27/03/2017
5957
THIÊN CHÚA THIẾT LẬP ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN GIA ĐÌNH
            Kinh Thánh mặc khải ý định của Thiên Chúa về định chế hôn nhân-gia đình, trong đó nổi bật tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa khi tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, một nền tảng cho phẩm giá con người và hôn nhân. Chính bí tích Hơn nhn kiện toàn và ban những ân sủng đã đánh mất vì tội lỗi con người.
            Bạn trẻ đang chuẩn bị cho đời sống hôn nhân-gia đình sau này, cần tìm hiểu 4 điểm sau đây:
I. VƯỜN EĐEN HẠNH PHÚC VÀ NỖI CÔ ĐƠN CỦA AĐAM.
            Sách Sáng Thế cho biết: Sau khi tác tạo Ađam, Thiên Chúa đã đăt ông trong vườn Eđen (St 2,15). Giáo Lý của Hội Thánh mô tả hạnh phúc của Ađam như sau: “Con người đầu tiên không những được sáng tạo tốt lành, mà còn được đặt trong tình nghĩa với Đấng dựng nên mình, sống hòa hợp với bản thân và với vạn vật xung quanh[1].
            Tuy sống giữa đoàn thú vật đông đúc, hoa thơm trái ngọt, dòng sông hiền hòa, Ađam vẫn chưa hoàn toàn hạnh phúc, ông cảm thấy còn thiếu một thứ gì đó dù ông không xác định được, ông vẫn cô đơn. ĐTC Phan-xi-cô viết: “Ta thấy người đàn ông băn khoăn tìm kiếm một người trợ giúp thích hợp với mình[2].
II. THIÊN CHÚA TÌNH YÊU VÀO CUỘC.
            Kinh Thánh dạy: “Người đã lấy một xương sườn của Ađam đoạn lắp thịt vào. Thiên Chúa đã làm thành một người đàn bà và dẫn đến Ađam” (St 2,21-22). ĐTC Phan-xi-cô viết: “Ađam đã gặp gỡ một khuôn mặt, một “con người” phản ánh tình yêu Thiên Chúa, là tài sản giá trị nhất, một người trợ giúp thích hợp với ông và là một cột chống đỡ theo ngôn từ của vị hiền triết trong Kinh Thánh” (Cn 36,24)[3]. Đức Thnh Cha còn diễn tả cách thi vị và khéo léo nỗi vui mừng của Ađam bằng việc trích dẫn sách Diễm Ca: “Người yêu dấu của tôi là của tôi….và tôi là của chàng. Tôi là của người ấy và người ấy là của tôi” (Dc 2,16; 6,3)[4].
III. PHẨM GIÁ CON NGƯỜI VÀ HÔN NHÂN.
            Thánh Giáo Hoàng Lê-ô Cả (440-461) kêu gọi: “Hỡi người Ki-tô hãy nhận biết phẩm giá của bạn[5].
            Các hoạt động như suy nghĩ, biện phân (của lý trí), bền bỉ, nhiệt tình (của ý chí), chọn lựa, cân nhắc (của tự do), lắng nghe tiếng nói từ cõi lòng (của lương tâm), đón nhận hiệu quả việc mình làm (của trách nhiệm)….là những hành động đặc trưng làm cho con người trổi vượt các thụ tạo khác, chúng bày tỏ giá trị cao quí của con người là “cây sậy biết suy tư” (Blaise Pascal). Nguồn gốc và nền tảng nhân phẩm cao quý ấy hệ tại việc Thiên Chúa dựng nên loài người “theo hình ảnh Ngài”, có xác thân và linh hồn. Nhân phẩm liên quan mật thiết với nhân quyền. Nhân quyền là những quyền căn bản của con người được Thiên Chúa ban cho (quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc…) và đòi buộc được tôn trọng[6].
            Kinh Thánh dạy: “Mọi sự Thiên Chúa tạo dựng đều tốt đẹp” (1Tim 4,4). Hôn nhân là điều tốt đẹp và thánh thiêng vì:
            a. Xuất phát từ Thiên Chúa Đấng Sáng Tạo. Khi đọc lời Kinh Thánh: “Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, có nam, có nữ”, ĐTC Phan-xi-cô đã viết: “Điều gây ấn tượng là hình ảnh Thiên Chúa ở đây ám chỉ cặp đôi nam và nữ…”, chúng ta phải gìn giữ sự siêu việt của Thiên Chúa; nhưng Ngài cũng là Tạo Hóa, sự phong nhiêu của vợ chồng nhân loại chính là hình ảnh sống động và hiệu quả, là một dấu chỉ hữu hình của hành vi sáng tạo của Thiên Chúa[7].
            b. Hành vi vợ chồng gần gũi gắn bó nên một mô tả sự hiệp thông của con người với Thiên Chúa. ĐTC viết: “Chính từ ngữ “gắn bó” … chứng tỏ sự hòa hợp sâu sắc, sự gần gũi cả thể lý lẫn nội tâm, tới độ từ ngữ ấy bao giờ cũng dùng để mô tả sự hiệp thông của ta với Thiên Chúa[8].
            c. Sinh sản là biểu tượng sự sống nội tại của chính Thiên Chúa. ĐTC Phan-xi-cô nói: “Vợ chồng yêu thương và sinh ra sự sống là hình ảnh đích thực và sống động có khả năng mặc khải Thiên Chúa. Vì lý do này, tình yêu phong nhiêu trở thành biểu tượng của sự sống nội tại của chính Thiên Chúa[9].
IV. BÍ TÍCH HÔN PHỐI.
            Nền tảng của thần học về gia đình chính là bí tích Hôn Phối:
            Hôn Phối là bí tích Chúa Giê-su đã lập để kết hợp hai người tín hữu, một nam một nữ, thành vợ chồng trước mặt Chúa và Hội Thánh, cùng ban cho họ sống xứng đáng ơn gọi của mình.
            a. Hai thực tại là một : Bí tích Hôn Phối không phương hại đến hôn nhân tự nhiên trái lại hoàn thiện nó. Hội Thánh dạy: “Những đặc tính căn bản của hôn nhân là sự duy nhất và bất khả phân ly; nhờ tính cách bí tích, những đặc tính ấy được kiện toàn đặc biệt trong hôn phối Ki-tô giáo[10]. Như thế giữa các Kitô hữu đã rửa tội hai thực tại hôn nhân tự nhiên và bí tích Hôn Phối là một thực tại duy nhất.
            b. Ơn riêng của bí tích hôn phối : Ơn riêng của bí tích hôn phối là ơn giúp vợ chồng yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu Hội Thánh, nhờ đó họ sống trung thành và giúp nhau nên thánh. Công đồng Tri-den-ti-nô viết: “Ơn thánh hoàn hảo hóa tình yêu tự nhiên, củng cố sự hiệp nhất bất khả phân ly và thánh hóa vợ chồng. Chính Chúa Kitô đã đạt được ơn thánh ấy cho chúng ta nhờ sự thương khó của Người[11]. ĐTC Phan-xi-cô cũng viết: “Đức Ki-tô ở với họ, ban cho họ sức mạnh để vác thập giá theo Ngài, để trỗi dậy sau khi té ngã, để tha thứ cho nhau, mang gánh nặng của nhau[12].
            c. Thừa tác viên của bí tích Hôn Phối : “Nhờ sự thánh hóa của bí tích rửa tội, họ có thể kết hợp với nhau trong hôn nhân với tư cách là thừa tác viên của Chúa[13].
            d. Bổn phận vợ chồng đối vơi nhau : Thánh Phao-lô dạy: “Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa… và như Hội Thánh tùng phục Chúa Ki-tô thế nào, thì người vợ cũng phải tùng phụng chồng trong mọi sự như vậy”. (Ep 5,21-24).
            e. Trách nhiệm của cha mẹ với con cái và bổn phận của con cái với cha mẹ : Thánh Phao-lô dạy: “Bậc làm cha mẹ hãy giáo dục con cái thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6,4). “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa. Hãy tôn kính cha mẹ”. (Ep 6,1). Đàng khác, vì gia đình là tế bào của Giáo Hội và xã hội, nên gia đình còn có trách nhiệm đối với Giáo Hội và xã hội[14].
            f. Điều kiện để lãnh nhận bí tích Hôn Phối : đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, không bị ngăn trở bởi luật tự nhiên và luật Hội Thánh, hiểu biết về bí tích Hôn Phối và đời sống gia đình, tự do kết hôn và công khai nói lên sự ưng thuận của mình theo nghi thức Hội Thánh.
            Xin dẫn lời Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II để kết thúc bài học này mà trung tâm là bí tích Hôn Phối: “Ơn của Bí Tích Hôn Phối đối với các vợ chồng Ki-tô giáo cũng là một ơn gọi, đồng thời là một giới răn. Hãy trung thành với nhau trọn đời, vượt trên mọi thử thách và khó khăn, trong sự vâng phục thánh ý Chúa: “Điều mà Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ” (Mt 19,6)”[15].
 
 
 
 
[1] GLHTCG 374.
[2] ĐTC Phanxicơ, Tông huấn Niềm hoan lạc của Tình Yêu, số 12
[3] Ibid., số 12
[4] ĐTC Phanxicơ, Tông huấn Niềm hoan lạc của Tình Yêu, số 12
[5] Thánh Giáo Hoàng Lê-ô Cả (serm. 21,2-3), GLHTCG 1691.
[6] x. Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp Quốc, Tuyên Ngôn Độc Lập của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
[7] ĐTC Phanxicơ, Tông huấn Niềm hoan lạc của Tình Yêu, số 10
[8] Ibid., số 13
[9] Ibid., số 11; x. St 1,28; 9,7; 17, 2-5….
[10] Giáo Luật 1056.
 
[11] ĐS 1799
[12] ĐTC Phanxicơ, Tông huấn Niềm hoan lạc của Tình Yêu, số 73; GLHTCG 1642.
[13] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio số 20.
[14] Ibid., số 36,
[15] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio số 20.
 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...