30/05/2017
9344
Trong Thư gởi các Gia đình Công giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2016, trước khi mời gọi các gia đình hãy trở nên “Hội Thánh tại gia” và đẩy mạnh việc thực thi “sứ vụ thương xót”, các Đức Giám Mục chân thành mời các gia đình nhìn những thách đố mà các gia đình đang phải đối diện, đó là thực tế về “tình trạng vợ chồng Công giáo ly thân và ly dị đang có chiều hướng gia tăng, cách riêng nơi các gia đình trẻ[1]”. Khủng hoảng căn bản của đời sống gia đình là sự rạn nứt những mối tương quan mà đỉnh điểm của nó là việc ly dị, một biểu lộ “hữu hình” về sự tan vỡ các mối quan hệ gia đình. Vì thế việc nhắc lại các Đặc Tính của Hôn Nhân Công Giáo là điều cần thiết để giúp các bạn trẻ ý thức về tầm quan trọng của hôn nhân cũng như trách nhiệm của các bạn trong việc xây dựng và gìn giữ hạnh phúc của gia đình.
  1. Trào lưu hiện nay
Con người ngày nay đang sống trong một xã hội hưởng thụ, nhiều giá trị truyền thống của cuộc sống bị coi nhẹ đi. Song song đó, chủ nghĩa cá nhân đang làm suy yếu các mối dây ràng buộc của gia đình và coi các thành viên của gia đình như một đơn vị biệt lập; đồng thời hình thành các ước vọng của họ, những ước vọng đấy được coi là tuyệt đối[2]. Vấn đề hôn nhân cũng không tránh khỏi vòng xoay của xã hội này. Nhất là con người đang tìm cách xóa bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống của mình. Chính vì lối suy nghĩ và sống hưởng thụ đã ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân gia đình. Tính bền vững của gia đình đang bị đe dọa nghiêm trọng với quan niệm hợp thì lấy không hợp thì bỏ.
Tỷ lệ ly dị ngày càng gia tăng: nếu năm 2000 chỉ có 51.361 vụ ly hôn thì năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ[3]. Và theo số liệu từ Viện Nghiên cứu gia đình và giới tính, cả nước trung bình có trên 60.000 vụ ly hôn/năm, tỉ lệ 30%, tức là cứ 10 cặp vợ chồng kết hôn thì có 3 cặp ly hôn. Xu hướng này tiếp tục tăng ở cả thành phố và nông thôn[4]. Nguyên do của việc ly hôn có những lý do khác nhau do: tình yêu cảm tính, thực dụng, vật chất, tình dục hóa tình yêu, … nhất là một quan niệm quá dễ dãi trong việc ly hôn.
Như thế, xây dựng một nền tảng vững chắc cho gia đình cũng đồng nghĩa với việc củng cố tình yêu và sự hiệp thông trong gia đình. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II xác quyết: “gia đình được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêuBổn phận đầu tiên của gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông[5]. Quả thật, hôn nhân là một giao ước tình yêu. Nó đòi mỗi bên phải nghiêm túc thực hiện những yêu cầu trong giao ước và đòi có một sự trung thành trong việc thực hiện giao ước. Nói cách khác, tìnhyêu chân chính, trưởng thành và có trách nhiệm đòi hỏi sự duy nhất và bất khả phân ly[6]. Điều này mang một ý nghĩa không những thanh luyện và củng cố những đặc điểm này, mà còn nâng cao chúng lên đến độ chúng được coi là biểu hiện của những điều thiện hảo riêng biệt của Kitô giáo[7].
  1. Đơn hôn
Tính duy nhất, đơn hôn của hôn nhân công giáo dựa trên lời của Chúa Giêsu đã xác quyết: “họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19, 6). Quả thật tính đơn hôn mang đến cho tình yêu phu phụ sự hiệp thông nên một với nhau trong Đức Kitô[8]. Nhờ sự hiệp thông với nhau trong Đức Kitô mà sự bình đẳng giữa vợ chồng, những chi thể trong thân thể Đức Kitô, sẽ có sự tương thân tương ái với nhau cách khắng khít và có trách nhiệm hơn[9]. Chính điều này đòi hỏi các bạn trẻ ý thức hơn trong quá trình tìm hiểu nhau và làm trổ sinh tình yêu đích thực giữa họ. Một tình yêu đích thực “có nghĩa là cho và nhận một điều gì đó không thể mua cũng không thể bán, mà chỉ có thể cho một cách tự nguyện và hỗ tương[10].
Quả thật tình yêu đích thực là biết cho đi một cách nhưng không. Tình yêu này bắt nguồn từ “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8. 16). Chính Chúa Giêsu, hình ảnh hữu hình, cụ thể, sống động của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa Cha[11], đã bày tỏ cho con người qua việc xuống thế làm người, chịu chết và phục sinh của Người. Chính đặc tính đơn hôn sẽ giúp cho vợ chồng toàn tâm, toàn ý lo lắng cho nhau và cho con cái cũng như gia đình của họ. Họ không bị phân chia con người của mình nhưng “toàn hiến mình cho nhau, trung thành với nhau và mở ra cho một sự sống mới[12]. Đây là một điều mà con người ngày nay đang dần đánh mất vì chủ nghĩa cá nhân và ước muốn “quy ngã” đang bao trùm cả xã hội.
  1. Vĩnh viễn (FC. 19 - 21)
Tính vĩnh viễn, bất khả phân ly trong hôn nhân công giáo đòi hỏi phải chung thủy một cách bất khả xâm phạm[13]. Chính vì thế “Hội thánh có bổn phận căn bản là phải tái khẳng định thật mạnh mẽ giáo lý về sự bất khả phân ly của hôn nhân đối với con người ngày nay đang nghĩ rằng thật khó khăn … có khi còn công khai khinh bỉ việc đôi bạn cam kết sống trung thành với nhau[14]. Tính vĩnh viễn của hôn nhân bắt nguồn từ “sự trung tín của Thiên Chúa với giao ước của Ngài và sự trung tín của Đức Kitô với Hội Thánh [15]. Và gia đình Kitô hữu là một mặc khải, một sự hiện thực đặc biệt mối hiệp thông trong Hội Thánh[16]. Thật thế sự trung tín của Thiên Chúa đối với con người là luôn luôn và mãi mãi dù trải qua rất nhiều thời gian; dù con người có bất trung cùng Thiên Chúa nhưng sự trung tín của Thiên Chúa không bao giờ thay đổi. Giờ đây Thiên Chúa kêu gọi đôi vợ chồng dự phần vào tình yêu vĩnh viễn của Ngài và trở nên chứng nhân cho tình yêu trung tín của Thiên Chúa[17] qua sự trung tín với nhau trọn đời.
Tuy nhiên sự trung tín đòi hỏi phải có sự bổ túc tự nhiên giữa người nam và người nữ, và được nuôi dưỡng nhờ ý chí của đôi bạn muốn đích thân chia sẻ với nhau điều họ có và họ là; đồng thời đôi bạn “được mời gọi lớn lên không ngừng trong sự hiệp thông với nhau qua việc trung thành mỗi ngày với lời cam kết hôn nhân là trao hiến trọn vẹn cho nhau[18]. Quả thật việc trung thành mỗi ngày đòi hỏi sự hy sinh, một sự cho đi không ngừng để cùng nhau chung tay xây dựng gia đình thành một mối hiệp thông sâu xa sẽ là dấu chỉ của tình yêu bất khả phân ly của Thiên Chúa. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II kêu gọi: “ngày nay làm chứng về giá trị cao quý của sự bất khả phân ly trong hôn nhân và của lòng chung thủy vợ chồng là một trong những bổn phận quan trọng nhất và cấp bách nhất của các đôi bạn Kitô hữu[19].
  1. Điều răn thứ IX
Điều răn thứ chín không dập tắt những ước mơ của con người, nhưng cấm những ước muốn vô luân, phóng đãng. Kinh Thánh chống lại những hình thức thèm muốn phạm đến điều răn thứ chín, tức là khi con người để cho các bản năng thống trị lý trí dẫn đến bị ám ảnh về tình dục[20]. Điều này đòi phải có một sự thanh khiết bắt nguồn từ chiều sâu của tâm hồn. Như Chúa Giêsu đã dạy: “tự lòng người phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống” (Mt 15, 19). Do đó cần phải giữ cho tâm hồn chúng ta được thanh khiết, được trong sạch. Chính nhờ sự trong sạch trong tâm hồn chúng ta sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa (x. Mt 5, 8). Vì thế cần phải thanh tẩy ý hướng và ngũ quan của chúng ta để khước từ những tư tưởng xấu khiến ta xa Chúa. Đồng thời chúng ta cần phải tránh xa những dịp tội, những chỗ vui chơi giải trí không lành mạnh. Mặt khác cũng cần tránh gây gương mù, gương xấu bằng một đời sống nết na, đoan trang vì “sự nết na hướng dẫn cái nhìn và cử chỉ cho phù hợp với phẩm giá của con ngườiNết na chính là sự đoan trang. Nó gợi hứng cho việc lựa chọn y phục. Nó giữ thinh lặng hay dè dặt khi có nguy cơ tò mò thiếu lành mạnh. Sự nết na chính là sự thận trọng[21]. Vì vậy phải thận trọng để giữ mình cho trong sạch để xứng đáng là đền thờ của Thiên Chúa.
Chúng ta đang sống trong một đất nước với chủ trương duy vật vô thần, quan niệm tự do và chủ nghĩa cá nhân len lỏi vào trong cuộc sống gia đình và từng bước phá hủy tính chất truyền thống của gia đình. Vì vậy việc gây ý thức nơi các bạn trẻ về giá trị đích thực của hôn nhân công giáo là điều hết sức cần thiết. Đây là trách nhiệm của “tất cả mọi thành phần trong gia đình, mỗi người theo ơn gọi riêng của mình, đều có ân sủng và trách nhiệm để ngày nay sang ngày khác tiếp tục xây dựng sự hiệp thông và biến gia đình thành một trường học đào tạo cho nhân tính được hoàn hảo và phong phú hơn[22]. Tắt một lời gia đình phải là một cộng đoàn của sự sống và tình yêu đang vươn lên và sẽ hoàn tất trong Nước Thiên Chúa.

[1] HĐGM VN, Thư gởi các gia đình, ngày 20 tháng 11 năm 2016, số 3.
[2] x. Amoris Laetitia 33.
[5] Familiaris Consorto  18.
[6] GLHTCG 1644.
[7] x. FC 13.
[8] x. GLHTCG 1644.
[9] x. FC 19
[10] Báo Hiệp Thông số 99 (tháng 3&4 năm 2017), tr. 16
[11] x. Missericordiae Vultus 1
[12] A.L 73.
[13] x. GLHTCG 1646.
[14] F.C 20.
[15] GLHTCG 1647.
[16] x. F.C 21.
[17] x. GLHTCG 1648.
[18] F.C 19.
[19] F.C 21.
[20] x. YouCat Việt Nam 462.
[21] GLHTCG 2521 - 2522
[22] F.C. 21.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...