02/11/2015
2103
Giáo Hội được mời gọi sống sứ mạng của mình trong sự trung tín, trong chân lý và trong bác ái
 
Kính  thưa quý Cha thân mến,
Trong tháng 10 vừa qua, Giáo hội đang hướng về một sự kiện quan trọng, đó là, Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình. Đây không phải là Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình đầu tiên, nhưng là lần thứ 14. Điều đó nói lên nỗi bận tâm của Giáo Hội về gia đình. Trong đời sống muc vụ của anh em linh mục, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được vai trò và giá trị của gia đình trong mọi sinh hoạt Đạo cũng như Đời.

Muốn xây dựng giáo xứ, giáo phận kiên vững trong đức tin và đức mến, lớn mạnh trong sứ mạng truyền giáo, ta không thể không bắt đầu từ tế bào của Giáo Hội là gia đình.

Để thực hiện điều đó, cần nhận ra thực trạng gia đình ngày nay, ta mới có thể đưa “gia đình”, đối tượng mục vụ của ta, trở về tình trạng mà Thiên Chúa mong đợi khi tạo dựng.

Tôi xin mượn lời vị Chủ Chăn tối cao của Giáo Hội ngỏ cùng Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình trong thánh lễ khao mạc, ngày 04/10/2015 vừa qua, để ngỏ cùng quý Cha trong lời chủ chăn tháng này : “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên trọn hảo” (1 Ga 4,12). Các bài đọc Kinh Thánh của Chúa nhật này dường như được lựa chọn cách đặc biệt cho thời điểm ân sủng mà Giáo Hội đang sống, đó là Thượng Hội Đồng Giám Mục Khóa thường lệ về gia đình, được khai mạc với cử hành Thánh Thể này.

Các bài đọc này tập trung vào ba chủ đề: bi kịch của sự cô đơn, tình yêu giữa người nam và người nữ, và gia đình.

Sự cô đơn
Ađam, như chúng ta đã nghe trong bài đọc một, sống trong vườn Địa Đàng: ông đặt tên cho các thụ tạo khác, thực thi quyền thống trị để chứng tỏ mình có quyền trên chúng – một quyền rõ ràng và không thể sánh được; nhưng dù vậy, ông vẫn cảm thấy cô đơn vì “ông chẳng tìm được cho mình một trợ tá” (St 2,20), vì thế ông đã cảm nghiệm nỗi cô đơn.

Cô đơn, thảm trạng vẫn tồn tại cả trong thời nay, đã gây sầu khổ cho biết bao người nam và người nữ. Tôi nghĩ đến những người già, bị chính những người thân và con cái mình bỏ rơi; những người góa bụa; tôi nghĩ đến biết bao người bị chồng hay vợ mình ruồng bỏ; biết bao người cảm thấy cô đơn, bị hiểu lầm và không được lắng nghe; những người di dân và tị nạn trốn chạy khỏi chiến tranh và bách hại; và đến những người trẻ là nạn nhân của nền văn hóa tiêu thụ, văn hóa lãng phí, và nền văn hóa dứt bỏ.

Ngày nay người ta chứng kiến cái nghịch lý của một thế giới toàn cầu hóa, nơi có nhiều ngôi nhà sang trọng và tòa nhà chọc trời, nhưng lại ít đi hơi ấm của mái gia đình; nơi có nhiều dự án đầy tham vọng, nhưng lại có ít thời gian để hưởng những thành quả đạt được; nơi có nhiều phương tiện giải trí tinh xảo; nhưng lại càng thêm sự trống rỗng trong tâm hồn; nhiều thú vui, nhưng ít tình yêu; nhiều quyền tự do nhưng lại ít làm chủ được mình… Càng ngày càng có nhiều người cảm thấy cô đơn, cũng như nhiều người giam mình trong thói ích kỷ, trong u sầu, trong bạo lực hủy diệt và nô lệ cho thú vui và tiền bạc. Theo một nghĩa nào đó, ngày nay chúng ta cũng đang sống kinh nghiệm như của Ađam: vừa có nhiều quyền lực, lại vừa rất cô đơn và dễ bị tổn thương; và đó là hình ảnh của gia đình. Người ta ngày càng ít nghiêm túc hơn khi xây dựng một mối tương quan tình yêu bền vững và sinh hoa trái : khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan.

Tình yêu lâu dài, trung tín, chu đáo, vững vàng, sinh hoa trái ngày càng bị chế giễu và xem như thể một món đồ cổ. Dường như người ta cho rằng xã hội tiên tiến nhất chính là những xã hội có tỉ lệ sinh thấp nhất và tỉ lệ phá thai, ly dị, tự tử và ô nhiễm môi trường và xã hội cao nhất.

Tình yêu giữa người nam và người nữ
Trong bài đọc một, chúng ta còn được nghe rằng trái tim Thiên Chúa đau xót khi thấy Ađam cô đơn, và Ngài bảo: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18). Những lời này cho thấy rằng không có gì làm cho con người hạnh phúc bằng một trái tim giống như của mình, tương hợp với mình, yêu thương mình và làm cho mình không còn thấy cô đơn trơ trọi nữa. Những lời ấy cũng cho thấy rằng Thiên Chúa đã không tạo ra con người để họ sống trong buồn tẻ hay để họ một mình, nhưng để hưởng hạnh phúc, để chia sẻ hành trình của mình với một người khác bổ túc cho mình, để sống kinh nghiệm tình yêu diệu kỳ là yêu và được yêu, và để nhìn thấy tình yêu của mình sinh hoa trái nơi con cái, như Thánh vịnh đáp ca ngày hôm nay đã nói (x. Tv 128).

Đây là ước mơ của Thiên Chúa về thụ tạo yêu quý của Ngài: thấy nó thành tựu trong sự kết hợp tình yêu giữa người nam và người nữ; được hạnh phúc trên con đường cùng đi với nhau, sinh hoa trái khi trao ban lẫn cho nhau. Đó cũng là kế hoạch mà Chúa Giêsu tóm lại trong những lời này của bài Tin Mừng hôm nay: “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mc 10,6-8; x. St 1,27; 2,24). Chúa Giêsu đang đứng trước câu hỏi hoa mỹ có lẽ được giăng ra như một cái bẫy, để làm cho đám đông dân chúng quay ngoắt lại thù ghét Ngài; đám đông đang đi theo Ngài và vẫn thực hành luật ly dị như bắt nguồn từ thực tế và bất khả xâm phạm.

Chúa Giêsu đã bất ngờ đưa ra câu trả lời thẳng thắn: Ngài đặt tất cả mọi thứ trở về thuở ban đầu của sáng tạo, mà dạy chúng ta rằng Thiên Chúa chúc phúc cho tình yêu con người, chính Ngài liên kết trái tim của một người nam và một người nữ yêu thương nhau và kết hợp họ trong sự hiệp nhất và bất khả phân ly. Điều này có nghĩa là mục đích của cuộc sống hôn nhân không chỉ là sống với nhau mãi mãi, mà là yêu thương nhau trọn đời! Như thế, Chúa Giêsu tái lập trật tự đã có từ ban đầu và là điểm khởi đầu.

Gia đình
"Vì vậy, điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9). Đây là một lời khích lệ các tín hữu vượt qua mọi hình thức của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa duy luật pháp, vốn ẩn chứa một thói ích kỷ ti tiện và nỗi lo sợ phải chấp nhận ý nghĩa đích thực của cuộc sống vợ chồng và của tính dục con người theo kế hoạch của Thiên Chúa. Thật vậy, chỉ trong ánh sáng của sự điên rồ của tình yêu nhưng không của Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng ta mới hiểu được sự điên rồ của tình yêu vợ chồng, một tình yêu duy nhất và nhưng không đến trọn đời.

Đối với Thiên Chúa, hôn nhân không phải là một điều không tưởng của tuổi trẻ, nhưng là một giấc mơ mà nếu không có giấc mơ ấy thì thụ tạo Ngài tạo nên sẽ buộc phải sống cô đơn! Thật vậy, nỗi sợ hãi phải chấp nhận kế hoạch này làm cho trái tim con người bị tê liệt. Cũng thật là nghịch lý, khi con người ngày nay – vốn thường giễu cợt kế hoạch này – lại bị cuốn hút và say mê bởi mọi tình yêu đích thực, mọi tình yêu bền vững, mọi tình yêu sinh hoa trái, mọi tình yêu trung tín và vĩnh cửu. Chúng ta thấy con người chạy theo những tình yêu tạm bợ, nhưng lại mơ một tình yêu đích thực; chạy theo những thú vui xác thịt, nhưng lại ao ước trao ban trọn vẹn. Quả vậy, “bây giờ khi đã hưởng đếm no đầy những lời hứa về tự do không giới hạn, chúng ta lại một lần nữa hiểu được kiểu nói ‘sự buồn tẻ của thế giới này’. Các thú vui bị cấm đoán sẽ chẳng còn hấp dẫn nữa khi chúng không còn bị cấm. Ngay cả khi chúng được đẩy đến tận cùng và được làm mới lại mãi mãi, chúng vẫn vô vị, dù chúng chỉ là những thứ hữu hạn, trong khi chúng ta khao khát cái vô hạn” (Joseph Ratziger, Auf Christus schauen. Einuebung in Glaube, Hoffnung, Liebe, Freiburg 1989, tr. 73).

Trong bối cảnh rất khó khăn này về mặt xã hội và hôn nhân, Giáo Hội được mời gọi sống sứ mạng của mình trong sự trung tín, trong chân lý và trong bác ái. Sống sứ mạng của mình trong sự trung tín với Thầy mình như một tiếng kêu giữa sa mạc, để bảo vệ tình yêu trung thành,và khích lệ nhiều gia đình sống đời hôn nhân của mình như một nơi biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa; để bảo vệ tính thánh thiêng của sự sống, của mọi sự sống; để bảo vệ tính duy nhất và bất khả phân ly của mối dây liên kết hôn nhân như dấu chỉ ân sủng của Thiên Chúa và khả năng yêu thương nghiêm túc của con người. Giáo Hội được mời gọi sống sứ mạng của mình trong chân lý không thay đổi theo những mốt nhất thời và những quan điểm đang thống trị. Chân lý ấy bảo vệ con người và nhân loại khỏi những cám dỗ của tính tự quy và biến tình yêu phong nhiêu thành thói ích kỷ cằn cỗi, sự hòa hợp tính trung thành những liên kết chóng qua. “Nếu không có chân lý, tình yêu sẽ bị hạ thấp thành cảm tính. Tình yêu trở thành cái vỏ trống. Giáo hội được mời gọi sống sứ mạng của mình…rỗng, sẽ được lấp đầy cách tùy tiện. Đó là nguy cơ trầm trọng mà tình yêu phải đối mặt trong một nền văn hóa không có chân lý” (Bênêđictô XVI, Thông điệp Bác ái trong Chân lý, 3)

Và Giáo Hội được mời gọi sống sứ mạng của mình trong tình bác ái không chỉ tay phán xét, nhưng – trung tính với bản chất là mẹ - cảm thấy mình có nghĩa vụ đi tìm và lấy dầu niềm nở và thương xót mà chăm sóc các đôi vợ chồng đang chịu thương tích; trở thành “bệnh viện dã chiến” mở rộng cửa để đón nhận bất cứ người nào đến gõ cửa xin nâng đỡ trợ giúp; hơn nữa, ra khỏi tường rào của mình để đến với người khác bằng tình yêu chân thực, để cùng đi với nhân loại bị thương, để ôm lấy và dẫn đưa đến nguồn ơn cứu độ.

Một Giáo Hội giảng dạy và bảo vệ các giá trị nền tảng, mà không quên rằng “ Ngày Sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sabát” (Mc 2,27); và Chúa Giêsu cũng nói : “Không phải những người khỏe mạnh cần đến thầy thuốc, mà là người đau yếu. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi kẻ tội lỗi” (Mc 2,17). Một Giáo Hội dạy dỗ theo tình yêu đích thực, có khả năng giải thoát khỏi cảnh cô đơn, mà không quên sứ mạng của người Samari chăm sóc cho nhân loại đang mang thương tích.

Tôi nhớ Thánh Gioan Phaolo II dã nói: “Lỗi lầm và sự sữ lúc nào cũng phải bị lên án và phải chống lại nó; nhưng con người sa ngã hoặc phạm sai lầm phải được thông cảm và yêu thương (…) Chúng ta phải yêu thương thời đại chúng ta và giúp đỡ con người thời đại chúng ta” ( Bài Huấn từ cho Phong trào Công giáo Tiến hành Italia, 30/12/1978: Insegnamenti (1978) 450). Và Giáo Hội phải tìm kiếm, đón nhận và đồng hành, bởi vì một Giáo Hội cửa đóng then cài, một Giáo Hội phản bội chính mình và sứ mạng của mình, và thay vì là một cây cầu lại trở thành rào cản: “Đấng thánh hóa, và những ai được thánh hóa đều do một nguồn gốc; vì thế, Đức Giêsu đã không hổ thẹn gọi họ là anh em của Người” (Dt 2,11).

Với tâm tình này, chúng ta xin Chúa đồng hành với chúng ta trong Thương Hội đồng và hướng dẫn Giáo Hội của Ngài, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria và của Thánh Giuse, bạn trăm năm cực thanh cực tịnh của Mẹ.

Quý cha thân mến, trong tháng 11 này, tháng kính các thánh và cầu nguyện cho các linh hồn. Chúng ta hãy xin các thánh chuyển cầu cho chúng ta và cho các gia đình. Chúng ta hãy gia tăng cầu nguyện 
cho các linh hồn, trong đó có những anh em linh mục của chúng ta và những thành viên trong gia đình mà chúng ta đang chăm sóc.
 
Với lòng quý mến, xin kính chào quý Cha.
                                                                                    + Đaminh Nguyễn Chu Trinh
                                                                                    Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...