25/09/2016
1331

Giáo dục Đức Tin trong việc đào tạo sống lòng thương xót
Lời Chúa: Mt 5, 13 – 16:
Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được.Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

Ơn gọi Giáo lý viên được khơi nguồn từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa yêu thương chủ động mời gọi con người cộng tác vào việc loan truyền ơn cứu độ cho muôn dân (x. Mt 28, 19) tức là làm cho muôn người nhận biết lòng thương xót của Chúa. Giáo lý viên được tham dự cách đặc biệt vào chương trình loan báo tình yêu Chúa qua việc dạy giáo lý cho các em thiếu nhi. Ơn gọi này khiến họ phải trở thành những chứng nhân của Tin Mừng vì con người ngày ngay cần những nhân chứng hơn những thầy dạy[1].

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã mượn lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II nói về việc Tân Phúc Âm hóa, là cần phải làm“mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả[2]. Cách cụ thể: “Mới về lòng nhiệt thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giêsu Kitô, để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta. Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt, văn hóa, xã hội cũng như kỹ thuật. Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc Âm[3].
Như thế, yêu cầu trước tiên của công cuộc Tân Phúc Âm hóa đòi hỏi Giáo lý viên tái khám phá dung mạo của Chúa Giêsu vì: “Nơi Đức Giêsu Nazareth, lòng thương xót đã trở nên sống động, hữu hình, và đạt đến tột đỉnh[4].  Đọc và suy niệm Tin Mừng sẽ giúp mọi người nhận ra chiều kích phong phú và đa dạng nơi lòng thương xót của Chúa.

Các trang Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu cư xử như một người Mẹ từ tâm. Ngài chạnh lòng thương khi thấy dân chúng bơ vơ như đoàn chiên không người chăn dắt (x. Mt 9, 36); trước cảnh bà góa thành Na-in đưa tiễn người con trai duy nhất của mình đi chôn cất, Chúa động lòng thương, cảm thông nỗi đau của người mẹ góa bụa và cứu sống chàng thanh niên (x. Lc 7, 15). Ngài yêu thương bao bọc mọi người, như gà mẹ che chở con cái dưới cánh êm ái của mình (x.Mt 23, 37b).

Chúa Giêsu cũng là một người cha cương nghị để sửa dạy và khuyên răn người phụ nữ ngoại tình: “Chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa (Ga 8, 11). Ngài cũng cư xử như người cha nhẫn nại, bao dung trước lầm lỗi của những người con hoang đàng (x. Lc 15, 11-32). Ngài tận tâm chỉ dẫn cho Nicođêmô con đường vào Nước Trời (x. Ga 3, 1-21), và dạy cho người đàn bà Samaria cách tôn thờ Thiên Chúa đúng đắn nhất là tôn thờ trong Thần Khí và sự thật (Ga 4, 23). Ngài nhẫn nại khuyến cáo và cảnh tỉnh Giuđa hồi tâm để quay lại con đường ngay lành (x. Mt 26, 25).

Tắt một lời, qua việc chiêm ngắm dung mạo đầy xót thương của Chúa Giêsu, và đi sâu vào mối quan hệ thiết thân với Ngài, sẽ giúp Giáo lý viên sống và rao giảng cách xác tín giáo lý đầy tình yêu thương của Chúa cho mọi người, cách đặc biệt là cho giới thiếu nhi.

Các bậc phụ huynh là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu[5], đặc biệt trong việc giáo dục đức tin, để con cái nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa, đồng thời yêu thương mọi người chung quanh[6].  Điều này được tái khẳng định trong môi trường văn hóa, xã hội Việt Nam: “Trong suốt lịch sử mấy trăm năm của Giáo Hội công giáo tại Việt Nam, gia đình vẫn là cái nôi thông truyền đức tin cho con cái, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu vững mạnh trong đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức. Ngày nay, dù phải đối diện với nhiều lo toan trong cuộc sống, xin anh chị em cố gắng duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp này của gia đình công giáo. Hãy xây dựng gia đình mình thành ngôi nhà thờ phượng Chúa, trường dạy đức tin, và mái ấm tình thương. Đây là phương thế cụ thể và hữu hiệu nhất để anh chị em góp phần vào công cuộc Tân Phúc Âm Hóa mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội và từng người chúng ta[7].
Xin Chúa ban cho các nhà giáo dục đức tin biết tái khám phá khuôn mặt của lòng thương xót nơi Chúa Giêsu, để trình bày cách thích hợp với mỗi học viên[8]. Nhờ đó từng bước gieo vào tâm hồn các em một sở thích làm điều thiện cho mọi người và trong mọi hoàn cảnh sống của các em [9]. Ước mong sao các nhân đức phải “là một xác tín đã trở thành nguyên tắc hoạt động trong nội tâm[10] của những người mang danh là Ki-tô hữu.

TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ

Điều hợp hai Bộ Giáo luật Latinh và Đông Phương
Ngày 15-09-2016, Toà Thánh đã công bố một Tự sắc mới, nhan đề De concordia inter Codices (Về sự Tương hợp giữa các Bộ Giáo luật), của Đức Thánh Cha Phanxicô ký ngày 31-05-2016 nhằm điều hợp một số quy tắc của hai bộ Giáo luật Latinh (n.1983) và Đông phương (n.1990). Việc điều hợp này là do tình trạng nhiều Kitô hữu Đông phương (Công giáo hoặc Chính thống giáo) di cư đến các nước thuộc nghi lễ Latinh và đặc biệt liên quan đến các bí tích Thánh tẩy và Hôn nhân.
Tự sắc này quy định một số thay đổi trong Bộ Giáo luật của Giáo hội Công giáo Latinh. Một trong những thay đổi được nêu trong Tự sắc liên quan đến 11 khoản luật của Bộ Giáo luật nghi lễ Latinh là các phó tế Công giáo của nghi lễ Latinh không được chứng hôn khi một người trong đôi tân hôn, hoặc cả hai, thuộc một Giáo hội theo nghi lễ Đông phương. Đây là một 'điều hợp' nhắm đến đại kết mà Bộ Giáo Luật Đông Phương đã thực hiện.
Những trường hợp thay đổi được ĐTC phê chuẩn liên quan đến các quy tắc trong những hoàn cảnh mà Bộ Giáo Luật Latinh chưa bao giờ bao quát.
 
 
TIN GIÁO HỘI VIỆT NAM
Học viện Công giáo Việt Nam : Khai giảng Khóa học đầu tiên
Đúng một năm sau ngày Sắc lệnh thành lập Học viện Công giáo Việt Nam được Bộ Giáo dục Công giáo của Toà Thánh ấn ký (14/9/2015), Khóa Cao học Thần học đầu tiên của Học viện đã khai giảng lúc 09g00', 14/09/2016, tại trụ sở Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam – cũng là nơi đặt tạm Học viện.
Hiện diện tại buổi lễ Khai giảng có Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGMVN, Chưởng ấn Học viện; Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục giáo phận Xuân Lộc, Viện trưởng Học viện; Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm; Giám mục giáo phận Mỹ Tho, Phó Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam; Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám mục giáo phận Qui Nhơn; Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên; Giám mục giáo phận Cần Thơ; Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, nguyên Giám mục giáo phận Xuân Lộc; quý cha giáo Đại chủng viện, quý cha Bề trên các dòng tu, quý tu sĩ, cùng quý khách mời và 23 sinh viên Khóa đầu tiên trúng tuyển từ 37 người dự thi, hầu hết là các linh mục thuộc nhiều giáo phận và Dòng tu.
 
[1] X. ĐTC Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi,  n.41
[2] Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Đại hội XIX của CELAM, Port-au-Prince.
[3] Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Thư  chung gửi cộng đồng dân Chúa ngày 10-10-2013.
[4] ĐTC Phanxicô, Misericordiae Vultus, n. 1.
[5] Công đồng Vatican II, Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, số 3.
[6] Ibid, số 3
[7] Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Thư  chung gửi cộng đồng dân Chúa ngày 11-10-2012, 9.
[8] x. ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia,  số 288.
[9] x. Ibid, số 265.
[10] Ibid, số 267. 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...