06/02/2020
891
Thứ Sáu Tuần 4 TN
         Lời Chúa: Mc 6,14-29
         14 Vua Hê-rô-đê nghe biết về Đức Giê-su, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói : "Đó là ông Gio-an Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ." 15 Kẻ khác nói : "Đó là ông Ê-li-a." Kẻ khác nữa lại nói : "Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ." 16 Vua Hê-rô-đê nghe thế, liền nói : "Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy !"
         17 Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, 18 mà ông Gio-an lại bảo : "Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài !" 19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. 20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.
         21 Một ngày thuận lợi đến : nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. 22 Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái : "Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con." 23 Vua lại còn thề : "Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được." 24 Cô gái đi ra hỏi mẹ : "Con nên xin gì đây ?" Mẹ cô nói : "Đầu Gio-an Tẩy Giả." 25Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng : "Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm." 26 Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. 27 Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, 28 bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. 29 Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.
 Suy niệm:
         Đôi khi trong cuộc sống chúng ta chưa dám can đảm sống theo sự thật. Chúng ta có nhiều lý do để lẩn trốn sự thật. Chúng ta thường do dự và chậm quyết đoán nên vẫn để sự dữ ngự trị. Lập trường chúng ta chao đảo khi chúng ta để cho khuynh hướng xấu thống trị chúng ta.
         Hêrôđê là một điển hình. Ông là một người không có lập trường: một đàng kính trọng Gioan nhưng  khi bị Gioan vạch tội thì căm thù Gioan; khi nghe Gioan giảng thì ông thích, nhưng khi nghe bà Hêrôđia xúi bậy thì lại bắt Gioan tống ngục; lúc thì hứa sẽ cho cô con gái của bà Hêrôđia bất cứ điều gì nó xin, nhưng khi nó xin cái đầu của Gioan thì ông lại buồn, nhưng không dám từ chối…
         Xin cho đời sống của chúng ta luôn can đảm làm chứng cho sự thật, luôn thể hiện lập trường của mình là môn đệ Chúa Ky-tô và sẵn sàng tuyên xưng bằng cả mạng sống mình như Gioan. 
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa đã đến trần gian để làm chứng cho sự thật. Chúa biết rằng sự thật sẽ giải thoát chúng con khỏi cái chết muôn đời. Chúa cho chúng con biết sự thật của chúng con là con cái của Chúa, là con cái sự thật.
Nhưng Chúa ơi, đã bao lần chúng con đã không sống với lương tri con người. Chúng con sống quanh co, giả dối. Chúng con sống thiếu công bình, bác ái. Chúng con còn chưa dám sống với những điều mình tin. Xin Chúa tha thứ cho chúng con. Xin ban ơn can đảm để chúng con biết sống theo lương tâm soi sáng, biết tránh xa sự xấu, và biết gìn giữ vẻ đẹp của linh hồn chúng con là hình ảnh của Chúa luôn trong trắng, tinh tuyền. Xin cho chúng con lòng trung thành tuyệt đối để có thể nói như thánh Phao-lô: “không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến Chúa trong Chúa Giê-su Ky-tô”. Amen Mc 6, 14-29
THUỐC ĐẮNG DÃ TẬT - SỰ THẬT ... MẤT ĐẦU
            Người ta thường nói sự thật thì mất lòng. Sự thật là chuyện rất khó nói bởi vì nó chỉ đem lại cho chúng ta những phiền toái, mích lòng nhau. Trong trường hợp của Gioan tẩy giả thì tệ hại hơn … Ông nói ra sự thật về tội loạn luân của nhà vua Hêrôđê : chiếm đoạt vợ của anh mình là Hêrôđiađê, nên ông Gioan tẩy giả đã bị thiệt thân. Lương tâm của vị ngôn sứ đã thúc đẩy Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua, kêu gọi nhà vua hãy trở về nẻo chính đường ngay. Vì thế Gioan tẩy giả đã bị vua chém đầu, bị chết vì công lý.
            Chân lý là sự thật. Chân lý đến từ Thiên Chúa và đã được mạc khải cho con  người. Chân lý có trong Phúc âm của Chúa Giêsu. Hiểu Chân lý Chúa, mỗi người Kitô hữu hãy cố gắng sống và làm chứng cho chân lý trong đời sống hằng ngày.
            Và rồi ta thấy trình thuật Tin mừng thứ Sáu tuần IV thường niên hôm nay nhắc đến cái chết của Gioan Tẩy Giả. Có vẻ như thánh sử Máccô không lôgic lắm khi đang trình bày sứ vụ công khai của Chúa Giêsu cùng với việc Ngài tuyển chọn và sai các môn đệ đi loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa, thì bất ngờ ở đây lại nhắc đến việc Gioan Tẩy Giả bị chém đầu.
            Gioan Tẩy Giả là nạn nhân của bất công. Có bất công khi người ta đặt chính trị lên trên những giá trị khác của cuộc sống, như tinh thần và niềm tin; có bất công khi người ta hành động theo bản năng hơn là theo tinh thần. Vua Hêrôđê lẫn nàng Hêrôđia đều đã hành động theo lối ấy. Hêrôđia sống bất chấp luân thường đạo lý, còn Hêrôđê thì cho dù vẫn sáng suốt để phân biệt được điều ngay với lẽ trái, nhưng lại chọn sống theo bản năng hơn là lý trí.
            Hêrôđê nói: “Ðó chính là Gioan trẫm đã chặt đầu, nay sống lại”. Vì chính vua Hêrôđê đã sai bắt Gioan và giam ông trong ngục, nguyên do tại Hêrôđia, vợ của Philipphê anh vua mà vua đã cưới lấy. Vì Gioan đã bảo Hêrôđê: “Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình.” (Mc 6, 16)
            Gioan đã bị trảm quyết vì đã dám lên tiếng tố cáo cuộc sống vô luân của vua Hêrôđê, là người đã bỏ vợ để lấy vợ của anh cùng cha khác mẹ của mình. Mang trong mình sứ mệnh răn bảo, sửa dạy, và kêu mời dân chúng hoán cải, từ bỏ lối sống tội lỗi để trở về đường ngay nẻo chính, Gioan không thể làm ngơ trước cuộc sống vô luân có thể ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và luân lý của toàn dân. Khi tố cáo cuộc sống tội lỗi của Hêrôđê, Gioan không chỉ tố cáo tội lỗi của một cá nhân, mà còn cảnh cáo giới lãnh đạo thời đó đã vì địa vị, danh vọng, mà để mặc cho bất công ngự trị, tung hoành.
            Cái chết của Gioan Tẩy Giả là có dụng ý của thánh sử. Số mạng củaGioan Tẩy Giả báo trước số mạng của Chúa Giêsu cũng như định mệnh các môn đệ của Ngài. Con đường làm chứng cho Tin mừng Nước Thiên Chúa là con đường chông gai, đau khổ, thậm chí phải đánh đổi bằng cả mạng sống.
            Thánh Gioan đã chu toàn sứ mạng của mình cách trọn hảo. Ngài đã dám sống và dám đánh đổi ngay cả mạng sống mình để trung thành với sứ mạng làm chứng cho sự thật dù phải thiệt thân. Dung mạo của Gioan loan báo trước dung mạo của Chúa Giêsu, đến nỗi khi Chúa Giêsu đến vua Hêrôđê tưởng rằng ông đã sống lại. Ước gì đây là khuôn vàng thước ngọc cho người Kitô hữu chúng ta trong cuộc sống hiện tại để dám sống và trung thành bảo vệ chân lý Tin Mừng như Gioan dù có thể bị oán ghét, thiệt thòi.
            Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng tố cáo bất công và sẵn sàng chết cho công lý. Trong ý nghĩa ấy, ngài là vị tiền hô của Chúa Giêsu, ngài qua đi nhưng tinh thần ngài vẫn sống mãi trong các môn đệ của ngài, và một cách nào đó, ngài cũng sống trong chính con người Chúa Giêsu và nơi mỗi người Kitô hữu.
            Và ta thấy từ hơn 2000 năm qua, Giáo Hội vẫn sống trong niềm xác tín đó. Chính tinh thần của Gioan Tẩy Giả, của các Tông Ðồ, của các Thánh Tử Ðạo, đã sống mãi trong Giáo Hội và trở thành giây liên kết mọi Kitô hữu. Ðiều này luôn được Giáo Hội thể hiện qua cử chỉ hôn kính hài cốt các thánh được đặt trên bàn thờ.
            Hêrôđê là một con người tha hóa, nhu nhược. Bà Hêrôđia là một con người thời cơ lợi dụng, âm mưu và tội lỗi. Con gái bà Hêrôđia là người không có phán đoán, sống theo hưởng thụ và sẵn sàng cộng tác vào những điều bất chính. Tất cả những cách sống của những nhân vật như: Đức Giêsu, Gioan Tẩy giả, Hêrôđê, bà Hêrôđia và con gái bà, chúng ta có thể thấy rất nhiều trong môi trường ngày nay, và đôi khi cũng là chính khuân mặt của chúng ta.
            Con người ngày nay quá say mê với danh vọng, vật chất thế gian mà sẵn sàng chà đạp lên sự thật, công lý. Chính lối sống đó đã đẩy người ta vào tình trạng sa đọa và chết chóc muôn đời. Ngược lại, nếu ta dân thấn vì Tin mừng cho đến độ có thể phải mất mạng sống mình như Gioan Tẩy Giả và các môn đệ xưa kia, thì ta sẽ được chỗi dậy với Chúa cho một đời sống mới. Nói như thánh Phanxicô Assisi: Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời!
            Và nhất là ta hãy để cho chân lý của Phúc âm đi sâu vào tâm hồn và đời sống gia đình. Gia đình chúng ta hãy siêng năng đọc sống và sống Lời Chúa dạy, sống hòa thuận yêu thương nhau, mọi người biết tôn trọng nhau, phục vụ nhau, sống chân thành với nhau, và biết từ bỏ những thái độ xấu của bản thân, chẳng hạn như sống giả dối, lường gạt, làm ăn phi pháp, …
            Sống và làm chứng cho Phúc âm không chỉ mang lại ơn ích cho gia đình, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho các gia đình xung quanh, qua đời sống bác ái yêu thương của mỗi gia đình.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...