22/02/2023
1880
THỨ TƯ LỄ TRO 2023:
TIN VÀO SỰ THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Dịp cuối năm, cây mai cần được trút hết lá già, lá sâu và những cành thừa để có thể đâm chừng cành lá mới và một mùa hoa rực rỡ.
Ngày tết, điều cha mẹ mong muốn nhất, chờ đợi nhất là thấy con cái đi xa trở về với gia đình.
     Mùa chay cũng có những tâm tình giống như thế. Thiên Chúa muốn chúng ta trở về với Ngài, Giáo Hội giúp chúng ta loại bỏ những lá sâu già và những cành thừa trong đời sống đức tin, để chuẩn bị cho mùa xuân ân phúc sắp đến.
     Một trong những nỗi đau khổ trong lương tâm của con người, đó là sự thất vọng về bản thân và không tin vào sự tha thứ của Thiên Chúa. Cũng vì lý do này mà nhiều người đã bỏ thời gian dài không dám đến với Bí tích Giải tội. Họ cho rằng: Tội của tôi nặng thế này, chắc Chúa không tha thứ cho tôi đâu! Khi nghĩ như thế, không chỉ là họ thất vọng về bản thân, mà còn là sự thiếu niềm tin vào lòng bao dung hay tha thứ của Thiên Chúa. Nói cách khác, đó là hồ nghi về tình yêu của một Thiên Chúa là Cha.
    Thiên Chúa luôn mong mỏi, chờ đợi chúng ta trở về. Các câu chuyện trong Tin Mừng Mùa Chay liên tục cho chúng ta nghe lời mời gọi tha thiết của Thiên Chúa như một người cha, ngày đêm chờ mong đứa con hoang đàng trở về; như một người thầy nhân từ khi tuyên bố với người phụ nữ ngoại tình: “Ta không kết tội con đâu, con hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa.”
     Hôm nay, qua lời của tiên tri Giôen, Lời Chúa mời gọi mỗi người như càng tha thiết hơn: “Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, khóc lóc và than van. Hãy xé lòng chứ đứng xé áo. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em.” Lời này cho thấy Thiên Chúa như một người cha, đã quá đau khổ vì các con ngỗ nghịch bỏ nhà ra đi. Điều mà người cha mong đợi là muốn các con trở về, muốn nó đoàn tụ xum họp trong một mái nhà. Tuy nhiên, điều Chúa mong muốn hơn là thái độ trở về thật lòng chứ không vì ép lòng; trở về với tất cả tâm hồn và con người cùng với lòng yêu mến, tin tưởng trọn vẹn nơi Chúa thể hiện qua việc chay tịnh, hối hận và xin lỗi Chúa.
     Khác với cách cư xử của con người, Thiên Chúa không bao giờ đóng cửa tương lai của con người; Ngài cũng không bao giờ thất vọng về tình trạng tội lỗi của con người; Ngài cũng không bao giờ mệt mỏi để tha thứ cho con người (ĐTC Phanxicô). Bởi vì Ngài là Đấng nhân hậu và từ bi, chậm giận và giàu tình thương; Ngài hoàn toàn quên hẳn quá khứ tội lỗi của con người và mở ra cho con người một tương lai, một con đường mới. Vì thế, lời mời gọi tha thiết của Chúa trong ngày đầu Mùa Chay hôm nay cho chúng ta thêm sức mạnh, sự tin tưởng để mỗi người chỗi dậy khỏi quá khứ tội lỗi của mình, loại bỏ những hành động, lời nói không phù hợp với Chúa và Tin Mừng, để mạnh dạn trở về nói lời xin lỗi với Chúa và thành tâm thật lòng thay đổi lại đời sống.
     Trở về xin lỗi Chúa là nối lại tình cha con với Thiên Chúa. Chính con người đã nghe theo sự xúi giục của ma quỷ, lìa bỏ Thiên Chúa, xúc phạm đến Ngài, cắt đứt mối liện hệ với Ngài. Nay khi thành tâm trở về, Chúa sẽ nối lại mối tương quan này, để chúng ta lại được hiệp thông, được đón tình yêu và sức sống từ Chúa thông ban cho chúng ta. Vì thế, thánh Phaolô đã thiết tha mời gọi: Nhân danh Đức Kitô, tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đây chính là cơ hội tốt nhất để mỗi người thực hiện sự giao hoà này, vì đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.
     Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa - Đấng giàu lòng thương xót và hay tha thứ. Ngài đến không phải để kết án, nhưng để yêu thương và cứu chuộc con người. Vì thế, trong suốt cuộc đời Ngài là thể hiện và minh chứng lòng xót thương của Thiên Chúa là Cha. Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta thể hiện lòng sám hối cách cụ thể qua ba việc: Bác ái, Cầu nguyện, và Chay tịnh.
     Trước hết là làm việc bác ái: Nhiều người có thể trao tặng những số tiền lớn cho từ thiện nhưng với những mục đích khác nhau. Chúa Giêsu muốn chúng ta làm việc bác ái với một thái độ khác, một mục đích khác với người biệt phái và các tôn giáo khác. Người biệt phái và nhiều người ngày nay làm việc từ thiện với thái độ ban phát và với mục đích phô trương nhiều hơn là vì cảm thông và yêu thương. Người ta cũng có thể chở những chuyến hàng đến vùng bão lũ, vùng sâu, vừa đi du lịch vừa để trao tặng, chụp hình và đăng lên mạng để thu hút sự đóng góp và đánh bóng tên tuổi của mình. Cũng giống như vậy, người biệt phái khi bố thí muốn nêu tên xướng danh để cho mọi người cùng biết và ca ngợi.
     Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo.” Ở đây Chúa dạy chúng ta khi làm việc bác ái, cần tôn trọng danh dự của những người đón nhận, không biến họ trở thành phương tiện để làm nổi danh bản thân mình. Hơn nữa, khi làm việc bác ái, chúng ta còn phải nhìn thấy nơi anh em nghèo khổ là hình ảnh của Thiên Chúa, để biết trao tặng và chia sẻ không chỉ tiền của mà còn chia sẻ bằng cả trái tim và tâm hồn. Bác ái Kitô giáo không chỉ là việc phân phát, cho đi tiền bạc của cải, mà còn là trao tặng cho nhau tình yêu thương và sự cảm thông. Bác ái không chỉ là trao tặng những của dư thừa mà là chia sẻ cho nhau cả những thứ mình đang dùng và đang cần. Vì thế, Chúa không muốn chúng ta làm việc bác ái để phô trương dưới bất cứ hình thức nào, nhưng làm trong sự kín đáo và tế nhị giữa người chia sẻ và người đón nhận. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự và Ngài đón nhận sự chia sẻ đó như làm cho chính Ngài vậy.
     Khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại. Cầu nguyện không phải để phô trương sự đạo đức, nhưng biến những phút giây cầu nguyện trở thành cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa, như cha với con. Vào phòng đóng cửa lại để trong thinh lặng và riêng tư chúng ta có thể nghe được tiếng nói của Chúa, nghe được điều Chúa muốn nói với chúng ta. Bất cứ khi nào ta dành những phút giây tĩnh lặng hồi tâm trước mặt Chúa, là ta đang để cho Chúa đi vào căn phòng tâm hồn mình. Như thế, ta có thể gặp Chúa bất cứ lúc nào, khi đang làm việc, khi nghỉ ngơi, ở nhà thờ, ở gia đình và nơi công sở, … cho dù cuộc sống bên ngoài vẫn ồn ào, xao động. Khi chúng ta dám để cho tâm hồn mình tĩnh lặng, dám gặp gỡ riêng tư với Chúa mỗi ngày, Chúa sẽ chỉ cho chúng ta biết sống thế nào cho tốt, Chúa sẽ giúp ta giải quyết những khó khăn trong cuộc sống và Chúa sẽ luôn hiện diện ở bên chúng ta. Bên cạnh việc vào căn phòng tâm hồn gặp gỡ riêng tư với Chúa, Chúa còn muốn vào trong mỗi gia đình để gặp gỡ từng thành viên. Khi các gia đình dành cho Chúa mỗi ngày ít phút sáng chiều qua các giờ kinh, Chúa sẽ hiện diện ở giữa gia đình. Chúa sẽ hướng dẫn và giúp gia đình vượt qua khó khăn và ban lại niềm vui, sự bình an cho gia đình.
     Việc làm thứ ba trong Mùa Chay là việc chay tịnh. Chúng ta thường quen dùng chữ ăn chay để nói về việc làm này trong Mùa Chay. Vì dùng chữ ăn, nên nhiều người chỉ nghĩ đến việc phải ăn uống như thế nào cho đúng, ăn thịt hay cá, ăn nhiều hay ít. Thật ra, Mùa Chay không chỉ là ăn chay mà là sống tinh thần chay tịnh. Chay tịnh là biết kiềm chế, biết làm chủ con người mình khỏi những thú vui đam mê của bản năng, của dục vọng. Con người thường bị cám dỗ chiều theo bản năng, ăn uống chơi bời theo kiểu: chơi xả láng, ăn cho đã không cần điểm dừng. Chay tịnh là tiết chế, là kìm hãm và điều khiển bản năng và ham muốn, bắt ép con người của mình phải sống, phải đi theo quy chuẩn và luật lệ của Chúa và Tin Mừng. Như vậy, chay tịnh theo Chúa dạy là rèn luyện ý chí, là làm chủ bản thân khỏi những ham muốn và thú vui xác thịt bản năng; là rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm chứ không phải là những biểu lộ ủ rũ, thiểu não bên ngoài.
     Lát nữa đây, chúng ta tiến lên lãnh nhận một nhúm tro trên đầu là dấu chỉ thể hiện sự khiêm nhường, nhìn nhận thân phận con người giới hạn, yếu đuối, bất toàn và tin vào lòng thương xót bao dung của Thiên Chúa. Lời nhắc nhở: Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng hoặc Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi, là lời nhắc nhở và động viên: Nhắc ta đừng quên mình chỉ là hạt bụi nhỏ bé nhưng được Chúa yêu thương ban cho sự sống và còn nhận ta làm con của Ngài; là lời động viên, khuyến khích ta hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa để thay đổi lại đời sống từ suy nghĩ, hành động để làm mới lại cuộc đời.
Gương mặt và cuộc đời ta đã bị những tội lỗi, thói xấu làm cho mờ tối, nhơ bẩn, nhờ Mùa Chay thánh này, xin Chúa tẩy rửa chúng ta nên tươi đẹp trước mặt Chúa. Amen.

 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...