10/10/2016
2326

LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ SỰ THA THỨ CỦA THIÊN CHÚA 
ĐEM SỨC SỐNG, SỰ AN VUI VÀ BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI

 

Kính thưa quý Cụ, quý Ông Bà và quý Anh Chị,
Tuần Đại Phúc Lòng Thương Xót của Hạt Xuân Lộc đã được diễn ra tại các Giáo xứ trong suốt tuần qua. Hôm nay, chúng ta tề tựu về Nhà Thờ Chính Tòa để cùng nhau dâng Thánh Lễ tạ ơn Chúa vì tất cả hồng ân mà chính chúng ta và các anh chị em giáo hữu trong Hạt Xuân Lộc đã lãnh nhận.
Trong giây phút hội ngộ trước khi dâng Thánh Lễ tạ ơn, tôi muốn chia sẻ đôi điều với Anh Chị Em.
1. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đem sức sống, sự an vui và biến đổi cuộc đời
Một điều hiển nhiên chúng ta đã trải nghiệm trong Tuần Đại Phúc Lòng Thương Xót là bầu khí an bình, hân hoan và niềm vui mừng trong lòng mỗi người, trong gia đình và trong Giáo xứ của chúng ta. Đây là hoa trái của việc đón nhận lòng thương xót của Chúa. Lòng thương xót của Chúa đã biến đổi cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy ghi khắc vào lòng kinh nghiệm sống này, hãy nhắc nhở cho nhau và hãy nói cho những ai chưa mở lòng để đón nhận ơn thánh của lòng thương xót.
Trong cuộc sống, ai cũng có một nghiệm đau thương. Đó là kinh nghiệm của những tội lỗi, lỡ lầm. Thánh Phaolô đã diễn tả kinh nghiệm này trong thư gửi giáo đoàn Rôma: “Điều tốt tôi muốn làm thì tôi không làm, còn điều xấu tối không muốn làm thì tôi lại làm”. Sau đó, ngài than lên: “Ai sẽ cứu tôi được?” Câu trả lời là “Chúa Giêsu Kitô” (x. Rm 7,9-14).
Đứng trước kinh nghiệm đau thương này, người thì nản chí và làm ngơ trước thực tại của lòng mình, người khác thì kiêu căng không chấp nhận những lỗi lầm mình đã vấp phạm. Kinh nghiệm của Tuần Đại Phúc mời gọi chúng ta nhìn nhận thực tại tội lỗi và mở lòng đón nhận lòng thương xót của Chúa, để tìm được niềm vui của ơn tha thứ của Chúa. Lòng thương xót của Chúa tràn đổ vào lòng chúng ta sức sống mới và biến đổi cuộc đời chúng ta.
Ngôn sứ Êdêkiel đã diễn tả sức mạnh của lòng thương xót như sau:
“Tay Đức Chúa đặt trên tôi. Đức Chúa dùng thần khí đem tôi ra, đặt tôi giữa thung lũng ; thung lũng ấy đầy xương cốt. Người đưa tôi đi ngang, đi dọc giữa chúng. Những xương ấy nằm la liệt trên mặt thung lũng và đã khô đét. Người bảo tôi : "Hỡi con người, liệu các xương này có hồi sinh được không ?" Tôi thưa : "Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, chính Ngài mới biết điều đó." Bấy giờ, Người bảo tôi : "Ngươi hãy tuyên sấm trên các xương ấy; ngươi hãy bảo chúng : Các xương khô kia ơi, hãy nghe lời Đức Chúa. Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này với các xương ấy : Đây Ta sắp cho thần khí nhập vào các ngươi và các ngươi sẽ được sống. Ta sẽ đặt gân trên các ngươi, sẽ khiến thịt mọc trên các ngươi, sẽ trải da bọc lấy các ngươi. Ta sẽ đặt thần khí vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được sống. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa." Tôi đã tuyên sấm như tôi được lệnh. Vậy có tiếng động khi tôi đang tuyên sấm ; có sự rung chuyển và các xương xích lại gần, ăn khớp với nhau. Tôi nhìn thì thấy trên chúng đã có gân ; thịt đã mọc lên và da đã trải ra ở bên trên, nhưng thần khí chưa có ở nơi chúng. Người lại bảo tôi : "Ngươi hãy tuyên sấm gọi thần khí ; tuyên sấm đi, hỡi con người ! Ngươi hãy nói với thần khí : Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này : Từ bốn phương trời, hỡi thần khí, hãy đến thổi vào những người đã chết này cho chúng được hồi sinh." Tôi tuyên sấm như Người đã truyền cho tôi. Thần khí liền nhập vào những người đã chết ; chúng được hồi sinh và đứng thẳng lên : Đó là cả một đạo quân lớn, đông vô kể. Bấy giờ, Người phán với tôi : Hỡi con người, các xương đó chính là toàn thể nhà Ít-ra-en. Này chúng vẫn nói : "Xương cốt chúng tôi đã khô, hy vọng của chúng tôi đã tiêu tan, chúng tôi đã rồi đời !" Chính vì thế, ngươi hãy tuyên sấm, hãy nói với chúng : Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau : Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en. Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta. Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh. Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa Ta đã phán là Ta làm. Đó là sấm ngôn của Đức Chúa.” (Ed 37,1-14).
2. Để niềm vui và sự an bình được hoàn hảo
Cha Quản hạt Giáo hạt Xuân Lộc đã có chuyển đến tôi những băn khoăn, thắc mắc của Anh Chị Em được gói ghém trong hai câu hỏi:
Câu hỏi 1: Trong Năm thánh Lòng Chúa Thương Xót, Đức Cha ban cho nhiều đặc ân như đặc ân ăn cưới bất hợp luật khi xưng tội với bất cứ Cha nào cũng được tha. Vậy, hết Năm Thánh có còn được đặc ân này nữa không? Còn những người ly dị không tái hôn sau Năm Thánh có bị ngăn trở lãnh nhận Bí tích không?
Câu hỏi 2: Giáo lý hôn nhân có phải là điều kiện để lãnh bí tích Hôn Nhân không? Nếu nói là điều buộc không có không được thì tại sao có chỗ học nhanh, có chỗ học lâu, có người không phải học. Còn nếu bảo đó không phải là điều kiện bắt buộc để thành bí tích Hôn phối, thì tại sao có nơi không chiếu cố những hoàn cảnh đặc biệt như trường hợp ở quá xa, thời gian học không thích hợp, hoặc có con nhỏ không thể đi đều đặn được?
Hai câu hỏi nêu trên cho thấy một điều là niềm vui của việc đón nhận lòng thương xót của Chúa chưa được hoàn hảo. Còn có cái gì đó ràng buộc tâm hồn, làm cho niềm vui của ơn thánh Chúa chưa được trọn vẹn. Vậy đâu là lý do để niềm vui và sự an bình chưa toàn hảo? Thưa, có hai ý do:
a/ Lý do 1: sự yếu đuối của bản tính nhân loại
Hôm nay, chúng ta cảm thấy vui mừng, hạnh phúc vì cảm nhận được lòng thương xót của Chúa và chúng ta tin tưởng hướng về tương lai. Nhưng có thể ngày mai, chúng ta lại sai xót, lỡ lầm. Về phần Chúa, hôm nay Chúa đã thứ tha, ngày mai chúng ta phạm tội, nếu chúng ta đến với Chúa, Chúa lại tha thứ nữa. ĐTC Phanxicô nói: “Chúa không bao giờ mệt mỏi trong việc tha thứ các tội lỗi của chúng ta”. Để xác tín về điều ĐTC nói, chúng ta nhớ lại dụ ngôn những người làm vườn nho ác độc:
Đức Giê-su bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng : "Có người kia trồng được một vườn nho ; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác : kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu : người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ ; ông nói : "Chúng sẽ nể con ta." Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau : "Đứa thừa tự đây rồi ! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta." Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho. Vậy ông chủ vườn nho sẽ làm gì ? Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác. Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao ? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta ! (Mc 12,1-11).
Dụ ngôn cho thấy một cuộc đọ sức giữa sự ác độc, sự yếu đuối của con người và lòng thương xót, tha thứ của Thiên Chúa. Cuối cùng thì lòng thương xót của Chúa chiến thắng. Như thế, trong hành trình theo Chúa chỉ cần 2 điều: tin tưởng hoàn toàn vào lòng thương xót của Chúa và cố gắng chỗi dậy mỗi khi sa ngã.
       b/ Lý do 2: khía cạnh cộng đoàn và nhu cầu giáo dục của sự yếu đuối
Các quy luật của Giáo hội, có những quy luật phát xuất từ bản tính thiêng liêng của hành động, có những quy luật cần thiết vì ảnh hưởng đến cộng đoàn của những hành động và vì nhu cầu giáo dục của con người tín hữu. Như thế, để trả lời cho 2 câu hỏi nêu trên, tôi xin Anh Chị em hãy đọc lại lá thư gửi của tôi gửi tới các gia đình đau khổ, tôi đã nói là “tôi ủy thác cho một số cha có chuyên môn, tìm kiếm dưới ánh sáng của Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội, cách riêng giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, những hướng đi mục vụ nhằm trợ giúp các đôi vợ chồng này vơi nhẹ nỗi khổ đau, trung thành với đường lối của Chúa, được sống trong tình thương yêu và sự tôn trọng của mọi người trong Giáo xứ.”
Ngoài ra, trong Hội nghị Thường niên khóa XIII của Hội Đồng Giám Mục vừa qua, các Đức Giám Mục nhận thấy vấn đề hôn nhân rất phức tạp, các thủ tục và cách thức áp dụng những quy luật về hôn nhân có nhiều khác biệt tại các giáo phận và có khi ngay cả trong cùng một giáo phận, nên gây nhiều phiền phức và hoang mang cho đoàn Dân Chúa. Do đó, Hội Đồng Giám Mục đã quyết định thành lập một Ủy ban nghiên cứu về vấn đề này, để trong Hội Nghị Thường Niên vào tháng 4/2017 sẽ có quyết định thống nhất các thủ tục và quy định chung cho toàn thể các Giáo phận tại Việt Nam. vậy, những gì chỉ liên quan đến Giáo phận, chúng ta chờ kết quả của Ủy ban các Cha có chuyên môn. Còn những gì liên quan đến các Giáo phận khác, chúng ta chờ quyết định chung của Hội Đồng Giám Mục… Và cho dù trong trường hợp nào, yếu tố căn bản là sống trong lòng cậy trông hoàn toàn vào lòng thương xót của Chúa.
Về việc học giáo lý hôn nhân: Việc học giáo lý hôn nhân không phải là điều kiện thiết yếu để việc cử hành bí tích hôn nhân thành sự, nhưng là điều kiện cần thiết để lãnh nhận bí tích Hôn nhân cách xứng đáng.
Hôn nhân là một thực tại cao đẹp trong chương trình của Thiên Chúa và có những đòi hỏi khó khăn, chẳng hạn, một vợ một chồng; thương yêu nhau trọn đời, khi khỏe mạnh cũng như khi đau yếu… để làm chứng cho tình yêu của Chúa cho nhân loại và để nuôi dưỡng, giáo dục, con cái. Vì vậy, cần phải được chuẩn bị cẩn thận: hiểu biết ý nghĩa, những đòi buộc của bí tích và luyện tập để thực hiện được lý tưởng cao đẹp của bí tích Hôn Nhân Công Giáo. Cần phải bỏ ý nghĩ, não trạng coi giáo lý hôn nhân như một thủ tục, làm cho xong…
 
   3. Xin Cha tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con
Lòng chúng ta được thư thái, được an bình và vui mừng vì chúng ta đã đón nhận được sự tha thứ nhân từ của Chúa. Từ kinh nghiệm được thứ tha, chúng ta cần phải tha thứ cho anh chị em của mình.
     a/ Tha thứ là điều kiện để được Chúa tha thứ
Kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Dụ ngôn trong Tin Mừng Thánh Matthêu thuật lại:
Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng : "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải bảy lần không ?" Đức Giê-su đáp : "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy."
Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy : "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết." Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo : "Trả nợ cho tao !" Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ : "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh." Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo : "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?" Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình." (Mt 18,21-35)
    b/ Ba nấc của hành trình tha thứ và hòa giải
        1. Ý chí quyết định tha thứ, thương yêu
Tha thứ và hòa giải, trước tiên, là một quyết định của ý chí phát nguồn từ xác tín của Đức Tin. Đây là đặc tính của môn đệ Chúa. Nếu không thương yêu, không tha thứ và hòa giải thì không xứng đáng được gọi là môn đệ của Chúa
“Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,43-48).
Vì vậy, người môn đệ của Chúa phải tha thứ và hòa giải, cho dù mình có lý hay không có lý.
      2. Biến đổi các tình cảm để xoa dịu và chữa lành các vết thương trong lòng
Tuy ý chí đã quyết định, tình cảm không luôn vâng theo và có khi còn đi ngược lại quyết định của ý chí. Do đó, để thực hiện quyết định của ý chí, cần phải hóa giải tình cảm. Việc hóa giải tình cảm để xoa dịu và chữa lành các vết thương trong lòng là một hành trình lâu dài đòi nhiều cố gắng và kiên nhẫn. Nhưng có chi trên đời mà không cần phải trả bằng một giá. Điều chi càng quý báu thì giá phải trả càng cao. Đàng khác, chúng ta biết là chúng ta không đơn độc trong hành trình. Chính Chúa Giêsu đã đến để chữa lành
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học nơi tôi, vì tôi hiền hậu và khiêm nhường thật trong lòng và tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì thực ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).
       3. Hàn gắn mối liên hệ với người khác
Khi đã biến đổi được các tình cảm trong lòng thì tâm hồn an bình và thương yêu để gặp gỡ người anh chị em và hàn gắn mối liên hệ đã bị rạn nứt. Tuy nhiên, việc hàn gắn mối dây liên hệ với người anh chị em còn tùy thuộc vào người anh chị em của mình nữa. Có thể tôi đã hóa giải xong các tình cảm của tôi, nhưng người anh chị em chưa bắt đầu hành trình hay chưa hóa giải xong các tình cảm của họ. Trong trường hợp này, cần kiên nhẫn chờ đợi và cầu nguyện để trợ lực cho người anh chị em trong hành trình hoá giải tình cảm của người ấy. Dù thế nào, trong lòng sẽ không còn tình cảm thù hằn và không còn nhu cầu kiện cáo người anh chị em, mà chỉ còn từ tâm, sẵn sàng tha thứ và cầu nguyện cho người anh chị em, để họ sớm hóa giải được tình cảm trong lòng của họ và cảm nghiệm được niềm vui của tâm hồn thanh thoát, đầy khả năng yêu thương.
 
Chúng ta ký thác hành trình sống và loan báo Lòng Thương Xót Chúa trong vòng tay Hiền Mẫu của Đức Mẹ mà chúng ta tôn kính đặc biệt trong tháng 10 này dưới tước hiệu Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi. Xin Đức Mẹ dẫn đàng chỉ lối, trợ giúp cho những nỗ lực và cố gắng của chúng ta.
 

(Bài chia sẻ ngày Đại Trào Tuần Đại Phúc Cụm Giáo Hạt Xuân Lộc

Chúa nhật, ngày 09/10/2016)



 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...