21/10/2016
1788

Lòng thương xót Chúa với anh em lương dân.
Lời Chúa : Ga 10, 11-16.
11 Người chăn chiên tốt, chính là Ta!
Người chăn chiên tốt thí mạng sống mình vì chiên.
12 Kẻ làm công và không hẳn là chủ chiên, và không có chiên làm của mình, thì vừa thấy sói đến là bỏ chiên mà chạy trốn, và sói bắt chiên và làm tán loạn.
13 Ấy là vì hắn là kẻ làm công,
và không màng gì đến đàn chiên.
14 Người chăn chiên tốt, chính là Ta!
Ta biết chiên của Ta,
và chiên của Ta biết Ta,
15 Như Cha biết Ta, và Ta biết Cha
và Ta thí mạng sống Ta vì đàn chiên.
16 Ta còn những chiên khác nữa, không thuộc ràn này;
các con chiên ấy, Ta cũng phải chăn dắt,
và chúng sẽ nghe tiếng Ta;
và sẽ thành một đàn chiên, một chủ chiên.
[1]

Sứ điệp truyền giáo năm nay đã được Đức Giáo Hoàng Phanxico công bố ngày 15-5-2016, dịp Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, mở đầu như sau: ‘Năm Thánh Lòng Thương Xót mà Hội Thánh đang cử hành chiếu rọi vào Ngày Chúa nhật Thế giới Truyền giáo một ánh sáng chói ngời: nó mời gọi chúng ta nhìn việc truyền giáo cho muôn dân (missio ad gentes) như là một công trình bao la, vĩ đại của lòng thương xót, cả thiêng liêng và vật chất.’ Vì thế, thật là dịp thích hợp để chúng ta nghe lại từ chính môi miệng của Đức Giêsu nói ra tấm lòng thương xót của Chúa đối với muôn dân, cách riêng là đối với anh em lương dân đang sống chung trong địa bàn giáo xứ hay trong cùng môi trường làm việc với chúng ta: “Ta còn những chiên khác nữa, không thuộc ràn này; các con chiên ấy, Ta cũng phải chăn dắt, và chúng sẽ nghe tiếng Ta; và sẽ thành một đàn chiên, một chủ chiên” (10,16).

Có lẽ anh em tôn giáo bạn và lương dân chưa bao giờ họ nghĩ mình là ‘con chiên của Chúa’, bởi chỉ những ai trong các tôn giáo cùng truyền thống dựa vào mạc khải Thánh Kinh như Do thái giáo, Công giáo, Chính thống, Anh giáo, các giáo phái Tin lành thì thường dùng tước hiệu con chiên của Chúa cho tín hữu của mình. Trong khi, chính Chúa Giêsu xác định: ‘Người còn những chiên khác nữa, không thuộc ràn này; các con chiên ấy, Ta cũng phải chăn dắt’, thì cho dù họ có sinh hoạt trong một tôn giáo nào hay không, Chúa Giêsu vẫn hằng quan tâm đến họ, vẫn hằng chăn dắt họ, vẫn hằng tỏ lòng thương xót đối với họ và Người thấy một viễn tượng tốt đẹp là ‘chúng sẽ nghe tiếng Ta; và sẽ thành một đàn chiên, một chủ chiên’. Nếu Người đã khẳng định: ‘Người chăn chiên tốt, chính là Ta! Ta thí mạng sống Ta vì đàn chiên’ (10,11a.15b), thì Chúa Giêsu cũng đã chết cho những người lương dân, cho những anh em tôn giáo bạn mà ta đang chung sống và gặp gỡ hằng ngày. Nếu trong đức tin, mỗi người tín hữu chúng ta cảm thấy hạnh phúc được Chúa xót thương, thì trong Năm Thánh này, chẳng lẽ chúng ta lại không làm cho anh em lương dân nhận ra lòng thương xót của Chúa đối với họ, để họ cũng được hạnh phúc.

“Do phép rửa tội, mọi thành viên của Dân Chúa phải trở nên những môn đệ truyền giáo (x. Mt 28,19)…. Mọi Kitô hữu được thách thức, ở đây và lúc này, tích cực tham gia vào việc truyền giáo; thực vậy, bất cứ ai đã thực sự trải nghiệm tình thương cứu độ của Thiên Chúa thì không cần nhiều thời gian hay một sự đào tạo lâu để đi rao giảng tình thương ấy. Mọi Kitô hữu đều là người truyền giáo theo mức độ họ đã gặp gỡ tình thương của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô: chúng ta không còn nói mình là những ‘người môn đệ’ và ‘người truyền giáo’, nhưng đúng hơn, chúng ta luôn luôn là những ‘người môn đệ truyền giáo’. Nếu điều này chưa thuyết phục, chúng ta hãy nhìn vào những môn đệ đầu tiên, vừa khi bắt gặp cái nhìn của Chúa Giêsu, các ông vui vẻ đi loan báo về Ngài: ‘chúng tôi đã gặp Đấng Mesia!’ (Ga 1,41). Người phụ nữ Samaria đã trở thành người truyền giáo ngay sau khi nói chuyện với Chúa Giêsu và nhiều người Samaria đã tin Ngài ‘vì lời chứng của người phụ nữ’ (Ga 4,39). Thánh Phaolô cũng vậy, sau khi gặp Chúa Giêsu, ‘lập tức đi rao giảng về Chúa Giêsu’ (Cv 9,20). Vậy chúng ta còn chờ gì nữa?”[2]
Là Kitô hữu, việc truyền giáo có là mối bận tâm của tôi không? Mỗi ngày, tuần, tháng tôi có ý dâng những hy sinh, ý nguyện, giờ chầu, thánh lễ để cầu nguyện cho việc truyền giáo nói chung hay cho một cá nhân, một gia đình bên lương cụ thể để xin Chúa ban đức tin cho họ không?
Làm nghề buôn bán, với tư cách Kitô hữu, tôi có để ý đến cách giao tiếp cư xử của mình phản ánh lòng thương xót của Chúa cho khách hàng không? Làm sao cho anh em bên lương bảo nhau rằng: người công giáo buôn bán thật thà, ngay thẳng?
Là thầy cô giáo, với tư cách Kitô hữu, khi truyền đạt kiến thức, tôi có thể hiện đức tin, để qua kiến thức mà các học sinh bên lương có thể nhận ra Thiên Chúa là Chân Thiện Mỹ không?
Là người làm ngành y, với tư cách Kito hữu, tôi có thể hiện lòng thương xót như người Samritano nhân hậu để người không cùng đức tin nhận Đấng đang hoạt động trong tôi không?

Lạy Chúa, xin hãy dùng con để tỏ Lòng Thương Xót của Chúa cho những người bên lương mà con gặp gỡ mỗi ngày. Amen.


TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ
ĐTC Tôn Phong Hiển Thánh Cho 7 Chân Phước
       Ngày Chúa Nhật 16 tháng 10 năm 2016, lúc 10g sáng Đức Thánh Cha tôn phong hiển thánh cho 7 chân phước. Đó là sư huynh Salomone Leclerq dòng La San, tử đạo năm 1792 dưới thời cách mạng Pháp; thiếu niến Jose Sanchez del Rio 14 tuổi người Mêhicô, bị xử bắn vì không chối bỏ đức tin Công Giáo; ĐC Emanuel Gonzales Garda, người Tây Ban Nha; cha sở José Gabriel Brochero người Argentina; Cha Alfonso Maria Fusco người Italia sáng lập dòng các Nữ tu thánh Gioan Tẩy Giả; cha Lodovico Pavoni, người Italia, sáng lập Hội Thánh Barnaba chuyên giúp giới trẻ nghèo, và nữ tu Elizabeth Chúa Ba Ngôi dòng Cát Minh người Pháp.
 
TIN GIÁO PHẬN XUÂN LỘC
Thánh lễ Đại trào kết thúc tuần đại phúc tại Nhà Thờ Bắc Hải
       Ngày Chúa nhật 16/10/2016, Đức Giám mục Giáo phận đã chủ sự Thánh lễ đại trào kết thúc Tuần Đại phúc tại nhà thờ Bắc Hải, cho cụm gồm các Hạt Tân Mai, Biên Hòa, Hòa Thanh và Hố Nai. Thánh lễ qui tụ đại diện Dân Chúa của 60 giáo xứ tại vùng này. Đây là sinh hoạt đặc biệt để thúc giục tinh thần sống NămThánh Lòng Thương Xót của Giáo phận.

Cử hành Khánh nhật Truyền Giáo năm 2016.
Ngày khánh nhật truyền giáo năm nay cử hành vào Chúa nhật 23/10/2016 với chủ đề : “Hội Thánh truyền giáo, chứng nhân của Lòng Thương Xót”. Đây là dịp để toàn thể Giáo Hội suy niệm về sứ mạng Loan Báo Tin Mừng để cầu nguyện, dấn thân cho công cuộc truyền giáo, vốn là “bản chất của Giáo Hội lữ hành”. Trong dịp này, Đức Giám Mục Giáo phận cũng gởi thư cho toàn thể cộng đoàn Dân Chúa để mời gọi mọi người dấn thân cách nhiệt thành hơn cho sứ vụ Loan Báo Tin Mừng. Giáo phận Xuân Lộc cũng dành ngày hôm nay để lạc quyên cho công cuộc truyền giáo của Hội  Thánh tại Giáo phận.

[1] Bản dịch Kinh Thánh của Lm Nguyễn Thế Thuấn.
[2] ĐGH Phanxico, Evangelii Gaudium, 120.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...