17/12/2015
1800
Lời chủ chăn
LINH MỤC HIỆN THÂN LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
               
Kính thưa quý Cha thân mến,
Hàng năm, khi bước vào tháng 12, chúng ta cũng bước vào chu kỳ mới của Phụng vụ là Mùa Vọng. Lòng trí chúng ta tự nhiên hướng đến lễ Giáng Sinh mà trung tâm điểm là mầu nhiệm Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại.

Mùa Vọng năm nay có một sắc thái đặc biệt vì Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định mở Năm Thánh “Lòng Thương Xót”, sẽ được chính Đức Thánh Cha khai mạc tại Roma vào ngày 08 tháng 12, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Tại các Giáo hội địa phương, Thánh lễ và nghi thức khai mạc sẽ được cử hành vào ngày 13 tháng 12, Chúa Nhật III Mùa Vọng. Dõi theo tinh thần phục vụ đã được Đức Thánh Cha đề ra cho Giáo Hội hoàn vũ, tôi muốn chia sẻ với quý Cha đôi điều về Năm Thánh “Lòng Thương Xót”.

Ban Tư liệu của Giáo phận đang chuẩn bị tài liệu để hướng dẫn chúng ta cử hành và sống Năm Thánh “Lòng Thương Xót” này. Ở đây, tôi chỉ chia sẻ đôi tâm tư, múc nguồn từ chính Tông sắc “Vultus Misericordiae” (Dung mạo lòng thương xót) của Đức Thánh Cha Phanxicô, với một vài áp dụng riêng cho đời sống và sứ vụ Linh mục của chúng ta.

 
  1. ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
Nhìn ra thế giới và nhiều khi ngay cả môi trường sống gần gũi, chúng ta thấy rất nhiều người đau khổ phần hồn, phần xác đủ loại. Cả những người bề ngoài xem ra chẳng có vấn đề gì, có khi còn là những người giàu có và quyền thế, trong thực tế cũng là những người rất đau khổ, lo lắng và buồn sầu.

Hoàn cảnh của thế giới hôm nay là một tiếng kêu xin van nài lòng thương xót của Thiên Chúa, thúc đẩy chúng ta chiêm ngắm để tái khám phá dung mạo của Thiên Chúa là Đấng “giàu lòng thương xót” (Ep 2,4), là “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín; Ngài giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, tha thứ lỗi lầm, sai trái và tôi lỗi, cho dù không bỏ qua điều gì mà không trừng phạt” (Xh 34, 6-7)

Chính khi chúng ta khám phá và cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương đối với chính chúng ta và thế giới, chúng ta lại khám phá ra sứ mệnh của chúng ta, những Linh mục của Chúa. Đó là sứ mệnh tiếp nối lòng Chúa thương xót cho đoàn Dân Chúa, những người đã nhận biết Chúa, cũng như những người chưa nhận biết Chúa.

Khi nói về các cha giải tội, Đức Thánh Cha đã mời gọi: “Các cha giải tội được kêu gọi trở thành dấu chỉ về tính cách ưu tiên hang đầu của lòng thương xót, trong mọi lúc, ở mọi nơi, trong mọi trường hợp, bất chấp hoàn cảnh thế nào” (VM 17). Lời mời gọi này, tôi muốn áp dụng vào tất cả đời sống và sứ vụ của anh em Linh mục chúng ta. Lòng thương xót phải trở thành nếp sống của Linh mục trong đời sống riêng tư, trong các tiếp xúc cá nhân và trong các sinh hoạt mục vụ với các nhóm người và các đoàn thể. Trong thái độ, cử chỉ và hành động, chúng ta cần làm toát ra tâm tình xót thương của Thiên Chúa và làm cho sáng chói dung mạo xót thương của Ngài. Thế giới hôm nay là một thế giới đầy dẫy những sai lầm, yếu đuối và nhất là bất lực trước những sức mạnh và cám dỗ của tội lỗi. Vì thế, hơn bao giờ hết, thế giới cần được cảm nghiệm lòng Chúa xót thương để có khả năng chỗi dậy và vươn lên.

Để trở thành môi giới chuyển tại lòng xót thương của Thiên Chúa cho loài người khổ đau, tội lỗi và bất lực, chúng ta cần phải có một tấm lòng an bình, thanh thoát khỏi tất cả: của cải tiền bạc, thú vui, tình cảm, tự ái, vết thương lòng đã sẵn có từ kinh nghiệm sống trong gia đình, hoặc trong các môi trường sống và công tác mục vụ của đời Linh mục. Là mục tử và hiện thân của lòng Chúa xót thương nhân loại, chúng ta cần phải có khả năng chịu đau khổ, “ngậm đắng, nuốt cay”, tiêu hóa những xúc phạm và sự thiếu lòng kính trọng của người khác, lắm khi là chính những người cộng tác gần gũi với mình để những người lỡ lầm xúc phạm đến chúng ta không phải lo lắng, sợ sệt và để đoàn chiên Chúa không vì mình mà xa cách nhau và xa cách Chúa.

 
  1. LỜI NÓI ĐEM LẠI AN VUI
Có lời nói có thể làm cho người nghe được an vui, được trấn an và được khích lệ, nhưng cũng có lời nói có thể làm cho người nghe mất ăn, mất ngủ. Điều này càng rõ ràng hơn đối với một Linh mục, nhất là trong các bài huấn đức và giảng lễ. Để cho lời nói không những không xúc phạm người khác và làm cho họ đau khổ, mà còn an ủi và xoa dịu các nỗi đau trong lòng người khác, chúng ta cần phải biết chữa lành các vết thương trong lòng để có khả năng tha thứ và giữ cho lòng được an bình. Tôi xin được trích nguyên văn mấy lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông sắc “Vultus Misericordiae”:

“Việc tha thứ những xúc phạm là một thể hiện rõ ràng nhất của tình yêu thương xót, và đối với các Kitô hữu chúng ta, đây là một mệnh lệnh không thể bỏ qua. Có những lúc dường như thật khó để tha thứ. Nhưng tha thứ là một khí cụ được đặt vào đôi tay mỏng dòn của chúng ta để tìm được sự thanh thản cho tâm hồn. Giải tỏa những hờn ghét, giận dữ, bạo lực và trả thù là những điều kiện cần thiết để sống hạnh phúc. Bởi thế, chúng ta hãy nghe lời huấn dụ của Thánh Phaolô Tông đồ: “Đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4, 26). Nhưng trên hết, hãy lắng nghe lời Chúa Giêsu, Đấng đã xác định lòng thương xót chính là sự hoàn thiện của cuộc sống và là tiêu chuẩn cho sự khả tín của đức tin: “Phúc cho ai biết thương xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7): đây là mối phúc chúng ta đặc biệt cần phải khao khát trong Năm Thánh này.” (VM 9). “Nếu ai muốn không bị Thiên Chúa phán xét, thì đừng biến mình thành quan án của anh chị em mình. Con người chỉ đoán xét cách thiển cận, còn Chúa Cha nhìn thấu tận tâm can. Những lời nói đố kỵ và ganh ghét đã gây ra biết bao tai hại. Nói xấu người anh chị em vắng mặt, chẳng khác gì đẩy người ấy vào bóng tối, làm mất thanh danh và gây tiếng xấu cho người ấy. Ai không đoán xét và lên án, sẽ nhận ra được điều tốt vẫn có nơi mọi người, và không làm người khác đau khổ vì sự xét đoán bất cập và vì tính tự phụ của chúng ta, cho rằng mình biết hết mọi sự. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để thể hiện lòng thương xót. Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta phải biết tha thứ và sẵn sàng cho đi. Hãy trở thành khí cụ của ơn tha thứ chúng ta đã từng lãnh nhận từ Thiên Chúa. Hãy quảng đại với tất cả mọi người, vì biết rằng Thiên Chúa đã vô cùng rộng lượng khi tuôn đổ lòng hảo tâm của Ngài trên chúng ta. Vì thế, “Thương xót như Chúa Cha” là câu tâm niệm của Năm Thánh.” (VM 14)

 
  1. DUNG MẠO LÒNG CHÚA XÓT THƯƠNG TRONG BÍ TÍCH HÒA GIẢI
Lòng Chúa xót thương được biểu lộ thật rõ ràng qua bí tích Hòa Giải. Như mọi tín hữu, đã bao lần anh em linh mục chúng ta được hưởng nhờ lòng xót thương của Thiên Chúa qua bí tích Hòa giải, nhưng hơn mọi tín hữu, anh em Linh mục chúng ta được hân hạnh là môi giới, dụng cụ của lòng xót thương của Thiên Chúa cho đoàn Dân của Ngài trong bí tích Hòa Giải. Qua Linh mục của Chúa trong bí tích Hòa Giải, người tín hữu có thể đụng chạm được lòng thương xót của Chúa. Cũng qua Linh mục trong bí tích Hòa Giải, lòng thương xót của Thiên Chúa có thể thấm nhập vào tim óc của hối nhân đến với Chúa. Một lần nữa, tôi trích lời của ĐTC Phanxicô nói với các cha giải tội:

“Tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi nhấn mạnh rằng các cha giải tội phải là dấu chỉ đích thực cho lòng thương xót của Chúa Cha… Điều đó sẽ xảy ra khi chúng ta để cho chính mình trở thành những hối nhân đang nài xin ơn tha thứ. Đừng bao giờ quên rằng, trở nên cha giải tội có nghĩa là thông dự vào chính sứ mạng của Chúa Giêsu, và trở thành dấu chỉ chắc chắn cho sự trao ban liên lỉ của tình yêu Thiên Chúa, tình yêu luôn ban ơn tha thứ và cứu độ… Mỗi cha giải tội phải tiếp đón các tín hữu như người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng: một người cha chạy đến gặp con, cho dù anh ta đã phung phá hết cả gia tài. Các cha giải tội được mời gọi ôm vào lòng người con thống hối đang quay về nhà, và bày tỏ niềm vui vì nay đã lại tìm thấy con… Các ngài sẽ không đặt ra những câu hỏi thiếu sự kính trọng và không thích hợp, nhưng như người cha trong dụ ngôn, sẽ ngắt ngang những gì người con hoang đàng định nói, vì nhận ra nơi tâm hồn của hối nhân lời cầu cứu xin được giúp đỡ và lời van nài xin ơn tha thứ. Tóm lại, các cha giải tội được kêu gọi trở thành dấu chỉ về tính cách ưu tiên hàng đầu của lòng thương xót, trong mọi lúc, ở mọi nơi, trong mọi trường hợp, bất chấp hoàn cảnh thế nào.” (VM 17).

Những lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô đã được anh em linh mục chúng ta thể hiện trong sứ vụ của mình. Rất nhiều cha trong Giáo phận đã dấn thân không mệt mỏi trong việc trao ban bí tích Hòa Giải. Nhiều cha luôn ngồi Tòa trước và sau Thánh Lễ, dù là sáng hay chiều để đón nhận các hối nhân đến kiếm tìm lòng thương xót của Thiên Chúa. Nơi các ngài, hối nhân nhìn thấy những hình ảnh sống động của Thiên Chúa là “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín” (Xh 34,6). Hình ảnh này tôi đã có dịp chia sẻ với quý Cha và hôm nay tôi xin nhắc lại:

“Cả nhà tôi giữ đạo theo kiểu “một năm đi lễ ít là một lần”. Hôm này cảm thấy vui thì đi, không vui thì ở nhà. Chúa Nhật nào chúng tôi định đi lễ, nhưng nếu có một cuộc vui chơi nào hấp dẫn hơn thì thà bỏ lễ, chứ nhất định không bỏ cuộc chơi. Đời sống cứ thế trôi qua và niềm tin Thiên Chúa nơi tôi ngày thêm nguội lạnh. Cho đến một hôm, một biến cố không may xảy ra trong gia đình chúng tôi đã làm đảo lộn tất cả !...”

Phải thật lòng nói rằng trong tất cả các ơn tôi nhận được từ Chúa thì “ơn đau khổ” là giá trị nhất. Vì nếu không có biến cố đau thương đó xảy ra, tôi sẽ không bao giờ nhận ra được con người giới hạn của mình. Và nhất là sẽ không bao giờ nhận ra lòng thương xót bao la của Chúa. Để tỏ lòng ăn năn thật sự. Tôi quyết định đi tìm Linh mục để xưng tội. Tôi rất hồi hộp. Tôi nghe rõ từng nhịp đập dồn dập trong trái tim mình. Tôi biết thưa với Linh mục sao đây? Hai mươi năm xa Chúa, biết bao nhiêu là tội lỗi. Tội trọng, tội nhẹ. Tội nào làm… lướt lướt. Tội nào làm… liền liền… biết bắt đầu từ đâu?

Tôi thu hết can đảm: “Thưa Cha cho con xưng tội. Cách đây hơn hai mươi năm…” Tôi chỉ nói được bấy nhiêu thì nghẹn lời và bật khóc… Tôi cố gắng ngưng khóc mà sao nước mắt cứ tuôn trào… Tôi không dám chắc là vị Linh mục đó đã nghe được hết những gì tôi nói…

Sau khi xưng tội xong, tôi chờ đợi một lời quở trách hay ít nhất là một câu hỏi từ Linh mục là tại sao để quá lâu mới quay về với Chúa. Nhưng không, hoàn toàn không, một lời trách nhẹ cũng không, một tiếng thở dài cũng không.

Sau vài giây im lặng như chờ cho cơn  xúc động trong tôi hoàn toàn lắng xuống, Linh mục đã cho tôi vài lời khuyên ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa. Sau đó ngài ban phép giải tội và chúc tôi đi bình an. Và từ đó tôi đã tìm được bình an thật sự. Bước chân vào tòa giải tội nặng nề và hồi hộp bao nhiêu thì khi bước ra tôi cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản bấy nhiêu.

Tôi rất cảm ơn vị Linh mục  này, vì qua những lời nói của ngài tôi đã tìm thấy được sự đồng cảm của phận người mỏng dòn yếu đuối. (Đồng cảm chứ không phải đồng tình hay đồng lõa). Sự đồng cảm trong lời khuyên dạy của ngài đã nâng đỡ tôi rất nhiều. Tôi không còn e ngại mỗi khi bước chân vào tòa giải tội trong những lần sau này nữa. Bằng giọng nói nhẹ nhàng ngài đã cho tôi thấy lòng thương xót và khoan dung của Chúa như thế nào đối với những con người tội lỗi.”

Kính thưa quý Cha, trong Năm Thánh “Lòng Thương Xót” tôi ao ước biết bao được thấy Giáo phận Xuân Lộc chúng ta sẽ là thửa đất mầu mỡ vì được tưới ngập tràn Lòng Thương Xót. Tôi ao ước biết mấy được thấy các Linh mục của Giáo phận mở lòng, ra đi đến với mọi người trong giáo xứ, để đem cho họ lòng nhân từ và sự khoan dung của Thiên Chúa. Chớ gì hương thơm của lòng thương xót lan tỏa đến tận hang cùng ngõ hẻm trong Giáo phận chúng ta, để mọi người, các tín hữu cũng như những anh chị em lương dân và các tôn giáo bạn nhận ra được dung mạo của Thiên Chúa là Đấng hay thương xót.
Với lòng quý mến, xin kính chào quý Cha.
Đaminh Nguyễn Chu Trinh
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...