13/07/2016
2139
“HÃY ĐỂ RIÊNG BARNABA VÀ SAOLÔ CHO TA, ĐỂ LO CÔNG VIỆC TA ĐÃ KÊU GỌI HAI NGƯỜI ẤY LÀM. (Cv 13.1)
Kính thưa quý Cha rất thân mến,
Khi viết “Lời Chủ Chăn” để gửi đến quý Cha, tôi lại nhớ đến mấy lời tâm tình rất thân thương của Thánh Phalô mà tôi muốn mượn để mở lòng thưa với quý Cha:

Tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi, mỗi lần nhớ đến anh em. Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho hết thảy anh em... Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Kitô Giêsu... Tôi cầu xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm.” (Pl 1,3-10).

“Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà lòng tôi lại không cảm thấy quặn đau.” (2 Cr 11,29)

Trong tâm tình thương mến nói trên, tôi xin chia sẻ với quý Cha ít suy nghĩ về việc thuyên chuyển sắp tới. Đây là một sinh hoạt vào tháng 7 hằng năm để đáp ứng nhu cầu mục vụ cho các cộng đoàn dân Chúa. Mặc dù việc thuyên chuyển chỉ được áp dụng cho một số nhỏ, nhưng chúng ta cùng sống sự kiện này như một diễn tả của tình hiệp thông trong Linh mục đoàn và để hun đúc quyết tâm phụng sự Chúa trong nhiệt huyết dâng hiến của ơn gọi Linh mục.

1.Đón nhận việc chuyển đổi giáo xứ hay công tác mục vụ như một sứ vụ
Thưa quý Cha, vẫn biết việc đổi xứ hay công tác mục vụ trong cuộc đời và sứ mệnh linh mục là chuyện tất nhiên, nhưng trong thực tế, hầu như ai cũng ngại khi phải thực hiện việc này, nhất là khi đã ở tại giáo xứ một thời gian dài. Cũng có những trường hợp vì gặp khó khăn hay vì lý do nào đó, có vị muốn được đổi đi nơi khác nhưng Bề Trên lại yêu cầu vẫn tiếp tục phục vụ tại nơi vẫn phục vụ. Trong mọi trường hợp, viễn tượng Đức Tin và lòng thanh thoát khỏi tất cả, kể cả chính mình là chìa khóa mở cánh cửa để nhận ra được ý Chúa và sống hạnh phúc ơn gọi Linh mục của chúng ta.

Tất cả đời sống và sinh hoạt của một linh mục bắt nguồn và được nuôi dưỡng bởi Đức Tin. Người ta không thể hiểu đời sống linh mục nếu không nhìn dưới ánh sáng Đức Tin. Chính vị linh mục cũng không thể sống hạnh phúc nếu không biết nhìn cuộc đời của mình dưới ánh sáng Đức Tin, theo đó, chính Chúa Giêsu là Đấng mời gọi, chọn lựa và qua Thánh Thần của Ngài, Hướng dẫn vị linh mục từng giây phút, qua mọi nẻo đường. Có lẽ chỉ cần nhắc lại vài đoạn Sách Thánh rất quen thuộc cũng đủ để chúng ta xác tín điều này: 

-“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái,và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.” (Ga 15,16).

-“Trong Hội Thánh tại Antiôkhia, có những ngôn sứ và thầy dạy, đó là các ông Barnaba, Simêôn biệt hiệu là Đen, Lukiô người Kyrênê, Manaen, bạn thời thơ ấu của tiểu vương Hêrôđê, và Saolô. Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, Thánh Thần phán bảo: “Hãy dành riêng Barnaba và Saolô cho Ta , để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm.” Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay lên hai ông và tiễn đi.” (Cv 13,1-3).

-“ Các ông đi qua miền Phygia và Galat, vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở Asia. Khi tới sát ranh giới Misia, các ông thử vào miền Bithynia, nhưng Thần Khí Đức Giêsu không cho phép. Các ông bèn đi qua miền Misia mà xuống Trôa. Ban                          đêm, ông Phaolô thấy một thị kiến: một người miền Macêđônia đứng đó, mời ông rằng: “xin ông sang Macêđônia giúp chúng tôi!” Sau khi ông thấy thị kiến đó, lập tức chúng tôi tìm cách đi Macêđônia, vì hiểu ra rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho họ.” (Cv 16,6-10).

Cuộc đời và việc làm của linh mục mang lại ý nghĩa và niềm vui thật sự khi vị linh mục biết lắng nghe để tìm kiếm ý định của Chúa cho mình và cố gắng thực hiện. Chính vì vậy, mối bận tâm chính yêu luôn thôi thúc vị linh mục hiểu được ý Chúa muốn gì nơi mình và cố gắng thực hiện. Thánh Phanxicô thành Assisi có thói quen lặp đi lặp lại trong tâm trí, như một cuộc đối thoại nội tâm triền miên với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Đứng trước một sứ vụ mới, ý tưởng đầu tiên đến trong đầu óc không phải là nơi đó dễ hay khó, lợi nhiều hay lợi ít, hợp với mình hay không hợp với mình, nhưng đây có phải là ý Chúa hay không. Nếu đây là ý Chúa thì cho dù khó khăn hay nguy hiểm linh mục của Chúa cũng chấp nhận.

Điều quan trọng không phải là ở đâu làm việc gì, nhưng là đi đến nơi và làm điều Chúa muốn. Hành trình theo Chúa trong ơn gọi linh mục vừa có tính cách cộng đoàn vừa có tính cách đơn độc, riêng giữa mỗi vị linh mục với Chúa. Có những điều Chúa đòi hỏi tất cả các linh mục, nhưng cũng có những điều Chúa chỉ đòi hỏi linh mục này, mà không đòi hỏi linh mục khác. Do đó, vị linh mục đưa hết sức lực, tâm trí và thời giờ để thực hiện sứ vụ đã lãnh nhận. Đôi khi cũng xảy ra điều là một linh mục làm việc rất vất vả, lao mình vào trăm chuyện, nhưng chỉ là những điều mình yêu thích chứ không phải sứ vụ được trao phó. Chắc chắn đó cũng là những điều tốt và có ích lợi, nhưng vấn đề là những điều đó không phải là điều Chúa trao phó. Trong Luật Sống của các Tu sĩ Taizé, có một khoản giúp làm nổi bật tinh thần này: “Khi Thầy được trao cho một trách nhiệm, Thầy đừng so sánh mình với anh em, nhưng hãy đặt mình trong mối tương quan với Chúa Giêsu và thi hành trách nhiệm của mình cách hoàn hảo.”

Với tinh thần dấn thân chu toàn trách nhiệm Chúa đã trao phó, với tất cả con tim, sức lực và thời giờ, linh mục không những sẵn sàng làm điều Chúa muốn mà còn can đảm ngăn cản những người, có thể vì lòng yêu mến, muốn quyến rũ mình đi ra ngoài con đường của Chúa. Chúa Giêsu đã quở trách môn đệ Phêrô khi ông can ngăn Chúa không để Chúa đi vào con đường thập giá : “Satan, lui lại đằng sau! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,23).

Tìm kiếm để hiểu biết ý Chúa và đem hết sức lực và tâm hồn để thực hiện là bí quyết và sức mạnh của một linh mục và của Linh mục đoàn. Do đó anh em linh mục chúng ta cần phải luôn sống trong tư thế sẵn sàng và đưa hết tâm sức thi hành bất cứ điều gì Chúa muốn và hơn thế nữa, còn hạnh phúc được thực hiện điều Chúa trao phó và hãnh diện được Chúa “nhờ vả”, cho dù có phải chịu khổ. Khi còn ở Rôma, có lần, một cha thừa sai đến gặp tôi bàn hỏi vì mới được bề trên sai đến một nơi đầy dẫy khó khăn và nguy hiểm. Cha thừa sai ấy nói “Tôi sợ !”. Đôi khi cũng có người nói là sợ trước một hoàn cảnh hay sứ mệnh nào đó, nhưng tôi không cảm thấy người đó sợ thực sự. Còn cha thừa sai này, khi nghe ngài nói, tôi cảm được nỗi sợ hãi của ngài. Dù vậy, sau đó, ngài đã chuẩn bị hành lý và lên đường.
 
2. Kinh nghiệm chuyển xứ của một linh mục
Như một kinh nghiệm sống, tôi xin ghi lại đây một bài suy niệm tôi đã có dịp chia sẽ mấy năm trước đây. Đó là những suy nghĩ của một giáo dân về cha xứ của ông mà vì vâng lời bề trên, đã từ giã giáo xứ đi đến một giáo xứ khác. Tôi biết vị linh mục này, người giáo dân này và cũng biết cả hai giáo xứ, tạm gọi là giáo xứ A và giáo xứ B, là hai giáo xứ của người Việt bên Hoa Kỳ. Ba năm trước đây, vị linh mục này được Bề Trên sai đến giáo xứ A là một cộng đoàn rất hỗn độn và lộn xộn với nhiều tranh chấp. Sau ba năm sống và phục vụ của vị linh mục này, giáo xứ A trở thành một cộng đoàn sống trong an bình, một lòng mến Chúa yêu người. Bây giờ vị linh mục đó được Bề Trên sai đến giáo xứ B, cũng trong tình trạng giống như giáo xứ A trước đây và có khi còn trầm trọng hơn. Đó là bối cảnh của lá thư người giáo dân gửi cho cha xứ của mình mà tôi xin được ghi lại dưới đây.

Cha thân kính,
Con không nhớ cha đến với con, hay con đến với cha, hay cả hai cùng đến với nhau từ bao giờ, nhưng điều con biết chắc là từ “dạo ấy” tình cha con được vun đắp để lớn mạnh đến hôm nay. Con quý mến cha không phải vì chức thánh linh mục, vì cha là chánh xứ có quyền, hay vì cha có học thức uyên thâm, nhưng chỉ vì cha là hình ảnh đích thực, sống động của người tôi tớ hèn mọn của Đức Kitô, một chủ chăn đến để phục vụ, không phải để được phục vụ. Chỉ có thế. Thật đơn giản.

Cha không trực tiếp khuyên dạy con điều gì, nhưng con xem cha là người thầy vì con đã học hỏi nơi cha rất nhiều. Cha không chỉ rao giảng Lời Chúa từ trên bục giảng ở cung thánh tráng lệ mà bằng hành động dấn thân gương mẫu. Cha không dạy yêu thương trích từ kinh kệ, sách vở mà qua các cuộc thăm viếng người già, kẻ cô đơn, bệnh tật. Cha không chỉ truyền giáo cho giáo dân có đạo trong ngôi nhà thờ tiện nghi, mà cha đi ra ngoài rao truyền cho những người chưa biết cha, chưa thấy ánh sáng của Tin Mừng… Cha không có sáng kiến nghĩ ra các phương cách gây quỹ để xây cất, sửa sang nhà thờ thật lỗng lẫy, nhưng cha luôn cố gắng tạo dựng Đền Thờ Chúa trong tâm của mỗi người. Cha không giữ đạo cho riêng mình mà lặn lội “đi” truyền đạo khắp muôn phương. Như một chiến sĩ với tinh thần trách nhiệm thật cao, chỉ buông tay súng khi không còn đạn, cha làm việc siêng năng, vất vả đến giây phút cuối cùng trước khi bàn giao và… ngay cả sau khi bàn giao công việc cho người mới đến.

Mỗi lần nghe cha giảng trong các buổi lễ ở nhà thờ hay ở tư gia, con có cảm tưởng như đang lần giở từng trang sách trong pho tự điển về kinh nghiệm cuộc sống thế trần. Cha là mẫu gương linh mục mà Giáo Hội Đức Kitô đang cần cho ngàn năm thứ ba, như lời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói : “Con người thời đại ngày nay không cần những bậc thầy rao giảng mà cần những chứng nhân của Tin Mừng. Nếu họ có tin các ông thầy rao giảng thì chẳng qua là những người này cũng là nhân chứng của Tin Mừng.”

Sáng nay trong buổi lễ bàn giao giữa linh mục cựu chánh xứ và linh mục tân chánh xứ, con kính phục cha và xúc động vô cùng vì thái độ, cung cách khiêm cung “làm phận người nhỏ bé” của cha. Phải thật lòng “mến Chúa yêu người,” “yêu tha nhân hơn chính mình,” và “nhìn thấy Chúa trong người anh em” mới có thể hành xử như cha được…

Ngày nay, người ta thường nhắc nhiều đến quyền hành lãnh đạo mà quên phần quan trọng hơn là trách nhiệm, quên rằng quyền hành không phải là cứu cánh mà chỉ là phương tiện để chu toàn bổn phận, nhất là để phục vụ. Như Đức Kitô dạy : “Ai muốn làm lớn giữa anh em phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em phải làm đầy tớ anh em.” Suốt ba năm ở giáo xứ nầy, cũng như ở các cộng đoàn, giáo xứu khác trước đây, cha đã sống lời Chúa dạy từng ngày.

Từ tuổi thiếu niên cho đến hôm nay, con vẫn thích xem phim loại “Western Movies” mà người Việt Nam quen gọi là “phim cao bồi bắn súng!” Có lẽ vì những hình ảnh cướp bóc, đốt phá, bắn giết mà nhiều người có thành kiến với loại phim này. Nhưng con tìm thấy ở đây một mẫu người hùng thật đẹp, thật đáng ca ngợi dù cho họ không hề muốn được tôn vinh, ghi ơn hay được tạc tượng để tôn thờ. Họ không màng danh lợi, quyền chức, tiếng tăm, không muốn được ai biết đến. Họ đến trong âm thầm, ra đi trong lặng lẽ, và để lại bình an, yêu thương, đoàn kết cho mọi người. Với con, họ mới thật sự là anh hùng, dù vô danh hay ít người biết!

Cốt truyện phim thường là câu chuyện về đời sống của những người Hoa Kỳ tiên phong đi khai phá vùng American Old West/Wild West, vùng đất thuộc tây ngạn sông Mississippi ngày nay, vào giữa thế kỷ 19. Tình tiết tuy có khác, nơi chốn và thời gian thay đổi, nhưng các phim Western hầu hết có chung một chủ đề. Trong cuộc Tây tiến ở Hoa Kỳ, nhiều thị trấn được thiết lập do di dân đổ xô đi tìm vàng hay tìm cơ hội để làm giàu. Thị trấn đang phát triển, phồn thịnh. Một ngày kia, một bọn cướp kéo đến bắn phá, cướp của, gây náo loạn... Dân chúng hoang mang, sợ hãi. Luật lệ lúc nầy là luật của kẻ mạnh, của súng đạn : Bắn chậm thì chết! Không ai dám ra đường, trừ bọn cướp. Thành phố mất đi sức sống.

Rồi một lãng tử độc thân độc mã đi ngang qua thị trấn, dừng chân tạm nghỉ... Thấy cảnh bọn cướp bắn phá, tạo bất an cho dân lành, anh bất bình ra tay rút súng... Bọn cướp rút lui với đồng bọn bị thương, nhưng hứa sẽ trở lại phục thù. Chàng “cao bồi” tạm đảm nhận trách vụ Cảnh Sát Trưởng (Sheriff), đứng ra kêu gọi cư dân đoàn kết bảo vệ thị trấn, tổ chức phòng thủ chống lại bọn cướp. Vài hôm sau bọn cướp trở lại, đông hơn với tên đầu đảng. Nhưng cư dân có người lãnh đạo, được tổ chức, tự tin hơn, đánh tan bọn cướp. Tên đầu đảng bị bắn chết và tàn quân bỏ chạy. Cả thị trấn ăn mừng chiến thắng... Hôm sau Hội Đồng Thị Trấn ra quyết định tuyên dương công trạng và đề cử “người hùng” làm Thị Trưởng kiêm Cảnh Sát Trưởng. Nhưng, không tìm thấy người hùng ở đâu, chỉ thấy huy hiệu ngôi sao đồng năm cánh của Sheriff để lại trên bàn...

Sáng sớm hôm đó, trong lúc mọi người còn đang an giấc sau một đêm dài liên hoan mỏi mệt, chàng lãng tử đã lẳng lặng lên ngựa dong ruổi đường xa. Không ai biết chàng đi đâu. Trên đường đi, có thể chàng sẽ phải dừng chân ở một thị trấn khác đang bị quân dữ cướp phá để làm nhiệm vụ người hùng! Sống kiếp giang hồ thì trời đất, gió sương là nhà, lưng ngựa là giường ...

Cha thân kính,
Đối với con, chàng lãng tử trong các phim cao bồi Western là hình ảnh hào hùng, tuyệt đẹp của nhà truyền giáo. Nhà truyền giáo không dùng súng đạn, nhưng có Thánh Kinh, Lời Chúa, tấm lòng rộng mở, khoan dung, yêu thương... Nhà truyền giáo không có yên ngựa, nhưng có đôi chân Chúa ban không biết mỏi mệt, đi đến nơi nào được sai đi, nơi nào Chúa muốn gửi đến, nơi nào chưa có ánh sáng Tin Mừng. Xong, lại lên đường, đi đến một nơi khác để làm “danh Cha cả sáng.” Cứ thế mà tiếp tục cho đến khi “Nước Cha trị đến”. Tự căn tính, Giáo Hội Đức Kitô là một Giáo Hội Truyền Giáo.

Có người ví tội lỗi là rác rưởi và linh mục là “thùng rác” để thế nhân trút mọi tội lỗi trần gian. Cha không chỉ là thùng rác mà còn là người đi hốt rác, nhặt rác do anh em mình vứt vung vãi trên đường đi! Hơn một lần cha chia sẻ với con nỗi âu lo về cộng đoàn mới, nơi cha sắp đến: “Đi tu thì đi đâu cũng là nhà, giáo xứ nào cũng là nhà ... Trước nay Bề Trên sai đi đâu con đi đó, thật bình thản. Nhưng sao lần này con cảm thấy bất an, cảm thấy lành ít dữ nhiều... Xin nhớ cầu cho con một kinh!”

Con tin Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, chọn đúng người, giao đúng việc. Sự ra đi của cha là điều thiệt thòi cho giáo xứ chúng con, nhưng là ân phúc Chúa ban cho cộng đoàn cha sẽ đến. Trong việc truyền giáo, cha không có ý chọn đi trên những con đường thênh thang đang nở đầy hoa, nhưng con tin chắc cha sẽ làm nở hoa, làm thơm ngát những nơi cha đến, như cha đã làm ở giáo xứ nầy ba năm qua.

Với mục tử nhân lành thì đâu cũng là nhà. Họ nhận ra Chúa ở khắp mọi nơi. Họ nhìn ra Chúa ở trong mọi người. Họn chọn cửa hẹp mà đi, không so đo tính toán thiệt hơn. Một lòng trung kiên, phó thác!

Nếu không thể giữ được người đi thì dù cho “tống cựu” (cho khuất mắt!) hay bịn rịn “tiễn đưa” cũng không thay đổi được gì. Cha đã tế nhị tránh mọi hình thức đưa tiễn để người mới đến được trọn vẹn “nghinh tân” theo ước nguyện...

Rồi... sau khi mọi thủ tục bàn giao giữa người cũ và người mới đã xong, một sáng tinh sương... trong lúc mọi người còn an giấc, cha lặng yên ngắm nhìn (lần cuối?!) vườn hoa có tượng Mẹ Thánh Maria an vị mùa Hè năm trước, công trình tượng Thánh Anna và Thánh Cả Giuse mới hoàn tất... Cha lên đường như chàng lãng tử cao bồi, anh hùng trong các phim Western: Âm thầm, lặng lẽ. Không kèn, không trống. Đơn thân độc mã ruổi rong trên đường dài...

Trong xã hội hôm nay, thói đời cũng như thói đạo, hình như ai cũng thích “Nổi”, thích khoe thành tích, chức vụ, bằng cấp, tiền của, phô trương quyền hành, thích được ca tụng, tôn vinh..., ham chuộng những cái phù du của cõi đời tạm bợ nầy! Khiêm nhường thường bị xem là tiêu cực thay vì là một đức tính. Nhưng với cha thì khác. Con biết khi viết lên những dòng chữ này, con đã xúc phạm đến đức ái và sự khiêm cung của cha. Con nhận lỗi. Con xin lỗi và ngừng nơi đây. Quên nữa, vì đức ái cha cho con nói một lời cuối...

Như người Ái Nhĩ Lan thường chúc nhau mỗi khi tiễn bạn lên đường, con thân chúc cha luôn có một luồn gió nhẹ thổi sau lưng để cha được thêm sức, tinh thần và thể lý, được mát lòng trên các nẻo đường truyền giáo. Chúc cha luôn luôn làm nở rộ hoa Yêu thương và Đoàn kết ở những cộng đoàn, giáo xứ cha đến.
Thân kính.”

Đọc xong lá thư trên đây, tôi chỉ mong ước là vẽ ra được trong đời sống linh mục của tôi những nét độc đáo của khuôn mặt Chúa Giêsu như vị linh mục này. Tự nhiên tôi lại thấy có một giấc mơ là các linh mục của giáo phận Xuân Lộc chúng ta, tất cả, đang hăm hở vẽ trên đời mình những nét thật đậm khuôn mặt của Chúa Giêsu, Đấng đã đến để làm theo thánh ý Thiên Chúa Cha (x. Ga 4,34 ; Dt 10,9).

Với lòng quý mến và tin tưởng, xin chào quý Cha.
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo Phận Xuân Lộc

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...