01/11/2019
1040
Tháng linh hồn – Nhớ về ông bà cha mẹ
Có một cô gái đã viết tâm sự trên facebook của mình vào ngày 02.11 như sau: “Hôm nay tôi chợt nhớ đến một người. Một người trong tuổi thơ đã cho tôi nhiều niềm vui nhưng cũng có nhiều nỗi buồn. Ngày người ấy ra đi, nó còn nhỏ, nhưng nó cũng đã biết khóc và khóc nhiều lắm, nhưng cuộc sống lắm bon chen làm nó có những lúc quên đi người ấy . . . Giờ này giây phút này, nó muốn được người ấy ôm vào lòng và gọi “cục cưng của ba” nhưng không được nữa rồi”.
Đây là lời rất chân tình của một cô gái có cha đã qua đời. Tuổi thơ của cô với cha không êm đềm, thế nhưng, tình cha vẫn là cha. Dù cha thế nào đi nữa, cô vẫn muốn được cha gọi hai tiếng “cha ơi”.
Vâng, những người đã nằm xuống, dù họ thế nào đi nữa, họ vẫn là ruột thịt của chúng ta, và chắc chắn lòng chúng ta vẫn bồi hồi thương tiếc khi nhớ về họ. Đặc biệt, cứ đến tháng 11, người tín hữu công giáo lại bồi hồi nhớ về người quá cố. Là người còn sống, tưởng nhớ và ghi ơn những kẻ đã qua đời, xin được chia sẽ đôi nét về tinh thần đạo hiếu - Người Việt Nam.
Người Việt Nam coi Hiếu là là cái gốc của Đức. Cốt tuỷ của Đạo hiếu là Đức Hiếu thảo được thể hiện qua hai điều : Tôn kính cha mẹ lúc còn sống và thờ kính cha mẹ, ông bà khi các ngài qua đời.
Nhiều bài ca dao, tục ngữ, nhiều bài hát, câu chuyện, đã kể về công cha nghĩa mẹ và răn dạy con cái cần sống đáp đền công ơn ấy :
“Công cha nghĩa mẹ cao vời
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.
Nên người con phải xót xa
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao
Đội ơn chín chữ cù lao
Sinh thành kể mấy non cao cho vừa”.
Bởi đó khi cha mẹ về già, con cái phụng dưỡng cha mẹ với của ngon vật lạ, sáng viếng tối thăm: 
“Muốn cho gần mẹ gần cha
Khi vào thúng thóc, khi ra quan tiền.”
Suốt dọc dài lịch sử, người Việt Nam chúng ta có những mẫu gương sáng ngời về đạo hiếu như chuyện Lục Vân Tiên đang trên đường đi thi, được tin mẹ mất, anh lập tức quay về chịu tang mẹ và khóc đến mù mắt :
“Thương thay chín chữ cù lao,
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình !”
Vào những ngày đầu Năm Mới, Giáo hội Việt Nam dành trọn mồng 2 Tết để con cái dâng thánh lễ đặc biệt cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên . Vào ngày này, những người con thường nhắc lại công ơn trời bể cha mẹ đã dành cho con cái và hứa quyết tâm sống sao khỏi phụ lòng cha mẹ, ông bà. Và cũng trong ngày Việc tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ không chỉ giới hạn trong những ngày đầu năm hay trong tháng 11 – tháng linh hồn, mà con cháu luôn nhớ đến ông bà, tổ tiên qua lời kinh nguyện và trong thánh lễ mỗi ngày : “Xin thương cho ông bà tổ tiên, cha mẹ, anh chị em chúng con đã qua đời, và tất cả những ai đã ly trần trong ơn nghĩa Chúa, được vào Nước Chúa, nơi chúng con hy vọng sẽ tới…”. 
Ngoài ra vào những trường hợp đặc biệt như : Cha mẹ, ông bà qua đời, giỗ 100 ngày, giỗ 1 năm, 2 năm, 3 năm … con cái thường tổ chức đọc kinh gia đình, kinh xóm cho mọi người trong giáo họ, giáo xứ tham gia. Vào những dịp này con cháu trong gia đình thường xin lễ, cầu nguyện cho ông bà cha mẹ. 
Kính thưa, quý OB Va ACE Bài ca dao :
“Công cha như núi Thái Sơn.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha.
Cho tròn Chữ Hiếu mới là Đạo con”
thật đơn sơ, mộc mạc nhưng biểu lộ một giá trị bất hủ của Đạo hiếu trong lòng người Việt Nam. Điểm nổi bật của lòng hiếu nghĩa là lòng biết ơn và sống báo đáp công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mình lúc còn sống và thờ kính cha mẹ lúc qua đời.
Kitô giáo là Đạo đi từ con người tới Thiên chúa. Đạo hiếu Không có gì là mâu thuẫn, đối nghịch hay cản trở với Đạo Thiên Chúa mà còn là một điểm tựa, một bước khởi đầu thuận lợi, là một lối đi dễ dàng và gần gũi nhất có thể đưa ta vào Đạo Thiên Chúa. Tình yêu đối với ông bà cha mẹ tổ tiên không làm cho chúng ta xa cách tình yêu đối với Thiên Chúa mà còn đặt chúng ta vào trong tương quan nghĩa thiết với Thiên Chúa là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. Mến Chúa phải yêu người, và tình yêu ấy phải thể hiện cụ thể qua việc yêu thương những người gần gũi chúng ta nhất, đó là ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình. Nếu chúng ta không yêu thương những người này thì tình yêu của chúng ta dành cho tha nhân chỉ giả dối mà thôi. 
Ước gì chúng ta  hãy biết sống hiếu thuận với những người trong gia đình. Đừng để những nỗi đau cho người thân bằng thói lười biếng, trốn tránh trách nhiệm. Hãy sống một cuộc sống để nếu một mai ta không còn nữa, kẻ ở lại nhớ về ta trong nỗi nhớ xót thương hơn là cay đắng, quặn đau.
Xin mượn lời thơ của ai đó để kết thúc bài viết về Đức Hiếu Thảo hôm nay:
“Đội ơn chín chữ cù lao
Sinh thành kể mấy non cao cho bằng
Thức khuya dậy sớm ân cần
Quạt nồng ấp lạnh giữ phần đạo con
Kính cha là sống trường tồn
Mến mẹ là có kho tàng hiển vinh
Yêu cha được xoá tội tình
Mến mẹ sẽ được phúc vinh Chúa Trời”.
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...