đi vào miền đất hứa và họ trở về kể lại điều đã thấy như ‘miền đất chảy sữa và mật’ khích lệ mọi người vượt qua sông Jordan (x. Ds. 14:6-9). Qua họ những tia sáng của cuộc sống vĩnh cửu soi chạm vào chúng ta trong cõi đời này..

     Khi người ta đọc những điều họ viết, sao những luận cứ tinh tế nhất của các nhà vô thần và duy lý lại xa xôi và ngây dại đến vậy! Khi đối lại với những nhà vô thần và duy lý, ta cảm nhận sự ngạc nhiên và cả sự thương hại, tựa như đang đối
diện với người đang nói về những điều mà rõ ràng họ không biết. Giống như người cảm thấy họ sẽ khám phá những lỗi văn phạm thường xuyên nơi người đối thoại, và cố gắng không nghĩ rằng họ đang nói truyện bằng thứ ngôn ngữ mà họ mù tịt. Nhưng ta không có ý loại trừ họ, ngay cả khi có những từ được nói như bênh vực Thiên Chúa, trong bối cảnh đó là trống rỗng và lạc điệu.

     Những nhà thần bí là những người thực sự nhận biết Thiên Chúa ‘hiện hữu’. Quả thật, chỉ mình Ngài thực sự hiện hữu và vô cùng thực hơn cái mà chúng ta gọi là thực. Đó là một trong các cuộc gặp gỡ của một triết gia môn sinh của triết gia Husserl, một phụ nữ Do thái đã rơi vào vô thần, một đêm kia khám phá ra Thiên Chúa hằng sống. Tôi đang đề cập tới Edith Stein, nay là thánh Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá. Khi ấy chị là khách mời của nhóm bạn Kitô và một chiều kia các bạn đi ra ngoài, một mình chị ở nhà và không biết làm gì, chị cầm lên cuốn sách từ trong tủ sách và bắt đầu đọc. Đó là cuốn tiểu sử cuộc đời thánh Têrêsa Avila. Chị mải mê đọc suốt đêm. Vừa
đọc xong cuốn sách chị chân thành thốt lên: “Đây là sự thật.” Sáng sớm hôm sau chị đi vào phố mua một cuốn sách giáo lý Hội thánh Công giáo và một cuốn sách lễ, chị tìm hiểu và sau đó đi tới một nhà thờ gần đó xin linh mục ban bí tích Thánh Tẩy cho mình.

     Tôi cũng có một kinh nghiệm nho nhỏ về sức mạnh của những thực tại thần bí làm cho tay bạn chạm tới cái siêu nhiên. Đó là trong năm người ta bàn cãi nhiều về một cuốn sách thần học tựa đề ‘Chúa Có Hiện Hữu Không?’, nhưng khi tôi đọc hết cuốn sách, tôi thấy có rất ít điều có thể làm ‘thay đổi dấu chấm hỏi của tựa sách thành dấu chấm than’. Sau đó tôi đi tham dự một cuộc hội thảo, tôi mang theo cuốn sách của chân phước Angela Foligno mà tôi chưa được biết. Càng đọc tôi càng cảm thấy chói chang, tôi vẫn mang theo cuốn sách, mở đọc trong giờ giải lao và cuối cùng tôi gấp sách lại nhủ thầm: “Chúa có hiện hữu không? Chẳng những Ngài hiện hữu mà còn thực sự là vầng lửa bao trùm tâm hồn.”

     Tuy nhiên, có cái mốt văn chương thành công trong việc làm dửng dưng ngay cả những bằng chứng sống động về sự hiện hữu của Thiên Chúa từng được cảm nhận trong đời sống thần bí. Tôi nhận dạng mốt văn chương đó bằng phương pháp riêng: không phải để làm giảm đi nhưng làm tăng thêm, không phải để giới hạn hiện tượng nhưng phát huy đúng mức. Tôi rà soát lại tính chất thần bí trong tuyển tập các trước tác của họ đặt bên cạnh nhau coi chúng như cùng một loại, thánh Gioan Thánh GiáNostradamus, các thánh và những người phong cách khác thường, khoa thần bí Kitô và những nhóm hội thời Trung cổ, ẩn sĩ, thần trí, các hình thức phiếm thần... Đời sống thần bí đích thực mang nội dung đặc thù và Hội thánh có lý khi nhận định nghiêm nhặt về tính chất ấy.

     Thần học gia Karl Rahner trích câu nói của Raymond Pannikar, quả quyết: “Người Kitô ngày mai sẽ hoặc là nhà thần bí hay không là Kitô hữu.” Ngài ngụ ý trong tương lai, để sống lòng tin sống động cần là nhân chứng kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa, hơn là chứng minh tính chất đáng tin nhận, dựa trên lý trí. Đức Thánh cha Phaolô VI, nói cùng một điều chính yếu đó trong thông điệp ‘Loan Tin Mừng’ (số 4): “Người thời đại lắng nghe và thuận theo các chứng nhân hơn các thầy dạy, và nếu họ nghe theo các thầy dạy là vì các thầy dạy là những chứng nhân.”

     Khi thánh Tông đồ Phêrô khuyên các tín hữu sẵn sàng ‘đáp ứng lý lẽ của niềm hy vọng của mình’, theo mạch văn, chắc chắn Ngài không có ý nói tới các lý lẽ lý thuyết hay biện chứng, nhưng những lý lẽ thực tiễn, đúng nghĩa là kinh nghiệm của họ về Chúa Kitô, liên kết với các chứng từ tông đồ là nền tảng bảo đảm cho các kinh nghiệm ấy. Thánh Newman chú giải đoạn Kinh Thánh này đã nói về ‘những lý lẽ hàm ẩn’ mà đối với tín hữu, chúng thuyết phục sâu xa hơn là những lý lẽ biện luận minh nhiên.[16]

4.  Bước Nhảy Đức Tin Dịp Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

     Chúng ta muốn có một kết luận thực hành mang lại ích lợi cho chúng ta. Chẳng những người không tin cần những điều siêu nhiên bất ngờ xẩy đến mà cả chúng ta, các tín hữu cần canh tân đức tin của chúng ta. Nguy hiểm lớn nhất người có đạo trải qua là giản lược đức Tin vào một chuỗi những nghi thức và công thức, ngay cả được lặp lại một cách chi li, máy móc, không thực sự tham dự bằng cả con người mình. “Khi dân này thờ phượng chỉ bằng lời suông”, Đức Chúa đã than phiền trong sách ngôn sứ Isaiah, “và tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm. Chúng chỉ kính sợ Ta theo lệnh người phàm, nhưng đó chỉ là sáo ngữ” (Is. 29:13).

     Lễ Giáng Sinh có thể là cơ hội đặc biệt để có bước nhảy đức Tin. Đây là cuộc ‘Thần Hiển’, cuộc biểu lộ cao nhất của ‘Linh Thánh’. Tiếc thay hiện tượng tục hóa đang đục phá đặc tính ‘mầu nhiệm vĩ đại kỳ diệu’ của đại lễ, lẽ ra khơi trong ta lòng kính sợ thánh thiện và tôn thờ, lại giản lược vào tính chất tưng bừng vui mắt của mầu nhiệm... Thật là ích lợi khi mừng Chúa Giáng Sinh, chúng ta thực hiện bước nhảy đức Tin bằng sống những giờ khắc lặng thinh. Phụng vụ bao bọc biến cố Chúa Giáng Sinh trong thinh lặng: “Dum medium silentium tenerent omnia” (trong khi mọi sự còn trong thinh lặng). ‘Silent Night’ (đêm thánh vô cùng) là tựa đề bài hát Giáng Sinh trìu mến được phổ biến khắp thế giới. Chúng ta cần cảm nhận lời kêu gọi của Thánh Vịnh dành cho riêng minh: “Hãy trấn tĩnh lại và hãy biết Ta đây là Thiên Chúa” (Tv. 46:11)

     Đức Thánh Mẫu của Thiên Chúa chính là mẫu gương tuyệt hảo về thái độ sống trong thinh lặng: Maria lưu giữ mọi điều ấy suy niệm trong lòng” (Lc. 2:19). Tính chất sự thinh lặng của Mẹ Maria không phải là thinh lặng thường tình nhưng là ngạc nhiên, tôn thờ, thinh lặng linh thánh, thấm nhuần thực chất thần linh. Lời bình đẹp nhất về sự thinh lặng của Mẹ Maria ẩn tàng trong bức họa Byzantine, trong đó, Mẹ Thiên Chúa biểu lộ trong ánh mắt chăm chú, đôi mắt mở lớn như thể Mẹ vừa chứng kiến những điều không thể tả nổi bằng lời. Mẹ Maria, Đấng đầu tiên dâng lên Thiên Chúa điều mà thánh Gregory Nazianzen gọi là ‘thánh thi thinh lặng’.

Linh mục Gioan chuyển ngữ

Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc



[1] X. Phùng Hữu Lan, Lịch sử triết học Trung Quốc, Tp. HCM, Khoa học Xã hội, 2006, Tập I, 174.

[2] J.H Newman, Oxford University Sermons, London, 1900, pp 54-74

[3] Ibid. p. XV

[4] Ibid. p. 183

[5] B. Pascal, Pensées, 267 Br.

[6] St. Augustine, letters 130, 28 (Pl 33, 505)

[7] S. Kierkegaard, Journal VIII A 11

[8] J.H Newman, Oxford University Sermons, London, 1900, p. 262

[9] B. Pascal, Pensées, No. 146 (ed. Br. N. 277)

[10] R. Otto, Das Heilige. ‘Uber das Irrationnale in der Idee des Gottlichen und seine Verhaltnis, zum Rationalem’, 1917

[11] I. Kant, Kritik der praktischen Vernunft, Beschlub (II 205)

[12] F. Collins, The Language of God: A Scientist Presents Evidence for Belief, Free Press, 2006, pp. 219. 255

[13] In Clemens Alexandrinus, Stromata, 2, 9

[14] F. Dostoyevsky, The Brothers Karamazov, Part II, VI

[15] Dionysius the Areopagite, Divine Names II, 9 (PG 3, 648) (‘pati divina’)

[16] X. Newman, ‘Implicit and Explicit Reason’, in University Sermons, XIII, pp.251-277


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...