20/01/2017
4810
BÁO CÁO TỔNG KẾT VÀ KẾ HOẠCH MỤC VỤ TRUYỀN GIÁO
CỦA GIÁO HẠT BIÊN HOÀ.

Ngày thường Huấn Linh mục Giáo phận 17-18/1/2017
 
Dẫn nhập
            “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Lệnh truyền của Chúa Giêsu năm xưa cũng nói với chúng ta hôm nay, và ngày càng khẩn thiết hơn trong bối cảnh Việt Nam nói chung, Xuân Lộc và Biên Hoà nói riêng.
Nhìn vào tình trạng hiện nay của Giáo Hội Việt Nam, nhất là 50 năm qua “Dân số Công giáo Việt Nam không hề gia tăng” và nếu căn cứ vào số liệu thống kê thường niên của HĐGMVN, số tín hữu công giáo lại có dấu hiệu thụt lùi.[1] Riêng tại Giáo phận Xuân Lộc, tỉ lệ người công giáo là 164.144 người khi mới thành lập giáo phận năm 1960 (chiếm 31,7%), và đến năm 2016 là 940.080 người trong tổng số 2.972.720 dân số tỉnh Đồng Nai (chưa kể dân số Thị xã Dĩ An, Tỉnh Bình Dương) thì tỷ lệ công giáo chỉ khoảng 31,6%. Tại Giáo hạt Biên Hòa, theo báo cáo thống kê thường niên TGMXL năm 2016 (không kể di dân), người công giáo chiếm tỉ lệ khiêm tốn 6,8% trong tổng số dân trên địa bàn giáo hạt (59.756/879.793 người).
  1. Bối cảnh hiện nay
  1. Vị trí: Giáo hạt Biên Hoà gồm 13 giáo xứ nằm trên địa bàn 17 phường xã của thành phố Biên Hoà và 7 phường của thị xã Dĩ An – Tỉnh Bình Dương và 4 xã thuộc huyện Vĩnh Cửu – Tỉnh Đồng Nai.
  • 5 giáo xứ nằm trên địa bàn thành phố Biên Hòa: Biên Hòa (13.650), Bình Hải (2.489), Phúc Hải (3.563), Thuận Hòa (5.032), Thái Hiệp (6.240).
  • 4 giáo xứ nằm trên địa bàn thị xã Dĩ An, Tỉnh Bình Dương: An Bình (1.748), Đông Hòa (2.377), Dĩ An (2.500) và Nghĩa Sơn (3.345).
  • 4 giáo xứ nằm ngoài thành phố Biên Hòa: Bến Gỗ (6.020), Tân Vinh (2.073), Tân Triều (1.843), Thái An (8.876).
Đa phần giáo dân trong giáo hạt sinh sống bằng nghề buôn bán, tiểu thương và làm công nhân cho các công ty, xí nghiệp thuộc các khu công nghiệp Biên Hòa và Bình Dương.
Số tín hữu gia nhập đạo, thường có hai cách: Hoặc sinh ra từ những gia đình công giáo (1.664/2.403: 69,24%), hoặc diện kết hôn với người có đạo (638: 26,55%), diện tự nguyện và trẻ từ 1-6 tuổi (101: 4,5%).
  1. Nhận định về những hoạt động Loan báo Tin mừng của Giáo hạt.
  1. Thuận lợi: Vùng đất Biên Hòa được thành lập lâu đời với thành phần dân cư mà phần lớn là người Kinh, ngoài ra còn có một số người gốc Hoa sinh sống chủ yếu ở xã Hiệp Hòa (Cù Lao Phố) và phường Thanh Bình. Có thể nói dân cư thành phố Biên Hòa có một lượng di dân đông từ các tỉnh phía Bắc đến tận miền Tây Nam Bộ về đây sinh sống. Số người có niềm tin tôn giáo chủ yếu là Phật giáo, Công giáo, Tin Lành và Cao đài và các tôn giáo khác như Hòa Hảo và đạo thờ ông bà....  Vì vậy, việc truyền giáo là một lệnh truyền khẩn thiết và lâu dài đòi hỏi nhiều công sức của các thành phần Dân Chúa trong giáo hạt.

 
Các hoạt động cụ thể:
Về việc dạy giáo lý: Hầu hết các giáo xứ trong giáo hạt đều tổ chức các lớp giáo lý dự tòng và hôn nhân để đáp ứng như cầu gia nhập đạo qua việc kết hôn. Người bên lương nhận định “Hôn nhân Công giáo giữ luật chung thủy khắt khe, nên họ dễ cho con kết hôn với người Công giáo”.
Về việc thăm viếng và đồng hành với các anh chị em dự tòng và lương dân: Các Linh mục, Ban Hành giáo và các hội đoàn trong các giáo xứ cũng đang từng bước thực hiện (nhưng chưa nhiều). Việc thăm viếng chủ yếu khi khu xóm có hữu sự, mọi người đều cùng nhau chia sẻ vật chất cũng như tinh thần: cả lương – giáo đều đến phúng viếng. Những người công giáo đau nặng, có ban Chăm sóc Bệnh nhân đến cầu nguyện giúp bệnh nhận chuẩn bị chết lành. Khi qua đời có Linh mục đến tẩm liệm và bà con lối xóm cầu nguyện “miễn phí”. Trong khi bên lương dân khi có hữu sự phải thuê Sư – Thầy tụng với nhiều thang giá trị khác nhau cho việc tụng niệm ma chay. Bên cạnh đó, những ngày lễ lớn của Giáo hội như Giáng Sinh, các giáo xứ trong giáo hạt cũng có những hoạt động thăm viếng và tặng quà cho anh chị em lương dân để chia sẻ niềm vui Con Thiên Chúa giáng trần. Cũng trong dịp này nhiều gia đình trẻ ngoại đạo thích đem con đến các nhà thờ được trang hoàng khung cảnh giáng sinh để thăm viếng và tìm hiểu. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu Chúa cho họ.
Về hoạt động truyền giáo của giáo hạt và tại từng giáo xứ: chủ yếu nhờ các hội đoàn Legio Mariae, cùng với anh chị em Tác viên Tin mừng. Có những giáo xứ, nhờ hoạt động hiệu quả của anh chị em Tác viên Tin mừng, nhiều người lương trở lại đạo (Tân Triều: 31 trường hợp người lớn tự nguyện và 40 trường hợp trẻ em).
  1. Khó khăn: Ảnh hưởng của công giáo trên lương dân không lớn trừ trường hợp kết hôn. Bởi vì người công giáo chỉ chiếm thiểu số trên địa bàn dân cư (trừ trường hợp các xứ được coi là “toàn tòng”: Thuận Hòa (90% công giáo), Bình Hải (trên 35%) và Phúc hải (37%). Bên cạnh đó, tỉ lệ di dân lương dân từ các nơi khác trong cả nước về tập trung sinh sống và làm việc tại đây khá nhiều như: Thái An, Dĩ An, Đông Hòa, Nghĩa Sơn, An Bình, Biên Hòa ... Do đó cũng có những ảnh hưởng của các tập tục, phong hoá của lương dân lên chính đời sống người Kitô hữu tại các vùng đông lương dân. Dù không phải lúc nào cũng có ảnh hưởng xấu, nhưng thực tế cho thấy, nó có tác động trên nhau như: Trong vấn đề ma chay, Phật giáo có “lễ Tế Ngu” (“Ngu” có nghĩa là “yên”: mồ yên mả đẹp): Sơ Ngu, Tái Ngu, Tam Ngu. Tức là lễ ba ngày (lễ mở cửa mả): sửa mả và lễ tế người qua đời. Về vấn đề xin lễ: theo tục lệ của Phật giáo, người ta cầu lễ cho người qua đời gọi là “lễ chung thất” (cúng 49 ngày), 100 ngày gọi là “lễ tốt khốc” (nghĩa là “thôi khóc”). Ảnh hưởng cầu lễ này cũng tác động lên người công giáo khi các tín hữu xin lễ những ngày này mà không hiểu lý do. Một vấn đề khác cũng cần nói khi có ma chay, người lương hay thuê nhóm nhạc đời ca hát bên xác người chết. Điều này cũng ảnh hưởng đến người công giáo khi có ma chay và cũng làm như vậy. Vấn đề này, hôn nay, đã giảm bớt nhiều nơi người công giáo do sự nhắc nhở của các Cha sở cũng như Ban hành giáo.
Cũng có một ảnh hưởng xấu khó xóa trong đời sống đức tin người Kitô hữu: nhiều người công giáo làm nghề buôn bán nhưng lại đặt tượng Thần Tài trước của hàng và có đi xin xâm dịp lễ Giao thừa… Các điều trên cho thấy có tác động qua lại ảnh hưởng lương – giáo trên nhau.  
Đa phần người giáo dân chỉ “giữ đạo” cho mình hơn là truyền giáo. Họ ít tham gia các đoàn thể vì lý do: “phải lo kinh tế gia đình nên không có thời gian”. Vì vậy, các hoạt động truyền giáo của giáo dân còn nhiều hạn chế: Đến với người nghèo dễ hơn đến với người giàu có, tri thức và chức quyền. Quan niệm cảnh “đèn nhà ai người nấy sáng” nên mối tương giao giữa người lương – giáo chưa thân thiện. Vì thế họ ngại gặp gỡ, chia sẻ niềm tin của mình. “Đang xa lạ bỗng dưng làm quen và nói chuyện về niềm tin tôn giáo” làm người khác đặt vấn đề và dè dặt.
Điều mà các Linh mục quản xứ lo lắng hơn cả: Đời sống hôn nhân và gia đình của những người lấy vợ gả chồng với người bên lương theo đạo. Kiến thức về giáo lý công giáo của người tân tòng còn quá ít, trong khi đó, những ảnh hưởng của niềm tin tôn giáo, những phong tục tập quán của gia đình bên lương khó xóa bỏ, thậm chí ảnh hưởng rất lớn đến người làm dâu (hay rể) là người công giáo. Nên việc giữ được hạnh phúc thật sự của gia đình là một đòi hỏi nhiều nỗ lực hy sinh cũng như cung cách sống tế nhị hơn của những người công giáo gốc, nhất là những cô dâu công giáo ở bên nhà chồng khác đạo. Và có những trường hợp, chính người làm dâu trở nên gương sáng cho cha mẹ chồng và họ trở lại đạo; hay chí ít họ cũng nhắc nhở con cháu đi học giáo lý, đi lễ nhà thờ. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngược lại: Nhiều người công giáo gốc lại là nguyên nhân gây đổ vỡ gia đình (ly thân, ly dị; Có những trường hợp đổ vỡ hôn nhân đã giải quyết thành sự ở toà đời, khi đó các Cha mới biết nên không kịp thời can thiệp). Việc đổ vỡ hôn phối giữa người công giáo và tân tòng cũng ảnh hưởng nhiều trên việc truyền giáo. Đó là lý do làm cho những người lương dân thất vọng vì con dâu hay rể của mình: “Họ là người công giáo nhưng đã không sống gương mẫu” như lời mời gọi của Chúa Giêsu “hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương” (Ga 15,12), thậm chí còn gây đau khổ, chia rẽ cho cha mẹ, vợ chồng, con cái... Vì thế, không lạ gì khi chúng ta nghe nói “người công giáo dạy người ta yêu thương nhau, sao người này người kia (xấu) như vậy?
Bên cạnh đó, một hình thái truyền giáo mới cần quan tâm ở vùng đất Biên Hoà: “Truyền giáo cho lương dân tại các khu nhà ở cao cấp”. Do sự phát triển đô thị hóa, người dân chuyển đến sinh sống trong các cao ốc, chung cư hiện đại mà đại đa số là lương dân. Họ đa phần là người giàu có, tri thức và chức quyền. Việc truyền giáo cho những đối tượng này đòi hỏi phải có những phương pháp và các tiếp cận mới.
Tóm lại, người Công giáo Giáo hạt Biên Hòa sống chung với lương dân là một điều hết sức thuận lợi cho việc làm chứng tá cho Tin Mừng. Tuy nhiên nếu thiếu gương sáng thì “phản truyền giáo”!
 
  1. Những đề nghị cụ thể cho công cuộc loan báo Tin mừng trong tương lai của Giáo hạt Biên Hòa.
Phần này xin trình bày hai điểm chính:
  1.  Những điều nên tránh hoặc giảm bớt trong công cuộc loan báo Tin mừng: Đó là não trạng “nệ luật”, cơ chế “xin cho” các bí tích và những lễ nghi hoành tráng bên ngoài. Để từ đó môi trường xứ đạo có thể trở nên “thánh địa của lòng thương xót[2] giữa
    lương dân.
  2.  Những hoạt động cần quan tâm phát triển trong tương lai
  1. Trước hết cần nghiên cứu xây dựng và phát triển Cộng đoàn Giáo hội cơ bản (Basic Ecclesial Communities – BEC) tại các giáo xứ với 5 nét đặc trưng sau[3]:
  • Nền tảng của sự quy tụ: Chúa Kitô và Lời của Ngài. Đây là nền tảng của BEC. Họ đến với nhau để gặp gỡ Chúa Kitô hiện diện trong cộng đoàn và đón nhận sự sống mới từ Lời của Ngài qua Tin Mừng và qua sự hiệp thông với Ngài trong mỗi
    Thánh Lễ.
  • Thiết lập một nhóm nhỏ: qua đó các thành viên sống gần gũi, quen thân, dễ chia sẻ và làm việc tông đồ.
  • Sống gần nhau, chung một vùng dân cư: để dễ dàng hội họp, chia sẻ tình làng nghĩa xóm, nhất là những khu chung cư, nhà cao tầng.
  • Sống niềm tin của mình qua yêu thương và phục vụ tha nhân: “con người đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ” (Mc 10,45) cho hết mọi người với tinh thần của Lòng Thương Xót.
  • Luôn gắn bó với Giáo hội phổ quát và Giáo hội địa phương: BEC không sống biệt lập nhưng bảo vệ sự hiệp nhất và hiệp thông trong giáo xứ, giáo hạt và giáo phận.
  1. Các hoạt động cụ thể:
  • Quan tâm đến giáo dục nhân bản, đức tin và đức ái cho giáo dân ở nhà thờ và gia đình.
  • Nhắc nhở các gia đình đọc giờ kinh tối. Vì trong một ngày sống mọi thành viên ít có dịp gặp nhau nên giờ kinh tối rất quan trọng. Giờ kinh tối gia đình không chỉ cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa mà còn là cơ hội để mọi thành viên trong gia đình sống gắn bó, yêu thương và giải gỡ những xung đột của gia đình. Bên cạnh đó, các Linh mục và Tu sỹ nên đến thăm viếng và tham dự giờ kinh tối với các gia đình trong giáo xứ của mình, nhất là những gia đình nghèo, bê trễ và có vấn đề.
  • Giáo lý dự tòng: rất cần được các Linh mục hay Tu sỹ giảng dạy. Bởi vì các ngài không chỉ truyền đạt đức tin mà con tìm hiểu gia cảnh và đồng hành đức tin với những người dự tòng này. Bên cạnh đó, các linh mục hay tu sĩ còn có thể giải đáp những thắc mắc mà người dự tòng có trình độ tri thức cao đặt ra. Điều này có thể là một “khó khăn trở ngại” khi người giáo dân dạy giáo lý dự tòng.
  • Đồng hành đức tin với các tân tòng: trước, trong và sau khi gia nhập đạo: Linh mục đồng hành cùng với sự hỗ trợ của anh chị em Tác viên Tin mừng, Legio Mariae, Gia trưởng – Hiền mẫu, Dòng Ba, Khôi Bình, Tận Hiến, Giới trẻ…
  • Tổ chức và thiết lập lại Ban truyền giáo giáo hạt với các Tác viên Tin Mừng vừa nhiệt thành vừa “đầy đủ” các kỹ năng truyền giáo. Về điều này, Cha Quản hạt và Cha đặc trách truyền giáo đang bàn cách thức thực hiện. Bởi vì ngày hôm nay, nhiều nơi, các linh mục cũng như giáo dân đang đánh mất ngọn lửa nhiệt thành truyền giáo. Điều này chính Đức Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI đề cập đến trong Tông huấn Loan báo Tin mừng cũng như Thánh Gioan Phaolô II lập lại trong thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Độ của Ngài có nói: nguyên nhân của sự thiếu nhiệt thành truyền giáo nảy sinh từ bên trong “được thể hiện qua sự mệt mỏi, chán trường, làm chiếu lệ và hờ hững, nhất là thiếu niềm vui và hy vọng[4]. Thừa nhiệt thành mà thiếu kỹ năng thì sứ vụ loan báo Tin mừng khó có thể thực hiện được cách toàn vẹn. Đặc biệt trong môi trường cụ thể của Thành phố Biên Hoà: Số lương dân đông với đầy đủ mọi thành phần dân trí, thứ bậc xã hội: có nhiều lương dân tri thức đã từng đọc qua Kinh Thánh Công giáo và đã có nhiều thắc mắc và bình luận (như trường hợp các câu chuyện trong Cựu Ước: Ngoại tình, giết người, chiến tranh, trả thù…). Điều này rất cần các người có “đầy đức tin và kiến thức về Kinh Thánh” để giải thích cho họ. Vì thế đòi hỏi người môn đệ Chúa Kitô cần phải tập luyện, trau dồi nhuần nhuyễn các kỹ năng: trước hết là đến với Chúa qua việc cầu nguyện, học hỏi và suy niệm Lời Chúa theo sự hướng dẫn của Hội Thánh; Trở về với lòng mình để nhận biết chính mình là ai cùng với nhận biết những ưu – khuyết điểm để từ đó canh tân để trở thành người “thừa sai loan báo Tin Mừng”; sau cùng là “ra đi” đến với muôn dân để giới thiệu Chúa cho họ.
  • Mua đất thành lập điểm truyền giáo ở các địa điểm: Biên Hòa, Tân Triều, Thái Hiệp, Thái An, Bến Gỗ...
Kết luận
Hoạt động loan báo Tin mừng của Giáo hội nói chung và của giáo hạt Biên hoà nói riêng không phải là một việc tuỳ chọn nhưng là một bổn phận phát xuất từ lệnh truyền của Chúa Giêsu Kitô. Để có thể thực thi được sứ mạng cao cả này đòi hỏi mỗi thành phần Dân Chúa cần phải thanh luyện trước khi được sai đi. Bởi vì trước khi được sai đi, người môn đệ phải “ở với Chúa” và “gắn kết với Ngài” trong tương quan cá vị. Loan báo Tin mừng không gì khác hơn là “loan báo điều mình đã kinh nghiệm trong mối hiệp thông với Chúa Kitô” và người tông đồ phải là một “chuyên viên về Đức Giêsu” (Đức Benedetto XVI). Chỉ khi gắn kết “thân tình” với Chúa Giêsu, kín múc nguồn mạch tình yêu Ngài dành cho chúng ta, chính tình yêu ấy thúc bách chúng ta lên đường ra đi truyền giáo cho muôn dân (Missio ad gentes). Để rồi như thánh Phaolô tông đồ, mỗi người chúng ta cũng thốt lên với tất cả con người của mình: “khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng tin mừng” (1Cr 9,16).
 
[1] Tạ Đình Vui, Vì sao Giáo hội Việt Nam cần xây dựng những cộng đoàn Kitô hữu nhỏ, Hiệp Thông, Bản tin của HĐGMVN, số 91 (tháng 11&12 năm 2015), tr. 41-42.
[2] Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Thư Chung gửi Gia đình Giáo phận dịp lễ Giáng Sinh 2016.
[3] Tạ Đình Vui, Vì sao Giáo hội Việt Nam cần xây dựng những cộng đoàn Kitô hữu nhỏ, Hiệp Thông, Bản tin của HĐGMVN, số 91 (tháng 11&12 năm 2015), tr. 49-50.
[4] Đức Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi (Roma: 8/12/1975), 80; Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Redemptoris Missio (Roma: 7/12/1990), 36.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...