04/06/2022
1018
Linh mục
Jack D. Barker

Palm Springs, tiểu bang California

     Từ sau Công Đồng Vatican II, khoảng 100 linh mục Tân Giáo đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo Rô-ma. Vào tháng 11 năm 1976, Giáo Hội Tân Giáo chấp thuận cho việc phong chức phụ nữ làm linh mục. Liệu sự thu hút vào Giáo Hội Công Giáo của các linh mục Tân Giáo trước đây là một phản ứng bảo thủ và là sự phản đối quyết định ấy, hay còn có những lý do nào khác khiến họ chuyển hướng? Linh mục Jack Barker, cha sở nhà thờ thánh Phan-xi-cô Assisi ở Palm Springs, tiểu bang California, trả lời câu hỏi này từ một nhãn giới khác.
     Cha Barker là một con người vừa thông thái, đầy sinh lực mà lại lịch thiệp. Cái nhìn nội tâm của ngài về Giáo Hội Công Giáo và kiến thức về lịch sử Giáo Hội thật bao quát. Cha Barker đã lãnh một bài sai có lẽ hơi khác thường đối với một cựu linh mục Tân Giáo. Ngài chịu trách nhiệm về ơn gọi vùng Palm Springs thuộc giáo phận San Bernardino.
     Cha Barker sinh tại Sisseton, tiểu bang South Dakota, và lớn lên tại miền Nam California. Ngài chịu chức linh mục trong Giáo Hội Tân Giáo năm 1970, và được truyền chức linh
mục Công Giáo năm 1992.


     Trong trường đại học tôi đã gặp một linh mục Tân Giáo thật năng động, là người đã gây ấn tượng đầu tiên mạnh mẽ nơi tôi về ơn gọi. Ngài khiến tôi phải suy nghĩ sâu xa hơn về điều tôi định làm trong đời. Cho đến lúc đó là năm 1963, tôi mới chỉ đơn thuần nghĩ đến việc kiếm sống qua ngày. Qua ảnh hưởng của ngài, tôi đã có thể đi Anh quốc học thần học. Tôi học trường Đại Học Phục Sinh[1] ở miền Bắc nước Anh, do Cộng Đoàn Phục Sinh[2] điều hành. Việc tông đồ đặc biệt của họ là giáo dục, cung cấp nhân sự cho Đại Chủng Viện, và làm việc với người nghèo.
     Đại Học Phục Sinh là một kinh nghiệm tôn giáo mới mẻ đối với tôi, một việc huấn luyện thực sự trong giáo hội cấp cao[
3]. Chương trình sinh hoạt mỗi ngày hầu như giống hệt với các chủng viện bên Công Giáo thời ấy. Lời nguyện tạ ơn bữa ăn đều bằng tiếng La-tinh. Chúng tôi giữ thinh lặng sau giờ kinh tối. Phụng vụ hoàn toàn nằm trong khuôn khổ Công Giáo và dùng mọi dấu hiệu cũng như biểu tượng của một đời sống tu viện bên Công Giáo. Bởi thế, kinh nghiệm tôn giáo của tôi lúc ấy là một chủng sinh thuộc về công giáo – với chữ “c” nhỏ.
     Sau thời gian huấn luyện trong chủng viện bên Anh quốc, tôi làm đơn với giám mục Tân Giáo xin được nhận vào Los Angeles. Trước hết tôi cần phải kiếm tiền, vì thế tôi làm công việc của một người kỹ sư ba năm trời, rồi trở lại chủng viện học năm cuối cùng. Tôi được truyền chức linh mục năm 1970.
     Sau khi chịu chức, tôi làm việc một năm tại một giáo xứ, rồi làm cha sở nhà thờ Thánh Mary từ năm 1971 đến 1986, đây là một xứ đạo Anh Giáo-Công Giáo ở Los Angeles, nhỏ bé nhưng đáng kể. Trong năm đầu tiên ở đó, tôi bắt đầu tham gia vào Liên Hiệp Giáo Hội Hoa-Kỳ.[
4] Hiệp hội này gồm một nhóm giáo sĩ và giáo dân cổ võ giáo huấn Công Giáo trong giáo hội Tân Giáo về các lãnh vực mục vụ, bí tích, phụng vụ, và cũng hoạt động hướng về việc phối kết giữa Công Giáo Rô-ma và Anh Giáo. Trong khoảng thập niên 60 và 70, việc đạt tới mục đích đó xem ra có thể lắm. Tôi đã hoàn toàn dấn thân cho công việc này. Tôi tin rằng sự thiếu hiệp nhất là một cái gì xúc phạm đến Thiên Chúa, một sự phản bội lại sự hiệp nhất mà Chúa Giê-su đã cầu xin trong kinh nguyện thượng phẩm của Ngài (Gio-an chương 17). Nhưng trong thập niên 70, càng ngày người ta càng thấy rõ ràng là sự hiệp nhất đó sẽ không thực hiện nhanh chóng được, bởi vì giáo hội Tân Giáo đã chọn đi theo hướng cấp tiến trong mục vụ. Người ta bắt đầu phong chức linh mục cho phụ nữ, mặc dầu Giáo Hoàng Phao-lô VI đã cảnh tỉnh rằng nó sẽ tạo ra một sự ngăn trở cho việc nghiên cứu sâu rộng hầu tiến tới hiệp nhất. Tôi đi tới kết luận là một sự hiệp nhất như thế sẽ không xảy ra trong đời mình.
     Đó chính là lúc tôi quyết định bắt đầu cuộc hành trình trở về với Giáo Hội Rô-ma. Nếu tôi đã không thể là một phần tử của sự tác hợp từ Giáo Hội của tổ tiên tôi, thì giờ đây tôi muốn chính mình làm điều ấy. Hẳn nhiên đây không phải là vấn đề bực tức với người Tân Giáo hay chống đối việc phong chức linh mục cho phụ nữ. Tôi chỉ đơn thuần thấy rằng hướng đi của người Tân Giáo có nghĩa là, cho dù trong hiện tại hay một tương lai gần, sự hiệp nhất của hai Giáo Hội không thể nào thực hiện được. Đối với tôi, vấn đề là ở chỗ hiệp nhất. Bởi vậy, cuộc hành trình của tôi về với Công Giáo Rô-ma, dù đã bắt đầu từ lâu rồi, nay mới xoay chuyển tận gốc rễ vào năm 1977. 
     Một linh mục dòng Phan-xi-cô ở Portland, tiểu bang Oregon, từng là bạn của Hồng Y Seper, nguyên Tổng Giám Mục Zagreb, và là vị tiền nhiệm của Hồng Y Ratzinger với tư cách là Bộ Trưởng Thánh Bộ Đức Tin và Tín Lý, thưa chuyện với Hồng Y về ý muốn của tôi và hỏi xem tôi nên liên lạc với ai. Ngài Hồng Y nhắn lời qua vị linh mục dòng Phan-xi-cô mời tôi đến Rô-ma gặp ngài. Tôi tới đó tháng 11 năm 1977.
     Trước hết tôi gặp cha William Levada từ Long Beach, tiểu bang California, lúc ấy là bí thư của hồng y. Hiện nay cha đang là tổng giám mục San Francisco. Cuối cùng hồng y tiến vào. Tôi hoàn toàn bị phủ ngập bởi lòng độ lượng và hiền hậu của ngài. Tôi kể cho ngài nghe việc tôi tham gia Liên Hiệp Giáo Hội Hoa-Kỳ, và cho ngài biết tôi đại diện mấy trăm linh mục đang có ý định trở thành linh mục Công Giáo Rô-ma. Tôi trình bầy mối quan tâm và điều nghịch lý của mình, và chúng tôi đã đi đến kết luận sẽ tiến hành như thế nào từ nay trở đi. Chúng tôi có gặp thêm lần thứ hai để hoạch định một số chi tiết. Ngài bảo:
“Cha cứ tiếp tục làm mục vụ cho giáo dân của cha, làm phép cưới, an táng và rửa tội cho họ cho đến khi cha và giáo dân có thể gia nhập Giáo Hội cùng một lúc.” Từ lúc ấy, tôi cảm thấy gắn bó với ngài hồng y. Giờ đây tôi đã bỏ lại sau lưng sự vâng lời theo luân lý đối với giáo hội Tân Giáo, và đã chuẩn bị để từ nhiệm xứ đạo của tôi, trừ khi xứ đạo muốn gia nhập cùng với tôi. Thật ra, cuối cùng thì có đến một nửa xứ đạo đã đi theo tôi.
     Năm 1978, mọi chuyện chậm lại mất một thời gian vì hai vị giáo hoàng qua đời cách nhau có một tháng. Thế rồi giáo hoàng Gio-an Phao-lô II được bầu lên. Năm 1979, Hồng Y Seper được tái bổ nhiệm làm Niên Trưởng của Công Hội và yêu cầu tôi cũng như các đại diện khác trở lại Rô-ma. Thêm nhiều cuộc trao đổi diễn ra. Thật là một giai đoạn đầy bất ổn và khó khăn vì các vấn đề đang diễn ra trong xứ đạo mà tôi phục vụ. Mãi đến năm 1987 tôi mới được đón nhận vào Giáo Hội Công Giáo. 
    Một nhóm thứ hai gồm các linh mục đi theo một lộ trình khác. Họ theo sự lãnh đạo của cha Jim Parker ở tiểu bang Georgia. Cha Parker tiếp sau đó trở thành bí thư của Hồng Y Law, là vị được đặc cử để hành xử các vấn đề liên quan đến Anh Giáo. Hồng Y Law là vị đại biểu của hàng giáo phẩm tại Hoa-Kỳ được phép nhận những người bên Tân Giáo đã lập gia đình nay xin làm linh mục trong Giáo Hội Công Giáo Rô-ma. Chương trình ấy được chấp thuận năm 1980. Có khoảng chừng 80 linh mục Tân Giáo đã gia nhập Giáo Hội Rô-ma trong 15 năm qua. Họ đang hoạt động trong nhiều giáo phận khắp nước Mỹ.
***
     Điều ngạc nhiên lớn nhất từ khi tôi gia nhập Giáo Hội Công Giáo đến từ một kinh nghiệm quá khứ của tôi trong Tân Giáo. Người giáo dân của chúng tôi khi ấy được học hỏi kỹ càng. Tôi hơi ngạc nhiên vì sự thiếu hiểu biết của nhiều người Công Giáo về những điểm căn bản trong niềm tin của họ. 
     Sự thất vọng lớn nhất có lẽ do sự ngây ngô lúc đầu, xảy ra khi người ta không hành xử như thể họ tin vào những giáo huấn trong tôn giáo của mình. Chẳng hạn, khi có sự nhỏ nhen thiếu bác ái, và những phàn nàn không căn cứ. Đấy không phải là vấn đề chính yếu trong xứ đạo này, song khi nào bạn có 4.000 người hay 1.800 gia đình, bạn hầu như sẽ có ít nhất là 1% những người không cảm thấy hài lòng. 
     Niềm vui lớn lao nhất của tôi là được gần gũi với người ta vào những lúc trong đời họ khi mà họ cần sự đụng chạm chữa lành của Chúa Giê-su. Điều đó xảy ra trong tòa giải tội, lúc làm linh hướng, khi thăm viếng người đau yếu, và khi săn sóc người hấp hối. Vào những lúc đó, tôi được phép đi vào trong trạng huống dễ tổn thương nhất trong đời người. Thật là một phước lành được thấy sự đáp trả huyền diệu từ trong đau đớn mà đến, khi Thiên Chúa, qua vị linh mục, có thể đụng chạm tới con người ta vào những lúc quan trọng như vậy.
***
     Có một điều linh mục có thể làm cho người ta mà không thành viên của nghề nghiệp nào có thể làm, đó là chú tâm đến sự trưởng thành và thánh thiện bản thân của những người mà linh mục phục vụ. Ngài cũng có thể làm điều đó cho chính mình. Các linh mục chúng tôi có những ngày thinh lặng, có thể đi tĩnh tâm, và có những ngày để hồi tưởng lại, cũng như có cơ hội khám phá chiều dài, chiều rộng và chiều sâu của tâm hồn. Đó là một trong các đặc ân của mục vụ được truyền chức thánh.
     Ai cũng muốn làm được điều gì khác biệt trong thế giới, và tôi tin là tôi đã làm được, mặc dầu đôi khi bằng những cách thế khó mà đo lường nổi. Một thí dụ đơn giản: có lần tôi cố vấn cho một phụ nữ mà người chồng của con gái bà qua đời. Bà ta sắp di chuyển trở lại miền Ðông để sống với người con gái. Tôi khích lệ bà và có vài lời đề nghị. Mười năm sau tôi nhận được một thiệp Giáng Sinh do bà gửi, cảm ơn tôi về lần trao đổi đó, nói rằng nó đã tạo nên một sự khác biệt lớn. Bà kể cho tôi nghe bà đã không bao giờ quên những lời khích lệ tôi đã dành cho bà. Bà ta đã nhập tâm những lời ấy, và chúng đã thay đổi đời bà. Tôi nghĩ tới biết bao điều khác đã từng xảy đến cho những người không có cơ hội viết ra. Khi tôi giảng Lời Chúa cho 1.000 người, thì tôi đang đụng chạm tới 1.000 bộ tai, 1.000 cuộc sống. Và sẽ có 1.000 câu đáp trả cho điều tôi đang nói.
     Tôi biết là mình đã làm được điều khác biệt trong cuộc sống của những người Tân Giáo mà tôi đã đưa vào Giáo Hội. Có một vài điều nghịch lý, và công luận không được tốt. Nếu tôi làm người ta bị tổn thương vào thời điểm đó, không phải là vì cố ý. Nhưng như bất kỳ ai khác, tôi phải công nhận có khía cạnh lu mờ về ảnh hưởng của tôi với giáo dân. Về phương diện tích cực, nếu tôi đã làm được gì khác biệt, ấy là việc của Thiên Chúa, và thường khiêm tốn thôi. Khi tôi thăm viếng ai đó sắp chết hay đang bị khủng hoảng, và thấy người đó được an ủi vì điều mình nói ra, thì tôi luôn cảm thấy được tài bồi thêm lúc ra về. Thường thì tôi chào biệt họ và nói rằng tôi không biết là mình có thể mạnh sức đến thế hay can đảm như thế nếu tôi phải đối phó với những vấn đề khủng khiếp mà họ đang trải qua.
***
     Tôi khám phá ra rằng cuộc sống độc thân quả là một kinh nghiệm rất quyền năng. Nó cho tôi có một mức độ thân mật với giáo dân và điều ấy không có được cùng một chiều kích, nếu như tôi có một gia đình riêng. Trong một ý nghĩa nào đó, dường như người dân của Thiên Chúa ganh tị thế nào ấy với các linh mục của họ. Giả như tôi sẽ là cha của người ta –hình ảnh một người cha– điều ấy có nghĩa là tôi có mối tương quan gia đình với họ. Và người cha của một gia đình cần phải được tín nhiệm. Người ấy cần phải biết tất cả mọi điều đang diễn ra trong gia đình. Người ấy là dấu hiệu của sự hiệp nhất cho gia đình đó. Độc thân cũng là một dấu hiệu của vương quốc; nó là một thứ văn hóa khác thường. Có lúc nó có thể gặp khó khăn, song có một sự khác biệt giữa việc sống một mình và bị cô đơn. Không thiếu những lúc tôi cảm thấy trái tim mình rung động.
     Tôi thấy rất rõ tương lai của việc sống độc thân qua việc đọc lịch sử Giáo Hội. Những điều mới mẻ không phải được tạo thành từ hư không. Thông thường, Giáo Hội đáp ứng lại cuộc sống. Trước hết chúng ta có đời sống, rồi chúng ta mới có luật lệ. Một điều gì đó xảy ra trước trong thân thể của tín hữu, rồi chúng ta diễn dịch nó, sau đó mới có lề luật. Trong số hơn 20 lễ nghi Đông Phương của Giáo Hội Công Giáo, trước hết có sự sống, có đức tin, và từ đó mới nảy sinh ra những cách thức khác nhau để diễn tả phụng vụ và mục vụ. Có những linh mục lập gia đình ngoài Hoa-Kỳ. Ngay trong nước Mỹ, có những linh mục đã lập gia đình từ Giáo Hội Tân Giáo đến. Tôi nghĩ rằng cuộc sống giữa các tín hữu sẽ mở ra nhiều phong thái khác nhau. Trong thế giới thứ ba, nhất là nơi dân chúng các bộ tộc, đời sống gia đình là giá trị trung tâm. Chế độ một vợ một chồng chưa từng là một điều được thực hành trong văn hoá của họ. Sống độc thân lại càng khó được chấp nhận. Thành thực mà nói, chúng ta phải thú nhận rằng việc giáo sĩ lập gia đình vốn đã hiện hữu. Rồi sẽ đến lúc Giáo Hội đối diện với thực tại ấy. Tôi không dám chắc rằng sẽ có một sắc lệnh từ trên cao bỗng dưng tuyên bố một chức linh mục được lập gia đình cho khắp hoàn vũ. Đúng hơn, nó sẽ mở ra trong phương cách từng bữa ăn nhỏ trải một giai đoạn dài. Trong tương lai gần, có lẽ chúng ta sẽ có hai sắc thái linh mục. Sẽ có một chức linh mục dẫn đến những dòng mục vụ khác cho linh mục độc thân –một cuộc sống trong dòng tu như hình thái hiện thời chúng ta đang có. Mô thức kia sẽ là hình thái gia đình. Song tất cả những điều này sẽ chỉ xảy ra tiệm tiến thôi.
***
     Khi hy vọng không có nhiều, chúng ta có thể bắt đầu phục hưng lại nhân đức đó bằng cách trở về đời sống thuộc linh thuần khiết. Điều ấy có nghĩa là phát triển con người toàn diện –nếu bỏ qua một phần nào là chúng ta sẽ bị rối loạn. Nói về sứ vụ linh mục, chúng ta sẽ phải thành thực đối diện với các vấn đề của mình. Một số linh mục không hoàn tất tiến trình trưởng thành của mình nên trở thành những linh mục có đầy vấn đề. Chúng ta sẽ phải đánh giá lại cách chúng ta lựa chọn, huấn luyện, và truyền chức cho các linh mục của chúng ta. Chúng ta không thể vùi đầu trong cát. Nhìn bề ngoài, đây là một thời điểm gai góc để được truyền chức linh mục. Song đối với tôi, điều ấy làm cho việc truyền chức càng phấn khích hơn. Tôi sẽ lấy làm tiếc nếu đã được truyền chức vào một thời điểm khi mà không có vấn đề gì để giải quyết, không có núi cao để trèo, và không có đại dương để vượt qua.
     Tôi cảm thấy ngây ngất về món quà mà tôi đã nhận được. Ơn gọi của tôi đã mang đến cho tôi biết bao phần thưởng, biết bao điều thỏa lòng mà tôi không thể đếm hết. Theo nhận định của tôi, không có cách nào tốt hơn, cơ hội nào lớn hơn để trở thành người mà Thiên Chúa muốn bạn trở thành hơn là làm linh mục.




[1] College of the Resurrection – thường được biết đến với tên Mirfield, là một thần học viện của Anh Giáo theo chiều hướng Anh Giáo và Công Giáo, sáng lập năm 1903 ở Mirfield, Anh quốc, do các linh mục Anh Giáo thuộc Cộng Đoàn Phục Sinh (Community of the Resurrection), đào tạo linh mục như các chủng viện Công Giáo.
[2] Community of the Resurrection (C.R.)– Cộng đoàn tu nhỏ do sáu linh mục Anh Giáo thành lập năm 1882 tại Oxford, thoát thai từ trào lưu canh tân Công Giáo tại Anh quốc. Họ thiết lập College of the Resurrection để đào tạo linh mục. Tinh thần cộng đoàn rất gần gũi với luật sống của dòng Biển-Đức của Công Giáo, sống khó nghèo, làm việc với người nghèo và chủ trương đại kết. Đến 2012, cộng đoàn có 22 thành viên.
[3] High Church – từ ngữ thường được dùng để phân biệt những hội thánh trong Anh giáo vẫn nhấn mạnh đến việc hàng giáo sĩ tuân thủ nghiêm ngặt các lễ nghi phụng vụ và thần học sát với Công Giáo.
[4] American Church Union.

 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...