26/08/2016
1720
Tình mẹ phản ánh Lòng Thương Xót của Thiên Chúa
Tin Mừng: Lc 7,11-17
11 Sau đó, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. 12 Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. 13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói : "Bà đừng khóc nữa !" 14 Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói : "Này người thanh niên, tôi bảo anh : hãy trỗi dậy !" 15 Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. 16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng : "Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người". 17 Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.
-------------

Với quan niệm thế gian, địa chỉ cuối cùng của đời người chính là ngôi mộ. Dù chỉ là một nấm đất vun vén tạm bợ hay là mộ xây, lăng tẩm, nó vẫn mang dáng dấp của một dấu chấm tận cùng, một ngõ cụt cắt đứt mọi hoạt động và cả những ước vọng của con người. Ở Việt Nam, những nấm mộ thường được đắp u lên như hình ảnh bụng dạ người mẹ đang mang thai. Một thuở xa xưa, chính trong lòng mẹ cưu mang, chúng ta đã nhận lấy sự sống làm người. Rồi cũng đến một lúc, nằm yên dưới nấm mộ đắp u lên như bụng dạ người mẹ mang thai, mỗi người lại sẽ trở về lòng đất: “sinh ký tử quy”.
            Tại đất nước Kenya bên Phi Châu, tuy tiếng Swahili vẫn là quốc ngữ, nhưng nhiều bộ tộc nhỏ vẫn nói thứ tiếng riêng của mình, và họ gọi Thiên Chúa là “Ngài” giống như người Việt chúng ta. Trong số đó, có bộ tộc gọi Thiên Chúa là “Nyasaye” nghĩa là cái “Bụng”, cái “Tử-Cung-Để-Mang-Thai”, và khi chôn cất người chết, họ cũng đắp ngôi mộ u lên thành một cái “Nyasaye”, một cái bụng người mẹ mang thai. Nơi chấm dứt cuộc đời lại được trình bày như nơi khởi đầu sự sống.
             Chúa Giêsu đã dừng lại bên đám tang của người thanh niên thành Naim. Trái tim Ngài không chỉ thổn thức trước kẻ chết còn quá trẻ, mà còn xót xa trước nỗi bất hạnh và bế tắc của người mẹ. Trước đó không lâu, bà đã đưa tang của người chồng. Và bây giờ bà lại dự đám tang của đứa con trai duy nhất. Giờ tiễn con ra huyệt mộ, cũng là lúc bà bước vào một tương lai hụt hẫng, bơ vơ. Chỗ dựa còn lại và niềm hy vọng cuối cùng cũng bị lấy đi. Bà trở thành kẻ trắng tay cả về tình cảm lẫn vật chất, thành một bà góa không còn nơi nương tựa. Chúa Giêsu đã không kìm nén được nỗi xót xa trước sự đau đớn và nước mắt của người góa phụ. Hiểu rõ nỗi đau của sự chia ly bởi cái chết, Ngài quặn lòng trước những nỗi cùng khốn của phận người. Người mẹ đau khổ trước cái chết của đứa con mình từng cưu mang như thế nào, Chúa Giêsu cũng thổn thức như thế trước sự ra đi của kẻ được Thiên Chúa dệt nên trong lòng người mẹ góa.[1] Chàng trai trẻ thành Naim - cũng như mọi em bé lớn lên trong lòng mẹ - đều là một phần trong kế hoạch yêu thương đời đời của Chúa Cha: “Trước khi tạo hình con trong dạ mẹ, Ta đã biết con, và trước khi con sinh ra, Ta đã thánh hiến con” (Gr.1,5). Mỗi đứa con đều có một chỗ thật đặc biệt trong trái tim Thiên Chúa từ thuở đời đời; khi em được thụ thai, giấc mơ đời đời của Thiên Chúa thành sự thực. [2]

Chính vì thế, lòng cảm thương của Con Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở những giọt nước mắt hay lời khẩn xin tha thiết, nhưng bật lên thành một cử chỉ và lệnh truyền đầy quyền năng của thuở đầu tạo dựng. Sự sống hồi sinh, con tim đã vui trở lại. Ngài nâng kẻ chết chỗi dậy và trả lại bà mẹ đứa con duy nhất của mình. Thay vì đi đến nghĩa trang, chàng thanh niên lại quay về nhà với mẹ. Đám tang biến thành lễ hội. Nỗi buồn vô hạn biến thành niềm vui khôn tả. Cảnh tang tóc buồn đau nơi ngôi làng nhỏ sáng bừng lên trong giờ phút con người được Thiên Chúa viếng thăm.
Khuôn mặt đẫm nước mắt của người góa phụ thành Naim đã lôi kéo và chạm tới Tấm Lòng chạnh thương của Thiên Chúa. Nỗi đau của bà như sự đổ vỡ của những gì quý giá nhất đời, đã đan kết từ những tháng ngày nao nức, mong chờ, vui mừng vì được mang thai; cẩn trọng đến từng cử chỉ, lời nói, việc làm, trong suốt thời thai nghén – một thời kỳ khó khăn nhưng vô cùng kỳ diệu. Khi đón nhận con mình, bà đã dự phần vào mầu nhiệm sáng tạo của Thiên Chúa.[3] Ngày bà sinh con cũng là ngày Thiên Chúa đem một sự sống mới vào thế gian.[4] Rồi đến những năm dài tất bật chăm chút và dõi theo từng bước chân con... [5] Cho nên, nỗi đau của góa phụ Naim phần nào giúp chúng ta cảm nhận được nỗi đau của Đấng là chủ tể của công trình sáng tạo trước những rạn nứt, đổ vỡ, biến dạng của những kiệt tác mình chăm chút, nâng niu.
Trong ý định yêu thương của Thiên Chúa, Gia Đình không phải là mái che, nhưng là tổ ấm; không chỉ là nơi tạm trú, cất giữ đồ đạc, mà là khung cảnh trong đó sự sống mới không những được sinh ra mà còn được chào đón như một ơn phúc của Thiên Chúa.[6] Cho nên, mỗi sự sống mới không phải là một gánh nặng, một sai lầm, một tai nạn, hay một cái gì có thể vứt bỏ, nhưng là một ân ban, một tặng phẩm giúp nhận ra giá trị nhưng không của lòng yêu thương, điều không lúc nào không làm chúng ta thán phục. Đó chính là vẻ đẹp của việc được thương yêu trước: con cái được yêu thương trước cả khi ra đời”.[7]
Xin cho các bậc làm cha mẹ nhận ra sự tín nhiệm của Thiên Chúa ủy thác cho mình – những người được dự phần vào mầu nhiệm sáng tạo của Thiên Chúa - qua những người con.[8] và xác tín rằng: “Mọi đứa trẻ lớn lên trong lòng mẹ đều là một phần trong kế hoạch yêu thương đời đời của Chúa Cha”. Xin Chúa thương chúc lành cho những người mẹ, những người đang vất vả vì đàn con luôn hạnh phúc và đừng để bất cứ điều gì tước mất niềm vui sướng nội tâm được làm mẹ của họ”.[9]


TIN GIÁO HỘI HOÀN VŨ
“Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống” được chính thức thành lập
     Thứ Tư, 17/08/2016, qua Tự Sắc Sedula Mater (Người Mẹ ân cần) đề ngày 15/08/2016, lễ Đức Mẹ Lên trời, ĐTC Phanxicô đã chính thức thành lệp “Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống”. Bộ này hợp nhất hai Hội Đồng Giáo Hoàn về Giáo Dân và Gia Đình. Mục đích thành lập Thánh Bộ này là để giúp đỡ giáo hữu, những người đang tích cực làm chứng cho Tin Mừng và diễn tả lòng nhân hậu của Chúa Cứu Thế.
     Đức Thánh Cha cũng đặt Đức Giám Mục Kevin Farrell (69 tuổi), Giám mục Giáo Phận Dallas (Hoa Kỳ) làm Bộ Trưởng.
 
TIN GIÁO HỘI VIỆT NAM
Đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam chúc mừng tân Chủ tịch nước
WHĐ (19/08/2016) – Nhận lời mời của Ban Tôn giáo Chính phủ, ngày 18/08 vừa qua, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Gm. Gp. Bắc Ninh, Tổng Thư ký Hội Đồng Giám mục Việt Nam, cùng với Đại diện các Tôn giá, đã tới Phủ Chủ tịch chúc mừng ông Trần Đại Quang trong chức vụ Chủ tịch nước – đã được Quốc hội bầu vào đầu tháng Tư vừa qua.
Tại buổi lễ chúc mừng, Đức cha Tổng Thư ký đã có bài phát biểu chúc mừng ông Chủ tịch nước, đồng thời nói lên nguyện vọng của Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam luôn chia sẻ những vui mừng và lo âu của dân tộc. Đức cha cũng đề nghị ông Chủ tịch nước quan tâm tới mối quan hệ bang giao giữa Tòa Thánh và Nhà nước Việt Nam, việc Đức Giáo hoàng có thể tới thăm Việt Nam, việc GHCG tham gia vào các công tác giáo dục, từ thiện nhân đạo và môi trường...
 
TIN GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

Hiền mẫu Giáo phận Xuân Lộc thi Chủ đề Mục Vụ 2016

Sáng Chúa nhật 14/08 vừa qua, tại Giáo xứ Thái Xuân đã diễn ra Hội thi giáo lý cho Giới Hiền Mẫu giáo phận, gần 200 ‘nữ sĩ tử’ tham dự. Trải qua 4 vòng thi, không chỉ tìm ra được những cá nhân xuất sắc, tập thể ưu tú, mà còn nhận biết được sự tích cực học hỏi giáo lý của Giới Hiền Mẫu.

 

Hiền mẫu Giáo phận mừng lễ thánh bổn mạng Mônica

Chúa nhật ngày 28/08/2016, từ các Hiền mẫu trong Giáo phận sẽ hành hương về Tòa Giám Mục mừng lễ thánh bổn mạng Mônica. Toàn Giáo phận chúc mừng và hiệp ý với các Hiền mẫu trong ngày mừng lễ này.


[1] “Ngài dệt nên con trong lòng mẹ con” (Tv 139,13)
[2] x. ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia 168.
[3] Đức Gioan Phaolô II, Bài Giáo Lý (12.3.1980), 3: Insegnamenti III/1 (1980), 543.
[4] x. ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia 171.
[5] x. Ibid, 169.
[6] x. x. Ibid, 166.
[7] Bài Giáo Lý (11 tháng 2, 2015): L’Osservatore Romano, 12.2.2015, p. 8.
[8] x. ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia;  x. Gaudium et Spes, 51.
[9] x. Ibid, 171.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...