19/11/2016
1777

H
ọc đường, vườn ươm nhân cách và lòng thương xót.
Tin Mừng: Mt 10,40-42
 "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.  Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó". Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn. (Lc 15,4-7)

Từ những trang đầu của trình thuật Sáng tạo, Kinh Thánh đã vén tỏ ý định của Thiên Chúa : Mỗi người sinh ra ở đời, dù ở thời đại nào, thuộc dòng tộc nào, cũng luôn có một vị trí, một vai trò trong chương trình của Thiên Chúa. Mang trong mình sức sống tự nhiên, con người còn trỗi vượt trên muôn loài vì có nơi mình “hơi thở”, sự sống thường hằng của Thiên Chúa (x St.2,7; Ga.20,22). Ngài muốn con người trở thành những cộng tác viên trong công trình Tạo dựng của Ngài, khi ân cần ươm gieo vào thế giới hạt mầm của khả năng trổ sinh và triển nở đến vô tận (St 1,11).
Những hạt mầm Chúa ban không phải là nén bạc phải chôn giấu (Mt 25,25), nhưng cần được ươm gieo, chăm sóc và lớn lên, trổ sinh thật nhiều bông hạt. Cùng với gia đình, chiếc nôi đầu tiên của sự sống, học đường là vườn ươm thật lý tưởng và cần thiết cho những hạt mầm nhân cách, lương tâm, trí tuệ của biết bao thế hệ. 
Tuy nhiên, thực trạng ngày nay, rất nhiều mái trường đã đánh mất vai trò, mục tiêu của mình và niềm tin tưởng của mọi người. Quá chú trọng đến doanh thu, thành tích, nhồi nhét kiến thức, thay vì đầu tư cho “trồng người”[1], thay cho khơi nguồn tri thức và rèn luyện nhân cách, giáo dục không còn là một “thiên chức”[2], mà trở thành một thứ “kinh doanh”. Dĩ nhiên, một trong những mục tiêu của giáo dục là cung cấp những kỹ năng, vì mỗi người cần có năng lực nhất định để có thể giải quyết được những vấn đề cuộc sống đặt ra, từ đó có thể dựa vào tài năng của mình để nuôi sống mình. Nhưng đây không phải mục đích cuối cùng, đó chỉ là phương tiện để hoàn thành mục tiêu cuộc đời. Thật vậy, mỗi người cần có khả năng để tự mưu sinh, nhưng quan trọng hơn là có mái ấm gia đình tốt đẹp, có bạn thân, có thể hoạt động mang tính sáng tạo, có thể không ngừng theo đuổi đam mê tìm tòi, có năng lực yêu chuộng những gì tốt đẹp, đặc biệt là khả năng nhận biết chân, thiện, mỹ. Làm sao không nhìn cái giả thành cái thật, nhìn cái ác thành cái thiện, nhìn cái xấu thành cái đẹp. Con người không phải được giáo dục để trở thành công cụ của người khác.
Thế nên, chúng ta cần chiêm ngắm Chúa Giê-su, hình ảnh của một người Lãnh đạo và người Thầy dạy đúng nghĩa trọn vẹn nơi học đường để noi gương bắt chước. Phương pháp sư phạm của Ngài gây ấn tượng rất mạnh : thiên hạ không những “sửng sốt về lời giảng dạy của Ngài, vì Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1,21), mà còn “sửng sốt” trước lòng thương xót của Ngài.
Ngài bắt đầu những bài dạy làm người bằng những cuộc gặp gỡ với trái tim thương cảm một cách cụ thể và trực diện với những cuộc gặp gỡ giữa người với người, lòng bền lòng, đầy nhẫn nại. Những cuộc gặp gỡ rất tự nhiên với người tội lỗi như Giakêu, Maddalêna, thiếu phụ Samria... là những cuộc gặp gỡ của tình thương sâu đậm và thiêng liêng, không quảng cáo, không có người bảo vệ, không có những hứa hẹn lợi lộc; là thái độ sẵn sàng bỏ 99 con chiên để đi tìm cho kỳ được một con đi lạc. Một tình thương xót dành cho con chiên lạc được trở về với sự chở che, gìn giữ dưới cánh tay nhân hậu của một người cha (Lc 15,4-7)
Trong khi các biệt phái, kinh sư đến để nghe thuyết pháp, để tìm lý luận, sau đó đem ra mổ xẻ, và tìm lỗi bắt bẻ, biến những nội dung, phương pháp giảng dạy trở thành những gánh nặng chồng chất lên vai con người với những luật lệ khắt khe. Đối với Thầy Giêsu, Ngài  để lại một kỷ luật không khó khăn, phức tạp, gò bó như các kỷ luật khác. Sư phạm của Chúa Giêsu linh động, nhân hậu, và luôn tha thứ làm phấn khởi linh hồn, khiến cho con tim của mỗi cá nhân thật an bình no thỏa, trước khi trí óc của họ được say mê. Làm cho cá nhân tự thấm thía, tự thực hành trong cuộc sống. Giáo án của Ngài là giáo án tình thương chứa đầy tri thức và sự hiểu biết khoa học dẫn đến hình thành một con người có nhân cách toàn diện.
Ước mong sao nơi học đường vẫn luôn là một thế giới của ý chí, khát vọng và niềm tin, thế giới tình bạn, tình thầy trò, tình yêu thương, quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ, chia sẻ. Đặc biệt là nơi chủ động biểu lộ lòng trắc ẩn cách nồng ấm, nhân từ, đầy lòng thương xót, tha thứ như Thầy Giêsu. Bởi vì, điều quan trọng không phải là ta đã học, đã làm được gì, cho bằng ta trở nên như thế nào sau tất cả những việc đó?

TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ
Công bố Tông Thư Misericordia et Misera
       Chiều ngày thứ Sáu 18 tháng 11, Phòng Báo Chí Tòa Thánh thông báo cho các ký giả có ghi danh với Tòa Thánh về một buổi họp báo đặc biệt tại số 54 đường Hoà Giải (Via della Conciliazione).
       Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hoá sẽ chủ tọa một buổi họp báo lúc 12 giờ trưa ngày thứ Hai 21 tháng 11 để công bố một Tông Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp kết thúc Năm Thánh Ngoại Thường Lòng Thương Xót. Tông thư có tựa đề “Misericordia et Misera” theo nghĩa đen là Thương Xót và Khốn Cùng.

       Khi kết thúc Năm Thánh 2000, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã công bố một Tông thư như thế có tựa đề “Novo Millennio ineunte” nghĩa là “Khởi đầu ngàn năm mới”. (Theo Vietcatholic, ngày 18/11/2016)
 
TIN GIÁO PHẬN XUÂN LỘC
Bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Núi Cúi.
       Sau nhiều Tuần Đại Phúc được cử hành tại các cụm chung quanh các Nhà thờ hành hương trong Năm Thánh, Giáo phận sẽ bế mạc Năm Thánh Lòng Thương xót với Thánh Lễ tổ chức tại Trung Tâm Đức Mẹ Núi Cúi vào sáng Chúa nhật, 20/11/2016, do Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girrelli chủ sự cùng với các Đức Giám Mục, các linh mục, tu sĩ nam nữ và đông đảo đại diện của các giáo xứ trong giáo phận. Xin cho lòng xót thương của Thiên Chúa sẽ luôn mãi tuôn đổ trên Giáo phận chúng ta.

Hội thi Tổng Kết học tập chủ đề mục vụ năm 2016
      Ban Giáo dân Giáo phận sẽ tổ chức Hội Thi Tổng Kết học tập chủ đề mục vụ 2016 vào ngày thứ bảy 26-11-2016 tại Tòa Giám Mục Xuân Lộc. Hội Thi qui tụ các “Gia đình tiêu biểu” của 12 Giáo Hạt, cùng với các gia đình huyết thống tham gia hội thi. Cũng trong dịp này, sẽ trao phần thưởng cho các cá nhân đã đạt kết quả tốt trong các kỳ thi mục vụ cho các Giới và Hội Đoàn.
 
[1] Quản Trọng, “Quyền Tu”: “Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc; Thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; Chung thân chi kế, mạc như thụ nhân”. (“Kế hoạch 1 năm, không gì hơn trồng ngũ cốc; Kế hoạch 10 năm, không gì hơn trồng cây; Kế hoạch cả đời, không gì hơn trồng người”)
[2] Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo - Gravissimum Educationis, số 3. CĐ.Vat.II, Khóa VII, 28.10.1965

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...