08/12/2019
3632


Giáo Hội Việt Nam dành 3 năm trong chương trình mục vụ để chăm sóc đặc biệt cho Giới Trẻ. Điều ấy cần thiết bởi vì “không thể chỉ nói rằng người trẻ là tương lai của thế giới. Họ là hiện tại của thế giới; họ góp phần làm cho thế giới được phong phú. Người trẻ không còn là trẻ con, họ ở trong giai đoạn bắt đầu đảm nhận những trách nhiệm, khi cùng với người lớn tham gia vào việc phát triển gia đình, xã hội và Hội Thánh”[1]{C}. Như thế, để có thể đạt đến mục tiêu của chương trình mục vụ, thiết tưởng cần nhìn lại những thách đố của  người trẻ hôm nay, qua đó thấu hiểu sự quan tâm thao thức của Mẹ Hội Thánh đối với người trẻ, để trong từng ơn gọi, trong mỗi bậc sống, cùng góp phần thiết thực trong việc đồng hành giúp huấn luyện người trẻ hướng đến sự trưởng thành toàn diện.

1/ Người trẻ giữa những cơ hội và thách đố của thời đại

          Trong Thư Chung 2019, các Đức Giám Mục Việt nam giúp chúng ta có một cái nhìn về người trẻ, giữa những cơ hội và thách đố trong thế giới hôm nay : “sống trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, giới trẻ có nhiều cơ hội học hành, làm việc, sinh hoạt cộng đồng, du lịch, mở rộng giao lưu gặp gỡ, có những hoạt động phong phú trong lãnh vực văn hóa, thể thao.

          Bên cạnh đó, người trẻ cũng phải đối diện với những thách thức của thời đại mới. Hiện tượng di dân vừa đem lại những hiệu quả tích cực vừa gây nhiều hệ lụy tiêu cực trong đời sống gia đình và xã hội. Thế giới kỹ thuật số vừa là một phương thế rất hữu hiệu cho việc truyền thông và thiết lập các mối tương quan, nhưng cũng là nguyên nhân gây nên nhiều tác hại cho bản thân người trẻ. Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm. Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai. Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng.”{C}[2]

          Trước những tình cảnh ấy, Giáo Hội không ngừng bảy tỏ lòng thương xót, và sự quan tâm mục vụ đặc biệt, giúp cho người trẻ đối diện và vượt qua những thách đố trong cuộc sống.

2/ Sự quan tâm thao thức của Hội Thánh đối với người trẻ

            Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng h{C}[3].   Những lời đầy khích lệ trên, tiếp tục âm vang trong lòng Giáo Hội, đặc biệt hướng đến những người trẻ : “Các Kitô hữu trẻ luôn là mối quan tâm đặc biệt của toàn thể Giáo hội. Để thể hiện mối quan tâm này, Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XV họp tại Rôma vào tháng 10 năm 2018 đã bàn về chủ đề “Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi”. Từ những kinh nghiệm, suy tư và đề nghị trong Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (Christus vivit), trong đó ngài khắc họa Dung nhan sống động, tươi trẻ và gần gũi của Chúa Kitô Phục sinh đang sống giữa chúng ta.{C}[4] Chính vì thế, các Đức Giám Mục Việt Nam đã đề nghị Chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm (2020 - 2022) với các chủ đề sau:

 - 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

 - 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình.

- 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

          Giáo phận Xuân Lộc hòa mình trong dòng chảy này, đưa ra những hướng dẫn mục vụ cụ thể như một lộ trình nhằm giúp người trẻ đạt đến sự trưởng thành toàn diện, khi đặt mục tiêu đồng hành với người trẻ trong cái nhìn tổng thể mục vụ về gia đình, nơi mỗi người được học và chăm sóc để lớn lên, và chọn lựa thực hành lòng thương xót như điểm đến và mục tiêu sự trưởng thành “trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc mọi điêu toàn thiện” (Col 3, 6).

          Như thế, trong tiến trình đồng hành, hỗ trợ để giúp người trẻ không chỉ có khả năng đứng vững trước những cơn giông gió của cuộc sống, mà còn tiến đến sự trưởng thành toàn diện, cần sự cộng tác của mọi người, đặc biệt “các mục tử, những người làm công tác mục vụ giới trẻ, đặc biệt là cha mẹ, hãy đồng hành để giúp các thanh thiếu niên lớn lên và trưởng thành về thể lý, tâm lý, tâm linh, và phân định ơn gọi{C}[5]{C}. Hành trình Chúa Phục Sinh đồng hành với hai môn đệ trẻ trên đường Emmaus đã trở nên mẫu mực cho sự đồng hành với người trẻ trong mục vụ của Hội Thángh, thực hiện theo ba bước : 1/ lắng nghe cuộc sống sống của người trẻ; 2/ cùng với họ phân định thánh ý Chúa dưới ánh sáng của sứ điệp Tin Mừng; 3/ từ đó, người trẻ được giúp hành động để sống tuổi trẻ cách phong phú.[6]

3/ Trong mục tiêu hướng đến sự trưởng thành toàn diện

Tùy vào mỗi góc nhìn và quan điểm, người ta có thể đưa ra những “chuẩn” của sự trưởng thành. Các Đức giám mục Việt Nam nói đến sự trưởng thành bao hàm yếu tố thể lý, tâm lý, tâm linh, văn hóa và khả năng phân định ơn gọi{C}[7]. Đức Giám mục giáo phận cho những soi chiếu giúp hiểu hơn sự trưởng thành toàn diện :  Trưởng Thành” là sự thực hiện hoàn hảo của hành trình tăng triển, “Toàn Diện” là trạng thái đầy đủ viên mãn của mọi yếu tố{C}[8]{C}. Đồng thời, ngài cũng nhấn mạnh đến yếu tố mục vụ về lòng thương xót, như “một sức mạnh làm động lực và nguyên lý thống nhất các yếu tố thành một thực tại hài hòa. Sức mạnh này chính là Lòng Thương Xót của Chúa khi được đón nhận và thấm nhuần vào mọi tư tưởng, tình cảm và hành động vì Lòng Thương Xót là phẩm tính của Thiên Chúa và cũng là căn tính, là bản chất của người Kitô hữu”.

Như vậy, có thể nói, đồng hành giúp người  trẻ đạt đến sự trưởng thành toàn diện, cũng nghĩa là đặt họ sống trong đỉnh cao của lòng thương xót, nơi đó, tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, với vạn vật và với chính mình, đạt đến sự hài hòa, tốt đẹp, đạt đến “sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của đức Kitô” (Eph 4,13)

Câu hỏi gợi ý suy tư và thảo luận :

1/ Theo bạn, đâu là tiêu chuẩn biểu lộ một người trưởng thành toàn diện? Bạn đang ở đâu trên hành trình này?

2/ Cộng đoàn giáo xứ, gia đình và xã hội có đang là môi trường đồng hành giúp cho người trẻ tiến đến sự trưởng thành toàn diện?

[1]{C} ĐTC Phanxicô, Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 64

{C}[2]{C} HĐGMVN, Thư Chung gởi cộng đồng dân Chúa, đặc biệt là các bạn trẻ, năm 2019, số 3

[3]{C} Hiến chế Vui mừng và Hy vọng,  số 1.

{C}[4]{C} HĐGMVN, Thư Chung gởi cộng đồng dân Chúa, đặc biệt là các bạn trẻ, năm 2019, số 2)

[5]{C} Ibid. số 7.

[6]{C} Ibid, số 2.

[7]{C} Ibid, số 7.

[8]{C} Gm Giuse Đinh Đức Đạo, Thư Chung Chương trình Mục Vụ 2019-2020, số II, 5.


Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...