01/12/2021
977
Linh mục
Steve Doyle, O.F.M.
[1]
Boston, tiểu bang Massachusetts

     Cha Steve Doyle sinh tại Philadelphia ngày 12 tháng 8 năm 1934. Ngài được truyền chức ngày 27 tháng 3 năm 1962 trong Dòng Anh Em Hèn Mọn (Phan-xi-cô). Trụ sở chính của ngài ở Đền Thánh An-tôn thuộc khu nội thành của Boston.
     Cha Doyle là một con người phi thường. Ngài không chạy theo đám đông. Ngài là một người tự tin, kiên quyết và có mục đích, với nhiều tài năng. Ngài sử dụng mỗi tài năng hết sức khéo léo để mang ích lợi cho người khác. Ngài đã hướng dẫn trên 80 chuyến hành hương Đất Thánh, chia sẻ những suy tư nội tâm, và gợi hứng cho tất cả những ai cùng hành hương với ngài. Nếu có ai có thể làm cho lịch sử Israel và Ki-tô giáo trở thành sống động trên phần đất mà những niềm tin đó đã được khai sinh, thì người ấy chính là cha Steve Doyle. Không ai có được sự dẫn nhập về những Nơi Thánh hay hơn thế. Ngài biết các thứ ngôn ngữ. Ngài là một học giả Kinh Thánh với kiến thức trọn vẹn về câu chuyện Do-thái và Ki-tô hữu. Và vì các linh mục Phan-xi-cô giám quản hầu hết các ngôi đền trong Đất Thánh, ngài chỉ cần gọi một cú điện thoại là tìm được cánh cửa hiếu khách và các nguồn thông tin mở rộng cửa đón mời. 
     Mỗi một cộng đoàn tu sĩ có tinh thần riêng. Tinh thần của các linh mục dòng Phan-xi-cô đã đóng một vai trò đáng kể 
trong Giáo Hội hằng bao thế kỷ. Cái tinh thần vui vẻ, chăm sóc và đầy thương mến ấy có thể thấy được khá hiển nhiên qua những suy tư của cha Doyle.

     Tôi xuất thân từ một gia đình không bình thường, và tôi ngờ rằng việc tôi vào chủng viện một phần là để trốn tránh nó. Thân phụ tôi là một người nghiện rượu –một người nghiện ngập tục tằn. Cách ông đối xử với mẹ tôi và các con đã khiến bọn trẻ chúng tôi bỏ nhà đi khi chúng tôi đủ tuổi. Ngoại trừ tôi, tất cả anh chị em đều lập gia đình hoặc gia nhập Hải Quân. Riêng tôi thì vào chủng viện.
     Thực ra, còn có một cái gì đó đằng sau việc tôi muốn làm linh mục hơn là chỉ bỏ nhà đi thôi. Lý tưởng của một gia đình Ái-Nhĩ-Lan và sự hết sức kính trọng chức linh mục là hai đà nhảy cho cái chí thú trở thành linh mục của tôi. Lúc nào cũng có nhiều linh mục quanh quẩn nhà chúng tôi, và họ là gương mẫu cho tôi. Và các Nữ Tu dòng Thánh Giu-se đã dạy dỗ chúng tôi là những người phụ nữ cao cả tuyệt vời. Tuy nhiên, ngay cả với một bối cảnh như thế, tôi không nghĩ là mình có ơn gọi khi tôi vào chủng viện. Chính khi ở trong chủng viện tôi mới khám phá thấy ơn gọi của mình.
     Tôi chưa từng gặp một linh mục dòng Phan-xi-cô nào, bởi thế tôi không thể nói được tại sao tôi nộp đơn với các ngài. Dầu sao, tôi đã được Tỉnh Dòng Thánh Danh của Dòng Anh Em Hèn Mọn đón nhận để học tiểu chủng viện, lúc ấy tôi mới chỉ 15 tuổi. Trong tiểu chủng viện tôi tìm được bạn bè, sự triển nở của đời sống thiêng liêng, và niềm hạnh phúc thực sự đầu tiên trong đời mình. Đến năm cuối cùng, tôi được cho biết là tôi sẽ không được phép vào Nhà Tập bởi vì gia đình bất bình thường của tôi. Tôi phản đối, và quyết định đã được đảo ngược lại.
***
     Cha giám học hỏi chúng tôi sẽ làm gì sau khi được truyền chức. Mặc dù những năm ở chủng viện khá tuyệt vời, song những kinh nghiệm trong lớp học lại không tuyệt như vậy. Tôi nhận ra rằng nếu không ai làm gì cả về chương trình thần học khủng khiếp mà chúng tôi phải học về môn giảng thuyết, về đời sống thiêng liêng, và việc nghiên cứu Thánh Kinh, thì việc học của chúng tôi cứ tiếp tục ở mức độ đáng sợ đó. Và vì thế, tôi tình nguyện học thêm chương trình sau khi ra trường. Người ta yêu cầu tôi lấy bằng chuyên đề thần học tại Đại Học Công Giáo và rồi dạy môn hộ giáo ngay năm sau trong chính cái chủng viện mà tôi vừa rời bỏ.
     Sau khi ra trường với văn bằng, và làm việc trong mùa hè tại nhà thờ Thánh Phan-xi-cô ở New York, tôi mong đến ngày trở lại Washington để dạy học. Bỗng dưng danh sách bài sai được gửi đi. Tôi được phái đến chủng viện giáo phận Buffalo để dạy Cựu Ước (là môn mà tôi chưa bao giờ học) cùng với Kinh Thánh tiếng Hy-bá, Kinh Thánh Hy-lạp, và rồi khi một linh mục đau yếu, tôi dạy luôn môn triết sử. Trước khi lục cá nguyệt bắt đầu, cha giám đốc nói ngài có trở ngại về khóa giảng thuyết; hai linh mục dòng Đa-minh đã từ chối không dạy môn ấy. Liệu tôi có dạy môn đó không? Từ đó cho đến khi tôi rời bỏ việc dạy học cách đây một, hai năm, tôi đã dạy cả Kinh Thánh lẫn giảng thuyết, một tập hợp hết sức tự nhiên.
     Tôi đã luôn mong ước được học Kinh Thánh, song đã phải bỏ ý tưởng đó qua một bên vì việc huấn luyện thực là khó khăn. Tôi sẽ phải làm quen với đến chín ngôn ngữ lận mới lấy được bằng cấp về Kinh Thánh: trước hết, những ngôn ngữ mà Kinh Thánh được viết bằng tiếng Hy-bá, Hylạp và A-ram; rồi hai ngôn ngữ mà Kinh Thánh được dịch sang trước tiên là Syria và La-tinh; rồi những ngôn ngữ hiện đại được dùng cho việc học hỏi Kinh Thánh đó là Đức, Pháp và Anh; và cuối cùng, khi tôi đặt chân đến Viện Kinh Thánh ở Rô-ma, tôi phải học tiếng Ý nữa để có thể sống chung với người khác, và để xin các bạn học đưa bánh cho vào bữa ăn. Cha Roland Murphy, một linh mục dòng Carmelite ở Đại Học Công Giáo cho tôi một lời khuyên rất hay:
“Lo cho xong các đòi hỏi về ngôn ngữ khi còn ở Mỹ đi. Bằng không lúc đến Rô-ma lại phải học tiếng Hy-lạp từ văn phạm tiếng Pháp được dạy bằng tiếng La-tinh bởi một giáo sư người Ba-lan. Những người đi theo con đường đó gặp nhiều trở ngại lắm.” Lời khuyên của ngài chí lý. Nhờ lời khuyên ấy, tôi đã học xong hết trong một năm, một thời gian kỷ lục. Thường phải mất đến ba năm lận.
     Tôi lấy xong bằng Kinh Thánh ở Rô-ma, trong khi trú ngụ tại nhà dòng chúng tôi. Điều kiện ăn ở thì tuyệt đối là thuộc thời Trung Cổ rồi, nhưng có một bầu khí vui tươi nơi các sư huynh đệ và tôi đã trải qua một thời gian tuyệt vời. Suýt nữa thì tôi thi trượt. Số là khi tôi đang chuẩn bị kỳ thi vấn đáp thì cha giám tỉnh đến Rô-ma. Tôi đã mất một số thời giờ đáng kể cho ngài và còn lại rất ít thời gian để ôn bài thi. Một linh mục dòng Tên người Đức đã dạy chúng tôi một khóa trọn năm học về chương 17 của sách Sáng Thế Ký. Tôi chắc mẩm rằng vị giám khảo sẽ không hỏi về chương đó, bởi vậy tôi đã không xem lại. Song ngài đã hỏi về Sáng Thế Ký chương 17 một câu thôi, mà tôi trả lời rất tệ. Cuối cùng ngài nói:
“Này cha, tôi không nghĩ là có thể cho cha đậu được. Hãy ra ngoài cho trí óc tỉnh táo một chút, rồi vào thi lại.” Tôi đã làm như vậy. Đến lúc thi xong lần thứ hai, ngài cho tôi điểm “suýt soát sáu” (Vix Six) nghĩa là chỉ vừa đủ để đậu. Tôi thường hay kể lại chuyện này với các chủng sinh của tôi và bảo họ: “Khi bạn làm mục vụ cho dân Chúa, không ai sẽ hỏi bạn lúc ở chủng viện bạn được điểm gì. Họ sẽ hỏi ‘bạn giảng có hay không?’ ‘Bạn làm mục vụ có tốt không?’ ‘Bạn có tử tế, nhã nhặn không?’” 
     
Khi tập viện được mở lại ở Brookline, tiểu bang Massachusetts, ban giảng huấn dùng phương thức làm việc chung và cần một thần học gia. Tôi nhận lời mời của họ. Quả là một giai đoạn lý thú khi huấn luyện các tu sĩ Phan-xicô trẻ. Đấy là thời gian mà nhà dòng trở lại với tinh thần của đấng sáng lập, và đặc sủng của chúng tôi không phải là dòng giáo sĩ, song chính yếu là sư huynh đệ. Chúng tôi khám phá ra rằng chính cộng đoàn là một thuộc tính quan trọng nhất của chúng tôi và nó tràn lan vào các mục vụ. Chúng tôi phải là một Giáo Hội trong hình thức thu hẹp. Mục tiêu của chúng tôi là trở nên một cộng đoàn gồm những con người sống trong yêu thương, cầu nguyện chung, và cử hành tình yêu của Thiên Chúa với chúng tôi. Đấy là điều mà chúng tôi cố gắng làm chứng nhân cho những người đến gia nhập dòng của mình. 
     Vào cũng khoảng thời gian đó tôi được mời làm giảng sư dạy Kinh Thánh và giảng Kinh Thánh tại Giáo Hoàng Học Viện Gioan XXIII cho những ơn gọi muộn màng. Thật là một kinh nghiệm ngoại hạng được thấy những người đàn ông lớn tuổi hy sinh thật nhiều để đến phục vụ Giáo Hội. Họ sẵn lòng từ bỏ chức quyền, hưu bổng, nhà cửa và gia đình để bước theo Chúa Giêsu. Tôi đã dạy họ vẻ đẹp của Lời Chúa.
     Sau 17 năm làm công tác đó, tôi quyết định đã đến lúc nên thay đổi, bởi thế tôi nhận lời làm phụ tá cho viện trưởng 
ở Tantur, là Viện Đại Kết ngay bên ngoài thành Giê-ru-salem. Khi rời Tantur, tôi dành đôi ba tháng hướng dẫn một khóa học cho người lớn trong một giáo xứ nói tiếng Anh ở Tokyo dành cho các người đến từ nhiều quốc gia. Trong mỗi một bài sai, dường như tôi đều đã học được một điều gì mới mẻ. Lúc ở Nhật, tôi tin rằng tôi đã lớn lên trong khả năng cởi mở đối với mọi người và bày tỏ cho họ thấy sự hiền từ và lòng thông cảm. Khi tôi được truyền chức năm 1962, tôi đã tưởng công việc của mình chỉ là ban phát các bí tích. Sau này tôi đã hiểu ra chính tôi phải là một bí tích. Người ta phải thấy được Chúa Ki-tô trong con người linh mục. Chúng ta phải sống một đời sống thiêng liêng thân mật với Chúa Ki-tô như vậy. Trước hết, chúng ta phải là bí tích, rồi mới có thể ban phát chúng được.
     Tôi trở lại Đền Thánh An-tôn ở Boston, và từ đó tôi đã cố gắng làm no thoả sự đói khát của dân Thiên Chúa về Lời của Ngài bằng cách rao giảng và bằng việc hướng dẫn những buổi tĩnh tâm cũng như những khóa học hỏi về Lời Chúa.
***
     Một cuốn sách khá mới, mang tên Hình Ảnh Của Thiên Chúa – Tiểu Sử[2], cho thấy hình ảnh về Thiên Chúa đã thay đổi trong Kinh Thánh qua các thời đại. Trong cùng một cách thức như vậy, hình ảnh của tôi về linh mục cũng đã đổi thay. Lúc đầu, khi tôi mới được truyền chức, thì giáo luật là luật chính yếu. Chúng ta phán đoán các hành động của mình xem hợp luật hay trái luật. Người bắt thi hành luật pháp phải là một người lính kỵ binh trong tình trạng thánh thiện, hoặc một thẩm phán. Các linh mục dòng Phan-xi-cô đã giúp tôi thay đổi hình ảnh đó. Họ nổi tiếng là những linh mục giải tội bởi sự hiền hậu, tử tế và thông cảm. Họ khiến tôi thấy được Thiên Chúa là như vậy, và cách tôi phải trở thành ra sao. Sức thu hút và cuộc đời thánh Phan-xi-cô đã nắn nên hình ảnh tôi có về chính mình. Khi tôi ngồi toà và thấy người ta có mặc cảm tội lỗi, tôi nói cho họ nghe điều tuyệt diệu nơi Thiên Chúa là Ngài có một trí nhớ rất đoảng. Ngay khi bạn xưng tội, Thiên Chúa liền quên ngay, và Ngài muốn bạn cũng quên nó đi.
     Ngày nay sự cam kết không còn là một mặt hàng tối thượng nữa. Tôi đã cam kết khi tôi khấn trọn đời năm 1959. Tôi đã phải vật lộn với quyết định đó. Tôi tự hỏi mình liệu có làm được không? Câu trả lời đến với tôi cũng là câu trả lời đã đến với Giê-rê-mi-a và những người khác khi Thiên Chúa yêu cầu họ làm một điều gì không kham nổi. Họ trả lời họ không thể làm được. Và Thiên Chúa phán
“Tốt lắm. Giả như Ta nghĩ rằng con có thể làm được, thì hẳn Ta đã không yêu cầu con làm. Con có thể làm được chỉ vì Ta ở bên con.” Mỗi ngày tôi nhận ra tôi có thể giữ được lời cam kết chỉ vì Chúa ở với tôi. Một số trong chúng ta được kêu gọi một cách tiên tri để tỏ cho thế giới biết sự cam kết vừa có thể thực hiện được, vừa có giá trị nữa. Khi tôi làm phép cưới cho người ta, tôi lo lắng không biết liệu có được lâu bền không. Tôi hy vọng là đối với một số họ, một trong những điều sẽ giữ họ bên nhau là nhờ tấm gương về việc tôi giữ lời thề hứa của mình như thế nào.
***
     Một số người nhìn vào sự giảm sút số người đến nhà thờ và việc người ta ngày càng tục hóa, và tự hỏi liệu có phải Giáo Hội đang thất bại? Không thất bại chút nào. Giáo Hội là một cộng đoàn tình yêu, nhưng Giáo Hội cũng thường bị quyến rũ bởi ngẫu tượng, và cần được tái Phúc Âm hóa dài dài. Các ngôn sứ là những người nhắc nhở Giáo Hội đã được thiết lập với mục đích gì. Giáo Hội đương thời cần các ngôn sứ lắm.
     Chắc chắn là Giáo Hội đã thất bại, và thất bại nhiều lần. Nhưng tôi cũng thế, bởi vậy tôi không thể phàn nàn gì hết. Tôi đã thất bại trong việc chỉ coi mình là trung tâm, cứ muốn cầm đầu thôi. Tôi đã thất bại vì biếng nhác và tự hãnh. Như Chúa Giê-su, tôi đã bị cám dỗ bằng nhiều cách. Một vài cám dỗ tôi đã vượt qua được, một ít cám dỗ khác thì không khá lắm. Song tôi luôn luôn có thể trở lại với cái sự kiện là: toàn bộ tiến trình làm một Kitô-hữu có nghĩa là để cho Chúa Giê-su làm Chúa của cuộc sống mình. Tôi thường cầu nguyện bằng lời của thánh Phao-lô, một kinh nguyện ngắn nhất và tuyệt hảo nhất trong Kinh Thánh:
“Giêsu là Chúa.” Khi tôi có thể nói như vậy và thực tình có ý như vậy, tôi biết rằng có Chúa Thánh Linh ở với tôi.
     Khi Chúa Thánh Linh ở với chúng ta, hầu như chúng ta có thể làm bất kỳ chuyện gì. Chúng ta có thể vượt thắng những trở ngại. Có những lần tôi thực hiện được một số điều làm tôi kinh sợ bởi vì tôi biết rằng một mình tôi không tài nào làm được. Lần kia tôi cố vấn cho một phụ nữ mà suốt 25 năm qua đã sợ phải nói chuyện với một linh mục. Một năm sau bà ta viết thư cho tôi nói rằng toàn bộ cuộc đời bà đã thay đổi hẳn. Tôi không tài nào tự làm điều ấy một mình được. Tôi có khuyên một lời trong tòa giải tội mà tôi đã nghĩ rằng không quan trọng lắm. Thế mà, thật là đầy ơn phước đến độ người ta trở lại sau đó và cho biết điều ấy có ý nghĩa với họ biết bao. Quyền năng mà Thiên Chúa hành động qua một linh mục thật kỳ diệu.
     Để duy trì mối tương giao với Thiên Chúa, linh mục chúng tôi cần phải phát triển đời sống thiêng liêng của mình. Tôi không nghĩ rằng đó là vấn đề sinh hoạt qua những nghi thức phụng vụ. Đúng hơn, chính là trung thành với Chúa và đáp lại tiếng Chúa. Một cặp vợ chồng cần phải dành thời giờ cho nhau; linh mục cũng phải dành thời giờ cho Thiên Chúa. Thiên Chúa là sự cam kết của chúng tôi. Chúng tôi phải cẩn thận không để trở thành quá bận rộn đến nỗi quên sót một điều mà người ta thực sự mong muốn. Đó là họ muốn gặp được Thiên Chúa qua chúng tôi.
***
     Có bao giờ tôi nghi ngờ về điều gì chưa? Có chứ, tôi đã lãnh một bài sai khó khăn khiến tôi đâm ra ngờ vực. Và tôi đoán là người độc thân nào cũng có lúc nào đó tiếc rằng mình không có một mái gia đình riêng. Đôi lúc tôi có cảm tưởng mình là một người đàn ông kỳ dị. Cộng đoàn đã giải quyết vấn đề đó giùm tôi, đó là những sư huynh đệ và các linh mục đã nâng đỡ tôi bằng nhiều cách với sự tin tưởng, tình yêu thương và chăm sóc.
     Đối với nhiều người, đời sống độc thân vẫn từng là một cớ vấp ngã. Song nó đã giúp tôi, và tôi tin là nó cũng giúp những người mà tôi phục vụ. Nó đã giải thoát tôi để lúc nào tôi cũng sẵn sàng cho mọi người. Tôi đã dành một số lượng thời giờ khá nhiều để hành hương Đất Thánh, tham dự những hội nghị về Kinh Thánh và giảng thuyết. Thật khó mà làm những điều đó được nếu như tôi lập gia đình. Có thể việc loại bỏ đòi hỏi này sẽ giúp một số linh mục trong công tác của họ. Độc thân có lẽ đã từng là một truyền thống lâu đời của Giáo Hội La-tinh, nhưng không phải của Giáo Hội hoàn vũ. Tuy nhiên, tôi cũng coi đó như một điều tích cực. Sau này độc thân có thể sẽ chỉ là thực hành của những người sống trong cộng đoàn dòng tu. Những người trong đời sống tu trì có cả một cộng đoàn để nâng đỡ họ, một điều thường là vắng bóng trong mục vụ giáo phận.
     Dầu sao vẫn còn một vấn đề nữa cần phải đối diện không chỉ bởi các linh mục, mà bởi bất kỳ ai đang sống, đó là quyền bính. Sự vâng phục giám mục là chuyện khó nuốt với nhiều người chúng tôi. Các giám mục là những người tốt, nhưng họ cũng cần được phúc âm hóa. Một linh mục trẻ gần đây nói với tôi rằng ngài tin là hoàn toàn sai khi phê bình Đức Thánh Cha. Không đâu! Phê phán quyền bính của giáo hoàng vẫn có trong chúng ta từ buổi đầu, và bạn có biết ai là người đầu tiên làm chuyện đó không? Chính là Đức Ki-tô đó. Ngài vừa mới đặt Phê-rô làm kẻ kế vị Ngài, làm Đá Tảng. Rồi khi Đức Ki-tô nói với các tông đồ rằng Ngài sẽ là Đấng Messia chịu đau khổ, thì Phê-rô, vị Giáo Hoàng tiên khởi, thưa rằng:
“Thầy sai rồi; việc gì Thầy phải làm như vậy.” Và thế là sự bất mãn đầu tiên với quyền bính giáo hoàng xảy ra: “Ngươi, Phê-rô, ngươi là Sa-tan.” Bởi thế, đôi khi còn có bổn phận phải phê phán nữa. Nếu đó chỉ là việc chấp nhất, nói rằng những người có quyền bính không thể làm được điều gì đúng, thì tôi không chấp nhận. Nhưng nếu có lý do để phê phán, nghĩa là có tính cách ngôn sứ, thì phải làm thôi để có cái gì đó thắng bớt lại thứ quyền bính lệch lạc.
***
     Dường như ai cũng có một giải pháp đối với sự giảm sút con số ơn gọi ngày nay, dù rằng không có giải pháp nào hữu hiệu cả. Tôi có nghe một số người nói rằng vấn đề ấy nảy sinh từ một thế giới tiêu cực, khinh xuất, ích kỷ và tục hóa. Có thể có một phần nào sự thật trong phán đoán đó, nhưng thật quá dễ để chỉ tay vào người khác. Có lẽ chúng ta nên có một cái nhìn kỹ lưỡng hơn về chính mình, xem chúng ta có là mẫu mực để khích lệ người khác theo mình chăng. Một trong những điều khiến người ta xa lánh là cơn khủng hoảng căn tính nơi các linh mục về việc mình là ai. Khi chúng ta xin một bạn trẻ vào chủng viện, chúng ta đang nói với họ: “Tôi muốn bạn trở nên giống tôi.” Nhưng nếu chúng ta còn không biết mình là ai, thì họ sẽ bảo: “Tại sao lại phải giống anh? Vậy chứ anh là ai đây?” Và chúng ta sẽ trả lời: “Tôi không chắc lắm, nhưng chúng tôi sắp có buổi họp Thứ Sáu này để tìm cho ra đấy.”
     Thực ra tôi không thấy hoang mang vì chuyện giảm sút ơn gọi. Theo lịch sử thì tình trạng từ năm 1920 đến 1960 vốn là điều may mắn. Chưa bao giờ trong lịch sử mà chúng ta lại có được một thời nở rộ các ơn gọi như thế. Chúng ta đã truyền chức linh mục để dạy toán cho trẻ em ở trung học. Một trong những lý do của việc giảm ơn gọi là sự kiện người giáo dân đang tìm ra vai trò của họ, còn linh mục thì lại đang gỡ bỏ những ràng buộc trong đời mình. 
 
     Vào thời buổi này chúng ta đang ở trong tình trạng lưng chừng. Điều mà Giáo Hội cần ngay bây giờ là các vị ngôn sứ biết phê phán. Yves Congar, một thần học gia, đã là ngôn sứ, và đã một thời phải khốn khổ vì làm ngôn sứ. Ngài bị cấm không được viết sách hay giảng thuyết. Tuy vậy ngài vẫn yêu mến Giáo Hội, và không bao giờ bỏ cuộc. Trong những ngày của Công Đồng, ngài đã trở thành một chuyên gia thần học; thậm chí ngài được phong hồng y bởi giáo hoàng Gio-an Phao-lô II. Giáo Hội chẳng bao giờ chịu xin lỗi; nhưng chỉ việc ban mũ đỏ cho bạn thôi. Hai thần học gia lỗi lạc khác là Teilhard de Chardin và Lubac cũng đã chịu khốn khổ nhưng không hề bỏ Giáo Hội. Họ cũng không xé Giáo Hội ra từng mảnh. Người ta thường nói họ là những phê bình gia có lòng yêu thương, và họ đã phê phán một cách đầy thương mến.
***
     Có một điều mang lại phần thưởng cho tôi khi làm linh mục, đó là sự biết ơn của những người đã chịu ảnh hưởng bởi 25 năm dạy học và giảng thuyết của tôi. Tôi đã không được huấn luyện kỹ càng về giảng dạy. Tôi đã phải phát triển năng khiếu với sự trợ giúp của ơn Chúa. Sau khi tôi đã giảng một bài đến nơi đến chốn, và sau khi đã cử hành phụng vụ thật đàng hoàng, thật là khích lệ biết bao và cảm thấy được đón nhận khi người ta tiến đến gặp tôi và bảo tôi rằng: vì Thiên Chúa đã nói qua tôi, nên đời sống họ đã có phần ảnh hưởng. Điều ấy làm tôi cảm thấy đã sống cuộc đời mình một cách hữu ích. Nó cho tôi nhận ra là mình đã làm được điều khác biệt, rằng tôi đã trở thành một bí tích vậy. 
     – Ít lâu sau cuộc phỏng vấn này, có một người lịch lãm đến chào cha Doyle ở Đền Thánh An-tôn và nói với ngài: “Tôi chỉ muốn cho cha biết rằng tôi đã dự thánh lễ cha dâng ở Đền Thánh trong mấy năm qua. Cha cử hành phụng vụ với lòng tôn kính đặc biệt. Các bài giảng của cha thật tuyệt vời, chúng có ý nghĩa với tôi nhiều lắm.” Khi người đàn ông ấy bước đi rồi, cha Doyle quay lại và nháy mắt. Ngài chẳng cần phải nói rằng “Tôi đã bảo mà,” nhưng ngài đã có thể nói như vậy lắm.


[1] O.F.M. - Tiếng La-tinh Ordo Fratum Minorum: Dòng Anh Em Hèn Mọn. Tiếng Anh viết là Order of Friar Minor. Do thánh Phan-xi-cô Assisi sáng lập năm 1209 tại Ý, cũng gọi là dòng Phan-xi-cô.

[2] The Image of God, a Biography.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...