22/11/2021
713
Linh mục
Charles A. Gallagher, S.J.
Elizabeth, tiểu bang New Jersey


     Cha Chuck[1] “Xin đừng gọi tôi là Charles” Gallagher sinh ngày 18 tháng 8 năm 1927 tại Garisson, tiểu bang New York, và thụ phong linh mục năm 1960 với tư cách một thành viên Dòng Tên.
     Cha Gallagher là một con người tuyệt diệu, được biết đến khắp thế giới với danh hiệu Cha Gặp Gỡ Hôn Nhân. Ngài thông thạo việc khai triển và cổ súy những chương trình mới, phần nhiều thoát thai từ Phong Trào Gặp Gỡ Hôn Nhân
[2]. Ngài là một cây viết phong phú, với 50 cuốn sách và nhiều cẩm nang mang tên ngài. Phong Trào Gặp Gỡ bắt đầu ở Tây-Ban-Nha, nhưng cha Gallagher chính là người, hầu như một mình ngài (một sự kiện mà ngài vội chối ngay), đã biến nó thành một cuộc cách mạng trải khắp nước Mỹ và đến tận hơn 50 quốc gia. Ngài là nhân vật truyền kỳ giữa các cặp vợ chồng. Khi ngài giảng thuyết ở các hội nghị quốc gia, ngài được dành cho một phòng hội lớn nhất để chứa được hàng ngàn người, những người biết ngài một cách thân thiết và muốn được nghe ngài giảng lần nữa.
    Cùng với mục vụ của ngài cho những cặp hôn nhân, sự yêu mến chức linh mục của cha Gallagher khá rõ rệt. Hiện ngài 
đang phụ trách Trung Tâm Canh Tân Đời Sống Hôn Nhân ở Elizabeth, tiểu bang New Jersey.



 
     Suốt thời niên thiếu của tôi, xứ đạo là trung tâm đời sống xã hội của mọi người. Có các cuộc khiêu vũ, và sinh hoạt đủ loại của những Tổ Chức Giới Trẻ Công Giáo. Đức ông McMahon, cha sở của chúng tôi, là một linh mục ngoại hạng, một người thông thái, và đầy bản lãnh. Ngài luôn đi trước thời đại của mình. Ngài mang các linh mục từ Anh Quốc về để giảng phòng Mùa Chay trong xứ, và có một ban kịch để diễn màn Thương Khó hàng năm, và cả những vở kịch khác mang chủ đề thiêng liêng, để cho việc giảng dạy trong xứ đạo không bị giới hạn vào tòa giảng. Ngài điều hành một trường học xuất sắc, và tôi đã theo học bốn năm ở đó. Một nhóm các nữ tu dạy chúng tôi học thật tuyệt làm sao!
     Tất cả bọn trẻ chúng tôi trong trường của xứ đạo dự thánh lễ và rước Chúa mỗi ngày. Sơ Mary Antoine, cô giáo của tôi, là một phụ nữ khôn ngoan. Sơ nói với chúng tôi rằng điều tách biệt đàn ông khỏi bọn con trai là việc đi dự thánh lễ và rước lễ ngày thứ Bảy. Khá là thông thái đấy chứ, biết cách biến nó thành một chuyện của đấng nam nhi cho chúng tôi! Mẹ tôi dự thánh lễ mỗi ngày. Cha tôi làm việc ban đêm với nghề đốc công của những người phát thư cho tờ
Tin Tức Hằng Ngày. Ông cũng rất thường hay dự lễ hằng ngày. Các linh mục được mời đến ăn bữa tối, và họ không bao giờ bị chỉ trích. Không phải vì cha mẹ tôi ngây ngô; chỉ là vì họ yêu mến các linh mục.
     Tất cả mọi kinh nghiệm gia đình chúng tôi có đối với Giáo Hội đều là tích cực. Giáo Hội là trung tâm đời sống của chúng tôi. Khi tôi còn vị thành niên và đi khiêu vũ, nếu ai đó hỏi tôi từ đâu đến, tôi sẽ không nói từ
“Washington Heights” nhưng từ “xứ Đức Mẹ Lộ Đức,” và tôi cũng mong đợi cô gái kia nói cho tôi nghe những thông tin như vậy, cho tôi biết cô ấy từ xứ đạo nào đến.
     Giáo xứ chúng tôi được biết đến là một xứ ơn gọi. Chúng tôi có nhiều thánh lễ Mở Tay mỗi tháng Sáu hơn là các đám cưới. Câu chuyện đối thoại các ngày Chúa Nhật luôn luôn nói về một trong các cậu con trai trong xứ đang ở chủng viện. Cậu bé thuộc về cả giáo xứ, và khi chàng trai được truyền chức, cả xứ đạo dự thánh lễ Mở Tay của người ấy. Tất cả những điều này là một kích thích rất lớn cho một người trai trẻ nghĩ đến việc làm linh mục. Những bài học về đức tin được dạy bởi người tín hữu cũng nhiều như bởi các linh mục vậy.
     Khi tôi lên khoảng mười tuổi, lúc ấy tôi đang thả bộ trên đường, vừa đi vừa ném một trái banh vào tường nhà, tôi đi ngang một viên cảnh sát người ÁiNhĩ-Lan đang quay quay chiếc dùi cui. Ông ta nhìn tôi và nói:
“Này, em trông giống một bé trai ngoan đấy. Em có bao giờ nghĩ đến chuyện làm linh mục không?” Tôi không nói gì, nhưng từ lúc ấy trở đi, tôi không thể nào gạt bỏ ý tưởng đó khỏi tâm trí.
     Vì muốn tôi học với các thầy giáo, cha mẹ tôi đã gửi tôi đến học tại All Hallows, một trường dành cho Các Sư Huynh[
3] của Ái-Nhĩ-Lan. Tôi đã có một thời kỳ hạnh phúc ở  đó. Các thầy đều tuyệt vời. Rất nhiều người biết quan tâm, ai cũng muốn chúng tôi học giỏi. Rồi tôi đi Trung Học Regis, do các linh mục dòng Tên dậy, và bắt đầu nghĩ đến việc trở thành linh mục. Các thầy giáo ở Regis đối xử với tôi tử tế, và tôi cảm thấy gần gũi với các ngài, nhất là cha Tom Burke, một con người vừa thánh thiện lại vừa rất thực tế. Ngài thích thể thao, đồng thời ngài cũng là người của niềm tin và cầu nguyện. Ngài làm cố vấn cho học sinh, nhưng không bao giờ cưỡng bách kỷ luật. Chúng tôi thường hay tuyên bố rằng nếu ngài đi ngang qua một ngôi nhà mà chúng tôi vừa đốt cháy xong, ngài sẽ nói “Lửa đẹp đấy, các bạn trẻ.” Song nếu có đứa nào nghịch ngợm trong nhà thờ, ngài sẽ biến thành một thiên thần báo oán ngay.
     Trong những năm Trung Học, nhờ dự lễ hằng ngày mà tôi tìm được các nàng để hẹn hò. Tôi biết mình không được nhìn ngang dọc trong nhà thờ, nhưng tôi đã gian lận. Tôi cho phép mình được cái ưu quyền nhìn ngắm một số vẻ đẹp của Thiên Chúa. Chúng tôi được dạy là phải đến viếng nhà thờ trước và sau một cuộc hẹn hò, bởi thế khi chúng tôi đón một bạn gái đi chơi, chúng tôi đến nhà thờ trước. Ngày nay nghe có vẻ hơi kỳ lạ đấy; lúc đó thì không đâu.
***
     Khi tôi thưa với mẹ rằng tôi muốn làm một linh mục dòng Tên, bà đã phản ứng lại như tôi đã mường tượng ra: bà khóc. Tôi biết chắc trong tâm trí bà đã hình dung tôi mặc áo lễ, ban phước lành bên phải, bên trái và hai bên nữa. Cha tôi thì phản ứng khác, ông trở nên rất nghiêm nghị: “Điều ấy thật là tuyệt vời. Ba hãnh diện về con.” Nhưng rồi ông nhìn tôi thấu tận tâm can và bảo: “Nếu con định trở thành một  linh mục, phải chắc chắn là con sẽ làm một linh mục tốt.” Điều ấy là một mặc khải cho tôi. Ông ý thức về những linh mục đã không theo đuổi ơn gọi cho đàng hoàng, song điều đó không làm cho ông ngừng yêu quý các linh mục. Và ông cũng không vướng vào cái vinh dự được dành cho một gia đình vì có một người làm linh mục. Ông lưu tâm hơn đến những gì mà Giáo Hội sẽ nhận được.
     Chương trình dòng Tên huấn luyện linh mục mất 13 năm, gồm cả thời gian dạy học như một kinh sĩ. Bài sai của tôi là dạy ở Trung Học Canisius tại Buffalo. Sau ba năm thần học, chúng tôi được lãnh chức Phụ Phó Tế ngày Thứ Năm, chức Phó Tế ngày Thứ Sáu, và chịu chức linh mục ngày Thứ Bảy. Khi tôi nằm sấp trên cung thánh, tôi đã cầu xin một ân huệ: chỉ xin cho tôi đừng là kẻ vô tích sự. Ngày hôm sau tôi dâng thánh lễ Mở Tay trọng thể tại nhà thờ thánh I-nha-xi-ô, nơi tôi đã dự lễ thường xuyên khi còn là học sinh Trung Học Regis. Một trong những niềm vui đặc biệt ngày hôm ấy là khi 20 học sinh –mà tôi đã dạy ở Canisius– cuốc bộ từ Buffalo đến dự thánh lễ đầu tay của tôi, kể cả một chàng trẻ vẫn còn diện nguyên bộ tuxedo mặc khi nhảy đầm với bạn cùng lớp! Tôi rất cảm động về điều ấy. Và tôi sẽ không khi nào quên được sự kỳ diệu của cái giây phút thánh hiến. Tôi gần như đã không muốn nói những lời đó, bởi cảm thấy mình không xứng đáng nói chúng ra, song biết rằng đây là điều mà Chúa và Dân Ngài đã mời gọi tôi cử hành.
***
     Từ năm 1961 đến 1967, tôi được bài sai đến nhà tĩnh tâm cho các nam học sinh ở Monroe, tiểu bang New York. Ngôi nhà ấy đã khởi sự từ thời chiến tranh Triều Tiên để chuẩn bị bọn trẻ gia nhập quân đội, do một linh mục vĩ đại nhất mà tôi từng biết, là cha John Magan. Sau này, cha Walsh biến nó thành một trại hè cho các trẻ trai nghèo từ vùng Hạ phía Đông, với bốn buổi tĩnh tâm mỗi tuần. Những chuyến xe buýt đến để đón tụi trẻ về nhà, đồng thời cũng chở đến một nhóm mới. Những trẻ em thành thị cứng đầu này đến nơi ấy vừa nổi loạn vừa khó chịu. Thế mà trước khi chúng rời khỏi đó, chúng khóc trước tượng chịu nạn.
     Năm 1968, một thay đổi lớn xảy đến trong đời tôi. Lúc ấy tôi đang làm việc với Phong Trào Gia Đình Ki-tô Hữu, có tổ chức một đại hội quốc gia mỗi hai năm một lần tại Notre Dame. Một người bạn yêu cầu tôi điều hành một khóa học về sự hình thành của lương tâm Công Giáo. Trong thời gian tôi ở đó, người bạn ấy đến nói với tôi rằng cô vừa tham dự một khóa học khác gọi là Gặp Gỡ Hôn Nhân.
“Phong trào ấy cần một linh mục. Họ sẽ tổ chức một khoá cuối tuần ở tiểu bang New Jersey, cha đi chứ?” Tôi đã đến đó, và hết sức cảm kích bởi việc chương trình này đã đến với các cặp hôn nhân thế nào. Cuối tuần ấy là điều mà tôi cần làm cho các giáo dân của tôi, và thế là chúng tôi lập thành một nhóm, soạn một số bài nói chuyện, và lên lịch trình một cuối tuần Gặp Gỡ ngay tháng kế tiếp.
     Chúng tôi tổ chức cuối tuần ấy ở giáo xứ thánh An-rê, nơi thực tập cũ của tôi. Chúng tôi chỉ có năm cặp vợ chồng tham dự, song họ là những con người kỳ diệu. Tôi vẫn còn nhớ cái anh chàng to con chơi bóng đá ở đại học. Vào ngày Chúa Nhật, anh ta ngồi trong phòng hội, đấm xuống bàn thình thịch, nước mắt ràn rụa trên má. Anh ta cứ nói mãi: 
“Tôi đã làm nàng bị tổn thương; tôi đã làm tổn thương nàng, dù tôi đã hứa yêu thương nàng.” Nếu như không làm được cái gì khác, thì nguyên cái kinh nghiệm đó thôi cũng đã bán đứt tôi cho Phong Trào Gặp Gỡ Hôn Nhân rồi.
     Sau cuối tuần đầu tiên đó, vào tháng 11 năm 1968, chúng tôi đã tổ chức thêm những buổi khác. Cho đến tháng Ba năm 1970 chúng tôi đã tổ chức bốn cuối tuần mỗi tháng. Trong tháng Tư chúng tôi tổ chức đến sáu khóa, tất cả trong khu vực Long Island. Rồi chúng tôi bay qua Sioux Falls và Buffalo để tổ chức các buổi cuối tuần tại đấy. Tất cả đều là những cơ hội nhất thời. Chúng tôi không có kế hoạch gì cả, nhưng cứ tiếp tục phát triển. Vào khoảng thời gian này, chúng tôi quyết định là mình không có quyền gì để chỉ dành chương trình ấy cho người Công Giáo, vì thế chúng tôi bắt đầu dành 1 trong 4 chỗ cho những người thuộc các niềm tin khác. Lý do đơn giản để không đi quá “1 trong 4” là vì chúng tôi muốn nói về các bí tích và những đề tài Công Giáo nữa. Chúng tôi không thể thực hiện điều đó nếu đại đa số các cặp lại thuộc các niềm tin khác. Khoảng năm 1971, chúng tôi giúp cho Gặp Gỡ Hôn Nhân qua cách diễn tả của Do-thái giáo khởi sự. Chủ trương của chúng tôi là giúp bất cứ tôn giáo nào muốn tự họ tổ chức buổi cuối tuần. Chúng tôi huấn luyện cho các nhóm của họ và tặng họ tài chánh cùng các tiếp liệu cần thiết. Lúc ấy chưa có hội đồng cấp quốc gia, mới chỉ có hội đồng ở Long Island thôi. Việc huấn luyện Nhóm bắt đầu vào năm ấy, và chúng tôi đẩy mạnh trọng tâm hoàn toàn mới về sự khác biệt giữa điều cảm nghiệm và phán đoán, một khái niệm then chốt trong các buổi thuyết trình.
     Đến cuối năm 1971, chúng tôi bắt đầu hệ thống hóa kế hoạch của mình. Chúng tôi tuyên bố
“Hãy chọn 10 thành phố có nhiều người Công Giáo nhất trong nước và nhắm tổ chức các cuối tuần Gặp Gỡ Hôn Nhân ở đó trong vòng hai năm tới.” Thật lạ lùng thay! Gặp Gỡ Hôn Nhân phát triển nhanh như cỏ mọc vậy.
     Gặp Gỡ Hôn Nhân thực là một kinh nghiệm đổi đời. Chúng tôi không thể thực sự hữu hiệu cho người ta nếu không có thứ kinh nghiệm đổi đời ấy. Nguyên những món trí thức thôi không làm được chuyện đó. Song cũng lạ, cuối tuần Gặp Gỡ đã không là một kinh nghiệm đổi đời cho bản thân tôi, không phải trong cái ý nghĩa của điều đã xảy đến cho thánh Phao-lô trên đường đi Đa-mas. Song dần dà, trải qua một thời gian, nó đã thay đổi cả chức linh mục của tôi vậy.
***
     Một hiện tượng đáng kể trong đời sống Ki-tô hữu là mối liên hệ giữa tính cách bí tích của hôn nhân và sự độc thân của linh mục. Xuyên qua cái phổ quang của các giáo hội Kitô có hai cách biểu lộ tình yêu phái tính đan kết với nhau. Chỉ những giáo hội thực hành và tôn trọng đời sống độc thân (Chính Thống, Anh Giáo và Công Giáo) mới gìn giữ quan hệ hôn nhân như một trong những dấu hiệu đặc biệt về sự hiện diện của Chúa Ki-tô giữa họ.
     Các giáo hội chọn đời sống độc thân linh mục còn đi xa hơn để nhận ra mối quan hệ giữa một Ki-tô hữu nam và nữ là thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Những giáo hội này tuyên bố rằng tình yêu của các tín hữu còn hơn là hôn nhân. Tình yêu hôn nhân của tín hữu không được coi là quan hệ riêng tư chỉ để được nâng đỡ và khích lệ bởi cộng đoàn giáo hội. Hôn nhân là điều thiết yếu để hiểu được sứ điệp của Chúa Giê-su cho cả cộng đoàn tín hữu, dù lập gia đình hay không lập gia đình. Bí tích này vén mở cho thấy bản chất thâm sâu của Giáo Hội là được chọn và được yêu thương bởi Chúa Giê-su.

     Không phải ngẫu nhiên mà tính cách bí tích của Hôn Phối lại là độc đáo trong những giáo hội chọn đời sống độc thân linh mục. Có một ý nghĩa cánh chung trong cả hai. Cả hai mời gọi sự chết đi của chính bản thân mình. Cả hai sống một cuộc đời vượt trên sự gần gũi. Cả hai phản chiếu vinh quang của nhau. Sự bền lâu tuyệt đối của hôn phối là một mầu nhiệm vĩ đại, một điều nan giải trong một thế giới không có đời sống độc thân.
***
     Khoảng năm 1973 tôi rời vai trò lãnh đạo trong Phong Trào Gặp Gỡ Hôn Nhân và bắt đầu lo cho Trung Tâm Mục Vụ và Canh Tân Hôn Phối[4]. Mục tiêu của tôi là khai triển những chương trình liên hệ tới các mối tương quan có thể được sử dụng bởi Giáo Hội khắp nơi. Chúng tôi khởi sự bằng một chương trình chuẩn bị hôn phối dài 14 buổi học cho các học sinh Trung Học đệ nhất và đệ nhị cấp. Nó được gọi là “Hôn Phối: Chúa Giê-su Mời Gọi Chúng Ta Yêu Thương.” Hàng ngàn học sinh đã tham dự chương trình này, hầu hết qua sự khích lệ của các cặp vợ chồng đã tham dự khóa Gặp Gỡ cuối tuần. Kế đến chúng tôi khai triển Những Buổi Chiều Cho Người Đính Hôn và Gặp Gỡ Đính Hôn[5]. Chương trình Những Buổi Chiều gồm có sáu đêm thuyết trình bởi một cặp vợ chồng nói chuyện với 5 hay 6 cặp đính hôn. Nó được tổ chức tại các tư gia. Chương trình đó nay vẫn đang hoạt động. Thế rồi chúng tôi khai triển một chương trình dành cho các người trưởng thành độc thân gọi là Barnabas. Theo sau là các chương trình Canh Tân Xứ Đạo[6], Cuối Tuần Chữa Lành Xứ Đạo[7], Cuối Tuần Gia Đình Trong Xứ Đạo[8], Cử Hành Yêu Thương[9], và Các Buổi Chiều của Xứ Đạo Cử Hành Yêu Thương[10] (với một loạt 19 cuốn sách Cử Hành Yêu Thương). Cả thảy 50 chương trình và sách vở tài liệu. Canh Tân Xứ Đạo thật là một kinh nghiệm tuyệt vời. Khi làm việc với Gặp Gỡ Hôn Nhân, tôi đã dùng tất cả những gì tôi biết về Giáo Hội và ứng dụng vào Hôn Phối. Khi tôi làm việc với Phong Trào Canh Tân Xứ Đạo, tôi dùng tất cả những gì biết được về hôn phối để ứng dụng vào Giáo Hội. Nó khiến người ta thấy yêu mến Giáo Hội. Tôi đã huấn luyện sáu ngàn linh mục để điều hành các khóa cuối tuần. Vào cuối một khoá nọ, có một linh mục lớn tuổi đến gặp tôi với nước mắt lưng tròng và nói: “Tôi cảm thấy như đã được cha truyền chức linh mục cho tôi. Trước đây tôi đã gần bỏ cuộc rồi.”
***
     Ngày nay có khá nhiều những bài nói chuyện về sự cam kết tạm thời. Không có chuyện tạm thời. Không có chuyện đó. Cam kết lâu dài là loại cam kết duy nhất có thể có được. Tôi nghĩ rằng đấy là một điều hay khi người ta đoan hứa làm việc với những điều giống như Đoàn Tình Nguyện Dòng Tên[11] trong một năm, nhưng tôi sẽ không gọi đó là một cam kết. Đối với tôi, sự cam kết thì giống như Hôn Phối vậy. Một người đàn ông không tự cam kết với một người đàn bà trong vòng ba tháng tới hay hai năm tới. Một cam kết hôn phối phải là trọn vẹn và vĩnh viễn. Tôi đã cam kết trọn đời với sứ vụ linh mục; đối với tôi thực không có con đường nào khác. Tôi không nghĩ rằng bởi ngẫu nhiên mà tôi có được cha mẹ Thiên Chúa ban cho, mà cha sở của chúng tôi lại là đức ông McMahon, mà cha linh hướng của tôi lại là cha Burke. Không phải ngẫu nhiên mà giáo dân xứ Đức Mẹ Lộ Đức lại sung sướng đến run lên với những người được truyền chức linh mục.
     Tôi nghĩ rằng vai trò của linh mục ngày nay phải là một người cha. Một số linh mục chúng ta làm mục vụ, một số làm giáo sư, một số làm việc hành chánh, một số viết lách, số khác chuyên giảng thuyết. Ơn gọi của chúng ta, nghề nghiệp của chúng ta là làm một người cha. Nói thế tôi không có ý nhằm đến chủ nghĩa gia trưởng. Và tôi không nói về chuyện phải làm đầu. Điều trước hết một người cha làm là ban cho sự sống. Thứ đến, người cha cho con cái khả năng để làm việc. Người mẹ thì gọi con cái làm thành viên của gia đình. Người cha thì gọi con trẻ hoàn thành công việc. Đương nhiên người mẹ cũng khích lệ con mình làm việc tốt, song việc tụi trẻ gần gũi với gia đình quan trọng đối với bà hơn. Đối với người cha, gần gũi chưa phải là tốt đủ nếu tụi trẻ không sản xuất. Tương tự như vậy, vai trò chính yếu của linh mục là khám phá ra các khả năng của giáo dân mình, là mời gọi họ dấn thân, và tạo cho họ cơ hội thực thi các tài năng của mình. Bởi thế, bài trắc nghiệm thực tế của một linh mục không phải là
“Tôi có đang sống đúng khả năng của mình không?” mà là “Giáo dân của tôi có sống đúng với khả năng của họ không?”
***
     Chưa bao giờ có lúc nào tôi muốn làm một điều gì khác ngoài việc làm linh mục. Thật là một cuộc sống tuyệt diệu, nhưng cũng có nan đề như trong mọi cuộc đời khác. Một trong những niềm vui và là một điều ngạc nhiên trong đời linh mục là khi thấy sự trung thành của giáo dân đối với linh mục. Với tất cả những thay đổi trong Giáo Hội và tất cả những điều ảo tưởng tan vỡ bởi có những linh mục đã phá giới, người giáo dân chưa bao giờ làm chúng ta thất vọng. Họ đến cùng chúng ta với lời của chính Phê-rô: “Lạy Thầy, con sẽ theo ai?” Sự trung thành có đó bởi vì Thánh Thể, và bởi vì chúng ta đại diện cho Thánh Thể. Người đàn ông tôi đã nhắc đến là người hối hận vì đã xử tệ với vợ mình, một lần kia nói với tôi:
     “Cha có một lợi điểm mà tôi không có. Tôi nghĩ rằng tôi yêu mến Giáo Hội cũng như cha yêu, và tôi có tài năng cũng như cha có. Song từ cái lúc cha thức dậy buổi sáng, đến khi cha lên giường ngủ, cha làm công việc phát triển Nước Thiên Chúa. Tôi không thể làm vậy. Vì tôi phải đi làm nuôi gia đình.”
     Đặc quyền mà Giáo Hội đã ban cho tôi là tôi có thể làm việc trọn thời gian.
***
     Một trong những điều tiêu cực trong sứ vụ linh mục là sự mất đi rất nhiều bạn linh mục của tôi. Cái hàng dài áo chùng thâm không còn nữa. Ba mươi người đã thụ phong linh mục cùng với tôi. Năm nay sẽ chỉ có hai người được truyền chức tại chủng viện của chúng tôi. 
     Và bạn biết tôi yêu mến bọn trẻ thế nào. Điều kinh sợ là vì những chuyện nhục nhã mà một số linh mục vấp phải, ngày nay tôi không dám ôm hôn một em bé nào nữa. Những linh mục ấy chẳng những gây tổn thương đến Giáo Hội; họ cũng làm tổn thương đến tôi nữa.
     Một ý tưởng mà tôi mong muốn được thấy thực hiện là thế này: trong mỗi xứ đạo, chúng ta nên lập ra một hội đồng giáo dân đặt căn bản trên sự thánh thiện của họ, và sự tận tụy của họ với Giáo Hội. Một trong những vai trò của họ sẽ là phân biệt xem ai nên được mời làm linh mục cho xứ đạo đó. Hãy để những người giáo dân chọn lựa nhóm người này. Hội đồng này sẽ gặp gỡ thường xuyên trong cầu nguyện và quyết định xem họ nên xin ai. Rồi họ sẽ đến gặp em bé trai đó và nói
“Nhân danh Đức Mẹ Lộ Đức (hay danh xưng nào đó của xứ đạo), chúng tôi mời gọi em làm linh mục cho chúng tôi.”
     Nếu em bé nói “Cháu không có ơn gọi,” thì hội đồng sẽ bảo: “Có, em có đấy chứ. Chúng tôi vừa nói với em là em có ơn gọi mà. Em có tự do để trả lời chấp nhận hoặc từ chối, nhưng đừng nói là em không có ơn gọi.” Nhóm người này sẽ không khôn ngoan nếu cứ đi vòng vòng hỏi bất kỳ em bé nào họ gặp để làm linh mục; điều ấy sẽ trở thành vô nghĩa. Nếu tôi là giám mục, tôi sẽ đến một xứ đạo chưa hề sản xuất ra một linh mục nào và bảo họ: “Hãy trao cho tôi một chủng sinh trong vòng năm năm tới, nếu không tôi sẽ đóng cửa xứ đạo này. Nếu quý vị không sản xuất ra linh mục, quý vị không hoàn thành điều luật truyền của Giáo Hội là hỗ trợ cha xứ của mình.”
     Tôi cũng muốn nói với các bạn thanh niên rằng bây giờ là thời điểm tuyệt vời để làm linh mục. Với tất cả những điều điếm nhục, giáo dân vẫn yêu mến chúng ta và trung tín với chúng ta, dù rằng chúng ta đã không luôn luôn trung tín với họ. Có một điều làm tôi ngạc nhiên: Tôi chỉ là một người Ái-Nhĩ-Lan ăn thịt và khoai tây, chẳng có gì phi thường, song vì tôi là một linh mục, tôi được cất nhắc lên cao hơn mọi thứ mà tôi đã có thể tự mình làm được. Thật là đáng nể khi biết được một sự kiện là tôi được phép trở thành có ý nghĩa trong cuộc đời của biết bao nhiêu người, chỉ vì tôi là một linh mục.



[1] Chuck – tên gọi thân mật của Charles.

[2] Phong Trào Gặp Gỡ Hôn Nhân – Marriage Encounter Movement: Ba ngày tĩnh tâm cuối tuần dành cho các cặp vợ chồng; sinh hoạt tương tự như Phong Trào Thăng Tiến Hôn Nhân hoặc Gia Đình Na-gia-rét cho người Công Giáo Việt ở Hoa-Kỳ.

[3] Christian Brothers

[4] Pastoral and Matrimonial Renewal Center.

[5] Evenings for the Engaged and Engaged Encounter.

[6] Parish Renewal.

[7] Parish Healing Weekend.

[8] Parish Family Weekend.

[9] Celebrate Love.

[10] Celebrate Love Parish Evenings.

[11] Jesuit Volunteer Corps.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...