13/09/2016
992

Thiếu nhi sống lòng thương xót
Lời Chúa: Mc 10, 13 – 16
Khi ấy, người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.
Suy niệm:

Đọc trong Thánh kinh, chúng ta có thể nhận ra tấm lòng đầy yêu thương của Chúa Giêsu đối với những người trẻ. Ngài bất bình khi thấy những trẻ thơ bị ngăn cản đến với Ngài; Ngài ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng (Mc 10, 16). Ngài biết những người con là niềm vui và cậy trông của những bậc cha mẹ. Nên khi thấy cảnh bà góa thành Nain khóc thương nguời con trai duy nhất đã chết, Chúa Giêsu đã yên ủi bà và cho anh thanh niên “trỗi dậy” (x. Lc 7, 11 – 17). Ngài thương mến và đề cao vẻ trong sáng, sự hồn nhiên và cậy trông của trẻ thơ “vì Nước Trời thuộc về những người giống như chúng”. Nơi dụ ngôn “người Cha nhân lành”, Chúa Giêsu bày tỏ tấm lòng bao dung của Thiên Chúa đối với người trẻ lầm lạc : dù họ có những vấp ngã nhưng cần phải tạo điều kiện để họ trở về và làm lại từ đầu (x. Lc 15, 11 – 24).

Hình ảnh Thiên Chúa ôm và chúc lành cho trẻ thơ bày tỏ hình ảnh của một người Mẹ hiền luôn ân cần, chăm sóc con cái của mình.
Một Thiên Chúa là niềm hy vọng cậy trông của người trẻ. Hình ảnh Chúa chạnh lòng thương trước cái chết của người con trai của bà góa thành Nain và niềm vui của người mẹ chứng kiến con mình được sống lại chứa đựng một niềm hy vọng lớn lao. Chính niềm cậy trông này thúc đẩy người trẻ cũng biết mở rộng trái tim, để nhìn đến nhu cầu của anh chị em chung quanh. Điều này giúp loại bỏ khỏi họ thái độ thờ ơ với con người và với thời cuộc.

Một Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ và trao ban cơ hội để người trẻ làm lại từ đầu. Quả thật hình ảnh của người cha chờ con và phục hồi địa vị cho người con hoang đang trở về sẽ tác động rất lớn đến các bạn trẻ đang ở trong tình trạng tội lỗi. Chính hành động đón tiếp ân cần và sẵn sàng lắng nghe, cũng như sự tha thứ, sẽ là những hành động giúp cho những người trẻ hiểu được hơn tấm lòng của Thiên Chúa đang dành cho họ. Đồng thời nhắc nhở họ biết nhìn lại cuộc sống của mình để nhận ra những sai lỗi mà quay về với Thiên Chúa, Đấng luôn chờ đợi để trao ban sự tha thứ và những cơ hội làm lại cuộc đời.

Quả thật để người trẻ có thể sống lòng thương xót của Chúa không phải là một chuyện quá cao xa. Trái lại, nó có thể xuất phát từ những hình ảnh thân quen trong cuộc sống hằng ngày. Sẽ là một điều đáng tiếc và thiếu xót khi những người có trách nhiệm không làm cho người trẻ cảm nhận được lòng thương xót của Chúa dành cho họ. Xin cho những người trong trách vụ giáo dục biết kiên nhẫn đưa ra những bước nhỏ có thể hiểu, chấp nhận và cảm kích[1] để từ đó các người trẻ sẽ lớn lên trong khả năng và sống trong bình an với tha nhân và với cộng đoàn lớn hơn[2].

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhắc nhở: Theo gương Chúa Giêsu, Đấng luôn ưu ái những người trẻ, Giáo Hội hoàn vũ đang nỗ lực mời gọi người trẻ cộng tác và tham gia vào đời sống cộng đồng Dân Chúa.  Tại Việt Nam, Giáo Hội nên nghiên cứu và mạnh dạn tổ chức những cử hành phụng tự thích hợp, khuyến khích giới trẻ tham gia vào các hội đoàn và những sinh hoạt cộng đồng, để ngày càng có thêm nhiều người trẻ quảng đại và can đảm, sống đức tin cách sinh động và trưởng thành. Công việc mục vụ đó cần được chuẩn bị chu đáo bằng việc giáo dục đức tin và nhân bản cho thiếu nhi. Nhờ đời sống thiêng liêng vững mạnh, giới trẻ Công Giáo sẽ góp phần tích cực và bền vững vào việc lành mạnh hóa xã hội hay dấn thân truyền giáo tại những nơi xa xôi
[3]. Đồng thời những người trẻ đang được chú ý cách đặc biệt trong bối cảnh xã hội ngày nay vì “kinh nghiệm được về khả năng, sự nhiệt tình và tính năng động của người trẻ, Giáo hội tại Việt Nam ý thức rằng người trẻ không chỉ là tương lai nhưng còn là chính hiện tại của Giáo Hội. Do đó, mục vụ giới trẻ vừa phải nhìn người trẻ như đối tượng cần được chăm sóc vừa phải xem họ như những chủ thể, sứ giả loan báo Tin Mừng, đặc biệt trong môi trường của giới trẻ. Để thực hiện mục tiêu này, Giáo Hội tại Việt Nam cần đầu tư năng lực và thời giờ hơn nữa cho mục vụ-giáo dục giới trẻ, cách riêng trong hoàn cảnh ngày nay khi người trẻ phải đối diện với nhiều khó khăn cũng như cám dỗ trong cuộc sống. [4]  



TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ

Thánh Bộ mới ‘thăng tiến sự phát triển con người toàn diện’
WHĐ (02/9/2016) – Những cải tổ Giáo triều Roma đã được cụ thể hoá. Sau lãnh vực kinh tế và truyền thông, rồi đến Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống mới được thành lập cách nay hai tuần, nay lại có thêm một Bộ mới khác. Trong Tông thư-Tự sắc Humanam progressionem ký ngày 17/8 2016, được công bố hôm thứ Tư 31/8 vừa qua, Đức Thánh Cha đã thành lập “Bộ Thăng tiến sự Phát triển Con người Toàn diện”. ‘Bộ này sẽ đặc trách các vấn đề liên quan đến di dân, đến những người nghèo túng, bệnh tật và bị loại trừ, những người bị đặt ra ngoài rìa xã hội và nạn nhân của các vụ xung đột vũ trang và các thiên tai, những người bị giam giữ, các người thất nghiệp và các nạn nhân của chế độ nô lệ dưới mọi hình thức và của nạn tra tấn.’ Khi Bộ này được thành lập thì đồng thời các Hội Đồng Toà Thánh như : Công Lý và Hoà Bình, Cor Unum, Mục vụ Di Dân và người lữ hành, Mục vụ chăm sóc y tế sẽ giải thể và hiệp nhất trong Bộ mới này. Bộ này sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 1/1/2017.
Đức Thánh Cha cũng bổ nhiệm Đức hồng y Peter Turkson, người Ghana, hiện là Chủ tịch Hội đồng Toà thánh Công lý và Hoà bình làm Bộ trưởng của Bộ mới này.
 
TIN GIÁO PHẬN XUÂN LỘC
 
Giáo xứ Vườn Ngô xây dựng nhà Chúa
Sáng thứ Sáu, ngày 02/9/2016, Giáo xứ Vườn Ngô hân hoan chào đón Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, về chủ tế Thánh Lễ Tạ ơn với nghi thức làm phép Viên Đá Đầu Tiên xây dựng Thánh đường và ban bí tích Thêm Sức cho 91 thiếu nhi của giáo xứ.
Vườn Ngô, một giáo điểm gồm 300 giáo hữu được quy tụ do Cha Vapuier từ năm 1939. Và trở thành giáo xứ vào năm 1950. Nhà thờ cũ xây dựng năm 1941, và trùng tu vào năm 1976 do cha Gioan B. Nguyễn Cao Lộc. Sau 4 năm về làm chánh xứ, Cha Giuse Nguyễn Đức Thắng đã cùng với giáo hữu giáo xứ Vườn Ngô đồng tâm nhất trí xây dựng lại ngôi thánh đường.
 
[1] x. ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia  271
[2] x. ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia 272
[3] Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010, số 29.
[4] Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010, số 44

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...