03/11/2016
7637
LỜI CHỦ CHĂN
Tháng 11 năm 2016
HƯỚNG TỚI CÕI ĐỜI SAU
ĐỂ DẤN THÂN SỐNG THÁNH TRONG HIỆN TẠI
 
               
Quý Cha rất thân mến,
Hằng năm Hội Thánh dành riêng tháng 11 để cầu nguyện cho linh hồn các tín hữu đã qua đời. Tâm tình đạo đức này tự nhiên dẫn lòng trí chúng ta, những người đang sống, hướng về cõi đời sau.
Trong ý hướng đó, tôi xin chia sẻ với quý Cha đôi suy nghĩ qua đề tài  “Hướng tới cõi đời sau để dấn thân sống thánh trong hiện tại”.

I. HƯỚNG TỚI CÕI ĐỜI SAU
Tháng 11 được dành riêng để cầu nguyện cho Tổ tiên, Ông bà, Cha mẹ và mọi người đã qua đời, phó dâng các ngài cho lòng thương xót của Thiên Chúa nhân từ. Tâm tình đạo đức này được các tín hữu Việt Nam thực hiện cách chân thành và rất sốt sắng nhờ truyền thống đạo Hiếu đã thấm nhuần sâu đậm lâu đời trong văn hóa người Việt.
Như mọi người tín hữu, anh em linh mục chúng ta cũng nhớ đến Ông bà, Cha mẹ và mọi người thân yêu đã qua đời của chúng ta để cầu nguyện cho các ngài. Nhưng hơn người tín hữu, anh em linh mục chúng ta sống cách sâu đậm tinh thần của Tháng các Linh hồn, vì trong dịp này, nhiều giáo hữu đến xin chúng ta dâng lễ cầu nguyện cho những người quá cố thân yêu của họ và nhất là vì bổn phận mục tử đòi buộc chúng ta phải nhắc nhở và thúc đẩy đoàn Dân Chúa cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời.
Khi tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã qua đời, chúng ta hướng đến cõi đời sau trong tinh thần hiệp thông với họ và cùng với họ, chúng ta hy vọng vào ơn cứu độ của Đức Kitô. Tuy nhiên, việc hướng đến cõi đời sau còn có ý nghĩa khác nữa, có lẽ còn sâu đậm hơn và đụng chạm đến con người của chúng ta. Đó là chính chúng ta sẽ bước vào cõi đời sau, chứ không chỉ nhớ đến những người đã bước vào cõi đời sau. Chính chúng ta sẽ phải đến trước Tòa Chúa. Suy nghĩ tới đây, tôi nhớ đến dụ ngôn Ngày Phán Xét Chung (x. Mt 24,31-46) nói về việc Chúa tập họp tất cả nhân loại trước mặt Ngài và tách biệt họ ra như người chăn chiên tách chiên ra khỏi dê, rồi đặt chiên bên phải, còn dê bên trái. Đó là biểu tượng của những người được cứu rỗi và những người bị án phạt muôn đời. Điều này khiến lòng tôi tự hỏi: “Không biết mình sẽ được xếp vào bên nào: bên phải hay bên trái?” Ý nghĩ này làm rung mình!
Tháng 11 phải thức tỉnh tâm trí chúng ta và giúp chúng ta ý thức về ngày chết và số phận đời đời của mình. Ai cũng phải ra trình diện trước Tòa Chúa và trả lẽ về đời mình. Đối với anh em linh mục chúng ta, mỗi người sẽ phải trả lẽ không những về đời sống riêng tư của mình mà còn phải trả lẽ về đời sống của đoàn chiên mà Chúa trao phó cho mình phục vụ nhân danh Ngài và hướng dẫn thay cho Ngài. Ở đây chúng ta có thể nhắc lại đoạn sách của ngôn sứ Edêkiel (34,1-10) và ngôn sứ Giêrêmia (23,1-4) mà tôi đã có dịp trích dẫn trong bài “Lời Chủ Chăn” tháng 10 vừa qua.
Khi chết và đến trước Tòa Chúa là lúc tỏ lộ sự thật của mỗi người; lúc đó, nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn nhiều kẻ đứng đầu có thể sẽ phải xuống hàng chót (x. Mt 20,16) và “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,28). Đó có thể sẽ là giây phút vui mừng và hạnh phúc đối với người này, nhưng đối với người kia đó lại là giây phút khiếp đảm và run sợ. Nói về sự chết đời đời đáng run sợ thế nào, có lẽ thị kiến về hỏa ngục mà chị Lucia, một trong ba trẻ được Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, đã tả lại sẽ cho chúng ta một chút ý niệm:
“Đức Mẹ cho chúng tôi thấy một biển lửa rất lớn, hình như ở dưới lòng đất. Ngập lặn trong biển lửa đó là ma qủi và các linh hồn, như thể những cục than trong như phalê mầu đen hoặc vàng cháy giống hình người, bị đẩy lên đẩy xuống trong đám cháy, phát ra những tia lửa và đám khói, rơi xuống tứ tung như những tàn lửa trong một đám cháy lớn, không trọng lượng, không cân bằng, giữa những tiếng la hét thất thanh, đau đớn và tuyệt vọng, làm kinh tởm và run sợ vì khiếp đảm. Lũ quỉ có thể nhận ra được vì những hình thù thú vật ghê tởm, làm nôn mửa, gây khiếp đảm và chưa hề thấy, nhưng trong như pha lê và đen. Thị kiến này chỉ xảy ra trong giây lát và nhờ Đức Mẹ đã hứa trước là sẽ đưa chúng tôi lên Trời, nếu không chắc chúng tôi sẽ chết vì khiếp đảm và lo sợ. (Thị kiến về hỏa ngục trong lần Đức Mẹ hiện ra lần III, ngày 13.7.1917).
Ước mong chúng ta sẽ không phải nhìn vào cõi đời sau trong sợ sệt, nhưng với niềm hy vọng sẽ được nghe những lời đầy an ủi Chúa nói trong dụ ngôn “Những yến bạc”: “Tốt lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và tín trung… Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!" (Mt 25,21).
Trong thực tế, đáng lo sợ là có thể có những linh mục sẽ không được nghe những lời đầy an ủi và yêu thương của Chúa khi đến trình diện Ngài vì đã sống buông thả theo dục vọng đủ loại, như thể không bao giờ phải đến trước Tòa Chúa hoặc cố ý làm ngơ hay chạy trốn thực tế là mình sẽ phải chết. Trong cuốn sách nhỏ “Tác vụ có tính cách sáng tạo”, cha Henry Nouwen đã kể lại một buổi chia sẻ mục vụ của các linh mục trong vùng. Một linh mục trẻ bắt đầu buổi chia sẻ, kể lại việc ngài đi thăm một giáo dân của giáo xứ đang nằm tại bệnh viện vì một căn bệnh hiểm nghèo và khó có thể qua khỏi. Tiếp theo đó là các nhận xét và góp ý của các linh mục trong nhóm, người thì nói về cách nói chuyện và những từ ngữ nên dùng với người bệnh, người thì nói về cách bắt đầu câu chuyện, v.v. Sau cùng, một cha già lên tiếng và ngài nói: “Tôi thấy lạ là cha đi thăm bệnh nhân sắp chết mà chỉ thấy cha nói về thời tiết, khí hậu, về những sinh hoạt và tổ chức trong giáo xứ, mà không thấy cha nói đến sự chết, mà đây là điều quan trọng nhất đối với một bệnh nhân đứng trước cái chết sắp xảy ra”. Sau khi đưa ra nhận xét, cha già đặt câu hỏi: “Cha có bao giờ nghĩ đến là cha phải chết không? Cha có dám trực diện với cái chết của cha không?” Trước câu hỏi của cha già, tất cả nhóm đều im lặng vì nhiều người trong nhóm không dám nghĩ đến cái chết của mình (x. Henri J.M. Nouwen, Creative Ministry, An Image Book, Doubleday, New York, 1978, pp. xvii-xviii).
Xem như thế thì việc vị linh mục chạy trốn sự thật là sẽ chết và sẽ phải đến trước Tòa Chúa không chỉ liên hệ đến cuộc sống cá nhân của vị linh mục mà còn ảnh hưởng cả đến cách thức làm việc mục vụ và sứ điệp phải chuyển tải của ngài.

II. DẤN THÂN SỐNG THÁNH TRONG HIỆN TẠI
Cuộc gặp gỡ với Chúa dẫn đưa vào cõi đời sau có thể sẽ là giây phút hân hoan, hạnh phúc hay là giây phút run sợ và kinh khiếp, điều này tùy thuộc vào cuộc sống hiện tại, vì như Thánh Phaolô đã khẳng định, “tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (2 Cor 5,10). Do đó, trong khi hướng đến cõi đời sau, chúng ta cần phải dấn thân sống mỗi giây phút hiện tại như cuộc đối thoại và gặp gỡ thân tình với Chúa. Cuộc gặp gỡ cuối đời với Chúa không thể là cuộc gặp gỡ thân tình và an vui, nếu trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta đã lẩn trốn hay từ khước Chúa. Thật là khó chọn Chúa và chờ đón Ngài trong giây phút hấp hối, nếu đã không đón nhận Chúa trong cuộc sống thường ngày. Việc đón nhận Chúa phải được áp dụng vào mọi khía cạnh của cuộc sống, nhưng ở đây, tôi chỉ xin được chia sẻ đôi suy nghĩ về hai khía cạnh.
  • Kiên vững trong lựa chọn
Trong hoàn cảnh sống cụ thể của con người, việc đón nhận Chúa và sống thân tình với Ngài được thực hiện giữa trăm ngàn khó khăn đến từ bên ngoài cũng như từ bên trong. Từ bên ngoài là những quyến rũ của tình, tiền, danh vọng hoặc những sức ép áp đảo gây ra lo sợ; từ bên trong là những dục vọng, tự ái, tình cảm, lợi lộc. Những yếu tố này sẽ trở thành một sức mạnh rất khó kìm hãm và thắng lướt khi chúng trở hành một xu hướng hay thói quen. Vì thế, để được nghe những lời an ủi đầy yêu thương khi gặp gỡ Chúa lúc cuối đời và để cho hành trình đi vào cõi đời sau được hạnh phúc, cần phải có một quyết tâm dứt khoát và chiến đấu liên lỉ mỗi ngày. Dưới đây là lời tâm sự của một thiếu nữ, tuổi 26, đã sống, học giáo lý và sinh hoạt ở hai giáo xứ Tiên Chu và Bùi Chu:
“Con đã tốt nghiệp Đại Học và may mắn có được công việc tốt… Cuộc sống cũng có nhiều lúc khó khăn, thử thách và cám dỗ luôn bủa vây rình rập ngày từ những ngày còn non trẻ, chỉ một chút yếu lòng để sa chân lạc lối là đánh mất chính mình. Con không biết có phải ý Chúa không nhưng con gặp rất nhiều thử thách về lòng trung thành trong việc giữ đạo. Là con gái có khuôn mặt ưa nhìn, con nhận được những lời mời gọi béo bở trị giá bằng cả một gia tài mà con có làm việc cả đời cũng không có được. Lúc đó con đã phải lựa chọn và ra quyết định: hoặc lựa chọn đời sống bình thường để giữ mình trong sạch và sống xứng đáng với ơn của Thiên Chúa; hoặc chọn gia tài đồ sộ kia để sống sung sướng nhưng nhận lấy án phạt đời đời bởi tòa án lương tâm, vì đâu có đồng tiền nào dễ dàng mà không bất chính đâu Cha.
Con nhớ lời Kinh Thánh Chúa đã dạy ‘Không ai có thể làm tôi hai chủ… Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được’. Phúc thay khi con được giáo huấn bởi Lời Chúa và gia đình từ nhỏ: không ham của cải vật chất hư mất ở đời này. Những thứ đó với con không quan trọng bằng việc được Lòng Chúa Thương Xót. Con lo sợ sẽ bị Người cất phần ơn ích mãi mãi nếu như con phạm tội. Và nhờ đó con đã chiến thắng mọi cám dỗ ma lực của đồng tiền, thế lực, địa vị trong xã hội để giữ mình trong sạch như lời dạy của Đức Mẹ Maria, không trở thành nô lệ của bất cứ tội lỗi nào. Tuyên xưng duy nhất một Niềm Tin vào Chúa Kitô. Đó là sự cam kết và tuân giữ một cách nghiêm túc giữa bản thân con và Thiên Chúa của con, người đã không bao giờ từ chối mỗi khi con tha thiết khẩn cầu một việc gì đó.”
Những tâm tư và hành xử trên đây, tuy là của một người trẻ đáng tuổi con hay em chúng ta, cũng đáng nêu gương giúp chúng ta quyết tâm và kiên vững trong lựa chọn Đức Tin và ơn gọi linh mục của chúng ta.
  • Nhậy bén và vâng phục đối với tiếng Lương Tâm
Trong lòng mỗi người có tiếng lương tâm nhắc nhở, hướng dẫn, khích lệ, đòi hỏi, ngăn cản, tùy theo tính cách tốt xấu của điều phải lựa chọn. Khi đến trước Tòa Chúa, mỗi người sẽ bị phán xét tùy theo thái độ của mình đứng trước tiếng lương tâm. Trong hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” của Công đồng Vaticanô II, có một đoạn tuyệt vời nói về lương tâm như sau:  
Nơi tận sâu thẳm của lương tâm, con người khám phá ra một lề luật không do chính mình đặt ra nhưng lại phải tuân theo, và tiếng nói của luật lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải sống yêu thương và thi hành điều thiện cũng như tránh xa điều ác. Trong tâm hồn con người, tiếng nói ấy luôn vọng lên đúng lúc: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Thiên Chúa đã khắc ghi sẵn trong tâm hồn con người một lề luật, phẩm giá con người có được nhờ tuân giữ lề luật ấy và con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy. Lương tâm là nơi thẳm sâu thầm kín, là cung thánh của lòng người, nơi đây chỉ còn một mình con người với Thiên Chúa, Đấng đang lên tiếng trong thâm tâm con người. Nhờ trung thành nghe theo lương tâm, các Kitô hữu liên kết với mọi người để cùng tìm kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý những vấn đề luân lý được đặt ra trong đời sống cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội.” (Vui mừng và Hy vọng, số 16).
Vì vậy, cần phải nhậy bén và vâng phục tiếng lương tâm. Khi học môn Thần học Luân lý căn bản, chúng ta đã học về lương tâm. Phần này có nói về lương tâm chai đá, cũng được gọi là lương tâm mù hay lương tâm điếc. Con người yếu đuối, lắm khi làm ngược lại tiếng lương tâm. Nếu khiêm nhượng nhìn nhận sự yếu đuối của mình và ăn năn hối cải để sửa chữa thì vẫn còn nghe được tiếng lương tâm. Nhưng nếu một người giả vờ như không nghe thấy, hoặc coi thường, hay tệ hơn nữa, còn tìm lý lẽ chữa mình để tiếp tục làm theo ý thích thì từ từ sẽ không còn khả năng nghe được tiếng lương tâm. Lúc đó lương tâm sẽ trở thành chai đá, cũng gọi lương tâm mù, lương tâm điếc. Đây là tình trạng tệ hại nhất một người có thể rơi vào mà Thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi giáo đoàn Roma như sau:
“Tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ. Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết. Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể họ ra hư hèn. Thay vì Thiên Chúa thật, họ đã theo những thần giả; họ đã tôn thờ những loài thọ tạo, thay vì chính Đấng Tạo Hoá. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. A-men.” (Rm 1,22-25).
Quý Cha thân mến, tháng 11 được bắt đầu bằng lễ kính Các Thánh là những Đấng đã qua đời mà chúng ta biết chắc chắn là đang được hưởng Nhan Thánh Chúa và đáng nêu gương cho đoàn Dân Chúa trên đường lữ hành tiến vào cõi đời sau. Xin các ngài cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta biết noi gương các ngài, sống giây phút hiện tại như một sự chuẩn bị cho giây phút gặp gỡ thân tình và hạnh phúc với Thiên Chúa trong cõi đời mai sau.
Xin Đức Mẹ là Nữ Vương các Thánh Nam Nữ hướng dẫn và dạy dỗ chúng ta trong mọi giây phút của cuộc sống và cầu bầu cho chúng ta được ơn chết lành.
Với lòng quý mến và trân trọng, xin chào quí Cha.
 
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...