10/03/2015
1674

 

WXL(14-04-2014) - Lts. Giáo phận Xuân Lộc chúng ta đồng hành với Giáo hội hoàn vũ và Giáo hội tại Việt Nam qua chủ đề mục vụ năm 2014 : “Gia đình sống và loan báo Tin Mừng”.

Thư chung ngày 10/10/2013 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đưa ra kế hoạch mục vụ kéo dài 3 năm :

– Năm 2014, Phúc-Âm-hoá đời sống gia đình ;

– Năm 2015, Phúc-Âm-hoá đời sống giáo xứ và các cộng đoàn ;

– Năm 2016, Phúc-Âm-hoá đời sống xã hội.

Thư chung trong số 4 đã hướng dẫn : “Công cuộc Tân Phúc-Âm-hoá đòi hỏi duyệt lại toàn bộ các sinh hoạt mục vụ ở tất cả mọi bình diện, nghĩa là phải thực hiện cuộc hoán cải từ trong tâm thức đến định hướng và phương pháp khi làm mục vụ”.

Đức Thánh Cha Bênêđictô còn đưa chúng ta vào tầng sâu cốt tủy của mọi hoạt động loan truyền Tin Mừng qua huấn dụ “Dấn Thân Thực Hiện Tân Phúc Âm Hoá Là Luôn Luôn Cộng Tác Với Thiên Chúa”, ban hành ngày 08/10/2012, trong buổi họp khoáng đại khai mạc Thượng Hội đồng Giám Mục lần XIII. Chúng ta cảm nhận tâm huyết ‘bừng lửa’ của Vị Cha chung trước sứ vụ loan truyền Tin Mừng của Giáo hội.

Anh em thân mến,

Bài suy tư của tôi hướng tới từ ngữ ‘Evangelium’ (euangelisasthai) (x. LK 4:18). Trong Thượng Hội đồng này chúng ta muốn biết rõ hơn về điều Chúa dạy và điều chúng ta có thể và phải làm. Bài suy tư gồm hai phần : phần đầu suy tư về ý nghĩa các từ ngữ. Tôi sẽ giải thích thánh thi giờ ba ‘Nunc, Sancte, nobis Spiritus’ (Lúc này đây, lạy Thần Linh cực thánh), trang 5 trong tập sách kinh.

Từ ngữ ‘Evangelium’ (euangelisasthai) có một lịch sử dài. Trước tiên nó xuất hiện trong thi ca của Homer mang ý nghĩa loan báo tin chiến thắng, do đó là loan báo sự lành, niềm vui, hạnh phúc. Từ ngữ ấy tiếp tục xuất hiện trong sách ngôn sứ Isaia (x. Is.40,9), là lời loan báo niềm vui đến từ Thiên Chúa, là lời làm sáng tỏ thực tại Thiên Chúa chẳng bỏ rơi dân Người. Thiên Chúa, Đấng xem ra hầu như lui mình vào hậu trường lịch sử, lại là Đấng vẫn hiện diện tại đây. Người là Đấng quyền năng, ban niềm vui và mở cửa giải thoát những kẻ lưu đầy. Giữa đêm dài chốn lưu đầy, ánh sáng của Người xuất hiện ban khả năng hồi hương cho dân Người, canh tân phước hạnh dành cho dân và canh tân tâm tình của Người. Trong văn mạch tư tưởng tin mừng này, có ba từ ngữ đặc trưng : dikaiosyne, eirene, soteria (công chính, hòa bình và cứu độ). Chính Chúa Giêsu đã dùng những lời của Isaiah tại Nazareth nói về ‘Tin Mừng’ này mà Người mang đến cho những ai bị loại bỏ, những tù nhân, những người khốn cùng và những người nghèo.

Tuy nhiên ý nghĩa của từ ‘Evangelium’ trong Tân Ước còn được bổ sung, bên cạnh ý nghĩa Đệ Nhị Isaiah đã gợi mở, cũng rất cần quan tâm cách dùng từ ngữ này trong Đế quốc Rôma lần đầu tiên do Hoàng đế Augustus. Ở đây ‘Evangelium’ có nghĩa là ngôn từ, sứ điệp Hoàng đế gởi tới. Như vậy sứ điệp của Hoàng đế đem lại niềm vui : nó làm mới mẻ thế giới, nó có tính cứu độ. Sứ điệp của Hoàng đế mang sức mạnh và quyền lực, cứu độ, canh tân và bổ sức. Tân Ước đón nhận hoàn cảnh này. Thánh Luca minh nhiên đặt sóng đôi Hoàng đế Augustus với Hài Nhi sinh tại Bêlem : Ngài quả nhiên nói ‘Evangelium’ là lời của Hoàng đế, vị Hoàng đế đích thực của thế giới. Vị Hoàng đế đích thực của thế giới tự biểu lộ cho ta cảm nhận, Người ngỏ lời với chúng ta. Chính sự kiện này là sự cứu độ, vì nỗi đau thương sâu thẳm của nhân loại, thời ấy cũng như hôm nay, chính là : đàng sau sự lặng lẽ của vũ trụ, đàng sau những áng mây lịch sử là câu hỏi có Thiên Chúa hay không ? Và, nếu có Thiên Chúa, Người có biết chúng ta không ? Người có liên hệ gì tới chúng ta không? Thiên Chúa ấy có tốt lành không và thực tại tốt lành trong thế giới có quyền lực gì hay không ? Vấn nạn này thích hợp cho thời nay cũng như cho thời ấy. Nhiều người ngạc nhiên tự hỏi : Giả thiết Thiên Chúa có hay không ? Người có thực hay không ? Tại sao Người không cất tiếng lên ? ‘Tin Mừng’ có nghĩa : Thiên Chúa đã phá vỡ sự im lặng, Người đã cất lời, Người hiện hữu. Chính sự kiện ấy là sự cứu độ : Thiên Chúa biết chúng ta, thương ta, đi vào lịch sử chúng ta. Giêsu là Lời Thiên Chúa, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Thiên Chúa tỏ cho ta là Người yêu ta, đồng lao cộng khổ với chúng ta đến nỗi đã chết nhưng Người đã sống lại. Đó chính là Tin Mừng. Thiên Chúa đã cất lời, không còn là Đấng vô danh vĩ đại nữa, nhưng Người đã tỏ Mình và chính đó là sự cứu độ.

Vấn đề còn lại cho chúng ta là : Thiên Chúa đã cất lời, Người thực sự đã phá vỡ cõi thinh lặng, đã Tỏ Mình, nhưng làm sao chúng ta đón nhận được Thiên Chúa để mang cho con người ngày nay, để Thiên Chúa nên ơn cứu độ cho con người ? Tự thân sự kiện Thiên Chúa cất lời đã là ơn cứu độ, ơn cứu chuộc. Nhưng làm sao con người nhận ra được ? Xem chừng đối với chúng ta đây là vấn nạn, nhưng cũng là giải đáp, cũng là lệnh truyền : chúng ta có thể khám phá giải đáp khi suy niệm Thánh thi giờ Ba ‘Nunc, Sancte, nobis Spiritus.’ Khổ thơ đầu : ‘Dignare promptus ingeri nostro refusus, pectori’, nghĩa là chúng ta hãy nguyện cầu Thánh Thần ngự đến, ngự trong ta và với ta. Nói cách khác : chúng ta không thể làm ra Giáo Hội mà chỉ biết những gì Chúa đã làm. Giáo Hội không bắt đầu do ‘việc ta làm’, nhưng do ‘việc’ và ‘lời’ Thiên Chúa. Do đó các Tông đồ đã không nói, sau một vài cuộc gặp gỡ rằng bây giờ chúng ta muốn làm ra Giáo Hội, và như ‘Quốc hội Lập Hiến’ họ phác thảo một hiến pháp. Không phải như vậy, các Tông đồ cầu nguyện và chờ đợi trong nguyện cầu, vì biết rằng chỉ chính Chúa mới tạo nên Giáo Hội của Người, chỉ chính Chúa mới là tác nhân đầu tiên : Nếu Chúa không hành động, mọi việc của chúng ta chỉ là của chúng ta nên không đủ. Chỉ Thiên Chúa mới có thể xác nhận rằng Người lên tiếng nói. Lễ Hiện Xuống là điều kiện khai sinh Giáo Hội : Chỉ bởi trước tiên Chúa hành động mà các Tông đồ đã hành động với Chúa và với Chúa làm cho hiện hữu những gì Chúa đã làm. Chúa đã nói và sự kiện ‘Chúa đã nói’ này làm nên tính chất ‘hoàn thành’ của đức Tin, đồng thời luôn luôn là cái ‘bây giờ’ của đức Tin : cái hoàn thành của Chúa không chỉ là ‘cái đã’, vì ‘cái đã’ mà chân thực luôn mang trong mình ‘cái bây giờ’ và ‘cái mai hậu’. Thiên Chúa đã nói có nghĩa : ‘Thiên Chúa nói’. Và cũng như vào thời điểm ấy chỉ bởi sáng kiến của Chúa mà Giáo Hội chào đời, Tin Mừng được lắng nghe, sự kiện Chúa đã nói và nói, nên hôm nay chỉ chính Chúa là Đấng khởi sự, chúng ta chỉ cộng tác, như vậy khởi đầu thực tại phải đến từ Thiên Chúa. Vì vậy không phải là hình thức khi mỗi ngày khởi sự các cuộc hội họp chúng ta cầu nguyện : việc cầu nguyện tương hợp chính thực tại. Chỉ do Thiên Chúa đi trước mà chúng ta có thể bước theo, có thể cộng tác, luôn luôn đúng nghĩa là cộng tác, chứ không đơn giản là chúng ta quyết định. Quả thực điều lúc nào cũng hệ trọng là nhận biết lời tiên khởi, chính sáng kiến ấy, hoạt động thực sự đến từ Thiên Chúa mà chúng ta chỉ nhờ được tháp nhập vào sáng kiến của Chúa, chỉ do khẩn nài sáng kiến của Chúa nên, với Chúa và trong Chúa, mới trở nên người loan truyền Tin Mừng. Thiên Chúa luôn luôn là Đấng khởi đầu và chỉ Người làm nên cuộc Hiện Xuống, để tạo thành Giáo Hội, chỉ Người mở cho ta thực tại Người ở cùng chúng ta. Tuy nhiên, nói cách khác Đấng là Thiên Chúa luôn luôn ở bước đầu, lại muốn chúng ta dấn thân. Ngài muốn kết nhập hoạt động của chúng ta, để công cuộc này có thể nói là hoạt động ‘Thần-nhân’, hoạt động của Chúa nhưng tháp nhập sự dấn thân của ta, con người ta và toàn bộ hoạt động của ta. Do đó khi chúng ta thực hiện tân Phúc Âm hóa thì luôn luôn là chúng ta cộng tác với Chúa, là ở cùng Chúa, là đặt nền trên nguyện cầu và trên sự hiện diện thật sự của Chúa.

Bây giờ đây, chúng ta hành động đi theo sáng kiến của Thiên Chúa, chúng ta khám phá điều này trong khổ thứ hai của Thánh thi : ‘Os, lingua, mens, sensus, vigor, confessionem personent, flammescat igne caritas, accendat ardor proximos’. Ở đây trong hai dòng, chúng ta có hai danh từ : ‘Confessio’ trong dòng thứ nhất, và ‘Caritas’ trong dòng thứ hai. ‘Confessio’ và ‘Caritas’, là hai phương thức Chúa dẫn ta vào, làm chúng ta hành động với Chúa, trong Chúa cho nhân loại, cho tạo vật của Người : ‘Confessio’ và ‘Caritas’. Tiếp đến là động từ ‘Personent’ và sau đó ‘Caritas’ được giải thích với các từ lửa, sức nóng, thắp sáng, đốt lửa. Ta hãy xem xét trường hợp đầu : ‘Confessionem personent’. Đức Tin có nội dung : Thiên Chúa thông ban chính Mình, nhưng chữ ‘Ta’ của Chúa hoàn toàn thực sự biểu lộ nơi chân dung Chúa Giêsu và được giải thích trong từ ‘Confessio’ (tuyên xưng), chỉ về biến cố đầu thai khiết trinh của Người, Giáng Sinh, Khổ Hình, Thập Giá và cuộc Phục Sinh của Người. Thiên Chúa biểu tỏ chính Mình là một Ngôi vị hoàn toàn : Chúa Giêsu là Lời, với ý nghĩa rất đặc biệt được diễn tả trong từ ‘Confessio’. Do đó việc đầu tiên chúng ta phải lĩnh hội nội dung từ ngữ ‘Confessio’, chúng ta hãy cảm nhận âm hưởng sao cho như Thánh thi cầu nguyện ‘Personent’, vang lên trong ta và qua ta.

Tới đây chúng ta cũng cần quan sát một chi tiết thuộc về ngữ học : ‘Confessio’ trong tiếng la tinh cổ trước tiếng la tinh Kitô giáo là từ ‘Professio’ (profiteri), có nghĩa là trình bày một thực tại một cách tích cực. Ngoài ra, từ ‘Confessio’ liên quan tới tòa án, một vụ kiện mà một người mở lòng trí mình ra để tuyên bố. Nói cách khác, từ ‘Confessio’ trong tiếng la tinh Kitô giáo thay thế từ ‘Professio’ mang yếu tố tử đạo, yếu tố chứng thực trong những hoàn cảnh trái ngược đức Tin, yếu tố làm chứng ngay cả trong những tình huống khổ nhục và nguy hiểm tính mạng. Ý chí chấp nhận thử thách khổ đau cốt yếu thuộc về sự tuyên xưng đức Tin của Kitô hữu : đối với Tôi đây là điều rất quan trọng. Luôn luôn trong yếu tính của ‘Confessio’ của kinh Tin Kính, hàm ẩn sự sẵn lòng đón nhận khổ đau, cho đến hiến dâng mạng sống. Chính điều này làm vững chắc tính khả tín : ‘Confessio’ không phải là chuyện làm hay không làm, nhưng ‘Confessio’ bao hàm sự sẵn lòng hiến dâng mạng sống, chấp nhận khổ đau. Rõ ràng khổ đau, hiến mạng chứng thực cho ‘Confessio’. Chúng ta nhận thấy ‘Confessio’ không phải là lời nói suông, nhưng nó còn hơn cả khổ đau, hơn cả cái chết. ‘Confessio’ cho thấy thực tại thực sự xứng đáng cho ta đón chịu đau khổ, xứng đáng đau khổ đến chết. Người ‘Tuyên xưng’ (confessio) thực sự cho thấy thực tại họ tuyên xưng quí hơn cả mạng sống, là kho tàng, là châu ngọc cực kỳ quí giá. Trong chiều kích tử đạo của từ ngữ ‘Confessio’ sự thật tỏ hiện : tôi ‘Tuyên xưng’ chỉ vì một thực tại xứng đáng để chịu khổ, một thực tại mạnh hơn cả cái chết, và tôi chứng minh rằng có một sự thật tôi ôm ấp là tôi đang sống an toàn hơn, tôi đang mang theo mạng sống tôi vì tôi tìm cái sống trong cuộc tuyên xưng này.

Giờ đây chúng ta tìm hiểu xem ‘Confessio’ cần phải thấm nhập vào đâu, ‘Os, lingua, mens, sensus, vigor’ (miệng, lưỡi, trí tuệ, giác quan, sức lực). Theo thánh Phaolô, trong thơ gởi tín hữu Rôma, chương 10, chúng ta biết rằng nơi chốn của ‘Confessio’ là con tim và cửa miệng. Nó vừa ở tận đáy tâm hồn vừa phải công khai, lòng tin trong tâm hồn phải được loan truyền : nó không bao giờ chỉ là thực tại của con tim mà thôi, nhưng trào sang người khác, thực sự tuyên xưng trước mắt mọi người trên thế giới. Do đó chúng ta phải học một đàng là thực sự tuyên xưng trong sâu thẳm tâm hồn, lòng ta được thấm nhuần, và đồng thời từ tấm lòng, dọc theo lịch sử lớn rộng của Giáo hội, ta sẽ khám phá ngôn từ và lòng can đảm biểu lộ tôi hiện diện đây và cuộc ‘Tuyên xưng’ là một. Từ ngữ ‘Mens’ cho thấy ‘Confessio’ không chỉ là thực tại nơi con tim và cửa miệng, mà còn nơi trí tuệ. Tuyên xưng cũng là tư tưởng và xét như là tư tưởng được quan niệm bằng trí tuệ, nó chạm tới người khác và luôn luôn giả thiết rằng tư tưởng của tôi luôn luôn được đặt trong ‘Confessio’ của tôi. Từ ngữ ‘Sensus’ cho thấy ‘Confessio’ không thuần túy trừu tượng và thuần túy tư tưởng, mà đi vào những cảm nhận của cuộc sống. Thánh Bênađô tu viện trưởng Clairvaux đã dạy chúng ta rằng Thiên Chúa, trong mạc khải và trong lịch sử cứu độ, đã cho giác quan chúng ta khả năng nhìn thấy, đụng chạm và cảm nếm mạc khải, Thiên Chúa không những là Đấng thiêng liêng mà Ngài còn đi vào thế giới hữu hình và các giác quan chúng ta được đong đầy những nếm cảm và những vẻ đẹp của Lời Thiên Chúa, Lời thực sự của Thiên Chúa. Từ ngữ ‘Vigor’ cho thấy sức mạnh sống động của bản thân ta và sức mạnh của thực tại. Bằng cả sức mạnh và sức sống, chúng ta ‘Tuyên xưng’ (confessio), lời tuyên xưng thực sự ‘Âm vang’ (personare), giai điệu của Thiên Chúa hoàn toàn thấm nhập hữu thể chúng ta.

‘Confessio’ có thể nói là cột trụ đầu tiên của Phúc Âm hoá và thứ đến là ‘Caritas’. ‘Confessio’ không phải là chuyện trừu tượng mà là ‘Caritas’, mến yêu bác ái. Phải đủ hai yếu tố này ta mới thực sự đi vào suy tư về sự thật thần linh, là sự thật không thể tách rời tình yêu. Bản văn miêu tả bằng những lời rất mạnh, mến yêu bác ái là nồng nhiệt, bốc lửa, nối lửa sang người khác. Có sự đam mê lớn mạnh từ đức Tin sẽ phát huy thành lửa mến. Chúa Giêsu đã nói : Thầy đến mang lửa đến thế gian, và những ước ao nó bùng cháy lên. Origênê chuyển tải cho ta một lời của Chúa : ‘Ai ở gần Ta là gần lửa’. Là Kitô hữu thì không thể lừng khừng. Sách Khải Huyền dạy rằng nguy hiểm lớn nhất đối với Kitô hữu : không phải vì họ có thể nói ‘không’, nhưng nói ‘vâng lừng khừng’. Lừng khừng dở dở ương ương làm Kitô giáo không còn đáng tin. Lòng Tin phải bừng lên lửa mến, ngọn lửa thực sự nung nấu hiện hữu của tôi, trở nên nỗi đam mê cháy bỏng của cả hiện hữu của tôi, và như thế thắp sang người lân cận. Đó là con đường loan báo Tin Mừng : ‘Accendat ardor proximos’, ước mong sự thật trở nên trong ta lửa mến và lửa mến sẽ thắp sang tha nhân. Chỉ thắp sáng người khác lên bằng lửa mến, việc loan báo Tin Mừng mới thực sự lớn lên, sự hiện diện của Tin Mừng không còn là lời suông mà là thực tại sống động.

Thánh Luca tường thuật cho chúng ta vào ngày Hiện Xuống, trên nền tảng của Giáo Hội của Chúa, Chúa Thánh Thần là ngọn lửa đã thay đổi thế giới, nhưng ngọn lửa trong hình dạng của cái lưỡi, cho thấy ngọn lửa cũng mang tính lý trí, tức là tinh thần, cũng là sự thông hiểu, ngọn lửa liên quan đến tư tưởng, đến trí tuệ. Và ngọn lửa trí tuệ này, ‘cuộc say men lành mạnh’ này là đặc trưng của Kitô giáo. Chúng ta biết ngọn lửa này đã có ngay buổi đầu nền văn minh của con người, lửa là ánh sáng, sức nóng, quyền năng biến đổi. Nền văn minh nhân văn khởi sự khi con người đạt khả năng tạo ra lửa : lửa có thể phá hoại, nhưng lửa cũng có thể đổi mới. Ngọn lửa của Thiên Chúa đang làm biến đổi ngọn lửa đam mê, quả nhiên, lửa này phá hủy nhiều thứ trong ta, dẫn ta tới Thiên Chúa và ngọn lửa đặc biệt làm biến đổi này canh tân và tạo nên cái mới mẻ trong con người và con người trở nên ánh sáng trước Thiên Chúa.

Cuối cùng, chúng ta chỉ có thể nguyện cầu với Chúa để ‘Confessio’ phải thật sâu xa trong ta và trở thành ngọn lửa thắp sáng sang người khác. Mong sao ngọn lửa của sự hiện diện của Chúa, của sự mới mẻ của Chúa trong ta, trở nên thực sự nhìn thấy được, trở nên sức mạnh cho hôm nay và mai hậu.

Linh mục Gioan chuyển ngữ
Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...