12/11/2016
2002

Các Thánh Tử Đạo, chứng nhân của lòng thương xót.
Tin Mừng: Mt 10,40-42
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì. Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì: vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ".
 
Trong tin Tin Kính, chúng ta tuyên xưng một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử của Giáo Hội, chúng ta còn có thể nhận thấy thêm một đặc tính khác, Giáo Hội mang tính “tử đạo”. Tử đạo, từ Hy ngữ “martus” có nghĩa là người làm chứng, và khi người ta lấy chính mạng sống của mình để minh chứng cho chân lý  mạc khải của Thiên Chúa, cho đức tin, người ta “tử đạo”- làm chứng. Có thể nói, khi hy sinh mạng sống, các vị tử đạo không chỉ trung kiên bảo vệ niềm tin, nhưng còn là nhân chứng sống động và thuyết phục về một tình yêu dành cho Thiên Chúa theo mẫu gương Chúa Giêsu.

Thật như thế, chính Chúa Giêsu, Đấng thiết lập Giáo Hội, đã đến trần gian và chấp nhận con đường thập giá, chịu chết và phục sinh để làm chứng cho sự thật (x. Ga 18, 37), sự thật phản ánh tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3, 16). Chính Chúa Giêsu đã khẳng định, hiến dâng mạng sống cho người mình yêu là một tình yêu lớn lao : “Không có tình yêu nào lớn hơn mối tình của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Như thế, các vị tử đạo bày tỏ một tình yêu lớn lao, là nhân chứng hùng hồn về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại, vì khi chấp nhận những đau thương khổ hình, các thánh tử đạo bày tỏ công trình kỳ diệu của quyền năng Chúa là Ðấng ban cho các ngài được cháy lửa đức tin, thôi thúc các ngài bền đỗ đến cùng, và ban tặng vinh thắng trong cuộc chiến của các ngài[1]. Nói cách khác, khi mừng kính các thánh tử đạo, Giáo Hội dâng tràn tâm tình cảm tạ chúc tụng Thiên Chúa đã thực thi lòng thương xót trên cuộc đời những chứng nhân trung kiên, đã “thực thi quyền lực của Chúa nơi bản chất mỏng giòn của con người, củng cố sức lực yếu đuối của họ để làm chứng cho Chúa[2].

 Chính vì thế, Giáo Hội luôn mãi nhắc đi nhắc lại tầm quan trọng của những chứng nhân niềm tin này, đồng thời minh xác giá trị của tình yêu và lòng xót thương của Chúa nơi các thánh tử đạo : “Một số Kitô hữu đã được gọi trong thời sơ khai và sẽ còn được gọi mãi để làm chứng cho tình yêu ấy cách cao cả nhất trước mặt mọi người, nhất là trước mặt những kẻ đang bách hại mình. Vì tử đạo là hành vi làm cho người môn đệ nên giống Thầy mình, Đấng đã tình nguyện chấp nhận cái chết để cứu độ thế giới, và được nên đồng hình đồng dạng với Người trong việc đổ máu, nên Giáo Hội coi đó là ơn trỗi vượt và là sự xác nhận cao quý nhất về đức ái[3].

Giáo Hội Việt Nam khi hân hoan mừng kính các vị Tử đạo anh hùng, cha ông tiền bối của chúng ta, cũng dâng lên tâm tình cảm tạ lòng thương xót của Thiên Chúa đã tuôn đổ trên quê hương đất nước Việt Nam qua các chứng nhân đức tin : “Nay chúng con xin hợp với các Ngài, và với Đức Trinh nữ Maria, là nữ vương các Thánh Tử Đạo, mà ca tụng Chúa muôn trùng cao cả. Xưa Chúa ban cho các Ngài được vững tin vào lời chúa, và đầy sức mạnh của Thánh Thần, nên các ngài đã kiên tâm chịu gian lao đau khổ, quyết một lòng theo Đức Kitô trên con đường Thập Giá và hy sinh đến giọt máu cuối cùng[4]. Đồng thời, Hội Thánh mời gọi các tín hữu nhìn lên mẫu gương trung kiên của các thánh tử đạo, để can đảm sống và làm chứng cho niềm tin trong xã hội hôm nay.  Quả thật, như lời giáo phụ Tertulien : Máu các vị tử đạo làm nảy sinh hạt giống các tín hữu. Trải qua ba thế kỷ bị bách hại, di sản đức tin đã được bảo vệ, gìn giữ bằng chính mạng sống của hàng trăm ngàn chứng nhân trung kiên; hạt giống đức tin ấy được tưới gội bằng chính máu của các vị tử đạo. Di sản đức tin ấy cần phải được tiếp tục gìn giữ và trao tay cho các thế hệ mai sau bằng cuộc sống đức tin trưởng thành, quả cảm và trung tín.

Nếu tử đạo là “làm chứng”, là trung kiên bảo vệ và minh xác niềm tin, thì cuộc sống nào của người tín hữu cũng mang sắc thái của việc tử đạo – làm chứng này “Sự sáng của các con phải chiếu tỏa trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc các con làm mà ngợi khen Cha trên trời” (Mt 5, 16). Chứng từ hữu hiệu nhất làm sáng lên những giá trị của Tin Mừng là  tình bác ái, là lòng xót thương -“trái tim đang rung nhịp của Tin Mừng[5]-. Nói như thế, những “bắt bớ, bách hại” của ngày nay có thể là danh lợi, dục vọng, tiền của, là thói ích kỷ, rất thường trói buộc và làm lu mờ, hay dập tắt lòng trắc ẩn của chúng ta. Ước chi gương sống đức tin trung kiên của các bậc cha ông tiền bối trở nên lời thúc giục chúng ta can đảm sống và làm chứng cho lòng thương xót của Chúa ngay trong cuộc sống này


TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ
Ngày Năm Thánh đặc biệt dành cho các tù nhân được cử hành tại Vatican
     Vatican – Ngày 6/11, ngày năm thánh đặc biệt dành cho các tù nhân sẽ được cử hành tại Vatican với sự tham dự của đông đảo tù nhân và gia đình họ từ khắp nước Ý cũng như các quốc gia lân cận.
Hôm 3/11, trong buổi họp báo trình bày về ngày Năm thánh dành cho tù nhân cũng như ngày Năm Thánh dành cho người vô gia cư vào ngày 13/11, Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh cổ võ tái truyền giảng Tin Mừng, đã nói: “Đây là lần đầu tiên mà một số đông các tù nhân từ các miền nước Ý và các nước khác hiện diện ở đền thờ Thánh Phêrô để cử hành Năm Thánh với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.”
       Đức Tổng Fisichella cũng nói đến sự quan tâm đặc biệt của Đức Phanxicô dành cho các tù nhân; trong mỗi chuyến đi nước ngoài, Đức Phanxicô lập đi lập lại ý muốn viếng thăm các tù nhân và trao cho họ sứ điệp của sự gần gũi và hy vọng.”
Ngày Năm Thành các tù nhân nhắm đặc biệt đến các tù nhân và gia đình của họ, các nhân viên và các tuyên úy nhà tù, cũng như các hiệp hội trợ giúp hệ thống nhà tù. Đây là một phần trong Năm Thánh Lòng Thương xót được Đức Phanxicô đề ra.
 
TIN GIÁO PHẬN XUÂN LỘC
Thánh lễ bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Núi Cúi.
            Thánh lễ bế mạc Năm Thánh Lòng Thương xót của Giáo phận sẽ được tổ chức tại Trung Tâm Đức Mẹ Núi Cúi vào sáng Chúa nhật, 20/11/2016, do Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girrelli chủ sự. Tại các nhà thờ hành hương khác trong Giáo phận, thánh lễ bế mạc và đóng Cửa Thánh sẽ cử hành vào ngày Chúa nhật 13/11/2016. Thời gian Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ khép lại theo lịch sinh hoạt của Giáo Hội Hoàn vũ, nhưng tinh thần và những việc làm của lòng thương xót sẽ tiếp tục trong sinh hoạt mục vụ của Giáo phận, với chủ đề mục vụ “Gia đình hãy là dấu chỉ lòng thương xót của Thiên Chúa - Chuẩn bị người trẻ bước vào hôn nhân”.

[1] Kinh Tiền tụng lễ các thánh tử đạo.
[2] Ibid.
[3] Công đồng Vatican II, Hiến Chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium,  số 42.
[4] Kinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
[5] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót Misericordiae Vultus, số 12.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...